Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Những đứa con rải rác trên đường

Những đứa con rải rác trên đường

TÓM TẮT TRUYỆN
Những đứa con rải rác trên đường là cuốn tiểu thuyết được cấu trúc bằng ba truyện dài, do NXB Trẻ ấn hành tháng 8.2014. Trải suốt cuốn sách là cuộc đời một người lái xe, lên dần những nấc thang cấp bậc. Từ người lính chuyển sang dân sự, trở thành người quản lý. Từ chiến tranh sang hòa bình, trải qua thời cải tạo tư thương, ngăn sông cấm chợ, sang kinh tế thị trường. Một người lái xe đào hoa với rất nhiều mối tình trên từng cây số.
CHƯƠNG 1
Anh cứ chuyển dần ra phía Bắc. Những chuyến tiếp theo anh chạy ra bắc miền Trung, chính xác hơn là đoạn đường giáp giới giữa một tỉnh bắc miền Trung và một tỉnh miền Bắc. Cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi. Đã khô cằn, thời chiến tranh cũng là cái túi đựng bom Mỹ. Dấu tích chiến tranh vẫn chưa hết. Dân cũng nghèo như dân trong tuyến lửa miền Trung. Hai cô gái vẫy xe đi nhờ. Bây giờ đã ít sợi phíp mà nhiều đàn bà con gái bắt đầu mặc quần phăng. Nó là cái quần Tây hơi kiểu đàn ông cũng ka ki cũng xi mi li cũng tuýt xi pha len như đàn ông. Thấy một lúc hai cô thì cảm thấy có cho lên xe cũng chẳng chấm mút được gì nhiều. Nhưng mà thoáng nhìn từ xa thấy mặt hai cô đều tròn đều trắng. Tự nhiên dâng tràn cảm hứng. Nào thì cho lên. Hai cô công nhân công trường về phép. Gái công trường như rương không khóa. Một khi nhé, một khi đã thích nhé, thì cứ việc mở toang hoang ra. Mở xong có quên đậy lại thì cái rương tự nó đậy nó lại.
Hai cô chuyện trò như tép nhảy. Không bốc bải được gì thì cũng có gái tán tỉnh cho vui. Một tay vô lăng, một tay anh thò sang sờ eo một cô. Úi giời buồn em. Cô rú lên. Cô thò tay sang cù vào bụng anh đáp trả. Gái này mạnh bạo ghê. Anh lại thò thay sang sờ bụng cô. Úi giời buồn em. Cô lại cù bụng anh đáp trả. Đàn ông đàn ang râu quai nón mấy ngày không cạo mà bị cù cũng rúm lại cười. Thấy thế cô A càng thích. Cô lại đáp trả liên hồi. Liên hồi đến mức cô B ngồi bên ngoài cũng không chịu được. Cô đòi đổi chỗ để vào ngồi bên trong, cạnh anh xe, để cù anh. Cô thích cù anh hay là cô muốn anh sờ nắn hiện vật của cô. Chắc là cả hai. Kém miếng khó chịu. Hai đứa con gái cùng lên xe không đời nào chịu để cho một đứa được sờ và được độc quyền sờ lại anh xe.
Lâu nay anh xe chỉ có quyền đi sờ soạng các cô mà lần này anh được các cô xông vào sờ soạng không còn sót một chỗ nào. Một cảm giác mới, ấn tượng mới.
Cứ tíu ta tíu tít như vậy mà đường xa thành gần. Anh xe tiếc là các cô sẽ rẽ vào một quãng tỉnh lộ chứ không đi tiếp quốc lộ cùng anh. Thôi đành. Cảm giác mới mẻ lạ lùng thường ngắn ngủi. Nó không ở lại với ta lâu. Có thể vì vậy mà nó mới được gọi là mới mẻ. Anh chở các cô vào bến xe của tỉnh. Từ đấy các cô sẽ mua vé xe khách đi tiếp về quê.
Chia tay anh rồi, các cô mất biến vào giữa đám người xếp hàng rồng rắn dài cả cây số. Vẫn đang thời ngành giao thông vận tải lên ngôi. Xe ít xăng ít, mua được cái vé xe là như trúng số độc đắc. Phải quen anh lái xe. Phải quen cô bán vé. Phải quen chú điều vận bến xe. Phải quen cậu lái phụ. Phải quen anh nhân viên ở bến. Không quen được ai thì phải có tiền đưa cho cô phe vé, giá vé gấp rưỡi gấp đôi gấp ba. Cô phe vé ấy có quan hệ móc ngoặc với toàn bộ biên chế bến xe.
Đã có bao nhiêu người chỉ đi có một quãng đường bảy chục cây số thôi mà phải nằm lại vạ vật ở bến xe qua một đêm, sáng hôm sau mới xếp hàng lại từ đầu. Cái xe nhồi bốn chục khách, cô bán vé bán được mười bốn vé thì sập cửa treo biển: hết vé. Hai tiếng hết vé như tiếng sét giữa trời quang. Cái biển nhỏ tí như tấm gỗ tát vào mặt. Kinh hoàng. Cả trăm con người lại la ó kêu gào rồi lại van xin khóc lóc. Đi không đi được. Ở lại thì tiền chỉ đủ mua vé xe, không có tiền ăn. Có anh bộ đội về phép đành rời bến xe, đeo ba lô cuốc bộ năm chục cây số về nhà. Đi mãi rồi cũng phải về đến nơi, lại thêm tinh thần khí thế chiến binh vẫn chưa hết. Có người không phải là chiến binh đành dựa tường nhà chờ ngồi phệt xuống đất mà xỉu đi.
Anh vẫy tay chào hai cô công trường, định trèo lên buồng lái thì một bà già run rẩy đi đến. Chú bộ đội, bà lào phào gọi. Anh không còn là bộ đội, nhưng vẫn mặc cái áo pho tá màu lá cây. Chú bộ đội, già đói quá, già sắp chết rồi, già chờ từ chiều hôm qua đến giờ mà không mua được vé xe.
Bà già run lên bần bật. Cái mồm móm chỉ còn lại vài chiếc răng. Một bên khóe mắt hình như có một tí nước mắt hiếm hoi. Mắt già toét nhoèn dễ khóc. Nước mắt rỉ ra có khi cũng vì đói. Nước mắt rỉ ra cũng có khi vì suy kiệt.
Anh xe thường yếu đuối trước các bà già. Nhìn thấy một người đàn bà phúc hậu nói một câu đôn hậu là anh chạnh lòng nhớ đến mẹ. Nhìn thấy một bà già gầy gò nghèo khổ, anh cũng chạnh lòng nhớ đến mẹ. Mẹ anh không nghèo đói, nhưng mẹ anh cũng gầy. Cứ bà già nào gầy yếu đều gây ấn tượng là người mẹ. Cứ bà già nào khổ sở là làm anh nhớ đến mẹ. Chẳng hiểu sao anh lại có ấn tượng như thế. Và đó là chỗ yếu nhất trong lòng anh.
Anh đã bảo, xe cháu không chở khách bà ơi. Nhưng cũng bất chợt anh nhận ra rằng mình mà bỏ bà già lại đây, mình mà đi lúc này thì cái thân hình run rẩy kia sẽ không bao giờ buông tha, sẽ ám ảnh tâm trí anh suốt đời. Anh bèn dắt bà già sang phía cửa bên kia, nhấc bổng thân hình chỉ hơn ba chục cân cho bà bò vào buồng lái. Nào thì đi.
