Hoạt động sáng tác văn học sôi nổi ở Sài Gòn giai đoạn 1945 -
1954 có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí. Từ góc nhìn phê bình xã hội học,
kênh phổ biến của tác phẩm văn học là một trong những yếu tố chi phối quá trình
sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm, và có khi chi phối cả những yếu tố thuộc văn bản
tác phẩm.
Bài viết này phân tích tính xã hội của truyện đăng trên một số
tờ báo ở Sài Gòn giai đoạn 1945 - 1954, cụ thể là Tân Việt Nam (1945), Nguồn
sáng (1948),Việt báo (1949), Thế giới (1949), Mới (1952 - 1953), Đời mới (1952
- 1954), Nhân loại (1953 - 1954), và Thẩm mỹ tuần báo (1952 - 1954).
1. Tuy cùng là sản phẩm của công nghệ in ấn hàng loạt,
tác phẩm văn học in sách và đăng báo vẫn có những điểm khác nhau. Cái khác nhau
căn bản giữa hai đối tượng này là truyện đăng trên báo chí gắn liền với hoạt động
kinh doanh thông tin - một đặc tính quan trọng của báo chí. Xét ở khía cạnh
này, văn chương đăng báo là công cụ hút khách, từ đó đem lại thu nhập - cho
báo, nhưng ngược lại chính báo chí đã đem đến cho tác phẩm văn học đăng báo lượng
người đọc tiềm năng lớn hơn nhiều và đa dạng hơn nhiều so với sách in. Thể loại
văn học trên báo chí quốc ngữ nói chung và báo chí Sài Gòn 1945 - 1954 nói
riêng tiêu biểu trong việc làm nhiệm vụ giữ chân độc giả là tiểu thuyết
feuilleton, một kiểu tiểu thuyết dài kỳ đăng báo. Trần Nhật Vy đã gọi
feuilleton là “đặc sản của báo chí quốc ngữ thời xưa” (1). Tác giả viết truyện
được trả lương tháng, và nhiều tờ báo mướn những nhà văn có tên tuổi viết riêng
cho báo mình để câu khách. Phú Đức, tác giả feuilleton nổi tiếng từ trước 1945
đến giai đoạn 1945 - 1954 vẫn là một tác giả ăn khách, mà theo như người cùng
thời khẳng định thì ông là nhà văn “kiếm nhiều tiền nhứt làng báo Sài Gòn” (2).
Bên cạnh đó còn có rất nhiều những feuilleton khác, có khi đăng đến hơn 40, 50
tuần báo, tức cả năm trời vẫn chưa kết thúc như Trôi giạt của Vĩnh Lộc, Xương
máu Phiên Ngung của Cửu Lang… Truyện ngắn cũng có lúc đóng vai trò giữ chân độc
giả như feuilleton khi có một tác giả ăn khách nào đó viết thường xuyên cho
chuyên mục đó, chẳng hạn như mục Tiêu khiển trên báo Đời mới (1952) mỗi tuần
đăng một truyện trinh thám của Thiên Giang, hoặc truyện gây cười nhằm mục đích
giải trí thuần túy của các tác giả khác. Báo Đời mới có rất nhiều cây bút thân
thiết cho mục truyện ngắn, như Trần Phương Như, Vĩnh Lộc, Văn Hòa…
Vì là thành tố của hoạt động kinh doanh thông tin nên truyện
đăng trên báo chí phải đáp ứng một số yêu cầu của hoạt động kinh doanh đó.
Thứ nhất, tính tức thời. Viết văn đăng báo, đặc biệt là feuilleton, không thể nghiền ngẫm, dồn nén năm này qua tháng nọ như viết sách, cũng không để đợi có hứng mới làm việc, mà cứ đến hẹn lại lên.
