Phương ngữ Nam bộ: Cần lưu giữ
nét đặc sắc của văn học ĐBSCL
Trong quá trình giao lưu giữa
các vùng, miền, các dân tộc trong và ngoài nước thì một số phương ngữ Nam Bộ đã
có sự vay mượn làm phong phú thêm vốn từ ngữ của cộng đồng cư dân ở xen lẫn
nhau.
Nhà phê bình Lê Xuân
1. “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng quý báu và lâu đời của
dân tộc” (Bác Hồ). Vì thế việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là rất quan
trọng và cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các vùng,
các miền, các nước… một bộ phận ngôn ngữ cũng bị “cải cách” theo, hoặc bị biến
dạng, biến thể theo chiều hướng có lợi, hoặc có hại. Nó sẽ làm rối thêm, làm mất
đi bản sắc dân tộc của từng vùng, từng miền trên một đất nước từ lâu đã có sự
thống nhất về chữ viết và ngôn ngữ.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều thứ có thể
“hòa tan”, “hòa hợp”, “biến màu”, “biến chất”, thì ngôn ngữ liệu có thoát khỏi
guồng quay đó? Song, chúng ta cũng không đáng lo ngại lắm về sự “xâm thực” của
ngôn ngữ ngoại lai, nhất là thứ ngôn ngữ “chat” trên mạng của thế hệ 8x, 9x… Bởi
dân tộc ta từ lâu đã có quá trình giữ gìn và phát triển vốn ngôn ngữ của toàn
dân. Bằng chứng rõ nhất là chữ Hán của Trung Hoa một thời gian dài mấy thế kỷ
được dùng làm văn tự, nhưng sau đó ông cha ta cũng chỉ “mượn” để sáng tạo ra chữ
Nôm. Một số từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga… khi vào Việt Nam cũng bị “biến
đổi” cho phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người Việt. Những người có công
trong việc “Việt hóa” một số từ ngữ đó, phần lớn là tầng lớp trí thức có trình
độ cao. Và chúng ta không thể không kể đến vai trò của các nhà văn, nhà thơ, những
người đã dùng ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ bác học để đưa vào tác phẩm văn
chương, phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người và xã hội. Riêng ở
Nam Bộ, phương ngữ thể hiện khá rõ trong các tác phẩm văn học, trên các phương
diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách diễn đạt
2. Về mặt địa lý, Nam Bộ được tính từ các tỉnh Bình Phước,
Tây Ninh đến Cà Mau. Phương ngữ Nam Bộ có những nét khu biệt với phương ngữ Bắc
Bộ hay Trung Bộ, mà những phương ngữ khác khó xâm nhập. Nếu ở miền Bắc tiếng Hà
Nội khác tiếng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…
thì ở Nam Bộ tiếng Sài Gòn và tiếng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nói chung
không khác nhau mấy. Nghĩa là chúng có sự thống nhất tương đối cao. Nếu phần lớn
các tỉnh phía Bắc gọi cái bát, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là cái đọi, thì ở
Nam Bộ gọi là cái chén. Nếu ở các tỉnh phía Bắc nơi thì gọi cha – mẹ,
bố – mẹ, thầy – u, nơi gọi là cậu – mợ, bố – bầm, thầy – bu, ải – êm(người
Thái)… thì ở Nam Bộ gọi là ba – má, tía – dú. Ngược lại, có một
số từ ngữ ở miền Bắc, miền Trung gọi bằng một tên, như: thuyền hay đò thì
ở Nam Bộ lại có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ rõ đặc trưng, công dụng, kích cỡ
của mỗi loại khi tham gia giao thông thủy, như: tàu, ghe. Riêng loại “ghe”
có tới hơn chục tên gọi: ghe chài, ghe be, ghe bầu, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn,
ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, ghe tam bản, rồi xuồng ba lá, vỏ lãi, tắc ráng, trẹt…
Chỉ ghe thương hồ của người Gia Định, ca dao có câu:
Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.
Gọi nước lên hay xuống, ở Nam Bộ có tới mấy chục
từ ngữ để diễn tả, như: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đứng,
nước nhửng, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước nổi, nước quay, nước lụt, nước
giựt, nước rút, nước chảy, nước trôi, nước nhảy, nước bò… Riêng nước ròng còn
được phân biệt: nước ròng cạn, nước ròng sát, nước ròng rặc, nước ròng kiệt,
hay còn gọi tắt là nước cạn, nước sát, nước rặc, nước kiệt.
