Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Có một câu chuyện dài về Covid-19

Có một câu chuyện dài về Covid-19!

Câu chuyện dài về dịch cúm có vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên, không sớm hơn hay muộn hơn mà xuất hiện ngay Tết Nguyên Đán Canh Tý. 
Nhà thơ Bình Địa Mộc
Người phụ nữ trước khi làm mẹ phải làm vợ; trước khi làm vợ phải làm người yêu; trước khi làm người yêu phải làm cô gái xinh đẹp, dịu dàng, nết na với quỹ thời gian tính bằng đời người. Đó là câu chuyện dài! Nhưng với đại dịch Covid – 19 thì câu chuyện ngắn hơn. Chỉ cần sơ ý hắt hơi một cái hay một cái bắt tay; một cái ôm của người mang mầm bệnh có thể lây lan cho hằng trăm người khác trong tích tắc vài giây, với phạm vi bán kính 1m². Khoảnh khắc lây lan nhanh chóng đó diễn ra trong không gian một toa tàu; một hàng ghế máy bay hay xe khách; một bữa tiệc… Có thể đặt dấu chấm hết cho một niềm hy vọng lớn lao, được gieo hạt từ cánh đồng lao động cần cù của mấy ngàn người ở một thị trấn; mấy triệu người ở một tỉnh lỵ; mấy tỷ người ở một quần thể kiến trúc nhân sinh tồn tại vài ngàn năm sẽ bị hủy diệt trong chốc lát. Đó là câu chuyện đau lòng!
Câu chuyện dài về dịch cúm có vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên, không sớm hơn hay muộn hơn mà xuất hiện ngay Tết Nguyên đán Canh Tý. Thậm chí các nước châu Á còn đang kỳ nghỉ Tết; chưa đi làm, công nhân chưa trở lại công ty; học sinh chưa đi học. Thời khắc này dư âm mùa Xuân nồng nàn còn phảng phất đó đây! Mùa dịch lại bắt đầu ngay Năm Tài chính 2020, tức vào khoảng giữa tháng 1, đến đầu tháng 2 dương lịch kéo dài cho đến hôm nay. Hậu quả gần 240.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, gần 9000 ca đã tử vong. Số liệu này sòng phẳng chia đôi, một nửa cho Trung Quốc Đại lục – Quốc gia đông dân nhất thế giới. Quốc gia được cho là tâm dịch, ổ dịch; nơi phát tán con virus corona đầu tiên gây chết người. Một nửa thiệt hại còn lại chia cho các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà phần lớn tập trung tại châu Âu. Câu chuyện đến đây không phải dài nữa, đau lòng nữa mà là rất lan man!
Nói gì thì nói thế giới cũng đã mắc dịch rồi, nhân loại cũng đã có vài ngàn người chết, vài chục ngàn người đang điều trị, người cách li theo dõi. Thậm chí có người tháo chạy khỏi nơi cư trú, người kiên trì bám trụ nước sở tại, người hồi hương về quê. Tuy nhiên nếu ai đó trở về đất mẹ Việt Nam xin hãy tuân thủ khai báo y tế tại sân bay, đầy đủ và rõ ràng. Nếu có cách li xin hãy nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế cách li. Nếu ngột ngạt, khó chịu đôi chút xin hãy thông cảm, đừng đòi hỏi thái quá. Miễn phí mà! Đừng manh động hành xử cá nhân theo kiểu hoang dã, vô tình phương hại đến cộng đồng. Bởi thời gian cách li 14 ngày so với “Ba vạn sáu ngàn ngày” thì bõ bèn gì mà hốt hoảng, nhảy nhót? Xin hãy chậm mà chắc các bạn ạ! Như PTT Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống nCoV trăn trở “Hãy ngồi yên khi đất nước cần bạn ngồi yên”.
Đồng thời cũng nên hiểu rằng qua đại dịch lần này, chúng ta thấy rõ các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực, châu lục khác nhau nhưng bộc lộ những ưu điểm, khuyết điểm giống nhau về các lãnh vực như kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế… Vô hình chung tạo nên một bức tranh toàn cầu gồm các gam màu sáng tối, nhợt nhạt, lung linh kể cả ảm đạm được nét cọ virus Covid – 19 khắc họa mỗi lúc, mỗi nơi một rõ nét, lổn nhổn cung bậc cảm xúc. Bình tĩnh chủ động; lo lắng, sợ sệt kể cả vụng về, lúng túng trong khâu cách li, khoanh vùng, dập dịch. Đó là câu chuyện dài của các vị Nguyên thủ Quốc gia hùng mạnh và chưa hùng mạnh; phát triển và chưa phát triển xoay quanh sự cố khủng hoảng chiếc khẩu trang y tế, mặc dầu giá trị xuất xưởng của nó chỉ vài trăm đồng tiền Việt!
Trước sau gì dịch cúm Covid – 19 cũng sẽ chấm dứt. Bởi hàng trăm, hàng ngàn giáo sư, y bác sĩ, tiến sĩ khoa học khắp nơi trên thế giới về lãnh vực dịch tễ; y tế đang khẩn trương nghiên cứu chế tạo vaccine đặc trị virus corona chủng mới này. Các quốc gia có điều kiện kinh tế cũng đã sẵn sàng chi hằng triệu USD nhằm phục vụ cho dự án thử nghiệm, sản xuất; kể cả bù lỗ cho doanh nghiệp, chi tiền hỗ trợ cho nhân dân thất nghiệp, hạ lãi suất tiền vay ngân hàng. Tuy còn sớm nhưng chúng ta có quyền lạc quan, tin tưởng các trường học sẽ mở cửa trở lại đón học sinh, sinh viên vào học; các công ty tái hoạt động hiệu quả; các cửa hàng, cửa hiệu mở cửa kinh doanh. Đêm xuống ánh đèn sẽ lung linh huyễn hoặc trên khắp phố phường. Hy vọng con người sẽ chung tay tiêu diệt con virus bé nhỏ này, kết thúc chuỗi ngày sống trong hoang mang sợ hãi!
Đó là câu chuyện ở thì tương lai không dài, không ngắn; cứ lấp ló, thập thò trước mắt chúng ta. Song theo anh, cái mất thì đã mất rồi, không riêng gì Việt Nam em ạ, mà ngay cả thế giới nói chung, các quốc gia có nền kinh tế ổn định như Mỹ, Pháp, Anh, Italya nói riêng… Cũng chới với, chênh vênh hà huống gì mình! Đây thật sự là một đợt Tổng diễn tập Phòng chống Thiên tai Dịch bệnh trên bình diện quốc tế. Biểu hiện sức nước nào mạnh, sức nước nào yếu, sức nước nào chưa dâng lên thì thuyền đã úp. Riêng đối với Việt Nam cái được nhiều nhất theo anh là tính nhân văn; tình đồng loại, tình người vốn đã ngủ quên trên vòng tay cuộc sống ấm áp mấy thập kỷ qua; nay mới có dịp hong hơ trở lại. Và sự sống bắt đầu ấm dần lên ngay trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta. Hiện nay số ca dương tính là 85. Trong có có 16 ca chữa khỏi, đã xuất viện; số ca nghi nhiễm 122. Gần 42.000 ca đang cách li theo dõi; trong đó gần 35.000 ca cách li tại nhà. May mắn nước ta chưa có ca tử vong. Một câu chuyện dài những mong các nhà khoa học, chính trị gia thế giới phải ngồi lại suy nghĩ và tìm ra một phương án phòng tránh tối ưu cho nhân loại sau này, khi mà môi trường tự nhiên, môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng.
Câu chuyện một chai nước diệt khuẩn, một vài trăm cái khẩu trang y tế may thủ công cấp miễn phí cho bà con. Ổ bánh mì vài ngàn, đến hộp cơm bụi mấy chục ngàn đồng cho người bị cách li kể cả người kiều bào hồi hương cũng hoàn toàn miễn phí. Chưa kể hàng trăm y bác sĩ ngày đêm tác nghiệp trong phòng thí nghiệm; bệnh viện, khu dã chiến nhằm cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất có thể. Hằng trăm chiến sĩ công an, quân đội ra quân, cắm trại 24/24 ở các khu cách li, biên giới, đường mòn, lối mở chưa đến mức phải “nằm gai nếm mật” nhưng thực sự cuộc sống, ăn ở, sinh hoạt, đi lại, canh gác… Của anh em ở những nơi này còn rất khiêm tốn, thiếu thốn mọi thứ, nhưng họ vẫn vui vẻ ở đây làm nhiệm vụ hạn chế số người nhập cư trái phép để phòng ngừa lây nhiễm, có khi cả tháng chưa về thăm nhà. Mà khi về đến nhà còn phải tự cách li với vợ con, người thân trong gia đình thêm 14 ngày nữa.
Ngoài ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phát động phong trào hưởng ứng, ủng hộ tinh thần lẫn vật chất cho công cuộc phòng chống dịch cúm ngày càng diễn biến phứt tạp. Từ thùng mì tôm đến một triệu đồng; từ một triệu đồng đến một tỷ… Lan tỏa khắp cộng động người Việt ở trong nước và nước ngoài. Từ các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, mạnh thường quân; đến các em học sinh và nhân dân sẵn sàng chung tay quyên góp. Phong trào này đã kịp thời phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc; lá lành đùm bọc lá rách te tua. Đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thái độ sống có ý nghĩa của người dân và trách nhiệm của chính quyền các cấp, từ địa phương đến trung ương. Đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của cả hệ thống chính trị; sự tham mưu và cung cấp thông tin kịp thời của các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Đó câu chuyện lịch sử sáng ngời trong thập niên hai mươi. Mà mỗi người chúng ta là một ngoài bút phản biện sắc sảo chống tin giả trên mạng xã hội, lợi dụng dịch cúm tung tin đồn thất thiệt; một chiến sĩ dũng cảm trên pháo đài chống virus; một ngọn đuốc soi đường trên mặt trận y tế, văn hóa, giáo dục với ý chí quyết tâm cao nhất. Chống dịch như chống giặc!
Sài Gòn, 20. 3.2020
B.Đ.M
 
20/3/2020
Bình Địa Mộc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...