Một miền Tây bình yên là những gì đang hiện hữu ở những ngôi
chùa độc đáo tại Sóc Trăng. Những cái tên chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, Ông Bổn...
nghe thật lạ thế nhưng người khách dù lạ hay quen cũng sẽ đều cảm nhận được sự
an nhiên khi ngắm nhìn đàn chim trời vỗ cánh lúc hoàng hôn hay đơn giản là một
bóng dáng thầy sư quét sân chùa.
Chùa Dơi - Văn Ngọc Chính, Phường 3
Chùa Dơi là một ngôi chùa có kiến trúc hòa trộn giữa hai nền
văn hóa Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa còn có tên là Serây tê
chô mahatúp, trong tiếng Khmer có nghĩa là do phúc đức tạo nên.
Gọi là Chùa Dơi là
do ở xung quanh chùa có một cánh rừng với chủ yếu là các cây sao và dầu, trong
đó có hàng vạn con dơi đang sinh sống. Cứ chiều đến, hàng vạn con dơi lại kéo về
sân chùa che kín cả bầu trời. Các vị sư ở đây cho rằng việc dơi đổ về chùa là
phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi.
Chùa Wat Pătum Wôngsa Som Rông - Tôn Đức Thắng, Phường 5
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong hay còn được người dân địa phương
quen gọi là chùa Som Rong. Chùa được xây dựng cách nay đã trên 600 năm.
Ngôi chùa Som Rong đầu tiên được dựng lên bằng tre, gỗ và lợp
lá đơn sơ, ở vị trí bên kia đường, cách vị trí chùa hiện tại là gần 1.000m.
Ngôi chùa trước đây có rất nhiều cây Som Rong tự sinh sôi, phát triển nên nhà
chùa lấy tên của loài cây Som Rong, có hoa gọi là Bôtum để đặt tên cho
chùa.
Sư thầy quét dọn sân chùa
Một góc bình yên ở chùa
Chùa Chén Kiểu - Chùa Sà Lôn - QL1A, Đại Tâm, Mỹ Xuyên
Chùa có tên Khmer là "Wath Sro Loun", để dễ phát
âm, từ "Sro Loun" được đọc chại thành "Sà Lôn". "Sro
Loun" lại có nguồn gốc từ chữ "Chro Luong", là tên của một con rạch
chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được
dùng để đặt tên chùa.
Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là "chùa Chén Kiểu"
là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí
Chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán) - Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1
Chùa Ông Bổn là cách gọi quen thuộc của bà con Sóc Trăng,
cũng có người gọi là chùa A Côn - Hòa An Hội Quán và trước đó có tên là Thất phủ
miếu đã tồn tại 130 năm trước.
Thất phủ miếu được xây dựng vào năm 1875 tại làng Khánh Hưng,
tổng Nhiêu Khánh (sau này là Quận Châu Thành, Sóc Trăng).
Sự hiện diện của ngôi chùa để minh chứng rằng trong tiến
trình lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng, đồng bào người Hoa đã cộng
cư gắn bó lâu đời với đồng bào người Kinh, người Khmer, cùng nhau đoàn kết xây
dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, đời sống, sinh hoạt
tín ngưỡng của đồng bào người Hoa cũng phong phú đã góp phần đáng kể vào kho
tàng văn hóa đặc sắc của địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét