Ý và tình
CHƯƠNG 1
Năm 1929, giữa tháng sáu, sau một cơn hạn kéo dài hơn 10 ngày,
rồi liên tiếp mấy bữa giọt mưa chan tưới đều hết làm cho đồng ruộng chỗ nào
cũng có nước đầy đủ. Nông gia hớn hở, ai cũng lo làm cho kịp thời. Cái quang cảnh
ngoài đồng, ở miền Hậu Giang, có vẻ náo nhiệt khác thường, vì ở đâu người ta
cũng lăng xăng hoạt động, vui vẻ cần lao, chỗ thì cào phát, chỗ thì cày bừa, chỗ
thì nhổ mạ chở đi, chỗ thì lum khum cấy lúa.
Lối hai giờ trưa, trên khúc liên tỉnh từ Sóc Trăng qua Bạc
Liêu, có một chiếc xe hơi nhỏ, 2 chỗ ngồi, ở phía Sóc Trăng chạy vô, xe sơn màu
đỏ và cũ xì, máy kêu rầy rà, thùng khua lạch cạch. Khi gần tới Phú Lợi thì giàn
máy chúng chứng, không muốn quay nữa, bởi vậy xe lúc chạy được, lúc rề rề, giục
giặc một hồi rồi người sốp-phơ khó ép buộc giàn máy ráng nữa được, nên phải
đành ngừng sát bên lề đường mở cửa leo xuống.
Một cậu trai, chạc chừng đôi mươi tuổi, gương mặt sáng sủa, bộ
tướng mạnh mẽ, mình mặc một bộ Âu phục bằng bố xám may thiệt khéo, mà trên cánh
tay trái lại có cuốn một miếng nỉ đen, cậu cũng mở cửa xe phía bên kia mà bước
xuống gọn gàng. Cậu thấy sốp-phơ đương lum khum dòm vô giàn máy thì cậu hỏi:
- Sao mà giục giặc vậy? Nghẹt xăng phải không?
- Thưa, không phải, xăng xuống đều lắm, chắc thiếu lửa, để
tôi coi lại coi.
- Mấy bữa đám ma, anh đi chợ hoài, có giục giặc như vầy hay
không?
- Thưa, không. Hổm nay chạy êm lắm mà. Xe tuy cũ nhưng mà nhờ
ông ít đi, nên máy còn tốt, có hư đâu.
- Anh ráng sửa, chớ nếu nằm đường chỗ nầy thì khổ lắm đa.
- Thưa, có lẽ nào mà nằm đường. Cậu chơi một chút đợi tôi kiếm
coi hư cái gì mà trắc trở đây.
Cậu trai nầy là cậu Xuân, con của Hội đồng Kinh ở trên Bình
Thuỷ, thuộc tỉnh Cần Thơ. Cậu là con một, mồ côi mẹ từ hồi mười hai tuổi, học
đã đậu tú tài Phần thứ nhứt, rồi mới đây ông Hội đồng lại từ trần, làm cho cậu
từ còn non nớt, đương chăm chú về đèn sách, chớ chưa để ý đến việc đời, mà bây
giờ trơ trọi có một mình, trong nhà không còn cha mẹ, lại cũng không có anh em,
nên cậu phải lo lắng mọi bề, phải sắp đặt các việc.
Cậu thọc hai tay vào túi quần mà đi qua đi lại trên lộ, trong
trí tư lự rồi sự lo biểu lộ ra ngoài, nên sắc mặt coi rất nghiêm trang.
Trời ui ui chớ không nắng, lại nhờ ngọn gió Tây thổi lao xao,
bởi vậy không khí được mát mẻ rồi làm cho con người khoẻ khoắn. Cậu Xuân ngước
mắt mà ngó tứ hướng, thấy dưới ruộng chẳng cách lộ bao xa, có một đám đàn bà, đầu
đội nón lá, quần xăn lên tới bắp vế, đương lum khum cấy lúa. Mỗi người đều chăm
chú về công việc của mình, hễ tay đâm cây nọc, thì tay rút tép mạ mà giâm liền,
làm rất lẹ làng, làm hoài không mỏi. Gần đó lại có một đám đàn ông ở trần phơi
lưng đen trạy, người thì đem đám mạ rải trên ruộng đã dọn dẹp sạch sẽ rồi, người
nào mình mẩy cũng lấm lem, song ai cũng hớn hở vui cười, chớ không phiền về việc
cực nhọc.
Phía bên nầy lộ có hai cặp trâu đương trục đặng dọn đất cấy,
hai người đứng trục tay huơi ngọn roi mây, miệng la thá ví om xòm. Gần đó có một
đứa trẻ cỡi một con trâu, tay dắt theo một con nữa, nó ngồi trên lưng trâu, quần
áo tả tơi, mái tóc xấp xải, mà có lẽ nó vui lòng đắc ý lắm, nó nghêu ngao hát:
"Em ơi đám bắp trổ cờ,
Đám dưa trổ nụ, em chờ mà ăn"
Cậu Xuân lắng nghe lời lẽ rất thật thà, khác hẳn với giọng du
dương, tứ dâm dật, của những câu hát ở thành thị, cậu chúm chím cười, đứng ngó
trân trân theo đứa cỡi trâu đang thủng thẳng đi lần vào xóm. Mà trong xóm bây
giờ lại có khói bay là đà trên mái lá của mấy nhà nhỏ dựa mé ruộng, cậu thấy vậy
thì tin chắc trong nhà lo nhúm lửa nấu cơm đặng gần tới giờ mấy người đi trục,
cấy và nhổ mạ nầy về có sẵn mà ăn.
Cậu Xuân tuy sinh trưởng nơi chốn điền viên, nhưng mà vừa lớn
lên thì cậu mắc đi học, lúc bãi trường về nhà thì cậu mắc đi chơi. Đã biết cậu
có thấy người ta cày, trục, cấy, nhổ mạ và gặt lúa, song thấy là thấy thoáng
qua trước mắt, chớ cậu chưa quan sát cho tường tận những công việc cực nhọc của
nông phu.
Hôm nay tình cờ mà cậu phải đứng lâu giữa đồng, đứng rồi tự
nhiên ngó chơi mấy việc của nông phu đương làm, cậu ngó một hồi sanh cảm, trí bắt
đầu suy nghĩ đến sự sống của kẻ ở chốn thôn quê. Từ đứa nhỏ cỡi trâu kia, cho tới
đám đàn bà cấy lúa nầy, tới mấy anh đàn ông đứng trục và nhổ mạ đó, mỗi người đều
dãi nắng dầm mưa cả năm, mọi người đều cực thân nhọc xác tối ngày, mà coi bộ ai
ai cũng vui vẻ hăng hái, cực mà chẳng hề than phiền, nhọc mà chẳng hề thối chí.
Hết mùa cấy rồi tới mùa gặt, hết mùa khô rồi qua mùa ướt,
quanh năm cứ chuyên làm cho ra hột lúa hoài. Như may được trúng mùa lúa tốt, hột
nhiều nên vui mà làm nữa, ấy chẳng lạ chi; rủi gặp thất mùa, huê lợi không xứng
với công phu cực nhọc, mà cũng vẫn hăng hái làm nữa, ấy mới thiệt mà kiên tâm bền
chí.
Rõ ràng nông phu nước mình là hạng người vui vẻ mà chuyên cần
lao, tận tụy với nghề nghiệp, sống thác với vườn ruộng, ai giàu sang mặc ai, ai
khôn khéo mặc ai, miễn là mình an phận thủ thường, lòng bình tịnh, trí thơ thái
thì thôi. Con người mà có đức tánh như vầy, thì sự sống tự nhiên vui vẻ khỏi buồn,
khỏi lo, lại có thể giúp nhà thêm giàu, nước thêm mạnh.
Cậu Xuân nghĩ tới đó thì phát tâm yêu mến kính phục nông phu,
rồi nhớ tới phận mình đương hăng hái học tập tài trí đặng tranh khôn, tranh
khéo với đời, thì trong trí phưởng phất chút ít sự hối ngộ. Mà vừa hối ngộ thì
cậu liền nghĩ nông phu có cái thú thong thả thiệt. Nông nghiệp là một nguồn lợi
lớn của nước nhà thiệt, song nếu muốn dân giàu nước mạnh, thì cần phải gầy dựng
công nghệ, mở rộng thương trường nữa mới được, chớ cả mọi người chuyên cày sâu
cuốc bẫm, thì nền kinh tế khó mà thạnh vượng. Đời tấn hoá thì người phải tấn
hoá theo...
Cậu Xuân nghĩ chưa hết ý, kế nghe xe hơi rồ xăng.
Cậu mừng rỡ chạy lại chỗ xe đậu mà hỏi:
- Chạy được rồi hả?
Sốp-phơ lắc đầu đáp:
- Thưa, ít lửa quá.
- Sao máy chạy được đó?
- Tuy chạy được, nhưng chạy không đều, hễ hụt lửa là tắt.
- Bây giờ làm sao?
- Để ráng chạy thử coi.
- Ừ, anh ráng chạy cho tới Bạc Liêu. Nếu tối thì tôi ghé nhà
anh Triều tôi nghỉ, để anh sửa máy cho tử tế rồi ngày mai mình sẽ đi Cà Mau.
o O o
Đến chiều, mặt trời ló ra một chút rồi chen lặn lần lần vào một
vùng mây đen kịt, giăng sừng sựng như một dãy núi cao bên hướng Tây.
Đi tới nhà Ông Từ Tệt, ở ngoài châu thành Bạc Liêu, dựa bên lề
đường đi Cà Mau, xe của cậu Xuân mới quẹo vô sân rồi đậu ngay trước thềm. Cậu
Xuân thủng thẳng mở cửa ra bước xuống, sốp-phơ rồ xăng, máy kêu ồ ồ, khói ra
nghi ngút.
Ông Từ Tệt, đã gần 50 tuồi, đương ngồi trong nhà đọc truyện
"Đông Châu liệt quốc", bỗng nghe có tiếng xe hơi vô sân, thì ông lơn
tơn bước ra cửa đứng ngó, mình mặc một cái quần lãnh đen mới tinh, với một cái
áo lá lụa trắng, để trống hai cánh tay rất cứng cỏi mạnh mẽ.
Cậu Xuân vừa thấy chủ nhà thì vội vã cúi chào rất hiệp lễ,
nhích miệng cười, đôi môi đỏ lòm như thoa son, hai hàm răng trắng trong và khít
rịt.
Ông Từ Tệt mau mắn hỏi:
- Cháu có việc gì hay sao mà đi tối như vầy?
- Thưa, cháu đi Cà Mau nên ghé thăm chú thím với anh Triều.
- Cháu đi thăm ruộng phải không?
- Dạ. Thưa chú, không biết có anh Triều ở nhà hay không?
- Không có. Nó đi chơi ngoài Đà Lạt.
- Ủa? Ảnh tính lên Đà Lạt mà sao hôm lên đám ba cháu ảnh
không nói cho cháu hay! Thưa, ảnh đi hồi nào?
- Nó mới đi hôm qua. Lúc nầy bãi trường, có hai thầy giáo muốn
ra ngoài đó nghỉ chơi ít ngày, họ rủ nó, nên nó đi với họ. -- Nó nói nó đi chừng
gần khai trường rồi nó sẽ về mà đi học.
- Anh nầy thông thả quá! Còn gần một tháng nữa mới khai trường.
Nếu vậy thì anh Triều sẽ ở lại Đà Lạt lâu lắm.
- Phải. Nó nói nó ở vài mươi ngày. Cháu đi Cà Mau, mà bây giờ
gần tối rồi, đi làm sao được?
- Cháu thưa thiệt với chú, ở nhà cháu đi hồi 12 giờ trưa,
tính chiều chắc xuống tới Cà Mau, không dè cái xe bất nhơn quá, máy thiếu lửa,
nên từ Phú Lộc qua đây cứ giục giặc hoài, nên bây giờ cháu mới tới đây. Đường
đi Cà Mau còn tới 60 cây số, mà trời đã tối rồi, nếu xe nằm đường thì cháu chắc
sẽ nhịn đói, mà lại bị muỗi cắn nữa. Vậy cháu xin chú cho cháu nghỉ đây một
đêm, cho sốp-phơ sửa máy cho tử tế rồi sáng mai cháu sẽ đi.
- Được, được. Cháu vô nhà...Anh Hội đồng mới mất mà cháu đã
biết đi thăm ruộng như vậy thì được lắm. Chú khen đa. Cháu phải nong nả, chớ đừng
có bỏ phế như anh Hội đồng thì uổng lắm. Có đất mà không lo khai phá, thì làm
sao thành điền cho có huê lợi được...Thôi, vô đây cháu, vô chơi một chút rồi
thím cháu sẽ về ăn cơm.
- Té ra cũng không có thím ở nhà?
- Bả đi với con Quyên vô trong chợ, đi từ hồi 4 giờ, chắc
cũng gần về.
Cậu Xuân vui vẻ day lại kêu sốp-phơ biểu kiếm chỗ để xe và dặn
phải ráng sửa máy để sớm mai đi khỏi trục trặc nữa.
Ông Từ Tệt chỉ một cái nhà trống bên phía tay mặt mà biểu sốp-phơ
đem xe vô đó, rồi ông mới dắt cậu Xuân vô nhà.
Ông Từ Tệt ở một toà nhà rộng lớn, nền đúc cao ráo, sau có nhà
cặp, hai bên có hai lẫm lúa, coi rất đồ sộ. Tuy ông gốc con cháu khách, song
ông cố lo làm giàu, chớ không chịu khoe khoang kiêu hãnh như mấy ông nhà giàu mới
trong xứ, bởi vậy kiểu nhà ở ngoài trông không có vẻ mỹ thuật mà trong nhà bàn
ghế cũng lôi thôi, không có vẻ thanh nhã.
Cậu Xuân vô nhà, vừa ngồi thì liền hỏi theo lệ thường của hạng
người có giáo dục:
- Thưa, chú thím ở dưới nầy mạnh giỏi?
- Thím của cháu thì mạnh. Còn chú từ hôm đưa đám tang của anh
Hội đồng về rồi hai cái vai nó nhức dữ quá, nhức gần 10 bữa ngồi không được, mới
bớt vài bữa rày đây.
- Chắc tại chú lên ở mấy bữa đó chú ngồi hoài nên mệt mỏi rồi
nhức vai chớ gì?
- Có lẽ tại vậy đó. Một đời người có một lần chết mà thôi.
Anh Hội đồng là anh em thuở nay yêu thương nhau, rủi ảnh từ trần, chú phải ở mà
đưa ảnh lên đường cho bảo mãn, chớ lên thăm nhếu nháo rồi bỏ về sao được. Vì mấy
bữa đó khách khứa đông phải ngồi nói chuyện với người ta, nên có mỏi mệt chút đỉnh.
- Chú trộng tuổi mà chú ráng ngồi luôn mấy bữa tự nhiên phải
bịnh.
- Không đến nỗi bịnh. Nhức mỏi hai vai chút ít vậy thôi. Anh
Hội đồng mất rồi, bây giờ cháu còn có một mình, nhà cửa minh mông mới làm sao
đây? Ai coi trong, ai lo ngoài? Chắc cháu phải thôi học và lo cưới vợ đặng có
người giúp coi nhà cửa cho cháu, lo về ruộng vườn mới được.
- Thưa, cháu không thể thôi học được. Cháu cũng như anh Triều,
thi Tú tài đã đậu một phần thứ nhứt rồi. Vậy phải ráng học thêm một năm nữa đặng
thi phần thứ hai cho xong rồi sẽ hay. Mà dầu thế nào thì cháu cũng không cưới vợ.
- Sao vậy?
- Cháu muốn thong thả đặng bay nhảy với đời. Có vợ con lòng
thòng khó mà lo việc lớn cho được. Cháu chắc cái đời của cháu là đời cô lập, chẳng
bao giờ cháu có vợ đâu.
- Cháu nói kỳ cục quá! Người ở đời có ai mà không có vợ.
- Thưa chú, có chớ. Cháu thấy có nhiều người họ ở một mình,
không thèm cưới vợ, bởi vậy họ thong thả mà kinh dinh sự nghiệp được. Cháu muốn
bắt chước làm theo những người ấy.
- Cháu nói quấy. Không phải vậy đâu. Dầu ở đâu cũng vậy, ai
cũng phải coi gia đình là một điều quan hệ, cần thiết hơn hết của con người. Phải
có gia đình mới có Quốc gia. Nếu bỏ gia đình thì lấy chi mà duy trì chủng tộc.
Mà nếu chủng tộc tiêu tuyệt thì còn chi mà lập thành Quốc gia. Ấy vậy dầu cháu
học giỏi đến bực nào đi nữa, cháu cũng chẳng nên quên sự ấy. Cháu phải tôn trọng
gia đình, cháu phải lo gầy dựng gia đình, rồi muốn làm việc chi sẽ làm. Muôn việc
ở đời phải có gốc rồi mới có ngọn. Cháu muốn làm việc lớn mà cháu không lo bồi
đắp cái gốc trước cho vững chắc, thì dầu làm việc gì cũng khó nên được.
Cậu Xuân không cãi mà lại chúm chím cười làm cho Ông Từ Tệt
thấy rõ ý cậu không phục lời ông giảng dạy đó. Ông là một người nuôi chủ nghĩa
thực tế, lại có tánh kiên nhẫn đầy đủ, bởi vậy ông không ngã lòng, cứ chậm rãi
nói tiếp: "Theo phận của cháu thì cháu cần phải lo lập gia đình hơn người
khác. Anh Hội đồng sanh có một mình cháu. Cháu phải lo cưới vợ đặng có con mà
phụng tự ông bà, nối nghiệp về sau chớ. Theo phong tục người mình, bất hiếu hữu
tam, vô hậu vi đại. Cháu không nhớ câu đó hay sao? ".
Cậu Xuân châu mày suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Bề nào thì cháu cũng phải lo học đặng lấy cái bằng cấp Tú
tài phần thứ nhì rồi sẽ hay.
- Cháu đi học nữa, rồi bỏ nhà cửa, ruộng vườn cho ai coi?
- Cháu đã có cậy bà cô với ông dượng của cháu về ở coi nhà
dùm cho cháu.
- Cô ruột phải không?
- Thưa, không. Cô bà con một họ, thuở nay ở gần một bên nhà
cháu. Cháu hứa cho huê lợi trong vườn nên vợ chồng cô bằng lòng.
- Nghe nói nhà cháu đó là nhà thờ phải hôn?
- Thưa, phải.
- Người ta nói mấy năm sau đây, anh Hội đồng có bán đất cũ của
ảnh ở trên Bình Thủy. Vậy chớ bây giờ ảnh còn ruộng đất ở trển được bao nhiêu,
cháu biết không?
- Thưa, không còn chi hết. Ba cháu đã bán hết mà trả nợ, bây
giờ còn một mẫu vườn là đất hương hoả chỗ nhà thờ đó với một ngàn mẫu đất mua của
Nhà nước ở trong làng Tân Hưng, dưới Cà Mau mà thôi.
- Sở đất dưới Tân Hưng thì chú biết, bởi vì chú cũng có một sở
giáp ranh đó. Sở đất đó tốt lắm. Tại anh Hội đồng có bịnh, ảnh không xuống được
để qui tụ tá điền mà khai phá, ảnh cho Hương thân Kiêm nó hoá, mỗi năm nó đóng
cho ảnh vài ba ngàn giạ lúa, thiệt uổng hết sức.
- Thưa chú, lúa ruộng của chú chắc là nhiều lắm?
- Chút đỉnh, chú góp không tới 50 ngàn giạ.
- Trời ơi! Năm chục ngàn giạ mà chú nói là chút đỉnh.
- Người ta góp tới một hai trăm ngàn giạ kia chớ.
- Cháu cầu được như chú thì sung sướng lắm rồi, không cần nhiều
hơn nữa.
- Cháu muốn được số lúa gạo bằng của chú, thì cháu phải lo
khai phá đất ở dưới Tân Hưng đó đi. Hễ cháu lo làm ăn thì tự nhiên cháu sẽ
giàu, chắc chắn như vậy. Có đất sẵn, nếu biết cần mẫn, biết bền chí thì làm
giàu dễ như chơi,
Cậu Xuân không muốn kéo dài câu chuyện ấy nữa, nên cậu trở
mái mà hỏi:
- Từ hồi bãi trường năm ngoái tới giờ, cháu không có xuống dưới
nầy, nên không có gặp em Quyên, không biết năm nay em còn nhõng nhẽo hay không?
- Vì má nó cưng nó quá, nên nó nhõng nhẽo lung lắm, làm sao
mà hết được. Nó học trường con gái ở đây năm nay lên tới lớp nhứt rồi đó. Nó thấy
con người ta đi học trên Sài Gòn, nó cứ đòi đi. Thím của cháu sợ nó đi xa rồi
nhớ nó, nên không chịu cho nó đi. Nó làm giận làm hờn hổm nay.
- Cho em lên Sài gòn học mau hơn chớ.
- Chú cũng muốn như vậy, ngặt vì thím của cháu không chịu rời
nó ra. Thôi, để nó học lớp nhứt dưới nầy cho có bằng Sơ học rồi sẽ hay.
- Nước da của em còn đen không?
- Nó là "Tiểu thơ mặt lọ" làm sao hết đen cho được.
- Con gái mà đen quá, chừng em lớn làm sao mà gả lấy chồng.
- Lo gì cháu! Nghèo kia mới sợ, chớ hễ có tiền thì nó bao phủ,
rồi có thấy đen hay trắng gì đâu.
- Chú nói đúng lắm. Đời nay thiên hạ họ coi tiền là hơn hết.
Ông Từ Tệt cười. Cậu Xuân cũng cười.
Trời đã tối. Gia dịch đốt đèn bưng ra. Sốp phơ xách va ly của
cậu Xuân đem vô nhà cho cậu.
Bà Tệt với con gái là cô Quyên đi chợ về. Khi bước vô nhà thấy
Xuân thì bà mừng rỡ, rồi bà day lại hỏi con:" Con có biết anh nào đó hay
không?"
Cô Quyên nay đã 15 tuổi, nước da bánh ếch lại mặc đồ đen, nên
coi gương mặt tối hù. Cô nghe mẹ hỏi thì cười và đáp: "Anh Xuân là con bác
Hội đồng trên Cần Thơ chớ ai."
Bà Tệt vui vẻ hỏi Xuân:
- Cháu xuống hồi nào?
- Thưa, cháu xuống hồi chiều.
- Sao cháu không đi sớm mai? Cháu đi tối rồi bỏ nhà cửa ai
coi cho cháu?
Ông Từ Tệt hớt mà đáp:
- Cháu nó nói có bà cô với ông dượng về coi nhà dùm. Nó đi Cà
Mau, bị xe trục trặc lỡ tối nên ghé đây mà nghỉ rồi sớm mai sẽ đi. Má nó biểu bầy
trẻ dọn cơm riết đi đặng cháu nó ăn với.
Bà Tệt nghe như vậy thì vội vã đi thẳng vô nhà sau.
Cô Quyên, tóc còn bỏ xoã sau lưng chớ chưa bới, cô ngó cậu
Xuân mà cười rồi đi theo mẹ vô trong.
Cách chẳng bao lâu cô Quyên trở ra mời cha và cậu Xuân vô
trong dùng cơm.
Bốn người ngồi chung quanh một cái bàn tròn, Quyên ngồi gần
Xuân cứ ngó Xuân mà cười.
Bà Tệt hỏi Xuân:
- Cháu đi Cà Mau thăm ruộng hay có việc chi?
Xuân dụ dự một chút rồi mới đáp:
- Dạ thưa... cũng vì việc ruộng đất đó nên cháu mới đi.
- Cháu muốn kiếm người khác mà cho hoá phải không? Bây giờ lỡ
mùa rồi, muốn đổi người hoá thì phải chờ cho qua tháng giêng gặt rồi mới đổi được.
Mà theo ý thím, thì cháu nên xuống đó cất nhà cất lẫm mà ở rồi qui tụ tá điền,
bổn thân cháu khai phá thì tốt hơn. Họ hoá đất, họ lo kiếm cơm họ ăn, chớ họ có
lo làm ruộng mình tốt đâu. Nếu cháu không cho Hương thân Kiêm hoá nữa, cháu đổi
người khác thì cũng vậy. Đất của chú thím cũng mua một lượt với đất của anh Hội
đồng. Nhờ chú thím ra công khai phá, nên bây giờ thành điền hết rồi. Thím mắc ở
dưới gần một tháng, thím coi cấy xong, thím mới trở về ba bữa nay, chớ không
thím đi theo cháu đặng thím chỉ cho cháu coi. Một ngàn mẫu của chú thím năm nay
cấy giáp hết. Thím cho mướn tới hai giạ một công. Mấy chỗ tốt tới hai giạ rưỡi.
Cháu ra công mà làm, trong ít năm nữa rồi đất của cháu cũng thành điền tốt như
vậy.
- Cháu không biết làm ruộng lại không có vốn, nên khó mà làm
được.
- Cháu không biết thì chú thím chỉ cho; còn như thiếu vốn thì
chú thím giúp cho.
- Cháu xin thưa thật với thím, không biết ngày sau như thế
nào, chớ hiện giờ cháu không thích nghề làm ruộng chút nào hết, cháu muốn học
cho có tài rồi làm những việc vĩ đại kìa.
- Cháu không thích làm ruộng, là vì cháu chưa đặt chơn vào
nghề ấy. Nghề làm ruộng vui lắm cháu. Lúc cấy rồi, lúa lên tươi tốt, sớm mai hoặc
chiều mình ngó vô ruộng thì trong lòng khoẻ khoắn không biết chừng nào. Lúc lúa
trổ đều rồi, hay là lúc lúa chín cũng vậy, nhà nông vui vẻ vô hồi. Lại ở ruộng,
mình trồng cây trái chung quanh nhà, mình nuôi gà vịt, mình trồng cải rau, mình
đào ao nuôi cá, mỗi ngày mình chăm sóc thú mình nuôi, mình vun phân tưới nước đồ
mình trồng, vui biết bao nhiêu. Chốn điền viên có nhiều thú vui lắm cháu.
- Cháu thưa thiệt, tâm hồn của cháu chưa biết thú vui ấy.
Ông Từ Tệt cười và nói:
- Hồi chiều cháu nói cháu không thèm cưới vợ, nghĩa là cháu
nói cháu không biết yêu thú gia đình. Bây giờ cháu lại nói cháu không thích thú
điền viên. Thiệt chú không hiểu ý cháu muốn sự gì. Cháu không chịu làm ruộng, vậy
chớ cháu xuống Cà Mau làm chi vậy?
Xuân lơ lửng một chút rồi thủng thẳng đáp:
- Cháu xin tỏ thật với chú thím, có ông Cả Bình ở dưới Cà Mau
lên hỏi cháu mà mua sở đất của ba cháu đó. Vì vậy cháu đi xuống đó đặng tính thử
coi.
Ông Từ Tệt nghe mấy lới ấy thì ông chống đũa ngó Xuân trân
trân và hỏi:
- Cháu tính bán sở đất đó hay sao?
- Thưa, đất ở xa quá, lại nước mặn, phần thì cháu không thạo
ruộng nương, bởi vậy cháu tính nếu họ mua phải giá thì bán cho rảnh.
- Hứ! Anh Hội đồng mới mất mấy bữa rày, cháu làm giống gì mà
gấp dữ vậy?
- Cháu không biết làm ruộng, nếu để ruộng thì không có ích
chi.
- Ruộng mà cháu nói không có ích, thế thì còn thứ gì có ích nữa
đâu! Anh Hội đồng mất, ảnh không có chút ít tiền bạc gì cho cháu hay sao, nên
cháu phải bán đất mà xài?
- Thưa, hôm ba cháu mất, cháu mở tủ sắt thì còn một ngàn bảy
trăm đồng, tống táng ba cháu thì chỉ tốn có 900đ00, trong nhà còn dư lại được
800đ00.
- Còn dư tiền sao lại lật đật bán đất? Người có chí cần kiệm,
nếu hễ có vốn tám trăm đồng, thì họ làm rồi có thể gây dựng sự nghiệp lớn được.
Hồi chú cưới vợ rồi ra ở riêng, chú chỉ có năm trăm đồng mà thôi, chớ nhiều nhỏi
gì. Cháu bây giờ có tới tám trăm đồng, lại có một ngàn mẫu đất, có nhà cửa vườn
tược sẵn sàng nữa. Cháu có đủ phương thế làm giàu, sao cháu không tính bồi đắp
mà lại tính phá hoại?
Xuân thấy sắc ông Từ Tệt không vui, lại không kiếm được lời
mà đáp với mấy câu hữu lý của ông, bởi vậy cậu không cãi nữa.
Ăm cơm rồi, bà Tệt biểu Xuân thay đồ mát và biểu người nhà trải
chiếu giăng mùng sẵn tại bộ ván lớn để Xuân nghỉ.
Ông Từ Tệt ngồi tại bàn giữa mà ăn trầu, có cô Quyên cà rà ngồi
một bên. Chừng ông thấy Xuân thay đồ mát rồi, ông mới kêu cậu lại ngồi ngay trước
mà hỏi: "Hồi chiều cháu nói dầu thế nào cháu cũng đi học nữa, chớ cháu
không chịu bỏ học để cưới vợ mà lo việc nhà. Nếu cháu đi học nữa, mà cháu bán đất
rồi cháu lấy tiền bạc làm việc gì đâu, cháu nói chú nghe thử coi."
Xuân suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Cháu bán đất lấy bạc gởi hết vào ngân hàng, mỗi năm cháu
rút số tiền lời mà ăn học. Chừng nào cháu học thành tài rồi, cháu sẽ dùng số bạc
ấy để làm vốn mà làm ăn.
- Vậy cháu giữ nguyên đất ấy, mỗi năm cháu lấy huê lợi mà ăn
học không được sao?
- Huê lợi ít quá, lại nếu để đất thì mỗi năm phải lo đóng thuế,
phải lo cho mướn, phải lo thâu góp lúa ruộng, cực lòng mà lại tốn hao nữa.
- Cháu cần dùng tiền mà ăn học mỗi năm chừng bao nhiêu?
- Thưa, chừng vài ba ngàn.
- Học gì mà lại tốn hao dữ vậy?
- Cháu tính hễ lấy đủ hai bằng Tú tài rồi thì sẽ đi Tây mà học
thêm nữa, học cho tới bực cao đẳng.
Ông Từ Tệt gãi đầu, châu mày rồi nhìn vợ nằm bên bộ ván ngang
đó.
Bà Từ Tệt nói:
- Cháu nói mỗi năm cháu cần dùng ba ngàn đồng bạc mà ăn học.
Vậy thôi cháu đừng bán đất; cháu để thím mướn, mỗi năm thím trao cho cháu ba
ngàn, thuế vụ thím đóng cho hết thảy.
Xuân ngồi lặng thinh suy nghĩ. Cô Quyên ngó cậu mà cười, song
cậu cũng giữ một mực nghiêm nghị.
Ông Từ Tệt hỏi:
- Anh Hội đồng mất, mà ảnh có để nợ nần gì hay không? Cháu
nói thiệt cho chú biết.
- Thưa, không. Ba cháu mắc nợ năm ngoái đã bán đất Bình Thuỷ
mà trả dứt rồi, không còn thiếu ai đồng nào hết.
- Nếu không có nợ sao lại lật đật bán đất? Nầy cháu, tuy anh
Hội đồng với chú là anh em bạn, chớ không phải anh em ruột thịt, song thuở nay
chú thương ảnh lung lắm. Vì thương nhau nên năm trước chú mới xúi ảnh đấu giá
mua đất Cà Mau đó. Chú mua một ngàn mẫu, ảnh mua một ngàn mẫu, hai anh em tính
hiệp lực mà khai phá. Vì bị họ giành mua nên mới mắc một chút.
- Cháu có coi giấy tờ, mua sở đất đó tốn gần 30 ngàn.
- Phải, tuy nói mắc, song theo giá bây giờ thì không mắc đâu.
Tiếc vì mua mới có một năm kế ảnh có bịnh, rồi ảnh phải hút, nên không thể chịu
cực xuống Cà Mau ở mà khai phá được. Nay ảnh theo ông, theo bà, cháu là con
trai thôi đừng đi học nữa, cháu cưới vợ rồi xuống ở Cà Mau, lo qui tụ tá điền
mà mở đất. Chú dám nói chắc, cháu khai kinh đắp đập, lên bờ, làm trong năm năm
thì cháu sẽ trở nên một vị điền chủ lớn, có đôi ba chục ngàn huê lợi. Như cháu
chịu làm thì chú sẽ bày bảo giùm cho, có cần dùng tiền mà đào kinh cất nhà, hoặc
mua lúa mà nuôi tá điền, thì chú sẽ giúp cho. Chú thương cháu cũng như thằng
Triều nên chú mới chỉ bảo như vậy; cháu phải nghe lời chú.
Xuân ngồi cạy móng tay mà suy nghĩ.
Cô Quyên mới lấy một cái vú cau mà liệng trúng cánh tay Xuân
mà cười ra tiếng. Bà Tệt thấy vậy thì trách con: "Đừng có vô phép như vậy
con. Để anh con nói chuyện chớ."
Xuân lượm cái vú cau mà quăng lại cô Quyên rồi cười và đáp với
ông Tệt:
- Chú cứ xúi cháu cưới vợ hoài. Đời nầy bọn thanh niên như
cháu đều muốn hưởng trọn quyền tự do của mình đặng hoạt động cho dễ. Cưới vợ rồi
thì vợ con ràng buộc làm cho bước đường đời lúng túng, khó mà tính việc cao xa
vĩ đại cho được.
- Cháu không muốn cưới vợ thì thôi. Mà bề nào cháu cũng đừng
bán sở đất đó, bán uổng lắm. Đất đến một ngàn mẫu, dễ gì kiếm hay sao cháu. Đó
là cái cơ sở để giúp cháu làm giàu, lại làm giàu lớn nữa. Hột lúa quí lắm, cả bầu
trời đâu đâu cũng cần dùng. Mình ở nhằm chỗ đất điền phì nhiêu, tự nhiên mình
phải làm có lúa cho nhiều đặng mà lấy lợi. Nghề nông lợi lắm, lại thong thả nữa.
- Cháu cũng biết nghề nông thì lợi lắm. Mà bây giờ cháu còn
nhỏ nên cháu muốn đi học, chớ chưa muốn làm ruộng. Cháu phải học cho rộng trí
thức tài nghề, đặng như có làm ruộng thì làm theo cách văn minh, dùng máy móc,
làm cho có hột lúa nhiều, hột lúa nặng cân đặng bán cao giá.
- Văn minh làm gì cháu. Cháu làm theo cách quê mùa thuở nay
đó thì cũng có lúa được vậy.
- Nghề gì cũng vậy, phải tấn hoá chớ.
Ông Từ Tệt có tánh ngủ sớm, nên ông không cãi nữa, đứng dậy
đi uống nước, sửa soạn ngủ.
Cô Quyên liền hỏi Xuân:
- Khai trường anh cũng lên Sài gòn mà học nữa như anh Hai tôi
phải không?
- Ừ, qua học nữa.
- Tôi muốn lên trển tôi học quá, má tôi không chịu cho đi. Học
dưới nầy cứ lù đù quá.
- Phải, trường dưới nầy nhỏ tự nhiên bực học phải thấp. Như ý
em muốn lên Sài Gòn thì em thưa thiệt cho má em nghe, chắc má em dầu thương nhớ
em đến đâu đi nữa cũng không lẽ không cho em lên trển mà học.
- Hay anh nói dùm với má tôi đi.
- Em muốn thì em lên xin với thím, qua đâu dám nói.
Bà Tệt nghe hai trẻ nói chuyện, bà hỏi: "Con Quyên nó
nói giống gì đó?"
Xuân cười và đáp:
- Em Quyên cậy cháu xin với thím cho em lên trường Sài Gòn em
học.
- Trời ơi! Đen thui mà đòi học trường Sài Gòn.
Cô Quyên cùn quằng nói:
- Con đen mặc kệ con. Sao hồi đẻ con má không đẻ cho trắng, rồi
bây giờ má trở lại má cười con.
Bà Tệt cười ngất và ngồi dậy mà đáp:
- Ai biết làm sao mà đẻ cho trắng được. Ối! Má nói giễu chơi,
chớ đen hay trắng cũng không cần, miễn là mình giỏi mà thôi. Khuya rồi, thôi đi
ngủ con. Để cho anh con nghỉ sớm, vì ngày nay đi xa nó mệt.
Mẹ con bà Tệt dắt nhau đi vô buồng.
Xuân thấy dạng ông Tư Tệt còn thơ thẩn ngoài hàng ba, cậu sợ
ông trở vô giảng luân lý nữa, nên cậu lật đật chun vô mùng mà nằm.
CHƯƠNG 2 -
S
áng hôm sau, cậu Xuân thức dậy, nghe sốp-phơ đã sửa xe xong rồi,
bây giờ máy có lửa đủ, hết sợ trục trặc nữa, thì cậu liền thay đồ sửa soạn đi
Cà Mau.
Ông Từ Tệt thấy vậy mới hỏi:
- Cháu đi đâu mà sửa soạn thay đồ?
- Thưa, đi Cà Mau.
- Hồi hôm qua chú thím nói như vậy mà cháu không chịu đổi ý,
cứ quyết bán đất hay sao, nên đi Cà Mau.
- Cháu tính nếu không bán đất, thì cháu không thể học nữa được.
- Cháu có cái trí muốn học cho cao thì tốt lắm. Thôi thì cháu
cho thím cháu mướn đất đó, mỗi năm thím đóng cho cháu ba ngàn đồng bạc đặng
cháu ăn học cũng được, cần gì phải bán.
- Cháu nghĩ làm như vậy không tiện.
- Sao mà không tiện? Vậy chớ họ mua bao nhiêu mà cháu ham lợi,
nên bươn bả bán gấp vậy.
- Thưa, ông Cả Bình lên kiếm cháu mà trả giá 30 ngàn, cháu
đòi 50 ngàn. Ồng trả thêm 5 ngàn nữa là 35 ngàn. Vì bán giá đó thấp hơn giá mua
hồi trước thì bán làm sao được. Cháu tính xuống nói với ổng nếu thiệt bụng ổng
muốn mua, thì ít nào 40 ngàn cháu mới bán.
- Thiệt cháu định bán và cháu dứt giá 40 ngàn hay sao?
- Dạ.
Ông Từ Tệt châu mày nghĩ một hồi lâu rồi thở dài mà nói:
- Chú không bằng lòng cho cháu bán đất. Sự nghiệp của anh Hội
đồng bây giờ chỉ còn có sở đất đó mà thôi. Cháu bán rồi còn gì nữa đâu! Nếu
cháu không nghe lời chú, cháu nhứt định bán, thôi thì chú mua. Cháu bán cho người
ta giá nào thì chú mua giá đó. Thà là chú mua, chớ chú không đành để đất ấy về
tay người khác.
Xuân chúm chím cười mà đáp:
- Như chú muốn mua, thì cháu phải bán cho chú, chớ có lẽ nào
cháu bán cho thiên hạ.
- Không phải chú muốn mua. Chú nói nếu cháu quyết bán thì chú
tranh mà mua, vì chú không chịu để lọt vào tay người khác. Còn như cháu để mà
làm, thì chú sẽ giúp cho cháu đặng khai phá cho thành điền, chớ chú mua làm
chi.
- Cháu nhứt định bán, bởi vì cháu tính đi học nhiều năm nữa,
không thể để được.
- Cháu nói như vậy thì chú mua. Cháu định 40 ngàn thì chú mua
40 ngàn, chú không bớt.
- Còn 4 tuần lễ thì tới khai trường, cháu phải đi học. Vậy nếu
chú mua thì chú làm giấy tờ cho gấp gấp, chớ để khai trường e bất tiện cho
cháu.
- Được, cháu muốn làm giấy tờ gấp thì làm. Mình vô nói với với
ông Lục sự Nô-te, ổng làm giấy tờ trong mấy bữa thì xong. Mà cháu có đem bằng khoán
đất đi theo hay không?
- Thưa, có đủ hết, có bằng khoán, có bản đồ. Mà cháu cũng sao
lục khai tử của ba cháu và có lập tờ tông chi sẵn sàng rành rẽ nữa.
- Được lắm. Cha chả, mà cháu còn nhỏ, không biết Nô-te họ có
nài phải có trưởng tộc đứng hay không?
- Thưa, không. Cháu đúng 21 tuổi rồi, cần gì trưởng tộc. Cháu
cũng có đem khai sanh của cháu theo trong va ly.
- Cháu sắp đặt thiệt sẵn sàng, rành rẽ. Thế thì cháu đã quyết
bán đất đã lâu rồi hay sao chớ?
- Thưa không. Hôm ông Cả Bình lên nói rồi cháu mới lục giấy tờ
đó.
- Anh Hội đồng ảnh chần chờ lắm. Còn cháu bây giờ lại mau mắn
quá. Cháu không giống ảnh chỗ đó.
- Tánh ngày xưa khác hơn tánh ngày nay. Hạng thanh niên bây
giờ thảy hết đều cương quyết, làm việc gì cũng vậy, hễ nhứt định là làm liền,
không chịu dụ dự.
- Bởi vậy nên thường hay lầm.
- Thưa chú, mà nhiều khi khỏi mất cơ hội tốt.
Bà Tệt biểu gia dịch dọn đồ ăn lót lòng. Xuân được như ý muốn,
mà khỏi đi Cà Mau mà bàn về sự bán đất với ông Cả Bình thì cậu vui vẻ ngồi ăn
mà cứ giỡn với cô Quyên.
Ăn uống xong rồi, Xuân mới lấy giấy tờ ra xe hơi mà đi với
ông Từ Tệt vô toà cậy ông Lục sự Nô-te lập tờ bán đất. Thấy mối hậu, ông Lục sự
Nô-te tiếp rất hậu, xem xét giấy tờ rồi chịu lãnh làm liền và hứa sẽ làm mau
mau.
Chừng về nhà, ông Từ Tệt mời luôn Xuân ở dưới nầy đợi bữa nào
giấy tờ làm xong thì ký tên liền cho khỏi trễ. Bà Tệt với cô Quyên cũng ân cần
cầm ở lại, nói rằng nhà đã có sẵn người coi, nên không phải cần về làm chi.
Xuân chịu ở, mới sai sốp-phơ đi xe đò về Bình Thuỷ lấy thêm áo quần và lấy luôn
cái máy chụp hình đem xuống cho cậu.
Cô Quyên là con cưng nhứt trong nhà nên trừ ra đi học mới đi
chơi bời với chị em trong trường, còn về nhà cô không có bậu bạn nào hết, vì
Triều mắc học trên Sài Gòn, không ở nhà. Nay nghe Xuân chịu ở chơi, thì cô mừng
quá cô cứ đeo theo một bên Xuân, cậy Xuân dạy cô học, rủ Xuân ra vườn chơi.
Trưa bữa sau anh sốp-phơ đem đồ xuống. Xuân lấy máy chụp hình
ra mà chùi, tính chiều mát mẻ đi kiếm cảnh đẹp mà chụp lấy hình để dành chơi.
Cô Quyên đòi đi theo Xuân đặng coi chụp hình. Vợ chồng ông Tư
Tệt cưng con, không muốn làm cho con buồn, lại nghĩ con vẫn còn khờ dại, còn
Xuân như con cháu trong nhà, một thể với Triều, bởi vậy ông bà đều chịu cho đi,
song căn dặn con phải mặc quần áo cho tử tế và lên xe ngồi tề chỉnh, chẳng nên
liến xáo.
Đến xế mát, Xuân thay y phục, mặc bộ đồ Tây, Quyên mặc áo quần
toàn lụa trắng cũng mới, tóc chải láng mướt, chưn mang giày thêu, hai trẻ vui vẻ
dắt nhau lên xe hơi. Vì xe có hai chỗ ngồi nên Xuân biểu sốp-phơ ở nhà, cậu cầm
tay bánh để Quyên ngồi một bên, mượn Quyên ôm dùm cái máy chụp hình, rồi mới mở
máy cho xe chạy ra lộ. Quyên đắc ý, liếc mắt ngó Xuân, miệng chúm chím cười. Vợ
chồng ông Từ Tệt đứng bên thềm ngó theo, tuy mặt tươi cười, song lòng có chút
lo ngại.
Xuân không thông thạo đường sá tỉnh Bạc Liêu, nên cậu vào chợ
rồi cậu bợ ngợ không biết phải đi đường nào mới có cảnh đẹp mà lấy hình. Cậu
day qua hỏi Quyên thì cô ú ớ không biết đường nào mà chỉ. Cậu đi nhầu, té ra nhằm
đường qua Hưng Hội.
Ra khỏi châu thành thì hai bên đường ruộng lúa cấy đã hơn một
tháng, lúa nở bụi tốt tươi, lá phơi màu xanh lét, trải ngay trước mặt là một bức
tranh thiên nhiên gồm đủ cảnh quảng đại và cảnh u nhàn.
Cô Quyên có tánh cũng liến xáo, song cô có lòng đa cảm, bởi vậy
thấy cảnh đẹp cô chẳng khỏi động lòng. Tiếc vì cô không đủ lời để tả cảnh tả
tình, bởi vậy cô chỉ nói với giọng rất thiệt thà rằng:
- Lúa coi xanh tốt quá, anh Xuân hả?
Xuân không hiểu ý cô, nên gật đầu mà thôi, không nói tiếng
chi hết, làm cho cô thất vọng ngồi buồn hiu.
Xe chạy một hồi thì tới xóm Thổ, kêu là Sóc Đồn.
Xuân thấy dựa trên đường có một cảnh chùa Thổ, chùa tuy không
tốt lắm song chung quanh có cây cao tàn lớn, làm cho cảnh xem rất huyền ảo,
đáng lấy hình dành chơi. Cậu ngừng xe bên đường mà leo xuống.
Cô Quyên xách máy chụp hình cũng leo xuống, rồi hai trẻ song
song dắt nhau đi trên lộ, lựa chỗ thuận tiện mà chụp hình.
Xuân muốn lấy cái chùa và lấy luôn cho được vài cây lớn vào trong
hình nên đứng lại mà nhắm. Quyên trao cái máy cho cậu, rồi đứng khít một bên,
tay vịn vai cậu, mắt dòm theo chỗ cậu nhắm. Xuân chụp cái chùa rồi day qua ngó
Quyên và cười mà hỏi:
- Qua muốn em lại đứng trước lùm cây kia đặng qua chụp mà lấy
hình của em. Em chịu không?
- É! Không dám đâu...
- Sao mà không dám?
- Tôi sợ lắm.
- Có qua đây mà sợ cái giống gì?
- Anh đứng với tôi thì tôi mới chụp.
- Qua mắc cầm máy mà chụp, làm sao mà đứng với em được. Em lại
đứng đó đi. Qua đứng trước mặt em đây, chớ phải đi đâu mà sợ.
Cô Quyên đứng suy nghĩ rồi hỏi:
- Anh muốn chụp hình tôi lắm hả?
- Ừ. Chụp đặng lấy hình "Tiểu thơ mặt lọ" để dành
chơi.
Cô Quyên châu mày xụ mặt, ngoe ngoảy bỏ đi lại phía xe đậu.
Xuân lật đật đi theo, vừa cười vừa hỏi:
- Qua nói chơi, mà em giận qua hay sao?
Quyên chừ bự không trả lời.
Xuân lấy tay gõ gò má Quyên mà nói:
- Thôi dừng giận nữa. Giận rồi cái mặt trông xấu quá.
Quyên cười mà nói:
- Anh phải năn nỉ tôi mới chịu.
Xuân nói:
- Hay hờn mát quá!...Thôi để qua xin lỗi. Vì hôm qua chú kêu
em là "Tiểu thơ mặt lọ" nên qua bắt chước mà nói chơi, chớ không phải
có ý ngạo em, vậy xin em đừng giận qua nữa, lại đứng đặng qua chụp hình em để
làm kỷ niệm.
Quyên cùng quằng đáp:
- Nói như vậy tôi không chịu.
Xuân lắc đầu chúm chím cười và nói:
- Trời ơi! Vậy chớ phải nói thế nào em mới vừa lòng? Thôi, để
qua hun em một cái, cũng như anh Triều hun em vậy, đặng qua chuộc tội nói mích
lòng em, em chịu không?
Quyên cười.
Xuân bèn kề mặt mà hun gò má Quyên, cũng như đứa em gái của
mình, rồi lại dắt Quyên đứng trước lùm cây, mở máy nhắm mà chụp hình. Bóng trời
chiều rọi mặt Quyên, coi cô rất vui vẻ thơ thái.
Chụp hình rồi Xuân khoá máy và nói:
- Hình của em chắc tốt lắm vì bóng, vừa không nắng nhiều, mà
cũng không mát lắm.
- Chắc tốt hả? Phải anh đứng chụp chung với tôi chơi.
- Làm sao được. Có ai đâu mà mượn họ chụp.
- Thôi để về nhà, tôi với anh đứng rồi cậy tía tôi chụp được
không?
- Sợ chú không biết rồi chụp hư chớ.
- Anh chỉ trước thì biết chớ gì. Coi bộ dễ mà. Để tôi biểu
anh Hai tôi mua cho tôi một cái máy đặng tôi chụp chơi. Anh dạy tôi trước đi.
Nghe không?
- Ừ! Để về nhà rồi qua chỉ cách chụp cho em biết.
Hai trẻ dắt nhau đi dài theo lộ mà chơi. Xa xa dưới ruộng, có
mấy người đàn bà Thổ đi hái rau chóc, đội thúng rau trên đầu nước chảy xuống mặt
ướt nhem.
Mặt trời chen lặn, Xuân rủ Quyên trở lại mà về, Quyên giục giặc,
dường như quyến luyến cảnh đồng ruộng lúa xanh, vui khí trời mát mẻ khoẻ khoắn,
ham nghe tiếng dế kêu chéo chét quanh mình, nên không nỡ bỏ mà về, cứ đứng
ngóng trông.
Xuân thấy vậy mới hỏi:
- Em ưa ruộng lắm hay sao?
- Tôi ưa lắm.
- Ngoài đồng buồn xo mà ưa nỗi gì?
- Ngó ruộng chơi, vui lắm chớ. Anh không ưa hay sao?
- Qua ưa đi chơi trong chợ. Ngoài ruộng buồn lắm, qua chịu
không được.
- Tôi ưa ruộng chớ không ưa chợ.
- Tại em có óc "Nhà quê".
Quyên cười rồi đi theo Xuân trở lại xe mà về. Trời đã chạng vạng
tối.
Khi xe vô sân rọi đèn thì thấy vợ chồng Ông Từ Tệt đương đứng
trên thềm nhà mà chờ. Xe vừa ngưng thì bà Tệt nói: "Đi đâu xa lắm hay sao
nên về tối dữ vậy."
Cô Quyên lật đật leo xuống xe và vui vẻ nói:
- Đi ra ngoài chỗ nào đó không biết, ruộng lúa thiệt tốt lại
có chùa Thổ ngộ lắm má à. Anh Xuân chụp hình chùa rồi có chụp hình con nữa. Mai
con đi nữa.
Ông Từ Tệt nói:
- Có đi thì phải về sớm sớm; về trễ ở nhà lo sợ hết sức. Chắc
là đi ra ngoài Sóc Đồn chớ gì, nên mới có chùa Thổ. Thôi, đi thay đồ rồi ăn
cơm.
Sáng bữa sau, vừa thức dậy thì Quyên nài Xuân phải dạy cô chụp
hình. Xuân cầm máy ra đứng trước sân rồi chỉ cho cô Quyên biết cách nhắm, biết
cách chụp. Quyên lấy làm đắc ý, biểu Xuân chụp cái nhà lớn, chụp hai lẫm lúa,
chụp cái xe hơi có cô đứng một bên.
Quyên kêu cha mẹ ra coi. Luôn dịp Xuân chụp ông Tệt, bà Tệt,
rồi chụp luôn cô Quyên ngồi trên thềm nhà.
Quyên biểu Xuân cậy ông Tệt nhắm đặng ông cầm máy mà chụp cô
với Xuân đứng chung. Ban đầu ông Tệt không chịu, mà bị con ép quá, nên rồi ông
cũng phải làm theo ý con.
Chụp xong rồi Quyên muốn làm sao có hình cho mau đặng cô coi.
Xuân phải vô chợ kiếm tiệm chụp hình mà mướn họ rửa.
Chiều lại, Quyên đòi đi chơi nữa. Hai trẻ mới ngồi xe hơi đi
vô chợ lấy hình về. Tấm hình nào cũng tốt hết thảy, mà nhứt là hình Quyên đứng
trước lùm cây và hình Quyên với Xuân đứng chung thì rõ ràng đẹp lắm. Vợ chồng
ông Tệt lấy làm vui lòng, biểu tiệm rửa thêm nữa, mỗi thứ làm ra 5 tấm đặng để
dành chơi.
Từ ấy Quyên càng dan díu với Xuân, tối ngày không chịu rời
Xuân một giây phút nào hết. Cô mặc quần áo mới luôn luôn, gỡ đầu bới tóc vén
khéo, chớ không bỏ tóc xoã xuống lưng như trước nữa. Hễ xế mát thì cô năn nỉ
Xuân đem xe hơi đi chơi, Xuân không thể không làm theo ý muốn của cô được, nên
bữa nào cũng phải cầm bánh xe chở cô đi chơi. Khi đi Phú Lộc, khi đi Hoà Bình,
khi đi Sóc Đồn, khi đi Om Trà Cổ.
Có bữa ra đồng trống vắng vẻ, cô biểu ngừng xe lại, rồi cô
leo xuống, hoặc ngồi dựa gốc cây, hoặc quì gối trên cỏ mà cậy Xuân chụp hình
cô. Có bữa cô mang theo bánh trái, rồi ra đồng cỏ mở gói bánh ra để trên đám cỏ
non xanh lè ăn chung với nhau, nói nói cười cười thiệt là hoan lạc.
Xuân đợi 10 ngày mới ký tên bán đất được. Ông Từ Tệt chồng bạc
cho cậu đủ 40 ngàn, rồi cậu sửa soạn mà đi về.
Quyên hay tin Xuân tính về thì cô buồn hiu, ra vô dàu dàu. Cô
thấy Xuân đứng có một mình cô mới hỏi:
- Anh về hay sao?
- Ừ! Qua về.
- Tôi muốn anh ở lại chơi.
- Sao được, qua phải sửa soạn đặng lên Sài Gòn mà học chớ.
- Tôi cũng sẽ lên Sài Gòn mà học nữa.
- Ừ! Em muốn thì nói với chú thím đem lên trển cho em học. Có
anh Triều dìu dắt em cũng tiện.
- Chừng khai trường anh xuống đây rồi đi cùng một lượt với
tôi và anh Hai tôi được không?
- Sợ không được, bởi vì qua có công việc nhiều lắm
Quyên châu mày ủ mặt, mà Xuân mắc lo sửa soạn hành lý nên
không ngó thấy.
Lúc Xuân từ giã vợ chồng ông Tệt và cô Quyên rồi lên xe mà đi
về, thì cô Quyên đứng trước cửa ngó theo, nước mắt chảy rưng rưng.
o O o
Mấy năm nay nhà nông trong xứ làm ruộng trúng mùa luôn luôn.
Mà bán lúa cũng đặng cao giá nữa. Cuộc thương mại nhờ đó mà trở nên thịnh vượng,
bởi vì mọi người đều làm dễ ra tiền rồi ai cũng mua đồ dùng trong nhà, ai cũng
sắm áo quần loè loẹt. Bề ăn ở của bình dân thì rộng rãi, còn của phú gia thì xa
xỉ, nhứt là ở mấy châu thành, sự ăn xài quá độ phát hiện rõ hơn hết.
Tại Sài Gòn, trong dãy phố trệt ở đường Lagrandière bây giờ
là đường Gia Long, giáp với đường Verdun bây giờ là đường Lê Văn Duyệt, căn nào
cũng chưng dọn hực hỡ. Nhưng mà có một căn dọn vén khéo, đồ đạc tốt đẹp hơn hết.
Trên hai lan can phía trước có để hai cái chậu, mỗi chậu trồng một bụi cau, lá
sum sê, cọng vàng tươi. Tại cửa giữa có treo một tấm màn màu trứng gà, rẽ vén
hai bên đặng ra vào cho tiện. Hai cửa sổ có giăng hai tấm màn ren cũng màu trứng
gà để ngăn cát bụi, chớ không ngăn ánh sáng mặt trời.
Trong nhà, phía trước để một cái bàn nhỏ với 4 cái ghế, trên
bàn có để một bình bông, còn mặt ghế thì có lót nệm gòn đặng khách ngồi cho êm;
phía trong, đụng vách buồng, có để một cái đi văng, trên cũng trải nệm mỏng còn
chung quanh thì đóng hộc mà để đồ. Hai bên vách cũng không bỏ trống, một bên
thì để một cái tủ nhỏ, trên tủ có để một cái máy hát.
Phía trong buồng có giường sắt, giăng mùng, trải
"drap" trắng muốt; có bàn viết, có tủ áo, có tủ sắt, lại dựa cửa sổ
có lót một cái bàn để ăn cơm cho mát.
Căn nhà đẹp đẽ nầy là nhà của cậu Xuân mướn ở mấy tháng nay đặng
mỗi ngày vô trường Chasseloup Laubat mà học cho gần.
Một bữa chủ nhật, lối 4 giờ chiều. Xuân mặc một bộ đồ mát bằng
lụa trắng, cậu ra đứng dựa cửa sổ rồi kêu thằng Chí, là đứa nhỏ làm bồi, mà biểu
nó nhắc cái ghế xích đu đem ra để trong hàng ba.
Cậu trở vô lấy một cuốn sách rồi nằm trên ghế mà đọc.
Mặt trời ngả bóng lần lần, trước cửa bây giờ mát rượi, còn
ngoài đường thì người và xe đi lại nườm nượp.
Thằng Chí xách nửa thùng nước đem tưới hai bụi cau vàng. Nó mới
trở vô thì chị chín Thiện là người ở đi chợ nấu ăn, chị ở trong lại bước ra khỏi
thềm rồi đứng nói om xòm: "Bữa nay chị nghỉ may phải không chị Hai? Có cô
Hai ở nhà hay không?"
Tưới cau rồi nói chuyện, những sự ấy làm cho Xuân lo ra không
thể đọc sách được. Cậu mới xếp sách đứng dậy rồi bước ra đứng trước thềm. Lúc ấy
dì Hai Oanh, là thợ may, tuổi trên bốn mươi, ở cách Xuân một căn phố, đương thủng
thẳng đi lại. Mấy tháng nay Xuân ở gần ra vô thường gặp mặt dì Hai Oanh, nên vừa
thấy dì là Xuân cúi đầu chào liền.
Dì Hai Oanh đáp lễ, vui vẻ hỏi Xuân:
- Chúa nhựt nghỉ học, cậu không đi chơi sao?
- Dạ, cháu mới đi hồi sớm mai rồi, buổi chiều ở nhà học bài.
Mời dì vô nhà uống nước.
- Để cậu học chớ, có lẽ nào tôi dám làm rộn cậu.
- Thưa, không. Có bận rộn chi đâu. Cháu học bài rồi, nãy giờ ở
không xem sách chơi.
Chị Thiện bải buôi tiếp lời:
- Vô nhà chơi chị Hai... vô uống nước. Tôi mới chế một bình
trà còn nóng hổi.
Xuân coi bộ dì Hai Oanh chịu vô, thì cậu thối lui đứng nép một
bên. Dì Hai Oanh đi trước, chị Thiện đi theo sau mà vô nhà. Xuân tiếp theo sau
nữa, và kéo một cái ghế mời dì Hai Oanh ngồi. Chị thiện lo rót nước trà mà đãi
khách.
Xuân lại ngồi trên đi văng rồi hỏi dì Hai Oanh:
- Dì may coi thế đắt mối dữ. Cháu thấy có người ta đến thường
thường hoài.
- Không mấy khá cậu à. Tôi lãnh may của mấy cô quen thuở nay,
chớ người lạ họ có biết tôi đâu mà đưa đồ cho tôi may.
- Dì có mướn người phụ với dì chớ?
- Tôi có mướn một người luông cho tôi may. Đồ có nhiều đâu mà
phải mướn thợ phụ.
- Dì lập tiệm, lãnh bài sanh ý, treo bảng và rao trong báo,
thì người ta mới biết mà đặt may đồ chớ.
Dì Hai Oanh ngó Xuân và chúm chím cười mà đáp:
- Lập tiệm phải có vốn bảy trăm hoặc một ngàn. Vì không có vốn,
nên tôi không dám tính tới việc đó, tôi may ở nhà vậy thôi.
- Dì may ở nhà thì làm sao có lợi đủ trả tiền phố và tiền ăn
xài?
- Tiện tặn thì cũng đủ. Tôi có con cháu đi thêu, nó phụ giúp
với tôi.
Chị Thiện đứng vịn cái máy hát, chị tiếp mà cắt nghĩa:
- Chị Hai đây có một người cháu gái là cô Hai Quế thêu khéo lắm
cậu. Cô đi thêu cho nhà hàng ngoài đường Catinat lãnh lương mỗi tháng tới 5,6
chục.
Xuân hỏi:
- Cô thêu thứ chi? Thêu lối Việt Nam hay lối Tây?
Chị Thiện làm lanh mà rồi bít lối, không trả lời được.
Dì Hai Oanh mới thế mà đáp với Xuân:
- Hồi con em tôi còn sanh tiền, có cho cháu tôi học trường Nữ
học đường được hai năm, bởi vậy nó biết thêu theo lối Tây. Chừng em tôi khuất rồi,
tôi đem cháu tôi về ở với tôi, thì tôi cho nó học thêm lối Việt mình nữa. Nhờ vậy
nên nó biết thêu cả hai điệu. Nó thêu mặt giày, khăn tay, thêu màn, làm ren,
thêu bông vào áo cho mấy ông, mấy bà, thêu thứ gì cũng được hết.
- Giỏi dữ há. Có nghề như vậy thì sự sống mới vững vàng, khỏi
lo thiếu thốn.
- Phải, nó khỏi lo đói rách. Mấy tiệm may lớn họ giành nhau
mà mướn nó.
- Nếu dì có tiệm may lớn, dì để cho cô lãnh phần thêu thì chắc
tiệm phát đạt lắm.
- Nói gì cái đó.
Dì Hai Oanh dòm cùng trong nhà rồi nói tiếp:
- Cậu ở có một mình mà dọn nhà đẹp quá.
- Tại tánh tôi ưa sạch sẽ vén khéo.
- Cậu gốc ở tỉnh nào?
- Tôi là người Cần Thơ.
- Nghe nói Cần thơ là tỉnh giàu đệ nhứt... Ông cụ, bà cụ còn
song toàn chớ.
- Thưa, ba má tôi đều khuất hết.
- Tội nghiệp dữ hôn! Mồ côi sớm quá.
- Tại cái mạng của tôi như vậy, biết làm sao bây giờ.
Dì Hai Oanh rờ bình bông trên bàn mà nói:
- Trên bàn nầy thì lẽ cậu phải để một tấm thêu tròn, hoặc hột
soài, rồi để bình bông chính giữa coi mới đẹp.
Xuân đáp:
- Hôm trước có một người bạn học của tôi cũng nói như vậy. Để
bữa nào rảnh rồi tôi sẽ kiếm để tôi mua.
Chị Thiện chen vô nói nữa:
- Cậu cậy cô Hai thêu cho.
Dì Hai Oanh tiếp lời:
- Con cháu tôi nó thêu thứ nầy hoài, thêu lẹ lắm, chừng ít bữa
thì rồi.
Xuân dụ dự đáp:
- Cô Hai mắc đi thêu cho người ta, có thời giờ đâu mà thêu
cho tôi.
- Không. Ai đặt đồ riêng thì nó thêu ban đêm ở nhà. Cậu muốn
thêu cách nào, thêu bông gì thì vẽ kiểu cho cậu coi, như cậu chịu rồi nó thêu
cho.
- Thiệt tôi dốt về khoa đó. Tôi không biết phải thêu bằng
cách nào mà nói.
- Thứ trải bàn đây, tôi thấy có sẵn nhiều kiểu. Để nó đưa kiểu
cho cậu lựa, cậu chịu kiểu nào nó thêu kiểu nấy cho cậu.
Chị Thiện nói:
- Chị Hai, để tôi lại tôi kêu cô Hai Quế đem kiểu cho cậu tôi
coi.
Chị nói dứt lời thì đi liền. Xuân nói với dì Hai Oanh:
- Tôi làm nhọc lòng dì, mà lại mất công cho cô Hai nữa, tôi
ái ngại quá.
- Không có nhọc lòng đâu. Dì cháu tôi là thợ may thợ thêu. Cậu
đặt đồ cho chúng tôi thêu, ấy là cậu giúp cho chúng tôi chớ.
- Dì nói như vậy thì tôi mới dám.
Cô Hai Quế đi theo chị Thiện lại tới cửa. Cô bước lên thềm rồi
dụ dự, chưa dám vô. Cô vừa được 20 tuổi, chơn mang guốc, mình mặc y phục tầm
thường, áo lụa đen, quần lãnh đen, không dồi phấn thoa son, tay trái cô đeo cà
rá nhận một hột ngọc màu đỏ bầm, chớ không có nữ trang nào khác, nhưng nhờ da
trắng má bầu, nhờ gương mặt sáng rỡ, nhờ cặp mắt có đức, nhờ hình vóc dong dảy,
nhờ tướng đi dịu dàng, nhứt là nhờ vẻ đẹp thiên nhiên, bởi vậy ai thấy cô cũng
đều cho cô có quốc sắc.
Chị Thiện mời cô vào, mà dì Hai Oanh ở trong cũng kêu cô, bởi
vậy cô chậm rãi bước vô nhà.
Xuân đứng dậy chào cô. Cô cúi đầu đáp lễ, mỗi cử động đều
duyên dáng.
Dì Hai Oanh nói:
- Cậu đây muốn đặt cho con thêu một tấm trải trên bàn đặng để
bình bông coi cho đẹp. Con có kiểu nào hay thì đem lại cho cậu coi.
Xuân mời cô Quế ngồi, mà cô cứ đứng ngó cái bàn, mặt tỉnh táo
mà suy nghĩ một chút rồi mới nói: "Cái bàn nầy vuông. Theo ý con thì tấm
thêu cũng cắt hình vuông theo chiều bàn coi mới được; song chính giữa phải có mặt
trăng tròn đặng để cái bình bông. "
Dì Hai Oanh hỏi Xuân:
- Còn màu thì cậu muốn màu nào?
Xuân bỡ ngỡ nói:
- Tôi không biết màu nào đẹp.
Lúc ấy đứa tớ gái của dì Hai Oanh chạy lại cho dì hai hay rằng
có bà lục sự ghé đặng may áo và biểu mời dì về nói chuyện. Dì Hai Oanh liền từ
giã Xuân và chị Thiện và dặn cô Hai Quế ở đó bàn việc thêu với Xuân rồi dì lật
đật ra về.
Cô Quế đứng ngó cùng trong nhà, Xuân kéo một cái ghế ra và mời
cô ngồi nột lần nữa. Bây giờ cô ngồi. Xuân ngồi phía bên kia bàn, ngang mặt cô,
chị Thiện đi vô trong, vì đã chiều rồi nên phải lo nấu cơm.
Cô Quế khiêm nhượng hỏi Xuân:
- Cậu muốn thêu hàng hay là thêu vải và muốn màu nào?
- Cha chả, tôi không thạo việc nầy rồi! Xin cô liệu dùm coi
thứ nào tốt thì cô làm cho tôi.
- Theo ý em, tấm thêu màu cũng phải một màu với mấy tấm màn
coi mới có vẻ thanh nhã.
- Cô nói phải lắm.
- Trải bàn chẳng cần phải dùng tơ lụa, làm bằng vải cũng được.
Chẳng nên thêu rằn rực, thêu bốn phía bốn nhành mai, lan, cúc, trúc thì đủ đẹp.
- Tôi chịu, xin cô thêu đi.
- Để em về vẽ kiểu cho cậu xem trước.
- Khỏi, khỏi mà. Cô liệu dùm mà làm coi cho được thì thôi. Cô
thêu chừng nào mới xong?
- Chừng năm ba bữa.
- Không gấp gì. Cô thêu một tuần rồi cũng được. Song cô thêu
dùm cho khéo để làm kỷ niệm chơi.
Cô Quế chúm chím cười, mặt mày càng ửng đỏ như hoa hường mới
ướm nở. Cô ngó Xuân mà hỏi:
- Cậu nói thêu cho khéo để làm kỷ niệm. Vậy chớ kỷ niệm việc
chi? Nên cho em biết đặng em liệu coi như cần phải sửa cho hợp với việc làm kỷ
niệm.
Nghe Xuân dùng hai chữ "Kỷ niệm" không biết cô Quế
có nghi cậu không thông nghĩa nên dùng đùa, như là cậu thanh niên đời nay, hay
là cô nghi cậu chú ý muốn ghẹo tình cô, như nhiều cậu trai đa tình lãng mạn, mà
cô gạn hỏi như vậy làm cho Xuân bối rối, sắc mặt thẹn thùng một lát rồi mới
nói:
- Tôi mới phác một ý riêng, tôi muốn kỷ niệm cái ý ấy. Tôi tưởng
dầu tôi có tỏ cái ý riêng ấy cho cô hiểu, có lẽ chẳng hại gì mà cần phải dấu
cô. Số là mấy năm nay, ở trong trường, tôi có kết bạn thâm giao với hai người bạn
học một lớp.
Ba anh em tôi tính kiếm thêm một người nữa cho đủ bốn đặng
làm bạn "mai, lan, cúc, trúc" để tiêu biểu một tánh chất tứ thời.
Chúng tôi chưa gặp một người nào đồng tâm đồng chí đáng nhận làm người thứ tư.
Hôm nọ một anh bạn tôi có tỏ ý nếu kiếm bạn nam nhi không ra
thì chúng tôi có lẽ sẽ chọn một cô gái làm người thứ tư cũng được. Người bạn
tôi tỏ ý như vậy, tôi tưởng là muốn giễu cợt, chẵng dè hôm nay cô tính thêu
"mai, lan, cúc, trúc", mà cô lại là gái nữa, ấy vậy họ biết chừng cô
là người thứ tư trong đám bằng hữu, mà người bạn tôi đã đoán trước hôm nọ. Tôi
muốn cô thêu để kỷ niệm cái ý ấy.
- Em lựa kiểu thêu, thiệt em không dè kiểu ấy lại thích hợp với
việc riêng của cậu. Vậy em cũng thêu kiểu đó, khỏi cần phải sửa đổi, mà em lại
ráng thêu cho đẹp, để biểu hiện cho xứng đáng cái tình cảm của cậu.
- Tôi rất cám ơn cô. Cô cần phải lấy tiền trước đặng mua
hàng, mua chỉ thêu hay không?
- Thưa, không.
- Mấy năm nay ba anh em tôi kêu nhau như vầy: Tôi trơ trọi một
mình, không có anh em, lại nhứt định không cưới vợ, bởi vậy mấy bạn tôi cho tôi
là Mai. Anh Triều, người gốc Bạc Liêu, anh tha thướt, yếu đuối lắm, nên anh là
lan. Anh Quan gốc Trà Vinh, anh lỏng khỏng ốm yếu mà tánh tình lại ghét cái dở,
cái thấp, cái bậy, nên cho anh là quân tử Trúc.
Còn Cúc, thì chưa có ai. Cúc biểu hiện cho người ẩn dật mà
thơm tho xinh đẹp. Cô là người ẩn núp trong hạng bình dân, mà cô lại có sắc đẹp,
có danh thơm, nếu cô vui lòng làm biểu hiện cho Cúc thì chúng tôi hân hạnh lắm.
Cô Quế nghiêm nét mặt mà suy nghĩ một chút, rồi cô ngó ngay
Xuân mà đáp:
- Em rất cảm ơn cậu. Em không dám.
- Sao mà cô không dám? Cô ngại sợ nam nữ làm bạn với nhau rồi
mang tiếng phải không?
- Thưa, không. Nam nữ làm bạn với nhau rồi mang tiếng xấu, ấy
là tại tánh tình thấp thỏi, rồi gây ra những chuyện không hay, nên mới mang tiếng
xấu, chớ người đã quyết lập tánh tình cao thượng như: Mai, Lan,Trúc thì quí lắm.
Em được làm bạn, em có ngại chi đâu. Em nói em không dám là vì em sợ em không xứng
đáng ngang hàng với mấy cậu là bực giàu có sang trọng đó mà thôi.
- Lời cô nói đó là lời khiêm nhượng, chớ tôi chắc cô dư biết
theo ý chí của người quân tử, thì nhân nghĩa, đạo đức mới quí chớ không phải là
giàu sang mà quí đâu. Mà bọn anh em tôi không phải giàu sang gì cả, có người
cũng nghèo khổ lắm chớ.
- Mấy cậu học giỏi còn phận em dốt nát quá, em phải đi thêu
mướn mới có cơm mà ăn.
- Ối. Theo ý tôi, dầu cầm cây viết hay là cây kim cũng vậy, hễ
nghiệp nghề mình được chí thiện, tận mỹ thì quí như nhau, chớ không phải người
cầm viết mà sang hơn người cầm kim. Chúng tôi học chữ, ví như chúng tôi có tài
viết văn hay; còn như cô đi thêu mướn mà cô có tài thêu khéo. Cái hay đối với
cái khéo thì bằng nhau chớ có cao thấp chi đâu.
Cô Quế cười mà thôi, chớ cô không trả lời nữa. Cô đứng dậy dợm
từ mà về, Xuân biết ý liền nói:
- Mời cô ngồi nói chuyện chơi một chút nữa.
- Em sợ làm mất thời giờ của cậu.
- Không, không... Cô nói chuyện nghe có ích lắm. Chúa nhựt
không đi học, tôi ở nhà tôi buồn hết sức. Nãy giờ có cô nói chuyện, tôi vui
không biết chừng nào.
- Em mới đến nhà cậu lần đầu, mà em nói chuyện nhiều quá em sợ
khiếm nhã. Vậy em xin từ cậu mà về, để khi khác có lẽ em sẽ ngồi lâu hơn.
- Cô sợ ngồi chơi lâu rồi dì Hai không vui hay sao?
- Thưa, không. Dì Hai em biết tánh tình của em, nên chẳng bao
giờ hiềm nghi chỗ đó.
- Còn tấm thêu cô chắc bữa nào thêu rồi?
- Cậu cho em một tuần thì mãn tuần rồi em sẽ đem lại.
- Bữa nay chúa nhựt, té ra chúa nhựt tuần sau tôi sẽ có tấm
thêu mà trải bàn.
- Thưa, phải.
Xuân đứng dậy mà suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Xin cô cho biết cô có chịu làm Cúc, theo như lời tôi nói hồi
nãy đó hay không?
- Xin cậu để cho em suy nghĩ ít bữa rồi em sẽ trả lời.
- Được. Tôi muốn sáng chúa nhựt cô đem tấm thêu lại được hôn.
- Thưa, được.
- Tôi sẽ cho hai người bạn tôi hay, đặng hiệp với tôi mà tiếp
rước tấm thêu đó. Cô Hai, tôi muốn mời cô sớm mai chúa nhựt cô ở lại chơi rồi
ăn cơm trưa với ba anh em tôi, được không? Tôi sẽ lại nhà cô mà xin phép với dì
Hai cho.
- Nếu vậy thì có lẽ được.
- Để mai mốt rồi tôi sẽ xin phép với dì Hai mà mời cô ăn cơm.
Cô Quế cười rồi từ mà đi về. Xuân đưa khách ra tới thềm rồi
mà còn đứng ngó theo, và miệng chúm chím cười.
CHƯƠNG 3 -
C
húa nhựt tuần sau.
Lối bảy giờ rưỡi sớm mai. Triều là con của ông Từ Tệt ở Bạc
Liêu, với Quan là con một bà sương phụ ở Trà Vinh, cả hai đều học tại trường
Chasseloup Laubat, ăn ngủ trong trường và là bạn thâm giao của cậu Xuân, y theo
lời Xuân mời nên hiệp nhau ra nhà Xuân.
Khi bước vô cửa, hai cậu có ý sụt sè, vì sợ có khách lạ đã tới
trước rồi. Chừng thấy có một mình Xuân từ trong đi ra, y phục đàng hoàng, mặc đồ
trắng mới ủi thẳng băng, cổ thắt nơ đen, đầu chải láng mướt thì Triều cười mà hỏi:
- Cô Cúc chưa lại hay sao?
- Chưa, mời hai anh ngồi. Có lẽ 8 giờ rồi cô mới lại.
- Cô hứa chắc không?
- Chắc chớ. Hôm thứ năm, moa có lại nhà mà xin phép với dì của
cô. Dì cô bằng lòng, mà cô cũng hứa lời nữa. Tại sao mà toa nghi nên toa hỏi
như vậy.
- Con gái hay mắc cỡ. Moa sợ cô ái ngại không dám ăn cơm với
mình chớ.
- Không, đời nay con gái Việt mình dạn dĩ lanh lẹ lắm, chớ phải
như con gái đời xưa hay sao?
- Cô chịu kết tình bằng hữu với ba anh em mình hay không?
- Việc đó cô chưa có hứa. Cô nói để cho cô suy nghĩ ít bữa.
- Moa sẽ năn nỉ với cô.
- Năn nỉ làm chi?
- Toa ở ngoài nầy toa buồn; để toa năn nỉ cho toa có một người
bạn đặng nói chuyện chơi cho vui.
Nãy giờ Quan ngồi im lìm. Chừng nghe Triều nói như vậy Quan mới
nói: "Anh Triều bày chuyện quá! Anh muốn làm cho anh Xuân vui rồi cuối năm
ảnh thi rớt cho mà coi."
Triều ngoe ngoảy hỏi Quan:
- Vui mà sao lại thi rớt?
- Mắc vui nên cứ chơi hoài, học có được đâu mà thi đậu.
- Con người phải làm việc, mà cũng phải giải trí, nếu làm việc
hoài mà không giải trí thì phải bịnh, hoặc phải điên.
- Giải trí có nhiều cách. Ta đi chơi ngoài đồng, ta đi xem
hát. Giải trí như vậy dầu không có ích thì cũng không hại. Chớ kiếm con gái mà
làm bạn, đặng nói chuyện để giải trí. Trời ơi! Hiểm nghèo lắm, moa sợ có hại chớ
không có lợi đâu.
- Toa tụng kinh cho hai đứa moa nghe hả?
Xuân can hai người:
- Hai anh chẳng nên cãi. Triều sợ moa buồn, còn Quan sợ moa
hư, hai người đều lo cho moa hết. Vậy moa cám ơn. Song moa xin Quan chẳng cần
phải lo cho moa lắm, bởi vì moa như một gốc cây, không biết nhiễm ái tình,
không để ý đến gia thất, bởi vậy moa gần đàn bà con gái không hại gì đâu mà sợ.
Quan rùng vai mà đáp:
- Cần phải thí nghiệm rồi sẽ đoan chắc.
- Ba anh em bàn luận tới đó, kế cô Quế bước vô, tay cô cầm một
gói giấy màu trắng hường. Bữa nay cô mặc một bộ y phục bằng lụa trắng mới tinh,
may thiệt khéo, tuy cô không trang điểm cho lắm, song nhờ có vẻ đẹp thiên
nhiên, nên cô thiệt có duyên, lại có sắc nữa.
Ba cậu đứng dậy chào cô. Cô cúi đầu mà đáp lễ, vừa đoan
trang, vừa nghiêm nghị.
Xuân muốn tiến dẫn hai người bạn cho cô Quế biết, nên nói:
- Anh nầy là Triều, tiêu biểu cho Lan; còn anh nầy là Quan,
tiêu biểu cho Trước, hai người bạn thiết tôi đã nói cho cô nghe hôm trước.
Cô Quế chào hai người một lần nữa rồi nói:
- Còn cô Quế 20 tuổi mà thôi. Hết thảy phải tôn Triều làm anh
cả, còn cô Quế đành chịu làm em út.
Xuân hỏi Triều vậy chớ được chức anh cả sao không đãi tiệc hoặc
làm lễ gì, để ra mặt người lớn. Triều suy nghĩ rồi kêu thằng Chí đưa cho 5 đồng
bạc và biểu nó đi mua hai đồng bạc bánh ngọt còn bao nhiêu thì mua nước cam với
nước đá đặng đãi các em. Xuân với Quan vỗ tay mà khen cử chỉ xứng đáng.
Lúc đợi thằng Chí đi mua đồ ăn uống thì Xuân mời hết anh em
đi cùng trong nhà từ trước ra sau, đặng anh em thấy cách sắp đặt chỗ ăn ở của
mình. Triều khen cái nầy chê cái nọ, nói vang rân, duy có Quan với cô Quế đi
theo mà không nói chi hết. Xuống tới nhà bếp thấy chị Thiện đương lăng xăng nấu
nướng, Triều kiểm soát các vật thực coi chủ nhà sẽ đãi món gì, rồi móc túi lấy
ra một đồng bạc mà cho chị Thiện và nói: "Chị nấu cho ngon, nghe không. Nếu
tôi ăn ngon thì tôi còn thưởng."
Quan cười nói với Xuân:
- Anh Triều bữa nay rộng rãi quá.
- Được chức "anh cả" người ta khoái, nên xài lớn.
Xuân mời trở ra trước đặng nghe vặn "ra đô". Cô Quế
xin để cho cô tiếp tay với chị Thiện lo nấu ăn. Anh em đều không chịu, ép cô phải
chơi, chớ không được làm.
Đương hát trong máy thu thanh thì thằng Chí về, cô Quế đi lấy
dĩa mà sắp bánh, còn Xuân với Quan thì vô trong lau ly và coi thằng Chí chặt nước
đá, duy chỉ có Triều cứ ngồi nghe hát, làm ra tuồng anh cả để các em lo cho
mình. Chừng bánh với nước cam dọn ra xong rồi, Triều mới tắt máy thâu thanh, buộc
mỗi người phải ngồi ngay hiệu của mình.
Xuân với tay tính lấy một cái bánh, Triều liền cản mà nói:
- Khoan đã! Phải để cho anh cả đọc đích cua rồi mới được ăn uống.
Quan có tánh trầm tĩnh hơn hết, mà nghe nói như vậy thì vỗ
tay và nói:
- Đích cua chắc hay lắm. Vậy để tôi vỗ tay trước.
Triều không thèm để ý đến lời châm biếm của Quan, cậu thủng
thẳng đứng dậy, bộ coi rất nghiêm nghị, mắt ngó tấm thêu trên bàn rồi nói lớn:
- Các em. Bộ tứ thời của chúng ta mấy năm nay chỉ có ba tấm
mà thôi là Mai, Lan và Trúc, còn thiếu một tấm Cúc chúng ta tìm không ra. Hôm
nay chúng ta mới tìm được một bụi Cúc. Mà Cúc nầy vừa thơm tho, vừa tươi đẹp,
thiệt chúng ta có phước không biết chừng nào. Vậy chúng ta mỗi người phải ăn
vài cái bánh, uống cạn một ly nước cam, đặng chào mừng bụi Cúc xinh đẹp mới tìm
được, cầu chúc cho tình Mai, Lan, Cúc, Trúc của chúng ta trăm năm bền vững, nhứt
là thệ tâm gìn giữ thái độ và tánh tình cho cao thượng cũng như bốn thứ cây biểu
hiện cho của chúng ta.
Triều nói dứt lời liền lấy một cái bánh ăn. Anh em đều vỗ tay
lốp bốp rồi ăn uống.
Xuân nói:
- Lan mừng Cúc, theo phép lịch sự thì Cúc phải cám ơn. Đợi
nghe em Quế nói sao đây.
Cô Quế nghe lời khiêu khích như vậy, thì cô đứng dậy, bộ rất
yểu điệu, miệng chúm chím cười rất duyên dáng. Cô chậm rãi nói:
- Kính thưa ba anh, phận em hèn mọn, em có phước nên được ba
anh hạ cố, khứng kết nghĩa kim bằng với em, cái ơn ấy dù ngàn năm em cũng chưa
quên được. Em là em út, vậy em xin ba anh dạy bảo cho em, nếu em có sơ sót chỗ
nào xin ba anh dung thứ. Em nguyện sẽ giữ gìn bản tánh như Cúc, cũng như ba anh
hứa giữ gìn tánh tình như Mai, Lan và Trúc vậy. Em van vái ba anh ăn học, công
sớm thành, danh được toại, rồi chung lộn với đời mà làm những việc ích quốc lợi
dân, nghĩa là đem tài hay đức tốt làm cho dân tộc ta được tiến bộ, được văn
minh, ngang hàng với những dân tộc tiên tiến trên thế giới.
Ba cậu vỗ tay một hồi rất lâu, rồi mỗi người đều cúi đầu và
đưa tay nắm tay cô Quế, để biểu hiện tình bằng hữu kết chặt từ đây.
Chừng ngồi ăn uống lại, Triều mới nói:
- Bữa nay vui quá. thiệt tôi không dè em Quế chơn chất mà lại
dạn dĩ đến thế. Từ rày sắp lên, hễ chúa nhựt thì anh em mình tựu nhau lại đây đặng
ăn uống đàm luận chơi cho vui, toa chịu hay không, Xuân?
Xuân đáp ngay:
- Chịu lắm.
Triều suy nghĩ một lát rồi nói tiếp:
- Mà đàm luận thì phải nói chuyện có ích, chớ không nên nói
chuyện pha lửng bậy bạ, đã mất thời giờ, lại tổn đức nữa. Moa là anh cả sẽ coi
chừng, nếu ai nói chuyện quấy hoặc vô ích, moa sẽ rầy thẳng tay. Bữa nay là buổi
nhóm đầu tiên. Vậy mỗi người nên tỏ cho anh em biết quan niệm về sự ở đời của
mình như thế nào.
Ai nấy đều nín khe.
Triều bèn nói lớn:
- Xuân, toa nói trước đi. Toa nói cái ý toa muốn đường tương
lai của toa ra thể nào.
- Anh cả phải nói trước chớ.
- Mấy em nói trước rồi anh cả sẽ nói sau.
- Nếu muốn tôi nói trước thì tôi nói... Từ ngày tôi có đủ trí
khôn, tôi thấy xã hội Việt Nam mình, tôi buồn lắm. Xã hội gì mà có rất ít người
biết lo cho dân khôn ngoan, lo cho nước cường thạnh, mỗi người chỉ lo phận
mình, ai cực chết mặc ai, nước nghèo nước yếu mặc nước. Giữa lúc trong hoàn vũ
người ta lấy chủ nghĩa Quốc gia làm mục đích, còn mình cứ ôm thờ chủ nghĩa cá
nhân. Tôi coi thế Quốc gia mình cứ mỗi ngày mỗi nghèo yếu, tôi thấy xã hội mình
ngày càng thêm suy bại, chớ không thể phát đạt nổi, dầu vật chất hay là tinh thần
cũng vậy. Vì thấy tình cảnh như vậy nên tôi nhứt định ráng học cho cùng đường,
học thành tài rồi cũng không thèm lập gia đình, tôi để hết trí lực tài năng mà
lo chấn hưng xã hội, lo nâng cao trình độ cho quốc dân, lo làm cho Quốc gia được
giàu được mạnh.
- Hứ! Chú nó có cái óc tham lo quốc sự, tính thí thân đi lo
cho nước cho dân. Nầy, người ta nói gia đình là nền tảng của quốc gia, của xã hội.
Nếu muốn cho quốc gia được phú cường, xã hội được cao thượng, thì trước hết phải
lo bồi đắp tô điểm gia đình, chớ sao toa lại nói toa không thèm lập gia đình?
Toa cày ruộng mà toa để lưỡi cày đi trước con trâu, thì làm sao toa cày được?
Toa phải suy nghĩ lại. Mà toa quyết học cho cùng đường vậy chớ toa học khoa
nào?
- Việc đó moa chưa quyết định, để lấy đủ hai bằng Tú tài rồi
sẽ hay.
- Được. Toa có ý muốn lo việc công ích, lo bồi đắp Quốc gia
thì cũng được. Song moa khuyên toa phải nhớ rằng chủ nghĩa gia đình là chủ
nghĩa tối yếu, dầu làm việc gì cũng phải nương theo gốc ấy mới được... Còn
Quan, toa có sắp tiến trình của toa rồi hay chưa?
Quan chúm chím cười và thủng thẳng đáp:
- Phận tôi mẹ goá con côi, trong nhà vừa đủ ăn chớ không có
dư dả, bởi vậy quan niệm về tiến trình tôi không dám nuôi chí viễn đại. Tôi
mong học thi cho đậu hai bằng Tú tài rồi tôi kiếm chút công việc làm để nuôi
thân, cho má tôi và anh tôi khỏi tốn hao với tôi nữa.
- Toa làm việc rồi toa cưói vợ, hay là toa cũng không thèm lập
gia đình như Xuân vậy.
Nghe Triều hỏi như vậy, Quan lộ sắc mặt mắc cỡ, liếc ngó cô
Quế, rồi cúi mặt mà suy nghĩ.
- Toa nói đại cho anh em nghe chơi, có chi đâu mà mắc cỡ.
- Nếu tôi làm việc mà có tiền dư thì tôi sẽ cưới vợ. Mà cưới
vợ thì tôi chẳng cần kiếm con nhà giàu sang, tôi chỉ lựa người bạn trăm năm có
đức, có hạnh, ham cần lao, biết tằn tiện, biết quí trọng chồng, biết dạy dỗ con
cái vậy thôi, để tạo lập một gia đình thuận hoà vui vẻ, mà hưởng hạnh phúc ở đời.
Gia đình của tôi chẳng cần giàu, miễn được xum hiệp trong một căn nhà lá cao
ráo sạch sẽ, chung quanh có một miếng đất để trồng cây, hoặc trồng rau cải, rồi
sớm mai và buổi chiều, tôi tưới cây, tưới rau chơi cho giải trí. Tôi hy vọng nhỏ
nhen thấp thỏm như vậy song không biết có được mãn nguyện hay không?
- Moa biết tánh ý của toa. Moa chắc toa sẽ mãn nguyện. Toa có
muốn giàu sang gì đâu mà thất vọng... Còn em Quế quan niệm của em về đời tương
lai như thế nào, em nói cho mấy anh nghe thử coi.
Cô Quế cười mà đáp:
- Em không có tính tới việc tương lai. Phận em nghèo, nên em
mắc lo bề hiện tại.
- Em có tính lấy chồng đặng lo làm ăn chớ?
- Việc ấy không phải việc của em phải tính. Mà em cũng đã nhứt
định không thèm tính.
- Phải, con gái dầu muốn lấy chồng mà không có chú trai nào
xin cưới thì làm sao lấy chồng cho được mà tính. Anh muốn biết ví như có một
chú trai nào xin cưới em, vậy chớ em có chịu lấy chồng hay không?
- Anh hỏi như vậy, em không trả lời được. Vợ chồng phải tâm đầu
ý hợp thì gia đình mới có hạnh phúc. Anh nói có một người trai xin cưới em, mà
em không biết người ấy hay dở, cao thấp thế nào, làm sao em ưng được? Mà đời
nay đàn ông con trai phần đông đều giả dối, họ có biết danh dự, có kể gia đình
là gì.
- Anh hiểu rồi. Em cũng trọng chủ nghĩa gia đình như Quan,
song em kén chọn người bạn trăm năm phải tâm đầu ý hiệp em mới ưng, chớ không
phải nuôi ý tưởng "vô gia đình " như chú Xuân.
Xuân rùn vai mà cãi với Triều:
- Muốn hỏi em Quế về việc tương lai thì hỏi coi em tính làm
ăn cách nào, chớ sao toa lại hỏi việc vợ chồng. Cử chỉ của toa coi khiếm nhã.
- Chú Xuân quên tôi là anh cả hay sao nên kêu tôi bằng
"toa" vậy hả?
- Thôi, kêu bằng "anh cả". Vậy xin anh cả hỏi em Quế
có tính việc làm ăn thế nào hay không? Hay là cứ đi thêu mướn cho tới già.
Triều gật đầu và ngó cô Quế mà nói:
- Em trả lời với Xuân đi.
Cô Quế suy nghĩ một chút rồi mới đáp:
- Cần lao là chủ hướng của em thuở nay, bởi vì em nghĩ sanh
làm con người thì phải làm việc; lại có làm việc cực nhọc thì trí mới mở mang,
thân mới tráng kiện. Ngặt vì thêu mướn cho người ta mà ăn tiền ngày tiền tháng,
thì tấm thân có hèn hạ đôi chút. Vì vậy em tính tiện tặn để dành tiền, đặng
ngày nào em có chút ít vốn, em lập một tiệm may nho nhỏ, em thêu đồ em bán, em
làm chủ thân em, cho khỏi cái thấp hèn tôi tớ. Hy vọng của em chỉ có bấy nhiêu
đó.
Quan ngồi trơ trơ mà sắc mặt coi tư lự lắm.
Xuân nói:
- Ba em đã nói đủ rồi. Bây giờ tới phiên anh cả. Anh nói đi.
Triều tằng hắng rồi mới chậm rãi nói:
- Để anh tóm tắt chủ trương của ba em coi rồi anh nói tới việc
anh tính. Xuân thì chủ hướng về Quốc gia xã hội. Quan thì chủ hướng về gia
đình. Còn em Quế thì chủ trương về cần lao. Ba em tuy chí khác nhau, song bổn
tâm người nào cũng tốt hết. Còn phận anh bây giờ muốn cái gì nào. Mình ở nhằm xứ
ruộng, lại con nhà làm ruộng. Thuở nay anh thích nghề nông lắm. Mình gieo một
đám mạ, trong ít ngày mạ lên tốt, phơi màu xanh lặc lìa, xem khoẻ con mắt biết
chừng nào. Chừng cày cấy rồi cũng vậy, lúa nở bụi coi vui quá. Còn nói gì lúa
trổ, sớm mai mình đi thăm ruộng, mình hửi mùi thơm tho lạ thường, tới chừng lúa
chín mình ngó đám ruộng, mình thấy một màu vàng tươi, mình mừng hết sức, mừng
vì công phu của mình được kết quả và nhứt là mừng vì lúa sẽ làm cho mình có tiền
nhiều. Ấy vậy học xong rồi có lẽ anh sẽ về nhà cưới vợ rồi lo làm ruộng đặng có
lúa cho nhiều mà nuôi thiên hạ.
Xuân cười và nói:
- Anh nuôi người ta, mà người ta phải trả tiền cho anh.
- Chớ sao!... Trả tiền mặt nữa à!
- Tôi thay mặt cho dân làm ruộng mà cảm ơn anh!
- Nếu tránh sự anh bán lúa mắc thì hết thảy ra làm ruộng như
anh đặng có lúa mà ăn khỏi đi mua.
- Nếu dân cả nước đều làm ruộng hết thì ai bán cá thịt, rau cải
cho mà ăn, làm sao có áo quần mà mặc, làm sao có xe cộ mà đi?
- Chưa gì mà toa đã bàn về vấn đề kinh tế, toa muốn binh xã hội
rồi đó. Khoan đã, để sau rồi sẽ hay. Bữa nay mình nói chủ trương của mình cho
anh em nghe chơi chớ có việc chi đâu mà cãi. Nhưng mà trong bọn có ba người biết
yêu chủ nghĩa gia đình, duy có một mình toa khác ý. Toa phải suy nghĩ lại chỗ
đó.
- Tôi nhứt định không cưới vợ. Chắc chắn như vậy.
- Không chắc chắn đâu, để sau rồi sẽ biết.
Đồng chỉ 11 giờ, chị chín Thiện nấu nướng đã xong, thằng Chí
bưng dọn lên bàn ăn ở trong, rồi ra nói nhỏ cho chủ hay.
Xuân bèn đứng dậy mời khách vô dùng cơm. Chủ khách ngồi chung
quanh bàn ăn, cũng theo thứ tự Mai, Man, Cúc, Trúc, tức thì cô Quế ngồi đối diện
với Xuân bên tay trái của cô thì có Triều, còn bên tay mặt thì có Quan.
Bữa ăn nầy ở trong một bầu không khí vừa vui vẻ vừa thân mật.
Tuy Xuân thì có tánh nghiêm nghị, còn Quan ưa trầm tĩnh lại khiêm nhượng, nên
hai người ít cười, song nhờ có Triều lanh lợi bãi buôi, nên câu chuyện kéo dài,
mà chẳng bao giờ khiếm nhã.
Gần một giờ trưa, ăn cơm rồi, cô Quế mới từ ba cậu mà về. Vì
mấy anh theo nài xin, nên cô phải hứa cô sẽ xin phép với dì cô đặng mỗi chúa nhựt
cô lại nhà Xuân nói chuyện chơi cho trọn niềm bằng hữu.
o O o
Trót mấy tháng trường, bốn bạn Mai, Lan, Cúc, Trúc, hễ chúa
nhựt thì hội nhau lại nhà cậu Xuân mà nghị luận, hoặc về nhân tình thế thái, hoặc
về văn chương, rồi khi thì ở ăn cơm với nhau, khi rủ nhau đi chơi, hoặc lên miền
Lái Thiêu, hoặc vô trong Chợ Lớn. Đối với cô Quế thì Xuân, Quan và Triều đều giữ
mực cung kính, bởi vậy cô Quế không ái ngại, không sụt sè chi hết, cô trọng ba
cậu cũng như anh ruột của cô. Vì gần gũi nhau như vậy nên tình bằng hữu ngày
càng càng thêm mặn nồng, và tuy cãi lẽ với nhau, song mỗi người đều giữ vững
cái chủ hướng của mình, không ai chịu vì ai mà thay đổi tâm chí.
Gần tới ngày thi Tú tài kỳ nhì, Triều, Xuân và Quan lo học
đêm học ngày, hễ chúa nhựt chẳng nói chuyện chi khác là sách vở. Cô Quế sợ mấy
anh vì cô mà lo ra rồi lơ đãng sự học, bởi vậy cô xin mấy anh cho phép chúa nhựt
khỏi hội nữa, đợi chừng nào thi xong rồi sẽ tái hiệp mà đàm luận việc đời. Mấy
cậu cũng nhứt định đình cuộc hội hiệp.
Một bữa chúa nhựt, Xuân đương ngồi học ôn những bài về triết
lý, thình lình Quan bước vô, sắc mặt buồn hiu. Xuân chỉ ghế mời bạn ngồi và hỏi:
- Toa đã nhứt định ở luôn trong trường mà học, mà sao toa còn
ra đây?
- Mấy tuần nay ở luôn trong trường, trí vừa mệt lại thấy buồn
hiu, vì vậy moa đi giải trí một chút. Toa học triết lý phải không?
- Phải.
- Quan châu mày, ngó cùng trong nhà rồi hỏi:
- Em Quế bữa nay không lại chơi hay sao?
- Không. Mình đã nhứt định đình cuộc hội hiệp, nên mấy tuần
nay em Quế không có lại chơi nữa.
- À, phải. Moa mệt mà ra đây thấy toa ngồi học moa càng thêm
mệt.
Quan dứt lời liền đứng dậy đi qua đi lại. Cách một hồi lâu cậu
hỏi Xuân:
- Toa mệt hay không?
- Không. Toa hỏi chi vậy?
- Tưởng toa học mệt thì anh em thả đi chơi một chút mà giải
trí.
- Đi đâu?
- Đi đâu cũng được, thả đi bậy ngoài chợ, hay là đi thăm em
Quế chơi.
- Toa muốn thăm em Quế à?
- Ừ! Thăm chơi một chút.
- Mỗi ngày em đi ngang cửa nhà moa, nên moa thấy em luôn
luôn, có cần gì phải thăm em, nếu toa muốn đi thì moa đi dùm cho.
- Không... Không phải moa muốn.
Quan chấp tay sau lưng, đi qua đi lại nữa. Chẳng hiểu cậu
nghĩ thế nào mà thình lình cậu nói: "Ừ! Buồn quá. Thay đồ đặng lại thăm em
Quế chơi toa ".
Muốn làm vui lòng bạn, Xuân xếp sách đi thay y phục.
Cô Quế đương ngồi chăm chỉ thêu tại hàng ba. Cô mặc áo bà ba
lụa trắng, quần lãnh đen, không trang điểm chi hết, nhưng mà gương mặt sáng rỡ
như trăng rằm, miệng đẹp đẽ như đoá hoa hường mới nở, cặp mắt thanh bạch biểu lộ
lòng vô tư lự.
Xuân với Quan tới ngang cửa bèn đứng ngoài cửa mà ngó vô. Có
lẽ hai cặp mắt chong ngó có điện lực mạnh mẽ lắm hay sao, mà cô đương chăm chỉ
trông bàn thêu thình lình cô lại ngước mắt lên ngó ra đường. Thấy Xuân và Quan
thì sự vui vẻ liền phát hiện ra mặt mày cô, làm cho diện mạo cô tươi tắn lại
càng tăng thêm vẻ đẹp. Cô buông bàn thêu, vội vã đứng dậy, vừa cười vừa hỏi lớn:
"Hai anh đi đâu đó? Kiếm thăm em phải không? Em xin mời hai anh vô chơi một
chút".
Xuân với Quan đi vô, Xuân đi trước chăm hẩm bước lên thềm,
còn Quan theo sau trong lòng ngần ngại nên bước không được mạnh mẽ.
Cô Quế vui vẻ nói:
- Hai anh lại thăm em, thiệt em mừng lắm. Em mời hai anh vô
nhà.
Xuân ngó vô nhà mà hỏi:
- Có dì Hai ở nhà hay không?
- Thưa, có. Dì em ở nhà sau. Mời hai anh vô chơi, rồi một
chút dì em sẽ ra. Anh Quan định ở luôn trong trường mà học cho đến ngày thi,
sao anh ra?
Quan đương cầm cái bàn thêu đưa lên mà coi, mắt chăm chỉ ngó
tấm thêu, chừng cô Quế hỏi như vậy thì cậu bối rối đáp:
- Tôi định ở luôn trong truờng song hôm nay học mệt quá, nên
đi ra chơi một chút.
Xuân nói:
- Tôi đương học, Quan ra rồi biểu tôi thay đồ đặng lại thăm
em, nên hai đứa tôi mới lại đây.
Cô Quế ngó Quan vừa cười vừa nói:
- Té ra nhờ anh Quan chủ mưu, nên mới có cuộc gặp gỡ nầy. Em
rất cám ơn anh Quan.
Quan bối rối, không đáp theo ý cô Quế, mắt cứ ngó tấm thêu mà
hỏi:
- Em thêu hình chi đây?
- Em mới bắt đầu thêu từ hồi sáng nay nên chưa ra hình chi hết.
Để chừng em thêu xong rồi hãy cho mấy anh xem. Có lẽ chừng ba anh thi đậu thì
em thêu cũng rồi.
- Mà em tính thêu cảnh chi đây chớ? Em nói trước nghe chơi.
Cô Quế bước lại đứng khít một bên Quan rồi chỉ vô tấm thêu mà
nói:
- Em tính dấu mấy anh mà dấu không được. Em ngụ ý muốn thêu một
cây thông già, trên ngọn có một cặp chim phượng hoàng đậu mà ngó mông ra một
khoảng trời rộng minh mông, trông mút mắt. Đồng không bằng phẳng, chỗ cao chỗ
thấp, mà chỗ nào cũng cỏ non đua mọc, phơi màu xanh mướt như gấm như nhung. Ở
xa thì có một dãy núi lúp xúp, song thấy dàng dạng mà thôi, chớ không tỏ rõ.
- Em bắt đầu thêu cây thông đây phải hôn?
- Thưa, phải. Em thêu cây thông ở gốc nầy, để dư chỗ cho nhiều
đặng thêu khoảng đồng với dãy núi.
- Dãy núi nằm chỗ nào?
- Phía trên đây.
- Cái cảnh em nói đó thiệt là cảnh chứa chan thi vị. Cha chả,
mà thêu ra cảnh đó có lẽ hơi khó, chớ không dễ đâu. Nếu mình vẽ thì mình liệu
mà cho màu, có lẽ được, chớ thêu mà làm cho ra cỏ non, cho ra dãy núi thấy mờ mờ
đàng xa, cho ra màu da trời, thiệt là khó. Phải có cái tâm hồn mỹ thuật đầy đủ
thì thêu mới được.
- Vẽ hay thêu cũng vậy, nếu không có tâm hồn mỹ thuật thì làm
sao cho ra cảnh vật được. Tấm tranh em tính thêu đây thiệt là khó, nhưng em
ráng để hết tâm hồn trí ý của em vô đặng thêu thử coi được hay không?
Xuân gật đầu hỏi Quế:
- Tấm tranh nầy em thêu đặng bán hay là thêu để chơi?
- Trong một tuần lễ, em phải làm việc cho người ta đến 6
ngày, để lấy tiền mà nuôi sự sống, còn có một ngày chúa nhựt em rảnh rang, em
phải để dành ngày ấy em chơi, em có thèm tính làm đặng bán lấy tiền thêm đâu.
- Em tưởng tượng cảnh để thêu như vậy đó, có lẽ em còn ẩn ý
gì chớ chẳng không. Tôi muốn biết chỗ đó.
Cô Quế ngó ngay Xuân mà chậm rãi đáp:
- Anh muốn hiểu chỗ đó thì em nói cho anh nghe. Mấy tháng nay
em được ba anh hạ cố, cho em làm bằng hữu rồi đàm luận việc đời với nhau, mấy
anh làm cho em suy nghĩ đến những việc mà thuở nay em không để ý. Mấy anh vạch
tấm màn thế sự ra cho em dòm thấy bọn thanh niên hiện thời, dù trai gái cũng vậy,
người nào cũng xem đường đời cùa mình chớn chở hy vọng, song nó minh mông lại lờ
mờ quá, không biết phải theo hướng nào mà đi cho tới cảnh hạnh phúc. Tại em thấy
như vậy nên em hội ý, muốn thêu bức tranh nầy để ghi tạc tâm hồn thanh niên
trong lúc nầy chơi.
Quan gật đầu khen:
- Em đã sẵn tâm hồn mỹ thuật, em còn có thêm tâm hồn thi sĩ nữa,
hai tâm hồn ấy lại hướng về xã hội, gái như em mới đáng lãnh chức "gái tiền
tiến".
Cô Quế lật đật xua tay và nói vội:
- Anh đừng quá khen em. Anh khen như vậy, một là em tự thẹn rồi
không dám làm, hai là tự đắc rồi em không ráng sức, thua sút người ta còn gì.
Quan chưa kịp trả lởi, kế thấy dì Hai Oanh từ nhà sau đi ra.
Cô Quế nói:
- Dì của em kia. Mời hai anh vô chơi.
Xuân với Quan cúi đầu chào dì Hai Oanh. Dì Hai Oanh biết
Xuân, nên vui vẻ nói:
- Tôi chào hai cậu. Con dại quá, sao con không mời hai cậu vô
nhà, để đứng ngoài hàng ba mà nói chuyện? Tôi mời hai cậu vô nhà chơi.
Xuân với Quan vô nhà. Cô Quế nhắc ghế mời khách ngồi rồi lo
rót nước trà đãi khách.
Xuân và Quan ngó trong nhà thì thấy gần cửa có để một cái máy
may lau chùi sáng ngời, dựa vách buồng có để một cái tủ kiếng nhỏ, trong tủ có
để hàng lụa nhiều màu, lại có mấy gói vuông đẹp đẽ. Trên bộ ván gõ, chỗ dì Hai
ngồi thì có treo hai khúc tầm vông láng lẫy, mỗi khúc có áo vắt lòng thòng.
Dì Hai Oanh nói:
- Cách mấy tháng trước, con nhỏ tôi có thưa cho tôi hay rằng
ba cậu thấy nó nghèo nên chiếu cố đến nó, muốn kết tình bằng hữu với nó, rồi
chúa nhựt hội nhau mà dạy cho nó biết cách ở đời. Nó học ít, mà được hai cậu dạy
dỗ thì quí biết chừng nào. Tôi vui lòng mà cho phép nó liền. Đã biết theo lễ
nghĩa của Việt Nam mình thì con gái không được gần gũi với con trai như vậy.
Nhưng mà tôi nghĩ sanh ở đời nào phải theo phong tục đời ấy. Ở đời nay mà giữ lễ
xưa thì bất hợp thời. Đã vậy mà mấy cậu là người học giỏi, lại tôi biết tánh ý
con nhỏ tôi, nhứt là nó có đeo chiếc cà rá của mẹ nó đó, thì tôi không cần ái
ngại.
Lúc ấy cô Quế đương bưng hai tách nước trà đem lại để trên
bàn, chỗ khách ngồi. Xuân với Quan ngó tay cô, thiệt cô đeo một chiếc cà rá
vàng nhận hột ngọc đỏ bầm.
Cô Quế bước lui lại đầu ván mà ngồi, tay rờ rẫm, mắt ngó trân
vào chiếc cà rá, sắc mặt buồn thảm chớ không vui vẻ như hồi nãy nữa.
Bây giờ trong nhà im lìm, một làn không khí sầu não phảng phất
làm cho chủ khách đều không an.
Trong lòng ăn năn về mấy lời nói đó, dì Hai Oanh liền nói tiếp:
- Hễ nhắc tới chiếc cà rá là nó buồn. Hai cậu lại thăm chơi
mà tôi vô ý tôi nhắc tới chiếc cà rá nên mất vui.
Cô Quế nói:
- Hột ngọc đỏ gắn trong chiếc cà rá nầy là máu của má con. Dì
nhắc tới thì con làm sao vui cho được.
Quan không thể nín được, nên hỏi dì Hai:
- Theo lời của dì Hai và lời của em Quế nói, thì dường như
chiếc cà rá mà em Quế đeo đó có một sự tích bí mật. Không biết anh em tôi có
nên biết sự tích ấy không?
Cô Quế nói:
- Chiếc cà rá mà con đeo đây là cây nêu, là đèn rọi, để con
nhắm mà đi trong đường đời. Dì cứ nói cho hai anh con biết, có hại chi đâu mà
ngại.
Dì Hai Oanh ngó hai cậu mà nói:
- Chiếc cà rá đó là chuyện không đẹp trong thân tộc. Nhưng mà
hai cậu đã là anh em với cháu tôi, chắc hai cậu biết chuyện không lẽ hai cậu
chê cười. Vậy để tôi nói cho hai cậu hiểu. Chị em tôi là con nhà nghèo, từ nhỏ
chí lớn phải chuyên nghề may mướn mà nuôi thân. Em tôi, là má của con Quế đây,
hồi nhỏ có nhan sắc, ai thấy cũng ngấm nghé. Chúng tôi vẫn biết phận mình nghèo
hèn, chúng muốn là muốn chơi qua đường, chớ có ai tính kết nghĩa trăm năm với
mình bao giờ. Em tôi biết số phận như vậy, nên nó giữ gìn tới 20 tuổi không
chút bợn nhơ. Một lúc nọ, có một người thuộc về hạng thượng lưu chớ không phải
điếm đàng du đãng cứ theo dụ dỗ rù quến nó, nói nhân nghĩa nghe hay lắm, mua
cho nó chiếc cà rá đó, hứa hễ để vợ xong rồi thì cưới nó. Em tôi tưởng nghĩa
trăm năm, không cần dè dặt, nên kết tình với người ấy rồi sanh con Quế đó. Lúc
sanh, em tôi nài nỉ người ấy đứng khai sanh dùm cho con Quế có cha. Người ấy
nói vì để vợ chưa xong, nên đứng khai sanh thì trái luật, bởi vậy phải đợi để vợ
xong rồi thì sẽ ra Toà mà nhìn nhận con, chẳng muộn gì. Chị em tôi không biết
luật, nên tưởng thiệt như vậy, không nghi ngại chi hết, chẳng dè chừng người ấy
để vợ được rồi, lại kiếm cớ khác mà nói, cứ lần lựa hoài, không ra Toà nhìn con
Quế là con, mà cũng không đem mẹ con nó về ở chung. Đến chừng con Quế được 10
tuổi, người ấy lần lần không tới lui nữa, rồi sau lại đi cưới vợ, cưới con một
ông điền chủ ở dưới vườn, bỏ dứt mẹ con Quế. Em tôi buồn rầu hết sức, ăn ngủ
không yên. Một đêm con Quế đương ngủ, em tôi kêu con nhỏ thức dậy khóc mà nói hết
sự bạc bẽo của cha nó cho nó nghe, lấy chiếc cà rá đeo vào tay con nhỏ, rồi lấy
dao cắt họng mà chết. Em tôi nó trối với con nhiều lắm, làm cho con nhỏ cảm động,
nên từ đó đến nay con Quế giữ chiếc cà rá đó hoài, không khi nào rời ra. Thấy
gương của mẹ nó như vậy, con Quế nó oán hết đàn ông con trai, mấy năm nay trai
nào chọc ghẹo nó đều bị nó từ nan hết thảy. Sự tích chiếc cà rá là vậy đó.
Quan trầm tĩnh, song ngay thẳng, bởi vậy nghe dì Hai Oanh thuật
chuyện thì nóng giận không thể dằn được. Chừng dì Hai nói dứt lời, Quan châu
mày hỏi: "Thưa dì, ông thượng lưu bạc tình giết đàn bà đó, chừng hay tin ổng
có ăn năn hay không?"
Dì Hai lắc đầu đáp:
- Người ta có thèm tới lui gì đâu mà mình biết người ta ăn
năn hay không ăn năn.
- Đã được một bài học ở đời rất thảm thương như vậy, ít nữa
cũng phải hối hận mà nhìn nhận em Quế là con chớ.
- Không. Có nhìn đâu.
Cô Quế vùng nói lớn:
- Dầu có muốn nhìn đi nữa em cũng không chịu. Một người cha
như vậy mà mình nhận là cha làm chi. Không đáng cho mình kêu là người nữa kìa.
Xuân nói:
- Anh kính phục mấy lời em nói đó lắm.
Quan nói với dì Hai Oanh:
- Dì Hai coi hai cháu cũng như con cháu trong nhà, nên mới
đem việc gia đình mà nói cho hai cháu biết. Bây giờ anh em cháu được biết sự thống
khổ của em Quế, thì anh em cháu lại càng quí trọng kính mến hơn nữa, quí mến thập
bội phần.
Dì Hai Oanh nói:
- Xin mấy cậu thương dùm phận nó.
Xuân đứng dậy mà đáp:
- Ba anh em cháu hứa chắc chắn với dì, anh em cháu sẽ tận tâm
mà bảo hộ em Quế, bảo hộ luôn luôn, không để ai gạt gẫm em Quế được đâu.
Dì Hai gật đầu cười và nói:
- Cám ơn các cậu.
Xuân và Quan từ mà về, sắc mặt buồn hiu, nhứt là Quan.
CHƯƠNG 4 -
M
ột buổi chiều trời chuyển mưa, mây giăng mù mịt, gió thổi ào
ào. Thầy thợ ra khỏi sở, ngó thấy quanh cảnh như vậy thì sợ mắc mưa, nên bươn bả
đi riết về nhà. Ngoài đường người ta đi dập dìu, lại thêm xe hơi, xe ngựa, xe
máy, chiếc xuống chiếc lên, tiếng chuông leng keng, tiếng còi te tét.
Cô Quế đi thêu ngoài nhà hàng, cô cũng đi về nhà như người ta
và cũng như người ta cô đi xăng xớm, bộ như sợ mắc mưa. Thế mà cô không đi thẳng
về nhà, cô lại ghé vô nhà cậu Xuân. Thấy cửa giữa đóng chặt, cô lại đứng chỗ cửa
sổ mà kêu thằng Chí.
Chị Chín Thiện ra mở cửa và nói:
- Cô Hai đi thêu về sớm dữ. Thằng Chí mới đi ra chợ mua bánh
mì. Cô Hai cần dùng nó đi đâu hay sao?
Cô Quế mau mắn đáp:
- Không, không... Anh Xuân chưa về hay sao?
- Thưa, chưa. Cậu tôi đi thi trong trường.
- Tôi biết... Thi đã cả tuần rồi chớ. Bữa nay vô trường đặng
nghe xướng danh coi đậu hay rớt, sao tới chừng nầy mà chưa về!
- Tôi cầu khẩn cho cậu tôi đậu.
- Tôi cũng mong ước như vậy. Tôi vái van cho đậu hết, nếu có
người nào rớt tôi buồn dữ lắm.
- Mời cô hai vô nhà chơi. Tối rồi chắc cậu tôi gần về...
- Dì đi nấu cơm đi dì Chín. Để tôi đứng ngoài nầy tôi chơi một
chút.
Chị Chín trở vô bếp, cô Quế đứng trước hàng ba ngó ra đường
có ý trông cậu Xuân.
Thằng Chí đi chợ về, tay cầm một ổ bánh mì.
Cô Quế thấy nó bước vô thì nói:
- Em coi nhà nghe không em Chí. Để qua về một chút rồi qua trở
lại.
Thiệt quả cô về chẳng bao lâu thì cô lại nữa.
Bây giờ trời đã tan mây lặng gió. Thằng Chí thấy đã tối rồi,
nên vặn đèn trong nhà cho sáng. Thế mà cô Quế không vô, cô đứng trên thềm nhà
ngó mông, bỗng thấy Xuân với Triều đằng xa đi lại, bộ đi chậm rãi dường như
không muốn tới nhà cho mau.
Cô Quế nóng nảy, muốn hay tin liền về cuộc thi, nên cô bước
ra đường mà đón hai cậu. Chừng hai người đi gần tới thì cô lật đật hỏi: "Đậu
hay không?"
Triều lắc đầu và chúm chím cười và đáp:
- Rớt!
- Hả? Rớt hết sao?
- Rớt hết!
- Trời ơi! Anh Quan cũng rớt nữa à?
- Quan mà rớt sao được. Nó đậu mà còn được lời khen của ban
giám khảo nữa chớ.
Ba người đắt nhau vô nhà.
Xuân buồn hiu, quăng cái nón lên bàn rồi nằm ngửa trên ghế
xích đu, mắt lim dim, không nói một tiếng chi hết, Triều quay máy hát dĩa
"Trảm Trịnh Ân", đứng hát tự nhiên, dường như không quan tâm đến việc
thi rớt.
Cô Quế thấy cậu Xuân buồn thì nói:
- Người ta thường nói "Học tài thi mạng". Kỳ nầy rủi
rớt thì ráng học thêm nữa đặng kỳ sau thi lại. Phải kiên nhẫn, phải cố gắng, phải
phấn chí luôn luôn, chẳng nên ngã lòng.
Xuân cứ nằm thiêm thiếp. Triều cứ đứng nghe máy hát.
Cô Quế muốn giải nỗi buồn cho hai cậu, cô bèn bước lại ngừng
máy hát, mời Triều ngồi, kêu thằng Chí biểu dọn cơm. Cô đi lăng xăng, cô nói
không ngớt chớ không tề chỉnh nghiêm nghị như trước nữa.
Thấy Xuân cứ nằm trơ trơ, cô mới kêu mà nói:
- Anh Xuân dậy đi thay đồ rửa mặt rồi ăn cơm chớ. Em có thưa
cho dì em rồi, bữa nay em ở đàng nầy đặng em ăn cơm với anh. Em đói bụng quá, dậy
ăn cơm đặng em ăn với chớ.
Triều nói tiếp:
- Dậy ăn cơm toa, Xuân. Moa cũng đói bụng nữa.
Xuân thủng thẳng đứng dậy mà nói:
- Tôi hết muốn ăn cơm.
Cô Quế cười và nói:
- Trời ơi! Thi rớt rồi tính tuyệt thực hay sao? Làm trai mà yếu
trí quá vậy? Thanh niên tân học ta phải có trí kiên nhẫn, có óc hùng cường. Đường
đời đương nhiên có chông gai nhiều, mình phải lập thế tránh mà đi tới nơi tới
chốn mới hợp. Đã biết thi rớt là một việc trắc trở đáng tiếc lắm. Nhưng mà sự
trắc trở ấy nhỏ mọn không đáng cho mình sầu não. Thi rớt thì học thêm đặng thi
lại, học hoài cho tới thi đậu mới nghe. Phải có cái trí như vậy mới được. Làm
trai nếu gặp việc khó khăn rồi buồn rầu thất trí như thế có hơn đàn bà con gái
chỗ nào đâu!
Có lẽ mấy lời cứng cỏi ấy làm cho Xuân hoặc phấn chí hoặc hổ
thầm, bởi vậy cậu mau mau đi rửa mặt không ngẩn ngơ dã dượi nữa.
Triều ngồi hút gió rồi nói:
- Ai học nữa thì học, tôi xin kiếu; về cưới vợ, rồi làm ruộng
đặng làm giàu đi xe hơi chơi.
Thình lình Quan từ ngoài bước vô nói:
- Hai anh rớt, tôi buồn quá, phải hai anh đậu hết tôi mới
vui.
Cô Quế mừng nói:
- Em nghe anh đậu, em vui quá. Em mừng cho anh.
- Cảm ơn em.
- Anh Xuân với anh Triều nãy giờ buồn hiu. Em xin anh ở ăn
cơm nói chuyện cho hai anh đó bớt buồn một chút.
- Thình lình quá, đâu có cơm sẵn mà ăn.
- Có mà. Để em sắp đặt mà mua đồ ăn thêm.
Cô Quế bỏ ba cậu ở ngoài nói chuyện, cô đi vô trong lo bữa
cơm. Cách độ một hồi cô trở ra mời ba cậu đi ăn cơm, đồ ăn đã dọn đủ hết. Bốn
người ngồi ăn cũng theo thứ tự Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Triều hỏi Xuân:
- Bây giờ toa tính sao đây Xuân? Toa nói nghe thử coi.
- Tính giống gì?
- Toa nghe lời em Quế toa học nữa hay sao?
- Moa chưa nhứt định, để suy nghĩ ít bữa rồi sẽ hay.
- Moa tính như vầy hay lắm toa. Toa về Cần Thơ mà ở, moa về Bạc
Liêu moa xin với tía moa kiếm hai cô con gái con nhà giàu, nói mà cưới vợ cho
hai anh em nhà mình, rồi mình lo làm ruộng, buôn lúa, đặng làm nhà giàu.
- Moa không có chí làm nhà giàu.
- Toa cứ tính chuyện viễn vông hoài!
- Không phải viễn vông. Thuở nay moa đi học, moa quyết học
thành tài, đặng moa dùng tài học cùa moa mà mở trí đồng bào, cải lương xã hội,
làm cho quốc dân cao thượng, làm cho nước nhà chấn hưng. Moa đã nói với toa,
moa nhứt định không cưới vợ mà moa cũng nhứt định không làm giàu. Vậy toa muốn
làm việc gì thích ý toa, toa cứ làm, đừng rủ moa.
- Toa thích làm việc minh mông, đã mệt trí lại không ích gì
cho toa hết.
- Nếu mỗi người đều chỉ biết lo cho mình, xã hội còn ra gì nữa.
Moa giận rồi, có lẽ moa phải đi Pháp mà học.
- Tự ý toa. Moa chỉ xin nhắc cho toa nhớ rằng lúa gạo là vật
báu trời ban cho xứ mình có nhiều. Vậy mình cứ níu cái hạnh phúc ấy mà sống, chẳng
cần phải lo minh mông cho nhọc trí.
- Cái tâm hồn của toa là tâm hồn nhà quê. Toa không thể hiểu
chí hướng của moa nổi. Đừng có nói chuyện ấy với moa nữa.
Triều rùn vai mà hỏi Quan;
- Quan, toa thi đậu rồi bây giờ toa tính làm việc gì?
- Có lẽ tôi sẽ kiếm chỗ mà làm việc nhà nước.
- Làm việc gì?
- Biết đâu. Để đợi cơ hội mở kỳ thi vào ngạch công chức nào
thì tôi sẽ lập đơn dự thi chớ bây giờ biết đâu mà nói trước được.
Xuân liền nói với Quan:
- Toa đi Tây mà học thêm với moa.
- Ồ! Phận tôi nghèo, tôi đâu dám đèo bồng quá như vậy.
- Moa còn ba mươi bảy ngàn bạc gởi dưới băng. Số bạc ấy không
đủ cho hai đứa mình ăn học bên Pháp năm mười năm hay sao? Toa đi với moa thì
moa bao cho toa.
- Cảm ơn. Phận tôi mẹ goá con côi, tôi không thể tính việc xa
vời.
- Toa là người không có đại chí, toa không có lợi ích cho nước
nhà chi hết.
- Ở đời mình làm việc chi cũng phải lượng sức mình chớ.
- Moa tiếc cho toa lắm, tiếc vì tài lớn mà chí nhỏ. Chớ chí
toa mà chí lớn như moa, thì toa quí không biết chừng.
Bây giờ cô Quế mới xen vô:
- Ba anh mỗi người có một chí riêng, không ai giống ai hết. Mới
có ba người, lại là ba anh em thân thiết với nhau, mà cũng chưa đồng tâm được,
thế thì mười mấy triệu đồng bang làm sao mà hiệp ý cùng nhau.
Mấy lời của Quế đây là lời bình luận nghe chơi cho vui, chớ
không có ý chê bai hay nhạo báng. Thế mà ba cậu trai nghe qua, dường như ăn năn
hay hổ thầm nên liếc mắt ngó nhau rồi ngồi gầm mà ăn không nói thêm một tiếng
chi nữa hết. Có lẽ lời bình phẩm ấy động tới Xuân nhiều nhứt, bởi vì Xuân châu
mày cúi mặt trầm tư nghiêm nghị lắm, làm cho không khí thêm nặng nề.
Cô Quế dòm thấy cái lỗi của cô, thì cô ăn năn muốn kiếm thế
mà gây cuộc vui vẻ lại, song cô không tìm ra chước, bởi vậy khoảng sau bữa ăn
có vẻ lãng đạm đìu hiu.
Ăm cơm rồi, Triều với Quan từ giã đi vô trường lo sửa soạn
hành lý đặng sáng mai đi về nhà. Xuân với cô Quế đưa ra cửa. Chừng hai cậu đi rồi,
cô Quế thấy Xuân có sắc trầm tư bèn hỏi cậu:
- Anh nhứt định đi qua Pháp học nữa hay sao?
- Đó là con đường qua chọn lâu rồi. Trước sau gì rồi qua cũng
phải theo con đường ấy. Vậy nên đi liền bây giờ thì phải hơn.
- Nếu anh có trí un đúc cho có tài cao, thì anh qua Pháp mà học
là phải. Học cho thiệt cao mới có ích.
- Em đồng ý với qua hay sao?
Cô Quế nhếch miệng cười rất có duyên; tuy ngoài hàng ba không
có đèn, song Xuân thấy cô ngước mắt ngó mình và nói:
- Không phải em đồng ý. Vì anh có chí như vậy nên em phải trưởng
chí cho anh chớ.
Xuân thở dài mà nói:
- Cảm ơn em.
Cô Quế muốn nói chuyện nữa, nhưng cô nghĩ thế nào không rõ,
cô đứng dụ dự rồi nói:
- Thôi, để em về cho anh nghỉ. Em chào anh.
Cô Quế bước xuống thềm. Xuân đứng ngó theo tư lự châu mày.
o O o
Gần 6 giờ chiều, đèn ngoài đường phực cháy lên làm cho quang
cảnh châu thành Sài Gòn nằm giữa lúc giao thời, nửa sáng nửa tối.
Xuân thay đồ mà đi từ hồi 3 giờ, đi xuống nhà băng, đi qua
hãng tàu. Cậu về nãy giờ, song cậu ngồi không yên, cứ đi ra đi vô hoài. Bây giờ
cậu mới bước ra đường rồi thủng thẳng đi bách bộ, có ý đón cô Quế đi thêu về.
Chừng thấy dáng cô đi xa xa, thì cậu mừng thầm nên chúm chím cười, đứng nép bên
đường mà chờ cô.
Vừa gặp nhau thì cô Quế hỏi:
- Anh làm gì đứng đây?
- Qua đón em.
- Cần gì phải đón. Có việc chi gấp hay sao?
- Có. Qua có một việc riêng cần nói với em.
- Vậy thì trở về nhà.
Hai người dắt nhau đi về nhà Xuân. Cô Quế vừa đi vừa nói:
- Có việc chi quan hệ lắm hay sao mà anh phải đón em, anh làm
em lo sợ quá.
- Để một chút rồi qua sẽ nói.
- Việc không gấp, vậy thì để em về rồi thì anh sẽ lại nhà em
anh nói, hoặc anh sai thằng Chí kêu em cũng được, cần gì phải đón ngoài đường?
- Vì qua bối rối trong trí quá, không thể ngồi yên được nên
phải đi ra đường.
- Vậy hả? Anh có hỏi thăm chắc chắn bữa nào tàu chạy hay
chưa?
- Hỏi rồi. Sáng mốt đúng 6 giờ tàu kéo neo.
- Vậy thì chừng nào anh phải xuống tàu?
- Qua tính tối mai, chừng 10 giờ qua xuống tàu.
- Vậy để tối mai em đưa anh xuống tàu, rồi sáng mốt lúc tàu gần
chạy em sẽ qua bến tàu mà từ giã anh.
Vô nhà rồi, cô Quế ngồi liền, còn Xuân thì cứ đi qua đi lại,
dòm sắc mặt thì cậu lo lung lắm. Cô Quế ái ngại, không muốn biết gấp việc riêng
làm cho cậu phải đón mình, nên cô ngồi lặng thinh. Thình lình cô nhớ đến việc cậu
Quan cô liền hỏi:
- À, hôm qua anh nói anh có được thơ của anh Quan. Ảnh nói
hôm tháng trước ảnh thi vô làm việc trong dinh Đốc lý đã đậu rồi mà mới được lịnh
đòi đi làm, nên mai ảnh sẽ lên. Không biết ảnh lên kịp mà đưa anh xuống tàu hay
không?
- Quan lên tới rồi.
- Hồi nào?
- Hồi trưa. Nó có ghé nhà qua.
- May dữ! Ảnh đi đâu rồi?
- Hồi trưa nó ghé một chút rồi đi kiếm chỗ ở đậu mà làm việc.
Nó nói tối nay nó sẽ trở lại.
- Chừng nào anh Quan trở lại anh phải cho em hay. Em muốn chiều
mai em mời anh với anh Quan ăn cơm với em một bữa. Bữa cơm ấy là bữa lễ tiễn biệt
anh và là lễ mừng anh Quan bước chân vào đời.
- Thôi, đãi đằng làm chi. Em chẳng nên nhọc lòng. Mà em cũng
chẳng nên làm cho qua nhọc lòng thêm nữa.
- Em có làm nhọc lòng anh hay sao?
- Nhọc lòng lắm.
- Em không dè. Em xin anh tha lỗi cho em. Vậy chớ trước khi
anh đi, anh có thể cho biết lỗi của em đặng em ăn năn trước mặt anh hay không?
- Sự làm nhọc lòng qua đó không phải lỗi của em. Mà qua mời
em ghé đây, chánh qua muốn tỏ sự ấy cho em biết.
- Vậy thì anh nói đi.
- Nãy giờ qua dụ dự là vì việc ấy khó nói quá, nói ra sợ em
phiền.
- Anh thiếu can đảm, mà cũng thiếu trí quyết đoán. Anh tính
qua Pháp học, mà gần ngày xuống tàu, anh thối chí, không muốn đi hay sao?
- Không, không... qua có thối chí bao giờ đâu, qua quyết đi lắm
chớ.
- Nếu anh quyết đi thì anh phải hăng hái lo mua sắm đồ đặng
xuống tàu đi, chớ còn dụ dự nỗi gì. Em nói thiệt, em không muốn anh dụ dự.
- Vì qua có một việc, qua muốn tính cho vuông tròn, rồi qua sẽ
đi.
- Việc chi? Anh có thể nói cho em biết hay không?
Xuân kéo ghế ngồi một bên cô Quế mà đáp:
- Qua sẽ nói. Chỉ còn có hai đêm với một ngày nữa thì qua sẽ
từ biệt quê cha đất tổ mà gởi thân nơi xứ lạ. Việc tương lai không biết nó ra
sao. Chừng nào qua trở về xứ? Mà qua sẽ về hay, hay không? Lại qua sẽ có phước
mà gặp lai em nữa hay không? Đó là những câu hỏi làm cho qua nhọc lòng khổ trí
hết sức.
- Ở đời phải nuôi tâm hồn lạc quan thì trí mới thơ thới được.
- Tại qua hay lo xa, mà cũng tại qua thương thân phận em út,
nên qua bi quan như vậy.
- Thân phận của em an ổn lắm, có làm sao đâu mà anh phải
thương.
- Để qua nói rõ cho em hiểu. Ba anh em kết tình bằng hữu với
em gần một năm nay, qua không hiểu ý của Triều và Quan như thế nào, chớ riêng
qua thì qua thương em lắm. Qua nói thiệt nếu qua không lập chí hiến thân cho Tổ
Quốc, qua thích thú gia đình như Triều với Quan, thì qua thưa với dì Hai mà xin
cưới em.
- Cảm ơn anh.
- Ngặt vì qua nuôi cái chí viển vông quá, nếu cưới em thì qua
sẽ làm cho em nhọc lòng chớ không hạnh phước chi hết. Qua đã thương em mà ngày
nọ qua nghe dì Hai kể chuyện thương tâm của em nữa thì qua càng yêu mến em, nên
qua có hứa sẽ bảo hộ thân em đến cùng. Ngày nay qua phải bỏ xứ lìa em mà đi,
thì làm sao qua bảo hộ em nữa được. Chỗ qua nhọc lòng là chỗ đó.
Cô Quế nghe những lời chứa chan tình nghĩa, thì cô cảm động,
nên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.
Xuân cũng cảm động, song phải gắng gượng mà nói tiếp:
- Hồi trưa qua có cậy Quan ở nhà bảo hộ dùm em. Để rồi qua
cũng phải viết thơ cho Triều mà gởi gắm thêm nữa. Tuy vậy mà qua cũng chưa yên
lòng. Qua nhớ ngày nọ em có nói với qua rằng em hy vọng có được một tiệm may
nho nhỏ đặng làm chủ, khỏi đi thêu mướn cực nhọc mà hèn hạ. Em quyết tiện tặn đặng
thực hiện hoài vọng ấy. Em tiện tặn đến chừng nào mới có đủ số vốn lập tiệm cho
được? Lâu lắm. Vậy nay qua gần đi, qua muốn để lại cho em một ngàn đồng bạc đặng
em dọn tiệm liền, khỏi đi thêu mướn nữa. Xin em vui lòng lãnh số bạc ấy, nếu em
từ chối thì qua buồn lắm.
Cô Quế lau nước mắt rồi ngó ngay Xuân mà đáp:
- Em rất cảm ơn anh. Anh thương em nên em muốn giúp em như vậy,
em cảm tình anh không biết chừng nào. Nhưng mà có nhiều cớ khiến em không thể
nhận số tiền anh cho được. Thứ nhứt, anh qua Pháp mà học, phải học lâu nên tốn
hao nhiều; Vậy thì anh phải để dành tiền mà ăn xài, không nên để lại cho em. Thứ
nhì, em nghe nói những người gần gũi với anh đều được thưởng công xứng đáng.
Anh cho dì Chín Thiện một trăm, cho thằng Chí năm chục đặng đền công họ cực nhọc
với anh trót mấy năm nay. Bây giờ anh cho em tiền nữa, té ra anh cũng thưởng
công em làm cho anh vui xưa nay đó hay sao?
- Hai cớ em nói đó đều sai hết. Hiện bây giờ qua có tới ba
mươi bảy ngàn đồng bạc; qua để lại cho em một ngàn, cũng còn 36 ngàn, không đủ
ăn học hay sao? Còn em viện cớ thưởng công, cái lý do không chánh đáng nên qua
xin phép qua cãi lại. Qua muốn để lại cho em một ngàn, ấy là vì qua muốn tính
giúp em được thoả mãn chỗ mơ ước của em, chớ có thưởng công gì đâu. Mà số tiền ấy
cũng như số tiền qua gởi em để em cất dùm cho qua; đã làm anh em, sao em còn ái
ngại điều nhỏ mọn ấy?
Xuân liền thò tay vào túi lấy ra một cái bao thơ đựng mười tấm
giấy một trăm mà đưa cho cô Quế và nói tiếp:
- Em hãy lấy mà cất đi. Nêu em từ chối thì qua buồn lắm vậy.
Cô Quế châu mày ngồi lặng thinh mà suy nghĩ một chút, rồi cô
đứng dậy nói xẳn xớm:
- Anh nói như vậy thì em phải nhận lấy số tiền nầy, mà em xin
phép hỏi gắt anh một câu: Anh để một ngàn đồng bạc lại cho em là vì anh muốn
giúp em làm ăn chớ không có ý gì khác phải không?
Xuân cũng đứng dậy mà nói cứng cỏi:
- Thiệt như vậy. Qua chỉ có ý đó mà thôi, chớ không có ý nào
khác.
Cô Quế chảy nước mắt một lần nữa. Cô lấy cái bao thơ của Xuân
rồi thủng thẳng nói: "Anh muốn làm nghĩa với em. Vì tình anh em nên em phải
lấy số bạc của anh."
Xuân hớn hở nói:
- Em làm cho qua hết buồn. Qua vui lắm, qua cảm ơn em. Còn một
việc nầy nữa: đồ đạc trong nhà đây qua không biết làm sao. Hồi trưa qua khuyên
Quan về ở đây mà làm việc thì nó nói lương nó ít, nó không có sức ở nổi một căn
phố, nó phải đi ở đậu với anh em; qua nói hết sức mà nó cứ từ chối hoài. Bây giờ
chở đồ đi bán coi kỳ quá. Còn chị Chín Thiện với thằng Chí, thì qua đã có cho
tiền rồi, không lẽ qua còn cho thêm đồ đạc nữa. Vậy qua xin gởi hết đồ đạc
trong nhà của em. Hễ qua đi rồi, thì em đem đồ đạc về nhà mà dùng rồi trả phố lại
cho chủ. Tiền phố qua đã trả đủ tháng nầy rồi.
Cô Quế nói:
- Chớ chi anh Quan về ở đây, ảnh giữ đồ dùm cho anh thì tiện
lắm.
- Qua nói hết lời mà nó không chịu. Mà nó không chịu cũng phải,
bởi vì tiền phố mắc quá, nó ăn lương thì ít chịu sao nổi. Vì vậy nên qua không
dám ép.
- Anh Quan không chịu lãnh thì em giữ dùm cho anh, chớ biết
làm sao bây giờ.
- Cám ơn em. Sự buồn sự lo của anh giờ đã bay hết. Qua vui lắm.
Qua muốn em thưa cho dì Hai hay, rồi ở đằng nầy ăn cơm với qua.
- Có anh Quan về ăn cơm hay không?
- Nó không có hứa.
- Vậy để em về thưa cho dì hay rồi em trở lại.
Cô Quế bước ra cửa thì gặp Quan vô, hai người mừng nhau rồi
cô Quế đi về, cô hứa lát nữa cô trở lại ăn cơm.
Thiệt quả cách chẳng bao lâu cô Quế trở lại, mà bây giờ cô rửa
mặt sạch sẽ, bới đầu vén khéo, lại bận đồ mới chớ không phải bộ đồ cũ bận đi
làm như hồi nãy. Vừa bước vô, cô trách Quan:
- Anh Quan lên làm việc mà anh không thèm ghé nhà em chơi.
- Tôi mới lên tới. Nên chưa kịp thăm em.
- Chừng nào anh bắt đầu đi làm?
- Sáng mai.
- Anh sẽ ở đâu?
- Tôi ở đậu nhà người quen trên chợ Đủi.
Anh em nói chuyện tới đó, kế thấy một chiếc xe hơi lớn dừng
ngay trước cửa rồi ba bốn người mở cửa leo xuống xe.
Xuân dòm ra rồi nói: „ Ý! Anh Triều lên kìa! Có tía má ảnh nữa
chớ."
Ba người trong nhà đều đứng dậy. Triều bước vô trước, theo
sau là vợ chồng ông Từ Tệt và cô Quyên. Xuân chào mừng. Triều tiến dẫn cô Quế với
Quan cho cha mẹ biết. Mỗi người chào nhau rồi Xuân mời ngồi rồi kêu thằng Chí
biểu rót trà đãi khách. Xuân lại đứng gần cô Quyên, ngó cô mỉm cười và nói:
"Em Quyên đi Sài Gòn, tôi không dè chút nào hết. Em lên trên nầy đặng chụp
hình hả".
Cô Quyên ngó Xuân, nét mặt hớn hở, cô cười và đáp: "Nếu
chụp hình thì anh chụp cho em, chớ em không chịu người khác chụp."
Xuân cười và hỏi ông Từ Tệt:
- Chú thím lên tới hồi nào? Đi Sài Gòn chơi hay là có việc
chi?
- Mới lên hồi xế. Con Quyên cứ đòi đem nó lên trên nầy cho nó
học. Bởi vậy chú thím dắt nó lên trường Nhà Trắng đặng nó coi như nó chịu, thì
xin cho nó một chỗ để khai trường nó ở nó học.
- Chú thím đã dắt em đi coi hay chưa?
- Đi coi hồi chiều rồi. Nó chịu, nên chú thím cũng đã xin chỗ
cho nó rồi nữa.
- Chú thím ở đâu?
- Mướn phòng ở ngoài khách sạn. Nghe thằng Triều nói cháu
tính đi Tây mà học nữa phải không?
- Thưa, phải.
- Té ra thiệt cháu không chịu nghe lời chú? Thiệt cháu nhứt định
đi Tây hay sao?
- Thưa, cháu nhứt định đi Tây, cháu xin giấy thông hành và
mua giấy tàu rồi. Sáng mốt tàu chạy.
Ông Từ Tệt ngó Xuân rồi lắc đầu, sắc mặt không vui. Cô Quyên
nghe nói thì chưng hửng; cô cũng ngó Xuân trân trân và ứa nước mắt mà hỏi:
- Sáng mốt anh đi Tây hay sao?
- Phải, sáng mốt anh đi.
- Tưởng lên trên nầy học cho gần anh, té ra anh đi Tây!
Triều hỏi Quan:
- Toa lên hồi nào?
- Mới lên hồi trưa.
- Toa lên đặng đưa Xuân xuống tàu phải không?
- Không. Moa lên đặng làm việc.
- Làm ở đâu?
- Dinh Đốc lý.
- Moa mừng cho toa. Để moa xin tía má moa ở nán lại đặng sáng
mốt đưa Xuân xuống tàu.
Cô Quyên vội nói:
- Tôi cũng ở nữa.
Ông Từ Tệt cười và nói:
- Muốn ở thì ở. Đưa cháu Xuân xuống tàu rồi sẽ về. Nầy, cháu
Xuân, chú mời cháu chiều mai ra nhà hàng ăn cơm với chú thím một bữa rồi sẽ đi.
Xuân bợ ngợ đáp:
- Lời chú biểu cháu không dám cãi. Mà nếu vâng chịu thì có chỗ
bất tiện cho cháu.
Bà Từ chận hỏi:
- Sao mà bất tiện?
- Dạ, cháu tính tối mai cháu ăn cơm với cô Quế và anh Quan
đây rồi cháu xuống tàu.
- Tưởng ai đâu lạ, chớ anh em với thằng Triều thì thím xin mời
hết chiều mai ăn cơm chung với nhau cho thím vui. Thím xin mời hết anh em.
Triều đứng dậy nói lớn:
- Hội Mai, Lan, Cúc, Trúc nhóm đại hội, không ai được phép vắng
mặt. Lời của trưởng hội truyền. Chiều mai anh em tụ lại đây rồi tôi đem xe vô
rước đi. Ăn cơm rồi mình sẽ tính việc đưa Xuân xuống tàu. À, Xuân, toa hay chuyện
moa đã nói vợ hay chưa?
Xuân cười mà hỏi lại:
- Nói vợ ở đâu?
- Bên Long Mỹ, con gái một vị điền chủ, đẹp lại giàu.
- Người ta ưng gả hay không?
- Sao lại không ưng?
- Nếu vậy thì toa gần đạt được mục đích của toa rồi.
- Phải, chớ chi toa làm như moa thì xong quá, khỏi đi học tốn
của tốn công.
- Ai có chí nấy...
Bà Tệt nói:
- Thi rớt rồi về nhà nó đòi cưới vợ, chú thím phải lo nói vợ
cho nó. Chỗ đó người ta chịu gả rồi, song ra giêng mới cưới.
Xuân với Quan bắt tay mừng cho Triều.
Vợ chồng ông Từ Tệt ở chơi một lát rồi trở ra khách sạn mà
nghỉ với hai con, ân cần mời Xuân, Quan và cô Quế chiều mai phải ra nhà hàng mà
ăn cơm, không ai được từ chối.
Khách đi rồi, Xuân liền hối Chị Thiện dọn cơm đặng ăn với
Quan và cô Quế. Ba người ăn uống nói chuyện chơi tới 10 giờ rồi cô Quế về. Còn
Quan ở đó ngủ với Xuân.
Chiều bữa sau Triều đem xe hơi vô nhà Xuân mà rước anh em. Cô
Quế đi thêu về, cô thay đổi y phục, trang điểm chút đỉnh rồi lên xe đi với ba cậu
ra nhà hàng.
Trong bữa ăn, cô Quế nói chuyện khôn ngoan vui vẻ, làm cho vợ
chồng ông Từ Tệt mới quen mà cũng yêu mến cô như đã quen lâu rồi.
Còn cô Quyên ngồi một bên Xuân, cô cứ ngó Xuân hoài, sắc mặt
buồn hiu, không nói chi hết.
Ăn cơm rồi, vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên sửa soạn lên xe
đi về phòng. Mấy anh em đưa ra xe. Cô Quyên hỏi nhỏ Xuân:
- Anh đi bên Tây chừng nào anh về?
- Học xong anh mới về.
- Chừng mấy năm.
- Năm mười năm, không biết trước được.
- Lâu quá!.. Anh đem mấy tấm hình của em theo hay không.
- À, quên. Để lát nữa về nhà rồi anh sẽ lấy mà bỏ trong
rương.
- Anh phải nhớ đa, nghe không.
- Nhớ! Em hãy an tâm.
Xe đưa vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên về phòng rồi trở lại
nhà hàng. Triều mời Xuân, Quan và cô Quế lên xe trở về nhà trước. Bốn người đều
vui vẻ, tính bỏ đêm ấy không thèm ngủ, để trò chuyện chơi với nhau. Đem đồ xuống
tàu xong rồi bốn người bèn lên xe đi Thủ Đức ăn nem.
Xuân nhân dịp ấy mới gởi gắm cô Quế cho Quan và nhứt là căn dặn
Quan ở Sài Gòn phải hết lòng bảo vệ cô, phải giữ cho trọn nghĩa kim bằng.
Đến ba giờ khuya mấy người mới trở về Sài Gòn. Triều đưa
Xuân, Quan và Quế xuống bến tàu rồi trở về khách sạn mà rước cha mẹ. Gần 5 giờ
sáng, vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên mới xuống tới. Chị Chín Thiện với thằng
Chí cũng qua bến tàu mà đưa chủ.
Lúc tàu gần kéo neo, Xuân từ giã mọi người đặng lên tàu. Cô
Quế chúc Xuân lên đường bình an, chúc học mau thành tài, cô vui vẻ như thường,
chẳng bịn rịn chi hết. Riêng cô Quyên thì cô khóc mùi, cô nắm cánh tay Xuân chặt
cứng, dường như không muốn để Xuân đi song cô không nói ra được.
Tàu rút chạy. Lúc nầy là lúc cảm động hết sức, cảm động giữa
kẻ ở người đi. Người dưới tàu đưa tay mà ngoắc; người trên bờ cũng ngoắc lại,
và ai ai cũng ngó theo chiếc tàu, song có người buồn mà cũng có người vui, bởi
mỗi người có một tâm sự riêng mà không ai thấu hiểu của ai được.
CHƯƠNG 5 -
C
ách bảy năm sau.
Một buổi chiều tháng giêng, bầu trời sáng trong, gió thổi mát
mẻ. Tan hầu, mấy ông mấy thầy từ các sở đi ra, ai cũng muốn thả lều bều trên đường
Catinat, hoặc đi chung quanh Chợ Mới mà hứng gió xem hàng, duy có người nào có
việc nhà mới vội vã về gấp.
Ông Còm-mi Quan ra khỏi cửa dinh Đốc lý thì bước lên chiếc xe
nhỏ ba chỗ ngồi, tay cầm tay lái, chân đạp máy, cho xe chạy xuống đường Espagne
bây giờ gọi là đường Lê Thánh Tôn. Tới trước tiệm may "Xuân Quan" xe
ngừng sát lề đường. Quan tắt máy rồi bước xuống xe mà đi vô tiệm may.
Dì Hai Oanh đương ngồi tiếp chuyện với ba người khách đặt may
áo, vừa thấy Quan vô thì vui vẻ hỏi:
- Tan sở rồi hay sao con?
- Dạ, tan sở rồi.
- Hôm nay tan sở rồi mà trời còn sớm quá.
Dì liền day vô nhà trong mà nói trổng: "Đứa nào ở không
đó thì cho cô Hai hay đặng về kẻo sắp nhỏ nó trông."
Cô Quế tươi cười đi xuống thang và vội vã nói với chồng:
- Được, được. Em đang lật đật xuống để về cùng anh đây.
- Về sớm đặng qua tưới cây một chút, vì bữa nay trời nắng
quá, sợ vườn hoa khô héo hết.
- Anh sợ vườn hoa khô héo, còn anh không sợ hai con trông hay
sao?
- Quan ngó vợ rồi cười mà đáp nho nhỏ: "Sợ hết cả
hai."
Cô Quế càng thêm vui vẻ, màu hạnh phúc càng chói loà mặt mày
cô.
Quan với Quế dắt nhau đi ra, tới chỗ dì Hai Oanh ngồi nói
chuyện với khách, thì ngừng lại từ giã rồi mới lên xe. Dì Hai Oanh ngồi ngó
theo hai trẻ bằng cặp mắt chứa chan thân ái.
Một bà khách hỏi dì Hai Oanh:
- Con và dâu bà đó phải không?
- Thưa, không. Con nhỏ là cháu gọi tôi bằng dì, chớ không phải
là con, còn chồng nó hiện làm Còm-mi trên dinh Đốc lý.
- Hèn chi hai vợ chồng không ở chung với bà.
Một bà khách quen với dì hai đã lâu nên biết gia đạo của dì,
bèn rước đáp:
- Vợ chồng cô Hai có nhà trên Phú Nhuận, mỗi bữa cô xuống coi
thêu rồi chiều cô về, chớ ở dưới nầy sao được.
Dì Hai Oanh tiếp lời:
- Nó có tới hai đứa con, bữa nay có đồ thêu gấp, trưa nó phải
ở lại mà thúc cho thợ họ thêu, mà nó nhảy nhót nhớ con ngồi không an. Nó là chủ
tiệm mà nó bỏ phú cho tôi. Phần lúc nầy đồ nhiều, nên tôi mệt hết sức.
Thiệt như vậy, tiệm may "Xuân Quan" nầy là tiệm của
cô Quế. Còn Quan là người bạn trong nhóm Mai, Lan, Cúc, Trúc hồi trước đó là chồng
của cô.
Số là khi Xuân xuống tàu đi Tây rồi, thì cô Quế không đi thêu
mướn nữa, cô dùng một ngàn đồng bạc Xuân để lại cho cô đó mà mướn phố dọn tiệm
may. Dọn tiệm may xong rồi, cô không biết phải đặt hiệu tiệm thế nào, cô mới lấy
tên của hai người bạn thiết là Xuân và Quan mà đặt, ý muốn kỷ niệm tình thân ái
của cô với hai anh bạn.
Trong tiệm thì cô Quế quản xuất về phần thêu, còn dì Hai Oanh
chủ trương về phần may. Thêu thiệt tươi mà may cũng thiệt khéo, bởi vậy tiệm
"Xuân Quan" lập ra trong vòng mấy tháng thì danh tiếng lẫy lừng khắp
Sài thành. Mấy bà mấy cô mặc quần áo hay là đi giày thêu mà không phải của
"Xuân Quan" may hay thêu thì chưa phải là người biết ăn mặc đứng đắn.
Hàng ngày khách đến tiệm may áo may quần hoặc đặt thêu mặt gối nườm nượp. Dì
cháu cô Quế phải mướn đến hai mươi người thợ phụ thêu và may mới kịp.
Vì Quan đã hứa bão hộ cô Quế, mà lại có lời Xuân căn dặn thêm
nữa, nên Quan làm việc ở Sài Gòn thường hay ghé lại tiệm mà thăm. Mỗi lần Quan
ghé thì cô Quế niềm nở vui vẻ, cùng nhắc nhở Xuân luôn luôn. Quan mừng cho cô
Quế làm ăn thịnh phát, cô Quế cám ơn đạt được hy vọng cô ôm ấp từ lâu.
Tới lui gần gũi nhau thường, tình của Quan với Quế càng thêm
dan díu. Có khi ngồi nói chuyện chơi rồi Quan từ giã ra về, chừng ra đường Quan
tự hỏi thầm trong trí: "Có phải cô Quế là người bạn trăm năm của ta hay
không?"
Còn cô Quế khi thanh vắng nằm một mình, cô nhớ tới Xuân và
Quan, cô cũng thì thầm trong trí: "Anh Xuân nhứt định không lập gia đình.
Còn anh Quan trái hẳn, ảnh giữ chủ nghĩa gia đình, song ảnh đợi người đồng tâm,
đồng chí ảnh mới chịu phối hiệp. Không biết mình có phải là người đồng tâm đồng
chí đó không?"
Hai người tuy có để ý tới sự hiệp nhau dựng gia đình, xây hạnh
phúc, song hoặc còn ái ngại, hoặc chưa quyết định, nên ai giữ kín ý nấy, không
tỏ cho nhau biết.
Sự làm ăn của cô Quế thiệt mau phát đạt. Dọn tiệm mới có một
năm mà trong tủ có đôi ba ngàn tiền dư. Cô Quế đã có sắc có hạnh, lại có tiền nữa
thì càng thêm duyên. Bởi vậy có nhiều ông sang trọng gấp ghé muốn cậy mai mối
mà cưới cô.
Một đêm Quan ghé thăm. Dì Hai Oanh mệt mỏi nên đã nghỉ rồi.
Cô Quế mời Quan lên lầu. Bữa nay cô Quế có sắc nghiêm trọng chớ không vui vẻ
như lúc trước. Quan lấy làm lạ, đương suy nghĩ thì thình lình cô Quế nói:
- Em có một việc riêng muốn tỏ với anh.
- Việc chi thì em cứ nói cho qua nghe.
- Có một ông Đốc-tờ muốn cưới em.
- Em ưng hay không?
- Em chưa nhứt định. Em muốn hỏi anh coi ý anh nghĩ thế nào?
Quan châu mày nghĩ một chút rồi mới hỏi lại:
- Em biết tánh tình ông Đốc-tờ đó hay không?
- Em biết mặt chớ không biết tánh tình.
- Vợ chồng thì phải ý hiệp tâm đầu thì mới ở đời với nhau được.
Em nên dọ tánh tình của người cho rõ rồi sẽ nhứt định. Qua không quen với người
ấy, nên qua khó mà tỏ ý kiến của qua về cuộc trăm năm của em.
Cô Quế trầm ngâm rồi cô đưa tay chỉ vào chiếc cà rá mà nói:
"Chiếc cà rá nầy nó làm cho em ngần ngại nhiều lắm. Em không dám tin người
đàn ông nào hết, trừ ra anh với anh Xuân."
Quan chưng hửng, ngước mắt ngó ngay cô Quế và hỏi:
- Thiệt như vậy hay sao?
- Thiệt như vậy.
- Tại sao em lại tin qua với anh Xuân?
- Tại em thấu hiểu tánh tình của hai anh.
Quan lơ lửng một hồi rồi mới nói:
- Xuân không chịu lập gia đình.
- Phải...nẢnh quyết định như vậy.
- Còn qua thì trọng gia đình... Ví như hai anh em mình hiệp
nhau mà lập gia đình, theo ý em, cái gia đình ấy có thể có hạnh phúc hay không?
- Sẽ có hạnh phúc nhiều lắm.
- Vậy thì chúng ta sẽ lo lập gia đình ấy, lập cho mau.
Cô Quế gật đầu và ngó Quan mà cười.
Quan khoan khoái trong lòng không ngồi yên được nữa nên đứng
dậy đi qua đi lại mà nói:
- Chúng ta sẽ thành một cặp phụng hoàng đứng trên cây tùng
già ngó mông ra khoảng đồng ruộng mênh mông như trong tấm thêu của em năm
ngoái.
Cô Quế nói:
- Chẳng những cặp phụng hoàng ấy đậu trên cây tùng rồi ngó
mông mà thôi, nó còn kêu mà chỉ đường hạnh phúc cho thanh niên nam nữ khác nữa.
Quan hết sức vui mừng sung sướng, đứng ngó cô Quế mà nói;
- Qua cũng bắt đầu nếm mùi hạnh phúc rồi.
- Em cũng vậy.
- Cha chả, Xuân biết chúng ta phối hiệp trăm năm đây chắc ảnh
không vui.
- Sao lại không vui? Ảnh không chịu lập gia đình thì thôi, ảnh
muốn người khác cũng phải theo ảnh sao được. Mà em muốn chúng ta đừng cho ảnh
biết cuộc phối hiệp của chúng ta. Chúng ta viết thơ cho ảnh thì nói việc thường
mà thôi, chớ đừng nói tới việc nầy. Chừng nào ảnh về rồi thì ảnh hay chẳng muộn
gì. Anh chịu như vậy hay không?
- Chịu. Em tính như vậy thì hay lắm. Ảnh mắc lo học. Mình phải
để cho ảnh yên chí, chẳng nên làm rộn cho ảnh. Huống chi ảnh nghịch với chủ
nghĩa gia đình, thì đám cưới chẳng cần phải cho ảnh hay.
Người ta thường nói phải có duyên nợ mới kết thành vợ chồng
được. Không biết cái lý thuyết ấy có chánh đáng hay không, nhưng mà đối với cô
Quế và Quan đây thì nó đúng lắm. Cô Quế kết bạn với Quan và Xuân, vì Xuân có
tánh đa sầu đa cảm, còn Quế có tánh thận trọng trầm tĩnh, nên cô tưởng Xuân có
tình với cô nhiều hơn Quan, chẳng dè tình ý bây giờ lộn ngược, làm cho người mà
cô để ý lại không có tình, còn người cô không để ý lại có tình. Đó không phải
là duyên nợ hay sao?
