Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Có một Đêm Ngũ hành trong thơ Hoàng Cầm

Có một Đêm Ngũ hành
trong thơ Hoàng Cầm

Chùm thơ Đêm Ngũ hành của Hoàng Cầm ra đời đã gần 60 năm nhưng hôm nay đọc lại ta vẫn thấy tươi mới, trẻ trung đầy kiêu sa và ẩn ức.
Nhà thơ Hoàng cầm 
Hoàng Cầm – thi sĩ Kinh Bắc nổi tiếng từ trước Cách Mạng với những tác phẩm thơ và kịch thơ, sau Cách Mạng ông là người có những bài thơ khá sớm về quê hương trong kháng chiến chống Pháp như Bên kia sông Đuống, bài thơ đã được phổ biến rộng rãi từ khi mới ra đời sau này được đưa vào SGK phổ thông và đã đi vào lòng bao thế hệ bạn đọc. Tuy cuộc đời và thơ ông có nhiều thăng trầm nhưng ngay những lúc khó khăn nhất thơ ông vẫn được nhiều người yêu mến, được phổ biến qua những bản chép tay, được thuộc theo trí nhớ. Kể từ sau thời kì Đổi Mới những đánh giá nhìn nhận về ông được cởi mở, công bằng hơn, thơ ông được xuất bản trở lại và có nhiều bạn yêu thơ ông có điều kiện đọc Hoàng Cầm – một thi sĩ “đa tình, kiêu sa và ẩn ức” (Nguyễn Đăng Mạnh). Những bài thơ Mưa Thuận Thành, Lá diêu bông, Cây tam cúc, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi và chùm năm bài thơ Đêm Mộc, Đêm Hỏa, Đêm Thủy, Đêm Kim, Đêm Thổ… có lẽ đã đi vào sâu thẳm lòng người yêu thơ, ít ai có thể đọc một lần. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết nhỏ này tôi chỉ đưa ra một vài cảm nhận của mình về chùm thơ năm bài Đêm Mộc, Đêm Hỏa, Đêm Thủy, Đêm Kim, Đêm Thổ, tôi gọi đó là Đêm Ngũ hành, Đêm Kinh Bắc, Đêm Hoàng Cầm.
Triết học cổ phương Đông quan niệm năm yếu tố cấu thành vũ trụ (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) năm yếu tố này tùy theo mối quan hệ mà tương sinh, tương khắc vời nhau. Đã từ xa xưa Ngũ hành gắn liền với con người từ cách ăn, cách ở, rồi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái… Ai đó đã từng nói đến ngũ quả thi có lẽ năm bài thơ của Hoàng Cầm cũng là năm thứ quả với năm màu trên mâm ngũ quả đó, là năm sắc trong đám mây ngũ sắc, năm ngón tay của một bàn tay, chúng không thể tách rời bởi nếu thiếu đi một bài thì cấu tứ chỉnh thể của  chùm thơ cũng bị phá vỡ.
Năm bài thơ đều được sáng tác vào mùa đông 1959 và đều bắt đầu bằng cụm từ “Về Kinh Bắc”, Kinh Bắc – một mảnh đất có bề dày văn hóa với những huyền tích, huyền thoại, đền chùa cổ kính, hội hè đình đám, với sông Cầu, sông Đuống thơ mộng, với Luy Lâu –  một trung tâm Phật giáo từ thuở sơ khai du nhập vào Việt Nam, với những làn điêụ Quan họ mượt mà đằm thắm… Hoàng Cầm là một người con xa quê lâu ngày đang khao khát ngóng về quê mẹ, năm dòng thơ mở đầu của năm bài đều ẩn chứa những xúc cảm sâu lắng, riêng tư và cũng rất hồi hộp khi trở về Kinh Bắc quê mẹ, 4/5 dòng thơ đều xưng con làm câu thơ trở lên thân mật, tình cảm:
Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc – Đêm Thổ
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc – Đêm Kim
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt – Đêm Thủy
Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng – Đêm Mộc
Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa – Đêm Hỏa
 
Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn từng viết “Ma quỷ thay là chữ nghĩa Hoàng Cầm”, chúng ta đừng hi vọng đọc được thơ Hoàng Cầm bằng những cách đọc truyền thống, đừng tìm ngữ nghĩa trên bề mặt câu chữ mà nên đọc trong chiều Tiềm thức như cách phân chia của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, điều đó không chỉ ở chùm thơ này mà còn ở rất nhiều tác phẩm khác của Hoàng Cầm. Mỗi bài thơ trong chùm thơ này đều có cách sắp đặt câu chữ khác nhau, câu thơ dài ngắn đan xen, nhịp thơ thay đổi, chữ nghĩa rời rạc không có gì ăn nhập với nhau:
Đi đâu
Tràng mày xếch vong cung
                                        bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
Không gặp người quen
hờ
ngõ cũ
(Đêm Thổ)
 
Hình nhân má điệp tóc mực tàu
Mắt nghiêng dựa liếp
Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu
Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa
(Đêm Kim)
Có lẽ chỉ Hoàng Cầm mới nhìn ra tượng Quan Âm má ửng bồ quân nữ tính, trẻ trung và đầy ẩn ức. Mỗi con chữ trong thơ ông tưởng như rời rạc song kì thực lại được đặt trong những mối tương quan, chúng hô ứng và cộng hưởng lẫn nhau, vừa giàu nhạc điệu, nhạc tính. Hình ảnh thơ đầy sức gợi với lụa bạch, má ửng bồ quân, yếm, khăn, ngón tay măng… bài thơ viết về đêm nhưng hình ảnh thơ cứ thoáng hiện đâu đây với đầy những phấp phỏng, chờ mong:
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng rịt lá trường sinh
Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít
                            ong bay vai áo tiểu thon mình
(Đêm Thủy)
Đến bài thơ Đêm Hỏa những ẩn ức càng tăng, phải chăng đó là sự oi nồng, hạn hán, nóng đốt của lửa, đêm chứa đầy những chất chứa nội tại để chờ một trận bão giông. Nếu Đêm Thủy là đêm của những mượt mà, nữ tính, dịu nhẹ thì đến Đêm Hỏa là đêm của những dữ dội, khắc khoải với những hình ảnh lá lúa rang châu chấu, chậu máu chát chao, tiếng thét, nét chữ toạc lưng trâu mộng…
Vợ xách giỏ cua đồng nghén nước
Hoa thui ngọn bí lông tơ
Đại hạn tháng ba
                       lá lúa rang châu chấu
 
Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao
 
Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
                                   (Đêm Hỏa)
 
Khép lại chùm thơ là bài Đêm Mộc, đó là sự trở về với giấc mơ dang dở, với buồng động bóng đêm rằm cùng những cây quen thuộc như khế chua, cau, cói… nhưng tất cả lại chứa trong mình biết bao ẩn ức xa xăm:
Ngủ lại giấc mơ dang dở
Chũm cau căng nứt mạch tằm
 
Yếm may ba ngày mẹ vá lại
Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm
                                   (Đêm Mộc)
 
Chùm thơ Đêm Ngũ hành của Hoàng Cầm ra đời đã gần 60 năm nhưng hôm nay đọc lại ta vẫn thấy tươi mới, trẻ trung đầy kiêu sa và ẩn ức. Cùng với Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc và rất nhiều thi phẩm khác Hoàng Cầm đã đem đến một phong cách riêng, một dấu ấn riêng trong dòng chảy thi ca dân tộc. Thơ Hoàng Cầm vừa tiệm cận các trào lưu thơ hiện đại phương Tây vừa mang nét dân tộc và đậm chất Kinh Bắc. Đêm Ngũ hành là một chùm thơ còn phải tìm tòi, khám phá nhiều hơn nữa, có như thế chúng ta mới mong  phần nào hiểu được Hoàng Cầm.
N.Q.A
1/1/2020
Nguyễn Quỳnh Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...