Thứ hai, tính tương tác. Người đọc tiếp nhận tác phẩm ngay trong quá trình nó được sáng tạo ra, và đôi khi có khả năng chi phối quá trình sáng tạo đó. Độc giả có thể gửi thư tới tòa soạn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình với tác phẩm hoặc tác giả nào đó. Điều này có thể tác động trực tiếp tới hợp đồng giữa tác giả và toà soạn báo, hoặc quyết định một tiểu thuyết feuilleton có được viết, đăng tiếp nữa hay không. Đất dậy sóng của Hoàng Thu Đông chỉ đăng được 8 kỳ thì dừng lại không rõ lý do, dù ở cuối kỳ 8 vẫn ghi là “còn nữa”, Chúa đảo trả thù của Long Mỹ Nhân cũng dang dở ở kỳ 48, Xương máu Phiên Ngung dừng ở kỳ 33. Tương tác giữa tác giả và độc giả về một tác phẩm cụ thể có lúc được đăng công khai trên báo để rộng đường dư luận. Đời mới đăng các bức thư trao đổi qua lại giữa độc giả Nguyễn Đức Hồ và tác giả Giang Tân về feuilleton Ngày mai đã muộn rồi đăng trên tuần báo này. Nguyễn Đức Hồ giật tít bài viết của mình “Giáo dục sinh lý khác với khiêu dâm”, trong đó ông trao đổi với tác giả Giang Tân đại ý rằng tác phẩm gợi dục nhiều hơn là giáo dục, vì những đoạn mô tả các hành vi tò mò sinh lý giới tính của những đứa trẻ quá sinh động. Giang Tân đáp lời, giải thích rằng giáo dục bằng văn học không thể giáo điều, mà phải mô tả sao cho có tính văn học, chi tiết và logic (3).
Thứ ba, tính thời sự. Truyện ngắn Vui sướng gì? của Lê Hương đăng trên Thế giới tháng 11 năm 1949, lấy ý tưởng từ sự kiện bố ráp diễn ra ở rạp Trung ương Hý viện Sài Gòn. Tuy nhiên, đa số tác phẩm có tính thời sự đều được thể hiện một cách chung chung. Các nhà văn, nhà báo không thể viết về chiến tranh chống Pháp một cách cụ thể, đặc biệt là từ sau 1950, vì chính quyền Pháp kiểm soát báo chí giai đoạn này gắt gao hơn thời kỳ 1945 - 1949.
Thứ tư, tính ngắn gọn, súc tích. Văn chương đăng báo ngắn gọn hơn, đơn giản hơn văn chương in sách, do khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo. Điều này dẫn đến việc có nhiều báo đăng các truyện ngắn vụn vặt, chất lượng kém. Sự “yếu kém” này có thể là do nhu cầu “lấp cột báo” vốn xảy ra thường xuyên khi báo đến kỳ mà chưa có bài buộc ban biên tập phải “đăng đại” những truyện ngắn theo kiểu “được chăng hay chớ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những truyện ngắn hay nói được những vấn đề nhân sinh rộng lớn bằng sự tinh tế tài hoa trong văn chương (Người khách đường rừng của Xuân Khai, Gánh hàng rau của Ái Lan…).
Thứ nhất, tính tức thời. Viết văn đăng báo, đặc biệt là feuilleton, không thể nghiền ngẫm, dồn nén năm này qua tháng nọ như viết sách, cũng không để đợi có hứng mới làm việc, mà cứ đến hẹn lại lên.
Thứ hai, tính tương tác. Người đọc tiếp nhận tác phẩm ngay trong quá trình nó được sáng tạo ra, và đôi khi có khả năng chi phối quá trình sáng tạo đó. Độc giả có thể gửi thư tới tòa soạn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình với tác phẩm hoặc tác giả nào đó. Điều này có thể tác động trực tiếp tới hợp đồng giữa tác giả và toà soạn báo, hoặc quyết định một tiểu thuyết feuilleton có được viết, đăng tiếp nữa hay không. Đất dậy sóng của Hoàng Thu Đông chỉ đăng được 8 kỳ thì dừng lại không rõ lý do, dù ở cuối kỳ 8 vẫn ghi là “còn nữa”, Chúa đảo trả thù của Long Mỹ Nhân cũng dang dở ở kỳ 48, Xương máu Phiên Ngung dừng ở kỳ 33. Tương tác giữa tác giả và độc giả về một tác phẩm cụ thể có lúc được đăng công khai trên báo để rộng đường dư luận. Đời mới đăng các bức thư trao đổi qua lại giữa độc giả Nguyễn Đức Hồ và tác giả Giang Tân về feuilleton Ngày mai đã muộn rồi đăng trên tuần báo này. Nguyễn Đức Hồ giật tít bài viết của mình “Giáo dục sinh lý khác với khiêu dâm”, trong đó ông trao đổi với tác giả Giang Tân đại ý rằng tác phẩm gợi dục nhiều hơn là giáo dục, vì những đoạn mô tả các hành vi tò mò sinh lý giới tính của những đứa trẻ quá sinh động. Giang Tân đáp lời, giải thích rằng giáo dục bằng văn học không thể giáo điều, mà phải mô tả sao cho có tính văn học, chi tiết và logic (3).
Thứ ba, tính thời sự. Truyện ngắn Vui sướng gì? của Lê Hương đăng trên Thế giới tháng 11 năm 1949, lấy ý tưởng từ sự kiện bố ráp diễn ra ở rạp Trung ương Hý viện Sài Gòn. Tuy nhiên, đa số tác phẩm có tính thời sự đều được thể hiện một cách chung chung. Các nhà văn, nhà báo không thể viết về chiến tranh chống Pháp một cách cụ thể, đặc biệt là từ sau 1950, vì chính quyền Pháp kiểm soát báo chí giai đoạn này gắt gao hơn thời kỳ 1945 - 1949.
Thứ tư, tính ngắn gọn, súc tích. Văn chương đăng báo ngắn gọn hơn, đơn giản hơn văn chương in sách, do khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo. Điều này dẫn đến việc có nhiều báo đăng các truyện ngắn vụn vặt, chất lượng kém. Sự “yếu kém” này có thể là do nhu cầu “lấp cột báo” vốn xảy ra thường xuyên khi báo đến kỳ mà chưa có bài buộc ban biên tập phải “đăng đại” những truyện ngắn theo kiểu “được chăng hay chớ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những truyện ngắn hay nói được những vấn đề nhân sinh rộng lớn bằng sự tinh tế tài hoa trong văn chương (Người khách đường rừng của Xuân Khai, Gánh hàng rau của Ái Lan…).
2. Theo khảo sát của chúng tôi, trong số 352 tờ báo quốc ngữ ở
Sài Gòn trước 1954 thì có đến 174 tờ báo thuộc giai đoạn 1945 - 1954, tức gần một
nửa. Cần lưu ý đây là những tờ báo mà các thư viện biên mục được (tuy rất nhiều
tờ chỉ còn thông tin biên mục chứ không còn báo), không phải là tất cả những tờ
đã từng tồn tại. Mặc dù các số liệu trên chỉ giúp cung cấp một bức tranh liên
tưởng chứ không cụ thể, chính xác về hoạt động tiêu thụ báo chí ở Nam Bộ giai
đoạn 1945-1954, nhưng chúng ta có thể suy ra được vài nét về công chúng báo chí
và công chúng văn học thời kỳ này. Người làm báo không chỉ viết báo để thỏa mãn
ý muốn của mình, mà họ chỉ có thể duy trì tờ báo khi đảm bảo được lượng người
mua (trừ các báo nhận trợ cấp từ chính quyền). Hoạt động đấu tranh chính trị
không phải chỉ là chuyện của giới ký giả, mà thông qua tin tức trên báo, nó còn
tạo ra nhu cầu thông tin của độc giả về các hoạt động tranh đấu. Từ đó công
chúng của truyện đăng báo lại hình thành thị hiếu, khuynh hướng thẩm mỹ hướng tới
các tác phẩm có tính chất tranh đấu và bàn về những vấn đề xã hội. Điều này lý giải tại sao thể loại feuilleton thời này lại ít hẳn tính giải trí, tiêu khiển
so với giai đoạn trước. Phần lớn feuilleton giai đoạn 1945 - 1954 mà tác giả
bài viết này thu thập được lại nặng tính chính trị, xã hội, chẳng hạn như Cát
trắng của Kiêm Minh, Ánh sáng đô thành của Vân Nga, Người nữ cứu thương của
Hoàng Thơ, Xương máu Phiên Ngung của Cửu Lang… Có thể lý giải theo hai hướng: một
là thị hiếu của độc giả thay đổi, tính giải trí, tiêu khiển của feuilleton phải
dần thay thế bằng tính chính trị, xã hội thì mới thoả mãn được độc giả; hai là
người làm báo xem trọng tính chính trị của tờ báo hơn độc giả của mình, muốn mượn
công cụ văn chương để truyền bá và tác động vào tư tưởng của người đọc. Có thể
có cả hai nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thứ nhất vẫn có tính quyết định hơn,
vì nếu người đọc đã không hứng thú gì với tờ báo và các feuilleton này thì việc
tuyên truyền vô ích.
Bên cạnh độc giả không chuyên, công chúng còn bao hàm
các nhà phê bình văn học, thông qua những bài viết, ý kiến trao đổi có tác động
vào văn chương nói chung, truyện đăng báo thời kỳ này nói riêng. Thiên Giang, Thê
Húc, Thẩm Thệ Hà cùng thảo luận xung quanh vấn đề văn chương tranh đấu. Thẩm Thệ
Hà khởi xướng và chất vấn về tính tranh đấu trong văn chương Việt Nam đương thời (4),
Thiên Giang đề nghị người nghệ sĩ phải tham gia vào cuộc tranh đấu, làm nghệ sĩ
tả chân xã hội (5), và Dương Tử Giang kêu gọi đào huyệt chôn các tác phẩm văn
chương uỷ mị mới đăng báo vì cho rằng chúng làm lung lạc tinh thần tranh đấu
(6). Mặt khác, các nhà lý luận, phê bình lật đi lật lại tính hai mặt của vấn đề,
một mặt phải viết văn cho quần chúng hiểu, thích, “nương theo đại chúng” (7),
“phụng sự nhân dân” (8), nhưng mặt khác phải định hướng quần chúng đến những giá
trị chân, thiện, mỹ, tránh xa thị hiếu tầm thường vì “người nghệ sĩ chân chánh
không lẽo đẽo theo sau quần chúng nhân dân” (9). Tất cả những ý kiến lý luận
chung nêu trên đều tác động đến người cầm bút, trong đó có các tác giả viết cho
báo.
Đối với các tác phẩm cụ thể mới xuất bản, thông thường giới
phê bình hay tập trung vào sách hơn là truyện đăng báo. Tuy nhiên vẫn có một số
trường hợp cá biệt tác giả có truyện đăng báo được mang ra phân tích để làm rõ
một luận điểm lý luận nào đó, chẳng hạn như Phú Đức và Nam Đình Nguyễn Thế
Phương. Trọng Yêm trong bài “Thời này là của Phú Đức, Nam Đình chăng?” (10) đã
nêu lên tình trạng cả xã hội mê mẩn feuilleton của hai tiểu thuyết gia này, cho
dù đa số là feuilleton đã cũ (Phú Đức đem đăng báo lại, còn Nam Đình in sách).
Ông giải thích rằng điều này có nguyên nhân từ thị hiếu cũ kỹ của dân chúng và
do chiến tranh kéo dài làm mọi người mất tinh thần, “mất tin tưởng vào ngày
mai, ăn chơi trong ngày nay”. Trước đó, Phú Đức đã được “bêu tên” trong một bài
viết của Tam Nhơn với tít báo hết sức gây chú ý “Phú Đức tiểu thuyết gia bổn cũ
soạn lại”, trong đó có kể lại chuyện năm xưa Phú Đức tham tiền bỏ Trung lập báo
sang viết cho Công luận báo trong lúc Trung lập đang đối mặt với khó khăn vì
đăng bài bảo vệ hoạt động kinh doanh của người Việt. Tam Nhơn khiến độc giả nhận
thức về thái độ chính trị của nhà văn, và cho thấy ngay cả một feuilleton thuần
tuý giải trí vẫn có thể tác động vào công cuộc chính trị vì nó ảnh hưởng đến lựa
chọn đọc báo của độc giả đại chúng.
Về tác phẩm cụ thể, chỉ có một vài truyện được phê bình
riêng, vì đa phần các nhà phê bình tập trung vào sách in. Truyện ngắn Con thằn lằn
chọn nghiệp của Hồ Hữu Tường đăng trên báo Mới số 26 đã thu hút được nhiều ý kiến
phê bình. Đào Hữu Tường viết bài “Xin tha tội cho con thằn lằn” (11), cho rằng
kết truyện của Hồ Hữu Tường có vẻ bất công. Phương Tiện Đạo Nhân (12) phân tích
tác phẩm từ góc nhìn Phật pháp để bác ý kiến của ông Đào Hữu Tường.
3. Nhìn từ văn bản không phải là cách nhìn đối lập với cách
nhìn xã hội, mà là xem tác phẩm là một cấu trúc chỉnh thể độc lập có mối liên hệ
với xã hội. Theo lý thuyết cấu trúc phát sinh của nhà lý luận phê bình xã hội học
Lucien Goldmann thì mỗi văn bản tác phẩm chứa đựng một cấu trúc hàm nghĩa nằm
ngoài ý thức chủ quan của nhà văn, tương ứng với một cấu trúc xã hội của một
nhóm xã hội mà nhà văn thuộc về, thể hiện thế giới quan không phải của nhà văn
mà của nhóm xã hội đó.
Trong những tác phẩm được khảo sát, có hai mảng đề tài được
các tác giả chọn viết nhiều nhất là đề tài tranh đấu yêu nước và đề tài đời sống
đô thị. Viết về tranh đấu, các tác giả hoặc là kể về những chàng trai cô gái
yêu nước thời hiện đại ra đi vì nghĩa lớn, những người ở lại, những người làm
quốc sự đầy bí ẩn, cùng những nỗi đau và nét đẹp kiêu hùng của họ (Hận người tử
sĩ của Hoàng Kim, Gánh hàng rau của Ái Lan, Làm lại cuộc đời của Hà Phương…),
hoặc mượn những câu chuyện đời xưa để khơi dậy lòng yêu nước (Xương máu Phiên
Ngung của Cửu Lang, Lão Tô của Tô Kiều Ngân…). Viết về đời sống đô thị, các nhà
văn đặc biệt quan tâm đến số phận của các cô gái giang hồ (Ngày mai sẽ đến của
Hoàng Thu Đông, Bóng tối của Văn Hoà…), sức tàn phá của xã hội đô thị xa hoa đối
với thiên tính, lý tưởng của con người và sự trong trẻo của trẻ nhỏ (Hai cái chết
của Cao Hữu Huấn, Ánh sáng đô thành của Vân Nga, Trôi giạt của Vĩnh Lộc, Bài giảng
văn của Hợp Phố…), những mối lo tủn mủn tầm thường của con người tầm thường
(Vui sướng gì của Lê Hương, Đôi vú sữa của Hợp Phố), những mối quan hệ xã hội
phức tạp, chồng chéo giữa yêu thương và thù hận, giữa tốt đẹp và sa đọa, giữa
tình nghĩa và phản trắc (Giết cha của Thiên Giang, Cây kiềng vàng của Cô Minh Đạt…),
những rung động, cảm xúc tế vi của con người cá nhân (Sầu riêng của Linh Bảo,
Bãi cỏ của Thụy An Hoàng Dân…).
Viết về chiến tranh và cách mạng, các tác phẩm vừa liệt kê ở
trên thường xoáy vào những éo le trong tình yêu, bịn rịn ngày ly biệt, người
chiến sĩ mang vẻ đẹp kiêu hùng nhưng nhuốm màu u buồn. Điển tích Kinh Kha sang
Tần được sử dụng khá nhiều, hoặc nếu không thì cũng là hình ảnh người chiến sĩ
cách mạng cưỡi ngựa trên dặm đường rong ruổi và ghé bến sông trong chiều muộn
trò chuyện với một ông lái đò, cũng là người có cảm tình với cách mạng. Quán nước
ven đường thường là căn cứ liên lạc của cách mạng. Viết về xã hội đô thị, các
nhà văn quan tâm đến những phận người bé nhỏ, trôi dạt như gái giang hồ, trí thức,
thiếu nhi, dân nghèo thành thị, công nhân... nhưng các cô gái giang hồ đều là
những cô gái xuất thân trong gia đình trung lưu, bản thân có học hành, và trong
những chuỗi ngày trượt dài trong u tối vẫn trăn trở về đời mình, về nhân thế;
các anh công nhân, dân nghèo thành thị nhìn đời như những người trí thức...
Xét từ khía cạnh văn bản, những ví dụ nói trên tạo ra một hệ
thống cấu trúc hàm nghĩa chung mang tính chiến đấu. Đó có thể là chiến đấu một
cách trực tiếp vì mục tiêu chính trị thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc
khỏi chế độ thực dân kiểu mới mà Pháp muốn xây dựng ở Nam Bộ thông qua các
chính quyền tự trị bù nhìn. Ở mục tiêu xã hội, các tác giả khi kể các câu chuyện
về đời sống đô thị đều không chỉ dừng lại ở việc mô tả đời sống của xã hội đó với
những số phận bất hạnh, những mối quan hệ phức tạp, sự suy đồi của đạo đức, sự
vụn vỡ của ước mơ… mà họ tả nó với cảm hứng muốn thay đổi hiện trạng đó. Thiên
Giang khi phóng tác Anh em nhà Karamazov thành truyện Giết cha đã nhấn mạnh vào
vấn đề đạo đức. Cô Minh Đạt viết Cây kiềng vàng kể về một gia đình tan vỡ vì
thú sắc dục của người cha và những mưu mô toan tính của các thành viên trong
nhà cũng nhằm chuyển tải bài học đạo lý. Tác giả còn viết rõ dụng ý này trong
phần lời cuối truyện. Kiêm Minh, Vĩnh Lộc, Hoàng Thu Đông, Cao Hữu Huấn… viết về
các cô gái giang hồ đều mở ra cho họ một con đường thay đổi số phận hoặc được cứu
rỗi linh hồn, viết về người trí thức trẻ mất lý tưởng đều vô tình hay hữu ý hé
cho họ một tia hi vọng. Như vậy, đây cũng là một hàm nghĩa chiến đấu trên khía
cạnh xã hội của các nhà văn, dù có khi họ không chủ đích điều đó. Hàm nghĩa chiến
đấu này thực hiện bằng cách đánh vào trái tim nhiều hơn khối óc. Cụ thể là viết
về yêu nước và cách mạng thì các tác giả có xu hướng khơi gợi nỗi buồn nhiều
hơn vinh quang, mô tả sự khốc liệt của hiện tại nhiều hơn hướng về hạnh phúc
trong tương lai. Điều này hoàn toàn trái ngược với văn học cách mạng hiện thực
xã hội chủ nghĩa về sau. Bàn về xã hội, các nhà văn làm cho độc giả mủi lòng với
các nhân vật hơn là phân tích động cơ của họ.
Cấu trúc hàm nghĩa khách quan nói trên có mối quan hệ tương
quan đối ứng với cấu trúc của nhóm xã hội mà tác giả của nó thuộc về, đó là
nhóm trí thức trong xã hội đô thị chịu sự quản lý của thực dân trong thời kỳ bùng nổ thông tin chính trị. Sài Gòn vốn là một đô thị thuộc địa với mâu thuẫn
giai cấp giữa tư bản và công nhân, giữa thực dân và bản xứ, mâu thuẫn giàu
nghèo, vấn đề bần cùng hóa trong xã hội, vấn đề tội phạm… Tính chất thuộc địa
này xét về mặt bản chất vẫn tồn tại đến giai đoạn 1945 - 1954, vì tuy có chính
quyền của người Việt nhưng những chính quyền này suốt thời kỳ này không có quyền
tự quyết. Điểm khác biệt của giai đoạn này so với giai đoạn trước là hoạt động
đấu tranh chính trị diễn ra công khai hơn, quyết liệt hơn. Một trong những hoạt
động đấu tranh đáng chú ý của giới báo chí thời này là phong trào Báo chí thống
nhất (10.1946) quy tụ nhiều tờ báo thời đó đấu tranh cho sự thống nhất ba kỳ và
ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phong trào này bị chính quyền Nam
Kỳ dập tắt năm 1947 bằng việc đóng cửa hàng loạt tờ báo, bắt bớ các nhà báo như
Phan Văn Thiết, Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Thiếu Sơn, thậm chí ám sát các nhà báo
Nam Quốc Cang, Đinh Xuân Tiếu (1950).
Tóm lại, nhìn từ đặc trưng của báo chí, tác phẩm truyện đăng
trên báo chí Sài Gòn giai đoạn 1945 - 1954 vừa mang đặc điểm chung của văn học
hiện đại, vừa mang nét riêng của hoạt động kinh doanh thông tin. Trong giai đoạn
lịch sử đặc biệt này, truyện đăng báo thể hiện tính chất xã hội rõ nét và đóng
góp trực tiếp vào những hoạt động chính trị, xã hội đương thời.
Chú thích:
1. Trần Nhật Vy (2016), “Feuilleton - hàng độc của báo chí quốc
ngữ thời xưa”, Tuổi Trẻ Online,
http://tuoitre.vn/
2. Tam Nhơn (1952), “Phú Đức - tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”,
Đời mới, số 1 (12-4-1952), tr. 54-55.
3. Đời mới, số 81, tr. 18-19, 30.
4. Thẩm Thệ Hà, “Xã hội Việt Nam có văn chương xã hội và văn
chương tranh đấu chưa?”, Việt bút số 23.
5. Thiên Giang, “Vấn đề khách quan trong tư tưởng”, Tiếng
chuông, số 22.
6. Dương Tử Giang (1949), “Tin văn”, Thế giới, số 5
(19-11-1949), tr. 2, 34.
7. Trần Văn Khê (1949), “Nhiệm vụ của một nhạc sĩ trong xã hội”,
Việt báo, số 3 và 4 (29-5-1949), tr. 4-5.
8. Tô Duyên (1953), “Văn nghệ phụng sự”, Đời mới số 74
(27-8-1953), tr. 16-17, 32.
9. Thanh Lương (1953), “Văn nghệ sĩ, những tên nô lệ của thời
cuộc?”, Đời mới, số 60 (23-5-1953), tr. 23.
10. Trọng Yêm (1953), “Lấy mắt người Việt xét việc xã hội: thời
này là của Phú Đức, Nam Đình chăng?”, Đời mới, số 53 (4-4-1953), tr. 8, số 54
(11-4-1953), tr. 8.
11. Không rõ đăng trên báo nào, vì nó được tóm tắt lại trong
bài phản biện của Phương Tiện Đạo Nhân.
12. Phương Tiện Đạo Nhân (1953), “Trả lời câu hỏi của Hồ Hữu
Tường - Con thằn lằn đã chọn nghiệp”, Nhân loại, số 20 ngày 4-1-1953, tr.
10-11.
9.7.2018
Nguyễn Thị Phương Thúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét