Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đẹp xưa - Một thuở giai nhân

Đẹp xưa - Một thuở giai nhân

Con người hay hoài niệm. Trong cuộc đời, đôi khi chỉ một chút vương vấn mong manh ngày cũ cũng khiến lòng ta không tránh khỏi mang mang vương vấn. Những áng thơ văn: “Đẹp xưa” (Huy Cận), “Hoài thu” (Đinh Hùng), “Đò xưa” (Phương Đình) hoặc những bức tranh về phố cũ Hà Nội (Bùi Xuân Phái), phố cổ Hội An… đã nói lên nét đẹp ngày xưa về cảnh vật, con người với ít vệt nắng bụi thời gian, hay phảng phất chút phấn hương của sông núi cỏ cây. Mới thưởng ngoạn qua tác phẩm ấy, ta vẫn cảm thấy chạnh lòng bâng khuâng khôn tả. Cái đẹp thánh thiện ở tác phẩm sống về chân dung con người càng khiến ta say đắm vô bờ.  
Dù ở không gian nào, trên con đường kiếm tìm lý tưởng chân – thiện – mỹ, nghệ thuật văn chương xưa nay vẫn không bao giờ từ chối ca ngợi Cái Đẹp. Tượng Aphrodite, (Vénus de Milo) Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp với những nét chạm tinh tế, tài hoa về một biểu tượng nhan sắc giai nhân của nghệ sĩ Alexandros vùng Antioch Hy Lạp, (130 TCN), vẫn là tác phẩm lớn của nhân loại thời cổ đại cho đến hôm nay thế giới vẫn tôn thờ. Những minh tinh màn bạc bậc nhất thế giới lừng lẩy như: Marilyn Monroe (1926-1962 – Mỹ), Elizabeth Taylor (1932-2011 – Anh), Michèle Mercier (sinh 1939 – Pháp) Claudia Cardinale (1938 – Ý), Lý Lệ Hoa (1924-2017- Hoa)… Những chân dung nghệ thuật hiện đại sống mà nhân loại mãi ngưỡng mộ và tôn vinh.
Ngày xưa ở Trung Quốc có Tám cảnh đẹp gọi là Bát mỹ đồ, được thi nhân họa sĩ sáng tác dựa trên những phong cảnh nổi tiếng trên sông Tiêu Tương, Trung Quốc. Đó là: Bình sa lạc nhạn (Đàn nhạn sà xuống bãi cát bằng), Sơn thị tình lam (Khói chiều trên chợ núi), Viễn phố quy phàm (Buồm về phố xa), Ngư thôn tịch chiếu (Chiều trên xóm cá), Sơn tự vãn chung (Tiếng chuông chiều trên chùa núi), Thu nguyệt Động Đình (hồ Động Đình dưới trăng thu), Giang lâm mộ tuyết (Tuyết chiều trên rừng bên sông), Tiêu Tương dạ vũ (Cảnh mưa đêm trên sông Tiêu Tương). Rồi đến tranh Tứ bình về bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa mỗi vẻ với nét đặc trưng ấn tượng: Xuân lan, Thu cúc, Đông tuyết, Hạ sen. Người Trung Quốc cũng  hay nói đến “Tứ đại mỹ nhân” (bốn người đẹp) tiêu biểu trong lịch sử văn chương là: Tây Thi (sinh 506 Trước CN), có vẻ đẹp Trầm ngư (làm cá chìm), Chiêu Quân (51 TCN-TCN), với vẻ đẹp Lạc nhạn (làm nhạn sa), Điêu Thuyền (Nhân vật hư cấu) có vẻ đẹp Bế nguyệt (khiến mặt trăng phải thẹn, nấp sau đám mây) và Dương Quý phi (719-756), với vẻ đẹp Tu hoa (khiến hoa phải xấu hổ). Các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đã mượn các biểu tượng nhan sắc này để tả người đẹp: ‘‘Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành” (Truyện Kiều), hay “Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn/ Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa/ Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình” (Cung oán ngâm khúc). Đệ nhất thi hào Nguyễn Du, trong “Truyện Kiều”, đã không quên mượn hình tượng Tây Thi (trầm ngư) và Dương Quý Phi (tu hoa) để tả nhan sắc Thúy Kiều. Thi sĩ Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” cũng ca ngợi nàng cung nữ xinh đẹp chẳng thua gì Người đẹp Trữ La thôn Tây Thi (trầm ngư) và nàng Chiêu Quân (lạc nhạn).
Ở Sài Gòn trước đây có nhiều nữ nghệ sĩ sân khấu ca nhạc nổi tiếng xinh đẹp mà khán giả đã gọi chung là “Ngũ đại giai nhân” (năm người đẹp nhất) gồm có: Thanh Nga (1942-1978), Kim Cương (sinh 1937), Kiều Chinh (1937), Thanh Thúy xưa (sinh 1943) và Thẩm Thúy Hằng (sinh 1940). Trong đó, trước tiên là NSƯT Thanh Nga (có tên Juliette), nữ hoàng sân khấu, nổi tiếng ở các vở: Sân khấu về khuya, Thái Hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh… Thanh Nga là một nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, nổi tiếng về tài sắc một thời khán giả cải lương không bao giờ quên được giọng ca buồn thiên cổ của cô.
Nghệ sĩ Kim Cương.
Nghệ sĩ Thanh Nga.
Thẩm Thúy Hằng.
Diễn viên Kiều Chinh.
Tiếp theo là NSND Kim Cương, có nét đẹp tươi sáng pha vẻ nhí nhảnh dễ thương, vừa diễn xuất hay vừa viết vững thoại kịch (ký Hoàng Dũng) một nghệ sĩ tài tình muôn mặt, nổi tiếng ở các vở thoại kịch “Lá sầu riêng”, “Trà hoa nữ”, “Bông hồng cài áo”… do chị sáng tác, đóng vai chính. NSND Kim Cương được coi là Nữ hoàng Thoại kịch một thời ở miền Nam.
Trong khi đó, nữ minh tinh Kiều Chinh trong phim: Hồi chuông Thiên Mụ (1957), Mưa rừng (1962)… với đẹp đài các phảng phất vẻ kiêu sa, sáng chói trên màn ảnh rộng trước 1975 và sau này vẫn còn hoạt động ở hải ngoại.
Nghệ sĩ Thanh Thúy xưa, thần tượng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) và rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, đại gia…. có một nhan sắc sầu mộng và đặc biệt giọng hát liêu trai trầm buồn, như tiềm ẩn triền miên một nỗi u hoài, không ai là không biết qua những ca khúc âm giai thứ trầm buồn thê thiết của vua nhạc Boléro nổi tiếng Trúc Phương (1933-1995) như: Chiều cuối tuần, Nửa đêm ngoài phố, Ai cho tôi tình yêu...
Ngự riêng một cõi là nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, một minh tinh điện ảnh hàng đầu của miền Nam và thế giới, được coi là tượng đài nhan sắc lộng lẫy, sắc sảo, diễn xuất xuất sắc trong các phim “Người đẹp Bình Dương”, “Ngưu Lang Chức Nữ”.
Nơi miền Bắc xã hội chủ nghĩa một thời đau thương vì khói lửa chiến tranh cũng nổi bật lên những người đẹp vốn là nghệ sĩ có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn: NSND Trà Giang (sinh 1942) trong nhiều phim cách mạng kinh điển và người đẹp Hà thành Phạm Thị Sứ từng được nhắc đến trong huyền thoại thi văn chương “Hai sắc hoa ti-gôn” của T. T. Kh.
Ngẫm nghĩ lại trong cõi nhân gian, ai cũng tâm đắc và kiếm tìm cái Đẹp. Nhưng cái Đẹp mượt mà về vật chất và tinh thần của con người hiện thực và trong nghệ thuật văn chương kim cổ, càng khiến ta ngưỡng mộ tôn thờ. Lắm khi, ta không chỉ yêu cái đẹp của một thời ký vãng xa xăm với nỗi buồn vu vơ trong “Đẹp xưa” của nhà thơ Huy Cận: “Ngập ngừng mép núi quanh co/ Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang/ Vi vu gió hút nẻo vàng/ Một trời thu rộng mấy hàng mây nao/ Dừng cương nghỉ ngựa non cao/ Đặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon”.
Ta cũng cảm thấy chạnh lòng với nỗi u hoài mang mang khó tả trong tùy bút “Cảm thu” ấn tượng của nhà thơ – tác giả “Đường vào tình sử” Đinh Hùng: “Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, lắng nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Chân chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ…”.    
Hoài niệm về những nét đẹp xưa chứa chan lòng cảm cựu, ta cũng bất chợt tìm gặp lại trong vài dòng tùy bút “Đò xưa” của Phương Đình: “Tôi nhớ lại cả một thời xưa, sau những ngày về quê trở ra tỉnh học, tôi được ba tôi cho đi đò đạp. Không giống như chiếc đò dọc ồn ào ngày đêm cần cù chạy suốt những quãng đường dài xa lăng lắc. Cũng chẳng như chiếc đò ngang trong cảnh gió mưa mù mịt vẫn gan góc lao mình qua những con sông rộng mênh mông chập chùng sóng bão…. Sáng sớm hôm ấy, một buổi sáng còn lành lạnh sương đêm và hắt hiu gió sớm, tôi được ba tôi gọi dậy đi nhờ xuồng mẹ ra chợ xã…”.  
Với những người thuộc nòi tình, tâm hồn đa mang, giàu cảm lụy: “Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy/Dẫu tàn thân thế khó quên nhau” (Tchya), một chút mong manh trong thiên nhiên vạn vật xưa xa cũng dễ làm ta xao xuyến: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung” (Hồ Dzếnh), rồi cũng tự xa xăm mà hồn sao vu vơ nhung nhớ: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/Có ai đàn lẻ để tơ chùng/Có ai tiễn biệt nơi xa ấy/Xui bước chân đây cũng ngại ngùng” (Huy Cận).
Ôi thánh thiện và đáng yêu biết bao! Vẻ “Đẹp xưa” của tạo vật, đôi khi ngát đậm hương sắc giai nhân, dù có gây nên lòng hoài niệm mang mang và nỗi buồn vu vơ, vẫn hiện hữu trong lòng thế nhân và mãi là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho nghệ sĩ văn nhân.
Lan Đình
 
6/7/2020
Chàng Văn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...