Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Albert Camus: Câu chuyện của Dịch hạch đến Covid-19

Albert Camus: Câu chuyện của
Dịch hạch đến Covid-19

Dịch hạch (tiếng Pháp: La peste), cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Pháp Albert Camus (1913 - 1960) xuất bản năm 1947, được trao Giải thưởng của các nhà phê bình năm 1947 và giải thưởng Nobel Văn Học năm 1957. 
Đại văn hào Pháp Albert Camus
Albert Camus: câu chuyện của Dịch hạch
Câu chuyện bắt đầu một ngày tháng 4 năm 1940, những xác chuột ngổn ngang trên đường phố Oran, Algérie (thời còn thuộc Pháp), một thành phố yên bình bên bờ Địa Trung Hải. Mỗi giờ trôi qua, số xác chết tăng theo cấp số nhân. Dịch hạch xuất hiện. Cùng với xác chuột, những bệnh nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện, rồi xuất hiện những người chết đầu tiên. Trong vòng vài ngày, dịch hạch bùng nổ. Qua nhiều cuộc tranh cãi, cùng với số người chết tăng nhanh, chính quyền Oran buộc phải công nhận đại dịch và quyết định phong tỏa thành phố, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.
Trong bối cảnh ấy, cuộc sống vẫn tiếp tục bên trong thành phố với nhiều tâm thế khác nhau: Kẻ sợ bệnh dịch sống trong sợ hãi; Kẻ tuyệt vọng vì bị kìm chân tìm những thú vui để quên nỗi lo âu; Những kẻ khác thản nhiên lợi dụng cảnh khốn đốn chung để làm giàu; Sau cùng, một số ít can đảm hơn đứng lên, tìm cách chiến đấu chống lại sự hoành hành của dịch bệnh. Trong số những người hùng đó, có bác sĩ Rieux, người đầu tiên nhìn ra bệnh dịch, chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh vì cộng đồng.
Thành phố Vũ Hán: Covid-19 được gọi tên
30/12/2019, trong khi toàn cầu đang háo hức đón giây phút giao thời, tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), phát đi tín hiệu đầu tiên về một chủng virus mới mà anh cho là rất nguy hiểm. Với kinh nghiệm của một bác sĩ lành nghề, anh dường như đã dự cảm thảm cảnh của đại dịch hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) năm 2002 khiến hơn 900 người thiệt mạng và 8000 người mắc bệnh, ở 29 quốc gia.
10 giờ sáng ngày 23/01/2020, sau khi xác nhận 882 ca mắc bệnh, 26 người tử vong, chính quyền thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) công bố đại dịch đồng thời ra lệnh phong tỏa, đóng cửa thành phố nhằm hạn chế mức độ lây lan của virus corona (được WHO đặt tên Covid-19).
Một cuộc chiến ở quy mô rộng lớn bắt đầu, chúng ta chợt nhận ra một Oran trong hiện thực tại Vũ Hán. Tuy nhiên, khác với bác sĩ Rieux, bác sĩ Lý Văn Lượng đã không có một kết cục may mắn, anh đã ra đi sau hai tháng đấu tranh cho sức khỏe của cộng đồng.
Chưa đầy hai tháng sau, thế giới buộc phải đóng cửa nhiều thành phố khác. Rạng sáng ngày chủ nhật 08/03/2020, với 233 trường hợp tử vong và hơn 6.000 người mắc bệnh, chính phủ Ý buộc phải áp dụng một biện pháp chưa từng có tiền lệ, cách ly toàn bộ vùng Bologna, một phần của Veneto, Piedmont và Emilia-Romagna, bao gồm 15 triệu dân (1/4 dân số nước Ý).
Ngoài Ý, rất nhiều cuộc phong tỏa cục bộ khác đang lần lượt được thi hành. Việt Nam cũng đã từng cách ly một xã (Sơn Lôi – Vĩnh Phúc) sau khi phát hiện ra sáu trường hợp dương tính với virus. Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều thành phố khác trên thế giới cũng áp dụng biện pháp cách ly một khu dân cư nhằm hạn chế sự lây lan.
Thoạt đầu, khi cả một cộng đồng lớn phải đối diện với việc phong tỏa cưỡng chế, có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát. Đó chính là suy nghĩ của Raymond Rambert (nhân vật trong Dịch hạch), phóng viên của một tờ báo ở Paris được cử đến Oran để điều tra về cuộc sống ở đây. Dịch hạch làm anh kẹt lại thành phố, không thể trở về với người yêu. Những ngày đầu anh tỏ ra bình thản đến thờ ơ như một kẻ ngoài cuộc, anh tìm mọi cách để thoát khỏi Oran. Để rồi, khi dịch hạch thực sự trở thành kẻ ác nhân reo rắc cái chết đen, anh đã hiểu ra mối nguy hiểm và quyết định ở lại chiến đấu sát cánh cùng Rieux.
Camus: bệnh dịch là phép thử của tình đoàn kết nhân loại
Khi viết Dịch hạch, Camus muốn thông qua dịch bệnh để lên án chủ nghĩa phát xít như một căn bệnh chính trị truyền nhiễm nguy hiểm, dịch hạch, thủ phạm gây nhiều trận dịch kinh hoàng với tỉ lệ tử vong rất cao trong lịch sử nhân loại. Trong đó có thể kể trận dịch giữa thế kỷ XIV ở châu Âu, giết chết khoảng 1/3 số dân (25 triệu người), và trận dịch năm 1665 làm chết 60.000 người ở Anh.
Nếu không xét đến ý đồ chính trị của Camus, thì Oran chính là hiện thực của thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), của Sơn Lôi (Việt Nam), Bologna (Ý)… những ngày này.
Chiều 06/03/2020, Hà Nội ra thông báo khẩn cấp về ca nhiễm số 17 ở Việt Nam. Đây cũng là ca đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Đó là một cô gái, đã đi một chặng đường dài, từ châu Âu trở về, trốn khai báo và không có ý thức tự cách ly nên nguy cơ lây lan rất cao. Một cuộc chạy đua với thời gian để dập dịch bắt đầu. Hà Nội không có thời gian để mất.
Thông tin về ca bệnh bất ngờ này đã chấm dứt chuỗi 22 ngày cả nước không ghi nhận bệnh nhân mới, dập tắt hi vọng xóa dịch của thủ đô. Người Hà Nội hoang mang. Rất đông người dân đổ xô từ đêm để tranh nhau mua đồ ăn, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm và vô hình trung đẩy giá hàng hóa lên cao. Trên mạng, tràn lan những bài viết, những thông tin trái chiều về bệnh nhân số 17, với những lời phán xét nặng nề. Xét về mặt tâm lý, đó chỉ là phản ứng tức thời khi nỗi sợ lấn át lí trí chúng ta.
Tuy nhiên, phương thuốc hữu hiệu nhất lúc này để chúng ta phòng tránh đại dịch chính là sự đoàn kết. Đoàn kết không có nghĩa là tập trung nhau lại thành số đông. Đoàn kết trong lúc này chính là sự chia sẻ, ý thức từng người để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đó chính là chìa khóa quyết định chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến với quy mô toàn cầu này.
Cũng như trong thế giới Dịch Hạch của Albert Camus, có không ít những người bất chấp nguy hiểm lao vào vùng dịch cứu người. Xã hội ca ngợi họ như những người anh hùng. Dù với bác sĩ Rieux, đó chỉ đơn giản là trách nhiệm của một người thầy thuốc và đơn giản hơn, của một con người. Rieux từng nói với cha Paneloux: “Cứu rỗi nhân sinh là một chữ quá lớn đối với tôi. Tôi không nhìn xa như thế. Tôi chỉ chú ý đến sức khỏe. Sức khỏe con người trước tiên”. Và có lẽ, Lý Văn Lượng, khi còn sống, cũng nghĩ như thế.
Khi viết Dịch Hạch, Camus hiểu  rằng “Mọi người đều mang nó trong mình, bệnh dịch, bởi vì không ai trên thế giới có thể thoát khỏi nó… Bệnh dịch có mầm mống tự nhiên”. Trên cương vị bác sĩ, Rieux – phát ngôn viên của Camus, đã tìm ra chân lý để chiến thắng đại dịch: “Tôi cảm thấy đoàn kết với những người bệnh vẫn hơn là với các vị thánh (…) Tôi không có đức tin. Tôi chỉ tin vào giá trị con người”. Vì thế đối với Rieux, chống dịch còn là làm mọi cách để giảm bớt nỗi đau của những bệnh nhân bằng tình đoàn kết với những người bệnh, và đoàn kết với những người đấu tranh. Vì cuộc đấu tranh này còn dài bởi loài người không thể tự loại bỏ bệnh dịch “Căn bệnh sẽ tự biến mất như khi nó đến”. Nói cách khác, bệnh dịch vẫn sẽ tồn tại cũng giống như cái thiện và cái ác, con người vẫn luôn phải cảnh giác. Chỉ có sức mạnh của sự đoàn kết mới có thể giúp chúng ta đủ sức mạnh chiến thắng. Đó chính là hiện thực trong Dịch Hạch.
10 tháng sau những ca bệnh đầu tiên, vào buổi bình minh đẹp trời của tháng hai, cổng thành Oran cuối cùng cũng mở. Dịch hạch biến mất.
 Gần một thế kỷ sau khi Dịch hạch ra đời, Camus khó có thể tưởng tượng, câu chuyện của ông lại đang là hiện thực của thế giới. Nếu như đó là lời tiên đoán của Camus, chúng ta sẽ cùng hi vọng, thế giới sẽ được giải phóng khỏi bóng ma Covid-19 trong một ngày không xa và lấy lại nhịp sống hối hả vốn có của nó bằng chính tình đoàn kết của tất cả mọi người và mọi dân tộc trên toàn thế giới.
Q.G
(Theo tạp chí Non Nước số 266)
 
6/7/2020
Quyên Gavoye
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bóng núi đổ xuống lưng lạc đà Thơ Halmosi Sándor rất khó đọc. Đọc một lần khó nắm bắt được thông điệp và vẻ đẹp thi ca mà tác giả đưa ra...