Ngày lễ Quan về Trà Vinh thưa với mẹ và anh hay, rồi chánh thức
tỏ với dì Hai Oanh mà xin cưới cô Quế. Đám cười làm đơn tiện, mời bà con mà
thôi, đến Triều mà Quan cũng không cho hay. Cưới rồi Quan về ở chung tại tiệm
may mà đi làm việc. Tình vợ chồng ngày nay cũng như tình bằng hữu hồi trước, vẫn
một mực chân thành ái kính luôn luôn. Y như lời cô Quế đoán trước, gia đình thiệt
là đầm ấm, chồng yêu vợ, vợ kính chồng, mỗi người đều giữ nhiệm vụ vuông tròn
nên bầu trời cứ thanh bạch, chẳng bao giờ có một cụm mây phưởng phất.
Cái hạnh phúc của Quan với Quế càng bữa càng lớn thêm hoài.
Chẳng những tiệm may được thạnh lợi hơn mà thôi; mà vợ chồng ở được vài năm thì
sanh được một đứa con trai đặt tên là Minh, rồi mới năm ngoái đây lại còn sanh
thêm một đứa con gái nữa, đặt tên là Phượng. Minh và Phượng là kết quả của niềm
ân ái vừa nồng nàn vừa thanh bạch giữa Quan và Quế, mà cũng hai đóa hoa tươi đẹp
vừa mới nảy nở để thêm duyên thêm quí cho gia đình trẻ nầy. Bởi vậy Quan với Quế
trân trọng đêm ngày, tuy vợ chồng phải đi làm việc, song chẳng có lúc nào hình ảnh
hai trẻ không có vởn vơ trong trí.
Năm ngoái, khi sanh Phượng rồi, cô Quế một là muốn mẹ chồng
được chung hưởng hạnh phúc gia đình, hai là muốn đem cái hạnh phúc ấy mà để vào
một cảnh thanh tịnh tiêu diêu, nên cô than thở xin chồng kiếm mua một miếng đất
gần Sài Gòn cất một cái nhà nho nhỏ mà ở cho con chơi thong thả và đặng rước mẹ
chồng về ở chung cho vui.
Có một căn nhà, không cần mỹ lệ, song phải cao ráo mát mẻ, ở
giữa một miếng đất có hoa quả, cải rau, ấy là cái hy vọng của Quan thuở nay.
Hôm nay Quan thấy vợ cũng hiệp ý với mình, lại trong nhà bây giờ có dư đến năm
bảy ngàn đồng bạc, bởi vậy Quan không dụ dự, quyết tán thành nguyện vọng của vợ
mà cũng là sự mơ ước của mình.
Lúc ấy ở chung quanh Sài Gòn đất trống có nhiều mà bán giá rẻ.
Nhờ có anh em quen chỉ dẫn, Quan mua bên Phú Nhuận, dựa trên đường lên Lăng Cha
Cả, một miếng đất rộng hơn một mẫu mà giá chỉ có một ngàn đồng thôi. Mua đất rồi
Quan đặt cất một cái nhà ngói ba gian vách ván, có nhà bếp, nhà xe, có lồng bồ
câu, có giếng nước ngọt, các cuộc tốn hao hết hai ngàn nữa.
Nhà cất xong rồi, vợ chồng Quan dọn hết những đồ của Xuân để
lại mà đem về đó, có thiếu bàn ghế tủ giường thì mua thêm, rồi vợ chồng về ở với
con và Quan cũng rước mẹ là bà Hương sư Huy lên ở với mình.
Quan mua một chiếc xe hơi nhỏ để mỗi ngày, sớm mai cũng như xế
chiều, vợ chồng xuống Sài Gòn, chồng làm việc, vợ coi tiệm. Ở nhà thằng Minh có
đứa giữ, con Phượng có vú nuôi, lại có bà Hương sư coi sóc trong ngoài, cũng
như ở dưới tiệm có dì Hai Oanh nên vợ chồng Quan khỏi nhọc lòng cực trí.
Miếng đất rộng quá. Quan liệu khó mà trồng cho giáp hết được,
bởi vậy Quan chia hai ra rồi phía sau cho người ta trồng thuốc, trồng đậu, trồng
bắp, trồng khoai. Quan ra vốn mua giống, mua phân rồi giao cho họ trồng, họ ra
công ươm trồng, vô phân rồi tưới nước, chừng bán được bao nhiêu tiền thì họ
chia cho Quan phân nửa. Kẻ có của người có công, hai đàng đều vui lòng, Quan xuất
vốn thì có lợi, mà họ ra công cũng không thiệt hại.
Còn phân nửa miếng đất nằm về phía trước, thuộc chung quanh
nhà thì Quan mướn người coi trồng. Trước sân trồng đủ thứ bông, dọc theo mé
quan lộ trồng một hàng mít, hai bên nhà trồng rau trồng cải, trồng ớt, trồng
nhãn, trồng trầu, còn phía sau nhà trồng khoai lang, trồng mì, có khi cũng thay
đổi mà trồng bắp, trồng mía.
Trót một năm nay gia đình Quan yên tĩnh cũng như mặt biển lúc
trời còn êm, hạnh phước của cô Quế như mùa xuân trăng tỏ. Chung kính mẹ, chung
kính dì, chung yêu con, chung làm việc, vợ chồng Quan chẳng mơ ước điều chi
khác nữa, chỉ mong làm sao cho chuỗi ngày hạnh phúc nầy kéo dài cho mãn đời.
Chiều hôm đó Quan ghé tiệm "Xuân Quan" mà rước vợ
chạy riết về nhà. Xe vô sân vừa ngừng thì thằng Minh chạy ra kêu ba má líu lo,
còn con Phượng còn nằm trên tay chị vú, song nó cũng đưa hai cánh tay mềm mại
non nớt ra đòi má ẵm. Quan bồng Minh, Quế ẵm Phượng cùng đi vô nhà, vừa đi vừa
hun con, vẻ hân hoan chan hoà trên các mặt, từ cha mẹ cho đến hai con. Bà Hương
sư ngồi chơi trước hàng ba, bà thấy con cháu tràn trề thân ái như vậy thì bà
vui lòng khôn tả, nên bà chúm chím cười mà vì bà cảm động quá nên bà ứa nước mắt.
Gia đình hạnh phúc là đó!
Bức tranh thêu cặp phụng hoàng đứng trên cây tùng già ngó thẳng
ra đồng ruộng bát ngát kêu mà chỉ đường hạnh phúc cho thanh niên nam nữ là đó.
Quan nựng nịu Minh, kề mặt Phượng mà hun rồi đi thay đồ đặng
ra tiếp với hai đứa ở tưới hoa tưới kiểng. Quan mặc quần vắn, đi chân không,
tay xách thùng nước đi tưới cây coi gọn gàng mạnh mẽ. Thằng Minh lẩm đẩm chạy
theo cha, tay cầm một chiếc lon mà bắt chước cha tưới nước coi rất ngộ nghĩnh.
Ăm tối rồi thì trăng mọc đã cao.
Chị vú đem em bé Phượng vô buồng mà dỗ ngủ.
Bà Hương sư và cô Quế dắt Minh ra ngồi trên băng đá để giữa
sân mà thưởng nguyệt nhìn hoa.
Còn Quan thì cũng như mỗi buổi tối, hễ ăn cơm rồi thì ngồi tại
bàn viết hút thuốc và đọc báo, đọc cho hết rồi mới chịu ra ngoài đi bách bộ mà
hóng mát.
Bóng trăng tròn tỏ rạng, mùi hoa thơm ngào ngạt, hơi gió thổi
lai rai, nhành cây đưa lúc lắc.
Minh đương ôm bắp vế mẹ mà nói nhõng nhẽo: "Mai má cho
con xuống tiệm nghe hôn má."
Cô Quế vuốt tóc con mà đáp:
- Con xuống tiệm chi con? Ở nhà chơi với bà nội chớ.
- Con chơi với bà nội hổm nay. Con muốn xuống con chơi với bà
ngoại.
- Con muốn đi thì con phải xin phép với bà nội. Như bà nội
cho thì má sẽ dắt đi.
Minh buông mẹ ra mà bước qua bà Hương sư mà nói: "Bà nội
cho con đi, nghe bà nội".
Bà Hương sư ôm cháu hun khắp mặt mày rồi nói:
- Ừ, mai con đi theo ba má xuống thăm bà ngoại. Hổm nay con
lâu xuống chắc bà ngoại nhớ lắm.
Thình lình trong nhà Quan cất tiếng kêu và nói lớn: "Em
ơi em, anh Xuân về gần tới rồi."
Cô Quế chưng hửng vừa đứng dậy đi vô nhà vừa nói: "Anh
Xuân về?...Ai nói với anh mà anh biết."
Quan cứ ngồi trong nhà mà đáp: "Qua thấy trong nhựt
trình đây. Em vô coi".
Cô Quế bươn bả vô nhà, Quan vừa chỉ vào tờ nhựt trình vừa vui
vẻ nói: "Nhựt báo đăng đủ hành khách đi chiếc tàu "ARAMIS", ở
Marseille chạy bữa 10 tháng 2. Trong số hành khách có tên Xuân, kỹ sư nông học
rõ ràng đây. Mấy năm nay tuy anh Xuân ít gởi thơ và dấu kín không chịu cho mình
biết ảnh học khoa nào, song qua có hỏi mấy người ở bên Tây về, thì họ nói ảnh học
trường Nông Phố Nogent- sur- Marne. Tên Xuân kỹ sư nông học đi chiếc
"ARAMIS" đây, thì ảnh chớ ai ".
Cô Quế cúi xuống xem kỹ lại rồi cảm xúc nên thủng thẳng nói:
"Phải rồi... Chắc ảnh..."
Cô Quế lại ngồi cái ghế để trước bàn viết, mắt ngó chồng trân
trân và nói tiếp:
- Anh Xuân về!... Em mừng quá!...
- Qua cũng mừng...
- Phải đón tàu mà rước ảnh. Không biết chừng nào tàu tới?
- Ở Marseille đi bữa 10 tháng 2, chừng 7 tháng 3 sẽ tới Sài
Gòn. Bữa nay đã ra khỏi Biển Đỏ rồi. Để gần tới qua sẽ hỏi thăm hãng Nhà Rồng
coi chắc giờ nào, ngày nào về.
- Nên cho anh Triều hay đặng ảnh lên mà rước với mình hay
không?
- Thôi, lúc nầy đương gặt hái anh Triều mắc lo góp lúa chẳng
nên làm rộn ảnh.
- Nhóm Mai, Lan, Cúc, Trúc phải hội đại hội chớ... Đã bảy năm
rồi.
- Để Xuân về mình phải dọ coi ý ảnh thế nào rồi sẽ hay.Từ
ngày ảnh đi Tây, cả năm ảnh mới gởi cho mình một tấm bưu thiếp viết ít chữ sơ
sài, không chắc tình bằng hữu như trước nữa. Vậy mình cũng chẳng nên nói chuyện
đó làm chi.
- Phận em có thọ ơn của anh Xuân: nhờ có một ngàn đồng của ảnh,
em mới leo lên địa vị chủ nhơn rồi làm ăn khá đây, dầu thế nào vợ chồng mình
cũng phải lo đền bồi ơn ấy.
- Đó là lẽ dĩ nhiên. Ơn nghĩa phải lo đền đáp, quên làm sao
được.
- Em coi ý anh Triều không thích anh Xuân; ảnh thương vợ chồng
mình hơn. Anh nhớ không? Lúc vợ chồng mình mới cưới được vài tháng, anh Triều
có dịp lên Sài Gòn ảnh kiếm mình ảnh thăm. Ảnh hay hai anh em mình kết nghĩa
trăm năm thì ảnh mừng lắm, ảnh khen mình quá, còn ảnh nói hơi như ghét anh
Xuân.
- Anh Triều xu hướng về chủ nghĩa gia đình. Mình đồng ý với ảnh
nên ảnh thích. Còn ảnh nói anh Xuân là người "Vô gia đình" nên ảnh
không ưa.
- Anh Xuân học xong rồi, chừng về xứ chắc ảnh cũng cưới vợ
như người ta chớ gì?
- Cái đó qua không dám biết. Anh Xuân nuôi ý khác mọi người. Ảnh
mê mẫn với chủ nghĩa chấn hưng xã hội. Ảnh quyết hy sinh đời ảnh để lo khai
phá. Không biết mấy năm nay ảnh đổi ý chưa?
- Em tiếc cái nhóm "Mai, Lan, Cúc, Trúc" không sum
hiệp được như hồi xưa nữa.
- Qua cũng tiếc như em. Cuộc đời thường thay đổi, lòng người
cũng vậy. Để thủng thẳng coi...
Bà hương sư dắt Minh vô nhà. Minh lại đứng trước cha mẹ và
khoanh tay xin phép đi ngủ. Vợ chồng Quan ôm con mà hun một hồi rồi Minh mới đi
theo bà nội mà đi ngủ.
Bóng trăng càng thêm tỏ, khí trời càng thêm mát, tuy gió vàng
đã lặng êm, ngọn cây đều đứng sững.
Bây giờ vợ chồng Quan mới vặn cho lu đèn trong nhà rồi cùng
nhau đi ra giữa vườn hoa thơm rực rỡ ngồi mà bàn tiếp chuyện Xuân, tính coi phải
rước Xuân như thế nào, phải làm cách nào cho chưng hửng, phải mời Xuân ở đâu,
phải làm sao mà đem trí ý thực tế để thay cho đầu óc mơ mộng của Xuân, nhứt là
phải liệu phương nào gây lại tình bằng hữu thuở xưa.
Vợ chồng bàn tính tới khuya mới đi ngủ.
CHƯƠNG 6 -
B
uổi sớm mai, sở Thương khẩu dán cáo thị nói chiếc tàu
"ARAMIS" 3 giờ chiều sẽ cặp bến Sài Gòn.
Quan xin phép sở nghỉ buổi chiều, còn cô Quế lo mua thực phẩm
để tiếp rước đãi Xuân.
Mới 2 giờ chiều mà vợ chồng Quan đã ngồi xe hơi qua bến Nhà Rồng
rồi. Những người đi rước bà con anh em như Quan, họ lần lượt tựu tới cũng đông.
Nước lớn đầy mà chiếc "ARAMIS" cao vòi vọi, sơn trắng
toát, quanh theo cái doi ngang Lăng-tô, rồi nhắm chạy vô bến, hình dáng oai
nghiêm, đồ sộ.
Cô Quế với Quan đứng ngó, trong lòng khấp khởi, vừa vui thấy
chiếc tàu, vừa trông gặp bạn cũ. Vì cảm xúc nên cô Quế nắm tay Quan, Quan ngó vợ
mà cười, rồi cũng nắm chặt tay vợ, dường như muốn trình lần cho Xuân còn ở trên
tàu được biết rằng mình theo thực tế tập tánh giản dị, nên mình cũng được hưởng
hạnh phúc, chẳng cần lặn lội kiếm tìm.
Tàu cặp bến. Vợ chồng Quan dòm hành khách có ý kiếm Xuân mà
không thấy. Tại sao vậy? Xuân mắc dọn dẹp hành lý, hay là Xuân về Xuân không
cho ai hay, Xuân chắc không có ai rước, nên không cần dựa mé tàu cho trên bờ thấy?
Thang bắt xong, hành khách chen nhau mà xuống tàu nườm nượp.
Vợ chồng Quan dắt tay nhau lại đứng gần cầu thang mà đón Xuân. Chẳng bao lâu
hai người thấy Xuân thủng thẳng đi xuống, hình vóc cao lớn mạnh mẽ, tay xách một
cái va ly, sau lưng lại có người phụ vác rương đi theo.
Cô Quế kêu lớn:
- Anh Xuân, có em đi rước anh đây!
Xuân đứng lại ngó, thấy Quan với cô Quế thì chàng nhích miệng
cười rồi phải trôi theo lượt sóng người mà xuống cầu, không thể dừng lại được
mà cũng không nói một tiếng chi hết.
Xuân xuống hết cầu thang thì gặp Quan với cô Quế đứng chực sẵn
nơi đó. Xuân bắt tay mừng bạn cũ và hỏi Quan:
- Sao toa với em Quế hay moa về nên xuống bến mà rước moa?
- Đọc nhựt báo.
- À!... Nhựt báo!
Người phu vác rương nặng, sợ Xuân đứng nói chuyện lâu nên
thúc: "Đem xe lại xe kéo phải không ông "
Quan hớt mà đáp: "Không. Đem lại xe hơi kia ". Quan
vội vã dắt người phu lại xe hơi, coi để rương lên xe tử tế rồi móc tiền mà đền
công vác.
Xuân với Quế thủng thẳng đi theo sau. Cô Quế thấy Xuân vẫn
nghiêm nghị, cặp mắt vẫn sâu xa như hồi trước, duy hình vóc lớn hơn và ở dưới
tàu gần một tháng nên bị nắng biển táp, gió thổi đùa nên nước da sậm hơn mà
thôi. Lìa quê cha đất tổ đã trót bảy năm, hôm nay mới được để chơn lên cõi thân
yêu mà người gặp trước nhứt là hai bạn cố giao, bởi vậy tuy Xuân có tánh trầm tĩnh
song trong lòng cảm động nao nao.
Cô Quế dắt Xuân lại tới xe hơi, Quan rước lấy va ly mà bỏ lên
xe nữa. Xuân hỏi trổng: "Xe của ai đây?". Cô Quế cười mà nói:
"Xe của anh Quan."
Xuân ngó Quan dường như muốn hỏi Quan làm việc có dư tiền lắm
hay sao mà sắm xe hơi.
Quan hiểu ý, không muốn Xuân dị nghị nên vụt nói:
- Xe có 3 chỗ ngồi, mà bị rương với va ly choán hết, bây giờ
làm sao mà đi được. Thôi, để tôi tính như vầy: hai người ở đây, để tôi chở hành
lý về trước, rồi tôi sẽ trở qua mà rước.
Cô Quế nói:
- Không. Anh cứ chở đồ đi đi. Em kêu xe kéo em đi với anh
Xuân. Anh khỏi trở qua nữa.
Quan liền kêu lại hai chiếc xe kéo mà giao cho cô Quế rồi lên
xe hơi cầm bánh đi trước.
Dì Hai Oanh thấy Quan ngừng xe thì bước ra hỏi:
- Còn cậu Xuân đâu con?
- Ảnh đi xe kéo, một chút nữa ảnh sẽ tới.
Quan kêu một người ở trong tiệm mà dặn:
- Chừng khách vô tiệm rồi, anh kêu một chiếc xe kéo lại anh
chở giùm rương với va ly đem trước lên nhà tôi, anh nhớ không?
Người ở cúi đầu đáp:
- Thưa nhớ.
- Ừ, mà phải chờ tôi vô tiệm rồi ở ngoài nầy anh sẽ làm nghe
không. Đừng có cho khách thấy.
- Dạ.
- Xe kéo của Xuân và cô Quế qua tới, ngừng sau xe hơi. Xuân
thấy dì Hai Oanh bước ra thì mừng, lật đật cúi đầu chào và hỏi:
- Dì Hai ở nhà mạnh?
- Cám ơn. Cậu đi mấy năm nay mạnh giỏi?
- Dạ cháu mạnh luôn luôn.
- Cô Quế vui vẻ nói:
- Tiệm may của anh đó; dì cháu em ở nhà lập dùm cho anh mấy
năm nay, song dấu kín không cho anh biết.
Xuân châu mày rùn vai, ngó lên thấy tấm bãng hiệu "Xuân
Quan " rồi gật đầu chúm chím cười.
Dì Hai Oanh nói: "Thôi mời cậu vào tiệm chớ".
Quan để bàn tay lên lưng Xuân mà xô nhè nhẹ đưa Xuân vào tiệm,
dì Hai với cô Quế tiếp đi theo, Xuân thấy thợ may ngồi hơn mười người, hàng chất
đầy tủ, áo treo đầy nhà, thì đứng ngó và suy nghĩ.
Quan nói:
- Từng dưới đây là may, còn thêu thì ở trên lầu. Toa đi luôn
lên trên xem cho biết.
Quan dắt Xuân lại thang mà lên lầu, cô Quế với dì Hai cũng đi
theo sau song không nói một lời nào cả.
Trên lầu Xuân thấy cũng có cả chục người thợ đương ngồi chăm
chỉ thêu. Cậu đi vòng coi chơi rồi gục gặc đầu.
Cô Quế bước tới nói với Xuân:
- Anh xuống tàu mà đi Tây rồi thì em vâng lời anh dạy em dùng
một ngàn đồng bạc của anh mà lập tiệm Xuân Quan nầy. Phần may từng dưới thì về
dì em coi sóc, còn phần trên nầy thì chính mình em quản xuất. Nhờ trời phật độ
nên mấy năm nay tiện Xuân Quan phát tài luôn luôn. Nhờ anh mà em được leo lên địa
vị chủ nhân, ơn ấy chẳng bao giờ em dám quên.
Xuân châu mày đáp:
- Qua không nhớ tiền bạc gì hết. Qua để cho em một ngàn đồng
bạc bao giờ đâu?
- Anh muốn diễu chơi hả? Em biết anh là người thành thật, kỹ
lưỡng, hay tính trước hay lo xa. Có lẽ nào lìa quê hương mới bảy năm mà anh đổi
tánh đến thế.
Mấy lời ấy làm cho Xuân ăn năn nên lật đật nói lại:
- Qua nói chơi. Mà cũng tại em làm cho qua bước ra ngoài vòng
chơn chánh.
- Sao vậy? Em làm sao mà anh đổ tội cho em?
- Ai biểu em nhắc chuyện cũ làm chi?
- Không nhắc sao được.
- Xin em đừng nhắc.
- Cô Quế vừa muốn cãi nữa thì Quan nói: "Thôi mà, anh
Xuân mới về tới, chúng ta nói chuyện mới nghe cho vui, em nhắc chuyện cũ làm
chi. Coi tiệm Xuân Quan rồi, thôi bây giờ mời anh Xuân lên Phú Nhuận
chơi". Xuân hỏi Quan:
- Lên Phú Nhuận làm gì?
- Ậy! Cứ đi mà. Làm chi rồi sẽ biết.
- Để tôi mướn phòng ngủ mà cất hành lý rồi đi đâu sẽ đi chớ.
- Đừng lo chuyện ấy.
Quan liền cắp tay Xuân mà xuống lầu. Dì Hai Oanh với cô Quế
ngó nhau mà cười. Xuống từng dưới rồi Quan nói với dì Hai: "Mời dì lên Phú
Nhuận chơi với mấy cháu."
Dì Hai ngó vòng mấy người thợ may rồi nói:
- Không tiện. Đồ may gấp lắm, dì phải thúc cho họ may, không
dám đi chơi. Mấy cháu đi đi. Cậu Xuân đi chơi, để bữa nào cậu rảnh rỗi rồi tôi
sẽ nói chuyện với cậu, vì tôi có nhiều chuyện phải nói, mà lại nói dài lắm.
Ba người cúi đầu từ giã dì Hai rồi nối nhau ra cửa. Xuân thấy
xe hơi còn đậu ngay cửa song không có hành lý của mình thì hỏi Quan:
- Ủa, đồ đạc của moa ai đem đi đâu rồi?
- Moa đã sai người chở trước lên Phú Nhuận.
- Chi vậy?
- Đem lên trển cho toa chớ có chi đâu.
- Bí mật quá.
- Có gì là bí mật đâu.
Xuân rùn vai mà trong trí suy nghĩ lung lắm.
Cô Quế mở cửa xe hơi leo lên ngồi phía sau, Quan lên ngồi đằng
trước, biểu Xuân lên ngồi một bên mình, rồi cầm bánh cho xe chạy lên Phú Nhuận.
Cách bảy năm trời mới thấy Sài Gòn, Xuân ngồi xe cứ ngó hai
bên, không muốn nói chuyện. Cô Quế ngồi phía sau cô vui vẻ hỏi:
- Anh Xuân, anh coi Sài Gòn bây giờ có khác hơn hồi trước hay
không? - Bên Khánh Hội thì khác nhiều. Phía Chợ Mới người ta đông đảo và buôn
bán thịnh vượng hơn. Còn phía trên nầy thì nhà cửa cũng như cũ, chớ không thay
đổi chi hết.
- Qua khỏi cầu Kiệu rồi thì anh sẽ thấy đổi nhiều. Để rồi anh
coi.
Thiệt khi xe qua khỏi cầu Kiệu rồi thì Xuân thấy người ta
đông đảo rần rộ, nhà phố hai bên cất giáp hết, chớ không phải là đường quạnh
hiu, nhà sơ sài dơ dáy như hồi trước.
Cô Quế hỏi Xuân:
- Phải khác hơn hồi trước hay không anh Xuân? Em nhớ hồi trước
chúa nhựt mấy anh dắt em đi chơi phía trên nầy, có phải như vầy đâu.
- Từ chợ Tân Định trở lên phía trên nầy người ta đông quá.
- Phải. Nhờ chánh phủ làm đường xe lửa từ Bắc vào Nam, đồng
bào ta ngoài Bắc Việt, Trung Việt có thể vào trong nầy dễ dàng, nên ở buôn bán
làm ăn. Tại như vậy nên bây giờ Sài Gòn dân số tăng lên vùn vụt, phải tràn ra
mà ở các vùng chung quanh châu thành.
- Đó là sự tiến hoá của quê hương về mặt kinh tế. Đáng mừng lắm.
- Ừ. Tiệm may, tiệm đóng giày, tiệm bàn ghế, tiệm giặt ủi bây
giờ toàn là của người mình hết anh ạ.
- Vậy hả? Được vậy thì qua mừng lắm. Đó là một sự qua ao ước
từ thuở nhỏ.
- Việt Nam mình lập tiệm buôn bán nhiều, để rồi anh đi chơi
anh sẽ thấy.
Xuân mắc nói chuyện, chừng thấy xe hơi quanh vô nhà thì chưng
hửng hỏi: "Nhà ai đây?"
Quan với cô Quế dường như không nghe nên không trả lời. Xe ngừng
bên nhà. Quan mời Xuân xuống, Xuân hỏi nữa; "Nhà ai đây?"
Quan chúm chím cười và đáp:
- Nhà của moa chớ nhà ai.
Xuân không dè Quan có xe hơi, mà lại còn có nhà, nên đứng ngạc
nhiên. Quan mời Xuân lên hàng ba đặng vô. Bà Hương sư nắm tay cháu Minh đứng sẵn
tại cửa giữa, mà chị vú bồng cháu Phượng cũng ra đứng gần đó.
Quan thấy mẹ liền tiến dẫn với Xuân:
- Má của moa. Thưa má, bạn của con là anh Xuân bên Pháp mới về
tới. Xuân cúi đầu chào nói:
- Cháu kính chào bác và chúc bác an khương.
Bà hương sư đáp:
- Tôi mừng cậu. Mấy năm nay thằng Quan tôi nhắc nhở cậu hoài.
Từ nay anh em được gần nhau, tôi lấy làm vui lắm.
Quan bước tới đưa tay bồng cháu Phượng mà hun. Thằng Minh thấy
có khách lạ nên nãy giờ đứng êm, chừng thấy ba nó bồng em nó, thì nó buông tay
bà nội rồi lại ôm ba nó. Xuân thấy vậy thì hỏi Quan:
- Con của toa?
- Phải. Con của moa.
- Được mấy đứa?
- Có hai đứa đây.
Quan biểu Minh:
- Con xá bác đi con.
Minh chắp tay cúi đầu chào Xuân. Xuân cười đưa tay nắm chặt
tay mặt của Minh, rồi ngó vô nhà rồi hỏi Quan: „Toa làm ơn tiến dẫn Madame Quan
cho moa biết". Lúc ấy cô Quế đứng sau lưng Quan chúm chím cười. Quan day lại
chỉ vợ mà nói: „Madame Quan đây. Toa quen trước moa nên moa không tiến dẫn."
Xuân ngạc nhiên ngó cô Quế, ngó Quan, ngó hai cháu nhỏ, rồi gật đầu và chậm rãi
hỏi Quan:
- Lạ lùng quá. Moa không dè chút nào hết! Toa làm như vậy hay
sao? Toa cưới em Quế hồi nào?
- Toa đi một năm rồi moa cưới.
- Sao không cho moa hay?
- Toa không ưa gia đình thì cho toa hay ích chi? Khi ra đi
toa dặn moa ở nhà phải bảo hộ em Quế. Moa suy nghĩ mãi, sau moa định rằng phải
cưới em Quế thì mới bảo hộ em được, nên moa cưới.
Xuân vui vẻ bắt tay mừng cho bạn:
- Toa cao thượng mà lại giản dị quá. Moa mừng cho toa mà moa
cũng kính phục toa.
Xuân day qua nói với cô Quế:
- Qua cũng mừng cho em lắm. Em với Quan đều kính trọng chủ
nghĩa gia đình, hai người phối hiệp, gia đình tự nhiên đầm ấm. Qua mừng lắm.
Qua vui lắm. Em khỏi phải đeo chiếc cà rá mặt đỏ nữa.
Cô Quế đưa bàn tay cho Xuân xem. Thiệt quả không có chiếc cà
rá mặt đỏ. Cô cười và nói: "Anh Quan không cho em đeo chiếc cà rá đó mà
anh lại biếu em một chiếc dây chuyền có trái tim vàng để em đeo luôn luôn trước
mặt em đây. Hồi anh ra đi thì hai đứa em có tình bằng hữu mà thôi chớ chẳng có
ý gì khác. Vì gần nhau rồi lại thấy tâm đầu ý hiệp nên lần lần mới gây tình vợ
chồng. Nhờ có tình với ý ấy chung lộn nên vợ chồng em mới tạo được hạnh phúc mà
hưởng mấy năm nay."
Xuân vội vã nói:
- Hạnh phúc ấy em sẽ hưởng hoài, hưởng tới già, hưởng trọn đời.
Mọi người đều hân hoan, cô Quế rước bé Phượng mà bồng. Bà
hương sư mời hết vô nhà.
Xuân đứng giữa phòng khách ngó cùng nhà, bộ đắc ý lắm. Cậu thấy
tấm thêu cặp chim phượng hoàng đậu trên cây tùng già bây giờ lộng kiếng đóng
khuông treo tại cửa giữa ngó thẳng ra phỏng khách thì cậu chỉ và hỏi: "Tấm
thêu năm trước đấy phải không?"
Cô Quế đáp:
- Phải. Mà em với anh Quan làm cho cặp phụng hoàng ngó thẳng
ra khoảng trống đó bây giờ biết kêu, kêu thanh niên nam nữ mà chỉ dùm đường hạnh
phúc...
Xuân ngó Quan mà hỏi:
- Thiệt như vậy hay sao, Quan?
Quan gập đầu đáp:
- Thiệt như vậy... Bây giờ trời mát rồi moa mời toa đi xem vườn
đất của moa chơi.
Quan dắt tay Xuân ra vườn qua phía trước, rồi dắt đi xem những
rau, ớt, trầu, khoai của Quan coi cho người ta trồng chung quanh nhà. Quan
không biết nông học là gì, nhưng bắt chước thiên hạ trồng thuở nay, vô phân tưới
nước săn sóc hàng ngày, rồi hoa coi cũng tươi, rau trầu khoai củ coi cũng sởn
sơ mạnh mẽ. Đi coi đến đâu Xuân cũng khen đến đó làm nông chí Quan thêm, nên
Quan dắt đi vô miếng đất phía sau, là chỗ Quan ra vốn cho người ta trồng. Chiều
người ta đương tưới đồ trồng, bởi vậy đàn ông, đàn bà, con nít lăng xăng. Đầu nầy
trồng thuốc, đầu kia trồng cà, bên kia trồng bắp, thứ nào cũng tốt xem ra ngoạn
mục.
Quan chỉ mà nói với Xuân:
- Miếng đất của moa được hơn một mẫu. Moa để phía trước moa
trồng, còn phía sau moa ra vốn cho người ta trồng. Moa bây giờ làm bậy bạ như vậy
mà ba bốn gia đình no cơm ấm áo.
Xuân nghiêm nét mặt mà đáp:
- Làm như vậy sao gọi là bậy. Đó cũng là một việc công ích chớ.
Tiếc vì toa làm nhỏ nên không được mấy người. Phải làm lớn mới được, làm sao
cho mọi người được nhờ thì mới quí.
- Moa làm theo sức moa, moa không dám nuôi viễn vọng.
- Toa vẫn giữ tánh tẳn mẳn hoài!
- Làm nhỏ mà thành công có lẽ tốt hơn làm lớn mà thất bại. Nếu
mỗi cái nhỏ đều thành công hết, mình gom lại thì cũng bằng cái lớn thành công.
- Ấy là lý luận của người dè dặt. Con người có chí viễn đại
thì lý luận khác.
- Toa cũng còn nuôi viễn chí hoài sao?
- Đầu óc của moa như vậy làm sao moa đổi được?
- Toa phải đổi. Moa khuyên toa phải đổi.
- Moa nhứt quyết gìn giữ vững vàng.
- Toa sẽ hối hận.
- Toa không phải nhà tiên tri. Mà dầu toa là đấng tiên tri
đoán số mạng cho moa như vậy, moa vẫn cũng không dời đổi.
- Moa lập lại lần nữa, toa nên đổi chí. Ấy là moa nhận xét
theo kinh nghiệm.
- Cám ơn.
Hai anh em đi dạo vườn và nói chuyện đến tối mới trở vô nhà.
Đèn đã bật sáng, bàn ăn cũng đặt sẵn. Quan đã biểu dọn trước
cho Xuân một căn phòng ở phía ngoài, trong phòng để đồ đạc của Xuân hồi trước,
và hồi chiều cũng đem rương với va ly vô đó rồi, bởi vậy Quan mở cửa phòng mà
nói với Xuân:
- Phòng nầy của toa, có đồ đạc sẵn sàng hết. Toa rửa mặt thay
đồ rồi ăm cơm.
- Toa bắt moa ở đây hay sao?
- Về đây thì toa ở với moa chớ sao?
- Không được.
- Sao vậy? Tại sao toa không muốn ở với moa?
Xuân dụ dự một chút rồi mới đáp: "Ở trên nầy xa
quá?"
Quan hiểu câu trả lời ấy không thành thật, nhưng không muốn
cãi với bạn, nên rùn vai mà nói: "Thôi, toa rửa mặt thay đồ đi; rồi chúng
ta sẽ nói chuyện."
Vợ chồng Quan coi dọn cơm, chừng Xuân trở ra, liền mời dùng bữa
tối. Bà Hương sư với cô Quế ngồi một bên, còn Quan với Xuân ngồi một bên. Minh
đã ăn cơm trước hồi chiều, song cũng đòi ngồi đầu bàn đặng gần cha mẹ.
Những cảnh Xuân trông thấy từ hồi xế đến giờ, nào là tiệm
Xuân Quan rần rộ thạnh phát, nào là gia đình cô Quế đầm ấm sum vầy, nào là vườn
tược của Quan sạch sẽ tốt tươi, đều là cảnh lạ lùng trước mắt, mà cũng lạ lùng
với trí nữa, bởi vậy Xuân lấy làm cảm xúc, ngồi ăn cơm mà bộ cứ lơ lững như người
trên cung trăng rơi xuống dương trần. Xuân ngó bà Hương sư hiền lành, ngó vợ chồng
Quan vui vẻ, ngó cháu Minh nói đỏ đẻ ngây thơ với mẹ, ngó bé Phượng chị vú bồng
đương đứng dựa đèn, thì trong lòng thiệt là mừng cho bạn thân yêu được hạnh
phúc nhưng không hiểu vì sao mừng mà lại ái ngại, mừng mà lại bồi hồi, mừng mà
lại bắt suy nghĩ.
Thình lình Xuân lại nói với Quan:
- Toa muốn moa ở đây với toa. Moa cảm cái thạnh tình của toa
lắm, song moa ở chơi với vợ chồng toa năm mười bữa, nửa tháng thì được, chớ
không thể ở luôn.
Bà hương sư nói:
- Vợ chồng nó là bạn thiết của cháu, thuở nay hoài vọng cháu
luôn luôn. Cháu không có vợ thì ở chung với nhau cho tiện, nhà tuy nhỏ, song
mát mẻ, cháu chẳng nên ái ngại.
Xuân đáp:
- Thưa bác, cháu về đây cháu đã thấy hai người bạn thiết của
cháu đã phối hiệp với nhau mà lại được hưởng hạnh phúc hoàn toàn thì sự vui mừng
của cháu không biết lấy chi ví cho xứng. Thiệt cháu không ái ngại chi hết. Cháu
không chịu ở chung với Quan là vì cháu thấy gia đình hạnh phước của Quan và em
Quế đương đầy dẫy tràn trề, đương nồng nàn đầm ấm, cháu phải chắp tay mà xá rồi
nhè nhẹ bước dan ra, đứng xa mà nhắm coi cho vui nghĩ cũng đủ rồi, không nên
chen lộn vào mà làm cho cái cảnh hạnh phước cao quí ấy thất thường rộn rực.
Cháu không chịu là tại vậy đó, chớ không phải là ái ngại.
Quan liền hỏi Xuân:
- Toa nhìn nhận hạnh phúc gia đình là cao quí, vậy toa hết
chê chủ nghĩa gia đình phải không?
- Đó là một việc khác. Mỗi người theo đuổi một sở thích
riêng. Toa nhớ lại mà coi, chẳng bao giờ moa cám dỗ toa theo sở thích của moa.
Vậy thì toa cũng nên tôn kính dùm chí ý của moa, đừng khuyến khích theo sở
thích của toa mới phải chớ.
Cô Quế sợ Xuân phiền nên nói tiếp:
- Có lẽ tại anh Quan nói chưa hết ý, nên anh tưởng ảnh cám dỗ
anh lập gia đình. Không phải vậy đâu. Sở thích của anh, vợ chồng em không dám
đá động. Song hồi nãy anh nói vợ chồng em tràn đầy hạnh phúc, anh muốn lánh xa
để vợ chồng em trọn hưởng... Em cảm ơn anh, cảm ơn cái lòng thanh nhã cao thượng
của anh. Nhưng em xin phép anh nói thêm rằng cái hạnh phúc gia đình mà vợ chồng
em gây dựng được đây nguyên bởi anh mà có. Có anh, em mới được biết anh Quan và
anh Quan mới được biết em; có anh ám trợ nên vợ chồng em mới gây dựng được hạnh
phúc nầy. Em muốn anh ở chung với vợ chồng em đặng chung hưởng một chút hạnh
phúc anh làm ra đó. Em muốn như vậy có lẽ không phải em cầu kỳ. Xin anh nghĩ lại.
- Cảm ơn em. Qua nói thiệt với em, những việc qua làm đều do
lương tâm mà làm chớ không mong hưởng phần thưởng. Hồi làm qua không dè có kết
quả nầy. Hôm nay qua thấy nhờ có công qua chút đỉnh, mà Quan ái mộ gia đình,
bây giờ cũng được một người bạn trăm năm có đức có hạnh, biết trọng chồng biết
thương con: còn em là gái côi cút nghèo nàn em được một người bảo hộ chân chánh
thận trọng xứng đáng tu mi nam tử. Qua vui lắm, qua mừng lắm, vui mừng ấy là phần
thưởng cao quí hơn việc của qua làm lắm. Đủ rồi em ạ, em khỏi lo đền ơn đáp
nghĩa chi nữa. Qua ước mong cho Quan và em duy trì hạnh phúc gia đình nầy cho bền
vững trăm năm, cho khỏi trái với chí ý của tấm thêu cặp phụng hoàng kia, tự
lòng em nghĩ ra, rồi Quan còn thêm ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Qua không hiểu tại
sao đầu óc của qua không giống như đầu óc của Quan, vì không giống nên qua
không thể hưởng thú hạnh phúc của Quan hưởng, mà chắc chắn Quan cũng không biết
thưởng thức cái hạnh phúc của qua tưởng tượng.
Cô Quế nghe những lời lẽ cao thượng nhân nghĩa ấy thì cô cảm
xúc quá, kiếm không ra lời mà nói với Xuân nữa. Quan muốn tiếp vợ mà biện luận,
nhưng nghĩ chưa phải cơ hội, nên kéo câu chuyện qua ngã khác và hỏi Xuân:
- Tại sao mấy năm nay toa dấu kín, không chịu cho vợ chồng
moa hiểu toa học về khoa nào?
- Cho toa hiểu làm chi? Toa đi một đường, moa đi một ngả, nếu
nói cho toa biết ngả của moa đi, chi cho khỏi toa làm mặt "thầy đời",
toa khuyên lơn, toa can dứt càng rộn trí moa. Còn tại sao toa cưới em Quế mà
toa không cho moa hay?
- Toa ghét chủ nghĩa gia đình, cho hay ích gì. Moa đã nói hồi
chiều rồi. - Được. Toa cắt nghĩa như vậy nghe có lý.
- Chuyện moa dấu toa bây giờ toa biết rồi. Còn chuyện toa dấu
moa bây giờ toa cần gì phải dấu nữa. Phải toa học nông phố, toa đậu kỹ sư rồi
hay không?
- Phải. Moa học trường Nogent- sur- Marne, đậu kỹ sư nông phố.
Chánh phủ cấp bằng cho moa làm bác vật canh nông, phái moa về nước khảo cứu vấn
đề chấn hưng nông nghiệp trong Nam Việt. Ngày mai moa sẽ trình diện với Sở Canh
nông, rồi bắt đầu làm việc.
- Nếu vậy thì toa sẽ ở Sài Gòn, gần gũi vợ chồng moa.
- Phải, mà moa sẽ mướn phố ở riêng một mình đặng thong thả mà
lo việc khác.
- Lo việc khác là việc gì?
- Để rảnh rồi moa sẽ cắt nghĩa cho toa nghe.
Ăn cơm rồi Xuân với Quan ra trước sân đi bách bộ mà hứng mát.
Bà Hương sư quen ngủ sớm nên sắp nhỏ ngủ rồi thì bà cũng đi ngủ.
Cô Quế biểu gia dịch đốt một cái đèn lồng treo giữa vườn hoa,
nhắc ghế, bưng bình trà đem ra để đó, rồi thì mời Xuân và Quan lại ngồi uống
trà nói chuyện chơi.
Thời kỳ phỉnh phờ nhau chơi cho vui đã qua rồi. Bây giờ ba
người ngồi dưới bóng đèn, chung quanh hoa đua nở, trên trời sao tứ giăng. Xuân
nhớ niềm Mai, Lan, Cúc, Trúc năm xưa, mới hỏi thăm Triều: "Còn anh cả của
mình mấy năm nay ảnh làm việc gì? Bây giờ ảnh ra sao?".
Cô Quế nghe hỏi tới Triều thì cô cười lớn mà đáp:
- Anh Triều có vợ có con, mập ú, đen thui. Bây giờ ảnh thành
chú làm ruộng trăm phần trăm. Anh thấy xa chắc anh nhận không ra.
- Qua nhớ hồi đó ảnh nói vợ ở dưới Long Mỹ, con của ông đại
điền chủ nào đó phải không?
- Không có. Ảnh cưới con ông gì đó, ở tại chợ Bạc Liêu cũng
giàu lớn lắm.
- Sao vậy?
- Ảnh nói ông điền chủ Long Mỹ đó ban đầu chịu gả, rồi sau
nghe lại ảnh không có hai bằng tú tài nên muốn làm khó. Ảnh giận ảnh bỏ mà cưới
chỗ khác.
- Cuộc đời biến đổi mau quá, không ai dám định trước. Em với
Quan có hay gặp anh Triều hay không?
- Hễ ảnh vô Sài Gòn thì ảnh hay ghé thăm em. Ảnh có lên nhà nầy
một lần. Mấy tháng nay chắc ảnh mắc góp lúa nên không thấy ảnh lên nữa. - Ảnh
cũng là người ái mộ gia đình. Ảnh lập gia đình mà không biết ảnh có hưởng hạnh
phúc chăng?
- Bộ ảnh phấn chí hân hoan lắm chớ không than phiền chi hết.
Chắc đời ảnh cũng tươi cười như ảnh.
Xuân kêu Quan mà dặn:
- Nầy Quan, toa đừng cho Triều hay moa về nghe không?
- Sao vậy?
- Nếu cho hay thì moa phải đi thăm ông và bà già ảnh. Moa mắc
lo việc quan hệ lắm, không thể thăm được. Để sau rồi sẽ hay.
- Hồi ăn cơm toa nói toa muốn ở riêng cho thong thả đặng lo
việc khác. Chắc toa đương tính việc gì lớn lắm. Toa có thể nói cho vợ chồng moa
biết đại ý được không?
- Moa nói thiệt với toa, về khoa nông phố moa học đã gọi tạm
hoàn toàn mà moa còn khảo cứu về nông nghiệp trong Nam Việt cũng kỹ lưỡng rồi nữa.
Moa lãnh chức bác vật canh nông đây là lãnh tạm mà thôi. Moa tính moa sẽ cổ động
cho điền chủ trong Nam Việt hiệp cùng moa mà cải lương nông nghiệp, làm ruộng
theo phương pháp văn minh đặng giúp cho dân mình từ điền chủ tới nông dân đều
được giàu có chớ nước mình có ruộng đất phì nhiêu, mà không giàu mạnh như thiên
hạ thì tức quá.
- Vì tình nghĩa anh em thân thiết nên moa phải tỏ thiện ý của
moa. Việc toa tính đó nghe thì phải, nhưng làm thì khó lắm. Moa nói khó là bởi
vì mấy lẽ nầy: 1) Người mình có tánh ích kỷ, chưa dám hi sinh tư lợi để tán
thành công ích; 2) Mấy năm sau nầy có nhiều nhà trí thức mượn công ích hô hào rủ
ren nhơn dân hiệp bổn để khai thương mại, lập công nghệ, khẩn điền địa, mà việc
nào cũng thất bại hết thảy làm cho người ta chán ngán, không dám tin cậy ai nữa.
Vì hai lẽ ấy mà cũng còn nhiều lẽ khác moa không muốn kể hết, nên moa sợ việc
toa tính đó khó thành.
- Moa sẽ viết sách, moa sẽ mướn nhựt báo cổ động gây thành
phong trào chấn hưng kinh tế, cho đồng bào ham công ích rồi hiệp với moa làm
cho dân cho nước được giàu.
- Moa nói theo ý riêng của moa cho toa nghe mà thôi. Còn việc
của toa làm thì tự toa liệu định, moa không dám cản.
- Moa tin chắc việc của moa tính đó sẽ thành.
- Nếu được thì moa mừng lắm. Mà mình là anh em với nhau, moa
lấy lòng thành thiện mà nói với toa chuyện nầy: trước khi đi Tây toa có để cho
vợ moa một ngàn đồng bạc. Nhờ có số bạc ấy mới có tiệm may Xuân Quan. Tiệm may
bây giờ có lời nhiều, trong tủ có tới bảy tám ngàn. Vợ chồng moa muốn hỏi coi
toa có cần dùng thì lấy số bạc ấy lại mà xài.
- Nhờ vốn của moa mà em Quế làm ra lời như vậy, moa nghe moa
mừng lắm. Moa không cần dùng tiền. Số bạc bán đất hồi trước, moa ăn học bên Tây
tuy tốn hao nhiều, song bây giờ cũng còn được mười mấy ngàn.
Cô Quế chận nói:
- Dầu anh không cần dùng tiền em cũng xin anh lấy số vốn ấy lại.
- Em cất dùm cho qua.
- Anh nói như vậy em không dám nài ép nữa. Còn nếu anh không
chịu ở với vợ chồng em, anh muốn dọn nhà ở riêng cho thong thả thì em xin trả đồ
đạc của anh hồi trước lại cho anh dùng. Những đồ ấy em còn giữ đủ hết.
- Em không muốn có vật gì của qua ở trong nhà em hay sao, nên
em xin trả?
- Không phải như vậy, em muốn trả cho anh dùng chớ.
- Qua để đó làm vật kỷ niệm. Vợ chồng em hàng ngày thấy đồ ấy
cũng như thấy qua. Không biết chị chín Thiện thằng Chí còn ở Sài Gòn hay không?
- Lâu lâu em có gặp hai người ấy một lần, chắc còn ở Sài Gòn.
Để sáng mai em biểu người đi hỏi coi họ ở đâu.
Ba người nhắc chuyện cũ đến việc mới tới khuya rồi mới đi nghỉ.
CHƯƠNG 7 -
T
háng bảy trời mưa dầm dề luôn mấy ngày, đến bữa nay mặt trời
mới ló dạng, nhưng ánh sáng dường như còn nhút nhát, nên nắng vừa ấm cỏ chớ
chưa làm khô được vũng bùn lầy, đường còn ướt át.
Ông Tư Tệt cũng như các nông gia ở thôn quê, ban đêm ngủ sớm,
khuya thức dậy sớm, chẳng bao giờ ông biết nghỉ trưa, bởi vậy mặt trời đứng đầu
mà ông mặc áo lá đương ngồi ngoài lẫm lúa coi cho thợ dọn quét, bởi vì hôm qua
ông đã bán hết lúa bây giờ lẫm trống, nên ông không muốn để bụi trấu dơ dáy
trong lẫm.
Thình lình có một chiếc xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Ông ngó
ra thấy ông Hội đồng Quì, ở Ngã Bảy, người ông quen thuở nay, xuống xe rồi đi
vô sân, tóc râu bạc phếu, y phục tề chỉnh.
Ông Từ Tệt lật đật đứng dậy đi vô nhà lớn để đón tiếp khách.
Ông mời khách vào nhà, lấy áo dài mặc cho đủ lễ, kêu đứa ở biểu chế nước lấy trầu,
rồi nói chuyện với khách.
Những câu chuyện của chủ khách nói với nhau hôm nay là những
câu chuyện chung thường nghe trong các làng các xóm, khi hai vị nông gia gặp
nhau. Ban đầu hỏi thăm nhau về sự mạnh giỏi, rồi lần tới giá bán lúa. Có mấy
câu chuyện ấy mà chủ khách có thể kéo dài tới tối vẫn chưa dứt, nhưng ông Hội đồng
Quì có tánh thiết thực, bởi vậy nói chuyện ruộng nương lúa thóc mới được chừng
một giờ thì ông xây qua ngã khác mà hỏi thăm gia đình rồi nói chuyện làm sui.
Ông Từ Tệt nói chuyện ruộng nương thì ông hăng hái bao nhiêu
chừng nói chuyện làm sui ông lại dè dặt bấy nhiêu. Ông dè dặt đến nỗi không nhứt
định, không cả quyết chút nào hết, chỉ nói những câu: "Để rồi coi" hoặc:
"Thủng thẳng rồi sẽ tính", hoặc: "Anh nói vậy hay vậy". Sự
dè dặt nguội lạnh ấy làm cho khách bất mãn nên phải từ mà về, song khi ra cửa
khách còn muốn nuôi chút hy vọng nên nói với: "Chỗ đó xứng đáng lắm. Xin
ông suy nghĩ lại, chẳng cần phải trả lời vội. Ông suy nghĩ coi được hay không rồi
bữa nào rảnh ông viết thơ cho tôi biết. Nếu được thì anh em mình có dịp gần
nhau thường".
Khách lên xe đi về rồi Ông Từ Tệt thủng thẳng trở vô nhà trong,
trí tư lự, nên sắc mặt nghiêm trang.
Bà Tệt năm nay tóc đã bạc hoa râm, bà ở nhà sau đi lên, vừa
thấy ông thì bà hỏi:
- Khách nào đó mà nói chuyện dai chi dữ vậy ông?
- Anh Hội đồng Quì ở trên Ngã Bảy.
- Hội đồng Quì nào? Phải sui gia với bà Sang ở bên Cái Giầy
hay không?
- Phải.
- Ổng xuống thăm chơi hay là có việc chi?
- Ảnh muốn làm mai.
- Làm mai cho ai?
- Ảnh nói thầy Cai Hoà trên Rạch Giá muốn làm sui với mình,
nên thẩy cậy ảnh nói trước dùm xin mình định ngày đặng thẩy đem coi trai thẩy
xuống coi con Quyên.
- Coi con Quyên? Nó cứ ở miết dưới ruộng, nó có ở nhà đâu mà
coi. Người ta nói như vậy mà ông có hứa hay không? Nếu có hứa thì phải sai người
xuống Cà mau mà kêu nó về.
- Không. Tôi không có hứa chi hết. Tôi nói nó còn nhỏ, mà coi
ý nó ham làm ruộng hơn lấy chồng. Anh Hội đồng Quì nài nỉ, cứ khoe thầy Cai Hoà
giàu có lớn mà vợ chồng nhơn đức, tôi nói để tôi tính lại rồi sẽ trả lời.
- Con Quyên năm nay 23 tuổi rồi, có phải nhỏ đâu. Nếu coi phải
chỗ nào thì cũng nên gả phức cho rồi, để nó lỡ thời rồi thì làm sao mà gả.
- Bà nó khéo lo dữ! Có tiền bà đừng sợ con nó ế chồng. Bà
không nghe thằng Triều nói bữa hổm hay sao? Nó nói kỹ sư, bác sĩ họ đương rầm rầm
kéo xuống miệt vườn mà kiếm vợ. Sớm muộn gì thì họ cũng mó tới cho coi. Bà đừng
lo mà.
- Con thầy Cai Hoà có học hành gì hay không?
- Nghe nói đậu tú tài đủ hai kỳ, muốn đi Tây học song thầy
Cai không chịu, nên bắt cưới vợ.
- Học tới bực tú tài cũng đủ rồi. Ông đèo bòng làm chi?
- Không phải tôi đèo bòng. Gả con tôi muốn chọn thằng rể lo
làm ăn chớ không màng chức tước hay bằng cấp đâu. Người không có chí cần lao dầu
học giỏi hay làm lớn tới bực nào đi nữa cũng không quí.
- Sao ông biết con thầy Cai không lo làm ăn?
- Tôi có biết đâu. Song tôi nghĩ con nhà quan, sung sướng từ
nhỏ chí lớn quen rồi, nó biết lo làm ăn đâu, vì vậy nên tôi giục giặc chớ.
- Có con gái mà ông nghĩ đủ thứ như vậy, tôi sợ e tới già nó
cũng chưa có chồng được. Chồng con là cái duyên của con gái. Người ta xin coi
con Quyên thì cho người ta coi, gả hay không, tự nơi mình. Họ coi rồi mình sẽ dọ
dẫm lại, như thằng rể tánh nết được thì mình gả, bằng không thì thôi, cho coi
có buộc mình gả đâu mà sợ.
- Tôi không muốn như vậy. Bà muốn cho họ coi hay sao?
- Tôi không muốn chi hết, nhưng có con gái hễ họ xin coi thì
phải cho coi.
- Tự ý bà. Thôi để bữa nào con Quyên nó về, tôi hỏi như nó chịu
cho người ta coi thì tôi viết thơ hẹn ngày với anh Quì.
Hai ông bà đương cãi nhau kế cô Quyên ở dưới Cà Mau đi xe đò
về tới.
Cô Quyên bây giờ là một cô gái 23 tuổi, khác hẳn với cô Quyên
bảy tám năm trước. Tuy nước da ngâm ngâm của cô vẫn còn ngâm ngâm như cũ, tuy
gương mặt vui vẻ của cô vẫn vui vẻ như thường, song bây giờ cô trổ mã con gái
hoàn toàn, nên nét mặt của cô có u ẩn thiện chơn, hình vóc cô coi dong dảy mà lại
đều đặn.
Cái giọng nói của cô lại trong trẻo, tướng đi của cô lại
thanh nhã, bởi vậy nước da bánh ếch ngọt của cô bất quá làm cho cô không được
mang danh gái mỹ miều mà thôi, chớ không đến nỗi liệt cô vào hạng gái thô hay
là gái xấu được. Nhờ có học được mấy năm trên Sài Gòn nên cô nói tiếng Tây làu,
cô thêu khéo, cô dạn dĩ, cô lanh lẹ.
Bỏ cái tánh liếng xáo hồi trước, bây giơ cô chỉnh tề nghiêm
nghị. Bỏ cái tánh đỏng đảnh, cứ ăn rồi chơi như hồi trước, bây giờ cô biết tôn
kính cha mẹ, cô cần mẫn xem xét mọi việc trong nhà, cô còn giúp đỡ chị dâu từ
việc nấu ăn cho tới việc may vá. Vợ chồng ông Từ Tệt có một chút gái nên ông bà
cưng thiệt là cưng, mà thấy con nết na như vậy ông bà càng yêu chuộng hơn nữa.
Mà còn có một điều làm cho ông bà vui mừng hơn hết, là ba năm nay cô Quyên thôi
học ở nhà, cô lại ưa thích nghề nông, cô xin với cha mẹ để cô lãnh coi khai phá
sở đất mua của Xuân năm trước.
Ông Từ Tệt nhờ cần lao mà làm giàu, nay thấy con giống tánh,
ông thấy vừa ý nên ông chịu liền, thầm tính sẽ chỉ bảo dìu dắt cho con làm mau
thành điền mà hưởng lợi. Vì vậy mấy năm nay cô Quyên ở dưới ruộng nhiều hơn ở
trên nhà, nhứt là trong mùa cấy và gặt thì cô chẳng hề rời sở đất.
Ở trong ruộng cô sống chung với nông phu, cô thấy tận mắt sự
cực nhọc và tánh giản dị của những con người ấy, rồi cô đem lòng thương. Vì cô
biết thương người, tự nhiên người thương lại, bởi vậy cô êm đềm thuận thảo, cô
lo cho người, người cũng giúp lại cô.
Hôm nay cấy xong rồi nên cô mới trở về nhà thăm cha mẹ.
Bà Tệt thấy con vô sân thì bà mừng rỡ, lật đật bước lại cửa
mà nói lớn: "Mới nhắc đó thì con về liền".
Cô Quyên mới bước lên thềm thì ông Tệt hỏi:
- Cấy xong rồi hết, phải không con?
- Dạ, xong rồi hết.
- Bữa hổm tía sợ lúa sụt, nên lật đật về trước mà bán, té ra
về cũng không kịp.
- Giá lúa sụt nhiều lắm hay sao tía?
- Một tạ sụt tới hai cắc.
- Hôm tháng trước con xúi tía bán, tía không chịu để nay tía
bán lỗ thấy không?
- Chút đỉnh... Không sao.
- Bà Tệt tiếp hỏi con:
- Tía con nói phần đất của con năm nay cấy giáp hết, phải
không con.
- Thưa, giáp hết.
- Giỏi đa.
- Có tía phụ chớ con tài gì mà má khen... Anh hai chị hai với
sắp nhỏ đi đâu vắng vậy má?
- Vợ chồng con cái nó mới đi Sóc Trăng hồi sớm mai.
- Đi chi vậy?
- Đi thăm cậu Tư con.
- Cậu Tư sao mà thăm?
- Nghe nói trúng số 10 ngàn.
- Chà! Cậu Tư hên dữ à! Còn anh hai con đi chơi khoẻ quá. Ảnh
không thèm đợi con về con đi với ảnh chớ.
- Ngoài Cổ Cò cũng mới cấy rồi. Anh Hai con mới về hôm kia.
Nó có dè con về bữa nay đâu mà chờ con.
Cô Quyên thay áo rửa mặt rồi cô đi cùng trong nhà xem từ trước
ra sau, sắc mặt hân hoan hớn hở.
Lần lần mặt trời dịu nắng, cô đi vòng ra phía trước đứng ngó
mông. Cái sân rộng lớn bằng phẳng, cô muốn ra đó mà rồi thấy đất chưa được khô
nên cô phải đứng lại. Ông Từ Tệt đương chỉ cho người ta sửa vách lẫm lúa, cô muốn
qua nói chuyện, mà rồi cô thấy một người bạn già đương quét bụi bay tưng bừng
nên cô hết muốn đi.
Thình lình có một chiếc xe hơi chạy ngang ngoài lộ. Cô Quyên
ngó ra thấy một chiếc xe giống hịt chiếc xe của cậu Xuân năm xưa thì trong dạ bồi
hồi.
Cô ngẩn ngơ một hồi rồi bước lên thềm mà vô nhà.
Trong nhà vắng hoe, cô đi thẳng vô phòng riêng của cô, mở tủ
lấy mấy tấm hình Xuân chụp hồi trước rồi đem lại đứng dựa cửa sổ mà xem. Cô xem
từng tấm, mà tấm nào cô nhìn cũng lâu. Cô đương thưởng thức cái khoảng đời niên
thiếu bỗng nghe mẹ đi chợ về nói om xòm đàng trước. Cô liền để mấy tấm hình lại
trong tủ, rồi thủng thẳng đi ra.
Vì con ở dưới ruộng trót tháng không có bánh hàng mà ăn, bà Tệt
sợ con thèm nên bà biểu một đứa ở gái lấy rổ đi chợ với bà đặng mua đồ cho con
ăn. Trước khi đi bà lại kêu người nấu ăn mà dặn: "Chiều nấu cơm cho sớm
nghe không. Bữa sớm mai chắc cô Ba ăn sơ sịa rồi đi chắc cô đói bụng. Tao đi chợ
một chút tao về liền."
Bà Tệt đi rồi cô Quyên ra sau nhà thăm chuồng gà, chuồng heo,
rồi lần qua coi mấy đám rau thơm, mấy cây ớt hiểm của cô trồng hồi trước. Cô
vui mà thấy mấy con gà mái nằm ấp, thấy mấy con heo đen ú nú, cô hái mấy trái ớt
chín cầm tay. Hổm nay ở trong ruộng cô say cảnh điền viên, bây giờ về nhà cô cảm
thú gia đình, bởi vậy tâm hồn cô an ổn thần tiên, chẳng bợn chút hồng trần, nhứt
là chẳng nghĩ tới việc thất gia, là việc thường làm rộn trí hạng gái tới tuần cập
kê.
Bà Tệt thấy con thì nói:
- Con lấy dĩa bàn đặng sắp bánh ra mà ăn con. Má có mua bánh
bàn bánh thèo lèo đủ thứ. Con ăn đỡ rồi lát nữa ăn cơm. Chợ chiều họ không có
bán thứ gì ngon hết. Má phải mua xá xiếu thịt quay cho con ăn đỡ rồi sớm mai sẽ
hay.
Cô Quyên vừa đi lấy dĩa đặng sắp bánh vừa nói:
- Má lo làm chi! Có gì con ăn nấy mà.
- Ở trong ruộng thèm khát, về nhà phải ăn chớ.
- Má nói như vậy, chớ người ta ở trong ruộng năm nầy qua năm
nọ đó sao. Họ cũng sống được vậy.
- Mấy lời ấy đủ biểu lộ tánh giản dị của cô Quyên, bởi vậy bà
Tệt nghe thì bà cảm hết sức, ngồi ngó con với cặp mắt chan chứa tình thân yêu.
Cô Quyên tuy nói vậy, song cô không muốn phụ cái hảo ý của mẹ,
bởi vậy cô mở gói thèo lèo cô bốc vài cục bỏ miệng rồi mới sắp vô dĩa.
Ông Từ Tệt ở ngoài bước vô, thấy con vừa sắp bánh vừa nhai
thì ông nói:
- Bà nó khéo làm lếu! Sao không mua bánh hộp cho con ăn, bà
mua đồ đó rồi nó đau bụng cho mà coi.
Bà cười và đáp:
- Bánh mới ra lò còn nóng hổi, ngon lắm mà, giống gì tới đau
bụng lận. Thuở nay nó ăn hoài, có sao đâu.
Bà mới nói tới đó, kế nghe tiếng xe hơi quanh vô cửa ngõ. Cô
Quyên ngó ra và nói: "Anh Hai chị Hai về kìa!"
Thiệt quả xe của vợ chồng Triều về, một chiếc xe hơi bảy chỗ
ngồi, lớn thình lình quanh co êm u mà đậu dưới thềm. Cô Quyên lật đật bước ra mừng
anh chị và rước ba cháu.
Triều mập mạp, cao lớn, mạnh mẽ, nước da đen hù, chánh là một
anh làm ruộng trăm phần trăm. Vợ Triều thấy cô Quyên cũng mừng hỏi: "Cô Ba
về bao giờ."
Quyên đáp: "Em mới về tới hồi nãy.". Cô vội bồng
cháu nhỏ hơn hết, là con Kim mới giáp thôi nôi. Hai đứa cháu lớn là thằng Ngọc
6 tuổi, con Ngân 4 tuổi, thấy vậy cũng chen nhau xuống xe rồi cũng áp ôm cô mà
mừng, biểu lộ rõ ràng tình cô cháu thương yêu dan díu.
Vợ chồng Ông Từ Tệt đứng trong nhà ngó ra, ngắm bức tranh con
cháu thuận hoà thì lòng thoả thích lộ ra ngoài mặt.
Triều nói với Quyên:
- Phải qua dè bữa nay em về thì qua sẽ để mai sẽ đi thăm cậu
Tư đặng em đi luôn một lượt.
Cô Quyên châu mày trách:
- Anh lén em anh đi, còn nói nữa! Cậu Tư trúng số phải không?
- Ừ!.. Trúng 10 ngàn.
- Lãnh chưa?
- Chưa. Cậu nộp giấy số tại kho bạc rồi.
- Cậu mừng dữ hả?
- Mừng lắm.
- Cậu Tư thường vái trúng số đặng đi Bắc chơi. Chắc cậu sửa
soạn đi.
- Không. Cậu đổi ý rồi. Bây giờ cậu tính để số bạc ấy cất nhà
lại.
- Người ta nói có tiền thì hay hà tiện. Cậu Tư có tiền nên hết
muốn xài!
- Mợ Tư còn tính cao hơn nữa. Mợ không cho cất nhà, mợ biểu để
mua ruộng đặng có huê lợi.
Anh em cha mẹ vui cười rồi dắt nhau vô nhà.
Vợ Triều với cô Quyên coi dọn cơm chiều rồi mời cha mẹ vô ăn.
Một bữa ăn vui vẻ hết sức. Thình lình bà Tệt nói: "Có
con Quyên về đây. Vậy ông nó trả lời cho ông Hội đồng Quì đặng người ta có muốn
xuống coi thì xuống mà coi."
Triều nghe như vậy liền hỏi mẹ:
- Có ai xin coi con Quyên hay sao?
- Có, hồi trưa có ông Hội đồng Quì ở Ngã Bảy xuống thăm, rồi
muốn làm mai con Quyên cho con thầy Cai Hoà trên Rạch Giá. Ổng xin định ngày đặng
người ta đến coi.
- Con biết nhà thầy Cai Hoà ở dựa bên lộ Long Mỹ. Nhà tốt dữ.
Mà không biết con thầy Cai ra thế nào?
- Thì để người ta tới đây rồi thì mình sẽ thấy chớ.
- Tía chịu cho coi hay không?
Ông Từ Tệt thủng thẳng nói:
- Con hỏi em con chớ. Như nó chịu thì tía mới cho, còn như nó
không chịu thì cho coi làm sao được.
Triều ngó ngay cô Quyên mà hỏi:
- Em chịu chồng coi hay không em?
- Cô Quyên nghiêm nét mặt đáp cụt ngủn:
- Không.
- Sao vậy?
- Coi làm chi?
- Coi như phải chỗ tía má định đôi bạn cho em.
- Em chưa lấy chồng đâu.
- Tại sao vậy?
- Tại em chưa tới hồi lấy chồng!
- Vậy chớ chừng nào mới tới hồi em lấy chồng?
- Em cũng không biết được.
- Em nói nghe kỳ quá. Em lớn rồi phải tính tới việc gia thất
chớ lôi thôi sao được. Em quyết chôn đời em dưới ruộng Cà Mau, em không chịu lấy
chồng hay sao?
- Không. Em có nói em không lấy chồng đâu. Em cũng sẽ lấy chồng
như thiên hạ vậy, nhưng không phải chỗ đó.
- Vậy chớ chỗ nào?
- Chỗ nào phải duyên nợ em mới ưng.
- Biết chỗ nào là duyên nợ?
- Em cũng chưa biết.
Ông Từ Tệt ngó bà mà nói:
- Bà nó thấy hôn? Tôi sợ nó không chịu, nên hồi trưa tôi
không dám hứa gì hết. Phải ừ bướng thì bậy biết chừng nào.
Bà Tệt lộ sắc buồn, song không cãi với ông, mà cũng không ép
con. Vì vậy không khí hoà lạc hồi nãy bây giờ trở nên nặng nề nghiêm trọng.
Xế bữa sau, vợ Triều rủ Quyên đi chợ kiếm hàng mua may áo. Cô
Quyên nài nỉ phải đem sắp cháu theo chơi, rồi kêu sốp-phơ đem xe đi với cháu.
Trong nhà vắng teo.
Triều nằm trên ghế xích đu mà đọc nhựt trình. Bà Tệt ăn trầu ở
bộ ván gần cửa sổ. Ông Tệt đi dạo sau vườn rồi vô đứng tại bộ ghế giữa rót trà
mà uống.
Bà hỏi ông:
- Ông biết tại sao mà con Quyên không chịu cho con thầy Cai
Hoà đến coi nó hay không?
Ông ngồi xuống vừa cười vừa đáp:
- Con nó ham ruộng, nó muốn một mình thong thả làm ruộng cho
vui, nó không chịu lấy chồng, chớ có gì đâu?
- Không phải vậy. Hồi hôm tôi dỗ tôi hỏi nó. Nó thú thật với
tôi rồi.
- Nó thú ra sao?
- Nó nói nó chờ thằng Xuân, nên nó không ưng ai hết.
- Tại sao mà nó lại chờ thằng Xuân?
- Nó nói nó thương nhớ thằng Xuân mấy năm nay. Nó nhứt định
làm vợ thằng Xuân mà thôi. Như thằng Xuân không cưới nó thì thà nó ở một mình
mãn đời, chớ nó không ưng làm vợ người nào khác.
- Thằng Xuân đi Tây bảy tám năm nay biệt tích, nó đâu đây mà
thương với nhớ?
- Bởi vậy mới kỳ.
Triều nghe cha mẹ nói vậy thì buông nhựt trình bước lại nói:
"Xuân đã về mấy tháng nay rồi, làm bác vật canh nông trên Sài Gòn, tía má
không hay hay sao?" Ông bà đều chưng hửng. Ông hỏi Triều:
- Ai nói với con là thằng Xuân làm bác vật canh nông trên Sài
Gòn?
- Con thấy trong nhựt trình. Mấy tháng nay, nó viết báo
khuyên điền chủ hãy đoàn kết mở mang kinh tế. Nó viết luôn luôn trong hai ba tờ
báo, nó cổ động dữ lắm mà. Con tưởng tía hay chớ.
- Tao có hay tin đâu. Thằng vậy đó! Nó đi Tây về mà nó không
thèm xuống đây thăm mình chớ.
- Con ghét, nên con cũng không thèm kiếm mà thăm nó. Tại sao
mà em Quyên lại thương nó?
- Con Quyên có gặp nó hay sao?
- Thưa, không. Từ hồi trong năm đến giờ em Quyên có đi Sài
Gòn đâu mà gặp.
Bà Tệt nói:
- Không có gặp đâu. Theo lời con Quyên nói với tôi hồi trưa
thì nó cũng hay Xuân về rồi, mà nó lại trách Xuân không nhớ tới nó.
Ông Từ Tệt lắc đầu nói:
- Chuyện gì mà kỳ vậy? Nó không gần thằng nọ mà sao nó lại
thương?
- Nó nói nó thương trước ngày thằng Xuân đi Tây lận.
- Mà người ta có thương nó hay không? Có hứa cưới nó hay sao
mà nó chờ?
- Nó nói nó không được biết. Thằng nọ không hứa hẹn chi hết.
- Vậy thì thương nỗi gì?
- Nó nói hồi trước Xuân xuống ở nhà mình chờ làm giấy tờ xong
đặng ký tên bán đất đó, mỗi bữa Xuân chở nó đi xe hơi, Xuân chụp hình nó, rồi từ
đó đến giờ nó thương Xuân. Tôi thủng thẳng dỗ nó nên nó chịu thú thiệt như vậy.
Bây giờ mình phải tính làm sao nè.
Ông Từ Tệt ngồi ngó sững ra sân mà suy nghĩ.
Triều hỏi cha:
- Em Quyên thiệt thương Xuân, nên mới thổ lộ với má như vậy.
Ví như Xuân xin cưới em, thì tía gả không?
- Biết nó thương con nọ hay không mà gả. Nó là con cháu, mà
nó làm bác vật rồi coi bộ nó trở mặt, nên về mấy tháng nay nó không thèm bước
chân đến đây thăm mình. Tao chắc nó có kể gì đến con Quyên đâu mà tính.
- Không chừng nó mắc bận việc nên chưa xuống được. Để ít bữa
nữa rảnh rang con đi Sài Gòn kiếm Xuân đặng con dọ ý nó coi nó có thương con
Quyên hay không.
- Phải nó thiệt thương tao mới gả. Chớ nó không thương mà
mình ép mình gả, rồi cưới về nó hất hủi con nhỏ tao không chịu đâu.
Bà Tệt tiếp nói:
- Ông nói phải lắm. Dầu nó làm ông gì cũng vậy, nó phải
thương con Quyên thì tôi mới chịu gả.
Triều nói:
- Để thủng thẳng con dọ ý em Quyên rồi con sẽ tính. Nếu thiệt
em thương thì con sẽ đi Sài Gòn mà kiếm Xuân.
Ông Từ Tệt nói:
- Chừng con đi Sài Gòn có lẽ tía má cũng đi nữa... Con Quyên
có tình với Xuân, hèn chi nó học rồi mấy năm nay nó lãnh phần lo khai phá sở đất
của anh Hội đồng hồi trước, nó làm dữ quá. Bây giờ mình mới hiểu.
Triều suy nghĩ rồi nói:
- Xuân hồi còn học thường nó nói nhứt định không lập gia
đình. Không biết nó có đổi ý hay không?
Ông bà Từ Tệt ngồi trầm ngâm tư lự.
o O o
Sớm mai chủ nhật, mặt trời chói loà. Quang cảnh trong châu
thành Sài Gòn đã có vẻ xanh tươi tự nhiên, mà nhờ nam thanh nữ tú áo quần loè
loẹt, người đi bộ, kẻ ngồi xe, nghễu nghến cùng đường nên cái vẻ xanh tươi ấy
có thêm cái nét kiều diễm là nét thường làm rung động tâm hồn hoạ sĩ.
Thế mà bác vật Xuân, mấy tháng nay mới mướn một căn phố lầu dọn
ở nơi đường Testard, sớm mai nầy đầu không chải nên tóc chôm bôm, ông cứ ngồi
ghì tại bàn viết trên lầu, mắt chăm chỉ ngó mấy tờ giấy đã viết trong đêm hồi
hôm, cả tâm hồn đều trút hết vào đó, không kể những quyển sách để lộn xộn trên
bàn với mấy tờ nhựt trình nằm tàn lan gây ra cái cảnh hỗn loạn mà thuở nay những
ai ưa trật tự trong nhà thường bực tức trái tai gay mắt, không thể chịu được.
Thằng Chí, cũng như chị Chín Thiện đã trở lại giúp việc cho
Xuân mấy tháng nay, bưng ly cà phê với đĩa bánh mì nướng đem lên lầu cho Xuân
lót lòng. Thấy trên bàn viết chẳng còn một chỗ trống nó bèn để cà phê và bánh
mì trên cái bàn tròn ở giữa phòng rồi chắp tay nói: "Bẩm ông, xin ông lót
lòng kẻo cà phê nguội."
Xuân day lại ngó thằng Chí với cặp mắt chưng hửng, lần lần nhớ
tới sự sống thực tế mới đứng dậy đi lại bàn ăn lót lòng.
Thằng Chí lấy một tờ báo, tính sắp lại bàn viết cho có thứ tự.
Xuân la lớn:
- Đừng! Ðừng động đến đồ trên bàn viết. Thây kệ, để đó.
Thằng Chí giựt mình, thụt tay, rồi bỏ đi lấy chổi quét nhà, vừa
quét vừa nói: "Bẩm ông, áo quần tôi lấy ra để sẵn trong phòng ngủ. Ông lót
lòng rồi rửa mặt thay đồ."
Xuân ngó thằng Chí mà không trả lời, ngó một hồi rồi hỏi:
- Mầy có bịnh hay sao mà bữa nay mắt mầy coi trỏm lơ vậy Chí?
- Bẩm, tôi không có bịnh chi hết. Bị thằng con tôi nó bịnh
hai đêm nay tôi phải thay phiên với vợ tôi đặng thức mà dỗ nó. Tôi thiếu ngủ
lên mệt một chút.
- Con mầy đau hay sao?
- Bẩm, nó ấm đầu rồi nhõng nhẽo chớ không đau gì lắm.
- Nghèo mà bày đặt có vợ có con làm chi cho thêm cực khổ.
- Bẩm ông, người mình họ hay nói: " Con là nợ, vợ là oan
gia". Lời ấy tôi nghĩ thiệt là đúng. Vợ con thiệt là mối nợ của trời, trời
định cho đàn ông con trai phải trả, bởi vậy ai cũng phải có vợ con. Nếu mình trốn
lánh, hoá ra mình trái lịnh trời định.
- Mầy khéo nói diễu! Trời nào bắt buộc mầy phải có vợ con. Tại
mầy muốn mang mối nợ vào thân, nên mầy phải chịu cực khổ đó chớ.
- Bẩm ông, có vợ có con cực khổ thiệt. Nhưng nhiều khi vợ con
nó cũng làm mình vui vẻ lắm, nó làm mình quên cực khổ hết.
- Vui lắm hay sao?
- Bẩm, vui lắm. Có bữa tôi làm mệt, hể thấy con nó cười mà mừng
tôi. Tôi ôm mà nựng con mà sự mệt nhọc tiêu tan mất hết. Có khi tôi buồn chán
việc đời ban đêm than thở với vợ. Vợ tôi thỏ thẻ khuyên giải, nhứt là nó nhắc tới
con, rồi trong trí tôi quên hết thân phận của tôi, chỉ biết sống cho vợ con, nhờ
vậy mà tôi hăng hái làm việc không ngao ngán dài dài nữa. Bởi vậy, có vợ có con
tuy cực song vui lắm. Tại ông cứ ở một mình lên ông chưa nếm được cái vui ấy.
- Nếu được cái vui gia đình thì phải cực. Thì ta kiếm thứ vui
mà khỏi cực ta mua, há chẳng lợi hơn sao?
- Bẩm, ở đời có cực mới có vui. Tôi tưởng chẳng có thú vui
nào khỏi cực mà mua được.
Xuân nghe thằng Chí luận một cách thật thà mà ẩn ý cao xa thì
ngồi lơ lửng.
Thằng Chí nói tiếp: "Ông Còm-mi Quan có vợ con rồi coi bộ
ổng vui dữ."
Lời nói nầy càng làm cho Xuân thêm khó chịu nên bưng uống cạn
ly cà phê rồi đứng dậy đi vô phòng ngủ mà rửa mặt thay đồ.
Thằng Chí quét nhà rồi bưng ly và dĩa xuống từng dưới mà rửa
và cất.
Xuân chải đầu láng bóng, mặc bộ đồ trắng mới ủi trở ra bàn viết
dòm giấy tờ trên bàn rồi rùng vai đi thẳng ra đứng dựa lan can lầu phía trước
mà ngó xuống đường. Một cô thiếu nữ mặc áo xanh, che dù đỏ, mặt dồi phấn trắng
toát, môi thoa son đỏ lòm, cặp tay một cậu thanh niên, đi lững thững vừa nói vừa
cười, bộ hân hoan thoả thích. Một đứa nhỏ mang giỏ bánh tây đi bán rao bánh om
sòm. Một chú khách ngồi trên xe kéo phơi bụng chang bang, đè nặng phu xe lê lết
chạy không muốn nổi.
Xuân đứng ngó mà trí lơ lửng, vừa tự hỏi riêng: "Bây giờ
mình làm việc gì?" thì lại thấy Quan cầm bánh chiếc xe hơi nhỏ, ở phía dưới
chạy lên, bớt máy rà sát lề đường rồi đậu ngay trước nhà.
Xuân đứng trên, thấy bạn đi có một mình thì kêu hỏi lớn:
"Toa đi đâu đó?"
Quan ngước lên nhích miệng cười rồi đi thẳng vô nhà không
thèm trả lời. Xuân biết Quan đến thì đi luôn lên lầu, nên trở vô đứng tại cửa lầu
mà chờ, không cần đón tiếp. Thiệt quả Quan lên lầu. Hai anh em bắt tay mừng
nhau.
Quan ngó ra bàn viết rồi hỏi:
- Toa vẫn cứ lo việc đó hoài hay sao?
Xuân thở dài, rồi lại ngồi xuống chống tay lên bàn tròn mà
đáp:
- Moa phiền lắm, moa muốn bỏ hết, không thèm lo tính nữa. Ngặt
vì moa nghĩ mình sống giữa một đám người mù, duy chỉ có một mình mình sáng; nếu
mình không chỉ dùm đường cho người ta, mình không dìu dắt người ta, thì mình có
tội. Tại như vậy nên moa muốn nghe lời toa mà bỏ hết, song vì lương tâm cắn rứt
nên moa bỏ không đành.
Quan kéo ghế ngồi ngang bạn, vừa cười vừa nói:
- Toa nhớ không? Ngày xưa ở bên tây mới về, moa khuyên toa đổi
tánh ý, nên chú trọng vào việc thực tế, chớ đừng đuổi theo chuyện viễn vông. Tại
toa không chịu nghe lời moa, nên bây giờ mới thất vọng mà chán ngán đó.
- Phải, moa nhớ. Toa khuyên moa làm công ích nho nhỏ. Theo ý
của toa thì trước hết nên khuyên đồng bào mỗi người đều biết lo công ích như vậy
đã; chừng nào tạo chí công ích của mỗi người được rồi, thì sẽ đề xướng các vấn
đề lợi ích quốc gia.
- Ừ, khai hoá thì phải lập chương trình cho có thứ tự, bắt đầu
từ chỗ gần đi đến chỗ xa, từ chỗ thấp lên tới chỗ cao mới được. Toa muốn cất một
toà nhà lầu, trước hết toa phải lo xây cái nền cho chắc đã chớ. Toa không kể nền,
toa cứ xây từng lầu trước, thì cái nhà đứng làm sao được.
- Ở bên tây bảy năm, moa cứ cặm cụi lo học cho có tài. Moa tưởng
ở nhà anh em đồng bào cũng lo ung đúc trí tuệ như moa, cũng đã hăng hái nhiều
ít trên đường tiến hoá, chớ moa có ngờ đâu người ta quá nguội lạnh bơ thờ quá
như vậy.
- Moa đã nói truớc với toa: Người mình có tiến hoá chớ chẳng
không, song tiến hoá trong những đường trái hẳn với đường toa ham muốn. Họ tiến
hoá trong đường ích kỷ, trong đường vật chất, trong đường hoan lạc. Mỗi người mắc
lo kiếm tiền cho nhiều, miễn có tiền thì thôi, dầu dùng phương pháp nào cũng được.
Có tiền đặng mặc y phục cho loè loẹt, đánh bài bạc cho to lớn, sắm xe hơi cho lộng
lẫy, cất nhà cửa nguy nga, ăn xài ngoả nguê, chơi bời phóng túng, chớ không phải
có tiền đặng lo giúp dân giúp nước chi hết. Với những người đầy lòng ích kỷ họ
chỉ cho phận họ sung sướng, họ chỉ lo loè con mắt thiên hạ đặng vinh mày vinh mặt,
mà toa đem việc công ích toa nói thì họ có hiểu gì đâu? Họ không thèm hiểu mà họ
còn cười toa nói bậy là khác. Tại như vậy nên mấy tháng nay toa nhọc công viết
sách, toa tốn tiền mướn nhựt trình cổ động sự chấn hưng nông nghiệp, toa tận
tâm mà không công hiệu gì hết. Những ý tứ tốt, những lời nói hay của toa cũng
như nước đổ lá môn, ích chi đâu. Moa xin toa hãy dẹp hết việc đó đi, đừng thèm
tính tới nữa.
Xuân chống tay lên trán mà suy nghĩ, rồi thở ta mà nói:
- Bỏ dẹp sao được! Xã hội của mình trụy lạc đến nỗi không
thích đường ngay, không ưa lẽ phải nữa. Mình là bọn thanh niên trí thức, mình
phải làm sao, chớ mình giận lẫy mà bỏ xụi, thì còn gì nước nhà, còn gì chủng tộc?
- Thuở nay toa có lòng thương quốc gia, thương xã hội, đến nỗi
quyết hy sinh cả hạnh phúc trong đời để giúp ích cho nước cho dân, thiệt moa
tôn kính toa lắm. Toa nhờ tây học ung đúc trí não toa như vậy, bây giờ bảo toa
phải đổi trí sửa lòng, toa làm sao đổi sửa cho được.
- Không thể được. Moa chịu tốn công tốn của mà học cho đến
cùng, lại vì moa muốn có cái học thức văn minh hoàn toàn của Âu Mỹ, đặng đem
gieo rải vào xã hội mình, dầu thế nào moa cũng phải dùng học thức đó mà khai
hoá đồng bào chớ không chịu thối chí mà bỏ xụi, làm thế nầy không được thì moa
kiếm thế khác.
- Chấn hưng nông nghiệp đã không thành rồi, bây giờ toa tính
làm việc gì nữa?
- Hồi nãy toa có tỏ một ý, moa nghĩ hữu ý lắm. Toa nói muốn cất
nhà lầu, trước hết phải lo xây nền cho chắc. Phải, phải lắm. Khi moa ở bên tây
về, moa tưởng ở nhà đã có xây nền rồi, moa cất nhầu nhà lầu, té ra cái nền đó bằng
bùn, phập phều bở rẹt, nên không chống chịu nhà lầu nổi. Bây giờ moa tính lo
xây nền lại cho vững đã. Chừng nào nền cứng chắc rồi sẽ lo cất nhà.
- Phải lắm. Mà toa tính xây nhà cách nào đâu toa nói sơ cho
moa nghe thử coi.
- Bây giờ phải lo cho xã hội mình có một cơ sở luân lý vững
chắc đã. Bài trừ những thói xa xỉ, thói loè loẹt, thói hoan lạc thói ích kỷ. Đồng
thời, mình phải tập cho mỗi người có lòng thành thực, có tánh kiên nhẫn, có chí
tự cường, biết tôn kính cái hay, cái tốt, cái phải, cái cao, biết chê ghét cái
dở, cái xấu, cái quấy, cái hèn, biết ham cần lao, biết yêu trật tự, biết yêu
nhân nghĩa, biết quý can thường, biết thương yêu nước nhà, biết chuộng nòi giống.
Phải dọn cho có cái cơ sở luân lý đó thì trồng cây công ích mới đơm bông trổ
trái, nhành lá sum sê được. Phải có cái nền tảng vững chắc đó, thì mới cất nhà
lầu cao chót vót được.
- Phải rồi, phải rồi. Toa làm như vậy thì hay lắm. Làm đi,
tuy moa học ít, cũng không có của nhiều, song moa sẽ tận tâm mà tiếp sức với
toa, tiếp đến cùng. Mà moa chắc hết thảy thanh niên tân học, là hạng cảm nhiễm
âu hoá, chẳng ai mà chẳng hợp tác với toa mà cải lương xã hội về phương diện
đó.
- Toa chịu cách chấn hưng xã hội như vậy đó phải không?
- Chịu lắm. Mà moa chắc em Quế của moa cũng chịu nữa.
- Vậy để moa suy nghĩ cẩn thận rồi moa sắp một chương trình
cho có tuần tự để đuổi theo cho mau có hiệu quả.
Hai anh em bàn luận tới đó kế nghe có tiếng giày lên thang lầu.
Hai người day lại mà ngó. Thằng Chí hào hển chạy lên thưa: "Bẩm ông, có cô
Hai và cậu Triều."
Thiệt quả cô Quế với cậu Triều tiếp theo sau thằng Chí.
Xuân với Quan thấy Triều thì chưng hửng.
Triều la lớn:
- Xuân, toa học có bằng kỹ sư nông phố, toa làm bác vật canh
nông rồi toa quên anh em cũ hết hả? Về mấy tháng nay toa không xuống thăm moa,
mà cũng không thèm viết một bức thơ cho moa hay. Làm phách chi quá vậy ông Bác
vật?
Xuân chưa kịp trả lời thì cô Quế tiếp nói:
- Anh Triều ghé tiệm em mà hỏi thăm anh Xuân. Em nói anh Quan
đưa em xuống tiệm rồi mới đi lên nhà anh Xuân. Anh Triều bắt em lên xe dắt ảnh
đi kiếm. Lên tới đây em thấy xe anh Quan còn đậu đó em mới chắc hai anh còn ở
nhà, chớ hồi nãy em sợ hai anh đi chơi quá.
Xuân đưa tay ra muốn bắt tay Triều mà nói:
- Xin anh cả tha lỗi. Moa về bảy tám tháng rồi, nhưng vì mắc
công việc quá nên không viếng thăm anh em được. Công việc của moa Quan biết rõ.
Triều co tay không chịu nắm tay Xuân mà nói:
- Moa phiền quá. Moa biết mà, mấy tháng nay toa mắc kêu gọi
điền chủ hiệp với toa để chấn hưng nông nghiệp. Toa kêu thiên hạ, mà toa không
thèm kể đến moa. Toa khinh bỉ moa quá. Toa viết sách viết báo mà cổ động dữ lắm.
Vậy đã thành công hay chưa?
Xuân buồn bực đáp:
- Không ra cóc rác gì hết. Hai anh em moa mới bàn luận với
nhau đây.
Triều điểm mặt Xuân mà nói:
- Ông già giận toa lung lắm, trách toa sao đi tây về không
thèm xuống thăm. Để chừng toa gặp ông già rồi toa coi.
- Việc đó thiệt moa có lỗi nhiều lắm. Chú thím dưới nhà mạnh
khoẻ?
- Mạnh luôn luôn.
Cô Quế lăng xăng nhắc ghế cho anh em ngồi và cô buộc phải ngồi
theo thứ tự: Mai, Lan, Cúc, Trúc như hồi xưa.
Xuân ngó Triều mà nói:
- Hôm mới về moa có hỏi thăm toa. Em Quế nói bây giờ toa là một
nông gia hoàn toàn. Thiệt là em Quế nói đúng quá.
- Phải. Moa là tên dân làm ruộng mà moa lấy làm tự hào về nghề
của moa. Moa không phải Bác vật bác vẹo gì hết, mà khá, ruộng của moa trúng mùa
luôn luôn.
- Moa mừng cho toa. Năm nay toa được mấy đứa con?
- Ba đứa.
- Giỏi quá.
- Không giỏi gì lắm. Có vợ gần bảy năm mà có ba đứa con thì
có hơn ai đâu.
- Hồi moa sửa soạn đi thì toa đã có nói vợ bên Long Mỹ. Nghe
nói sau toa không cưới chỗ đó nữa phải không?
- Ai nói mà toa biết?
- Em Quế.
- Ừ, moa nói chỗ đó rồi moa bỏ. Toa biết tại sao hay không? Họ
chê moa không đủ hai bằng tú tài, rồi họ làm eo sách, nên moa ghét moa đi cưới
chỗ khác.
- Toa ham giàu, ham lập gia đình mà gặp việc trắc trở như vậy
toa không chán, thiệt toa bền chí quá.
- Chán nỗi gì? Cưới chỗ nầy không được ta kiếm chỗ khác. Thiếu
gì con gái, thiên hạ họ không có bằng cấp chi hết mà họ cũng cưới vợ được, huống
chi moa là cậu "tú nửa", moa cũng bảnh lắm chớ.
- À, còn em Quyên, chắc năm nay em lớn đại rồi hả?
- Lớn đại, 23 tuổi, nó cũng làm ruộng nên mạnh mẽ lắm.
- Có lẽ em cũng đã có chồng con rồi chớ?
- Chưa... nó chờ toa!
- Hả? Chờ moa làm chi?
- Nó chờ toa đi tây về rồi cưới nó!
- Trời ơi! Toa nói chơi sao chớ.
- Moa nói thiệt đa, chớ không phải nói chơi đâu.
Xuân, Quan và cô Quế nhìn nhau chưng hửng. Triều chúm chím cười
mà nói tiếp: "Moa không dè mấy năm nay em moa nó chờ toa nên nó không chịu
lấy chồng. Moa mới hay mấy bữa rày. Moa giận toa lắm nên moa không muốn gặp mặt
toa. Ngặt có chuyện con Quyên như vậy nên moa phải kiếm toa đặng nói cho toa biết."
Quan ngó vợ mà cười. Cô Quế vui vẻ nói:
- Người ta nói vợ chồng là duyên nợ. Em nghĩ phải lắm. Phải
có duyên nợ trời định thì mới kết nghĩa vợ chồng được. Như anh Triều hồi trước ảnh
tính cưới vợ bên Long Mỹ, công chuyện đã xong rồi, mà vì không phải duyên nợ
nên khiến có chuyện trắc trở cho ảnh hồi đặng ảnh về cưới chị Triều ở cùng
làng. Em với anh Quan đây cũng vậy. Hồi trước hai đứa em đâu có ý định kết
nghĩa vợ chồng. Vì có duyên nợ nên không tính trước mà cũng phải phối hiệp. Anh
Xuân cũng vậy nữa, tại ảnh có duyên nợ với cô Quyên nên bảy tám năm nay cô
Quyên phải chờ ảnh chớ không thể lấy chồng khác được.
Xuân châu mày nói:
- Bày đặt chuyện! Duyên nợ là cái quái gì? Tôi đã nhứt định ở
một mình mà lo việc đời, tôi có tính cưới vợ đâu.
Triều châm hẩm đáp:
- Toa không tính mà con Quyên nó tính!
- Ủa! Em Quyên tính sao được... Em tự do mà tính cho phận em,
chớ em có quyền gì mà tính cho phận moa.
- Có chớ, nó có quyền bắt toa phải cưới nó!
- Lời nói đó cao quá trí khôn của moa, moa hiểu không tới.
- Có khó chỗ nào đâu mà không hiểu. Toa gieo giống ái tình
trong lòng em moa, toa làm cho nó mong mỏi chuyện trăm năm với toa, bởi vậy nó
nhứt định chờ toa bảy tám năm nay không ưng chỗ nào hết. Tình nghĩa của nó nặng
nề, công đợi chờ của nó dài dặc, như vậy nó có quyền ép toa chớ. Không phải em
moa hư hèn nên moa kiếm lời chuốt ngót mà tấn cho toa. Moa chỉ nói cho toa biết,
nếu toa thối thác không chịu cưới con Quyên thì toa là thằng vong tình bội
nghĩa, dầu toa làm ông gì toa cũng không là người Việt nữa!
- Moa có gieo tình cho em Quyên hồi nào đâu? Thuở nay moa coi
em như em ruột của moa, đối với em moa chẳng bao giờ nuôi một ý gì đê tiện. Huống
chi hồi moa chưa đi tây thì em còn con nít. Bảy tám năm nay moa không gặp em,
moa có dịp nào mà gieo tình cho em được?
- Có. Có dịp! Nó chịu thiệt với moa hết. Năm toa bán đất toa ở
trong nhà moa hơn mười ngày phải không? Mỗi bữa toa cầm bánh xe hơi chở em moa
đi chơi với toa phải không?
- Phải...
Xuân lơ lửng ngẫm nghĩ chuyện xưa rồi gật đầu nói tiếp:
- Phải. Moa nhớ moa có chụp hình cho em Quyên. Hình của em vẫn
còn trong cuốn "album" của moa. Lúc moa xuống ở tại nhà toa thì toa
đi Đà Lạt. Mỗi buổi chiều moa chở em Quyên đi kiếm chỗ chụp hình chơi. Nhưng mà
toa phải biết, moa chỉ tỏ tình anh em mà thôi, chớ moa chẳng có tình ý chi
khác.
- Toa thì vô ý, mà nó lại hữu tình, biết sao bây giờ. Moa với
ông già bà già không dè có chuyện kỳ cục như vậy. Bữa hổm có người cậy mai xin
cho coi nó. Nó không chịu. Bà già dỗ hỏi nó mới nói thiệt nó chờ toa. Nó lại
nói gắt nếu nó không được làm vợ toa thì nó cạo đầu đi tu, chớ nó không thèm
làm vợ người nào khác. Chuyện như vậy, toa liệu lấy.
Xuân nghe rõ rồi ngồi thở dài, không biết lấy chi mà chữa
mình nữa. Cô Quế mới xen vô nói:
- Cô Quyên nặng tình với anh Xuân quá. Cô để trọn cái đời của
cô vào tay anh Xuân. Ảnh thong thả muốn xây hạnh phúc hay là muốn xây thống khổ
tự ý ảnh. Nếu ảnh vì chủ nghĩa mà phụ rẫy tình cô Quyên thì tội nghiệp cho cô lắm.
Phải vậy hay không anh Quan?
Quan gật đầu:
- Chớ sao. Moa đồng ý với em.
- Ái tình nguy hiểm lắm, nhiều khi nó giết chết người ta chớ
chẳng phải chơi.
- Thiệt như vậy. Bởi vậy anh Xuân là người có nhân, ảnh không
nỡ để cho cô Quyên thất tình thất vọng đâu.
Xuân lắc đầu nói:
- Anh em đừng có cám dỗ. Làm sao tôi cưới em Quyên được. Thuở
nay tôi đã quyết chí cô lập, mà đối em Quyên tôi lại không có chút tình nào hết.
Tâm hồn của tôi như vậy, nếu tôi cưới em Quyên thì tôi làm khổ cho em chớ không
phải làm phước. Tôi không thể làm như vậy được.
Cô Quế rước mà cãi:
- Em nghe nói trong đạo vợ chồng nhiều khi chẳng cần phải có
tình. Ăn ở với nhau lâu ngày rồi nó sanh cái nghĩa cũng đủ sức buộc chặt niềm
phu phụ đến trăm năm vậy.
- Em là đàn bà tân thời mà sao em lại nói như vậy.
- Tân thời là tân về bề cư xử, tân về hình thức, chớ lẽ trời
với đạo làm người mà tân làm sao được? Cô Quyên đã nặng tình với anh. Dầu bây
giờ anh chưa có tình với cô, song chừng cưới cô rồi anh thấy tình của cô anh sẽ
cảm, rồi tự nhiên anh cũng sẽ có tình với cô sau, em chắc như vậy.
- Làm việc cầu may như thế sao được.
Triều bước lại vỗ vai Xuân mà nói:
- Nầy Xuân, moa nói thiệt với toa nếu toa không thèm cưới con
Quyên, thì chẳng những là em moa phiền não mà thôi mà tía má moa cũng giận toa
lắm. Hổm nay ông bà bàn tính nhiều chuyện ngộ hết sức. Moa không muốn nói rõ để
rồi sau toa sẽ biết!
- Không được, nhứt định không được.
- Toa là anh em, moa phải phân cạn lời với toa, chớ moa không
ép buộc. Song moa nói trước cho toa biết, toa định liệu lẽ nào thì toa lãnh lấy
trách nhiệm. Phận sự của moa là phải tỏ hết nỗi lòng của em moa cho toa hiểu
thì moa đã làm xong rồi.
Xuân ngơ ngẩn vì trong trí rất bối rối. Quan nói:
- Thôi, chuyện đó còn đó. Để thủng thẳng cho Xuân suy nghĩ,
bây giờ mời hết lên nhà tôi chơi rồi ăn cơm trưa với vợ chồng tôi.
Triều nói:
- Không được, thằng làm ruộng nầy lâu đi Sài Gòn nên mắc công
việc nhiều lắm; phải đi kiếm mua phảng mua cuốc mua đủ thứ. Chiều nay tựu nhau
mà ăn cơm tối thì được. Moa nhứt định mời hết anh em đãi một tiệc kêu là tiệc
"Mai, Lan, Cúc, Trúc tái hội". Bảy giờ tối nay anh em hội viên phải
có mặt tại nhà hàng Đại Đồng chỗ mình hội lại lúc đưa Xuân đi tây đó. Không ai
được phép vắng mặt.
Cô Quế nói:
- Em muốn mời lên nhà em.
Triều gạt ngang:
- Im! Anh cả đã định. Không được phép cãi. Thôi bây giờ anh cả
đi mua xẻng mua cuốc. Chiều nay bảy giờ hay đến sớm hơn cũng được. Mọi người phải
ghi nhớ.
Triều nói dứt lời liền đội nón rồi bắt tay mọi người mà từ
giã. Ai nấy thấy cái cử chỉ độc tài của Triều đều tức cười, ríu ríu dắt nhau
đưa Triều xuống lầu. Triều hỏi cô Quế như muốn về tiệm thì Triều đưa cô về. Cô
nói để cô về với Quan, Triều không ép, một mình lên xe mà đi.
Vợ chồng Quan theo Xuân trở vô nhà, có lẽ cặp phượng hoàng
tính hoà hiệp nhau đặng kêu chỉ đường cho thanh niên nam nữ.
CHƯƠNG 8 -
C
hiều bữa ấy, đồng hồ đã chỉ 5 giờ rồi mà Xuân vẫn còn nằm dựa
trên chiếc ghế xích đu, mắt lờ đờ, trí tư lự. Tuy hồi trưa khi vợ chồng Quan về,
cô Quế hẹn đúng 5 giờ cô với Quan sẽ đem xe xuống rước Xuân đi chơi, đi dài
theo khoảng đường chợ gạo, An Lạc, Bình Điền đặng xem mấy đám lúa sớm đã chín
và người ta đương bắt tay cắt đập, nhưng mà Xuân chưa chịu rửa mặt thay đồ, dường
như không nhớ đến lời hẹn của bạn, hoặc không vui đi xem lúa, là hai việc thuở
nay Xuân luôn luôn hăng hái.
Chừng nghe tiếng còi xe hơi bóp te te ngoài cửa. Xuân mới
châu mày đứng dậy, song cũng không lật đật đi thay đồ, cứ bước lại cửa đứng ngó
ra đường.
Cô Quế ngó thấy liền la lớn:
- Trời ơi, anh Xuân chưa thay đồ! Phải vô thúc ảnh mới được.
Vợ chồng Quan mở cửa xe leo xuống rồi nối gót bước vô nhà.
Bây giờ Xuân mới chịu đi rửa mặt.
Quan la lớn:
- Riết đi toa. Đi sớm đặng coi lúa chín chơi. Họ nói năm nay
lúa sa-mo trúng lắm. Mình đi sớm đặng 7 giờ về cho kịp mà dự tiệc của anh Triều.
Xuân nói:
- Ừ, ừ, chờ moa một chút, không trễ đâu mà sợ.
Nói xong Xuân liền lên lầu thay đồ.
Vợ chồng Quan biết Xuân đương ngụp lặn giữa lượn sóng khủng
hoảng tinh thần nên không muốn thúc nữa, chỉ ngó nhau mà cười rồi đi xem mấy tấm
ảnh treo chung quanh phòng khách. Phía trong có hai tấm hình rọi ra lớn và lồng
trong khuôn kiếng chạm khéo. Đấy là hình ông và bà hội đồng, hai đấng sanh
thành của Xuân, nay đã hoá ra người thiên cổ. Phía ngoài cũng có một tấm hình rọi
ra lớn, mà là hình của một người pháp, tuổi trên năm mươi ấy là vị giáo sư đã tận
tâm dạy dỗ Xuân nên Xuân luôn luôn mến yêu tôn kính.
Cô Quế xem cùng hết, rồi cô vịn vai Quan mà nói:
- Ba chữ quân sư phụ đã thâm nhiễu trong đầu óc người mình từ
ngàn xưa. Anh Xuân tuy không nói tới quân vương song anh trọng quốc gia thì
cũng vậy, bởi vì quân vương nếu cắt nghĩa rộng thì là quốc gia chớ gì. Còn
trong nhà mà treo hình để suy niệm công ơn cha mẹ với thầy, thì rõ ràng anh biết
trọng hai chữ sư và phụ. Người có tâm hồn như vậy mà không chịu lập gia đình,
thiệt em không hiểu ý làm sao.
Quan đáp nho nhỏ:
- Anh Xuân bị chứng bịnh về tinh thần. Qua hiểu rồi, em đừng
nói chi hết, qua sẽ lập thế trị bịnh cho ảnh. Qua sẽ trị được.
Cô Quế đối với chồng có một đức tin rất vững vàng, bởi vậy
nghe chồng nói quả quyết thì cô mừng nên cô gật đầu mà cười và kêu lớn: "Anh
Xuân! Riết đi chớ? Em nóng đi xem ruộng quá mà".
Xuân thay đồ rồi trở xuống từng dưới, nét mặt nghiêm trang, cứ
theo vợ chồng Quan mà lên xe, không nói một tiếng chi hết.
Bầu trời xanh lét, mặt nước khô queo, cây cỏ hai bên đường
khoe vẻ tươi cười, ngựa xe chạy trên lộ đua nhau rộn rực. Quan cầm bánh cho xe
chạy, có Xuân ngồi một bên, lựa đường thẳng mà đi riết vô chợ gạo. Quan muốn gạy
cho Xuân nói chuyện, nên day qua nói: "Trời mát đi chơi vui quá hả?"
Xuân không đáp chỉ gật đầu mà thôi, làm cho Quan bịt đường gạy chuyện.
Xe qua khỏi Phú Lâm rồi thì mặt trời gần lặn, chói ánh sáng
loè trên đồng ruộng phân nhiều màu, chỗ lúa mới đứng cái thì xanh rờn, chỗ lúa
đương trổ bông thì xam xám, chỗ lúa gần chín thì vàng tươi.
Cô Quế ngồi phía sau kêu Xuân mà nói:
- Anh Xuân, cảnh nhà quê coi đẹp quá thấy không? Nếu em có một
đám ruộng lúa gần chín kia và có một cái nhà ở đầu xóm giáp với đám ruộng đó
thì em vui lắm vậy. Em sẽ dành với anh Quan mà đi thăm lúa mỗi ngày. Đến chừng
gặt em cũng dành mà coi cho họ gặt. Em lấy làm tiếc cho cái mạng của em không
được sanh ở nơi chốn thôn quê. Em làm đàn bà quê chắc em mạnh và vui lắm.
Mấy lời cảm ứng ấy làm Xuân động lòng nên cậu quay lại nói:
- Em sanh trưởng nơi chốn thị thành, mà sao em lại thích cảnh
thú đồng ruộng?
- Em thích như vậy, có lẽ vì cảnh thú ấy phù hợp với tâm hồn
của em.
- Vậy thì em ráng làm cho có dư tiền rồi biểu Quan mua một sở
ruộng gần Sài Gòn để em lui tới thăm chơi.
- Đó là hy vọng của vợ chồng em, song chưa có tiền nên không
dám nói ra.
- Em muốn như vậy không phải là quá đáng, với tánh cần kiệm của
Quan và của em có lẽ sự muốn ấy sẽ thành sự thực.
Gần đến An Lạc cô Quế thấy một đám ruộng người ta đương gặt,
cô la lớn: "Ngừng lại anh Quan, ngừng đặng em coi gặt chơi."
Quan liền ngừng xe dựa lề đường. Cô Quế rủ Quan và Xuân leo
xuống coi chơi. Tuy trời đã gần tối rồi, song đám ruộng không còn lúa bao nhiêu
nên năm sáu người còn gặt ráng, tính gặt cho hết rồi nghỉ.
Cô Quế đứng coi người ta gặt, cô vui vẻ tươi cười. Cái cảnh ấy
không lạ gì với Xuân và Quan, nên hai cậu dắt đi chơi dài theo lộ.
Quang cảnh yên tĩnh ở thôn quê nó thường làm cho người ta thơ
thới trong lòng rồi quên hết mùi lợi danh mà cũng quên hết cạnh tranh. Chắc là
tại như vậy nên Xuân ngó mông trong cánh đồng mà thở dài mà nói với Quan:
- Nghĩ cho chí lý, con người lao tâm với sự hơn thua, cao thấp,
hay dở thiệt là bậy quá. Cao làm gì, hay làm gì, chung cuộc rồi ai cũng phải chết,
thế thì cái cao, cái hay đó có khác chi cái thấp, cái dở đâu.
- Ồ, toa thất chí lắm hay sao nên toa nói như vậy?
- Không, moa có thất chí chi đâu. Moa luận việc đời chớ.
- Làm người, nhứt là người Việt Nam ở vào thời đại nầy, chẳng
nên để phưởng phất trong trí những ý tưởng toa vừa mới nói đó. Phải nuôi chí tiến
thủ, phải tập tánh cạnh tranh mới được chớ. Bất luận ở địa vị nào, mình phải
vui với đời sống của mình luôn luôn, dầu sang hay hèn, dầu giàu hay nghèo cũng
vậy. Ở bực nào mình phải theo bực ấy, mình nhớ lấy nhân nghĩa đạo đức mà làm mục
đích thì đủ rồi. Còn sự thành hay bại, có hay không, là những hình thức bề
ngoài, không quan hệ gì lắm.
- Đó là thuyết của nho giáo.
- Ấy là đạo làm người quân tử.
Xuân suy nghĩ một hồi mới nói nữa:
- Moa khảo cứu vấn đề chấn hưng nông nghiệp tốn công phu nhiều
lắm, nay việc ấy bất thành, moa bùi ngùi hoài, khó quên được. Vì vậy hồi nãy
moa mới thổ lộ mấy lời làm cho toa nghi moa thất chí, nghĩ cũng phải.
- Moa khuyên toa đừng buồn, ở đời nầy tùy thời mà hành sự.
Làm người quân tử hễ gặp hồi nên nói thì phải nói, gặp hồi nên nín thì phải
nín, gặp hồi nên ra mặt đặng làm việc thì phải ra, gặp hồi nên ở ẩn để tu tâm
dưỡng tánh thì phải ẩn. Nếu việc chấn hưng nông nghiệp không hợp thời thì tạm
đình lại đó, có hại chi đâu mà buồn. Huống chi toa đã nhứt định đổi phương
pháp, lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho đồng bang trước rồi sẽ lo việc
quốc gia lợi ích sau thì phải lắm, sao toa còn bồi hồi ái ngại làm chi vậy?
- Theo ý toa, thì bây giờ moa nên nín, nên ẩn dật hay sao?
- Phải, nên nín, nên ẩn dật mà chờ thời.
- Anh hùng phải tạo thời thế chớ.
- Thì lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho quốc dân, để
làm phú cường cho quốc gia, là tạo thời thế, chớ còn sao nữa.
Xuân gật đầu và chúm chím cười, rồi đứng ngó thẳng ra cánh đồng
bát ngát, không cãi với Quan nữa mà cũng không cho Quan là phải.
Trời tối lần lần. Bây giờ mấy người liệu thế gặt không hết
lúa kịp nên rủ nhau về để sáng mai sẽ gặt tiếp.
Cô Quế kêu Xuân với Quan mà nói:
- Tối rồi, thôi mình về, kẻo anh Triều ảnh chờ.
Xuân với Quan quay trở lại, rồi ba người lên xe quay về Sài
Gòn.
Đúng 7 giờ xe quay trở về nhà hàng Đại Đồng. Triều thấy xe ngừng
liền chạy ra tiếp rước.
Triều ồn ào bao trùm địa vị chủ và khách, vỗ vai Quan, ôm chặt
Xuân, níu kéo hết vô nhà hàng, dành vấn đáp luôn một mình, không chừa chỗ cho
anh em nói vô một lời nào được.
Vào nhà hàng, Xuân thấy ông bà Từ Tệt với cô Quyên thì chưng
hửng, ngần ngại, lại có hơi thẹn thùng. Vợ chồng Quan cũng chưng hửng nhưng hội
ý hân hoan, nên đi riết vô mà chào mừng. Xuân gắng gượng bước tới nói:
"Cháu kính chào chú thím. Có em Quyên nữa kìa!...".
Ông bà Từ Tệt gật đầu cười. Cô Quyên đương chào mừng vợ chồng
Quan mà nghe Xuân nói tới cô thì cô day qua ngó Xuân với cặp mắt vui vẻ, tiếp
theo một nụ cười chân thành mà thanh nhã.
Xuân bợ ngợ trách Triều:
- Có chú thím lên chơi, vậy mà hồi sớm mơi moa hỏi, toa lại dấu
moa chớ.
- Moa có dấu đâu, hồi sơm mơi toa hỏi giống gì? Toa hỏi tía
má moa có mạnh hay không. Moa nói mạnh. Toa đâu có hỏi tía má moa lên Sài Gòn
mà moa nói.
- Toa khó lòng quá!
- Moa dễ lắm, chớ có khó đâu. Có lẽ toa khó chớ không phải
moa. Bao giờ moa cũng dễ luôn luôn.
Xuân rùn vai rồi nói với ông bà Tệt:
- Cháu ở bên tây về đã lâu rồi, mà cháu không xuống Bạc Liêu
thăm chú thím được, thiệt cháu có lỗi với chú thím nhiều lắm, cháu thất lễ với
chú thím là tại vì về Sài Gòn phải làm việc liền rồi lại còn lo công việc riêng
của cháu nữa, nên cháu không đi được. Cháu cúi xin chú thím tha lỗi cho cháu.
Ông Từ Tệt hịch hặc đáp:
- Cháu về lâu rồi mà chú có hay đâu. Chú mới nghe thằng Triều
nói mấy bữa nay đây. Thôi, mấy anh em ngồi uống chút rượu khai vị rồi còn dùng
bữa.
Mấy anh em phân nhau mà ngồi hai bên. Bên nam thì ông Tệt ngồi
giữa, ông biểu Xuân ngồi phía tay mặt và Quan ngồi phái tay trái của ông. Bên nữ
thì bà Tệt ngồi giữa, cô Quế ngồi phía tay mặt còn cô Quyên ngồi phía tay trái
của bà, thành ra Xuân với Quyên ngồi ngang nhau, rồi Triều nhắc nghế ngồi đầu,
giữa Xuân với Quyên.
Triều kêu bồi biểu đem rượu khai vị. Bà Tệt vui vẻ nói:
- Mấy cháu tụ họp như vầy thiệt vui lắm. Thím mừng lắm. Năm
trước mấy bà con mình ăn cơm tại đây, bây giờ cũng ăn tại đây nữa, mà cũng có đủ
mặt hết, vậy ngộ lắm chớ.
Cô Quyên cứ ngó Xuân mà cười, mặt mày hớn hở, không lả lơi mà
cũng không e lệ chút nào. Còn Xuân tuy thỉnh thoảng liếc cô một cái, song đủ thấy
Quyên chẳng phải là "tiểu thơ mặt lọ" nữa, mà là một nữ nhi tề chỉnh,
đàng hoàng, vì nước da đen lại dang nắng nên diện mạo không rực rỡ mỹ miều,
song hình vóc đầy đặn với duyên dáng thiên nhiên giúp cho cô khỏi tiếng xú nữ.
Bà Tệt hỏi cô Quế:
- Cháu năm nay được mấy em rồi?
- Dạ, cháu được hai đứa.
- Giỏi đa!
- Thưa, cháu dở hơn anh Triều.
- Triều cưới vợ trước cháu Quan, tự nhiên phải có con trước
nên hơn cháu một đứa, chớ có giỏi đâu.
- Cháu mong cho cô Quyên có chồng có con thì mới thiệt vui.
- Nói gì cái đó...!
Cô Quyên mắc cỡ liếc ngó Xuân rồi cúi mặt xuống bàn.
Ông Tệt day qua ngó Xuân vừa cười và hỏi:
- Nghe nói cháu qua Tây cháu chuyên học nghề làm ruộng phải
không?
- Dạ, cháu học nghề nông.
- Được lắm, mình ở xứ làm ruộng, học nghề làm ruộng là phải
hơn hết.
Cô Quế nói tiếp: "Thưa bác, anh Xuân có bằng kỹ sư nông
phố, ảnh giỏi về nghề làm ruộng lắm bác, ảnh biết cách lựa giống lúa cho hợp đất,
biết cách gieo mạ hợp thời, biết cách làm cho mùa màng khỏi thất, làm cho hột
lúa nặng cân để bán cao giá. Ảnh giỏi lắm.
Ông Tệt gật đầu rồi hỏi tiếp Xuân:
- Bây giờ cháu làm Bác vật trong sở canh nông phải không?
- Dạ.
- Lương được bao nhiêu?
- Dạ, mỗi tháng được ba bốn trăm.
- Ít quá, có nghề thì ta ra làm ruộng chắc khá hơn nhiều.
- Dạ thưa, cháu không có ruộng.
- Cháu thấy không? Chớ chi hồi trước cháu không bán sở đất
thì bây giờ cháu khoẻ lắm.
- Thưa, không bán thì lấy tiền đâu mà ăn học.
Cô Quyên nghe nói tới ruộng là việc cô ưa cô thạo, nên cô
chen vô hỏi Xuân:
- Anh muốn làm ruộng mà vì anh không có đất nên anh cổ động địa
chủ lập nông nghiệp liên đoàn phải không?
- Sao em biết qua lập nông nghiệp liên đoàn?
- Em xem nhựt báo.
- Té ra em hay qua về hay sao?
- Em hay, song em không dám đoán chắc. Trong báo anh ký tên:
"Xuân, kỹ sư nông phố", em nghi là anh mà không biết có phải hay
không. Anh lập liên đoàn xong chưa?
Xuân buồn thở ra mà nói:
- Qua cổ động mà vì địa chủ của mình nguội lạnh quá nên việc
đó không có hiệu quả. Qua đã bỏ và chuyển công cuộc hoạt động sang việc khác rồi.
Ông Tệt nói:
- Ruộng của mình thì mình làm, bày hùn hiệp khó lòng lắm. Tại
cháu mắc lo việc đó nên cháu không đi thăm chú được phải không?
Xuân thấy có cớ cho mình chạy lỗi, nên lật đật đáp:
- Dạ thưa, cháu mắc việc đó.
- Cháu bậy lắm. Nếu tại vì mắc lo việc như vậy mà không thăm
chú được thì chú càng phiền thêm nữa.
- Xin chú tha lỗi.
- Tha không được. Chớ chi cháu xuống thăm chú trước, cháu nói
chuyện cho chú nghe thì chú bày cho cháu làm, hễ làm thì chắc lợi lắm, chớ có
phải như vậy đâu.
Triều nãy giờ lặng thinh, cố ý để dọ thái độ của Xuân, bây giờ
mới hỏi Xuân:
- Toa lo việc đó không thành mà lại hao tốn nhiều chớ?
- Tốn chừng vài ngàn.
- Uổng hết sức!
Ông Tệt nói:
- Làm gì phải tốn, đừng có nói uổng. Làm việc gì cũng phải tốn,
phải tốn trước rồi mới có lợi sau chớ. Tuy việc đó cháu Xuân làm không thành
song đó cũng là một bài học, bài học mắc một chút. Nầy cháu Xuân, chú có một việc
nếu làm được thì lợi lắm, lợi cho người làm, mà cũng lợi cho nhà nước nữa. Để rảnh
rồi chú sẽ nói rõ ý của chú cho cháu nghe.
Xuân không tin nên hỏi:
- Thưa, việc chú nói đó thuộc về nghề nông hay nghề nào?
- Nghề nông, chớ nghề khác chú có biết đâu mà nói. Phải người
biết nghề làm ruộng giỏi mới làm được. Cháu học nông nghiệp, có bằng cấp kỹ sư,
có tài năng bác vật chắc cháu làm được.
- Cháu muốn biết liền coi việc ấy là việc gì?
- Không nên, chú muốn cháu đi xuống Bạc Liêu ở chơi ít bữa rồi
chú sẽ tỏ hết việc đó cho cháu hiểu.
- Cháu mắc làm việc, cháu đi không được.
- Xin phép, cháu xin phép nghỉ một tuần hoặc mươi bữa mà đi với
chú.
Xuân dụ dự. Triều vui vẻ nói lớn:
- Ừ, được đa Xuân. Moa mời vợ chồng Quan đi nữa. Hai người
xin phép một tuần lễ rồi đi với moa. Sáng mai xin phép đi, moa ở nhà moa chờ.
Cô Quế nói:
- Nếu anh Xuân chịu đi thì vợ chồng em đi. Em đem hai đứa nhỏ
theo đặng đo với con anh Triều chơi.
Quan nói:
- Phần tôi chắc sẽ xin phép được.
Triều thôi thúc:
- Kìa Xuân, vợ chồng Quan chịu rồi kìa. Toa xuống dưới rồi đi
Cà Mau xem sở đất của toa hồi trước. Nè sở đất đó mấy năm nay em Quyên lãnh lo
khai phá, mùa nầy cấy lúa giáp hết, tốt lắm toa ơi, toa xuống toa coi.
Cô Quyên coi bộ tự đắc nên ngó ngay Xuân mà cười.
Ông Tệt tiếp luôn:
- Con Quyên không có học Bác vật canh nông gì hết, mà nó làm
coi cũng được. Lúc nầy lúa đương nở, cháu Xuân xuống coi, như phải đào mương đắp
đập gì thì chỉ dùm cho nó.
Cô Quế xen vào:
- Cháu ham ruộng lắm. Xin phép đặng đi chơi, anh Xuân; đi xuống
coi ruộng cô Quyên chơi mà.
Cô Quyên nói:
- Nếu được anh Xuân, anh Quan, chị Quế xuống ruộng của em mà
chơi thì em mừng lắm.
Hết thảy đều áp vô đốc Xuân, làm cho Xuân không thể nào cáo
thối được, nên hứa sáng mai sẽ xin phép mà đi.
Ai nấy đều vui vẻ bàn luận cuộc hành trình. Triều hứa sẽ ở chờ
Xuân với Quan xin phép đặng đi một lượt. Tính chừng đi thì cô Quế sẽ đi xe lớn
của Triều, còn Quan, Xuân, Triều sẽ đi xe nhỏ của Quan đặng dọc đường nói chuyện
chơi cho vui.
Ăn uống bàn luận đến mười giờ mới mãn tiệc.
o O o
Chiếc xe hơi của Triều chở ông Tệt và bà Tệt, cô Quyên, cô Quế
hai đứa con Quan và chị vú. Xe sức mạnh tới 18 mã lực lại mới mua có mấy tháng
nay nên máy còn mới, bánh còn tốt, chạy mau như giông, đã đi trước lâu rồi. Chiếc
xe hơi nhỏ của Quan, Triều dành cầm tay bánh, bắt Xuân ngồi một bên để chủ xe
ngồi phía sau, thủng thẳng chạy lần theo con đường Mỹ Tho lúc sớm mai mặt trời
vừa mới mọc.
Hai bữa rày Triều không nhắc đến chuyện duyên nợ nữa, mà cô
Quyên vẫn tự nhiên, cô không tỏ vẻ quyến luyến hay thân ái chút nào bởi vậy
Xuân vững bụng an lòng, tưởng Triều bày chuyện nói chơi cho vui, nên không lo đến
chuyện gia thất ràng buộc nữa.
Ba cậu trẻ trai hăng hái, lại được xem cảnh tươi tốt bình
minh, tự nhiên vui vẻ tràn trề, nói nói cười cười, nhắc chuyện đã qua, bàn chuyện
sẽ tới.
Quá mười giờ ba cậu xuống tới Cần Thơ. Biết chiếc xe lớn đã
đi riết về Bạc Liêu mà ăn cơm trưa, nên ba cậu không tính theo nữa, ghé vô nhà
hàng kiếm đồ lót lòng rồi sẽ đi sau.
Tuy từ ngày ở bên Tây về. Xuân đã có xuống Bình Thủy mà thăm
nhà cửa mồ mả, nhưng mà hôm nay tới Cần Thơ, Xuân vẫn nao nao nhớ cảnh cũ làng
xưa, Xuân tỏ ý muốn về Bình Thuỷ thăm nhà, Quan với Triều thuận theo liền, nên
ăn uống no rồi ba anh em mới lên Bình Thủy.
Ông dượng với bà cô ở coi nhà dùm cho Xuân, vì được hưởng huê
lợi sở vườn, nên ân cần lo dọn dẹp trước sau đều sạch sẽ. Mồ mả cha mẹ ở phía
sau cũng vậy, ông dượng có trồng bông chung quanh nên quang cảnh không đến nỗi
âm u sầu não. Xuân dắt hai bạn đi xem từ trong nhà ra ngoài vườn, đi viếng mồ mả,
ở chơi trót giờ rồi mới lên xe đi Bạc Liêu.
Hai giờ chiều xe tới nhà Triều, cả nhà đều ra cửa đón ba cậu.
Triều kêu sốp-phơ dạy coi mang hành lý vô nhà và đem xe vô nhà rồi chùi rửa cho
sạch sẽ.
Thằng bé Minh ôm mừng Quan, thằng bé Ngọc với con Nhân ôm mừng
Triều, nói tiếng líu lo, tỏ ý mến yêu chân thật, vẽ ra rõ ràng một bức tranh
"Phụ tử đoàn viên" hay muốn nói rộng ra là bức tranh "Gia đình
sum họp" có nét tươi cười pha lẫn nét đậm đà mật thiết. Ông Tệt, bà Tệt đứng
ngó bức tranh thiên nhiên ấy, trong lòng khuấy động, càng vững chắc trong cái
hy vọng "Phụ truyền tử kế" mà cũng thoả mãn về những công phu
"Sáng nghiệp khai cơ". Vợ Triều và vợ Quan cảm động nhiều hơn hết, cảm
động mà sung sướng, cảm động mà tự hào về công lao của mình đã giúp gây dựng
chút hạnh phúc ấy giữa bến mờ biển khổ.
Cô Quế liếc thấy Xuân với cô Quyên đứng ngoài vòng cái bức
tranh hạnh phúc ấy thì cô nao lòng, nên cô vỗ vai cô Quyên mà an ủi: "Rồi
đây cô cũng sẽ như chúng tôi". Cô Quyên ngó Xuân mà cười, cái cười đầy
thân ái, đầy hy vọng, Xuân cúi mặt xuống không nói gì hết, mà như có hơi gió lạnh
phất vào tâm can!
Cô Quyên tự nhiên hỏi Xuân: "Xe tới trễ, em chắc vì anh
Xuân ghé Bình Thuỷ mà viếng mộ hai bác, phải vậy không anh Xuân?" Xuân gật
đầu, cô Quyên đắc ý nói tiếp: "Em đoán trúng thấy không chị Quế?"
Triều tiến dẫn vợ con cho Xuân và Quan biết, rồi Triều bồng
con Kim, Quan vác con Phượng vô nhà.
Một nhà vui vẻ giữa buổi chiều thu đầm ấm mà trong xanh. Bầu
không khí thân yêu bao trùm các mặt cố giao hoà hiệp. Một lúc sau ai nấy đều rã
ra, người xuống nhà xe, người ra ngoài sân, người ra sau vườn mà chơi. Cô Quyên
thấy Xuân một mình thơ thẩn trước hàng ba, thì cô mở tủ lấy mấy tấm hình của
Xuân chụp hồi trước đem ra cho Xuân xem và nói: "Đây, anh nhớ mấy tấm hình
nầy không? Em lộng kiếng rồi cất trong tủ luôn, nên hình không phai, còn rõ như
hồi mới chụp."
Xuân cầm xem, ngó hình và ngó cô Quyên, miệng chúm chím cười.
Cô Quyên cũng cười và hỏi:
- Tại sao anh cười? Có phải anh thấy hình em hồi trước khác với
em bây giờ phải không?
- Khác xa lắm.
- Lớn rồi khác chớ sao. Mấy tấm hình anh giữ hồi trước, bây
giờ anh còn hay không?
- Còn chớ, qua gắn trong quyển "album". Hôm qua,
qua cậy Triều mời chú thím với em lại nhà chơi cho biết. Chú thím đi, sao em
không đi? Chớ chi có em lại thì thì em đã được thấy mấy tấm hình đó.
- Hôm qua má và tía có biểu, song em không chịu lại nhà anh.
- Sao vậy?
- Anh phải đến nhà em mà thăm trước, rồi sau em sẽ thăm lại.
Làm như vậy mới trúng lễ chớ.
- Bây giờ qua xuống thăm em rồi đây. Sau em có đi Sài Gòn, em
chịu ghé thăm qua không?
- Đây chưa phải là nhà em, nhà em ở dưới Cà Mau kìa.
- Mai mốt qua sẽ đi với anh em xuống dưới, xuống coi tài làm
ruộng của em ra sao.
Cô Quyên cười mà nói: "Gái nhà quê mà tài nỗi gì?".
Xuân muốn thấu hiểu tận đáy lòng của Quyên để quyết định thái
độ chọn Quyên khỏi lầm, mà ra mình là người chân chánh nên Xuân ngó ngay cặp mắt
cô mà hỏi: "Triều nói với qua rằng em chờ qua. Thiệt có như vậy hay
không?".
Cô Quyên day mặt ngó ra sân mà cười, chớ không trả lời. Xuân
đã hiểu ý nên thở dài. Trả mấy tấm hình lại cho cô rồi nói: "Không
nên".
Cô Quyên quay lại hỏi chậm rãi:
- Sao vậy?
- Tâm hồn của qua không có đủ điều kiện khả dĩ gây hạnh phúc
cho đời em được.
- Em sợ anh hiểu lầm.
- Không lầm đâu. Qua biết qua hơn là em biết.
- Tự ý anh!
Cô Quyên nói ba chữ sau với giọng đau đớn, với sắc mặt u sầu
làm cho Xuân là người đa cảm, lấy làm khó chịu hết sức. Cô ngó mấy tấm hình và
nói:
- Mấy năm nay, chiều bữa nào đi xe hơi với chị hai, em thường
đi những chỗ mình đã đi hồi trước. Ra mấy chỗ đó em vui quá.
- Em có trở lại chỗ chùa Thổ đó hay không?
- Anh còn nhớ chùa Thổ hay sao? Chỗ đó em đến chơi thường hơn
hết. Bây giờ chùa cất lại đẹp lắm, mà cây cũng đã lớn hơn hồi trước, nên cảnh
xem thú vị hơn nhiều. Sáng mai anh lấy xe đi ra đó mà coi, tuy khác hơn trước,
mà em ngó vẫn nhớ cảnh hồi trước.
- Có lẽ qua sẽ rủ Triều với Quan đi.
- Anh nên đi lắm. Anh hai có máy chụp hình lớn. Như đi thì chắc
anh đem theo máy đặng chụp hình hết anh em để kỷ niệm chơi. Kìa, anh hai em vô
kìa, để em dặn trước ảnh.
Cô Quyên với Xuân bước xuống thềm đón rước Triều và Quan
đương ở dưới nhà xe đi lên. Cô Quyên xúi Triều sáng mai mời hết anh em ra Sóc Đồn
chụp hình, Triều chịu và nhứt định sáng mai dậy sớm đặng đúng sáu giờ rưỡi đi.
Bữa cơm chiều vui vẻ, mà tối ấy cũng rất vui vẻ, các anh chị em hiệp nhau trò
chuyện, tình hòa nhã chan chứa, niềm thân yêu mặn nồng. Ông bà Tệt ngồi ngó con
cháu vầy đoàn thì hân hoan hết sức.
Ông Tệt định ngày mai ở Bạc Liêu chơi một bữa, sáng mốt cả
nhà đi hết xuống Cà Mau rồi sẽ chỉ mối lợi lớn cho Xuân và Quan biết. Ông cứ giữ
bí mật chuyện đó mà ông cũng chẳng hề nói tới nhân duyên của cô Quyên làm cho
Xuân không hiểu rõ ý ông nên cậu chơi mà trong lòng ái ngại.
Bữa sau mới tảng sáng mà Triều đã thôi thúc dọn đồ ăn lót
lòng cho mau, đặng đi chơi cho sớm, Triều lấy xe lớn đem ra bổn thân cầm tay
bánh, bắt Xuân và Quan ngồi ở phía trước, chừa hết phía sau cho đàn phụ nữ với
sắp nhi đồng. Bà Tệt thấy phía sau có ba chỗ ngồi với hai chiếc ghế mà phải chất
chứa vợ Triều, vợ Quan, cô Quyên, với năm đứa nhỏ chật cứng thì bà không bằng
lòng. Bà muốn lấy thêm cái xe lớn cũ nữa biểu sốp-phơ cầm bánh mà đi cho rộng.
Mấy cô muốn đi chung cho vui nên xin đi một xe, sắp nhỏ để ngồi trong lòng mỗi
người nên không chật gì lắm.
Mặt trời ló dạng. Ngoài đường người ta đi chợ dập dìu. Triều
hỏi đi đâu thì cô Quyên khuyên đi Sóc Đồn đặng chụp hình lấy cảnh chùa Thổ. Sớm
mai giọt sương đọng trên lá lúa, ánh nắng như chưa xoá tan, bởi vậy lúa gần đứng
cái mà ngọn cứ là đà làm cho đám ruộng bằng thẳng ở trên, bằng thẳng mà phơi
màu xanh lặc lìa, cái xanh thiên nhiên xem vừa vui lòng, vừa khoẻ mắt.
Cô Quyên lãnh ôm cả cháu Minh lẫn cháu Ngân trong lòng, ngó
thấy giạng cây Sóc Đồn xa xa thì cô hân hoan kêu Xuân mà nói: "Anh Xuân,
cái chùa Thổ chỗ lùm cây cao đó, thấy không?".
Xuân day lại đáp: "Qua không nhớ chỗ nào hết."
Mấy lời lạt lẽo ấy làm cho sự hân hoan của cô Quyên giảm đi hết
phân nửa. Tuy vậy mà cô còn gượng mà nói thêm: "Em nhớ năm trước, lúc em
và anh đi chơi đó, thì lúa cấy mới rồi. Bây giờ lúa đã gần trổ, nên quang cảnh
tự nhiên xem khác. Em nhớ như chuyện mới vừa hôm qua."
Có lẽ Xuân ăn năn mấy lời vô tình hồi nãy, nên lật đật đáp:
- Phải, phải. Bây giờ qua nhớ rồi. Mình đi buổi chiều, qua chụp
hình em, rồi mình đi dọc theo lộ mà chơi.
- Ừ, dưới ruộng có mấy chị Thổ hái rau chóc, đội thúng đi về.
- Phải. Em nói em ưa cảnh đồng ruộng, em ở chơi đến tối mà em
cũng chưa muốn về.
- Anh nhớ đủ hết, vậy mà hồi nãy anh nói anh không nhớ chớ.
- Lâu quá... tám, chín năm rồi.
Cô Quế cười và nói:
- Anh Xuân vô ý luôn luôn! Ảnh không chịu nhớ chuyện gì hết.
Hay là ảnh làm bộ quên, đặng gạt cho người ta nhắc chuyện xưa cho ảnh nghe.
Quan day lại đáp với vợ:
- Em nói trúng lắm.
Xuân ngồi im, dường như không nghe lời châm chích của vợ chồng
Quan.
Xe tới Sóc Đồn. Triều ngừng ngay trước chùa Thổ. Mấy anh em
leo xuống đi chơi. Cô Quyên nhắc chụp hình. Bây giờ mặt trời đã lên cao, có ánh
sáng vừa chụp hình lắm. Triều lấy máy ra. Quan bồng dùm bé Phượng cho vợ. Cô Quế
nắm dắt bé Minh. Vợ Triều bồng bé Kim, cô Quyên dắt cháu Ngân và cậu Xuân dắt
dùm cháu Ngọc.
Cô Quyên ngó quanh quất rồi chỉ một chùm cây lớn mà nói:
- Anh Xuân, năm xưa anh chụp hình em trước lùm cây nầy đây.
Anh nhớ không? Cây bây giờ cao lớn hơn hồi đó. Vậy mình lại đứng đó mà chụp nữa,
chụp chung hết, để kỷ niệm chơi.
Xuân gật đầu rồi dắt cháu Ngọc đi lại lùm cây. Cô Quyên dắt
cháu Ngân đi theo; hai người đi sóng đôi nhau mỗi người có dắt tay một cháu nhỏ.
Vợ chồng Quan còn lụi đụi ở chỗ xe đậu với vợ chồng Triều,
Quan thấy Xuân đi với Quyên thì kêu mà nói: "Anh Triều, coi kìa. Cặp đó
coi phải quá. Hai vợ chồng dắt hai đứa con đi chơi. Vậy là một gia đình có đầy
đủ hạnh phúc chớ còn đợi gì nữa. Nếu Xuân cứ đeo theo chủ nghĩa "Vô gia
đình" thì thiệt là điên."
Triều vừa ráp máy chụp hình, vừa đáp:
- Đừng thèm nói. Moa thấy rồi. Con Quyên bây giờ không phải
là con Quyên hồi trước đâu. Nó sẽ phá chủ nghĩa vô gia đình của Xuân cho mà
coi.
Cô Quế nói:
- Em coi chủ nghĩa đó đã bắt đầu lung lay rồi.
Triều chúm chím cười mà tiếp:
- Qua chắc xuống Cà Mau là sập liền chớ không phải lung lay
mà thôi đâu.
Quan nghe vậy ngạc nhiên nên hỏi Triều:
- Sao vậy? Cà Mau có cái chi bí mật hay sao?
- Xuống dưới rồi sẽ biết.
Triều ráp máy rồi kêu hết lại đứng trước lùm cây đặng lấy
hình kẻo trời nắng. Vợ chồng Triều đứng giữa, cô Quế với Quan đứng bên tay mặt,
cô Quyên với Xuân đứng bên tay trái, mỗi người có một đứa nhỏ, thành ra ba người
đàn bà đứng giữa hai người đàn ông. Xuân đứng cặp với cô Quyên, duy Triều mắc
chụp hình nên vô nhóm anh em không được.
Chụp hình xong rồi anh em dắt nhau vô chùa Thổ xem đến trời nắng
mới trở về chợ.
Buổi chiều lại rủ nhau đi chơi lên phía Om Trà Nõ. Lúc xe
đương chạy, cô Quyên kêu Xuân mà chỉ chỗ xưa hai anh em ăn bánh trên cỏ. Xuân gật
đầu mà cười chớ không dám nói hay không nỡ nói quên nữa.
Ăn cơm tối rồi, Triều đi vô chợ mua đồ đặng sáng mai có đem
theo xuống Cà Mau mà dùng. Nhóm phụ nữ cũng lo sửa soạn hành lý vì ông Tệt muốn
đi sớm kẻo sắp nhỏ bị nắng.
Xuân thấy Quan đi bộ trước sân thì men ra đi với Quan.
Đêm nay nhằm đêm 12 âm lịch, nên mới tối mà trăng đã lên cao,
rọi tỏ rõ ánh sáng từ trong sân ra ngoài đường cái. Xuân rủ Quan ra lộ hứng
mát, Quan y theo lời nói của bạn, nghi Xuân muốn tỏ lòng của mình, nhưng không
thèm gợi ý trước, thầm tính để coi Xuân nói thế nào rồi sẽ liệu mà công kích hoặc
khuyến dụ.
Hai người thủng thẳng đi ra khỏi gốc rào của ông Từ Tệt, tới
một khoảng trống, trên trăng tỏ rạng, dưới cảnh im lìm. Xuân thình lình than với
bạn:
- Ở đời chẳng có chi bận lòng bằng mình vuớng một án lương
tâm.
- Toa muốn nói cái gì? Moa không hiểu.
- Moa muốn nói việc cô Quyên.
- A! Việc Triều nói bữa hôm đó phải không?
- Việc đó.
- Triều là một người nhiều chuyện. Moa tưởng Triều muốn ghẹo
toa đặng đùa chơi, chớ không có gì hết. Mấy bữa rày moa thấy cử chỉ của cô
Quyên tự nhiên, mà ông bác bà bác cũng vậy, thế thì có chi đâu mà toa nói toà
án lương tâm.
- Toa lầm, Triều nói thiệt chớ không phải nói chơi.
- Hả? Triều nói thiệt? Cô Quyên chờ toa mấy năm nay không chịu
lấy chồng?
- Ừ.
- Tại sao toa biết? Cô có nói với toa hay sao?
- Cô không có nói rõ; nhưng mà moa hỏi cô có như vậy hay
không thì cô cười. Tuy cô không chịu thiệt, song cô cũng không cãi. Thế thì
không phải Triều nói chơi đâu.
- À! nói vậy thì toa hơi khó xử một chút. Mà cô Quyên chờ toa
đi Tây về, biết toa sẽ lên danh bởi vậy cô Quyên chờ đặng lên làm bà kỹ sư, bà
bác vật hay là vì ái tình ràng buộc cô không thể gỡ được nên cô chờ toa, cần phải
biết rõ điều ấy.
- Điều ấy là điều tâm lý. Phải gần gũi với cô Quyên, phải đàm
luận với cô nhiều lần thì mới biết chắc được. Moa sợ mắc bẫy, moa không dám nói
chuyện nhiều lần với cô.
- Toa thận trọng như vậy là phải lắm. Toa chẳng nên thân mật
với cô. Sẵn có em Quế của moa ở đây, vậy để moa dặn em dọ ý cô dùm cho toa. Nếu
cô Quyên muốn làm bà kỹ sư, bà bác vật, nên cô chờ toa, thì không quý báu gì hết...
À, còn nếu cô Quyên chờ toa là vì hai chữ "Ái tình", ái tình trong sạch,
thì quan hệ lắm chớ không phải chơi đâu.
- Để em Quế dọ thử coi.
- Ừ, để lát nữa vô nhà rồi moa sẽ dặn riêng. Mà dầu thương vì
vinh dự hay vì ái tình, trước hết cần phải biết cô Quyên có thương toa không đã
chớ.
- Nếu không thương moa thì chờ moa làm gì? Lại cô đi chơi với
mình ngày nay cô cứ nhắc những chỗ ký tích hồi trước với moa hoài, cử chỉ ấy có
lẽ đã chỉ cho moa thấy được nỗi lòng của cô chút ít.
- Phải, toa quan sát như vậy là đúng lắm. Cô Quyên thương toa
nên chờ toa, việc ấy chắc chắn khỏi phải nghi ngờ gì. Bây giờ chỉ muốn biết rõ
coi cô thương là vì ái tình hay là vì vinh dự. Mà chừng toa được biết khoản ấy
rồi thì toa làm sao?
- Đó là cái án lương tâm mà moa vừa nói với toa hồi nãy đó.
- Dầu cô thương toa về phương diện nào cũng vậy hễ cô thương
toa đến nỗi có công chờ toa bảy tám năm, mà bây giờ toa phụ rẫy tình cô thì toa
ác quá.
- Phải rồi. Mà nếu cô vì vinh dự nên thương moa thì moa phụ
cô moa không ăn năn cho lắm. Còn cô vì ái tình mà thương thì moa khó liệu quá.
- Khó thiệt, nhưng mà cũng dễ thiệt.
- Moa không hiểu ý toa muốn nói cái gì?
- Moa nói khó, là nếu cô Quyên lấy tình trong sạch mà thương
toa thì khó cho toa phụ cô vì làm như vậy toa sẽ giày đạp một tấm tình chơn
chánh, toa sẽ bẻ gẫy một cảnh đời chớn chở của một cô gái thân yêu.
- Còn moa nói dễ, là đường của toa đi đã mở sẵn trước mắt,
toa cứ nhắm mắt mà bước tới; dễ quá, khỏi sợ lầm lạc, vấp ngã chi hết.
- Không phải vậy, toa không hiểu ý moa. Moa nói khó liệu là
vì moa có tâm hồn xã hội chớ không có tâm hồn gia đình. Không thể nào moa có vợ
được, bởi vậy moa không nỡ làm một người đàn bà vì moa mà cảnh đời phải lãnh đạm
hư hỏng, toa hiểu chưa? Moa không phải là người sẵn ác tâm gieo tai hoạ cho đàn
bà. Lương tâm của moa không an tâm là vì cái đó.
Bây giờ Quan đã thấy tâm hồn Xuân rồi, Xuân dầu chưa có tình
với cô Quyên nhưng đã không nỡ phụ cô. Tâm hồn bất nhẫn đã không xa tâm hồn
thân ái. Tuy biết như vậy nhưng Quan không nói ra. Cậu làm mặt vô can, nên
nghiêm nghị nói: "Đường đời của toa, toa phải tự liệu lấy mà chọn lựa. Moa
không dám nói vô hay bàn ra. Nhưng nhờ có chút kinh nghiệm nên moa dám nói quả
quyết rằng ái tình nó đẹp đẽ, còn gia đình nó ngon ngọt làm sao, có đặt mình vào
mới thưởng thức được màu đẹp đẽ, mùi ngon ngọt ấy.
Ái tình với gia đình nó làm cho lòng người hẹp hòi hoá ra rộng
rãi, nó làm chí nhỏ bé hoá ra lớn lao, nó làm cho từ thấp thành cao, nó làm cho
đời người có ý nghĩa, có mục đích. Moa tin chắc dầu xã hội, dầu quốc gia, nếu
có nẩy nở rực rỡ được ấy là nhờ hai chữ ái tình và gia đình.
Xuân thở dài, Quan liếc mắt nhìn Xuân, tuy lúc ấy trăng bị
mây án, nhưng cũng thấy Xuân tư lự. Quan chúm chím cười rồi rủ Xuân trở về,
tính ngủ sớm đặng sáng mai đi sớm.
CHƯƠNG 9 -
Ô
ng Từ Tệt là một nông gia Việt Nam, tánh tình của ông cũng
như các nông gia khác. Thuở nay vẫn giữ mực giản dị, thận trọng, trầm tĩnh,
kiên nhẫn. Dầu làm việc gì ông cũng tính trước lo xa; Mà hễ quyết đoán rồi, thì
ông cố gắng nơi sự thành công, nên hăng hái làm chớ không hăng hái nói.
Còn bà Tệt cũng là một phụ nữ giống như phần nhiều phụ nữ Việt
Nam ở chốn thôn quê, bà vui vẻ bải buôi, thức khuya dậy sớm lo cho chồng con
hơn lo phận mình, biết chuyện trong nhà hơn chuyện hàng xóm.
Về việc mời khách đi xuống ruộng chơi, thì ông định cả nhà phải
đi hết. Vợ con Triều cũng đi cho vui. Nhắm chiếc xe nhỏ của Triều chở không hết
nên ở trên Sài Gòn về thì ông đã biểu sốp-phơ sửa soạn thêm chiếc xe của ông.
Xe cũng lớn, chở được bảy tám người, xe tuy cũ nhưng máy còn tốt, ông thường
dùng để đi thăm ruộng.
Còn bà thì lo sắm phẩm thực. Trong nhà sẵn tiền, lại vui đãi
khách, nên bà mua thứ gì cũng ngon và cũng nhiều, một tay bà coi mua để cho con
dâu, con gái thong thả mà chơi với chúng bạn.
Tảng sáng chủ khách thức dậy đặng sửa soạn đi Cà Mau thì đồ
lót lòng đã dọn sẵn một bàn dài cơm rau, cháo vịt, lạp xưỡng, bánh mì, thứ nào
cũng nhiều, bà Tệt vui mời, ông Tệt thúc hối ăn đặng có đi cho sớm.
Mặt trời vừa mọc thì chủ khách lên xe. Bà Tệt đi xe mới với mấy
cô, cháu nhỏ, giao cho sốp-phơ cầm bánh. Còn ông Tệt đi chung với ba cậu trên
chiếc xe cũ. Triều lãnh cầm tay bánh và xe chở đồ bùm sùm. Mấy cậu đều mặc áo
sơ mi, ông Từ Tệt thì mặc đồ mát, ông nói rằng xuống ruộng chẳng cần phải mặc y
phục đàng hoàng tráng lệ.
Từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu cô Quế đã được thấy nhiều cảnh đồng
quê rộng lớn là những vựa lúa của xứ Nam Việt. Từ Bạc Liêu xuống Cà Mau đồng lại
càng lớn hơn nữa, lớn mà lại không cây, không xóm, ngó minh mông mút mắt, bầu
trời mặt ruộng giáp nhau nơi tuyệt mù. Cô Quế ngắm cảnh mà bồi hồi về công phu
của nông dân khai khẩn nặng dầy mà càng bồi hồi về hồng phúc của quê hương chứa
đầy điền địa phì nhiêu quảng đại. Bây giờ cô mới thấy cái đời của người thôn
quê là đời lợi ích cho mình, lợi ích cho người, lợi ích cho quốc gia. Còn đời của
người thị thành là đời húng hính, làm ít chơi nhiều, đời lạnh lẽo không có công
với quốc gia xã hội. Cô ngó cô Quyên mà khen thầm, khen cô không nhiễm chí ý mới
của phụ nữ tân thời, khen cô biết chọn thú vui trong sạch mà sống. Biết sợ thói
nhảm nhí để tránh.
Vì hôm qua ông Từ Tệt có sai người xuống trước mà sắp đặt cuộc
tiếp khách nên quá 9 giờ xuống tới Cà Mau, thì đã có hai chiếc thuyền nhỏ trực
sẵn để tiếp rước khách chở đồ vô ruộng.
Tới đây thì về địa hạt của cô Quyên, bởi vậy cô lăng xăng sai
nha dịch đem đồ xuống thuyền, cô sắp đặt từ chút, cô xem xét mọi việc, biểu lộ
rõ ràng thái độ của điền chủ, thân thiện với kẻ dưới, vui vẻ trong lời nói làm
người ta thương mà kính sợ, làm cho người ta cực mà không phiền. Xuân đứng rình
cô, thấy cử chỉ của cô như vậy thì lấy làm kỳ, khác hẳn với cô Quyên bơ phờ, đỏng
đảnh liếng xáo như hồi trước, như đen khác với trắng.
Chủ khách xuống thuyền xong rồi, hai chiếc thuyền mới nối
đuôi nhau đi vào làng Tân Hưng.
Thuở nay cô Quế chưa bước chân xuống thuyền lần nào, bởi vậy
ngồi trong thuyền lúc lắc, nghe tiếng thuyền lạc xạc thì cô vui, song trong
lòng lo ngại, cô bảo chị vú bồng bé Phượng cho chặt, dặn Quan coi chừng bé
Minh.
Cô Quyên hiểu ý nên nói:
- Không sao đâu mà sợ, chị Quế. Em có một chiếc ca nô, để
dùng đi chợ cho mau, vì chiếc ấy nhỏ quá không thể rước hết được nên phải dùng
thuyền chèo cho vững.
Cô Quế hỏi:
- Cô có sắm ca nô hay sao?
- Có ca nô nhỏ, đi chừng ba bốn người.
- Xuống tới nhà rồi chiều cô chở tôi đi ca nô chơi thử nghe
hôn?
- Được, chiều mai rồi chị em mình đi.
- Thuyền đi chừng một giờ đồng hồ thì thấy bên phía cột chèo
lái có một toà nhà ngói cao cẳng, hai bên kềm hai lẫm lúa rộng và dài cũng lợp
ngói đỏ lòm.
Cô Quế hỏi:
- Nhà của ai vậy cô Quyên?
- Nhà ruộng của tía em cất cho em.
- Tới rồi à? Gần chợ quá!
Thuyền vừa xuôi chèo đặng cặp vào cầu thang thì trên nhà nổi
trống vang rân, bởi vậy mấy anh em leo lên cầu thang đứng ngó, trong lòng vui vẻ
phi thường, vui được hưởng không khí điền viên, vui được thấy cô Quyên quản xuất
một đám người mặt thật thà, sức khoẻ mạnh.
Ông Tệt cũng lên cầu mà đứng với khách, rồi ông đưa tay chỉ
mà nói:
- Phía trên nầy rạch là sở điền tôi đấu giá mua của nhà nước
hồi trước. Tôi khai phá thành điền đã hơn mười năm rồi. Còn sở đất của Xuân thì
ở bên kia rạch đó, thấy không cậu Xuân?
Mấy người đứng ngó thì thấy cả hai bên lúa nở tốt tươi, chỗ
nào cũng có lúa, không bỏ hoang một khoảng nào hết; song phía bên nầy thì cách
quãng có hàng dừa trồng ngay thẳng đã có trái rồi, còn phía bên kia thì đồng bằng
một mực, lúa xanh một màu, không có cây cối chi hết, rải rác có một ít chòi lá
lum khum trên mé rạch quanh quẹo.
Cô Quế được thấy cảnh đồng ruộng thuở nay cô chưa biết nên cô
thoả thích hơn hết, cô hỏi ông Tệt:
- Thưa bác, mỗi sở điền được bao nhiêu mẫu?
- Mỗi sở khoảng mười ngàn công.
- Mười ngàn công là bao nhiêu? Cháu không hiểu.
- Một ngàn mẫu.
- Cha chả! Nhiều quá.
- Có nhiều đâu cháu.
- Mỗi năm bác thâu lúa ruộng được bao nhiêu?
- Đất nước mặn, lại dưới nầy ít tá điền nên tôi cho mướn rẻ.
Phía bên nầy đất cũ nên tôi cho mướn mỗi công hai giạ. Mấy năm nay góp được chừng
mấy chục ngàn giạ. Còn phía bên kia đất mới mở, con Quyên phải cho mướn rẻ hơn.
Năm nay nó cho mướn giáp hết, mỗi công có một giạ.
- Sở đất phía bên kia rạch là của cô Quyên hay sao?
- Nó lãnh khai phá ba năm nay đó.
- Nếu vậy thì chừng gặt cô Quyên sẽ có đến mười ngàn giạ lúa.
- Phải nhưng vái trời cho khỏi sâu bọ, khỏi tim, khỏi háp,
thì tới mùa nó góp mười ngàn.
- Cô Quyên sẽ làm giàu... Sao hồi nãy nói đất nầy của anh
Xuân?
- Cô bảo cậu Xuân cắt nghĩa cho cô nghe. Năm anh hội đồng mất,
cậu Xuân quyết đem sở đất đó mà bán cho họ. Tôi cản hết sức không được, vợ chồng
tôi biểu thôi để cho vợ chồng tôi mướn đó mà ăn học. Cậu cũng không nghe, cứ nằng
nằng đi kiếm người mà bán. Không muốn để cậu bán cho họ nên tôi phải mua, rồi mấy
năm nay con Quyên lãnh coi làm đó.
Cô Quế với Quan nghe chuyện đó thì chưng hửng. Đất của Xuân
bây giờ về cô Quyên làm chủ, mà cô Quyên lại muốn kết tóc trăm năm với Xuân. Hễ
Xuân ừ thì đất bán sẽ hoàn lại cố chủ. Tạo hoá khéo gây cuộc lăng nhăng quá.
Quan hỏi Xuân:
- Sao hồi đó toa bán vậy Xuân?
Xuân có hơi thẹn, ngượng ngùng đáp:
- Có đất mà không biết dùng thì để làm gì?
Ông Tệt sợ Quan hỏi nhiều làm phiền lòng Xuân nên ông thôi
thúc khách vô nhà. Bà Tệt, cô Quyên với vợ chồng Triều đã vô trước trong nhà.
Xuân với vợ chồng Quan thủng thẳng bước theo ông Tệt, thấy trước nhà có một cái
sân rộng lớn không trồng vật chi hết, song hai bên nhà dọc theo hai mé rạch thì
trồng mít trồng chuối, thứ nào cây lá cũng sởn sơ.
Cô Quyên tiếp khách ân cần, bà Tệt bải buôi, vợ chồng Triều
vui vẻ.
Vợ chồng Quan rất thoả thích về cuộc đi chơi nầy, duy có một
mình Xuân sắc mặt buồn bã, không biết cậu buồn về chuyện cô Quyên, hay là buồn
về sự bán đất.
Chơi một lát dọn lên bữa cơm đơn sơ, dùng gà vịt và một ít
món đồ mang theo mà thôi. Nhưng vì có lời cô Quyên cáo lỗi hữu duyên, lại nhờ
đi đường đói bụng, nên ai nấy ăn ngon lắm. Đương lúc ăn cơm, tá điền bắt heo chọc
huyết, heo la om sòm ở phía sau. Cô Quế hỏi cô Quyên: "Làm thịt heo hay
sao?" Cô Quyên vừa cười vừa đáp: "Không mấy thuở anh chị đến chơi nhà
em, tự nhiên em phải đãi chớ sao?"
Bà Tệt tiếp nói:
- Ở ruộng hễ có khách thì gà vịt với heo chớ có gì nữa đâu. Tôi
có biểu người qua Đầm Dơi kiếm sấu, kỳ đà, cua gạch, nếu mua được thì mai mốt
ăn đồ đó.
Ăn cơm rồi, Triều lấy ra ba cây cần câu và hỏi:
- Xuân với Quan có đi câu cá với moa hay không? Dân làm ruộng
không biết ngủ trưa. Đi câu kiếm ít con cá trê chiều nấu canh chua ăn chơi.
Đi câu cá trê. Một việc lạ nữa! Quan sốt sắng đi với Triều,
Xuân cũng đi theo, duy cô Quế thấy trời nắng gắt, sợ nhức đầu nên cô ở nhà.
Ba cậu trai đứng câu dài theo mé rạch, vì mỗi cậu đều có bắt
được vài con cá trê hoặc con cá úc, nên cậu nào cũng say mê, kiếm chỗ có bóng
cây mà đứng, rồi cầm cần câu hoài mà không biết mỏi. Người ta nói câu là môn giải
trí, mà kỳ thiệt là một cách để giúp trí yên tĩnh mà suy nghĩ. Vì vậy nên người
hay lo tính, thường thích ngồi. Hôm nay ba cậu trai nầy say mê đây, có lẽ cũng
có chuyện lo tính trong trí. Xuân lo về nỗi bận bịu của cô Quyên, còn Triều với
Quan tuy không nói cho nhau biết, song cả hai đều tính phải coi dùng chước nào
mà chữa bịnh thần kinh cho Xuân, quay Xuân trở về đường hạnh phúc gia đình, cho
hội Mai, Lan, Cúc, Trúc khỏi có người lạc lối.
Đến xế mát nước lớn mà đầy, cô Quyên dắt cô Quế đi kiếm ba cậu.
Gặp ba cậu đang ngồi chăm chỉ câu thì cô Quế cười ngất. Cô kêu Xuân mà nói:
"Anh Xuân, cô Quyên mời anh xuống ca nô đặng đi thăm ruộng của cô. Chiếc
ca nô có ba chỗ ngồi. Vậy anh đi với chị em tôi."
Xuân dụ dự.
Cô Quyên nói:
- Em muốn mời ông Bác vật canh nông đi xem dùm kinh em đào và
đập em đắp coi có trúng theo nông học không?
Triều tiếp nói:
- Toa đi đi Xuân, moa với Quan sẽ lấy xuồng đi theo sau, vì
ca nô chở không hết năm người.
Không hiểu Xuân muốn dọ ý cô Quyên hay là muốn xem tài làm ruộng
của cô mà bây giờ Xuân không dụ dự nữa, cậu cuốn nhợ, trả câu cho Triều, rồi
theo hai cô trở lại cầu thang đặng xuống ca nô. Xuân ngồi day mặt ra phía trước.
Cô Quyên với cô Quế ngồi đâu mặt với Xuân. Người coi máy quay máy bành bạch rồi
ca nô phát chạy trong rạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét