Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Bùi Cửu Trường - Người đàn bà làm thơ và chơi thơ lạ

Bùi Cửu Trường - Người đàn bà
làm thơ và chơi thơ lạ

Bùi Cửu Trường/ Hạt Cát Diệu Sinh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn chương. Dòng họ chị với nhiều đời, nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nền văn học nước nhà. Cha chị là nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn. Chính thừa hưởng từ cái gen di truyền của dòng họ và từ chính người cha của mình nên tố chất văn chương trong con người Bùi Cửu Trường thể hiện ngay từ bé. Tưởng rằng chị sẽ đi theo con đường thơ phú nhưng khi tốt nghiệp phổ thông, Bùi Cửu Trường lại chọn ngành y và theo nghiệp binh cho đến khi nghỉ hưu.
Nhà thơ Bùi Cửu Trường 
Điều lạ và đặc biệt ở Bùi Cửu Trường là yêu thơ và đến với thơ từ nhỏ nhưng về già (nghỉ hưu) mới lại làm thơ. Làm thơ như chơi và xem đó là một thú chơi tao nhã của đời mình sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm, cống hiến trí lực cho đất nước. Làm thơ, chơi thơ trên blog và facebook, rồi bạn bè tập hợp in 2 tập: Thơ Hạt Cát 1 và Thơ Hạt Cát 2.
Trong khoảng thời gian từ khi nghỉ hưu đến nay chị đã làm đến mấy ngàn bài thơ. Ngày nào chị cũng viết, viết bất cứ lúc nào, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, cứ thích là viết. Chị cho hay: “Hình như có một cõi nào đó mách bảo và rỉ vào tai, tôi chỉ có việc chép chép ghi ghi. Do vậy khi đọc lại, có những bài tôi không nghĩ là mình viết. Nhiều câu chữ lạ được ra đời trong những lúc “lên đồng” như thế”.
Vì vậy, khi đọc thơ Hạt Cát, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên nhận định rằng: “Mấy mươi năm cống hiến cho nghề thuốc, nghiệp binh, ngoại lục tuần, chị mới chạm cái mênh mông của cõi ảo internet, những tưởng chỉ để khuây khỏa tuổi hoàng hôn. Nào ngờ, cứ sau mỗi bình minh lại thấy một vài bài thơ xuất hiện trên trang blog Hạt Cát của chị. Chỉ sau 24 tháng, chị đã viết hơn một ngàn bài thơ trên blog của mình. Đọc những bài thơ ấy, khiến tôi ngạc nhiên bởi sự lấp lánh của ngôn ngữ, sự độc đáo của ý tưởng… Đọc Hạt Cát tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: Phải chăng, để có hai bốn tháng viết được hơn ngàn bài thơ đầy ám ảnh kia, là năng lượng từ một cõi siêu nhiên nào đó đã tích tụ trong chị suốt mấy chục năm qua? Hay cái duyên thơ từ trời xanh đã nhập vào đời chị sau tuổi lục tuần? Thơ của Diệu Sinh Bùi Cửu Trường – Sợi chỉ căng ngang giữa đời và đạo”.
Trong một lần gặp chị gần đây tại Hà Nội, tôi mới hiểu rõ hơn con người đời thường và con người thơ của Bùi Cửu Trường. Chị yêu thơ, chơi thơ, làm thơ mê đắm. Điều đáng trân trọng là chị xem đó chỉ là cuộc chơi, cuộc chơi vô tư, không toan tính, không mưu cầu danh lợi. Chị ý thức được sâu sắc số phận mình, con người mình, thời mình đã và đang sống nên có cách “ứng phó” riêng: Tôi khư khư giữ bóng tôi/ Mà chông chênh vẫn suốt đời chông chênh.
Đọc thơ chị, đúng như chị nói: “Tôi không cố ý làm thơ mà thơ nó tự tuôn ra trong đầu như có một sự lập trình sẵn, tôi chỉ việc chép chép ghi ghi và tôi gọi đó là Nhật ký thơ”. Nhật ký thơ của chị chính là nhật ký của những trang đời, mà ở đó có đủ các cung bậc, sắc thái: tốt – xấu, trắng – đen, vui – buồn, được – mất, hạnh phúc – khổ đau…
Hạt Cát là người phụ nữ đã đi qua những tháng năm đau thương của dân tộc, chứng kiến những thăng trầm của đất nước. Cuộc đời chị được tôi luyện trong môi trường quân đội, có những tháng năm học tập ở nước ngoài và công tác trong ngành y đã tạo nên cốt cách của một con người khuôn phép, mẫu mực, đức độ, nhân ái và bao dung.
Viết về đề tài gì, chủ đề gì thơ Hạt Cát cũng đằm thắm, hồn hậu. Thơ chị thể hiện rõ tính cách, con người, cuộc đời của chị. Đó là tiếng lòng đầy ưu tư, trăn trở, nỗi niềm đau đáu, nằng nặng nhớ thương.
Với khát vọng sống thực với chính mình, Hạt Cát Diệu Sinh luôn ý thức và tự tìm cho mình thế giới riêng. Thế giới ấy, chính là cuộc hành trình để chị tìm về với chính mình và để hiểu mình, hiểu người hơn.
Khôn ngoan em cũng thể đàn bà
Đàn bà chân tơ, đàn bà kẻ tóc
Đàn bà giòn cười, đàn bà tươi khóc
Một vùng đào liễu non xanh…

Đàn bà em
Nồng nàn khao khát
Gió xoắn mây
Nghẹt.
Đàn bà em
(Đàn bà em)
Hạt Cát Diệu Sinh tự thức được rằng, dù gì thì người đàn bà vẫn chịu nhiều thua thiệt, người đàn bà phải mang trên mình nhiều thiên chức và nỗi đau. Có những nỗi đau không gọi được thành tên nhưng luôn ám ảnh và giày vò họ suốt cả cuộc đời.
Nửa mùa đông hắt hiu/ Nửa mùa đông cô quạnh/ Ngọn lửa nhen hồng màn đêm xám bạc/ Chị loay hoay che bốn phía heo may/ Ủ tình yêu nồng thắm trái tim gầy…
Đêm ngày/ Tình yêu héo khô rớt kẻ tay/ Lịm tắt uột èo mặt đất!/ Nén tiếng thở dài chôn tình yêu đã chết/ bóng đổ đêm xiêu…
(Chuyện của chị)
Tình yêu của người đàn bà có tiếng nấc nghẹn, cô độc, buồn tủi, hoang hoải, những giọt nước mắt vọng lại từ nỗi đau còn đeo bám và cả những tiếc nuối xa xôi  tưởng đã ngủ yên.
Kỷ vật là chiếc áo bạc màu trong rương mà người người chị trong bài thơ Chiếc áo bạc màu cũng sẽ lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người đọc. Mối tình đẹp của đôi trai gái thuở 17, 18 tuổi. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh người thanh niên ấy phải ra trận với lời hứa “Em ơi! Đợi anh về…”. Nhưng đâu phải mọi thứ diễn ra như mình nghĩ, để rồi người con gái ấy (chị) phải ôm trọn một nỗi sầu đau: Bốn mươi năm!/ Người đi./ Không về./ Vâng./ Người ấy không về!/ Con phố ồn ào giờ lặng ngắt./ Đến rồi đi/ những người lạ mặt/ không có trong ký ức/ không vương mùi hoa sữa mùa thu.
Vâng, người con gái ấy (chị) vẫn chung thủy đợi anh: Mùa thu đến rồi đi/ Mùa xuân cũng đến rồi đi/ Mùa hạ, mùa đông cũng thế./ Chị âm thầm/ dõi về hướng cũ/ nơi tiếng tàu điện khuya rung nỗi nhớ/ bốn mươi năm!
Đọc bài thơ Chuyện bây giờ mới kể, Hạt Cát viết tặng một người bạn và người con sinh vào mùa đông năm ấy mới thấy được nỗi đau thấu cả ruột gan của người đàn bà với những mất mát và tổn thương không gì bù đắp được. Mòn mỏi chờ chồng, trông ngóng chồng sau ngày đất nước giải phóng nhưng kết cục họ là người đàn bà bất hạnh cùng với những đứa con côi.
Bên cạnh những nỗi đau riêng, nỗi đau đời tư là những nỗi đau, sự nhức nhối đối với nhiều người, nhiều gia đình, thậm chí là cả một cộng đồng dân tộc. Nhà thơ canh cánh nỗi lo:
Điện xăng… lại dọa sẽ tăng/ Giá cơm gạo cũng lần lần đội lên?

Dòng đời càng chảy càng to/ Trăm nguồn vạn nhánh biết là về đâu?
Liệu ai sẽ bắc nhịp cầu/ Liệu ai rút sợi tìm đầu mai nay?/ Liệu khi cờ đã đến tay/ Có lo vơ vét cho đầy túi tham?
Bạc vàng mua tán dâng tàn/ Đồng tiền cứa nát tâm can con người!/ Bòng bong càng quấn càng dai/ Bốn bề lá dứa cành gai bít bùng!!!
(Bòng bong)
Nỗi khát khao tìm kiếm chính mình, lý giải cho cái chung của tất cả mọi người và cho những hoài nghi của chính mình đã thôi thúc chị đi tìm câu trả lời. Nhưng rồi rốt cuộc vẫn còn rất nhiều những câu hỏi không thể giải đáp. Chính vì thế Hạt Cát Diệu Sinh có lúc rơi vào trạng thái hoang mang, hoài nghi và bất lực.
Ngổn ngang. Lòng rối tơ vò
Dòng sông chín khúc ai dò nông sâu?
Nhấp nhô khấp khểnh nhịp cầu
Gập ghềnh chân bước tìm đâu lối về?
(Ngổn ngang)
Chẳng biết là không hay có?/ mà như là khói là mây/ Chẳng biết là hư hay thực?/ mà như là tỉnh là say./ Đâu rồi?/ Bóng chim, tăm cá? Đâu rồi?/ Một thoáng mây bay?/ Vó câu lướt ngoài cửa sổ/ Vèo trôi cả tháng lẫn ngày
Hư Vô, rồi Hư Vô cả/ Xin đừng giận gió, hờn mây.
(Chẳng biết…)
Có đôi lúc, chị thấy cuộc đời như vô nghĩa, chị nghĩ: Nhàu nát như dưa chắc khá hơn/ Chẳng buồn, chả giận cũng không hờn./ Nghểnh đầu: hun hút mây thăm thẳm/ Cúi mặt: mênh mang sóng dập dồn/ Nghe dế nỉ non đêm khắc khoải/ Lắng sương tí tách dạ bồn chồn/ Hoang vu bốn phía nghiêng mưa lạnh/ Lủi thủi một mình lệch dốc trơn (Vô nghĩa).
Tập thơ Hạt Cát 2 của nhà thơ Bùi Cửu Trường 
Những vần thơ đầy suy tư, chiêm nghiệm về con người, cuộc đời, về thế thái nhân tình là những vần thơ lắng đọng, để lại trong lòng người đọc những dư ba. Ngay giữa quê hương nhưng Hạt Cát Diệu Sinh nhận ra mình đã trở thành kẻ “lưu vong”.
Ngay giữa quê mình/ Người dân quên ngôn từ thường nhật/ Bà mẹ trẻ ru con khi rú gào, khi nghẹn nấc/ Tiếng Anh giả cầy lắc ngực ngoáy mông./ Em gái em trai như choi choi/ nhún cẳng co chân/ lộn phèo tứ chi như cua càng phơi nắng./ Đàn ông, đàn bà áo phông đen trắng/ quần te tua hình siêu nhân nhe nanh./ Khoe mỏng dầy thấp thoáng/ Quần không ống/ áo không dây/ gió lộng bay bốn bề ngực lưng láng bóng
Ánh đèn ma trơi/ Nhạc Rock xập xình/ người lắc lư/ không khí vụn tơi./ Chát chúa âm thanh/ rờn rợn.
Đồng quê cánh cò gãy vụn/ Tiên tổ nép mình dưới gạch đá sáng choang…/ Âm – dương xoay tròn/ Ngũ hành loáng nhoáng/ Tám hướng linh hồn người xưa mệt nhoài ảm đạm/ He hé mắt nhìn…/ Bốn bề bon chen/ Tám phương chật chội./ Ao chuôm ruộng vườn nhấp nhô nhà nhà đỏ chói/ Cỏ ngút ngàn…/ bao dự án bỏ hoang!
Tai họa lan tràn/ Tai họa đến từ rộm vàng trái cây xứ lạ/ Tai họa bám vào ngọn rau, con cá/ Tai họa ập bất ngờ từ vài lời bâng quơ…/ không rõ từ đâu/ Tai họa ẩn mình trong mong manh hoa lá sắc màu…/ Từ đời thật, và cả từ mạng ảo!/ Ai cũng có cơ hội bị lừa và trở thành lừa đảo!
Sống chết mặc bay!…/ Có hôm nay hãy cứ biết hôm nay/ Vét nốt chốn cuối cùng/ Tử tế!
Gần xa…/ Câu ví ngàn xưa là thế./ “Chong chóng bốn chiều/ Thò lò sáu mặt…”/ Trước? Sau?!/
Sát phạt, dọa dẫm nhau…/ Chỉ có đồng tiền là tối cao uy lực!/ Đồng tiền nối liền dặc dài khúc ruột/ Đồng tiền bán mua quan tước/ Đồng tiền lạnh tanh/ Ngạo nghễ/ Cười!/ Đồng tiền cười
Tiếng cười rợn người/ Tiếng cười ùng oàng bom đạn/ Tiếng cười băm núi rừng nát vụn/ Tiếng cười cạn bể lấp sông/ Tiếng cười đồng tiền vùi dập lương tâm…/ Tiếng cười ma quái/ Ngác ngơ bải hoải./ Sợ…/ Sợ triền miên/ Ngõ dọc, đường ngang/ Đồng quê… ven lộ/ Sợ…/ Ám ảnh bao nỗi sợ…
Và/ Tôi thành “lưu vong” ngay giữa quê mình!
Bài thơ như một thước phim quay chậm toàn cảnh cái xã hội thời chị đang sống. Một xã hội mà ở đó tồn tại bao nghịch lý, oái ăm. Những giá trị truyền thống bị đảo lộn, bao thói hư tật xấu, bao bất công, ngang trái đầy rẫy. Đồng tiền trở thành ma lực yêu quái, đồng tiền bán chức mua quan, đồng tiền tối cao uy lực, đồng tiền cũng đã làm tha hóa đảo điên, vùi dập lương tâm không biết bao người…
Thời gian trong thơ Hạt Cát Diệu Sinh là thời gian của tâm trạng và cảm xúc, không chỉ diễn ra trong hiện tại, hướng về tương lai mà chị còn nghĩ suy nhiều về quá khứ. Quá khứ với bao buồn, vui, đau đáu những nỗi niềm trắc ẩn. Tràn ngập trong thơ Hạt Cát đó là những nỗi nhớ: nhớ những người đồng chí, đồng đội của mình, nhớ bạn bè, người thân. Đặc biệt là viết về những người lính trong những năm tháng gian lao, vất vả ở chiến trường. Những đồng chí, đồng đội của chị nhiều người đã ra đi vĩnh viễn, để lại nỗi tiếc thương và nỗi đau khó lành đối với những người còn sống. Hạt Cát Diệu Sinh cảm nhận rất rõ những mất mát và tổn thương trong quá khứ.
Đọc bài thơ Gửi đồng đội là tử sĩ, người đọc không khỏi nhói lòng và rưng rưng xúc động. Cuộc chiến tranh vệ quốc đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người trên dải đất cong cong như hình chữ S này. Những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, bao đợi chờ, tang thương cứ dày lên theo năm tháng. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhiều bà mẹ cạn khô nước mắt, nhiều người vợ ngơ dại chờ chồng, nhớ mong trong vô vọng. Cũng là cái chết ở chiến trường nhưng có người là tử sĩ, có người là liệt sĩ. Để rồi có lúc chị lại tự vấn bằng những lời nghe ai oán, não ruột làm sao. Đọc từng câu trong bài là từng ấy những ray rứt, cắn xé, cấu véo tâm can người đọc.
Tháng bảy./ Tháng bảy nào cũng thế!/ Nỗi tiếc thương sông bể trào dâng/ Âm – Dương xa cách muôn trùng/ Khói nhang nát cõi hư không dâng Người.
Hồn tử sĩ không nơi nương tựa/ Sốt rét run người tứa mồ hôi/ Đói no rau suối, sắn đồi/ Mỗi cơn nóng – lạnh vài người ra đi.
Người ốm lả chôn người đã mất/ Nước mắt khô, ai khóc được đây?/ Hôm nay… ừ… có hôm nay/ Mai này… Liệu có mai này… mà mong?
Đến khổ thơ thứ 5, đọc lên nghe nghẹn nơi cổ họng, khóe mắt cay cay, bởi: Cúi đầu trước ai không liệt sĩ/ Trước bao người không sổ “ghi công”/ Những người không phải anh hùng/ Chết nơi chiến trận hồn không nơi về!
Bài thơ Gửi anh cũng là bài thơ cảm động, chị viết về một người bạn cùng tuổi, anh đi bộ đội khi chưa đầy 18, rồi hy sinh ở tuổi 20 bên bờ sông Thạch Hãn.
Chiều định mệnh bên bờ Thạch Hãn/ Thư thì về, mà anh lại không!/ Kỷ niệm xưa như cát lắng đáy sông/ Trầm tích thương đau nghẹn lại.
Cứ mỗi năm lịch sang trang tháng bảy/ Là mỗi lần bỏng cháy bóng hình ai./ Vẫn tấm áo xưa xéo miếng vá vai/ Nguyên vẹn đường kim em vụng dại.
Một tâm hồn nồng nàn, một trái tim giàu cảm xúc nên chị có những vần thơ viết về Mẹ hết sức chân thành, cảm động. Một người Mẹ đã suốt đời hi sinh cho đàn con, chăm lo nuôi dạy, bảo bộc cho đến khi con khôn lớn nên người.
Mẹ kìa!…/ Áo nâu, quần xoắn./ Nắng hè cháy vai/ Đêm đông lạnh buốt canh dài/ Giông mưa táp rũ sắn khoai ngoài vườn/ Chân gầy mòn cả con đường/ Tảo tần Mẹ gánh gió sương một mình./ Quản chi lên thác, xuống ghềnh/ Phần cho con hết tươi xanh cuộc đời.
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã ăn sâu trong huyết mạch chị. Để rồi mỗi khi nhắc về Mẹ, nghĩ về Mẹ chị cảm thấy da diết nhớ thương, vui buồn lẫn lộn, tiếc nuối vì mẹ giờ đã về với cỏ xanh mây trắng.
Bao ngày…
Mẹ đã xa rồi
Mẹ đi trống cả đất trời quanh con
(Về quê tối với Mẹ)
Dẫu biết rằng quy luật tuần hóa của tạo hóa, con người sinh ra, lớn lên, già cỗi rồi cũng sẽ đi về thế giới bên kia. Bởi sinh tử là lẽ thường tình nhưng ngày giao thừa không Mẹ, Hạt Cát Diệu Sinh cảm thấy cuộc đời vô nghĩa.
Biết cuộc đời có đến có đi
Biết con người có sinh có tử
Mẹ xa rồi tất cả thành vô nghĩa
Trống vắng giao thừa…
Trống vắng Tết mình con!

Mâm cỗ giao thừa
Gió lạnh cuốn quanh
Nhang nến bập bùng ánh lửa.
Tết đến rồi, Mẹ ạ!
Cuối năm đêm… Mình con
Sân thượng
Rét tứ bề!
(Giao thừa không mẹ)
Mẹ không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa, Hạt Cát Diệu Sinh càng cảm thấy cô đơn, trống vắng, nỗi buồn lúc nào cũng bủa vây. Cả đất trời, mây nước cũng trở nên chơi vơi, hiu hắt, lạnh lùng.
Trời Hồ Tây không sợi nắng/ Đường xưa mẹ thích dạo chơi/ Bây giờ… tịnh không bóng mẹ/ Tây Hồ mây nước chơi vơi!

Mẹ ạ./ Con không trẻ nữa/ mà như đứa trẻ lên ba!/ Từ khi mẹ về xa vắng/ bơ vơ… như kẻ không nhà!
Vô thường… kiếp người là vậy/ Cuộc đời bỗng thấy rỗng không/ Thanh minh quỳ bên mộ mẹ/ Nuốt khan nước mắt vào lòng!/ Bạc tiền con không thiết nữa/ Đói no con cũng chẳng màng./ Không mẹ… thảy thành vô nghĩa/ Cuộc đời như cuộn khói lam./ Sắc sắc – không không trống rỗng./ Có chăng? – Một cõi Niết Bàn!
(Chiều Hồ Tây nhớ mẹ)
Những vần thơ viết về Anh – người yêu – người tình cũng thấm đẫm chất trữ tình. Đó có thể là những lời trách móc, hờn giận, nhớ thương, nuối tiếc về những điều bất thành… nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng vị tha của người đàn bà biết sẻ chia, thông cảm, hiểu người, hiểu mình. Tất cả những gì thua thiệt “Em” đều nhận về mình: Giấu kín nỗi buồn vào sâu nỗi đau/ Em cứ ngỡ trái tim thôi rỉ máu/ Thời thiếu nữ ngây thơ mộng ảo/ Dại khờ em xé rách chính mình (Vu vơ đầu tháng tư (2)).
Cứ ngỡ rằng… Em chẳng nhớ Anh/ Như xưa nay vẫn thế/ Trời không thề non, đất không hẹn bể/ Mà sao ruột gan như xát muối quặn đau! (Cứ ngỡ rằng).
Về đi anh/ Năm tháng dần qua/ Không còn nữa những gì xưa cũ/ Tóc em bạc bay thờ ơ ngọn gió/ Trái tim chiều len lén nỗi buốt đau (Về đi anh).
Hạt Cát Diệu Sinh còn dành những tình cảm đặc biệt đối với những mảnh đời kém may mắn, những số phận nghèo khổ. Có thể đó là hình ảnh của đứa bé ăn xin trên chợ Thái Hà, người đàn bà nhặt rác, người đàn ông nghèo ôm đàn hát nghêu bên Tây Hồ…
Những hình ảnh đối lập và sự xem thường của người đời đối với những phận người bé mọn làm cho chị đắng lòng. Chợ Thái Hà người chen đông đặc/ Lôi thôi vài túm rau trên tay các bà già/ Ô tô cắn đuôi nhau chậm chậm bò qua/ Giày cao gót bít bùng bịt mặt./ Tết hàn thực/ Bánh trái ê hề, la liệt/ Bán bán mua mua./ Hai đứa bé ăn xin/ Nước bọt nhểu ra/ Hau hau nhìn trắng phau mẹt bánh./ Người ta xua chúng như xua tà…/ Người ta tránh chúng như tránh dịch.
Miệng tôi đắng ngắt/ Đổi mấy nghìn cho nụ cười lem luốc ăn xin/ Nhe răng sún cám ơn/ bàn tay lấm khư khư đĩa bánh!
Tôi ngẩn người giữa phố đông tê lạnh…
(Đứa bé ăn xin)
Bà cụ nhặt thứ mà người ta vất đi/ những mẩu sắt cong queo vạy vọ/ những mảnh giấy nát nhầu/ những vỏ lon méo mó/ Ném ra/ từ bàn tay trắng ngần móng đỏ/ từ bàn tay múp míp lấp lóe vàng/ từ cửa xe sáng choang/ từ đỏng đảnh đôi giày ngất nghểu/ từ hở hang yểu điệu/ từ no đủ phởn phơ/ từ những ngôi nhà/ Cụ mong một lần được đến… trong mơ!
Là người phụ nữ từng trải, có nhiều vốn sống, vốn văn hóa lại có tâm hồn nhạy cảm nên Hạt Cát Diệu Sinh nắm bắt rất tinh tế những biến động, va đập của đời sống vào trong tác phẩm của mình. Vì lẽ đó mà thơ chị tạo được sự đồng cảm cho người đọc.
Người đọc dễ nhận thấy trong thơ Hạt Cát tần số sử dụng câu hỏi tu từ, dấu chấm cảm, dấu ba chấm và biện pháp ẩn dụ dày đặc. Khảo sát trong trong 312 bài thơ (ở 2 tập thơ Hạt Cát 1 và Hạt Cát 2) có đến 862 lần sử dụng dấu ba chấm (…), 622 lần sử dụng dấu chấm cảm (!), 317 lần sử dụng dấu chấm hỏi (?). Đó cũng là thế mạnh để tạo nên những điểm nhấn, gây sự chú ý và tạo nên sự ám ảnh đối với người đọc.
Thơ với chị là cuộc chơi, một cuộc chơi lý tưởng, tao nhã, giúp cân bằng và bù đắp những thiếu hụt về mặt tinh thần trong những năm tháng tuổi xế chiều. Thơ Hạt Cát Diệu Sinh là tiếng nói đa dạng với nhiều nội dung phong phú. Cái tôi khát vọng mãnh liệt với những suy tư trăn trở trước cuộc sống và tình yêu. Đọc thơ Hạt Cát, nhà thơ Lý Phương Liên cho rằng: “Mình làm thơ đã dễ, Cát làm thơ càng dễ hơn. Hai đứa đều như thấy cái gì, thích cái gì viết ra cái đó, viết không kịp nghĩ và đôi khi thực chẳng biết viết những dòng đó ý nghĩa gì, mục đích gì. Cái đó các ông nhà thơ gọi là ngẫu hứng? Còn mình cho là thú chơi thơ, chẳng biết Cát có nghĩ thế? Chỉ có điều mình chơi thơ trong không gian hẹp hơn, Cát chơi thơ trong không gian rộng hơn”.
Thơ Hạt Cát Diệu Sinh “làm chơi” nhưng phải đọc thật, đọc thơ chị người đọc mới thấy đó là những trang đời. Và vì “làm chơi”, làm theo xúc cảm nên đôi lúc có những câu chữ chưa được đẽo gọt kỹ, có khi lặp lại. Cũng vì làm thơ chơi nên chị lại quá ôm đồm ở nhiều thể loại thơ. Nếu chị chú tâm và làm kỹ lưỡng ở 1, 2 thể loại thơ thì chắc chắn thơ chị sẽ có sức sống.
Thơ Hạt Cát Diệu Sinh là tiếng thơ của một người phụ nữ từng trải, thơ chị chính là tiếng lòng, sự trăn trở, nghĩ suy về con người, cuộc đời, thời cuộc. Cuộc sống hiện đại vốn đa diện, đa chiều qua cái nhìn của chị nó hiện lên bức tranh đời với nhiều nhức nhối, đa đoan. Đọc thơ Hạt Cát, người đọc như đang đắm mình trong bức tranh đời sống hiện thực. Hiện thực đã và đang diễn ra trong thơ và trong cả cõi đời thực bên ngoài.
Thơ chị như lớp trầm tích được tích tụ và dồn nén trong thời gian dài, nay mới có điều kiện “khai quật”, phát xuất. Điều đó phần nào cắt nghĩa, lý giải vì sao thơ Hạt Cát viết có lúc như có một đấng siêu nhiên nào trợ giúp. Thơ tuôn chảy không ngừng nghỉ, giống như mạch nước ngầm cứ âm ỉ, miệt mài và bền bỉ chảy. Chảy trong tiềm thức và cả trong cõi người, cõi đời thực. Điều lạ là có những từ ngữ hay được chị dùng nhưng chính chị khi đọc lại cũng cảm thấy ngỡ ngàng, không hiểu vì sao mình nghĩ ra những từ như vậy để mà sử dụng. Hạt Cát Diệu Sinh kể: “Có lúc cha tôi (Cụ Bùi Hạnh Cẩn) đọc cũng phải ngạc nhiên và hỏi tôi: sao con tìm đâu những từ hay và viết tài tình đến vậy”.
Hạt Cát là người viết âm thầm và lặng lẽ. Chị làm thơ không phải để đăng báo, không để in và quảng bá, hay để đánh bóng tên tuổi mình. Làm thơ với chị như một nhu cầu tự thân. Chị cần mẫn, chăm chỉ như con ong tìm hương hoa về làm đầy tổ mật; chị viết, chị đọc, tập hợp và in cẩn thận để tặng bàn bè. Phải chăng đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của chị ở tuổi xế chiều?. 
30/4/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...