Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Thơ lục bát của Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi

Thơ lục bát của
Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi

Chưa đầy sáu tháng, Ngô Hồ Anh Khôi, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Văn chương – sinh viên xuất sắc và yêu văn nghệ đang du học tại thành phố Tours – nước Pháp, đã ấn hành 4 tác phẩm: Thơ Thiền đời Lý, Đối đáp và Xướng họa thơ Đường, Hương sắc bốn phương và lần này là Lục bát ký sự. Tất cả tác phẩm văn chương của Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi do Nguyễn Thanh hiệu đính và biên tập trước khi xuất bản.
Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi 
Sau những cuốn sách đầu tay mang tính biên dịch, với tinh thần sáng tạo và lòng yêu thi ca mãnh liệt, lần này Ngô Hồ Anh Khôi, đã mạnh dạn đi vào con đường sáng tác thơ lục bát. Cầm bút gieo vần đã khó. Sử dụng thể lục bát để làm thơ lại không tránh khỏi thử thách, gian nan. Bởi thể loại thơ Sáu – Tám dễ làm nhưng rất khó làm hay.
Lục bát vốn là thể thơ luật rất quen thuộc, được coi là thuần túy Việt Nam đã có từ lâu nhưng không rõ phát xuất từ thời đại nào. Nhiều câu ca dao hoặc đồng dao trong văn học dân gian mang nội dung sâu sắc và có giá trị nghệ thuật được phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp quần chúng: Bầu ơi! thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn hay Ngó lên nhan tắt đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu. 
Nhiều thi phẩm nổi tiếng trong văn học Việt Nam được sáng tác theo thể sáu – tám: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Bích câu kỳ ngộ (Khuyết danh), Đại Nam Quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái) … Trên thi đàn hiện đại cũng không thiếu những nhà thơ sở hữu được những câu, những bài thơ hay làm theo thể loại sáu tám: Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy…
Thể thơ sáu – tám chủ yếu sáng tác bằng chữ Nôm ở thời Trung đại và chữ Quốc ngữ thời hiện đại từ khi Việt Nam có cơ hội giao lưu với văn hóa phương Tây. Do qui tắc tương đối không gò bó như các thể thơ khác, cụ thể là thơ Đường luật, lục bát được dùng để soạn thảo các văn bản thông tin, tuyên truyền tôn giáo, đạo lý nhờ có vần điệu dễ đọc, dễ nhớ…
Với Ngô Hồ Anh Khôi, Lục bát ký sự là sáng tác đầu tay bằng văn vần của một sinh viên mới bắt đầu hành trình vào con đường văn chương nhưng có những thành công nghệ thuật đáng khích lệ.
Hầu hết những bài lục bát của Anh Khôi khơi nguồn từ cảm xúc tinh tế nhạy bén của tác giả sau khi nghe được một bản nhạc tâm đắc, hay trong những lần thù tạc văn chương, xướng họa thơ ca cùng các bạn văn chương “đồng khí đồng thanh” nơi đất khách. Do vậy, lục bát Anh Khôi nói lên được phần nào tình cảm, tâm tư và cá tính của tác giả, một chàng thanh niên cực kỳ hiếu học mà vẫn đam mê tha thiết với văn học nghệ thuật nước nhà.
Tập thơ Lục bát ký sự 
Minh họa những xúc cảm thi tứ của nội dung tác phẩm gần sáu mươi bài thơ được tuyển chọn ra từ mấy trăm bài, tác giả đã sử dụng khá nhuần nhuyễn, vững vàng vần luật của thể thơ sáu tám. Ký sự là ghi lại sự việc đời thường gần gũi với cuộc sống của sinh viên qua thi hứng bất chợt nên ngôn ngữ không nắn nót tỉa gọt một cách cầu kỳ, gượng ép. Điều này, bạn đọc dễ nhận ra từ các bài tác giả ngẫu hứng sáng tác sau khi thưởng thức một bản nhạc Việt Nam (từ bài 3 đến bài 14). Lục bát ký sự đã có được những câu thơ khá hay để diễn tả cho những ý rất thơ và lạ: Chia đôi thao thức xa khơi/ Chia đau thương cả cho đời ấm tay (Nghe “Chuyện hợp tan”) hay “Gởi anh tha thiết phương trời/ Lặng câm em đốt trên đời hôm nay” (Nghe “Dường như ta đã” hay “Anh về trời kẻo mưa mau/ Không em, trời đổ mưa ngâu một mình” (Nghe “Em về kẻo trời mưa”)… Đây là những câu thơ mang giai điệu mơ hồ, giăng giăng như màn sương sớm và những ca từ chọn lọc, lắng sâu, lãng đãng như bóng mây chiều…
Sắc thơ của Anh Khôi trong Lục bát ký sự còn đậm tính nhạc qua các nhan đề dí dỏm, ngây thơ một cách trẻ trung ở nhiều bài thơ: Mùa yêu, Ghét, Bắt đền I, II và III, Thôi chào người nhé người ơi!, Ôm gấu bông. Những chấm phá trong – bức tranh phi vật thể bằng ngôn từ của Anh Khôi là những vệt màu mạnh đậm tính thời sự ở các tựa bài: Thở ra hít vào, Nơi này nơi kia, Ác hiền… “Mùa yêu” là từ dùng đắc giá của tác giả rất đáng trân trọng.
Cõi thơ của Lục bát ký sự đích thực là một Vườn Thơ được minh họa rõ nét hồn cốt sáng trong lành mạnh của một con người yêu văn nghệ và quê hương. Tuy nhiên, trong vườn thơ của Anh Khôi, bên cạnh những hoa tươi cỏ đẹp, ắt cũng có xen lẫn đôi chùm cỏ dại trái mùa như trong bức tranh phong cảnh của một họa sĩ. Do vậy, đôi chỗ ta vẫn bắt gặp cách dùng từ của tác giả còn dễ dãi ngôn ngữ, tu từ sử dụng sát sao luật thơ lục bát.
Văn chương tự nghìn xưa là một thế giới thực hư mênh mông vô bờ bến. Lĩnh vực thi ca trong đó vốn là một không gian tư tưởng, nghệ thuật đặc thù vạn trạng muôn hình. Nàng Thơ đến với chúng ta qua chân dung một người đẹp siêu thực, với đường nét vô cùng phức tạp và ngôn ngữ đa dạng luôn luôn được cập nhật theo từng sat-na thời gian. Có nhà thơ coi tứ thơ hay đến với thi sĩ như một tia chớp bất ngờ, lời thơ được coi như là thứ ngôn ngữ từ trên trời mặc khải cho tác giả có được trong trạng thái tâm hồn đồng bóng (être en extase) (Vũ Đức Sao Biển)! Từ đó việc đánh giá thơ hay, dở thường mang tính chủ quan, phiến diện tùy theo lăng kính cảm nhận rất riêng của mỗi người. Nghĩ như vậy, bạn đọc của Lục bát ký sự của Ngô Hồ Anh Khôi sẽ thông cảm và bao dung với tác giả, một hồn thơ rất trẻ trung, còn có cả một con đường thơ rộng thênh thang phía trước.
Chú thích:
* Ngô Hồ Anh Khôi:  Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Pháp, dạy học tại Cần Thơ
** Thơ Thiền đời Lý, NXB Hội Nhà văn – 2013, Cần Thơ
Đối đáp và Xướng họa thơ Đường, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2013, Cần Thơ
Hương sắc bốn phương, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2013, Cần Thơ
Lục bát ký sự, NXB Hội Nhà văn – 2014, Cần Thơ.
15/5/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...