Bà già đi thăm một người con gái lấy chồng ở bên đông, cách thành phố năm chục cây số, bây giờ lại từ thành phố trở về bên đoài, cách thành phố sáu chục cây số nữa. Vị chi hai nơi cách nhau hơn trăm cây số. Từ chiều hôm qua đến giờ chưa có gì vào bụng. Con gái lấy chồng xa, con gái đẻ một đống con, nhà quê lại đang kỳ giáp hạt. Gạo thóc dự trữ từ vụ trước đã hết mà chưa đến kỳ gặt vụ sau. Cả nhà mỗi ngày ăn một bữa, bỏ mất bữa sáng bỏ mất bữa tối, ở quê gọi là đứt bữa. Mấy đứa cháu, đứa bỏ học, đứa cố đi học thì tựa lưng vào bàn sau mà xỉu dần, không thì gục mặt xuống bàn. Cô giáo phải lấy đường của cô hòa một cốc nước đường, cho mỗi đứa uống một thìa nhỏ, cho chúng tỉnh lại đủ sức đi về nhà.
Bà già kể chuyện mà bụng cứ sôi ùng ục. Sôi chán thì đánh rắm pành pạch. Không sao kìm giữ được. Hàng tràng như thế may mà không thối. Rắm kêu thì không thối đâu con ạ, bà cười móm mém. Anh xe nghĩ bụng có ăn gì vào bụng đâu mà thối được. Anh đưa cho bà cái bánh bột gạo tẻ nhân đỗ xanh chẳng có thịt thà gì. Bà bóc lớp lá bọc không khách khí, rồi nhay nhay cái bánh.
Bà già định nán lại giúp cho đám cháu đan cái rổ cái rá, mò con cua bắt con ốc. Nhưng phải về, bên đoài có đứa cháu gái hai ngày nữa đi xuất khẩu lao động. Nó đi chuyến này may ra cả nhà mới đổi đời. Có đứa con gái đi lấy chồng cách nhà chỉ mới trăm cây số đã thấy là xa, đi thăm đã khổ sở thế này. Bây giờ đứa cháu đi sang tận một đất nước xã hội chủ nghĩa, nó phải trèo lên một cái tàu bay bay trên giời, thế là coi như đi biệt xứ, biết bao giờ mới về được.
Bà già lại đánh rắm pành pạch. Có thứ tạm dằn bụng rồi mà bụng vẫn sôi vẫn đánh rắm. Lại vẫn may là không làm thối inh cái buồng lái lên. May nữa là quãng đường sáu chục cây số lồi lõm ổ gà đi chỉ mất ba tiếng đồng hồ. Đến đầu làng thì trời tối. Vào nhà già đi con, có gì ăn nấy, khoai sắn thì cũng là khoai sắn, không có con thì đêm nay già chết ở bến xe rồi. Nói thế là nói thật.
Gặp lại cô cháu gái, bà già lại nhắc lại câu ấy. Không có anh ấy đưa về thì đêm nay bà ngồi mà chết ở bến xe thôi cháu ơi. Thân già gần tám chục tuổi, không ăn không uống thì hai đêm ngồi chầu bến xe là đủ hóa. Chết cũng được. Nhẹ nợ. Nhưng mà chết đường chết chợ thì tủi cho mình, tủi cho con cho cháu.
Cô cháu gái của bà cỡ tuổi anh, hăm hai hăm ba gì đó. Cô mặc cái áo bò mới. Cái quần bò cũng mới. Đồ jean Lào, hình như nhập từ Thái qua Lào rồi mới sang ta. Thấy anh nhìn gái quê mặc bò cả cây, cô giải thích. Em mặc thử đấy anh ạ. Làng này ai mặc bò bê gì đâu. Thì ra người cô đâu có đầy đặn được đến thế. Cô đang mặc trên người ba cái áo phông Lào, ba cái áo bò Thái. Bên dưới thì chỉ được hai cái quần bò. Cô bảo định mặc ba cái nhưng nhồi mãi chưa được.
Tiêu chuẩn cho mỗi người đi lao động xuất khẩu chỉ được mang không quá năm cái quần bò, năm cái áo phông, năm đôi kính râm giọt lệ, năm đôi dép tông Thái. Một số thứ vân vân nữa hình như cũng năm. Cô nghe phổ biến vậy. Anh thoang thoáng nhớ hình như mỗi thứ được mang mười, nhưng chỉ tiêu xuống đến lính trơn thì chỉ còn năm. Nửa suất còn lại công nhân sẽ phải mang giúp cho đội trưởng đoàn trưởng là những người sẽ dắt họ đi. Dân đen ở đâu cũng phải làm cái thân bốc vác, bưng bê, gồng gánh cho các sếp.
Năm cái quy định thì cô có đủ rồi. Nhưng cô cũng như mọi cô mọi chàng khác, tranh thủ mang thêm được cái gì lãi cái ấy. Ba bộ quần áo bò mang sang bên ấy có thể đổi được một tủ lạnh Xa ra tốp. Năm cái áo phông ngang giá một cái phích đá hoặc cái nồi áp suất. Vài ba cặp kính râm đổi được cái bàn là. Tủ lạnh, phích đá, nồi áp suất, bàn là gửi được về nước là xây dựng cả một cơ nghiệp. Một gia sản cả nhà cô suốt đời mơ không thấy. Nó có thể biến một căn nhà tranh vách nứa thành một căn nhà xây mái bằng.
Anh nhìn cô xuất khẩu đi qua đi lại một lát thì hiểu mình phải đạo diễn cho cô. Cô có thể mặc năm cái áo phông bên trong. Năm cái áo bò khoác ngoài. Một cặp kính râm giọt lệ đeo trên mắt. Hai cặp kính nữa giắt vào túi áo ngực bên trong. Quần bò thì không mặc được năm. Ba thôi. Nhưng mặc ba cái quần dày cộp mà muốn đi lại linh hoạt thì phải tập. Bên trong cô mặc ba cái quần xi líp Thái Lan. Sau đó, nào, bắt đầu. Mặc cái quần bò thứ nhất, kéo khóa, xong. Mặc cái quần bò thứ hai, kéo khóa, xong. Mặc cái thứ ba. Cúi người xuống, luồn tay vào trong đùi, đẩy nhẹ từng nếp quần nhăn xuống phía dưới. Làm sao cho không có vết hằn vết nhăn nào cả. Một là che mắt hải quan sân bay. Hai là không hằn không nhăn thì mình cử động chân mới dễ dàng. Đang ngồi thì đứng lên được. Đang đứng thì ngồi xuống được. Có kẻ không biết mặc cho khéo, ngồi trên máy bay hơn mười tiếng đồng hồ, sang đến sân bay xứ người, hai chân tụ máu phù lên, phải khiêng đi cấp cứu.
Một hai. Một hai. Một hai. Anh hô, bắt cô vung tay đi đều bước theo kiểu lính tập đội ngũ. Phải nhấc được chân, phải vung được tay thì mới bảo đảm đi lại tự nhiên trước hải quan cửa khẩu, mới bảo đảm không tụ máu phù chân. Quan trọng là không bị hải quan nó trấn lột. Nó sẽ lột sạch, lột mất bốn cái áo bò, hai cái quần bò. Gặp phải thằng đểu, nó còn lôi vào phòng kín, nó đè ra lột thêm hai cái quần xi líp, chỉ để lại cho một cái mà mặc. Thằng đểu hơn thì nó lột nốt, xi líp cũng chẳng còn một cái.
Đúng ra anh chỉ định ngả cô xuống chiếu một lần rồi nửa đêm anh đi. Nhưng cô chủ động giữ anh lại đến sáng. Đời em sẽ không thể gặp được người nào đẹp hơn anh tốt hơn anh. Kể cả sang đến bên kia mà phải ngủ với Tây cũng thế. Em biết chắc đấy. Từ bé đến giờ làng này đều bảo em có linh. Em đi qua nhà ông chài lưới, em thấy có một con cá to cỡ vài ba chục cân giẫy đành đạch trong nhà. Em nói, ai cũng bảo em hoa mắt. Y như rằng ngày hôm sau ông ấy đánh được con cá như thế, cả huyện đổ về xem, có người trả cả mấy chỉ vàng.
Một lần khác cô gặp ở cổng nhà một ông chú đi bộ đội đã bảy năm, giải phóng ba năm rồi vẫn chưa thấy về. Cô chào chú mới về ạ, rồi chạy vào nhà thím bưởi mượn đôi quang gánh. Gọi là thím bưởi vì nhà có cái vườn mấy chục cây bưởi. Cô hỏi chú về đêm qua hay sao mà cả làng không ai biết. Thím bưởi mới bảo con này mê sảng hay sao, chú ấy mất tích bảy năm nay rồi. Ấy thế mà ba ngày sau chú bưởi khoác ba lô trở về.
Em có linh. Cô lặp lại như vậy. Cô muốn có con với anh. Sang bên ấy cô sẽ đẻ cô sẽ nuôi. Cô kéo dài thời gian bên nhau suốt một đêm cho chắc. Chuyến này cô đi không chỉ mang theo quần bò áo phông kính râm giọt lệ. Cô sẽ mang theo giọt máu của anh.
Anh định dẫn cô ra chỗ xe đỗ. Nhưng cô bảo cứ ở lại đây. Bà em ngủ rồi. Bà già nằm trên cái giường không ngáy không thở phều phào mà đánh rắm ầm ầm. Người già và trẻ con đánh rắm như một thứ xả bình hơi cho thông thoáng, già và trẻ thì còn biết ngượng ngùng gì. Ngủ rồi cũng chẳng biết ngượng ngùng gì. Hai người trải chiếu nằm trên nền nhà. Ban đầu anh bắt cô mặc đủ bằng ấy áo phông áo bò, phải tập cho quen mọi nơi mọi lúc. Kể cả lúc ôm ấp hôn hít vờn vã. Nhưng sau lần đầu, anh thay đổi ý định. Anh cởi hết ra cho cô. Lần lượt. Áo bò, một hai ba bốn năm. Áo phông, một hai ba bốn năm. Quần bò, một hai ba. Quần xi líp, một hai ba.
CHƯƠNG 2
Ông phải cầm lái trên suốt chặng đường còn lại. Đã gần đi hết miền Trung. Đã gần ra đến đất Bắc. Gã thoát hồn bỗng dưng biến mất. Không một lời xin phép hay nhắn gửi gì lại. Cả đoàn vào ăn tối trong một cái quán bên đường, lúc trở ra thì ông cứ thế ngồi vào ghế lái. Trước khi vào quán ông cũng đã lái cho nên bây giờ chỉ là lái tiếp. Ông tưởng gã đã chui xuống hàng ghế cuối và lăn ra ngủ. Lại khoanh tròn như một thân xác bỏ lại đấy khi cái hồn đã thoát lên bay lượn trên không trung.
Nhưng đến khi dừng lại để nghỉ đêm ở một thị trấn, ông biết rằng gã đã biến mất. Có thể gã đã xong việc của gã. Tiền trả lại cho ai thì đã trả xong. Trả xong rồi thì không còn chuyện gì để mà vừa lái vừa kể nữa. Không còn chuyện để kể, gã chỉ có thể lăn ra ngủ. Phải ngủ co quắp trên xe chỉ là chuyện cực chẳng đã. Bây giờ gã đã xuống và có thể ngủ duỗi chân duỗi tay trong một nhà nghỉ nào đó. Cũng có thể gã đã về đến nhà và cũng được ngủ duỗi chân duỗi tay.
Ngủ, gã như một kẻ thoát hồn. Biến, gã như một con ma. Đến rón rén. Ra đi nhẹ nhàng. Không dùng đến cái mà con người dùng rất nhiều, dùng thừa thãi, đấy là ngôn từ lời nói. Khởi thủy là lời. Chung cuộc cũng là lời. Giữa hai đầu ấy thì đầy những lời. Gã chọn cách ngủ thật nhiều để bớt lời.
Đến thị xã của cô xuất khẩu lao động, ông tìm ra được người xưa. Không nghĩ là dễ dàng đến thế. Kể cũng ba mươi sáu năm rồi, cô đi lao động tận bên Đông Âu, biết có quay về hay vẫn ở bên ấy. Nhưng hóa ra là cô đã quay về. Vẫn ở trên đúng mảnh đất ngày trước, chỉ khác ngôi nhà ngói gạch mộc bây giờ đã được xây lên kiên cố năm tầng. Cái làng của cô cũng không còn thuần là làng nữa. Đường làng đã bê tông hóa. Ao hồ lấp hết. Ruộng không còn là ruộng mà biến thành nhà. Vườn cây cũng biến mất. Đất không hề sinh sôi mà người cứ sinh sản như sâu bướm mùa xuân. Trong vài ba chục năm, một gia đình có mấy đứa con lớn lên lấy vợ lấy chồng, phải cắt vườn cắt đất cho chúng xây nhà. Một gia đình sinh ra bốn năm gia đình mới. Đất thành nhà thành chỗ ở, đâu còn đất vườn, đâu còn ao chuôm nữa. Cái làng lơ thơ cây cối, chia thành đường thành sá, cái làng không còn không khí làng quê mà dở tỉnh dở quê.
Nhà của cô trở thành một cửa hàng quần áo. Hàng Tàu rẻ tiền là chính. Thêm một ít hàng đắt tiền hơn của Quảng Châu Thượng Hải. Hàng may mặc Việt Nam chất lượng cao giá cũng cao hơn được bán chen lẫn. Cô bảo nhiều cửa hàng nó lấy đồ Tàu về, nó dán mác hàng Việt vào để bán đắt cho khách, nhưng em không làm thế được.
Cô, bây giờ phải gọi là bà mới đúng. Gần bốn chục năm, khó còn nét gì của cái cô khoác trên người năm cái áo bò, ba cái quần bò, năm cái áo phông, ba cái xi líp. Thoát được mắt hải quan cái nào là thêm nguồn sống cho gia đình cái ấy. Ông nhớ đêm ấy ông đã bắt cô ta ních đủ bằng ấy thứ chật cứng trên người mà tập đi duyệt đội ngũ trong nhà cho thuần thục. Một hai, một hai, một hai.
Bà bảo bà vẫn có linh. Hai ngày trước bà mơ có người quen cũ tìm về gặp lại. Nói ông đừng cười. Người ấy lột sạch quần áo trên người mấy con ma nơ canh đứng trước cửa hàng ra. Lột sạch chứ không phải mặc vào cho chúng nó. Tỉnh dậy, bà đoán già đoán non rằng người đến sẽ là một người khác chứ không đoán ra là ông.
Nói đến đấy bà nhìn ra cửa và tru tréo gọi cô giúp việc. Con này hay nhỉ, mày để thế kia mà trông được à. Thì ra con ma nơ canh chỉ mặc mỗi cái quần bò, còn nửa trên trần trụi, vú vê phô ra trắng nhợt. Cô giúp việc ỏn ẻn cười, ấy chết cháu quên, có người vừa mua cái áo, mà lại là cái áo cuối cùng. Cô ta nói rồi chạy vào nhà lấy một cái sơ mi ra khoác lên cho cái hình nhân. Sơ mi hồng đăng ten không hợp lắm với cái quần bò. Khoác tạm vậy.
Đúng đêm nay ở làng có phiên chợ đêm, mỗi năm chỉ có một lần. Chợ mua may bán rủi. Mua cái gì may cái ấy. Bán cái gì là xua bớt rủi ro đi cái ấy. Người mua được. Người bán cũng được. Chợ họp từ lúc nhọ mặt người cho đến sáng hôm sau, mặt người sáng ra nhìn thấy nhau rõ ràng rồi thì hết may hết rủi, ai đi đường nấy. Ai có đồ gì cũ trong nhà thì mang ra bán. Đồ cũ chứ không phải đồ cổ. Ai thấy cái gì hay hay thì dừng lại mà mua. Cũng chỉ là đồ cũ chứ không phải đồ cổ. Vài cái chén hạt mít giả cổ. Cái ấm tích sứt một miếng vòi. Một cái chậu nhôm cũ. Mấy thứ đồ gốm Bát Tràng giả cổ đã sử dụng ít năm. Có khi là cái dây xích chó, cái kiềng sắt đun củi. Trong nhà có đồ thừa đồ thải, thường ngày quẳng ra trước cửa cho người thu mua đồng nát thì bây giờ chợ đêm mang ra bán. Bán rủi mà. Cô có bán gì không. Có, em đem bán mấy thứ linh tinh, ra ngồi chợ đêm cho vui. Bác đi với em nhé.
Ông về đây là để tìm bà. Tất nhiên ông đi cùng bà ra chợ. Người khắp các vùng xung quanh đổ về chơi chợ. Cũng phải cả vạn người chứ không ít. Ngày thường gửi một cái xe máy ba nghìn, đêm nay bị chém ba chục nghìn. Ngày thường gửi một cái ô tô mười nghìn, đêm nay ba trăm nghìn. Cái xe ông gửi ngoài bãi đầu làng đúng thực là ba trăm nghìn.
Bà lao động xuất khẩu bày ra trên mặt cái chõng tre mấy thứ lặt vặt. Bình thường chắc chẳng ai đem bán những thứ như vậy. Ra bán để ngồi chơi, ra bán để chuyện trò với người đi qua đi lại. Bây giờ thì bà ngồi bán để nói chuyện với ông. Đám trai gái con cái đi cùng xe ông thì đã tan ra khắp chợ rồi. Hãy để cho họ đi chơi một đêm cho biết.
Ngày ấy, cô xuất khẩu sang đến xứ người được tám tháng thì đẻ. Một thằng cu. Tay đội trưởng người Việt cứ hầm hè từ lúc bụng cô to dần lên. Anh ta dọa đuổi cô về nước. Sang đây để đi làm chứ không phải ngồi nhà cho con bú. Anh ta dùng chữ bú. Sau này cô càng hiểu tại sao anh ta hay dùng chữ bú. Tay đội trưởng người Việt gầm gừ với cô, còn bà quản đốc phân xưởng người Tây thì bênh cô. Kệ cho nó đẻ. Nó đẻ ba tháng thì gửi con vào nhà trẻ rồi nó sẽ đi làm. Con bé này chăm chỉ, làm việc còn hơn khối cô lờ phờ trong đội.
Đang trong thời kỳ cô cho con bú, gã đội trưởng cứ mò đến tòm tem. Ký túc xá công nhân toàn giường hai tầng. Cô có con nhỏ, được cô bạn nhường cho ở tầng dưới. Gã đội trưởng chui vào giường cô, kéo cái màn gió che lại. Gã nghịch cái đầu vú ứ sữa của cô mà bảo gã cũng thèm sữa. Gã sống chủ yếu bằng sữa. Ở bên này gã ăn ít, thay vào đấy gã toàn ăn bơ và mua sữa bột sữa nước để uống. Nhưng không cái anh sữa nào bằng cái anh sữa tươi. Gã bảo thế và gã đớp lấy đầu vú cô bú chồm chộp. Ban đầu cô đẩy ra. Quyết liệt. Nhưng dần dần thấy chị em tầng trên chị em các giường xung quanh chẳng ai lên tiếng phản đối. Chẳng ai bênh mình. Quan ở xa, bản nha thì gần. Phép vua thua lệ làng. Bà quản đốc ở xa, bà có mặt ở ký túc xá đâu mà bênh vực cô. Gã đội trưởng mà điên lên, gã lên cơn, gã ra oai gã sẽ đuổi cô về nước. Đành để yên cho gã bú. Bú xong tồng tộc như lợn sục cám thì gã nằm đờ ra, mép gã còn dây sữa và đũng quần gã ướt sũng.
Gã có thể chui vào giường những cô khác để ngủ với các cô ấy. Nhưng riêng với cô, gã chỉ bú. Mỗi lần bú như thế gã cũng coi như một lần ngủ.
Một điều khác thường lại ở chính thằng con trai của cô. Nó đang quấy khóc, nhưng hễ gã đội trưởng chui vào bú vú cô là thằng bé ngủ luôn. Nó đang cười như nắc nẻ, gã đội trưởng mò vào kéo tấm màn gió để che là nó lại ngủ. Gã đội trưởng bú tranh phần sữa của nó là nó ngủ. Không nhìn. Có nhìn cũng không thấy. Không nghe. Nhắm mắt lại ngủ là không còn nghe thấy tiếng mút vú chòm chọp chồm chộp chèm chẹp. Nó ngủ tít. Ngủ li bì. Chỉ khi nào gã đội trưởng đã bỏ đi nó mới tỉnh dậy. Một mình gã đội trưởng bú bằng ba đứa trẻ con. Bú hết cả sữa của con người ta. May mà cô nhiều sữa.
Hết ba tháng nghỉ tiêu chuẩn chăm con, cô phải gửi con vào nhà trẻ xí nghiệp. Con vào đấy được uống sữa bò. Chiều tối đón con về thì con mới lại được bú mẹ. Trong giờ làm việc, sữa cô tức ứ. Định chạy vào nhà vệ sinh để vắt bớt sữa ra thì gã đội trưởng đã tia thấy. Gã đi theo cô vào nhà vệ sinh nữ. Gã đè dí cô vào tường cứ thế mà bú. Đủ cả hai bên vú. Giảm ứ sữa cho cả hai bên.
Hơn một năm, cô cai sữa cho con. Gã đội trưởng gầy xọp hẳn đi. Cứ như chính gã bị cai sữa. Gã không chuyển từ bú vú cô sang ngủ với cô. Gã đi ngủ với những cô khác. Đôi lúc cô băn khoăn, có phải gã chỉ thích sữa của cô, hay mỗi lần bú sữa gã coi như một lần đã ngủ với cô, chỉ thế là đủ. Và khi cô không còn sữa nữa thì gã cũng hết thèm muốn. Gã bỏ cô luôn.
Vài năm trước, gã đội trưởng có về đây chơi chợ. Cũng một đêm như thế này. Ông ta cũng muốn thử mua may bán rủi. Đêm nay ông ta sẽ thức và sẽ nhờ bà dẫn đi một vòng khắp chợ. Ông ta nói thế. Còn bà thì vừa nhìn thấy mặt ông ta, nhớ lại cái mồm cá ngão vều ra bú chồm chộp, bà đã thấy ghê. Bữa cơm chiều, ông ta uống rượu với con trai bà. Ông nhắc chuyện ngày trước thằng bé cứ hơi tí là lăn ra ngủ, hễ thấy ông đến là nó quay mặt đi, nhắm mắt ngủ luôn. Chẳng nhìn. Chẳng thèm nhìn. Chẳng bao giờ nó thức.
Thì bây giờ cháu vẫn ngủ. Con trai bà nói. Đời cháu lấy ngủ làm chính mà.
Sau khi bức tường ngăn hai phía đông tây sụp đổ, cô xuất khẩu thuộc đám được đền bù hợp đồng lao động, cô nhận một cục tiền, dắt thằng con gần mười tuổi về nước. Có tí dấn tí vốn xây được cái nhà, mở được cái cửa hàng, báo hiếu được cho bà nội vài năm thì bà mất. Thằng con ở bên Tây ngủ li bì, về đến ta cũng thoắt cái lại ngủ. Ngủ như một phản ứng thường xuyên trước mọi sự. Có hôm nó đi học về, ngang má có một lằn đỏ như con lươn. Bị thầy giáo đánh. Thầy giáo gọi lên bảng, kiểm tra vở bài tập về nhà, phát hiện ra nó chưa làm bài tập mà cứ đến lớp. Bất đồ thầy điên lên, thầy cầm cái thước kẻ quật ngang mặt nó. Thầy giáo thời xã hội chủ nghĩa mà đánh học sinh như vậy, trường biết thì thầy có thể bị kỷ luật. Nhưng tan học nó im lặng đi về nhà. Mẹ hỏi vết gì thế kia, đánh nhau với bạn à. Nó bảo thầy đánh. Vì sao thầy đánh. Con không làm bài tập. Đối đáp chủng chẳng xong, nó nằm lăn ra giường ngủ luôn. Ban đầu bà tưởng con nằm khóc. Một lúc mới nhớ ra, thằng này cứ có chuyện gì là ngủ. Buồn, ngủ. Vui, ngủ. Nhận giấy gọi nhập ngũ, để tờ giấy trên mặt bàn, ngủ. Mấy năm sau ra quân, nhận được giấy báo đỗ đại học, ngủ. Như người khác thì chạy đi báo tin vui cho bạn bè người thân, đây thì ngủ. Càng buồn càng ngủ. Ngủ dậy là mọi chuyện coi như xong.
Ông đội trưởng nhắc chuyện thằng bé ngày trước cứ ngủ. Ông cụng chén rượu với anh con trai. Anh bảo, cháu ngủ là chuyện thường xuyên, còn hôm nay đến lượt bác ngủ. Tớ ngủ sao được, đêm nay tớ phải thức để chơi cái chợ mỗi năm chỉ có một đêm. Anh con trai chỉ cười.
Thế mà anh làm cho ông ta ngủ thật. Xong bữa cơm chiều thì ông ta lăn ra chiếu. Anh kéo chân kéo tay cho ông duỗi ra thoải mái, phải thoải mái vì còn ngủ lâu.
Năm ngày liền, anh làm cho ông ta ngủ mê mệt, ngủ li bì, ngủ thối giường thối chiếu. Cho uống sữa bò pha thuốc ngủ. Thích uống sữa thì được uống sữa. Ngày trước uống sữa tươi thì bây giờ cũng uống sữa tươi. Ngày trước uống sữa người thì bây giờ uống sữa bò. Ngày trước uống sữa ma ze in đầu vú nhũ hoa thì bây giờ uống sữa ma ze in Ba Vì Mộc Châu. Uống xong là ông đội trưởng lăn đùng ra giường. Ngày ba lần, anh con trai dựng ông dậy, dẫn vào nhà vệ sinh, lê lết lả lướt mà vào, lúc quay ra lại được tống tiếp cốc sữa bò pha thuốc ngủ. Không cho ăn. Năm ngày chỉ uống sữa có chất thuốc mê. Trong bụng chẳng có gì mà đại tiện, chỉ có tiểu tiện là xong. Ai nhìn thấy cảnh ấy chắc sẽ tưởng là con trai chăm bố. Anh chàng kê đầu ông đội trưởng vào lòng mình, kề cốc sữa vào miệng ông, vừa giữ cho uống vừa ép uống. Uống bằng hết. Uống bằng sạch. Rồi mới thả cho đầu ông kê lên cái gối mà tiếp tục ngủ lịm đi.
Ngày cuối cùng ông tỉnh dậy. Chết thật, tớ ngủ quên, thế là mất chuyến đi chợ đêm rồi. Anh con trai bà bảo, chợ đêm tan được năm ngày rồi bác ạ. Ông ta tưởng anh đùa, cứ nhăn răng ra cười, sáng bạch thế này rồi để tớ ra xem có còn cái gì mua một cái lấy may. May lẫn rủi thì bác cũng phải đợi năm sau, ba trăm sáu lăm ngày trừ đi năm ngày, còn ba trăm sáu mươi ngày nữa, bác nhớ đấy.
Ông đội trưởng cuốn gói ra đi, hai năm rồi không dám quay trở lại. Chết tôi rồi. Ông còn mấy cái hợp đồng đã hẹn ký và đã nhỡ hẹn. Chết tôi rồi. Ông sẽ giải thích làm sao với mụ vợ La Sát ở nhà. Vừa đi như chạy ông vừa lẩm bẩm chết tôi rồi chết tôi rồi.
CHƯƠNG 3
Ông Kễnh có rất nhiều con từ những mối tình khác nhau, nhưng chỉ có một đứa con trai là con trong giá thú. Phần sau đây kể về đứa con trai du học tự túc sang châu Âu, nhưng đã bị trục xuất, phải lặng lẽ trở về Hà Nội, bí mật không cho bố mẹ biết. Gã gửi thư điện tử để phụ huynh tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cho gã ăn chơi (ĐBND).
Bố ạ, hôm nay con đưa ba sinh viên mới đi thực tập, thầy trưởng khoa giao cho con đưa đi. Thời gian trôi nhanh thật, mới hôm nào con nhập học sinh viên năm thứ nhất mà nay đã kết thúc năm thứ hai, lại được nhà trường tin cậy giao phó dẫn ba em sinh viên mới đi tìm hiểu thực tế fact finding. Một ngày khá mệt nhưng mà cũng vui. Con đưa chúng nó trả về ký túc xá rồi vừa mới về và ăn tối lúc mười giờ bốn lăm.
Bố nhớ gửi tiền cho con.
Chuyện đi thực tế bên trời Âu nhưng vẫn chỉ ngồi ở Hà Nội mà viết mà kể. Còn biết ngồi đâu khác. Sau một vài ngày vào mạng kiểm tra xem tiền đã chuyển vào tài khoản chưa. Thường là không chậm. Ông Kễnh khá chu đáo trong việc chuyển tiền cho quý tử. Không hẳn là chu đáo, ông làm như một việc mặc nhiên phải làm, như là nó đã được mã hóa, được lập trình hóa, khi nào có một cái lệnh, send chẳng hạn, thế là ông bấm con trỏ vào đấy, sending. Gửi. Tiền gửi đi. Ngay lập tức. Không hẳn là chu đáo. Cha con nhiều khi đối với nhau như khách. Thật là xã giao, thật là lịch sự, thật là kín nhẽ. Chỉ có điều thằng con khi nổi cơn xin tiền thì trở nên thảo mai, tán tỉnh nhăng cuội thêm vài câu, làm thân, cầu lợi, cầu tài. Có tiền rồi thì nó lặn luôn mấy tháng cho đến khi lại nổi cơn xin tiền.
Thời gian đầu bố gửi tiền cho con qua đường dây chuyển tiền. Ông trao mười lăm nghìn đô cho một người ở Hà Nội buổi sáng. Buổi trưa đã có người ở đầu đường dây bên châu Âu mang tiền đến trao tận tay quý tử. Không gửi iurô mà gửi đô. Được gần một năm như vậy, quý tử đề nghị từ nay quý tử sẽ lập tài khoản bên ấy rồi từ Hà Nội ông Kễnh chỉ việc chuyển tiền qua ngân hàng. Hà Nội, bố gửi tiền cho con, không phải ra ngân hàng, chỉ việc ngồi tại nhà dùng máy tính mà gửi tiền trực tuyến. Bên Âu, con nhận tiền bố gửi, không phải ra ngân hàng, chỉ việc ngồi tại nhà dùng máy tính mà kiểm tra tiền đã rót vào tài khoản hay chưa.
Ông Kễnh thích cách chuyển tiền qua đường dây hơn. Cách ấy không ai kiểm chứng được mỗi quý mỗi năm ông gửi cho quý tử bao nhiêu tiền. Cái thằng dai huyền dài ấy tiêu tiền hơi bị nhiêu huyền nhiều. Gửi trực tuyến vào tài khoản, ông phải chia nhỏ mỗi khoản tiền, có khi phải gửi từ những tài khoản mới lập thêm, tránh bị mang tiếng là gửi nhiều hơn mười nghìn đô mỗi lần. Yên lành thì không sao, đến lúc không yên lành sẽ có kẻ tìm cách lấy được số liệu tài chính chu cấp cho quý tử, sử dụng số liệu ấy làm vũ khí để chống ta. Tiêu diệt ta. Chính trường là chiến trường. Chứng từ là vũ khí. Víp cốp là chiến sĩ. Nhưng ở trời Âu quý tử không chịu hiểu cho ông. Quý tử nằng nặc đòi chuyển tiền vào tài khoản. Lúc ấy với nó hai cách chuyển tiền không khác gì nhiều. Nhưng bây giờ bị tống về Hà Nội thì nhận tiền qua tài khoản là một lợi thế. Chẳng nhẽ đầu đường dây chuyển tiền Hà Nội nhận tiền của ông Kễnh xong thì phi thẳng đến nhà quý tử trao tiền. Nhận ở Hồ Tây rồi phóng xe xuống chợ Mơ để trả. Lộ hết. Quý tử lại đang muốn giấu danh tính giấu địa điểm. Giấu hết.
Chuyện đi thực tế fact finding không hẳn là chú chàng bịa. Ngồi viết thư, chú bất chợt nhớ ra cái chuyến đi nhớ đời ở thành phố bên ấy. Chẳng có trường có khoa nào giao nhiệm vụ cho chú. Cũng chẳng phải là ba em sinh viên mới. Chỉ có ông chủ đường dây đưa người từ Việt Nam sang nhập cư bất hợp pháp. Đấy là người giao nhiệm vụ. Chỉ có ba chú lính mới theo đường dây sang được đến bên này, chờ đi tiếp sang nước thứ ba. Đấy là ba gã mà chú chàng viết trong thư là ba sinh viên được chú dẫn đi thực tế.
Ba thằng này nó mới sang, chưa quen thung thổ, còn đang ú ớ Việt gian, mày đưa chúng nó đi chơi phố một ngày cho thư giãn. Ông chủ đường dây ngồi trong quán cà phê chỉ nói thế. Bàn giao luôn. Ba chú nhà quê lơ láo còn chưa giũ hết bùn đất đồng chua nước mặn. Ba chú quê đâu đó trong miền Trung, thổ âm thổ ngữ nồng nặc, không có phiên dịch có khi chú chàng chỉ hiểu được sáu mươi phần trăm. Ga ni ga mô ri bầy tui nỏ biết chi. Ô ô i i mới nghe tưởng tiếng Nhật. Mi ra ri là bởi số phận mi nỏ phải cha mạ mi. A a i i nghe một lúc lại tưởng tiếng Ý. Một thằng thấy chú chàng ngẩn mặt tò te thì nó biết ngay là phải phiên dịch. Thằng kia nó hỏi ga này là ga nào mà chúng tôi chẳng biết gì. Lại dịch tiếp. Thằng này nó bảo mày ra nông nỗi này là bởi số phận mày chứ không phải bởi cha mẹ mày. Rạch ròi chưa, quy kết trách nhiệm cụ thể chứ không nhập nhằng nhầm lẫn.
Nào thì số phận. Số của ba gã là số xuất ngoại. Chú chàng dẫn ba gã đi chơi một ngày, coi như giúp ông chủ kia. Ông ta có quán thực phẩm Việt ẩm thực Việt, nhập từ trong nước sang mắm tôm, nước mắm cốt nhỉ, các loại gia vị thịt kho Tàu, phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Sài Gòn cho đến bánh phồng tôm, rau dưa sả ớt rau răm húng Láng. Giúp ông, không lấy tiền công vì thỉnh thoảng ông vẫn để dành cho chú đôi ba thứ thực phẩm hiếm có mới nhập sang. Có đi có lại như vậy cũng quá bằng tiền công. Công làm tour guide hướng dẫn viên du lịch cho ba gã trai ngơ ngáo mới sang.
Chú chàng chở ba gã lên khu trung tâm. Đứng trên bờ cảng Round Quay mà ngắm cái cầu sắt bắc ngang vịnh. Đang giờ cho tàu thuyền đi qua, cái cầu sắt tự tách ra làm đôi, nâng dần lên như chĩa súng lên trời. Tàu thuyền cứ thế mà đi qua bên dưới, không bị vướng cầu. Mấy chiếc du thuyền buồm trắng thong dong lướt qua cùng với tàu sắt xuồng máy. Hai nửa cầu sắt cứ thế mà chĩa thẳng lên trời. Mấy chú xuýt xoa, đời mi nỏ biết chi cho tới hôm ni. Phiên dịch. Cho đến hôm nay đời mày chẳng biết gì. Hóa ra một trong ba gã lại trở thành thông ngôn cho chú chàng.
Thôi thì người này hướng dẫn cho người kia, người này phiên dịch cho người kia, cứ thế mà đổi ngôi cho nhau. Chú chàng dẫn ba gã vào công viên trung tâm Central Park. Rậm rạp sồi cổ thụ, phong cổ thụ, du cổ thụ, trắc bá cổ thụ. Bốn loại cây lâu năm đồ sộ đặc trưng của xứ này. Oak, maple, elm, cypress. Công viên diện tích gần bằng một quận. Trong ấy có đủ khu vui chơi giải trí cho trẻ em, đánh bài cá cược cho người lớn. Một cái hồ nước tung tăng bơi lội thiên nga trắng và và vịt uyên ương và ngỗng Canada. Đời mi nỏ biết chi cho tới hôm ni.
Một chú lặp lại câu than thân. Chú kể ở quê chú trong làng vắng hết con trai rồi. Trai làng xưa nay đều mơ ước thoát ly, đi khỏi đồng ruộng để thoát cái nghèo. Ngày trước thoát ly là được đi làm bộ đội công nhân, có lương có chế độ cấp phát lương thực thực phẩm. Ngày nay thoát ly là đi tận sang trời Tây, làm thuê làm mướn. Có đường dây. Một bà từ tận Hà Nội vô, nhận bao thầu cho cả làng. Mỗi đầu người nộp hai chục nghìn đô. Giết người hay sao mà có hai chục nghìn đô. Anh ơi thì vay mượn cầm cố cái đất cái nhà mình đang ở. Mà điều kiện của bà này cũng nhân đạo. Không phải nộp tiền trước. Viết biên nhận giao sổ đỏ để làm tin. Xong xuôi đăng ký tên vào đoàn đi du lịch. Khi nào sang được đến điểm cuối, Đức Pháp Anh Ý Tây Ban Nha gì đó thì báo về nhà, khi ấy ở nhà mới giao nộp hai chục nghìn đô cho bà thầu. Rứa là bà ni nhân đạo. Bà ni nỏ lừa lọc chi mô.
Trong làng đã vắng hết đàn ông như đã kể. Nhà nào cao, xây ba bốn tầng thậm chí năm tầng, là nhà có người đã sang được đến nơi. Đi làm thuê một năm rưỡi gỡ lại được hai chục nghìn tiền vốn. Những năm sau thêm năm nào là lãi năm ấy. Tiền chuyển về thành nhà cao tầng, mua đất, mở khách sạn nhà nghỉ quán kinh doanh đồ ăn đồ nhậu trò chơi điện tử, nuôi cha mẹ nuôi vợ con. Tiền chuyển về cũng thành xe máy xế hộp vi vu hút hít nằm bẹp, nhưng ở làng của các gã số hút hít không nhiều. Đứa nào đi thoát là cả nhà đứa ấy đổi đời.
Chú dẫn ba gã đi qua trung tâm giải trí. Bắn súng. Ném vòng vào cổ vịt. Đu quay. Tàu cao tốc dốc ngược. Ghế rơi. Đùng đùng bùm bùm chan chát vùn vụt. Ba gã không chơi trò nào mà cứ lân la đến gần chú bảo vệ giơ chân giơ tay ra hiệu. Làm quen làm thân. Chắc là thế. Một lát, chú bảo vệ nhún vai xin lỗi ba ông khách không mua vé không chơi mà cứ làm mất thời gian. Chú bỏ ra chỗ soát vé lên ghế rơi. Người chơi ngồi lên một cái ghế tập thể, thắt dây an toàn chéo qua người. Cái máy như thang máy nâng họ lên cao theo phương thẳng đứng, ngang tầm một cái nhà ba tầng, rồi thình lình nó rơi đánh đùng một cái, rơi xuống như một cái búa máy, như một cái lưỡi máy chém. Trò chơi cảm giác mạnh.
Ba gã lè lưỡi thất thểu đi tiếp. Qua khu đánh bài cá cược, ba gã lại xúm quanh một chú bảo vệ, lại hoa chân múa tay làm quen. Chú chàng bắt đầu cảm thấy có gì đấy không bình thường. Chú bảo, không vào chơi thì đừng làm phiền nó, nó chỉ là thằng bảo vệ soát vé, nói chuyện với chúng mày nó sẽ bị chủ nó mắng.
CHƯƠNG 4
Đi. Một gã hỏi cảnh sát bên này quân phục như thế nào. Chú bảo lúc nào gặp cảnh sát, chú sẽ chỉ cho biết. Gã hỏi hai thằng lúc nãy mặc quân phục đeo cầu vai mà lại không phải cảnh sát hay sao. Chú cười, cảnh sát gì chúng nó, mấy thằng bảo vệ khu vui chơi. Cười xong thì nghi. Sao ba thằng này gặp kẻ chúng tưởng là cảnh sát mà lại xông đến bắt chuyện giơ chân giơ tay làm hiệu. Tình cảnh chúng nó, đúng ra thấy cảnh sát từ xa là phải lẩn cho nhanh. Chúng không kịp lẩn cho nhanh thì chú có trách nhiệm phải lôi chúng đi trước khi gặp sự cố. Đời nào chú để cho chúng tiếp xúc cảnh sát.
Cầu được ước thấy. Vừa mới mong gặp cảnh sát thì xuất hiện ngay hai chú cảnh sát đi tuần trong công viên. Mũ chào mào theo kiểu vệ binh cổ. Cầu vai hẳn hoi. Súng ngắn bên hông hẳn hoi. Ngồi trên ngựa hẳn hoi. Không thể nhầm với bọn bảo vệ hãm tài. Hơi tiếc, lúc ấy cả bốn người lại đang lượn trong mê cung bách thảo. Những hàng giậu xén tỉa thẳng tắp cao quá đầu người, bài trí theo kiểu ô vuông bàn cờ ô chữ nhật ô bát giác. Dích dắc. Đi loăng quăng trong mê cung hàng giậu có khi tìm được đường ra cũng khó.
Đúng lúc ba gã nhìn thấy hai cảnh sát ngồi trên ngựa lướt qua bên ngoài mê cung. Đúng hơn là nửa thân hình của họ nhô cao hơn hàng giậu mê cung. Vó ngựa lóc cóc trên con đường đá cổ. Ông ơi, một gã gọi bằng tiếng Việt, gọi như ngạt hơi. Nhanh quá, đột ngột quá, gã không kịp sửa giọng chuẩn bị. Tiếng gọi ngàn ngạt đối với hai cảnh sát trên ngựa chỉ như tiếng một con chó ăng ẳng quanh chân chủ hoặc như tiếng ngàn ngạt của một đôi trai gái nào đó chùn chụt bên trong mấy hàng giậu. Họ cứ lướt tới. Gã vừa gọi lao theo ra nhưng mê cung chắn ngang không biết lối nào ra. Hai gã kia điên cuồng lao theo, nhưng cũng đâm sầm ngay vào hàng giậu chằng chịt cây lá, như đâm vào bụi rậm. Chúng vùng ngay dậy, hung hãn tìm đường chạy ra.
Đến lúc này chú chàng mới hiểu. Ba gã này chỉ muốn chặn đường cảnh sát để nói một điều gì đó. Không biết nói thì chúng sẽ ra hiệu. Chú đấm vào mặt thằng lên tiếng gọi cảnh sát khiến nó ngã ngửa vào hàng giậu bùng nhùng cành lá. Hai thằng kia vội tản sang bên chùng chân xuống thế thủ. Chú quát, chúng mày muốn gặp cảnh sát thì tao cho gặp. Đi, tao dẫn đi, đến thẳng đồn luôn. Cảnh sát nó chẳng còng ngay lại rồi đánh đập tra tấn đến chết.
Lâu lâu sau thì bình tĩnh lại. Cả bốn người. Chú dẫn ba gã vào quán ăn Ý, cũng đến giờ ăn trưa rồi. Gọi món ăn cho chúng. Thằng ăn bánh pizza thằng ăn mì sợi pasta. Đời chúng chưa bao giờ biết đến ẩm thực Ý kiểu này, lại trong tình cảnh này. Chú rút cái khăn giấy đưa cho thằng bị chú đấm vào mặt. Mũi nó vẫn ri rỉ máu. Thằng ấy vừa lau mũi vừa lau nước mắt. Anh cứ để cho cảnh sát bắt chúng em đi. Chính nó là thằng phiên dịch cho nên lúc này nó nói giọng phổ thông. Đời chúng em chưa bao giờ nhục như thế này. Nhục như chó.
Ba gã ở trong một nhóm chín thằng rời làng ra đi. Chúng nhập với mười ba thằng ở tỉnh khác thành một nhóm du lịch. Hộ chiếu thị thực đã được bà thầu lo đầy đủ. Chúng bay sang đây, lộ trình là sẽ từ đây đi tiếp sang Đức. Từ đây chúng không được đi máy bay không được đi tàu hỏa. Đường bộ. Một nhóm du lịch có xe ca chở lên biên giới. Gần đến biên giới thì đổi sang xe thùng chở bò hay gia súc nào đó. Trong xe vẫn còn mùi phân gia súc hay là mùi thịt bò thịt lợn ướp lạnh gì đó. Thành xe dầy kín như bọc thép. Hai mươi hai thằng bị nhồi vào cùng hai chục thằng nữa trong một cái thùng xe chỉ vừa chỗ cho ba chục người. Đè lên chân lên tay nhau, ép lên ngực lên bụng lên mặt nhau. Mặt thằng này dí vào đít thằng kia. Ban đầu là nhức mỏi, rồi đau đớn, rồi mất cảm giác, chỉ còn tê bại, rồi hoàn toàn cảm thấy chỉ còn lại mỗi cái đầu, chỉ còn biết mang máng, chỉ còn mắt mở nhập nhèm. Không còn cảm giác gì của thân thể và tứ chi. Gã phiên dịch chỉ còn cảm thấy thằng bạn cùng làng bị đè dúi mũi vào cổ gã, như dúi đầu vào đống cát để mà ngạt thở trong ấy. Gã biết thằng bạn không còn thở nữa. Gã hét lên có người chết rồi. Lái xe chẳng nghe thấy. Chết rồi. Lũ người chồng đống xung quanh muốn hét lên cùng gã mà đều đã ngạt thở mê man. Mãi cho đến gần biên giới, xe dừng trên một đỉnh đèo vắng tanh vắng ngắt, mãi đến lúc ấy lái xe mới dừng cho cái thùng xe mở ra. Một luồng sinh khí từ bên ngoài ập vào. Lũ người lả đi bây giờ mới tỉnh lại. Bây giờ mới nhận ra chúng đang ngập trong tử khí. Bây giờ mới nhận ra mùi người chết mà trong cơn mê man chúng đã không ngửi thấy. Thằng cùng làng đã chết được một ngày, cứt đái đùn ra trong quần, dịch tử thi rỉ ra từ chín lỗ trên người.
Lái xe và tay nhà thầu ngoại quốc ra hiệu cho mấy thằng tự bò ra được. Chúng lẩy bẩy khiêng xác thằng cùng làng ra khỏi xe, đặt lên mặt đường. Gã phiên dịch lồm cồm bò bên xác thằng bạn muốn khóc mà không khóc nổi. Gã xé cái áo lót, một mảnh làm khăn lau mặt cho người chết được sạch ít nhất là cái mặt. Gã xé nhỏ phần áo còn lại, vo viên mấy miếng vải như cục bông, nhét vào lỗ mũi lỗ tai cho dịch tử thi khỏi rỉ ra nữa. Sau đó gã mới chấp nhận cho mấy thằng kia nhấc cái xác lên. Hai thằng xách hai cẳng chân, hai thằng xách hai cánh tay. Cả bốn thằng đều yếu, tay run chân run. Chúng khiêng cái xác đến bên bờ vực, lăng qua lăng lại mấy cái như đánh võng rồi lẳng cái xác xuống vực. Nó phải rơi ra xa đề phòng chó hay cảnh sát phát hiện ra kéo lên trở lại.
Gần biên giới hơn thì cả bọn được chia làm ba nhóm. Hai nhóm rời xe xuống trước, được người đường dây dắt xuyên rừng vượt qua biên giới. Chẳng biết hai nhóm ấy có đi thoát hay không. Ba gã thuộc nhóm ngồi lại trong xe, đi thêm đoạn nữa thì lái xe và nhà thầu cảm thấy có điều không ổn. Thay đổi kế hoạch. Quay trở lại, chạy ngược trở lại thành phố. Để yên yên rồi sẽ tìm cách vượt biên sau. Chờ cho yên tưởng là nhanh mà cũng gần bốn tháng rồi. Ba gã bị nhốt dưới tầng hầm quán thực phẩm. Nằm giữa đống thực phẩm bốc mùi. Gần bốn tháng không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Chỉ có một ngọn đèn đỏ đòng đọc vừa đủ nhìn thấy cái bô để mà bò đến ị vào đấy. Vừa đủ nhìn thấy suất cơm người ta bê xuống cho, đặt trên một cái thùng gỗ chứa những chai nước mắm khắm lặm. Ba gã xin với chủ quán cho chúng lên hầu ông dọn dẹp quét tước lau rửa quán hàng. Không được. Lộ ra chúng ở đây thì chủ quán đi tù, không thì cũng bị trục xuất. Chúng van xin, chúng khóc lóc, chúng nguyền rủa, chúng tuyệt thực. Một ngày ông chủ quán động lòng. Trong cơn quẫn trí nghĩ mãi không ra cách giải quyết, ông nảy ra ý cho chúng ra ngoài một ngày để giảm xì trét căng thẳng. Ông liều. Ông bảo là chúng sẽ được đi du lịch. Ông rất liều. Sẽ có một anh bạn đưa chúng đi thăm thành phố. Nhớ là phải đàng hoàng, nhất cử nhất động phải nghe lời anh bạn hướng dẫn.
Chúng được một chuyến tham quan thành phố. Nhưng đi được một lúc thì chúng đã nhất trí với nhau phải để cho cảnh sát bắt. Cảnh sát bắt, tống giam rồi trục xuất về nước vẫn còn hơn quay lại cái tầng hầm ngạt thở kia, còn hơn lại đi một chuyến nữa lên biên giới rồi chết thối ra trong cái thùng xe kia, còn hơn cái xác bị đánh lăng xuống vách đá kia khiến cha mẹ vợ con không bao giờ thấy xác.
Anh cứ để cho cảnh sát bắt chúng em đi. Em lạy anh, anh đưa chúng em đến trước đồn cảnh sát, anh bỏ chúng em lại đấy, chúng em sẽ tự đi vào, không làm liên lụy đến anh.
Ba gã già nẫu, chắc phải hơn chú gần chục tuổi mà cứ sướt mướt lạy chú, gọi chú bằng anh. Chú chàng đã hơi động lòng, ừ, hay là làm thế cũng được. Chỉ cho chúng cái đồn cảnh sát rồi phóng xe đi.
Nhưng rồi chú giở giọng đe nẹt. Ngu lắm, cảnh sát bên này nó ác lắm, bắt được là nó tra tấn đến chết mới thôi. Có biết thế nào là tàu bay tàu lặn không. Chú miêu tả mấy cách tra tấn. Tàu bay là nó cho nằm lên một tấm ván như mặt cái ghế băng, rồi treo lên lơ lửng giữa nhà, cứ thế nó đẩy cho lao bắn vào tường bên này rồi bật trở lại đâm sầm vào tường bên kia. Cứ bay qua bay lại như thế mà nát người. Còn có biết thế nào là tàu ngầm không. Nó buộc dây quanh hai cổ chân, rút dây lên cao, treo ngược người lên, chân ở trên, đầu chúc xuống dưới, gần chạm một cái thùng phuy đầy nước. Tàu bắt đầu lặn. Nó hạ dây xuống cho cả cái đầu nhúng vào thùng nước. Ít nhất một phút, đủ cho ngạt thở sặc sụa nhưng chưa chết, nó lại rút dây lên. Cứ thế nâng lên nhúng xuống. Chỉ cần nó tính nhầm, một phút thành hai phút là ngập úng một đời trai.
Thực ra chú đang miêu tả cuộc tra tấn của lão chủ trại cần sa. Chú chưa gặp lão bao giờ dù đã đi tưới cây trong trại của lão. Chú biết chuyện khi vụ việc vỡ lở, báo chí đăng lên, miêu tả tỉ mỉ các trò tra tấn của lão. Hai kẻ làm thuê cho lão mang cần sa đi giao cho khách hàng, lên phía bắc thành phố thì bị cướp. Một toán cướp châu Á. Hai đứa bị cướp không dám trốn mà quay về báo lại với ông chủ. Họ hy vọng sự thành khẩn sẽ khiến ông chủ nương nhẹ. Nhẹ à, giá trị số hàng bị mất gần năm chục nghìn đô la chứ không nhẹ. Lão chủ nghi bọn này nói dối để giấu số hàng. Lão bèn cho chúng đi tàu bay tàu lặn. Đúng như báo đã viết, lão cũng đã quá tay, khiến một thằng chết trong lúc đi tàu ngầm. Đám đàn em lão mang cái xác đi thủ tiêu thì bị bắt. Từ đó mà trại trồng cần sa mới bị phát hiện. Anh bạn họa sĩ hôm ấy lớ ngớ đến tưới cây thì bị bắt. May cho chú, hôm ấy không phải phiên, chú thoát.
Bây giờ chú chàng kể lại cho ba gã nghe. Chỉ đổi lại chủ thể tra tấn, từ lão chủ trại cần sa đổi thành cảnh sát. Bây giờ chú đem ra dọa lại ba gã. Cảnh sát mà bắt được thì nó cho đi tàu bay tàu lặn rồi chết mất xác.
Kể xong, chú rút khăn giấy đưa thêm cho ba gã sụt sịt. Rồi chú gọi cà phê cho ba gã uống. Sang đến đây rồi, thì cũng phải biết cà phê xứ này nó ngon ngọt thế nào. Mọi chuyện của ngày mai thì để ngày mai. Tính sau.

14/7/2017
Hồ Anh Thái
Nguồn: Rút từ bản in của NXB Trẻ, 8.2014
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...