Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Ngọc Tình với Chạm khắc sông Vàm

Ngọc Tình với Chạm khắc sông Vàm

Thơ Ngọc Tình thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng. Chị làm thơ một cách tự nhiên, đó như là sự trải lòng. Tất cả những khía cạnh tâm hồn được phơi bày, thổ lộ ra hết theo dòng suy nghĩ của nhà thơ. 
Nhà thơ Ngọc Tình
Chạm khắc sông Vàm là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Ngọc Tình. Tập thơ có sự chín chắn và chắt lọc hơn so với 4 tập thơ trước (Hoa cau (2015), Nắng trao mùa (2017), Nghiêng bậc của đêm (2017), Đợi mùa (2018)). Đó là kết quả của sự lao động miệt mài, nghiêm túc, cẩn trọng của một người đàn làm thơ và yêu thơ “thuần khiết” ở vào tuổi xế chiều của cuộc đời. Chị lặng lẽ viết như để thỏa nỗi đam mê và xem nó như là nơi đáng “tin cậy” nhất để mình giải bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình quanh những buồn vui thế sự. Chỉ trong vòng 5 năm, Ngọc Tình đã in được 5 tập thơ thì đó là điều rất đáng được ghi nhận. Đọc thơ chị, càng về sau càng thấy rõ những bứt phá và già dặn trong cách thể hiện; sức viết ngày càng sung mãn và tạo được dấu ấn riêng đối với người đọc.
Chạm khắc sông Vàm gồm 63 bài thơ, là 63 điệu khúc về tình yêu và sự sống. Ở đó thể hiện một hồn thơ chân thật mà mới mẻ; gần gũi, giản gị nhưng sâu lắng; rất mực chân thành mà giàu sức gợi nên dễ đi vào lòng người đọc. Mỗi câu, chữ trong thơ Ngọc Tình là cả những tình cảm được nhà thơ “ký gửi” vào đó. Vốn là một người nhạy cảm, tinh tế và giàu lòng trắc ẩn nên những gì xảy ra đều để lại trong lòng nhà thơ những dấu ấn khó phai mờ. Một cơn gió, một giọt nắng, một ngọn cỏ, một chiếc lá, một cánh chim, một ánh trăng… cũng làm cho chị xao động tâm hồn.
Với chị, mọi thứ trong cuộc sống này đều rất quan trọng cần phải quan tâm và có trách nhiệm với nó. Đặc biệt là tình yêu – thứ tình cảm thiêng liêng mà mỗi chúng ta cần phải nâng niu, gìn giữ, đắp bồi. Gió bay đi nhưng tình yêu ở lại/ Bến sông quê sương tím đã để dành (Tình yêu ở lại).
Sự trân trọng, biết sẻ chia, hiểu người hiểu mình, biết người biết ta là những phẩm chất nổi trội ở con người chị. Do vậy, không khó để người đọc nhận ra trong thơ Ngọc Tình bao giờ và lúc nào nhà thơ cũng luôn hướng đến điều nhân văn ấy. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng khơi gợi biết bao suy ngẫm đối với độc giả. Tình yêu trong thơ Ngọc Tình không phải chỉ là tình yêu đôi lứa mà ở đó có cả tình yêu với cỏ cây, hoa lá, dòng sông…; tình yêu với mảnh đất quê hương, yêu mẹ cha, tiên tổ. Đặc biệt, chị cũng dành nhiều tình cảm với mảnh đất và con người (Tây Ninh) đã che chở, nuôi dưỡng chị trong suốt những năm tháng công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Do vậy chị viết nhiều, nhắc nhiều về vùng đất này cũng là điều dễ hiểu. Những địa danh như Lò Gò, Tà Lọt, Cẩm Giang, Gò Chai… được nhà thơ đề cập đến với tình cảm thân thương đến lạ. Đó là những vùng đất gắn với những chiến tích oai hùng, nơi đó có những bà mẹ, người cha, người con sống tình nghĩa thủy chung. Họ sẵn sàng dâng hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh vì nghĩa lớn. Vì thế, những người còn sống hôm nay mãi không bao giờ quên sự cống hiến của các thế hệ cha ông. Họ đã đổ cả mồ hôi, nước mắt và máu xương để chúng ta có được cuộc sống hòa bình.
Tổ quốc ơi hạnh phúc đong đầy/ Chúng ta không quên – đồng đội tuổi hai mươi chưa một lần gắn huân chương/ nằm lại/ Tiếng cỏ thở – tiếng các anh rầm rì hát mãi/ Thiêng liêng đất mẹ Việt Nam (Tình yêu người lính).
Chiến tranh là gắn liền với đau thương và chết chóc, là nỗi đau đến khôn cùng của những người mẹ, người vợ có chồng tham gia kháng chiến. Và rồi, có những số phận không may họ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Ngày hòa bình cờ đỏ thắm vàng sao/ Vợ đợi chồng cùng con xa biền biệt/ Giấy báo tử về một bóng hình tê buốt/ Một triền sông hoa rụng trắng nghẹn trôi
Bao bà mẹ cạn khô nước mắt, bao người vợ chờ chồng trong vô vọng. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Các anh đã hóa vào hồn thiêng sông núi! “Thế kỷ hai mốt rồi mẹ vẫn đợi chồng, con”.
Một tên con rắc tro bụi núi ngàn/ Một nghĩa trang một mộ chồng nhang khói/ Con ở đâu? Tấm hình như muốn nói/ Tiếng mẹ ru – ru vọng chiếc nôi xưa (Nỗi niềm người mẹ).
Đứng trước rừng Lò Gò, nhà thơ dâng lên cảm xúc:
Lò Gò ơi! Ta để tay trước ngực/ Mãi yêu em tất cả trước sau/ Mãi yêu em dù tóc đã phai màu/ Rừng chở che hôm nay và mãi mãi (Rừng Lò Gò và em).
Đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ như một nhân vật trữ tình vắt ngang qua, đi vào thơ chị làm người đọc nao lòng:
Nơi tôi ở ong gom từng giọt nắng/ Tây Ninh ơi! Vàm Cỏ tím câu thơ/ Ai xốn xang/ tóc bồng bên bến lặng/ Với riêng em sóng vỗ nhẹ đôi bờ (Nơi tôi ở).   
Là người đã trải qua những năm tháng khó khăn nên chị thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả và cả sự khổ đau. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tạo cho chị sức bền, sự chịu đựng để vượt qua mọi gian nan. Hoàn cảnh gia đình, thời cuộc có những tác động nhất định đến cuộc đời mỗi một con người. Ảnh hưởng thế nào và xử lý làm sao để cuộc sống ổn định là cách mà mỗi cá nhân phải tự linh hoạt ứng phó. Với chị, trong hành trình cuộc đời mà chị đi qua, dù có những ngã rẽ nhưng chị đã biết tự điều chỉnh và khéo vun vén nên mọi thứ đều êm đẹp. Vốn là người nặng nợ nghĩa tình nên chị vẫn không thể nào nguôi quên những năm tháng của quá khứ.
Tập thơ Chạm khắc sông Vàm 
Ngày ra đi mảnh trăng vỡ thẫn thờ/ Hạt sương nghiêng rụng ướt vai thiếu nữ/ Mấy mươi năm rớt ngang giấc ngủ/ Định hình nhân nghĩa ru xa (Quê hương).
Điều đó không có nghĩa là chị không có nhưng nỗi khổ đau riêng. Những nỗi đau chị như chôn chặt, giấu kín cho riêng mình nhưng đôi lúc cũng trỗi dậy làm cho trái tim người đàn bà vẻ ngoài tưởng “kiên cường” ấy cũng phải rỉ máu.
Có thể cuộc chia ly về tình yêu vắt kiệt bài thơ/ Mùa ở lại người còn – người mất/ Trái tim nhỏ cớ gì chứa chất/ Nỗi đau – vắt kiệt bài thơ (Vòng nguyệt quế mờ xa).
Thơ Ngọc Tình thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng. Chị làm thơ một cách tự nhiên, đó như là sự trải lòng. Tất cả những khía cạnh tâm hồn được phơi bày, thổ lộ ra hết theo dòng suy nghĩ của nhà thơ. Đọc bài thơ Phải không em làm người đọc rưng rưng nước mắt, bởi chị đã khơi gợi quá nhiều điều. Đặc biệt là những người con xa xứ. Rời mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn để vào Nam, nhà thơ muốn mang theo những gì gần gũi, thân thương nhất của quê nhà. Mùi của bùn đất, rạ rơm; mùi của hương tóc, của hoa bưởi, hương cau…
Ta muốn mang đi mùi của bùn/ Hương của lúa – hương rơm rạ/ Và hương tóc em/ Ta muốn mang theo/ Chùm hoa bưởi thoang thoảng trong đêm.
Nhưng có lẽ “bóng mẹ bên thềm” là hình ảnh độc đáo và tạo sự ám ảnh. Người con xa quê nhưng trong tâm khảm không bao giờ nguôi quên nỗi nhớ mẹ.
Đau đáu tình quê – bóng mẹ bên thềm/ Có bao lần ta khóc trong lòng/ Hoa cau rụng – rụng niềm khao khát/ Quả khế chua – mà ngọt trong tâm thức/ Vấp chiều – sợi tóc vấp nghiêng.
Nỗi niềm day dứt với quê cha đất tổ luôn canh cánh bên mình:
Ta muốn mang theo mà mang chẳng được/ Nên sợi thương phía nào cũng đứt/ Ai gánh nổi tình mơ/ Ai mang được đến giờ?
Để rồi chị sâu sắc nhận ra rằng:
Ta kẻ dật dờ/ Nỗi niềm đáy biển/ Em có đo – uống mặn cả đời?/ Người đã bay lên – mà hồn lơ lửng khói/ lam chiều bảng lảng cố hương/ Thấp cao chân bước con đường xa ngái/ Khóc đi – chẳng gì mà ngại -/ phải không em?/ hay hỏi chính mình.
Đi qua những thăng trầm của cuộc đời, nhà thơ ý thức về những được – mất, về nỗi đau và cả sự “ích kỉ” trong tình yêu. Do vậy, chị không ngần ngại đề xuất phải “mở lòng”. Bởi trong tình yêu cần lắm sự bao dung!
Mở lòng đi dù chỉ là ký vãng/ Khi cô đơn quấn em vào buổi hoàng hôn/ Nhấm nháp rượu vô hình/ Chẳng say – mà thơ đổ sóng chập chờn
Bên cạnh cái tôi đời tư, Ngọc Tình còn khéo léo đề cập nhẹ nhàng, kín đáo về cái tôi thế sự. Phải chăng đây cũng là cái hay và thế mạnh của chị. Bởi nhà thơ, không đề cập một cách trực diện mà thông qua tình yêu và câu chuyện tình yêu để đưa ra những triết lý, chiêm cảm về đời sống. Do vậy, trong thơ chị thường dùng nhiều những biện pháp tu từ. Đó là cách để chị giãi bày, gửi gắm đến người đọc một cách tinh tế nhất.
Chẳng phải trời mà tại đời là vậy/ Trăng là em và trăng hóa là người/ Đâu cần đến trăng tròn mới tỏ/ Nửa khúc cong đủ run rẩy đầy vơi (Nửa khúc trăng cong).
Nếu không có tình yêu/ Không có nàng thơ từ đó/ Không thổn thức trái tim nho nhỏ/ Thì gió chiều không thổi muộn đến giờ…? (Mở lòng).
Sắc sảo và nhạy bén trong cách nhìn nhận về nhân tình thế thái, Ngọc Tình càng cay đắng, xót xa:
Ta nghiêng ngả trong cánh đồng thơ/ thơ tạt vào ta phần thật/ Ôi! Tóc bạc rồi
thơ cũng trắng phau (Thơ nghiêng ngả gió).
Nhà thơ nghiệm ra rằng: Hãy là đời hãy cứ để gió bay/ Xưa là xưa bởi vì đầy ký vãng/ Ta đôi lần từng chia cô đơn chạng vạng/ Thì ra lối cũ len vào (Một mình trăng).
Là người yêu thơ và thành tâm với thơ, Ngọc Tình đến với thơ bằng tình yêu thuần hậu, xem nó là người bạn tri kỉ để chị gửi gắm nỗi niềm. Dù chị viết chắc tay trên nhiều thể loại thơ nhưng chưa bao giờ chị dám nhận mình là thi nhân. Sự khiêm tốn ấy thật đáng quý!
Không dám cho mình là thi nhân/ Chỉ trốn vào nỗi nhớ/ Với quê hương ta thả thơ – những khi trăn trở/ Vía hồn vần điệu chưa tròn.
Cả tập thơ là tiếng lòng thành thật của một con người đã đi từng đi qua, đã từng nếm trải những đắng cay, buồn vui, hạnh phúc của cuộc đời. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà thơ cũng sống và yêu bằng trái tim chân thành của người đàn bà hồn hậu. Chạm khắc sông Vàm, nhà thơ Ngọc Tình đã gửi trọn vào đó những điều muốn nói, những điều mà con tim mách bảo và thôi thúc phải chuyển tải bằng lời.
Trong dòng chảy của thơ nữ Việt đương đại nói chung, thơ nữ ở Tây Ninh nói riêng, Ngọc Tình từng bước khẳng định vị thế của mình và cũng đã góp thêm vào đó một tiếng thơ trữ tình da diết, giàu nữ tính. Tiếng thơ ấy làm nên sự đa sắc hương trong dàn đồng ca của thơ nữ Việt hôm nay.
21/5/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...