Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

"Vẫn là binh nhất" - Sự "trả nợ" của Trần Văn Tuấn

"Vẫn là binh nhất" - Sự
"trả nợ" của Trần Văn Tuấn

Văn là người. Điều đó áp dụng với nhà văn Trần Văn Tuấn chẳng sai. Sinh ra, lớn lên trên đất Hà Nam danh giá nhất ông cò, nhưng gần như cả cuộc đời, Trần Văn Tuấn gắn bó với mảnh đất Miền Đông Nam Bộ, với người lính Bộ đội Cụ Hồ. Có lẽ thế, trong suốt 40 cuốn sách của ông, hình bóng người lính luôn hiện hữu. “Vẫn là binh nhất“ (*) tiểu thuyết vừa xuất bản của Trần Văn Tuấn đậm đặc bóng dáng người lính. Điều đặc biệt, đã nửa thế kỷ trôi qua, người lính ấy “Vẫn là binh nhất“ .
Nhà văn Trần Văn Tuấn.
MƯA NẮNG VÀ ĐẠN BOM
“Vẫn là binh nhất” dày 414 trang, Trần Văn Tuấn giành gần hết (400 trang) để nói về “bom đạn và nắng mưa“. Ở mỗi trường đoạn, Trần Văn Tuấn lần lượt cho xuất hiện những nhân vật với tên gọi, cá tính khác nhau. Nhưng nhân vật Hải, chàng trai quê vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ vừa tốt nghiệp cấp 3 vào bộ đội là nhân vật trung tâm, sợi dây xuyên suốt tác phẩm. Vào bộ đội, huấn luyện tại Nho Quan (Ninh Bình) rồi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, Hải gặp Cỏn “cối xay”, Phong “người đàn ông đẹp trai”… Trước khi đặt chân tới B2 – chiến trường Miền Đông Nam Bộ, anh lính Tân binh C ở tiểu đội 3 trung đội 3 đại đội 3 ấy bị sốt rét, không theo kịp đơn vị phải “tụt tạt” vào các đơn vị thu dung, hậu cần, tăng gia sản xuất, coi kho… Ở đây, thử thách đầu tiên với Hải không phải “hòn tên, mũi đạn” mà bằng những trận sốt rét.
Ai đã từng đi qua Trường Sơn, chắc chắn cảm nhận được sốt rét như thế nào. Sốt rét như ma như quỷ, lúc ẩn lúc hiện. Sốt rét ác tính, Hải được gửi vào điều trị tại một bệnh xá quân y. Chính bản thân đã trải qua thực tế ấy, nên ngòi bút của Trần Văn Tuấn dễ dàng dẫn dắt người đọc đến những cảnh và người ở một góc mặt trận, khi cuộc chiến với tử thần bởi sốt rét đang diễn ra không kém quyết liệt .
Người đọc như thấy chính mình đang trong cơn sốt rét ác tính qua sự mô tả của Trần Văn Tuấn: “Bây giờ Hải biết rõ ràng, cụ thể về sốt rét. Ở góc độ khoa học, đấy là sự tàn phá hồng cầu của vi trùng khiến các bộ phận trong cơ thể phải quyết liệt chống trả. Ở góc độ quân sự, đây là cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định xã hội trước cuộc xâm lăng của kẻ thù”. Và “Đang ngủ trên võng, gã thấy một luồng gió lạnh ập đến. Cùng lúc với một luồng hơi nóng bốc lên trong đầu. Sức nóng không chống cự nổi với hơi lạnh từ bên trong lan tỏa với tốc độ như bão xoáy cấp 12. Để chống lại sự tan rã, gã phải co quắp người lại. Đầu gối chạm cằm. Hàm răng nghiến chặt. Mắt nhắm lại. Hai tay ôm đầu bịt kín hai lỗ tai… Hải quấn vào người tấm ni lông và tấm võng. Bịt kín tất cả chỉ chừa lỗ mũi để thở…” .
Những lúc ấy, người bị sốt rét ác tính như mộng du. Mê man, chập chờn với ký ức, kỷ niệm. Hải nhớ về thời đi học, anh thèm khát có chiếc áo bông hay áo len để giữ ấm ngực, một đôi giày để giữ ấm chân. Thấy Hải co ro, cô giáo Hằng, đẹp như  “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân tặng anh đôi giày bata đã cũ nhưng chưa rách. Giày của chồng cô để lại. Cưới chưa đầy 3 tháng thì chồng cô – bác sỹ quân y tên là Nhân đã đi B… Trong cơn sốt rét ác tính thập tử nhất sinh ấy, Hải nhớ đến cô giáo Hằng trẻ đẹp và chập chờn như gặp bác sỹ Nhân ở chiến trường. Trần Văn Tuấn giành trọn 400 trang sách không chỉ để mô tả cuộc chiến mặt giáp mặt với kẻ thù mà chủ yếu khắc họa ranh giới của sự sống và cái chết nơi “phía sau” mặt trận. Các tuyến nhân vật theo từng giai đoạn mà Hải gặp như Phong, Cường, Hai Sắt, Cỏn, Ba Búa; Đào, Ba Hoa, Năm Cánh, Út …đều tập trung khắc họa cảnh huống chiến tranh. Nơi không chỉ có bom đạn mà còn dầm dãi nắng mưa với biết bao biến cố mà người lính phải đối diện.
Đọc đến trang cuối của cuốn sách, người đọc mới cảm nhận được tại sao hai phần đầu của “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn lặp đi lặp lại tiêu đề: “Mưa nắng và đạn bom” rồi “ Bom đạn và nắng mưa”. Có phải không hai yếu tố ấy là đặc điểm của chiến trường, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cũng chính trong môi trường khắc nghiệt ”lửa thử vàng“ ấy, phẩm chất con người mới hiện lên một cách chân thực nhất. Và đúng như thế thông qua số phận các nhân vật trong “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn đã gỡ bỏ từng lớp hỗn tạp, rối ren của đời sống sinh học, đời sống tinh thần trong những hoàn cảnh đặc biệt, trong sự tranh chấp quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa bình thường và tầm thường, giữa khát vọng trong sáng và dục vọng thấp hèn, giữa niềm tin và thất vọng… để hé lộ màu sắc diệu kỳ của hạnh phúc…
TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC
Chiến tranh là hiện tượng bất thường của đời sống xã hội. Chiến tranh làm đảo lộn mọi giá trị và để lại hệ lụy khôn lường. Nắm vững yếu tố mang tính đặc thù ấy, thông qua số phận, tính cách từng nhân vật, Trần Văn Tuấn lý giải những hiện tượng bình thường và bất thường của chiến tranh.
Trên mảnh đất chiến tranh khắc nghiệt, tưởng như không tồn tại sự sống thì tình yêu vẫn như một hạt giống bất diệt, nảy mầm. Tình yêu giữa Cường và Hoa, giữa Phong và Xuân , giữa Cỏn và Cánh… cứ như sức sống của mùa Xuân, không sức mạnh nào cản được. Trần Văn Tuấn giành nhiều tâm huyết cho mối tình giữa Hải và Đào. Hải gặp Đào trong bệnh xá quân y khi anh bị sốt rét ác tính. Hải là con nông dân vùng chiêm trũng Bắc Bộ, còn Đào là sinh viên văn khoa Sài Gòn, xuất thân từ một gia đình trí thức đô thị. Tình yêu đến với họ như sự sắp đặt của thượng đế. Dường như có những điều chỉ khi gặp Đào, Hải mới lý giải nổi. Hải nhớ lại hồi đi học, anh bị điểm liệt âm 2 vì không làm được bài luận hạnh phúc là gì.
Nhưng đến khi vào chiến trường, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Hải mới ngộ ra: “Hạnh phúc với con người chính là khi bị bệnh có mẹ ở bên chăm sóc“; là khi thập tử nhất sinh có “cô gái mang đến cho mình một ly sữa. Tiếng nói của nàng êm ái: Tôi tên là Đào, y tá trực. Anh ráng uống hết ly sữa này đi“. Và đặc biệt khi “lưỡi tìm lưỡi, môi tìm môi, cả hai như bay lên đến chín tầng”, Hải mới ngộ ra đây là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc là cái gì luôn ở phía trước. Không thể cứ phấn đấu, đấu tranh để giống như người ta mới là hạnh phúc.
Phải nói, giữa chiến trường mà bộc bạch suy nghĩ ấy thật là táo bạo. Nhận thức là một quá trình. Chỉ có dấn thân vào thực tiễn, người ta mới lý giải hết những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra. Trần Văn Tuấn kể cho chúng ta mối tình của những người lính giữa thời “đạn bom và nắng mưa”. Và dường như càng “nắng mưa và bom đạn” thì tình yêu của họ càng da diết, cháy bỏng. Hải và Đào, Cường và Hoa là những cặp đôi như thế. Mỗi cặp thể hiện tình yêu, hạnh phúc theo cách của riêng mình, nhưng đều có cái chung là sự đắm say, hết mình và chân thực. Hải đeo đuổi Đào. Về An Tịnh ( Trảng Bàng ) nhớ Đào, anh đã xin phép đơn vị đạp xe hàng trăm cây số lên Lộc Ninh tìm Đào. Nghe tin Đào hy sinh, tình yêu của Hải giành cho Đào vẫn như suối nguồn không cạn. Đến nỗi cô Út xinh đẹp, em vợ của Cỏn mê say, Hải cũng khước từ. Một mối tình trong chiến tranh thật thơ mộng và sâu sắc. Sự phá cách về tình yêu lứa đôi trong “ Vẫn là binh nhất “ không chỉ thế. Trần Văn Tuấn khắc họa nhân vật Nhân ( chồng cô giáo Hằng) một bác sỹ – bệnh xá trưởng đẹp trai, tài năng, đức độ nhưng cũng không cầm lòng được trước Ba Đẹt một cô gái khiêm tốn về nhan sắc, nhưng sống chân thành và có trách nhiệm. Ba Đẹt muốn xin Nhân đứa con và âm thầm chịu đựng nuôi con một mình, không làm ảnh hưởng đến Nhân. Ngược lại Nhân thấy rõ trách nhiệm của mình, báo cáo với tổ chức và sẵn sàng chia sẻ cùng Ba Đẹt…
Đó là điều bình thường với đời sống xã hội nhưng bất thường với hoàn cảnh chiến tranh. Dưới ngòi bút nhân hậu của Trần Văn Tuấn, người đọc không chê trách bác sỹ Nhân mà ngược lại trân quý tình cảm chân thật, thái độ sống thẳng thắn và có trách nhiệm
của người bác sỹ quân y giữa chiến trường ác liệt này.
Tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của Trần Văn Tuấn.
ĐÔI ĐIỀU KHÉP LẠI
Đọc “ Vẫn là binh nhất “ của Trần Văn Tuấn càng thấy rõ nhà văn xuất thân từ người lính trải qua chiến tranh này luôn nặng nợ với quê hương và đồng đội. Có lẽ thế nguồn cảm xúc chủ đạo của anh trong gần 40 tác phẩm trình làng, trong đó có những tác phẩm được giải thưởng quốc gia và quốc tế đều xoay quanh cái trục chiến tranh cách mạng . Sau “Rừng thiêng nước trong” ( giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, giải thưởng nhà nước về VHNT, giải thưởng văn học Asean, “Vẫn là binh nhất” là tác phẩm Trần Văn Tuấn đã dụng công sáng tạo để giải thoát chính mình và tri ân đồng đội, thật xứng đáng với giải thưởng mới đây của Bộ Quốc phòng.
Tôi có may mắn được sống và công tác với Trần Văn Tuấn ở một số thời kỳ nên phần nào hiểu được tâm trạng, nỗi niềm của nhà văn. Đọc tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” tôi có cảm giác sống lại thời vượt Trường Sơn năm 1970 nơi tôi và Trần Văn Tuấn trải qua “nắng mưa và bom đạn”; nơi những trận “sốt rét rừng hơn thú dữ Trường Sơn/ Đã cướp đi bao chàng trai trẻ/ Mỗi cơn sốt biến mình thành lãng tử/ Tuổi trẻ mình găm lại giữa ngàn cây” ( thơ TTT). Tôi cũng phần nào lý giải được, vì sao Trần Văn Tuấn đặt tên đứa con tinh thần số 40 này của mình “Vẫn là binh nhất”? Phải chăng đó là những kỷ niệm, cảm xúc tươi nguyên của nhà văn – một người lính “binh nhất” đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Phải chăng anh trả nợ đồng đội đoàn đi B mang phiên hiệu 2255 vượt Trường Sơn tháng 11-1970; trong đó có nhiều người ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ?!
Tiểu thuyết là văn chương. Văn chương là sáng tác. Nhưng tôi có cảm giác viết “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn không phải sáng tác nhiều. Với tư cách người trong cuộc, anh chỉ cần suy nghĩ, nhớ lại và viết. Với tài năng và tâm huyết, Trần Văn Tuấn đã nói hộ đồng đội
nỗi niềm của người lính, tình yêu quê hương và đồng đội. Đó là món quà vô giá tặng đồng đội đoàn 2255, đúng dịp kỷ niệm 50 năm vượt Trường Sơn vào chiến trường ( 1970-2020).
Trần Thế Tuyển
 
6/7/2020
Huỳnh Như Phương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...