Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nhà văn Thùy An - Kiếp tằm nên phải nhả tơ

Nhà văn Thùy An
Kiếp tằm nên phải nhả tơ

Thùy An khởi đầu con đường văn học vào năm học đệ lục (lớp 7), đến năm đệ tam (lớp 10), bài thơ đầu đời được xuất hiện ở bán nguyệt san Phổ Thông và cùng trong năm ấy Thùy An hùn vốn cùng 5 bạn học đệ tam ban C in chung tập thơ có tựa đề “Buồn lên đôi vai”…
Nhà văn Thùy An khi còn trẻ
Biết và đọc truyện chị từ năm 1973 nhưng mãi sau ngày Sài Gòn đổi thay, tôi mới được gặp chị và quen thân bởi sợi dây thân ái của văn chương và tình chị em ngoài đời chân thật. Số là chị có người bạn thân MH, biết tôi ra ngồi chợ nên dẫn chị Thùy An đến thăm vợ chồng tôi. Từ đó (năm 1990), tôi hay ghé thăm và uống cà phê cùng Anh Đức, chị Ái (tên thật) ở đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận. Hình như anh chị còn ở nhà thuê sau khi bỏ dạy ở Đà Nẵng về Sài Gòn. Từ đó, vợ tôi cũng quý mến chị và trở nên thân thiết. Nhìn khuôn mặt, khỏi cần nói cũng biết chị Thùy An là người nhân hậu và rất chi là Huế. Thời gian sau, chị di chuyển qua một căn nhà khác ở đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận vào năm1995. Được biết đây là căn nhà nho nhỏ chị mua, không còn ở nhà thuê. Thời gian này, tôi biết Thỏ Ngọc con gái rượu của chị học nhạc viện TP. HCM. Cháu vừa giống cha vừa giống mẹ, thông minh, đĩnh ngộ lại rất hiếu thảo. Năm 2000 chị lại mua được căn nhà lớn hơn ở đường Phạm Ngũ Lão quận Gò Vấp. Cuộc sống thật sự ổn định nhưng chị lại mất đi người bạn trăm năm là anh Đức, do bệnh hiểm nghèo, vào năm 2007 và chị thành bà quả phụ. Một mất mát với chị rất lớn lao. Song không vì thế mà chị chùn bước trước cuộc đời và văn chương. Năm 2011 chị Thuỳ An qua định cư ở Mỹ với con gái Thỏ Ngọc, rể và 2 cháu ngoại. Dù ở đâu, thế nào, trang viết của chị cũng đằm thắm mà không thiếu trăn trở của người đàn bà Huế đoan chính. Nửa thế kỷ đi qua, ngòi bút của chị ngày một tinh tế, sâu sắc hơn không chỉ viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim mà còn chủ trương các tuyển tập cho tuổi mới lớn như Tuổi Ngọc, Bạn Ngọc từ năm 1990-2000. Tuy vậy, ấn tượng ban đầu khó quên của tôi là truyện dài Vườn cau nước dâng do Tuổi Hoa xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn. Truyện dắt người đọc trở về Huế bằng phương ngữ chị dùng ngọt hơn cả đường phèn và những ai yêu giọng Huế, ngôn ngữ Huế thì không thể nào quên. Xin giới thiệu chương 1 trong truyện dài Vườn cau nước dâng của chị.
Vườn cau nước dâng
Thùy An
Chương 1:
Chiều soi bóng nắng qua những hàng tre xanh. Em ngồi vắt vẻo trên thân cây sung mọc nhoài ra bờ sông, mơ màng nhìn xuống mặt nước. Trời vắng gió cho dòng nước phẳng lờ như một tấm gương. Tấm gương phản chiếu vòm trời xanh biếc. Cụm mây trắng ngần và gương mặt ngây thơ của người con gái vừa tuổi trăng tròn, mái tóc dày rối tự nhiên buông chấm bờ vai nhỏ. Em cố ngắm kỹ nét mặt mình nhưng mờ quá, loáng thoáng đôi mắt đen, sống mũi thẳng, nụ cười xinh và nổi bật nhất là chiếc áo cộc hoa em đang mặc, nền trắng hoa đỏ sáng hẳn lên trong ánh nắng chiều tà.
Có tiếng gọi em:
– Bảo Khuyên, Bảo Khuyên.
Mệ ngoại chậm chạp từ vườn trước ra sau:
– Bảo Khuyên, Bảo Khuyên, cháu mô rồi?
Em cẩn thận trèo xuống thân cây, đưa hai tay phủi bụi dính trên quần, chạy vội vào:
– Cháu đây nì, mệ.
Mệ ngoại hấp háy đôi mắt:
– Mi đi mô mơi chừ mà tao tìm không thấy?
Em cầm lấy tay mệ:
– Cháu ra sông chơi, chiều ni nước trong ghê, cháu ưa tắm rứa.
Mệ ngoại trừng mắt làm em giật mình:
– Nói tầm bậy mi, lớn sầm sầm rồi mà đòi tắm sông, ai nghe người ta cười cho thúi đầu.
Em cười:
– Cười thì hở mười cái răng, cháu không sợ mô.
Mệ ngoại ngao ngán lắc đầu:
– Ăn với nói. Cho mi đi học đi hành để chừ ăn nói rứa đó. Con gái phải giữ lời ăn tiếng nói một chút cháu ơi.
Biết mệ có tính nói dai, em đánh trống lảng:
– Mệ kêu cháu làm chi rứa?
Mệ như sực nhớ ra:
– À, hỏi mi có ai tới bẻ bắp chưa?
Em gật đầu:
– Dạ có, O Châu và O Nguyệt có qua khi hồi, nhưng cháu nói mệ còn ngủ, một chút nữa rồi tới.
Mệ ngoại có vẻ không bằng lòng:
– Thì mi coi họ cũng được chớ răng? Mi lớn rồi mười bảy tuổi rồi chớ bộ cái chi cũng mệ, cái chi cũng mệ, rứa lỡ mai tao chết rồi làm răng? Ngôi nhà ni ai coi? Khu vườn ni ai ngó?
Em phụng phịu:
– Mệ mạnh bắt chết mà chết chỉ. Khi mô mệ già hung mệ chết thì cháu đã lớn, cháu đã có chồng…
Mệ ngoại chợt giận ngang:
– Thôi! Im cái miệng mi lại. Cấm mi không được nói đến chồng nghe chưa.
Mệ ngoại ngoe nguẩy bỏ đi. Em trố mắt, ngạc nhiên nhìn theo. Lạ ghê, không hiểu tại sao mệ lại ghét nói đến chuyện chồng con kinh khủng, dù bất cứ ai chứ chẳng phải riêng em. Mới hôm kia đâu, chị Lộc cạnh nhà sang cho phần đám hỏi, mệ không buồn nhìn, mệ bỏ đi vào phòng rồi một lúc sau, đợi chị Lộc về rồi, mệ mới ra ngoài bảo em:
– Thấy cái mặt mấy đứa gần lấy chồng, tao không ưa. Tưởng mô hạnh phúc lắm, đừng ham mi ơi, không có chi khổ bằng. Mi đừng có bắt chước con Lộc nớ nghe.
Em nhăn mặt:
– Mệ nói chi lạ rứa. Cháu còn nhỏ mà bắt chước răng được, chị Lộc năm ni hai mươi hai tuổi rồi, còn năm năm nữa…
Vậy là mệ ngoại nhẩy chồm lên:
– Mi nói răng, còn năm năm nữa mi lấy chồng phải không? Đồ con gái hư, đồ vô ơn bạc nghĩa…
Mệ nói hơi dài rồi mệ buông mình xuống phản, mệ thở, mệ khóc hu hu… em chẳng hiểu mô tê chi cả, em cũng không dám cãi lại nữa. Mấy bà già thường hay chướng!
Em trở ra dòng sông, ngồi xuống bờ cỏ, nhặt những chiếc lá tre đan vào nhau… Gió chiều đã lên, gợn nhẹ mặt nước… Em buồn thật buồn, trong những chiều Chủ nhật cô đơn này, bạn bè chung quanh vắng ngắt, anh chị em trong nhà cũng chẳng có một ai. Từ dạo mới mở mắt chào đời, em đã sống với mệ Ngoại trong ngôi nhà ngói bốn gian này, giữa khu vườn rộng lớn trồng bắp và cau. Em không còn nhớ mẹ em là ai nừa, chỉ loáng thoáng một cảm giác rất mơ hồ, gương mặt người đàn bà có nước da thật trắng và bàn tay gầy xanh thường ngồi bên song cửa, đôi mắt buồn xa xăm… Mệ ngoại nói mẹ tên là Bảo Ngọc, mẹ mất là vì bị thương hàn từ năm em lên bốn, còn ba em thì đã chết lâu lắm rồi, khi mẹ vừa mang thai em lận. Mẹ có người em ruột, dì Bảo Châu, hiện làm tá viên điều dưỡng ở bệnh viện Đồn Đất Sàigòn, dì vẫn sống độc thân dù năm nay dì đã ngoài ba mươi. Dì Bảo Châu ít khi về thăm nhà lắm, em nghe mấy bà trong thôn nói, tại Mệ ngoại khó khăn quá nên dì Bảo Châu không thể có chồng được. Mỗi lần có người để ý đến dì là mệ tìm cách ngăn, tìm cách cấm và nói nhiều lời va chạm đến tự ái người ta, nên những chàng yêu dì Bảo Châu dần dần quay lưng đi cho tuổi xuân của dì uổng phí trôi qua… Có lẽ vì vậy mà dì Châu giận mệ, dì Châu xin đổi vào Sài Gòn dù lúc đó dì đang làm việc nhàn hạ tại nhà thương lớn.
Trong nhà hiện giờ có ba người: Mệ ngoại, em và O Cam giúp việc. Mệ đã già, O Cam lại quê mùa lẩm cẩm em chả biết nói chuyện cùng ai, nên mỗi lần nghỉ học, em lại thơ thẩn một mình giữa khu vườn rộng lớn mà nghe bơ vơ ngút ngàn.
Vườn nhà em rộng lắm, phía trước trông ra đường về Thuận An, trồng toàn cau và phía sau giáp sông Hương là một ruộng bắp mông mênh. Mệ ngoại nuôi em dư dả với lợi tức trong vườn thu được hằng năm. Bắp vườn em ngon nổi tiếng, cau thì trái mập và sai nên khách đến mua rất đông. Ở Huế, mỗi lần đến đám cưới là người ta nghĩ ngay đến câu “Buồng cau Nam Phổ mâm trầu chợ Dinh”, chứ thật ra, cau Vỹ Dạ vườn em cũng ngon lắm, mỗi lần có đình đám hội hè, người ta vào vườn bẻ cau không kịp nữa đó. Bác Thuấn ở cạnh vườn em thường hay trêu:
– Mai mốt đám cưới của Bảo Khuyên thì phải biết, chú rể khỏi cần mua cau mà có cả đến một rừng cau.
Nhưng có trêu thì trêu chứ bác cũng tránh mặt Mệ ngoại, mệ mà nghe ai nhắc chuyện em lấy chồng là mệ lồng lên như con gà mái, giương lông xòe cánh ra để bảo vệ đàn con. Bác Thuấn biết tính mệ lắm, bác thường hay nói với em:
– Tội nghiệp cô Bảo Châu, tại bà bên nhà khó quá nên phải bỏ Huế mà đi.
Em cũng thương dì Châu lắm, và em cầu mong sao dì gặp được ý trung nhân cho đời bớt cô đơn.
Em ra cầu ván, thả đám lá tre khô trôi theo dòng nước, chợt em đỏ mặt quay vào: bên cầu ván bác Thuấn, cách em vài chục thước, có một người con trai đang đứng nhìn em đăm đăm.
Em thao thức không ngủ đưọc, hễ chợp mắt là toàn những mộng mị gì đâu ấy, có khi em còn thấy dáng dấp người con trai đứng trên cầu ván nhà bác Thuấn nữa đó, kỳ ghê. Em ôm chiếc gối xanh vào lòng, im nghe hơi gió thoảng qua vườn cau xạc xào và tiếng lá tre khô chạm vào nhau như thầm thì nói chuyện riêng tư. Em thiếp đi khi gà gáy lần thứ nhất cho đến lúc một bàn tay lay vai em:
– Con khỉ, ngủ chi vô hậu rứa mi?
Em mở choàng mắt, nhìn đồng hồ trên tường đã chỉ bảy giờ mười lăm. Như Mai đã đến rủ em đi học.
Em ngồi dậy, dụi mắt:
– Đi học chi mà sớm rứa mi.
Như Mai trợn tròn mắt:
– Trời ơi, mi quên rồi răng. Sáng ni tụi mình có mục hấp dẫn mà.
Em nhớ ra:
– À, đúng rồi, sáng thứ hai chị Cao có bánh bột lọc, chờ tao chút nghe.
Em nhảy phóc ra khỏi giường, chạy đến ảng nước, súc miệng rửa mặt. Khi em treo chiếc khăn lên sợi dây thép trước hiên nhà, như có linh tính, em nhìn ra ngõ, người con trai bên nhà bác Thuấn vừa đi ngang còn ngoái lại nhìn em, đôi mắt sáng và mái tóc bềnh bồng. Em luống cuống làm chiếc khăn rơi xuống đất. Như Mai vừa ra tới, kêu lên:
– Trời ơi, đã trễ đến nơi rồi mà còn rứa đó, mau lên kẻo hết bánh. Mi làm tao đói bụng là tao khỏ trọ mi đó.
Em vừa mặc áo vừa nguýt nó:
– Chừ ăn không kịp thì ra chơi ăn chớ lo chi.
Như Mai trề môi:
– Sức mấy mà còn. Ra chơi cho mi vét nồi.
– Hết bánh thì ăn chè.
Như Mai lại bĩu môi:
– Ngày mô cũng ăn chè, chán bắt chết. Thôi mau lên cho rồi con khỉ, ở đó mà con cà con kê.
Em đạp xe đi song song bên Như Mai. Qua khỏi cầu đập đá, em lại thấy người con trai đó từ trong quán phở bên đường bước ra. Anh chàng không thấy em, nhưng tim em vẫn đánh thật mạnh trong lồng ngực, em cố gắng nhìn thẳng về phía Tòa Khâm và nghe hơi nóng bốc lên má nóng bừng.
Hai đứa vừa kéo nhau đến chiếc quán tranh của chị Cai dựng cuối sân trường thì cũng vừa kiểng đánh vào lớp, Như Mai đập vô vai em:
– Đó, thấy chưa, trễ rồi, tao không biết. Tại mi đó, tại mi mê ăn mê ngủ đó.
Em cười:
– Nói lại nghe coi, tao mê ngủ còn mi mê ăn chớ bộ.
Như Mai lườm em:
– Thôi đi khỉ đột, làm tao nhịn đói rồi còn chọc nữa, xí nữa ra chơi mà hết bánh thì mi chết với tao đó.
Em bắt chước giọng nó:
– Hết bánh thì cho mi vét nồi.
Cả bọn ra xếp hàng. Tụi Tâm, Nguyên, Bích thấy nét mặt tiu nghiu của Như Mai, bèn chọc tới:
– Mai ơi, sáng ni bánh bột lọc dẻo… rứa thê, ngon… rứa thê.
Nhìn cái miệng con Bích kéo dài chữ “dẻo” và chữ “ngon” làm em bưng miệng cười. Thu Tâm nhìn em rồi lại trêu Như Mai:
– Ngó con Bảo Khuyên cười tề Mai, tội nghiệp Như Mai của tui chưa. Đã đói bụng còn bị cười nữa.
Như Mai nổi cáu, nó bịt hai tai lại:
– Tụi bay lau nhau ỏm khu quá, cho gió bay tao không thèm nghe.
Bà Giám Thị đã ra trước micrô:
– Các em im lặng, làm lễ chào Quốc Kỳ.
Năm nay em học lớp Tam A (đệ tam) trường Đồng Khánh. Lớp em có cô Tịnh Hương hướng dẫn, cô thương em ghê và em cũng thương cô nữa. Cô mới ra Sư Phạm Vạn Vật và được bổ dạy trường em, năm nay là năm đầu. Sở dĩ cô Hương để ý đến em là tại vì hôm đó, cô gọi đọc bài chả ai thuộc, chỉ mỗi mình em đọc khúc chiết rõ ràng và vẽ hình trên bảng lại đẹp nữa, cô khen, cô nói ngay giữa lớp:
– Các em nên noi gương Bảo Khuyên, vừa chăm học vừa nết na.
Cô thương em từ đó, mỗi lần ra chơi, cô thường đến nói chuyện với em, hỏi han săn sóc. Em có kể sơ hoàn cảnh của em cho cô nghe, giàu bạc tiền nhưng thiếu tình thương phụ mẫu. Cô thở dài, bảo em:
– Tội nghiệp Bảo Khuyên, em buồn cũng phải. Ở tuổi em, nếu mất mẹ, cần phải có một người chị tâm tình mới đỡ bớt cô đơn. Em nhìn cô Tịnh Hương, cô còn trẻ quá, suýt soát tuổi chị Lộc xóm em là cùng. Gương mặt cô hiền lành phúc hậu phảng phất nét mặt của mẹ Đồng Trinh và em chợt ước ao, giá cô Tịnh Hương trở thành chị ruột của em nhỉ.
Hai giờ Việt Văn trôi qua thật chán. Như Mai hí hớn rủ em xuống quán chị Cai xem còn bánh bột lọc không. May sao còn mấy chiếc, em ăn không thấy ngon, không thấy dẻo như lời nhỏ Bích, chắc tại em ham nghĩ đâu đâu, dường như trong tim em vừa xao xuyến một bóng hình.
*
Phần tiểu sử và hoạt động văn học củA Thuỳ An trích trong hợp tuyển “Nữ lưu miền Hương Ngự” của Ninh Giang Thu Cúc.
Thùy An sinh ra và lớn lên ở Huế, học chưa hết bậc tiểu học ở trường dòng Mai Khôi thì phải theo ba mẹ vào Đà Nẵng. Ba Thùy An là công chức cao cấp của Nha Thuế Vụ, vì công tác cứ phải xê dịch hoài, tới lúc về hưu năm 1968 thì cả nhà chuyển hẳn vào Sài Gòn. Thùy An thường nói vui, tự nhận là dân Huế lưu vong, hai năm cuối của bậc tiểu học, Thùy An học ở Đà Nẵng, và học tiếp hết bậc trung học tại trường Phan Châu Trinh, thành cô tú kép vào năm 1964. Học ban A (Lý hóa Vạn vật) nhưng cô gái mảnh mai một tháng èo uột đau lên bệnh xuống 28 ngày này lại mê văn chương và ca hát từ những năm đầu của bậc tiểu học (cấp 1 bây giờ). Là một con mọt sách, không những mê loại sách hồng dành cho thiếu nhi mà còn đọc trộm tiểu thuyết của người lớn nữa trời ạ; lại còn say mê âm nhạc, làm ca sĩ nhí đi theo mấy cô chú ở Ty Thông Tin Đà Nẵng hát nhiều bản nhạc có nội dung vui tươi trong sáng, cũng có “fan” hâm mộ, cũng có nghệ danh Tuyết Ái đàng hoàng, cũng được mời đi các tụ điểm, ham vui ham hát, theo các thầy tham gia vào ban Văn nghệ của trường Phan Châu Trinh, qua tận Sơn Chà, Tiên Sa… biểu diễn, có nhiều hôm về đến nhà là đã 11-12 giờ đêm. Ba mạ phải thức đợi cửa và lo thức ăn bồi dưỡng cho ca sĩ nhí, nhưng rồi mộng ca sĩ không thành bởi bị ba mạ đọc lệnh cấm đi hát mà lý do là sợ thiên hạ có thành kiến rồi khó lên xe hoa.
Mộng làm ca sĩ tiêu tan nhưng tình yêu âm nhạc thì bất tử, đó là điều dễ hiểu khi Thùy An trở thành nhà văn. Bất cứ tác phẩm nào của chị cũng có bóng dáng âm nhạc, bóng dáng niềm đam mê qua các trích đoạn, những bài hát mà Thùy An yêu thích để cho nhân vật của mình ngân nga trong từng bối cảnh của tác phẩm.
Thùy An khởi đầu con đường văn học vào năm học đệ lục (lớp 7), đến năm đệ tam (lớp 10), bài thơ đầu đời được xuất hiện ở bán nguyệt san Phổ Thông và cùng một lúc trong năm ấy hùn vốn cùng 5 bạn học đệ tam ban C in chung tập thơ có tựa đề “Buồn lên đôi vai” mà oai lắm nghe; in đến 3.000 bản cơ đấy. Soạn giả (Ngtc) không hiểu 5 chàng cảm tử quân ấy có bán được cuốn nào không chứ riêng 500 cuốn của Thùy An phát hành chỉ hai hôm là sạch sành sanh – best seller mà lị. Bạn đọc và khách hàng là nhân viên của ba Thùy An, chẳng biết họ mua xong có đọc bài nào không, nhưng tác giả nữ duy nhất Thùy An với bút hiệu Tuyết Ái thú thật là tập thơ vừa xấu vừa sai morasse dễ sợ, và không biết tập thơ ấy có bao nhiêu bài, riêng Thùy An có 10 bài, được phổ nhạc 2 bài bởi 2 ông nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và Nhật Ngân.
Sau đó, Thùy An cùng ba người bạn lập một nhóm thơ lấy tên là Sóng Vàng. Nhóm có 4 thành viên gồm Tầm Dương, Kim Hài, Thảo Đài, Thùy An. Đó là lúc Thùy An học Đại học Khoa học ở Huế, hoạt động chưa bao lâu thì kẻ phải chuyển vào Sài Gòn học tiếp, người thì lên xe hoa về nhà chồng.
Vào Sài Gòn còn lại Kim Hài và Thùy An nhưng sáng tác rất tích cực, thơ và truyện ngắn xuất hiện đều trên Văn nghệ Tiền phong và Phổ Thông bán nguyệt san (1969).
Văn nghiệp Thùy An bắt đầu khởi sắc từ những tác phẩm viết cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn với số lượng khá phong phú, bằng văn phong trong trẻo nhẹ nhàng mà bối cảnh là quê hương Huế. Về mảng sáng tác này, Ninh Giang Thu Cúc sẽ có một chuyên đề riêng cho hai nữ sĩ “Minh Quân và Thùy An cùng song hành với tuổi thơ”. Hợp tuyển này chỉ giới thiệu Thùy An ở mảng truyện dài, bút ký, truyện ngắn, kịch bản phim. Người phụ nữ này nhập cuộc ở nhiều lãnh vực, cày xới mọi vùng đất màu mỡ của văn học nghệ thuật, chị thành công với lối viết mềm mại nhiều nữ tính pha đôi nét tinh nghịch của tuổi học trò, kể cả các truyện viết về người lớn như những cuốn tiểu thuyết “Kiếp nào có yêu nhau”, “Người đi qua đời tôi”, “Như nỗi ước mơ”, “Như bóng mây qua”. Người làm văn học Thùy An nhu thuận, hiền lương từ trong văn chương đến đời sống thực tế. Ông xã Thùy An là giáo sư Toán Lý Hóa tại các trường Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Thọ Nhơn… ở Đà Nẵng vào những năm trước 1975. Dạo ấy, thành hôn xong, Thùy An cũng khăn gói gió đưa theo chàng về dinh và dạy môn Vạn vật tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Phan Thanh Giản, Đại Học Quảng Đà (thành phố Đà Nẵng).
Tuy là dân Toán Lý Hóa toàn những công thức, những nguyên tố khô khan nhưng anh Đoàn Thế Đức là một trợ thủ đắc lực cho văn nghiệp của Thùy An – nào đánh máy bản thảo, sắp xếp thứ tự tác phẩm, đóng góp nhiều ý kiến khi Thùy An cần, giúp đỡ công việc nội trợ, ủng hộ và thúc đẩy để Thùy An yên lòng và vui vẻ trong những lúc đi trại sáng tác xa, hay đi vì công việc về chuyên môn. Thùy An hạnh phúc trong hôn nhân, hai người chỉ có một cô con gái duy nhất là cháu Đoàn Thị Phương Ái hiện giờ là nhạc sĩ Violin đang ở hải ngoại với chồng và hai bé bi.
Người đàn ông, người chồng đúng nghĩa là cây tùng cây bách cho thân cát đằng Thùy An nương tựa đã làm một cuộc rong chơi vào cõi thiên thu vì một căn bịnh nan y vào năm 2007, để bà Đoàn Thế Đức trở thành quả phụ khi vừa bước qua ngưỡng cửa lục tuần.
Mềm mại nhưng không yếu đuối, tuy cô đơn nhưng Thùy An vẫn sống tốt với công việc trong ngôi nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP.HCM, lâu lâu lại vang lên tiếng rổn rảng của chén bát mỗi lần có vài ba người bạn đến chơi tâm sự, ăn cơm trưa do Thùy An trổ tài bếp núc, tán dóc chuyện dưới đất trên trời rồi rủ nhau lên taxi rong chơi thăm thú… cao đàm khoát luận chuyện đời, chuyện nghề với nhiều buồn vui nhân thế, nghiệp chướng đa đoan giữa thế sự bộn bề.
Nữ sĩ Thùy An với gần nửa thế kỷ cầm bút đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm đủ thể loại, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục (Văn học Thiếu nhi). Với tất cả tâm huyết của một công dân, một nhà giáo của một nhà văn có trách nhiệm với xã hội với học đường. Hợp tuyển “Nữ lưu miền Hương Ngự” giới thiệu nhà văn Thùy An với tất cả lòng quý mến dành cho một “công dân Huế lưu vong” (chữ của Thùy An). Tôi nghĩ với truyện dài Vườn cau nước dâng và lời giới thiệu của chị Ninh Giang Thu Cúc về nhà văn nữ Huế rặt ni vừa đủ khép lại hồi ức nơi đây.
T.D.L
Tháng 4.2020
Trần Dzạ Lữ – Ninh Giang Thu Cúc
6/7/2020
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...