Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Trần Kiết Tường - Nhạc sĩ viết lãnh tụ ca

Trần Kiết Tường - Nhạc sĩ
viết lãnh tụ ca

Trần Kiết Tường (1924-1999), cũng là tên thật của nhạc sĩ kháng chiến tiền phong ở Nam bộ. Ông sinh ra tại Ô Môn (Cần Thơ), bên cạnh tuyến lửa Vòng Cung, nơi đây cũng là quê hương của nhà giáo yêu nước Châu Văn Liêm, nhạc sĩ viện sĩ Lưu Hữu Phước. Tác phẩm tiêu biểu: Anh Ba Hưng (1950), Áo bà ba, Bốn bánh xe tôi lăn , Cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bánh xe lăn, Quê hương ơi, ta sẽ về, Mimosa, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người – bài ca làm rạng danh tên tuổi của ông. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I, 2001).
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường.
Trong số những người viết ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Kiết Tường là nhạc sĩ gốc người Nam bộ, đã viết ca khúc nổi tiếng: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người. Từ thuở niên thiếu còn học Sơ đẳng tại quê nhà Ô Môn, Cần Thơ, Trần Kiết Tường đã tỏ ra thích nghe đàn hát, nhất là những bản dân ca, ca dao: Ầu ơi!… Con tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày ngày biết ơn/ Cùm nụm, cùm nịu/ Trời đánh tay tiên/ Đồng tiền chiếc đũa… và các các bài đồng dao: Bắt kim thang, Con chim manh manh. Đó là những câu hát, câu hò của các bà mẹ hát ru con ngủ bất chợt nghe được trong xóm hay từ những chiếc ghe thương hồ cặp bến chợ hay lênh đênh trên sông rạch miền Tây. Trần Kiết Tường sớm bộc lộ rõ nét lòng say mê âm nhạc, ảnh hưởng từ người cha có máu nghệ sĩ, đã kèm dạy âm nhạc cơ bản cho ông bước đầu, rồi sau đó ông tự mày mò học chơi đàn kìm (nguyệt cầm), đàn mandoline với những bài nhạc cổ như Bình bán vắn, Tây Thi… Lớn dần lên, đi đâu Trần Kiết Tường cũng luôn mang theo bên mình cây đàn như một vật bất ly thân từ khi đến học Trung học tại Cần Thơ cũng như sau đó ra Huế. Khi còn học ở đất thần kinh, mỗi lần về nhà, Trần Kiết Tường đều mang theo cây đàn mandoline để cùng hòa nhạc với tiếng đàn guitare của nhạc sĩ đàn anh Lưu Hữu Phước.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người – bài ca làm rạng danh tên tuổi của Trần Kiết Tường.
Do hoàn cảnh gia đình không khá giả, Trần Kiết Tường phải rời quê nhà, bươn chải đi nhiều nơi tìm kế sinh sống. Đến năm 20 tuổi, Trần Kiết Tường sang Phnôm Pênh làm nghề gõ đầu trẻ. Nơi đây, nhạc sĩ kết hôn với cô thợ may Việt kiều nết na, diệu hiền, chuyên may áo bà ba tên Trần Tố Linh (1925-2008). Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như bao thanh niên yêu nước khác ở Nam bộ đã ý thức được quốc nạn ngoại xâm, Trần Kiết Tường hăng hái trở về quê nhà sau đó mạnh dạn thoát ly gia đình, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùa đúng 21 tuổi, ông tham gia công tác ở phòng Tuyên truyền quận Ô Môn, sau chuyển về Châu Đốc.
Ngón đàn mandoline dòn dã, điêu luyện của nhạc sĩ đã góp phần đắc lực cho công tác cách mạng. Anh em chân thành: Anh cứ chơi đàn cho hay, đồng bào nghe có đàn hát, sẽ tới nghe chúng ta nói chuyện đông hơn. Năm 1948, tại Đồng Tháp Mười, bên bờ kinh Dương Văn Dương, dưới ánh đèn dầu lù mù, Trần Kiết Tường phổ nhạc bản “Chiến sĩ vô danh”(1948) từ một bài thơ của Dân Thanh, nói về một người mẹ lặng lẽ nén đau buồn, tiễn đứa con trai yêu quý ra đi chiến đấu. Ca sĩ Quốc Hương, lần đầu tiên hát bài này ở miền Tây Nam bộ, khiến chiến sĩ và đồng bào khi nghe rất xúc động có người không cầm được nước mắt.
Sau đó, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác nhiều bài khác: Thiếu sinh quân hành khúc (), Theo dấu cụ Hồ (), Nhớ Bác Hồ (), Công binh Việt Nam ()… và được biết đến nhiều hơn cả là bài Anh Ba Hưng (), một ca khúc lành mạnh, lạc quan, tiết tấu giòn tan, khỏe khoắn, mang âm hưởng dân ca Nam bộ, ra đời trong kháng chiến gian khổ: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân. Đi lính ba năm trường, vừa mới được huân chương. Thắng Sáu nó khen anh hoài. Nó nói rằng anh có tài, nó nói mới một năm nay mà anh đã giết Tây hơn trăm thằng. Vừa rồi mới được huân chương. Khen anh giỏi bắn, bắn cây sùng trường. Anh giết nhiều Tây / a, / a, / a. Nó vô cướp phá, phá tan xóm mình. Láng giềng hỏi thăm sự tình. Tôi nói có anh Ba Hưng…”. Bài hát viết về nhân vật có thực tên là Hứa Quang Hưng trong bộ đội, đang kháng chiến tại miền Nam lúc bấy giờ.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ lẫy lừng, theo ký kết của hiệp định Genève, nhạc sĩ Trần Kiết Tường và Trung đội trưởng Hứa Quang Hưng tập kết ra Bắc. Anh Ba Hưng, sau đó, được cử  đi học trường sĩ quan Pháo binh rồi lại trở về miền Nam chiến đấu, lấy vợ là cô du kích Nguyễn Thị Hương người làng cao su Dầu Tiếng, Tây Ninh. Cùng năm đó, Trần Kiết Tường cũng chia tay vợ – bà Trần Tố Linh và hai con Trần Thanh Thảo và Trần Thanh Bình ở lại để xuống tàu… Sau hai năm hòa bình được lập lại, tại thủ đô Hà Nội của miền Bắc trên đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhạc sĩ Trần Kiết Tường có điều kiện để sáng tác được nhiều nhạc phẩm quan trọng đậm tính thời sự, để nói lên tấm lòng của nhạc sĩ: Cánh tay miền Nam trên đất Bắc (1956), thể hiện tinh thần xây dựng miền Bắc của những người con miền Nam tập kết, viết về chủ đề Hà Nội sau chiến tranh rất đáng trân trọng: Thủ đô thân yêu! Ta đã về đây, xây đời hòa bình. Cùng nhau xây đời… Anh muốn chắp cánh bay. Tiếp đến là bài Áo bà ba (1956), để nhớ đến người vợ thân yêu Trần Tố Linh, đang còn ở miền Nam. May mắn đã đến với người nghệ sĩ xa nhà: năm 1957, vợ con Trần Kiết Tường từ đất Nam bộ vượt biên sang Campuchia đáp máy bay – cùng 12 phụ nữ đồng cảnh ngộ – từ Phnôm Pênh ra Hà Nội (1958) để được đoàn tụ cùng nhạc sĩ. Cùng trong năm này, tại căn nhà số 96 Phố Huế, Hà Nội, diễn ra Đại hội Thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam – tiền thân là ban Nhạc Vũ Trung ương. T
rần Kiết Tường là một đại biểu có mặt trong số 9 nhạc sĩ Miền Nam, trên tổng số hơn 40 hội viên cả nước về dự Đại hội. Yên tâm công tác trên vùng đất tự do, nhạc sĩ Trần Kiết Tường tiếp tục sáng tác thêm nhiều bài khác trong số đó có: Bánh xe lăn, Đàn bò của tôi, Bài ca chiến thắng,… và rất nổi tiếng là bài: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (1962), đến nay còn phổ biến. Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, về xuất xứ của bài hát này, Trần Kiết Tường đã chân thành nhắc lại cảm xúc của mình khi sáng tác như sau: “Đang ở tại Hà Nội, tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tôi nghĩ, miền Nam đau thương càng muốn sống và chiến đấu, khi nhớ tới Bác, Người là niềm tin của nhân dân, đặc biệt là với nhân dân miền Nam. Tôi sáng tác bài hát này xuất phát từ trái tim mình. Ca ngợi Bác, chính là ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng, vì Bác cũng từ nhân dân mà ra”. Hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang minh hoạ chân dung lớn của Bác Hồ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” cũng đã gợi ý xác định thêm chủ đề cho Trần Kiết Tường phấn khởi, hào sảng viết lên bài hát: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người.
Vì sinh ra và lớn lên tại Đồng bằng sông Cửu Long trù mật, phong phú tiếng hát điệu hò, nên bài hát đậm chất dân ca miền Hậu Giang. Bắt đầu bài hát, với niềm tin tưởng và lòng trân trọng chân dung vĩ đại, tâm hồn mênh mông của Bác, nhạc sĩ đã tự hào ca ngợi Bác bằng nghệ thuật sử dụng tu từ hơn đến 6 lần: “Tôi hát ngàn lời ca/ Bao la hơn những cánh đồng/ Mênh mông hơn mặt biển Đông/ Êm đềm hơn những dòng sông/… Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai / Hùng thiêng hơn núi sông dài / Là một niềm tin / Hồ Chí Minh”. Ở câu mở đầu và câu kết của bài hát, điệu hò phổ biến ở Cần Thơ được tái hiện.
Trong đoạn thứ hai của bài hát, phong cách đặc thù của dân ca Nam bộ bàng bạc thể hiện, làm cho giai điệu càng tha thiết trữ tình: Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người / Là một niềm tin, Hồ Chí Minh. Ca sĩ cách mạng kỳ cựu và nổi tiếng: Quốc Hương, với giọng hát cao vút, điêu luyện đã thể hiện lần đầu tiên với lòng trân trọng lãnh tụ. Và sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh những bài hát hay chứa chan tình cảm như: Mimosa và Áo bà ba… được nhạc sĩ Trần Kiết Tường tiếp tục sáng tác và phổ biến rộng rãi, bài hát mang sắc thái một lãnh tụ ca: Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người cũng liên tiếp được trình bày với nhiều ca sĩ ba miền Nam – Trung – Bắc, ấn tượng nhất là với giọng ca của nghệ sĩ Quốc Hương cùng và giai điệu, âm thanh đặc biệt của bài hát, đã nhanh chóng bay cao, bay xa để sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Cung Thương
 
6/7/2020
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...