Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đọc tập thơ "Gió heo may ngày nắng gián đoạn" của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Đọc tập thơ "Gió heo may ngày nắng
gián đoạn" của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là tác phẩm thứ 11 của nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, gồm 42 bài, do Nxb Văn Học ấn hành (2020). Cũng xin nói thêm, từ 1997-2010, Lê Thiếu Nhơn đã ra mắt 5 tập thơ, trước khi lấn sang lĩnh vực phê bình. “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là tập thơ thứ 6, cách tập thơ trước 10 năm. Anh 3 lần được Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tặng thưởng (2007, 2010, 2017), trong đó hai lần cho thơ và một cho phê bình.
Tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” tác giả Lê Thiếu Nhơn, Nxb Văn học 2020
Nhận xét về tập thơ này, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Đến tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, thơ anh gọn chắc lại, chủ đề rõ lên và bao trùm là tinh thần trách nhiệm công dân, muốn thơ có ích cho cộng đồng… Thơ công dân giáo dục mà đẩy lên, mà không nén được, những cảm xúc cá thể. Đấy là thành công của Lê Thiếu Nhơn. Nói chung các bạn trẻ thời nay hay có sự thẳng băng như thế. Tôi kính trọng sự can đảm ấy. Can đảm để thiết thực, để có ích”.
Nhận xét của bậc đàn anh trong nghề, có nghề, hiển nhiên là ý nghĩa. Tôi không có chủ ý đưa ra nhận xét của mình. Tôi là người yêu thích thơ. Hơn một lần tôi nói thơ là tiếng hát cất lên từ tâm hồn, trong sâu thẳm hồn vía mình thế nào thì tiếng hát ngân lên như thế, giống như trên gương mặt người, lòng dạ sao thì biểu cảm ra như thế, giấu cũng chả được. Tiếp cận một văn bản thơ, ở đây là “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, tôi chú trọng ba ý là giọng thơ, tư tưởng và lối biểu đạt, tóm lại cũng là trên căn bản nội dung và nghệ thuật. Về tư tưởng, tôi tán đồng nhận xét của Vũ Quần Phương, rằng giá trị phổ quát của “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là tinh thần trách nhiệm công dân, mong muốn thơ có ích cho cộng đồng. 42 bài thơ trong tập, dù là triết lý (Giữa trang giấy trắng, Tạp cảm vần điệu, Đừng cạn lãng mạn, Nỗi lặng im khác, Gió heo may ngày nắng gián đoạn, Viết trước giao thừa, Khuất nẻo mây bay), hay suy tư, tình cảm (Khúc chậm sông trôi, Tĩnh lặng lúc giao mùa, Bên sông mưa bụi, Đoán định bình minh, Gửi theo mùa xuân thơ ấu, Hồi âm cho thinh lặng,Ghi phía gió đông, Bản tụng ca khờ dại, Trên chuyến xe ngày tết), thảy đều toát ra cái chất trách nhiệm công dân ấy. Tóm lại, tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là trách nhiệm công dân, có ích cho cộng đồng. Thơ, hay bất cứ việc gì, nếu chẳng đem lại lợi ích cho cộng đồng, thì rốt lại chỉ là món trang sức đẹp lạnh lùng, chẳng thể bền lâu.
Giọng điệu của tập thơ khác lạ, trong chừng mực nào đó khác với cả chính thơ của tác giả ở giai đoạn trước. Định danh một tác giả cốt yếu là ở sự khác biệt. Để tôi nói thêm, Lê Thiếu Nhơn có sự khác biệt khá lâu rồi chứ chẳng phải bây giờ mới có. Trong một bài viết trên báo Công luận của Hội Nhà báo viết Nam, lúc đó tôi dự báo làng văn thành phố Hồ Chí Minh có ba người là các nhà thơ Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Trần Ngọc Khánh Dư, sẽ có chỗ đứng dưới nắng mặt trời. Đến thời điểm này, dự báo đã hiện thực với Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn. Duy có Trần Ngọc Khánh Dư chẳng biết đi đâu, hay lại đang luyện công đợi dịp tái xuất. Xin trở lại với Lê Thiếu Nhơn. Sự khác biệt lần này biểu đạt rõ ràng là ý thức hơn, tập trung hơn. Trong sự vận động xã hội, nhà thơ đã đào sâu vào lòng mình, cảm nhận sự vật, liên kết và đánh giá chúng một cách khách quan rồi đúc lại bằng thông điệp cá nhân. Có những câu thơ như tuyên ngôn khiến người đọc phát hoảng. Lại có những câu độc dị buộc người đọc phải nghĩ gần nghĩ xa. Xin dẫn ra đây đôi câu để bạn đọc xác tín cho nhận định này của tôi (dĩ nhiên là chủ quan). “Vẫn cố chấp để chọn lấy con đường cô độc/ trời nhiều mây, chỉ thêm vài tia chớp ăn vạ/ …can đảm không bầy đàn/can đản không bè cánh” (Gió heo may ngày nắng gián đoạn); “Tôi tìm cách đi lùi trong ký ức, đi lùi đến ngây thơ!/ còn màu hoa bên mép vực dại khờ/ làm sao tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc?” (Khuất nẻo mây bay). Cái sự “cố chấp” để chọn lấy con đường cô độc chẳng phải nhà thơ nào cũng xác quyết, thậm chí kể cả khi xác quyết thì cũng chẳng biết nên biểu đạt ra như thế nào cho phải, cho đẹp. Tương tự như vậy là câu “làm sao tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc?” trong một trạng huống phân tâm. Chỉ bằng vài tia chớp ăn vạ, đôi bước đi lùi (trong ký ức), tiếng vỗ tay phản trắc, nhân tình thế thái bỗng phô bày ra ngay trước mắt. Quả thực chẳng phải ai cũng đủ tài và cũng chả phải lúc nào cũng có thể viết ra những câu thơ gan ruột như thế. Rốt lại, giọng điệu của “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là giọng điệu gì. Tôi cho nó là giọng điệu nhập thế. Ở giai đoạn nào đó trong cuộc đời và trong khoảnh khắc hữu duyên, con người ta ngộ ra những chân giá trị mà họ sẽ bám vào để sống, để cống hiến, để hy sinh. “Trả nợ cho mình/ giấc mơ bé bỏng/ …trả nợ phận người/nửa quỷ nửa ma” (Đừng cạn lãng mạn). Tôi nghĩ Lê Thiếu Nhơn đã bước một chân vào ngưỡng cảnh giới. Ngưỡng ấy thế nào, và tại sao lại là một chân mà chẳng phải hai thì tôi sẽ trình bày tiếp ngay ở phần dưới đây.
Trước khi chia sẻ về lối biểu đạt đồng thời làm rõ hơn luận điểm nhập thế chân trong chân ngoài, tôi xin dẫn ra đây hai khúc thơ. “Con tập bước đi mùa xuân thứ nhất/ buổi sáng lon ton giữa nắng và hoa/ mẹ gửi theo bận bịu miền hạnh phúc/ cha gửi theo phập phồng ước mong xa/ …chân cứng đá mềm, thôi đành hy vọng/ khi con lớn lên, người hát bên người/ những đổ vỡ ngổn ngang năm tháng cũ/ đã tan vào tiếng kẽo kẹt đưa nôi…” (Gửi theo mùa xuân thơ ấu – với cu Bell – Lê Thái Hiếu); “Chiếc lá tuổi nhỏ ngỡ ngủ yên khu vườn cổ tích/ mùa xuân bỗng gọi dậy bằng vạt nắng tha hương/tóc mẹ màu gì đi qua hoàng hôn bịn rịn/ tôi không dám nhìn thăm thẳm gió cuối đông/ thế giới đổi thay từng ngày, từng phút, từng giây/ điện thoại thông minh kết nối bao dang dở/ chỉ dáng mẹ ngồi còn nguyên năm tháng cũ/ tôi rong ruổi đường dài có một miền chở che!” (Bản tụng ca khờ dại). Về mặt tổng thể, hai khúc thơ tôi vừa dẫn, một nói về con và một nói về người mẹ, đều nhất quán theo mạch tập thơ, nhưng soi chiếu với những khúc thơ tôi dẫn ở các phần phía trên bài viết này thì thấy giữa chúng có sự khác biệt. Trong khi những khúc thơ đầu thiên về lý trí, gợi nhiều suy tư, đoán định, thì ở hai khúc viết về con và mẹ già, thơ hồn nhiên vô cùng mặc dù cái chất xã hội, tâm tư vẫn đầy ắp. Cái mà tôi cho là một hai chân nằm ở đây. Tôi rất tâm đắc với những bài viết theo lối này. Hai hình ảnh (cậu bé chạy lon ton và mẹ già ngồi nguyên dáng cũ) rất gợi, khiến người đọc xúc động. Còn theo lối ở trên, tức là lý trí đóng vai chủ đạo, phải nói là thơ rất được nhưng đôi lúc vẫn tạo cho người đọc cảm giác vẻ như bản năng thơ bị lý trí chèn ép. Câu thơ “khi con lớn lên, người hát bên người…” gần như thuần bản năng, chẳng chịu tí ti sức ép lý trí nào mà hay, chan chứa nhân tình. Ai dám bảo câu thơ thuần bản năng ấy là không lý trí.
Trong quan niệm của riêng tôi, cảnh giới có chuẩn của mình. Con người là một phần của vũ trụ. Sự lớn hay bé của một người xét cho cùng chẳng phải họ có bao nhiêu tiền của, đất cát, nhà lầu, xe hơi, mà ở chỗ họ làm gì hữu ích cho xã hội. Đối với một nhà thơ, thấu hiểu kiếp nhân sinh là ngưỡng cảnh giới lớn nhất. “Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” (Kiều-Nguyễn Du), hoặc “Ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy) đều thuộc vào ngưỡng cảnh giới. Điều này lý giải tại sao giữa một rừng nhà thơ (xin nói thêm là ta tây như nhau cả, nhất là ở thời đại internet thơ mạng nở rực), quay qua quay lại chỉ còn đôi ba tên tuổi, số đông kia chết hết. Tôi trở lại với hai khúc thơ viết về con và về mẹ của Lê Thiếu Nhơn. Vẫn trong tinh thần nhập thế, nhưng tình yêu, lòng biết ơn của con đối với mẹ, kỳ vọng của cha đối với con đã ở sẵn trong máu thịt, chả cần phải nghĩ gì phí thời gian, chỉ chờ dịp thích hợp (ở đây là khi con một tuổi, là khi vệt nắng xuân đánh thức chiếc lá nhỏ trong khu vườn cổ tích) là thơ bộc ra, là bay vút lên. Tựu trung lại “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” là một tác phẩm tốt, tích cực. Tác giả đã có rất nhiều trăn trở, tìm tòi trong hành trình sáng tạo. Bằng lối biểu đạt nghiêng về tư duy xã hội, nội hàm triết lý sâu, ngôn ngữ chắt lọc, tập thơ có tính cảnh báo cao, rất đáng đọc, suy ngẫm. Có thể coi đây là một thách thức với ai đủ trình bước đi trên con đường này.
7/4/2020
C.C
 
6/7/2020
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...