Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Tú Duyên và thủ ấn họa

Tú Duyên và thủ ấn họa

Họa sĩ Tú Duyên (1915-2012), tên thật Nguyễn Văn Duyến, sinh tại Bắc Ninh, từng học tranh khắc gỗ ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1939, gia đình vào Sài Gòn, ông bắt đầu vẽ cho các báo và sáng tác tranh lụa. Năm 1942, Tú Duyên cải tiến kỹ thuật làm tranh mộc bản gọi là “thủ ấn họa”, tạo dấu ấn đặc biệt trong giới nghệ thuật tạo hình. Qua nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tập thể, tranh của họa sĩ được trân trọng và lưu lại tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới mua về trưng bày. Họa sĩ Tú Duyên từng được đề nghị “Giải thưởng Nhà nước”.
Họa sĩ Tú Duyên giới thiệu một tác phẩm của mình.
Không khí buổi trưa vừa tạm yên ắng, dịu bớt sự oi ả của một ngày cuối năm. Con đường Nguyễn Công Trứ, tại Sài Gòn với những quán cà phê “dã chiến” rải rác hai bên lề tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào cuối thế kỷ 20, luôn ồn ào hối hả trong cuộc sống thường nhật của thị dân. Giữa căn phòng không rộng dùng làm nơi tiếp khách, bề bộn những tranh vẽ treo trên vách và những khuôn khắc gỗ dựng, treo lủ khủ đó đây. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ thấp lè tè là một người đàn ông trông khá cao tuổi, chân mang guốc mộc, dáng hơi gầy nhưng phong thái nhanh nhẹn. Trong chiếc áo măng tô cũ dài chấm gối, lấm tấm vệt màu, tay vừa chỉnh lại tròng kính lão, người đưa mắt nhìn đăm đăm vào bức tranh vẽ dở chưa xong còn treo trên vách. Đó là Tú Duyên, người họa sĩ đã cách tân nghệ thuật làm tranh khắc gỗ (woodcut paintings) mà người ta gọi là “thủ ấn họa” (hand wood engraving paintings).
Tranh khắc gỗ là loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam đã có từ đời nhà Lý (1190). Ở khu vực châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước từ lâu có tranh khắc gỗ phát triển mạnh mẽ và có giá trị nghệ thuật. Đặc biệt, ở xứ Hoa Anh Đào nổi tiếng loại tranh này với các họa sĩ Hokusai (1769-1849), Hiroshige (1797-1858), Ultamaro (1753-1806)…
Hiện nay, ở nước ta có thể phân biệt 3 loại in khắc gỗ: in bằng nhiều bản màu (tranh Đông Hồ), in một bản khắc nét, còn tô màu bằng tay (tranh Hàng Trống) và in toàn đen trắng (sách kinh). Để thực hiện theo lối truyền thống một bức tranh khắc gỗ như tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), nhà nghệ sĩ bình dân phải trải qua nhiều công đoạn kỳ khu, rất tốn thì giờ và công sức: tranh có bao nhiêu màu thì phải có bấy nhiêu bản khắc gỗ, và tất cả đều là bản dương. Mỗi bản khắc chỉ in một màu. Màu in mỗi bản đều nhau như là tô hình theo kiểu vẽ trang trí. Dùng con lăn (rouleau) để lăn trên mặt giấy, tạo sức ép cho mặt dưới tờ giấy tiếp xúc (ăn màu) đều nhau.
Đến khi Tú Duyên cải tiến kỹ thuật in tranh khắc gỗ, được gọi là tranh “thủ ấn họa”, giới mỹ thuật đã nhận ra được nét sáng tạo, giàu tính trí tuệ trong thao tác nghệ thuật của nhà hoạ sĩ tài hoa. Với “thủ ấn họa”, họa sĩ chỉ sử dụng có hai bản khắc gỗ âm và dương: một bản nét và một bản màu (bản âm: lõm và bản dương: lồi). Khi tác nghiệp, họa sĩ dùng ngón tay, lòng bàn tay, cạnh bàn tay để xoa màu trên bản khắc rồi đặt lụa lên, mặt âm làm phông. Sau đó dùng mặt dương để nhấn thêm, rồi xoa, ấn, vỗ, miết trên mặt lụa cho thấm màu. Mỗi bản tranh làm theo lối “thủ ấn họa” có màu sắc đậm nhạt, dày mỏng khác nhau tùy theo sự điều chỉnh linh hoạt, tinh tế của họa sĩ.
Tú Duyên đã khai sinh ra loại hình tranh khắc gỗ nghệ thuật không rập khuôn theo cách làm từ trước, qua kỹ thuật in bằng bàn tay – kiểu in không cần con lăn. Xét về kỹ thuật, nét đặc thù nổi bật của “nghệ thuật thủ ấn họa” của Tú Duyên gồm những điểm tân kỳ độc đáo, như sau:
Một là Khắc ít bản mà in được nhiều màu, hai là chỉ khắc hai bản: một bản dương (bản lồi) và một bản âm (bản lõm) . Cách tô chuyển màu trên bề mặt bản dương trước khi in giúp cho tác giả có thê tạo ra một tác phẩm “thủ ấn họa” đẹp mắt. Ba là họa sĩ xử lý khâu chuyển màu trước trên tờ giấy, như tô màu trộn bột điệp làm nền tranh, nhưng tác giả tô chuyển màu nhẹ nhàng rồi sau đó mới in tiếp theo bằng bản âm hoặc bản dương theo chủ ý của mình. Bốn là áp dụng thủ pháp in chồng, hơi lệch giữa khi in bằng bản dương và bản âm để cố ý tạo ra nét trống do lệch bản in thành nét màu lóe sáng lung linh. Năm là trên mặt bản dương (lồi), họa sĩ tô và chuyển màu không đều nhau theo ý mình. Thao tác này khác với kỹ thuật xưa là tô thật đều một màu trên bản in. Sáu là họa sĩ dùng bàn tay thay cho con lăn để chà, vuốt, ấn, nhận, khiến cho mặt giấy ăn màu khác nhau theo ý muốn của tác giả (1).
Đặc biệt, hình ảnh trong tranh của họa sĩ Tú Duyên sở hữu được những sắc thái độc đáo rất ít tìm thấy ở tác phẩm của những nghệ sĩ tạo hình khác. Tú Duyên có khuynh hướng tạo những đường cong khi hình thành họa phẩm nên gây được cảm giác lý thú cho người thưởng ngoạn về sự chuyển động trong một nền tranh mà các màn và nét đan xen với nhau giữa một không gian lung linh huyền ảo được chuyển màu tinh tế nghệ thuật không thiếu vẻ sáng tạo (2).
Tranh Tú Duyên.
Vững vàng tin tưởng ở kỹ thuật cải tiến đầy tích cực, họa sĩ Tú Duyên đã khéo chọn lọc những đề tài sáng tác. Tranh khắc gỗ truyền thống vốn gần gũi với văn học dân gian. Trước tiên Tú Duyên chọn những câu ca dao, truyện cổ tích có nội dung lành mạnh như: “Nọ thì ả Chức chàng Ngưu/Tới Trung Thu lại bắc cầu sang sông”;  hay truyện “Trầu Cau”, “ Thầy Đồ Cóc”… rồi đến đề tài văn chương bác học: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…
Kế đến là đề tài lịch sử với những gương anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Trần Bình Trọng (1259-1285), một đề tài tâm đắc khiến họa sĩ đã vẽ cả thảy trước sau đến 17 bức) , Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Lê Lợi (1385-1433) với “Bóng người núi Lam”; Nguyễn Trãi (1380-1442), Phan Thanh Giản (1796-1867) với chủ ý minh họa câu nói dặn dò lại cho các con trước lúc hy sinh của hai nhân vật lịch sử này: “Thù cha, con nhớ lo cho nước.” Còn nhớ, bức tranh khắc gỗ đầu tiên là chân dung của nhà thơ – Tiến sĩ Phan Thanh Giản (*) được in bằng bột màu pha với keo. Và những đề tài về nghệ thuật, hay thời sự với sự thể hiện tinh thần sáng tạo và óc thẩm mỹ cao độ như bức “Đàn nguyệt”, bức “Chí trai thời loạn”. Độc nhất vô nhị từ trước tới nay, người ta mới thấy ở họa sĩ Tú Duyên là bộ tranh sáng tác hoành tráng về đề tài “Kim Vân Kiều” tổng cộng có đến 51 bức đã được nước ngoài mua làm phim. Chỉ đến lúc cao tuổi, mắt yếu, tay không còn thật khỏe, họa sĩ Tú Duyên mới đành phải in tranh bằng toàn nét đen trên lụa và nhờ thợ ngoài khắc hộ khuôn gỗ.
Cùng khóa học với các họa sĩ: Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), Mạnh Quỳnh (1917-1991), Nguyễn Sỹ Ngọc (1919-1990), Nguyễn Thị Kim (1917-2011)… tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng với tinh thần sáng tạo, óc khám phá cải tiến, Tú Duyên đã được các đồng nghiệp và giới mỹ thuật thế giới đặc biệt quan tâm thông qua những tác phẩm đậm tính trí tuệ của họa sĩ. Ngày 10.03.1953, trong cuộc triển lãm tranh ‘thủ ấn họa’ đầu tiên tại Nhà Hát lớn Sài Gòn, họa sĩ Nguyễn Thịnh Del, (tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa, 1928-1933), giáo sư trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, đã nhận định  “Thủ ấn họa đã tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ, khiến cho người xem cảm thấy có những sắc màu riêng biệt thích hợp với tâm trạng của mình từng lúc. Điều này do nguồn cảm hứng của nghệ sĩ tạo nên” (3). Cùng quan điểm trên, họa sĩ U Văn An, giáo sư trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cũng nhận định về tranh “thủ ấn họa” của Tú Duyên: “Với trình độ nghệ thuật chắc chắn cọng với lòng tận tụy vô bờ, họa sĩ Tú Duyên đã làm sống lại lối in bản khắc gỗ tranh Tết Việt Nam mà những họa sĩ trước đây ít ai dám làm vì phả tốn kém, hy sinh công sức quá nhiều”.
Tranh Tú Duyên.
Công luận nước ngoài quan tâm đến nghệ thuật cũng đánh giá cao, không ngớt lời ca ngợi: “Mỗi bức tranh ‘thủ ấn họa’ của họa sĩ Tú Duyên chính là một bài thơ kỳ diệu, được sáng tác từ cõi mộng mơ, từ chiều sâu của tâm hồn bằng những nét đậm đà, duyên dáng và sắc màu nhẹ nhàng, tạo nên một sức lôi cuốn đẹp mắt” (Paul Faucon) (3). Hoặc trên tờ “Revue Francaise-Asia” (Tạp chí Pháp-Á), ông René de Berval cũng đã viết những lời trân trọng: “Những tác phẩm ‘thủ ấn họa’ của họa sĩ Tú Duyên vô cùng hấp dẫn khách thưởng ngoạn vì nó được diễn tả bởi chính tay nhà nghệ sĩ đích thực của một dân tộc ham nghiên cứu, tìm tòi, và nó chỉ có thể được tìm gặp trong những truyện kể và kho tàng văn học của đát nước tác giả”.
Từ đó, họa sĩ Tú Duyên được coi là một trong những họa sĩ tuổi cao, lão luyện tay nghề ở Nam bộ, được trang trọng giới thiệu trong sách mỹ thuật ở Ý, quyển “Le Viet Nam” (nước Việt Nam) của nhà xuất bản Milan. Năm 1956, họa sĩ Tú Duyên tiếp tục được nêu tên tuổi trên sách của tổ chức Unesco nói về văn hóa Việt Nam “Việt Nam, hôm qua và ngày nay” làm rạng rỡ cho giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
Với uy tín và tài năng tự mình tạo được, Họa sĩ Tú Duyên có thể tự hào là một nghệ sĩ đã sở hữu những tác phẩm giá trị thực sự mà nhiều nhân vật nổi tiếng yêu tranh trong và ngoài nước đã hăm hở tìm mua. Trước ngày thống nhất đất nước, vua dầu hỏa Hoa Kỳ Rockfeller đã có lần sang Sài Gòn, tìm đến tận nhà họa sĩ Tú Duyên, xin mua 2 bức tranh: tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả – bức “Trần Bình Trọng” với câu nói bất hủ, tràn ngập khí phách giống nòi của người anh hùng dân tộc “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”, và bức tranh “Khuyến học” giàu tính trữ tình.
Tòa đại sứ Kampuchia mua 5 bức Angkorwat. Một nhà sưu tập tranh từ Monaco (Pháp) cũng phải tốn công tìm đến họa thất của Tú Duyên, tại đường Nguyễn Công Trứ để mua tranh. Tranh “thủ ấn họa” của Tú Duyên còn chu du đến nhiều quốc gia khác như: Pháp, Nhật, Bỉ, Malaysia, Philippines… Hiện tại, Tú Duyên còn có hơn 14 tác phẩm được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài tinh thần khám phá, niềm đam mê sáng tạo không ngừng từ đó đã hình thành được một gia tài nghệ thuật, họa sĩ Tú Duyên còn là chân dung tiêu biểu của một nhà giáo mẫu mực, giàu kiến thức, tài năng luôn giúp đỡ học trò và đồng nghiệp. Ở nhà nghệ sĩ tài hoa, đức độ luôn thể hiện một lòng tận tụy yêu thương vô bờ với môn sinh khi thầy công tác ở trường mỹ thuật nên họa sĩ lúc nào họa sĩ Tú Duyên cũng được nhà trường và học sinh rất mực kính trọng và yêu thương.
Cuộc đời của họa sĩ Tú Duyên khiến người ta nhớ đến hai câu thơ của một thi sĩ giàu tinh thần cách mạng: “Nếu phải đường đời bằng phẳng hết/Anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Phan Chu Trinh). Nếu không vì hoàn cảnh trớ trêu không tiền đóng học phí, khiến Tú Duyên phải sớm rời trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, giã từ bạn học cùng khóa, để “hành phương Nam” và nếu không có được óc sáng tạo trời cho và tinh thần cầu tiến, luôn tìm tòi khám phá thì nền mỹ thuật Việt Nam chưa ắt đã sản sinh ra được một nghệ sĩ hội họa giàu cá tính, tài năng như họa sĩ Tú Duyên. Trong một miền đất nước như xã hội Nam bộ còn biến cố chính trị, tác động bởi thế lực ngoại bang, vẫn nở như nhũng bông hoa nghệ thuật tươi thắm – những nghệ sĩ chân tài như Nguyễn Gia Trí (1908-1993: sơn mài), Lê Văn Đệ (1906-1966: sơn dầu và tranh lụa); Tô Ngọc Vân (1906-1954: sơn dầu); Trần Văn Cẩn ( sơn dầu), Lê Trung (1919-? sơn dầu), gốc người Châu Đốc, An Giang; Duy Liêm (1914-1994: vẽ bìa sách, bìa nhạc); Lê Minh (1937-?: vẽ sách chưởng, kiếm hiệp, phiêu lưu, minh họa mà sắm được xe hơi, xây nhà lầu)…hầu hết đã xuất thân từ chiếc nôi mỹ thuật kinh viện ở Hà Nội là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương (4).
Trong khi các nghệ sĩ ấy đã theo dấu chân mỹ thuật hàn lâm truyền thống bình thường, Tú Duyên lại chọn con đường riêng là tự mày mò thêm, cải tiến không ngừng để hoàn thiện kỹ thuật vẽ tranh khắc gỗ và tranh lụa với một tinh thần sáng tạo tuyệt vời, khiến giới nghệ sĩ trong nước và cả thế giới phải khâm phục và ngưỡng mộ. Không ngớt tìm mua  những bức tranh khắc gỗ cách tân của họa sĩ với đường nét sinh động, sắc màu lung linh hấp dẫn mà tràn ngập tính nghệ thuật và nhân văn. Theo dư luận công chúng và sự đánh giá của giới làm nghệ thuật uy tín từ trước hạ bán thế kỷ 20 đến nay, Tú Duyên được coi là họa sĩ đầu tiên đã khai sinh ra “trường phái Thủ ấn họa” ở Việt Nam.
Chú thích:
(*)   Phan Thanh Giản: Đại thần triều Nguyễn, thi sĩ (tác giả Lương Khê thi thảo…), gốc người Bến Tre, rất được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kính trọng. Trước khi uống thuốc độc tự vẫn, ông gọi các con là Phan Liêm, Phan Tôn lại, ân cần căn dặn không được hợp tác với thực dân Pháp.  Sau một thời gian thân thế và sự nghiệp của danh sĩ này bị tranh cải, hiện nay cuộc đời Phan Thanh Giản đã được giải oan, danh dự được phục hồi.                         
(1), (2) Theo họa sĩ Uyên Huy, chủ tịch hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (2012) nguyên là học trò ưu tú của danh họa Tú Duyên.
(3)  Báo ‘Le Journal d’Extrême d’Orient’ (Nhật báo Viễn Đông) số 2717 ngày 15.11.1957
(4) do họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937) và họa sư Nam Sơn (1890-1973) sáng lập.
 
20/3/2020
Đan Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bóng núi đổ xuống lưng lạc đà Thơ Halmosi Sándor rất khó đọc. Đọc một lần khó nắm bắt được thông điệp và vẻ đẹp thi ca mà tác giả đưa ra...