Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Tình yêu đất nước trong bài thơ Cương Thổ

Tình yêu đất nước trong
bài thơ Cương Thổ

Tiêu đề bài thơ với hai chữ ngắn gọn “Cương thổ” nhưng chứa đựng đầy đủ đất nước Việt Nam bao gồm: biên cương, lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc như một lời khẳng định, tuyên ngôn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời…”.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Đúng như vậy, đất nước Việt Nam với lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, bao thế hệ anh hùng, bao người con ưu tú của dân tộc, lớp lớp đã ra đi đánh giặc và trong đó không ít người đã ngã xuống cho sự bình yên, trường tồn của dân tộc, máu xương của ông, cha biết bao nhiêu thế hệ đã chảy để đổi lại độc lập, hòa bình cho tổ quốc thân yêu. Và khổ thơ đầu tác giả viết: Đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung/ giáo mác Trường Sơn/ cọc nhọn Bạch Đằng/ đến trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận/ chiếc roi cày rần rật máu cha ông. Có phải chăng sự dồn nén lên đến cao trào tác giả mới thốt lên hai tiếng“rần rật”, đây là chất hào khí của dân tộc, của tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc khi bị lâm nguy.
Cũng chính trên đất nước ấy đã sinh ra cội nguồn tổ tiên của dân tộc với câu chuyện truyền thuyết đi vào lòng mỗi người con Việt Nam “trăm trứng, trăm con”, được tả thực qua thơ anh: Đất nước sinh ra huyền thoại tiên rồng/ bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển/ mẹ lội suối trèo non/ cha bạt ghềnh chắn sóng/ mong mai sau lên vóc lên hình.
Đó còn là sự thao thức, trăn trở trước những hiểm họa đang đến gần trên các vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Đất nước của chúng ta liên miên trận mạc suốt bao đời, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm: “Thân vùi đảo xa/ ma đói lạnh trùng khơi”. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân, đã vĩnh viễn nằm xuống vì biển, vì sông như những “con sóng”, “quặn đau”  vỗ vào “đất nước”. Để rồi tác giả đã hóa thân vào “hồn biển động” nói lên “lời vỏ sò vỏ ốc”- sử dụng nghệ thuật nhân cách hóa rất tinh tế, hài hòa, làm cho câu thơ thêm sâu sắc và truyền cảm trước sự mất mát, đau thương của không biết bao nhiêu người con Việt Nam ở tuyến đầu Tổ quốc. Và ở khổ thơ tiếp theo là lời “di huấn” của các bậc tiền nhân nhắc nhở chúng ta, các thế hệ đi sau không được phép lãng quên quá khứ bi thương nhưng rất hào hùng của dân tộc: Đất nước mỗi ngày lên đón ánh mặt trời/ thấy dung mạo tiền nhân nhắc lời di huấn/ nghe vị nặm mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi… Và điều hiền hòa bình dị nhất đã làm cho cỏ cây cũng phải xao động vươn lên, hướng tới và hòa quyện vào đất nước: vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh. Tác giả là người rất yêu Tổ quốc và cũng chính tình yêu quê hương, đất nước lại bắt đầu từ yêu những điều giản dị, xung quanh cuộc sống của con người với con người được tái hiện qua thơ: Đất nước đổi bao xương máu mới bình yên/ ta yêu nước là yêu những điều gần gũi nhất/ yêu giọt mưa mái tranh/ yêu reo cười bếp lửa/ mẹ từng chiều nhen ấm áp cơm rau.
Tôi còn nhớ: Tổng thống Nga – Pu tin có câu nói rất nổi tiếng với đại ý: Nếu người nào quên quá khứ là người không có trái tim…; phải chăng Nhà thơ Nguyễn Đức Dũng đã luôn canh cánh và dặn lòng mình điều đó:… nhưng ta quý những gì ta có được/ ta giữ từng câu hát ru/ từng tượng đồng bia đá/ từng vạt áo nâu già …
Cũng chính từ yêu và quí những điều nhỏ nhất, nên tác giả mới chuyển tải được vào thơ, để có những vần thơ  rộng hơn, bao quát hơn: Có đất nước nào như đất nước ta/ lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão. Và có thể khẳng định không ai yêu nước và am tường hơn người Việt Nam,  rồi trang trãi lòng mình: mỗi góc ruộng bờ cây là nỗi niềm xương máu/ mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng.
Tác giả là người xuất thân từ “gốc rạ” từng khoát màu xanh áo lính sau ngày hòa bình, từng sống trong những năm tháng còn chiến tranh, sớm cảm nhận được những thăng trầm của con đường cứu nước: đất nước ơi từng chặng tủi mừng; bươn chải với cuộc đời mới hiểu sâu sắc giá trị của độc lập – hòa bình và những khó khăn chung của dân tộc trên từng chặng đường đi tới, nên rất quí trọng, hiếu thảo, cảm thông: …con nhà nghèo lòng thảo thơm từ bé/ nghe tiếng gà nhảy ổ cũng nâng niu. Càng khẳng định tình yêu Tổ quốc – đất nước, quê hương và gia đình trong tác giả hòa quyện là một.
Nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc tình yêu đất nước cũng chính từ yêu những điều giản dị. Và hình ảnh đất nước lồng trong hình bóng của người mẹ nhân từ, chịu thương, chịu khó, suốt đời hy sinh cho chồng, cho con được thể hiện mộc mạc, chân chất nhưng sâu lắng qua thơ anh: đất nước ơi cay khói bếp chiều/ đường đánh giặc nhớ mẹ già muốn khóc. Đến câu thơ này ta lại gặp hình ảnh tương tự người chiến binh trong thơ của Hữu Loan: “lấy chồng người chiến binh/ mấy người đi trở lại/ nhớ khi anh không về/ thương người vợ bé bỏng chiều quê”. Người con được sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, thời loạn lạc, phải cầm súng lên đường bỏ lại sau lưng bóng mẹ già không có người phụng dưỡng, niềm thương và nỗi nhớ chạnh lòng thao thức và tác giả thốt lên: cứ ưng về làm cúi núi rơm thơm/ tóc mẹ bạc còn tro tàn lấm láp.
Ký ức tuổi thơ luôn lãng mạn, thân thương và đầy ắp trăn trở, lo toan trong tác giả được tái hiện qua từng con chữ, câu thơ: nhớ viên bi tuổi thơ… lăn bảy vòng ký ức/ thương nhành ổi bên nhà đong đưa bín tóc. Tác giả cho ta thưởng thức một hình ảnh đẹp hồn nhiên với cụm từ bốn chữ trong câu “đong đưa bín tóc”, để rồi có những phút giây say đắm: “…thương cánh diều…câu kiều thầy giảng…”.
Sự bi thương nhưng không bi lụy, được biểu hiện sinh động nhưng mền mại qua thơ anh: …gạt bịn rịn thường tình hóa sao khuê Nguyễn Trãi… Đến đây ta lại gợi nhớ hình ảnh đất nước trong thơ của Chế Lan Viên “…Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết kiều đất nước hóa thành văn”.
Có điều không phủ nhận được, đất nước đã sản sinh ra những anh hùng và những người anh hùng là những Nhà thơ tự nguyện trên trận tuyến: đất nước nuôi ta thành những anh hùng/ ta giữ đất bốn ngàn năm không nghỉ/ đất nước dạy ta thành thi sĩ …, nó mang mác như câu thơ của thi sĩ Sóng Hồng viết: “mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Ở khổ thơ kết tác giả khẳng định đanh thép truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta từ bao đời nay. Và truyền thống ấy tiếp tục được các thế hệ đi sau viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc ta: ta giữ đất nước bằng hào khí cha ông/ từng thế hệ trao truyền ngọn lửa hồng tim máu…
Hai câu thơ kết của tác giả: bốn ngàn năm trang sử không nguôi giờ giông bão/ những đàn con lại tiếp bước lên đường… lại khêu gợi ta nhớ đến “đất nước” của Nguyễn Đình Thi: “đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”.
Toàn bài thơ “Cương thổ”, tác giả đã hơn 15 lần dùng điệp từ “đất nước”, nhưng khi đọc lên ta vẫn không cảm thấy thừa, điều đó nói lên: tác giả viết bài thơ này với tấm lòng của người con hướng về Tổ quốc thân yêu, với ý thức, trách nhiệm thiêng liêng cao cả. Có lẽ không cần nói thêm gì, tuy bài thơ ra đời chưa lâu nhưng đã đi vào lòng người và khẳng định được vị trí trong tâm thức người dân Quảng Nam và cả nước. Là người lính, tôi cảm nhận sâu sắc bài thơ trên, rất xúc động, tự hào khi được nghe tác giả đọc… càng đọc càng cảm nhận được từng câu, từng ý thơ in sâu vào trong con tim, khối óc với lòng trân trọng, tự hào. Bài thơ như một lời nhắn gửi, nhắc nhở những người con hôm nay được sống trong bình yên, hòa bình không được phép xao lãng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc thân yêu.
V.V.T
Cương Thổ
đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung
giáo mác Trường Sơn
cọc nhọn Bạch Đằng
đến trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận
chiếc roi cày rần rật máu cha ông
 
đất nước sinh ra huyền thoại tiên rồng
bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển
mẹ lội suối trèo non
cha bạt ghềnh chắn sóng
mong mai sau lên vóc lên hình
 
đất nước quặn đau con sóng vỗ ru ghềnh
hồn biển động lời vỏ sò vỏ ốc
ta xăm ngực thuồng luồng mò trai lượm ngọc
thân vùi đảo xa
ma đói lạnh trùng khơi
 
đất nước mỗi ngày lên đón ánh mặt trời
thấy dung mạo tiền nhân nhắc lời di huấn
nghe vị nặm mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi
vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh
 
đất nước đổi bao xương máu mới bình yên
ta yêu nước là yêu những điều gần gũi nhất
yêu giọt mưa mái tranh
yêu reo cuòi bếp lửa
mẹ từng chiều nhen ấm áp cơm rau
 
đất nước đổi bao xương máu mới bình yên
ta yêu nước là yêu những diều gần gũi nhất
yêu giọt mưa mái tranh
yêu reo cười bếp lửa
mẹ từng chiều nhen ấm áp cơm rau
 
vẫn biết rằng chưa sang cả đẹp giàu
nhưng ta quý những gì ta có được
ta giữ từng câu hát ru
từng tượng đồng bia đá
từng vạt áo nâu già mẹ cặm cụi ngoài sân
 
có đất nước nào như đất nước ta
lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão
mỗi góc ruộng bờ cây là nỗi niềm xương máu
mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng
 
đất nước ơi từng chặng tủi mừng
như đứa trẻ lớn lên mỏi mòn cha mẹ
con nhà nghèo lòng thảo thơm từ bé
nghe tiếng gà nhảy ổ cũng nâng niu
 
đất nước ơi cay khói bếp chiều
 đường đánh giặc nhớ mẹ già muốn khóc
 cứ ưng về làm cúi núi rơm thơm
 tóc mẹ bạc còn tro tàn lấm láp
 
đất nước ơi qua mỗi chặn đường
qua mỗi chặn lớn khôn
 nhớ viên bi tuổi thơ sân trường lăn bảy vòng ký ức
thương nhành ổi bên nhà đông đưa bín tóc
 thương cánh diều rủ rê trốn học
 thương câu kiều thầy giảng buổi bình văn
 
 đất nước còn đau giọt lệ quá quan
 gạt bịn rịn thường tình hóa sao khuê Nguyễn Trãi
 đất nước còn buồn tiếng thở dài
 cha từng mùa cấy hái
 cơn nồm nam tàu chối biết se lòng
 
 đất nước nuôi ta thành những anh hùng
ta giữ đất bồn ngàn năm không nghỉ
đất nước dạy ta thành thi sĩ
ta giữ nước bằng nhân hậu bao dung
 
ta giữ đất nước bằng hào khí cha ông
từng thế hệ trao truyền ngọn lửa hồng tim máu
đất nước mến yêu ơi
bốn ngàn năm trang sử không nguôi giờ giông bão
những đàn con lại tiếp bước lên đường…
Nguyễn Đức Dũng
 
9/4/2020
Võ Văn Thọ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...