(* Xem phụ lục: Bảng đối chiếu so sánh ba nhóm
phương ngữ tiếng miền Bắc, miền Nam)
Trong quá trình giao lưu giữa các vùng, miền, các dân tộc
trong và ngoài nước thì một số phương ngữ Nam Bộ đã có sự vay mượn làm phong
phú thêm vốn từ ngữ của cộng đồng cư dân ở xen lẫn nhau, như: nói “sáng say, chiều xỉn,
tối xà quần” thì đều chỉ người say rượu ở những mức độ khác nhau (người
Kinh gọi là say, người Hoa gọi là xỉn, người Khmer gọi
là xà quần).
Trong các tác phẩm văn học của Nam Bộ, ở mỗi giai đoạn, mỗi
thời kỳ lịch sử, từ ngữ dùng cũng khác nhau. Một số từ ngữ trong tiểu thuyết của
Hồ Biểu Chánh những năm đầu thế kỷ XX nay ít dùng.
Ví dụ: Ông miêu tả cảnh ngoài đồng ruộng chỉ bằng vài nét đơn
sơ mà gây ấn tượng: Một bữa nọ nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm, lu ỳ.
Ngoài đồng nông phu làm lăng xăng, người thì phát cỏ, kẻ thì lo trục
đất. Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng vàng, trong hào ấu trái già cuống đỏ đỏ
(Phụ nữ Tân văn – số 32, trang 31). Và đây là cảnh ngoài đồng với bao màu sắc
âm thanh ở một vùng quê Nam Bộ cách ta gần thế kỷ: Mặt trời chen lặn,
ếch uệch oạc kêu vang mé hào, trâu no nần đi lần về xóm.
Lúa cấy đã giáp đông hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng khè, đám nào
đã nở thì coi xanh mướt. (Phụ nữ Tân văn số 35, trang 30).
Trong các câu hò, điệu lý Nam Bộ thì phương ngữ khi chân chất,
mộc mạc, khi gồ ghề, gai góc. Hãy nghe lời một chàng trai Nam Bộ chọc ghẹo cô
gái: Con cò nó mổ con lươn/ Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi
hôn? Hay: Anh thương em từ đầu tới đít/ Đêm anh muốn nằm
khít bên em. Hoặc: Gió đưa buồn ngủ lên bờ/ Mùng em có rộng
cho qua ngủ nhờ một đêm? Hay: Xắn quần em lội qua lung/ Quần
em lỡ tụt anh hun chỗ nào?/ Anh hun thì hun má đào/ Quần em lỡ tụt cắm
sào ngủ luôn.
Sau Hồ Biểu Chánh, nhiều nhà văn Nam Bộ là bậc thầy sử dụng
phương ngữ, như: Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Trang
Thế Hy, Anh Động… Lớp kế tiếp có: Lương Hiệu Vui, Nguyễn Thanh, Võ Đắc Danh,
Nguyễn Lập Em, Hồ Tĩnh Tâm, Phan Trung Nghĩa, Ngô Khắc Tài, Phạm Thị Ngọc Điệp,
Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Anh Đào, Trầm Nguyên Ý Anh…
Nhưng sử dụng phương ngữ Nam Bộ hiện đại thì nhà văn trẻ
Nguyễn Ngọc Tư thành công hơn cả. Cũng tả cảnh, tả người và sự việc nhưng ngôn
ngữ của Nguyễn Ngọc Tư trong các truyện ngắn đã khác xa thời Hồ Biểu Chánh và
các anh chị trước mình. Nhiều từ ngữ Nam Bộ được chị đưa vào đúng lúc đúng chỗ,
khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước. Ví dụ: Ai
đó vãi từng chùm chim én lên cao, chúng cố chao liệng để khỏi phải
rơi như lá… Ngôn ngữ trong các truyện ngắn, ký, tản văn của Nguyễn Ngọc Tư vừa
dân dã, mộc mạc vừa gần gũi, tươi tắn.
Đến với văn của chị, độc giả có thể hình dung rất rõ về vùng
đất Nam Bộ. Từ những mé đìa lục bình, đám trâm bầu, chòm quao, trái giác nấu
canh chua bông súng đến cách gọi tên nhân vật: anh Hai Nhớ, dì út Thu Lý,
dì Tư, út Thà, Sáu Tâm… hay lời ăn tiếng nói thường ngày: trời đất, chèn
ơi, đúng chóc hà, nói gì lãng xẹt vậy ta, nói chơi hoài, như vầy, chút đỉnh,
mình ên… đều gợi lên dáng hình thiên nhiên, con người xứ sở miền Nam. Có lần chị
đã tự bộc bạch về văn mình một cách rất thật thà trước các đối tượng độc giả
Đôi lúc ví văn của mình như quả sầu riêng, người thích thì nói nó
thơm, người không thích thì chê rằng thúi.
Văn của Nguyễn Ngọc tư có nhiều so sánh, miêu tả độc
đáo: Những trái dưa hấu bóng mẩy thẳm xanh chất tầng tầng trên
chợ (Giao thừa). Tả dòng sông như một người bạn tâm tình với nhiều từ
láy: Đêm sông trăng, ngồi trên nhà có thể nhìn thấy một dòng chảy líu
ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo
những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất
đều. Có những câu văn kể xen tả thật ấn tương, gợi cảm: Bây giờ, gió
chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng bất tận. Ven các bờ ruộng, bông cỏ
mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của
lúa.
Chất giọng đặc sệt của miệt vườn Nam Bộ không lẫn vào đâu được: Buổi
chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét
vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong
dành rửa cá. Cảnh sắc Nam Bộ tràn vào trong tác phẩm cứ gần gũi, tự nhiên như
chính vùng đất ấy: Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một
chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi
thôi.
Còn đây là miêu tả tâm lý nhân vật có số phận hẩm hiu, éo
le: Bữa kia mới ác, thấy Bi lon ton chơi một mình ngoài sân, bỗng không
kìm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên
hai tiếng, trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy… (Duyên
phận so le)
Chị luôn khám phá những suy tư, trăn trở, dằn vặt trong tâm hồn
nhân vật: Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng này nè, đó,
nó ướt nhẹp đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn, ừ, tại tao thương con chốt.
Qua sông là không mong về… Nhiều câu văn giàu cảm xúc, chứa chất hoài niệm: Ra
tới lu nước bà tựa người vào đó, mặt soi xuống nước, bật khóc. Ước gì nước
đừng trong như vậy để khỏi phát hiện một nhan sắc tàn phai. Với những
lời độc thoại nội tâm sâu sắc có sức cuốn hút: Ông Sáu ngừng lại, lấy tay
quệt nước mắt, cái con bìm bịp quỷ nầy nó cũng bỏ qua mấy lần nhưng ngủ một đêm
trên đọt dừa nó lại quay về. Sao cổ không quay lại? (Biển người mênh
mông).
Ở “Cánh đồng bất tận” giọng văn thật day dứt, trăn trở: Sau
giấc ngủ dài, bản năng nó không trở dậy. Trái tim nó chỉ là hòn than nhỏ,
không thể hâm nóng lại cơ thể đã ngã màu tro. Sợi dây xúc cảm như lối đi lâu lắm
không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt, cầu gẫy. Ở đó luôn
ẩn chứa những trăn trở, suy tư và nỗi niềm yêu thương: Đàn bà, với
cha, càng trải nghiệm càng chán chường. Càng gieo rắc càng đau. Vết thương
cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lấp đầy… Với ký ức trống trơn,
họ phơi phới ra đi, còn mình thì nhớ hoài, đau hoài… Hàng loạt câu hỏi tu
từ buông ra như tiếng kêu thống thiết trước cuộc đời đa đoan: Có ai chờ
chúng tôi trên những cánh đồng khơi, Đêm nay tôi sao thế này? Vì nhìn thấy niềm
hy vọng ư? Và tôi ngủ trong nỗi xốn xang… Mà, đã ngấm, đã xé toang lòng với nỗi
đau chia cắt rồi chưa sợ sao?
Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét về văn Nguyễn Ngọc Tư: Mấy
năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc
lên giữa rừng tràm hay rừng đước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho
văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc
biệt “Nam Bộ” một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào như các tác giả
Nam Bộ đi trước…
Nói đến phương ngữ Nam Bộ ta không thể không nhắc đến tác giả
viết ký xuất sắc Võ Đắc Danh trong những năm gần đây. Hãy chầm chậm đọc một đoạn
văn trong bài ký “Mẹ tôi” của anh để thưởng thức chất Nam Bộ ấy: Mẹ tôi phải
ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò
trên bờ mẩu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước
bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp
chân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm.
Hay trong bài ký “Rơm rạ dại khờ”, văn của Võ Đắc Danh như
“thơ văn xuôi”, rất giàu so sánh liên tưởng, nhịp điệu: Chị mặc bộ bà ba
màu đen, cái dáng cao cao,… từng cơn gió lùa qua, chị nghiêng vành thúng, lúa hột
tuôn xuống, lúa lép bay bay, bụi rơm bay bay, tà áo chị cũng bay bay,… ngược
theo chiều gió là…, những đường nét cong của vòng eo, vòng ngực căng tròn. Tôi
cứ nhìn ngẩn ngơ… và, tôi không ngờ khi mình không còn “dại khờ” như chị nghĩ
thì đó lại là mùa lúa cuối cùng tôi được gần gũi chị… khi tôi biết được tình
yêu thì hình ảnh người con gái trong tôi là chị. Là chị với những giấc ngủ trưa
trong chòi rạ giữa đồng, là chị với đôi thùng nước, chiếc đòn gách oằn vai đi
giữa đồng rạ khô trong bóng chiều thấp thoáng, quần áo ướt mem bó sát thân gầy,
là chị ngồi dưới cây rơm quấn từng con cúi làm bếp um trâu, là chị ngồi đốt
rơm sáng bừng cả một khúc sông,… là chị…, ngực căng tròn đứng trên giàn giê
lúa…
Còn thơ thì nhiều tác giả đưa phương ngữ Nam Bộ vào khá thành
công. Trong đó phải kể đến các nhà thơ: Lê Chí, Nguyễn Bá, Kim Ba, Vũ Hồng, Trịnh
Bửu Hoài, Phù Sa Lộc, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Thu Nguyệt, Thai Sắc, Hữu
Nhân, Trương Trọng Nghĩa, Lê Ái Siêm, Võ Tấn Cường, Huỳnh Thúy Kiều… Xin dẫn
đôi câu thơ Vũ Hồng trong bài “Người phương Nam” để bạn đọc rõ hơn một nét tính
cách của người Nam Bộ – những người mang trong mình dòng máu của Đồ Chiểu, Bùi
Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị… rất hào phóng, hào hiệp, điệu nghệ, bao dung:
Người phương Nam khá sắc
Người phương Nam ngày xưa áo tơi
Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời
Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu
Rượu say tim bốc đến tận trời
… Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu.
Và đây là những câu thơ đầy ám ảnh của nhà thơ trẻ Huỳnh Thúy
Kiều ở Cà Mau:
Cá lìm kìm rượt nhau xé dòng vọng tưởng
Châu thổ buồn thèm vực khúc đỗ quyên.
(Theo em về vùng cổ tích)
Đồng ngửa cổ
Ào ào cơn ngực sấm
Dẫm cuồng phong
Vác cuốc bửa màu chiều.
Con dế nhủi khóc đêm thanh vắng
Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non.
(Nói với quê hương)
Nghiêng vạt gió hứng ánh trăng từ đỉnh trời rơi xuống
Chuông thời gian gõ vỡ đêm thượng tuần
Anh đã gặt xong mùa bão táp
Thu vào mây bóng kinh thành buốt nụ sao hoa.
(Cổ tích cho em)
Mùa hạ run nỗi niềm giáp hạt
Cỏ ngậm đầy nụ đắng cánh đồng xưa …
(Thiên đường cây xanh lá)
3. Tuy nhiên, khi lạm dụng phương ngữ Nam Bộ quá nhiều
thì sẽ làm cho câu văn, câu thơ thêm rối rắm, khó hiểu đối với nhiều người ở những
vùng, miền khác, làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc trong phương ngữ Nam Bộ nói riêng và ngôn ngữ nói chung là một điều cần
thiết trước sự xâm thực của ngôn ngữ ngoại lai trong thời hội nhập quốc tế.
Ngày nay, trước sự bùng nổ về thông tin trên các phương tiện truyền thông như
báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử trên internet… nhiều người dùng “ngôn
ngữ lóng” để buôn bán, hay “ngôn ngữ chát” của giới trẻ để giao lưu, và sáng
tác trên các website, blog làm mất đi bản sắc của ngôn ngữ tiếng Việt. Đó là điều
đáng báo động! Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin dẫn một đoạn trong bài thơ
vui Tình yêu tin học của tác giả Văn Thông đăng trên báo QĐND với những
từ ngữ của giới Tin học đã bước vào văn chương:
Miền domain anh vẫn mãi đi tìm
Lạc chốn nào trong hàng triệu website
Đến thăm em bằng địa chỉ email
Niềm thương nhớ trải dài trên keyboard.
Chân tình em chẳng thể nào download…
* BẢNG SO SÁNH MỘT SỐ CẶP TỪ PHƯƠNG NGỮ BẮC-NAM
DANH TỪ – NGỮ DANH TỪ |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
TÍNH TỪ – NGỮ TÍNH TỪ |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
ĐỘNG TỪ – NGỮ ĐỘNG TỪ |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
1- Đào Duy Anh: Hán – Việt từ điển – NXB Trường Thi – Sài Gòn, 1957.
2- Nguyễn Văn Ái chủ biên: Từ điển phương ngữ Nam Bộ – NXB TP HCM, 1984.
3- Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường: Văn hóa và cư dân ĐBSCL, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1990.
4- Nguyễn Du: Truyện Kiều – NXB Văn học, Hà Nội, 1980.
5- Mạc Đường: Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở ĐBSCL từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX – Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3 (204)/1982.
6- Nguyễn Đình Khoa: Loại hình nhân chủng và nguồn gốc lịch sử người Khmer Nam Bộ- Tạp chí Dân tộc học số 9/1981.
7- Trần Ngọc Lang: Phương Ngữ Nam Bộ – NXB KHXH, Hà Nội, 1995.
8- Sơn Nam: Nói về miền Nam, cá tính miền Nam, thuần phong mỹ tục Việt Nam – Biên khảo – NXB Trẻ, 2007.
9- Sơn Nam: Lịch sử khẩn hoang miền Nam- NXB Sài Gòn, 1973.
10– Lưu Văn Nam: Người Khmer Nam Bộ xưa và nay – NXB TP Hồ Chí Minh, 1999
11- Vũ Ngọc Phan: Ca dao, dân ca, tục ngữ Việt Nam – NXB KHXH, Hà Nội, 1980.
12- Vương Hồng Sển: Từ vị Tiếng Việt miền Nam – NXB Văn học, 1993.
13- Huỳnh Công Tín: Từ điển Từ ngữ Nam Bộ – NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội, 2009
14- Huỳnh Công Tín: Cảm nhận bản sắc Nam Bộ – NXB Văn hóa – Thông tin, 2006
15- Ngô Đức Thịnh: Người Khmer ĐBSCL là thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam- Tạp chí nghiên cứu Lịch sử số 3 (216)/1984.
16- Bùi Đức Tịnh: Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ – NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
17- Phan Thị Yến Tuyết: Tín ngưỡng cúng việc lễ – một tâm thức về cội nguồn của cư dân Việt khẩn hoang tại Nam Bộ – Tạp chí Dân tộc học số 1(101)/1999.
18- Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ: Ca dao – dân ca ĐBSCL – NXB Văn Nghệ, 2001.
19- C.Mac- Ph.Ăng-ghen – V.I Lê-nin: Về Văn học và Nghệ thuật – NXB Sự thật, TP Hồ Chí Minh, 1977.
20- Vũ Ngọc Phan: Ca dao, dân ca, tục ngữ Việt Nam – NXB KHXH, Hà Nội, 1980.
21- Vương Hồng Sển: Từ vị Tiếng Việt miền Nam – NXB Văn học, 1993.
22- Nhiều tác giả: Cơ sở Lý luận văn học – 3 tập – giáo trình ĐH Sư phạm Hà Nội, 1984.
23- Nhiều tác giả: Văn hóa sông nước Cần Thơ – NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2009.
24- Nhiều tác giả: Từ điển Văn học – Tập I & II -NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1983.
25- Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ: Từ điển Tiếng Việt – Hà Nội – Việt Nam, 1992.
26- Một số bài trên Tạp chí: Ngôn ngữ học, Ngôn ngữ và Đời sống, Tạp chí Văn học, Tạp chi Xưa và Nay, Tạp chí Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Tạp chi Kiến thức ngày nay, Tạp chí Tài hoa trẻ, Tạp chí Thế giới mới, Tạp chí văn nghệ của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
31/5/2020
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét