Nhà văn Triệu Xuân: Cuối năm 1991, đầu năm 1992, nhà thơ Hoàng Cầm (sinh ngày 22-2-1922, quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vào sống ở Sài Gòn vài tháng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - lúc ấy là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh - nhường hẳn căn phòng làm việc của mình ở Trụ sở Hội (62 đường Nguyễn Văn Đậu quận Bình Thạnh) cho Hoàng Cầm tá túc. Thế nhưng ông Hoàng đi suốt, say sưa đi, đọc thơ, nói chuyện và sáng tác như thời trai trẻ. Đi tới đâu ông Hoàng cũng được bạn bè mê thơ ông níu kéo, giữ ở lại vài ngày. Có người bảo ông Hoàng đang hồi xuân ở tuổi Bẩy mươi! Trong những lần tới nhà tôi, ông Hoàng đọc thơ và kể nhiều chuyện đời mình: chuyện những ngày học trường Thăng Long (Hà Nội), đậu Tú tài toàn phần thời Pháp (năm 1940), chuyện những ngày cộng tác dịch sách văn học cho nhà sách Tân Dân, gia nhập Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, thành lập đoàn kịch Đông Phương ở Hà Nội; đến chuyện cả hai vợ chồng ông cùng vào bộ đội năm 1947, rồi ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị. Tháng 10-1954 nhà thơ Hoàng Cầm cùng đoàn văn công về tiếp quản Thủ đô. Cuối 1955, Hoàng Cầm về làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản của Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của NXB Văn học ngày nay). Năm 1957, ông Hoàng tham gia thành lập Hội Nhà văn, là một trong những Ủy viên Ban chấp hành khoá đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong thời gian làm công tác xuất bản ở Hội Văn nghệ, nhà thơ Hoàng Cầm là người góp phần quan trọng cho việc ra đời tác phẩm nổi tiếng Vượt Côn Đảo (xuất bản lần đầu năm 1955) của nhà văn Phùng Quán. Hoàng Cầm hơn Phùng Quán đúng mười tuổi, hai người là bạn chí thân. Khi kể về Phùng Quán, nhà thơ Hoàng Cầm đã chép tặng tôi bài thơ của Phùng Quán có cái nhan đề rất dài: “Phùng Quán gửi Hoàng Cầm mắc bệnh tâm thần nặng”. Tôi rất thích bài thơ này, nét chữ của Hoàng Cầm rất đẹp, đúng là chữ của một ông tú tài Tây có khác! Bài thơ này có lai lịch như sau:
Ngày 20-8-1982, Hoàng Cầm bị bắt giam với tội danh "truyền bá văn hóa phẩm phản động", cụ thể là âm mưu đưa bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài. Mãi đến 16 tháng sau, tháng 12-1983, nhà thơ ký nhận mình can tội "phản động", mới được trả tự do, không xét xử chi cả! Về nhà, Hoàng Cầm lâm bệnh trầm uất, suốt ngày ngồi yên lặng như mất hết cả hồn vía. Bác sĩ bảo là bệnh tâm thần nặng! Bạn bè thân thiết đến thăm, ông cứ ngồi bất động, gương mặt lạnh băng, đôi mắt như chìm vào cõi hư vô. Suốt mấy năm liền như thế, không thuốc thang nào chữa được; những người yêu thơ Hoàng Cầm xót xa trong dạ: kể như nhà thơ đã chết rồi! Quả là Hoàng Cầm không thiết gì trên cõi đời này nữa. Ai đến cũng không biết, nói gì cũng không nghe. Phùng Quán đến nhiều lần, cũng vậy. Một hôm, Phùng Quán cắp chai rượu làng Vân đến, ngồi trước mặt ông Hoàng, rót rượu ra và đọc bài thơ này. Nghe xong bài thơ, nước mắt Hoàng Cầm rịn ra, lăn từ từ trên gò má hóp, tái xanh. Một hai giọt nước mắt Hoàng Cầm rơi vào chén rượu quốc lủi mà Phùng Quán nâng lên mời bạn vong niên! Và thế là họ ôm nhau, hàn huyên… Sau ngày đó, Hoàng Cầm sống lại. Rồi ông Hoàng vô Sài Gòn, đến quán Lá Diêu bông, tiếp tục làm thơ, tiếp tục yêu say mê cõi đời này… Một loạt bài thơ mới ra đời từ đó đến nay.
Triệu Xuân.
Bài thơ của Phùng Quán, như một liều thần dược, đã cứu được một nhà thơ! Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
PHÙNG QUÁN GỬI HOÀNG CẦM MẮC BỆNH TÂM THẦN NẶNG
Lại ngã lòng suy sụp
Một nhà thơ đã viết những dòng thơ lẫm liệt
“ - Tiểu đội anh, những ai còn, ai mất?
Không, không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi…”
Trên thế gian có nghìn nhà thơ lớn
Trên thế gian có nghìn con sông lớn
Nhưng chỉ có một dòng
Nhờ thơ mà vang vọng
Nhờ thơ mà vinh danh
Đó là con sông Đuống quê Anh
Mà anh xót xa như bàn tay anh rụng 1.
Tôi tin chắc như đinh đóng cột
Sau khi Anh mất đi
Theo sau linh cữu anh
Ngoài bạn hữu gia đình
Có cả con sông Đuống
Sông Đuống mặc đại tang
Khóc bên bồi bên lở
Sóng vỗ bờ nức nở
Đời đời chịu tang Anh
Tôi không tin một nhà thơ như Anh
Lại ngã lòng suy sụp!.
Hà Nội, tháng 3-1987
Phùng Quán
Hoàng Cầm chép lại tặng Triệu Xuân ngày 1-1-1992. Ký tên: Hoàng Cầm.
Ghi chú:
1. Câu thơ trong bài Bên kia sông Đuống: “Nghe xót xa như rụng bàn tay”. (T.X)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét