Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nguyên Đình Thi - Kẻ sĩ tài hoa

Nguyên Đình Thi - Kẻ sĩ tài hoa

Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là một chân dung nghệ sĩ lớn, đa tài, đứng ở một vị trí đặc biệt trong nền văn nghệ Cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám (1940), ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc, từng là sĩ quan trong Quân đội. Năm 1945, Nguyễn Đình Thi dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1 và Tổng thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc, người đứng đầu Hội Nhà văn hơn 30 năm rồi Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Chân dung người nghệ sĩ lớn Nguyên Đình Thi 
Trong không khí rộn ràng của năm đầu thống nhất đất nước, hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ – Chủ tịch: nhà thơ Hoài Phong; Tổng thư ký: Nguyễn Thanh (Ngũ Lang) có nhiều dịp được tiếp đón các đoàn văn nghệ sĩ cách mạng ở vùng kháng chiến hoặc từ Hà Nội vào. Một lần, vào mùa xuân năm 1976, tại Chùa Khánh Quang – nay là đường Nam Kỳ Khởi nghĩa – trụ trì bởi nhà sư yêu nước thượng tọa Thích Huệ Thành, anh em làm văn nghệ Tây Đô có cơ hội gặp tận mặt một đoàn văn nghệ sĩ thủ đô: nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003), nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943), các nhà văn Mai Vui (sinh năm 1926), Bùi Kinh Lăng… Trong buổi nói chuyện với giới văn nghệ địa phương hôm đó, người trưởng đoàn, đã quay lại khúc phim “Hà Nội 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không”. Diễn giả, vóc dáng người cao lớn, với cử chỉ linh động, giọng nói sang sảng, đôi mắt sáng rực, diễn đạt như một nhà hùng biện, khiến cho mọi người im lặng, lắng nghe như đang bị thôi miên bởi từng lời nói và động tác của một kịch sĩ tài danh trên sân khấu. Người nói chuyện đã gây cho anh em nhiều ấn tượng khó quên đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi, tác giả bài thơ nổi tiếng “Đất nước” có trong chương trình văn học Lớp 12 từ ngày giải phóng.
Nguyễn Đình Thi sinh ra tại Luang Prabang (Lào), ông ngoại gốc người Hà Tĩnh nhưng bà ngoại gốc Hoa. Quê nội ở Phú Xuyên (Hà Đông), ông cố có gốc xa với người Ấn Độ, chuyên đi tính toán sổ sách giúp các nhà buôn vải. Nhà thơ thường nói với con cháu rằng dòng họ của mình là người dân dã, không có chữ nghĩa. Đến đời cha là viên chức sở Bưu điện Đông Dương có sang làm việc tại Lào. Năm lên sáu tuổi, Nguyễn Đình Thi theo cha mẹ về nước, đi học ở Hà Nội, Hải Phòng rồi cùng gia đình vào Chợ Lớn. Từ thuở niên thiếu, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh, hát hay, thông thạo tiếng Pháp nhờ cha kèm dạy từ nhỏ. Mới 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã là một thanh niên vóc người tầm thước, đẹp trai khiến nhiều người đẹp Hà thành thời Tây mê chết mệt. Cha mẹ ngại cậu quý tử sa đà vào chuyện yêu đương nên quyết định cưới sớm cô vợ tên Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái quan tuần phủ lúc bấy giờ, cho con trai lúc chưa tới tuổi 20. Dù đã có vợ, Nguyễn Đình Thi vẫn mang sách đi học bình thường.
Sau khi đỗ Tú Tài Toàn phần, ông vào học Luật ở Đại học Đông Dương nhưng không bao lâu sau đó lại bị đuổi học vì tham gia phong trào sinh viên bãi khóa. Cha mẹ lại phải tốn tiền chạy vạy cho con được đi học lại. Ông học rất giỏi tất cả các môn, nổi trội hơn hết là môn Triết. Chưa được 20 tuổi, khi còn đang đi học, Nguyễn Đình Thi đã viết nhiều sách về Triết học: Triết học nhập môn (1942), Triết học Kant (1942), Triết học Nietzsche (1942), Triết học Einstein (1942), Siêu hình học (1942) và cùng một số bạn học bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mac. Với kiến thức và tài hoa hiếm thấy ở một trí thức trẻ tuổi mang phong cách nghệ sĩ như thế, nhưng cuộc đời tình cảm của nhà thơ cũng không được phẳng lặng yên bình. Trong thời gian toàn quốc kháng chiến, vợ nhà thơ mất sớm vì bệnh lao khi gia đình tản cư. Nguyễn Đình Thi cũng không may lại bị bệnh lao, được cho đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Nơi đây, nhà thơ – lúc bấy giờ đã có 3 người con với người vợ đầu tiên – gặp người vợ thứ hai là bác sĩ Phạm Thị Trường, có lúc làm Viện trưởng bệnh viên Việt – Xô. Nhưng cuộc hôn nhân mới sau này cũng không hưởng được hạnh phúc trọn vẹn trong khi Nguyễn Đình Thi lại có thêm một mối tình không phải là sau cùng – dù ông rất đắm đuối – với nữ diễn viên sân khấu Tuệ Minh (sinh  năm 1938). Lúc cuối đời, Nguyễn Đình Thi thú nhận rằng mối tình lớn nhất trong đời ông là mối tình với nữ phóng viên có nét đẹp thanh tú của báo Nhân đạo (l’Humanité): một chiến sĩ – nữ nhà thơ cộng sản Pháp: Madeleine Riffaud (sinh năm 1924), từng được trao giải thưởng văn chương Pháp với tập thơ “Con ngựa đỏ”, từng được phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Vào năm 1951 tại Berlin, trong Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới, đôi trai tài gái sắc đã gặp gỡ, cảm nhau, và say mê nhau như cùng bị “sét đánh” và họ bắt đầu yêu nhau say đắm. Nữ nhà thơ Pháp Madeleine Riffaud đã từng sang Việt Nam và đi vào chiến trường sống cùng bộ đội để viết về đời sống của quân giải phóng trong căn cứ rừng rậm ở miền Nam. Bà được gọi với cái tên Việt Nam trìu mến là “Chị Tám” và là em kết nghĩa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998). Trong thời gian Madeleine Riffaud về Pháp và Nguyễn Đình Thi ở Việt Nam, những cánh thư mặn nồng tình cảm vẫn liên tục đi về để kết nối họ với nhau. Qua nhà thơ Huy Cận (1919-2005), năm 1951, trong một bức thư Madeleine Riffaud gởi cho Nguyễn Đình Thi có câu hai thơ “Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Và có gần 1000 bức thư, bưu thiếp gởi qua lại giữa hai người mà Nguyễn Đình Thi còn cất giữ kỹ cho đến lúc cuối đời. Một trong những bài thơ Nguyễn Đình Thi đã làm và gởi tặng người tình trong mộng Madeleine Riffaud của mình có nhan đề là “Nhớ” viết trên đường hành quân, đề tặng M: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngà cây/ Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau, chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau, kiêu hãnh làm người”. Có người còn nói, hình ảnh người con gái hiện lên đẹp hào hùng, đứng trong cảnh khói lửa, quấn chiếc khăn rằn, trong bài thơ “Lá đỏ”– được nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) phổ thành ca khúc cùng tên  chính là tạc lại từ chân dung của Madeleine Riffaud: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc, quàng súng trường…”. Họ cũng đã gặp nhau và có những ngày tháng đắm say hạnh phúc bên nhau. Nhưng không thể đến hôn nhân vào cái thời còn chiến tranh gian khổ trên đất nước vì hai người với hai quốc tịch dù năm 1955, vợ Nguyễn Đình Thi cũng đã mất! Và họ đành chấp nhận xa nhau. Nhưng yêu thương chung thủy với người tình, chính Madeleine Riffaud là người đã tìm cách đưa tiểu thuyết, thơ và các tác phẩm khác của Nguyễn Đình Thi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam ra thế giới. Với bạn bè văn nghệ sĩ, lúc đầu cuộc kháng chiến, ông cùng bạn thân nhạc sĩ Văn Cao đặt chỉ tiêu thi đua sáng tác nhạc để phục vụ cho kháng chiến. Văn Cao viết “Tiến quân ca” (sau trở thành Quốc ca cho đến hôm nay) thì Nguyễn Đình Thi sáng tác “Diệt phát xít”. Nguyễn Đình Thi được xem là cây cổ thụ trong cấp lãnh đạo văn nghệ cách mạng, một Phó soái chỉ dưới có Tổng soái Tố Hữu. Nhưng Nguyễn Đình Thi cùng một số ít văn nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hồng chủ trương đổi mới nghệ thuật thi ca, làm thơ không vần, điều này tương phản với quan điểm của khá nhiều nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Xuân Thủy, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ…- và Tố Hữu – nên có lúc những nhà thơ truyền thống có ý muốn cho dời hộ khẩu Nguyễn Đình Thi ra khỏi vương quốc thi ca.
Về nghiệp cầm bút, làng văn cũng được biết rằng Nguyễn Đình Thi từng nói với con trai – nhà thơ Nguyễn Đình Chính – là không muốn con cái sa vào nghiệp văn chương. Riêng ông cũng tự nhận thêm mình đã đi lầm vào con đường văn xuôi. Điều ông tâm đắc nhất, đó là những bài thơ. Thực vậy, dù sự nghiệp văn chương của ông phong phú và đa dạng nhưng ngày nay, nói đến Nguyễn Đình Thi, ai cũng nghĩ đến ông là một nhà thơ chứ ít người biết ông có viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch, nhạc mà lĩnh vực nào xem ra cũng có nét đặc biệt đáng trân trọng. Về thơ, ngoài những bài trong 4 tập thơ đã in, bài Đất nước (1948-1955) của Nguyễn Đình Thi được coi là nổi tiếng nhất, được đưa vào chương trình giáo khoa môn Văn lớp 12 cấp Phổ thông Trung học từ sau ngày giải phóng đến nay, và cũng được nhạc sĩ Đăng Hữu Phúc phổ thành bản Giao hưởng – Hợp xướng mang cùng tên Đất nước, biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 1/09/2009. Ngoài ra còn có nhữn tập thơ: Người chiến sĩ (1958), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1985). “Đất nước”, có thể là bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi đã được phổ vì giá trị khái quát mang tính chính luận của đề tài. Đây là một bài thơ tự do – không bắt buộc phải tuân theo quy định về số chữ, số câu, vần luật như thơ truyền thống, thơ mới hoặc thơ Đường – Thời gian tác giả làm bài thơ bắt đầu từ một năm sau chiến thắng Thu – Đông vang dội của quân dân ta ở Việt Bắc cho tới một năm sau chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”. Tác giả sáng tác bài thơ trong vòng 7 năm – khoảng thời gian đặc biệt đó, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đủ để nhà thơ nhớ lại diễn biến của tình hình đất nước trong những năm đã qua và đang xảy ra trước mắt để viết nên bài thơ. Mở đầu “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi mượn xúc cảm từ bối cảnh không gian của niềm vui và tự hào hôm nay về một Đất nước trong vùng tự do: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới” để tác giả nhớ lại bức tranh trong sáng nhưng hoang vắng, thoáng buồn trong lòng người đầy lưu luyến, về một mùa thu đã qua: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Mùa thu nay, đứng giữa đất trời giải phóng cúa núi trừng chiến khu, tác giả cảm thấy vui tươi và càng tự hào về đất nước xinh đẹp. Không gian lồng lộng với trời xanh, rừng núi, ruộng đồng, ngả đường, dòng sông… đều hiện lên trong vẻ đẹp trữ tình quen thuộc, khiến nhà thơ rạo rực suy ngẫm về tổ quốc yêu thương với truyền thống bất khuất trong quá khứ nối tiếp sức sống cho kiện tại: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Tác giả cảm nhận đất nước đau thương mà anh dũng trong kháng chiến chống Pháp: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Nhà thơ đã tinh tế mượn chất liệu thực tế để xây dựng hình tượng nghệ thuật vô cùng độc đáo. Cảm xúc của tác giả dàn trải nặng về chính luận, vẫn có ý tưởng sáng tạo đáng trân trọng: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những câu thơ đầy tính sáng tạo làm theo thể tự do sở trường của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói lên được đất nước ta từ đau khổ đạn bom “đã đứng lên thành những anh hùng”, tạo nên cái “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” với vẻ đẹp lung linh hùng tráng. Đây cũng là quá trình từ “than bụi lầy bùn”, từ những ngày tháng “máu trộn bùn non” với bao nhiêu hy sinh gian khổ để tạc nên cái tính cách độc đáo của tượng đài “Vùi quân thù xuống bùn đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” đầy khí phách anh hùng mà giàu tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Về thơ, Nguyễn Đình Thi được nhiều người xem nổi tiếng hơn các thể loại khác mà ông sáng tác. Sau “Đất nước”, với tinh thần vượt khó, trăn trở cách tân thơ trên con đường sáng tạo nghệ thuật không ngừng, Nguyễn Đình Thi đã có những bài thơ hay khác giàu tính tự sự như: Bài thơ Hắc hải, Quê hương Việt Bắc, tính dân gian hòa quyện mượt mà với giọng trữ tình thời đại trong các bài: Nhớ, mẹ con đồng chí Chanh. Có lúc thi hứng nhà thơ trở nên nồng nàn, bịn rịn lung linh giữa mơ và thực như trong bài: Chia tay trong đêm Hà Nội… Có lúc lại vô cùng sắc sảo và quyết liệt như bài Cách mạng – bài thơ thể hiện đỉnh cao khí phách và chiều sâu trí tuệ, những đối cực của vật vả và trở trăn. Bàng bạc trong suốt không gian thi tứ là bão táp và lửa bừng ở đỉnh cao một thi nhân già giặn. “Cách mạng” và “Đất nước” như hai đóa hoa thơ diễm lệ, ngát hương vượt trội hẵn lên trong thi viên rực rỡ trăm hoa trí tuệ khoe sắc của Nguyễn Đình Thi. Từ tập thơ “Dòng sông trong xanh” cho đến giai đoạn cuối, thơ Nguyễn Đình Thi vẽ lên những chuyển biến xã hội dồn dập, căng thẳng trong đó lắng đọng nội tâm và chiêm nghiệm thế sự của tác giả. Nồng độ liên tưởng đậm đặc hòa quyện cùng xúc cảm dồn nén, thể hiện độ sâu của suy tưởng. Tác giả viết những câu thơ trần trụi mà đặc quánh nghĩ suy. Khi thì đơn sơ, yêu mến: “Ta yêu những buổi trưa đầm ấm/ Em bé trồng rau đuổi lũ gà”, lúc lại thảng thốt cảm giác đột ngột, mạnh mẽ mà đầy sáng tạo: “Ôi Cao Văn, Phú Minh, Quảng Nạp/ Trái tim ta đập ở Thái Nguyên” (Quê hương Việt Bắc). Nhưng có lúc thơ Nguyễn Đình Thi cũng không kém ngọt ngào, gần gũi với mọi người. Trong trường ca “Bài thơ Hắc Hải”, giữa những câu thơ 7 chữ khuôn mẫu, mực thước hàn lâm, Nguyễn Đình Thi đã xen vào thể thơ lục bát truyền thống mềm mại, bình dân… khi miêu tả hình ảnh quê hương đất nước Việt Nam thân thương và chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại kính yêu: ”Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”.
Sang lĩnh vực văn xuôi cách mạng, trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến, một mảnh đất văn học mà Nguyễn Đình Thi đã khiêm tốn cho rằng ông đã đi lầm vào, dù ông có nhiều đóng góp rất công phu, nhưng giá trị có hạn. Tiểu thuyết đầu tay “Xung kích” – tác phảm được Giải thưởng Văn nghệ của Hội Nhà văn năm 1951-1952 – Trong tiểu thuyết này, ông dựng lên hai nhân vật trung tâm là Sản và Kha. Sản là công nhân còn Kha là thanh niên thành thị, cả hai đều trưởng thành đến cấp chỉ huy trong quân đội. Nhân vật thứ ba là Lý, nữ cán bộ từng trải của phong trào. Sản, Kha và Lý đều là những người tốt, còn trẻ, chưa có gia đình. Ở cuối tác phẩm, tác giả có miêu tả những lần gặp gỡ thể hiện tình cảm tương tác giữa Sản và Lý: “Chưa bao giờ thấy anh Sản lại hiền lành như thế ”, và có lúc Sản cũng nhìn thấy khuôn mặt Lý vui tươi và hồng hào. Bởi lẽ đó, một cán bộ lãnh đạo văn nghệ khi ấy bảo là các nhân vật điển hình cách mạng trong truyện “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi còn mang tính cách tiểu tư sản! Khi đến với pháo cao xạ và viết “Vào lửa”, nhà văn cũng kịp thời nói lên được từ một binh chủng mới, cuộc chiến tranh dữ dội mà cái sống và cái chết như tự trên trời rơi xuống có thể ngẫu nhiên đến bất cứ lúc nào. Nhưng nếu có hy sinh thì cũng hy sinh trong tư thế anh hùng như những liệt sĩ, những anh hùng vô danh như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn…, đó là điều mà nhân vật Xuân trong “Vào lửa” đã nghĩ. Viết “Mặt trận trên cao”, Nguyễn Đình Thi cũng nhận ra được cái khó làm sao có được một cốt truyện của người chiến sĩ lái máy bay trên không và cuộc đời ở dưới đất. Vì là viết tiểu thuyết nên tác giả đã vất vả tạo ra một cốt truyện nhưng cũng không phải là đặc sắc. Đến tiểu thuyết “Vỡ bờ” (2 tập tổng cộng hơn nghìn trang, mang tính sử thi), tác giả đã thành công mức độ ở sự tái hiện bức tranh đa chiều của xã hội Việt Nam giai đoạn 1939-1945. Tác phẩm đồ sộ này đã thể hiện khát vọng của nhà văn muốn khái quát và tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc thông qua nỗi thăng trầm của một số tầng lớp xã hội. Sang phần kịch bản, dù không phải là mặt mạnh trong sự nghiệp cầm bút của mình, Nguyễn Đình Thi vẫn để lại cho hậu thế hàng chục vở kịch mang dấu ấn mới lạ. Từ “Con nai đen” (1961) đến “Hoa và Ngần” (1975), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Giấc mơ” (1983), “Trương Chi” (1983) và “Hòn Cuội” (1983-1986). Ở kịch bản nào, Nguyễn Đình Thi cũng thể hiện một nỗ lực cách tân không mệt mỏi để làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch. Theo nhiều nhà phê bình, kịch của Nguyễn Đình Thi đa dạng ở nội dung và thể loại, đậm đà chất thơ và tính triết lý. Dù vậy, giống như thơ, số phận những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi cũng không hề suôn sẻ: hoặc đã vắt tim nặn óc làm ra mà không được công diễn, hoặc phải đợi rất lâu mới được đưa lên sân khấu, có vở diễn vài lần rồi bị cấm hoặc viết ra rồi phải đợi đến 20 năm sau mới được ra mắt khán giả. Bởi lẽ, có người cho rằng : kịch của Nguyễn Đình Thi nặng về triết lý, nghệ thuật mang tính biểu tượng hai mặt không biết ám chỉ ai, nhiều ẩn dụ, không dễ hiểu với khán giả bình dân. Đến địa hạt âm nhạc, dù tác giả sáng tác mang tính tài tử chỉ 3 bản: Người Hà Nội (1947), Diệt phát xít (1945) và Con voi (được ca sĩ Trần Hiếu hát). Nhưng Người Hà Nội được xem là một kiệt tác bất hủ, một kiệt tác âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ qua: trình diễn tại Đại hội Thanh niên Thế giới tại Berlin-Đức (1951), nhạc sĩ tác giả được đồng chí Trường Chinh (1907-1988) hướng dẫn đi gặp Bác Hồ, và được Bác Hồ bảo hát “Người Hà Nội” cho Người nghe và được Bác khen. Theo nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989), tại Festival Berlin 1951 có đoàn Việt Nam tham dự, bài hát Người Hà Nội là một tiết mục có trong chương trình ca nhạc, với sự hỗ trợ đặc biệt của dàn nhạc đệm nước Đức chủ nhà. Tuy sáng tác nhạc không nhiều, Nguyễn Đình Thi vẫn xứng đáng với danh hiệu cao quý nhạc sĩ. Về tác phẩm biên khảo, lý luận, phê bình thuộc phạm vi văn học, triết học, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện là một cây bút sắc sảo và có phong cách riêng. Trong tiểu luận “Nhận đường” viết theo quan điểm văn nghệ Mác-xít, tác giả vạch ra con đường đi đúng đắn cho văn nghệ sĩ lúc bấy giờ: “Văn nghệ phụng sự chiến đấu, nhưng sự chính chiến đấu đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc lên văn nghệ mới cho chúng ta”. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Đình Thi cùng các nhà văn cách mạng như Tô Hoài (27/9/1920 – 6/7/2014), Nam Cao (29/10/1917 – 30/11/1951), Trần Đăng (1921 – 1949)… đã hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng của dân tộc, vừa cầm bút vừa cầm súng đi chiến đấu chống quân thù xâm lược.
Tóm lại, qua cuộc đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng, bằng kiến thức uyên thâm, tài năng đa diện và tâm huyết nồng cháy của mình, Nguyễn Đình Thi xứng đáng được tôn vinh là một nhà văn hóa hay coi ông như chân dung đặc biệt của một nghệ sĩ lớn, tài hoa muôn mặt. Dù được coi là xuất sắc, nổi trội trước hết ở thơ – tiêu biểu là bài “Đất nước”, và ở nhạc – bài “Người Hà Nội”, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện rõ nét trong hầu hết tác phẩm thể loại khác của ông một độ sâu trí tuệ, một đỉnh cao nghệ thuật ở sự khám phá, cách tân không mệt mỏi trên con đường đi kiếm tìm chân-thiện-mỹ đích thực dưới ánh sáng nhân văn lấp lành của con người. Điều mà người ta ngưỡng mộ và trân trọng Nguyễn Đình Thi không chỉ riêng ở tài năng và chỗ đứng trong xã hội văn nghệ mà là cái nhân cách cao đẹp, cái tấm lòng mãi mãi vì dân vì nước trong suốt cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật có lúc thăng trầm của một kẻ sĩ tài hoa.
7/4/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...