Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Lê Anh Xuân - Anh hùng một dáng đứng Việt Nam

Lê Anh Xuân - Anh hùng
một dáng đứng Việt Nam

Nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968) tên thật là Ca Lê Hiến, người Bến Tre… Thân phụ anh là giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-1987), nhà nghiên cứu văn học, có 6 người con. Chị của Lê Anh Xuân là Ca Lê Du, cán bộ, các anh là Ca Lê Dân, Ca Lê Thuần (nhạc sĩ), em gái là Ca Lê Hồng (Đạo diễn, NSƯT), em trai, Ca Lê Thắng. Lê Anh Xuân theo cha tập kết ra Bắc học tập. Ra trường, làm giáo sư Khoa Sử thế giới tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi được cử đi nghiên cứu ở Liên Xô nhưng anh có nguyện vọng xin về Nam phục vụ (tháng 12/1964). Vừa hoạt động văn nghệ, vừa cầm súng ra trận chiến đấu, anh hy sinh tháng 5/1968) tại huyện Cần Đước (Long An).
Nhà thơ Lê Anh Xuân.
Lê Anh Xuân được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2011) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001). Tác phẩm: Tiếng gà gáy (thơ, 1965), Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968), Hoa dừa (thơ, 1971), Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 1981), Giữ đất (tập văn xuôi, 1966). Tên nhà thơ Lê Anh Xuân được đặt cho một con đường tại Quận 1,TP. HCM, và một con đường tại Đồng Hới, Quảng Bình.
“Dáng đứng Việt Nam” là nhan đề được nhà văn nổi tiếng Anh Đức đặt lại từ bài thơ “Anh giải phóng quân” của nhà thơ Lê Anh Xuân. Chủ đề khá gần gũi với bài thơ “Bài ca Xuân 68” của Tố Hữu (1920-2002), bài thơ của Lê Anh Xuân ca ngợi chân dung sáng ngời khí phách anh hùng của anh chiến sĩ giải phóng quân, trong lần tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhứt, đợt I của cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân năm 1968. Phẩm chất cao đẹp của anh giải phóng quân trong bài thơ đã phản ánh được không ít dấu ấn cuộc sống hiện thực vô cùng ý nghĩa của tác giả – nhà thơ – chiến sĩ. Lê Anh Xuân trong thời đấu tranh, đuổi giặc giữ nước.
Xuất thân trong một gia đình giáo dục có truyền thống cách mạng ở Bến Tre – Nam bộ, mới 12 tuổi, Ca Lê Hiến đã bắt đầu tỏ ra say mê với văn chương. Ở vùng giải phóng, bên cạnh anh chị và các em  cùng gắn bó với phong trào cách mạng, Ca Lê Hiến vừa học vừa làm tại  một nhà in, đồng thời sáng tác thơ văn, gởi đăng báo ở chiến khu. Sau chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu (1954) của quân dân ta, theo Hiệp định Genève, Ca Lê Hiến theo cha tập kết ra Bắc. Anh theo học tại trường học sinh miền Nam (Hải Phòng) rồi lên học tiếp trường Cấp 3 Phổ thông Nguyễn Trãi tại Hà Nội. Ra trường, anh dạy Đại học, rồi được cho đi nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng Lê Anh Xuân muốn xin về quê hương phục vụ. Khi về Nam (16/9/1964), lúc đầu, anh phục vụ tại ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam rồi sau đó chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Từ đây, sáng tác văn thơ, Ca Lê Hiến bắt đầu sử dụng chính thức bút danh Lê Anh Xuân (kết hợp bằng chữ lót Lê của tên Ca Lê Hiến + chữ đầu Anh của bút danh nhà văn Anh Đức (1935-2014) (Bùi Đức Ái) + chữ lót Xuân của tên người yêu nhà thơ là Bùi Xuân Lan – người Cần Thơ –  vốn là em ruột của tác giả Hòn đất.
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp văn chương của Lê Anh Xuân, ta dễ nhận ra hầu hết những bài thơ anh làm đều tập trung vào chủ đề quê hương – sâu đậm nhất là quê hương Miền Nam thể hiện trong những bài thơ: Tiếng gà gáy, Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội – Và tiếp sau đó là tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương vì độc lập tự do của tổ quốc. Khi còn học tập và công tác ở Miền Bắc, nhà thơ không lúc nào nguôi niềm thương nhớ dạt dào về quê hương ruột thịt ở Bến Tre có bóng dừa xanh mát, hằng đêm tai nghe vọng lại từng giọt mưa rơi cọng hưởng với tiếng trời gầm xa lắc: “Ơi quê hương xanh mát bóng dừa/…” và “Quê nội ơi, mấy năm trời xa cách/ Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời gầm xa lắc/ Cớ sao, lòng thấy nhớ thương”. Khi nhà thơ được mãn nguyện được về Miền Nam yêu thương, lòng hết sức vui mừng vì tận mắt thấy được quê hương yêu dấu ruột thịt vẫn còn: “Quê hương ta tất cả vẫn còn đây”, ý thức về nguồn lại trỗi dậy như một sự biết ơn chân tình, khiến nhà thơ không ngăn nỗi nhớ da diết về Miền Bắc nghĩa tình sâu nặng đã từng đùm bọc, dạy dỗ cho anh trở thành con người Việt Nam đích thực. Lê Anh Xuân lại viết “Gửi miền Bắc”, rồi “Chào Thăng Long”, “Chào Hà Nội” thể hiện nỗi khát khao về một đất nước toàn vẹn được thống nhất, hòa bình trong hoàn cảnh :“ Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi” (Tố Hữu).
Về Nam, Lê Anh Xuân đã có những vần thơ ca ngợi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà thơ bồn chồn nhớ lại cảm xúc say đắm yêu thương nồng nàn về một hiện thực bề bộn, thay đổi nhanh chóng trên con đường đi lên, nhà thơ đã vẽ lên trong những vần thơ đẹp của mình hình ảnh những công trình, con đường, những nhà máy, những mùa gặt… biểu tượng cuộc sống mới bừng nở của miền Bắc đang thay da đổi thịt từng ngày: “Thái Nguyên bừng nở khu gang thép/ Việt Trì khói trắng như mây trôi…”. Hết “Lên bắc Sơn”, Lê Anh Xuân lại xuống “Đêm Uông Bí”, để nói lên tất cả niềm lạc quan trong sáng hòa quyện trong cái tình yêu sôi nổi như máu thịt của mình: “Miền Bắc ơi! sao tôi yêu quá / Như yêu em, yêu má, yêu ba/ Xa quê hương miền Bắc là nhà” (Mười năm). Miền Bắc hay miền Nam đều là quê hương. Mãnh liệt và khí khái hơn nữa là nội dung những câu thơ, những bài thơ Lê Anh Xuân vẽ lên chân dung cao đẹp, kỳ vĩ của người chiến sĩ yêu nước – anh giải phóng quân- của quân đội ta trước năm 1975. Ở đây, cái tôi trữ tình lành mạnh cá nhân của tác giả đã tiệm cận đến sát cái tình cảm rộng lớn với dân tộc và tổ quốc ta. Có thể coi “Dáng đứng Việt Nam” (bài thơ sau cùng) của Lê Anh Xuân là một trong những bài thơ tiêu biểu cho chủ đề ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời đấu tranh chống thực dân – đế quốc.
Người chiến sĩ giải phóng, trong lần tiến công đợt I sân bay Tân Sơn Nhất vào xuân Mậu Thân, đã hy sinh một cách anh hùng trong tư thế tiến công kẻ thù: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng vào xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh tuôn theo lửa đan cầu vòng/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”. Anh vĩ đại mà vô cùng bình dị: không tên, không địa chỉ, chỉ với đôi dép trông rất hiền lành: Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong “mà có thể” mạnh hơn tất cả đạn bom/ làm run sợ cả lầu Năm góc” (thơ Tố Hữu).
Người chiến sĩ giải phóng dù mang dép hay đi chân không, vẫn biểu trưng được cho chân dung khái quát của người chiến sĩ cách mạng yêu nước với “áo vải chân không/ đi lùng giặc đánh” – Hồng Nguyên (1924-1951) vì bởi ở những anh bộ đội cụ Hồ bao giờ cũng chân trần mà chí thép (từ dùng của một nhà văn nước ngoài, ca ngợi phẩm chất của bộ đội ta trong hai cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm). Bằng thể thơ mới phá cách, tiết điệu khỏe khoắn với câu dài ngắn không câu thúc, lời thơ dung dị tự nhiên nhưng có hình tượng nghệ thuật nên thơ, sáng tạo: “Máu anh tuôn theo lửa đạn cầu vòng, Lê Anh Xuân tạc nên tượng đài anh chiến sĩ giải phóng quân trong bài thơ in như trong thực tế, đã hy sinh cao đẹp, hùng tráng hiện diện trong cái không gian hun hút xa thẳm của đường băng sân bay, có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh oai hùng gan góc của người võ sĩ giác đấu chết giữa một đấu trường mênh mông La Mã ngày xưa! Và tác giả bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” – Lê Anh Xuân cũng đã hy sinh một cách cao đẹp.
Dù trong hoàn cảnh nào, sự ra đi mãi mãi cho một nghĩa lớn của nhà thơ Lê Anh Xuân cũng mang dấu ấn đậm nét của một chiến sĩ yêu nước vừa cầm bút vừa cầm súng, chiến đấu theo tinh thần lời dạy của Hồ Chủ tịch: ”Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi). Khi về miền Nam, trong thư từ qua lại với nhà thơ đồng hương Chim Trắng (1938-2011), Lê Anh Xuân đã nhiều lúc chân tình tâm sự với bạn là mình không muốn “đứt rễ dừa” – ý muốn nói xa rời thực tế chiến trường. Và Lê Anh Xuân thực sự đã nằm lại ở chiến trường.
Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016), nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng là người bạn văn đồng chí của nhà thơ sau này cho biết chính ông là người đã an táng Lê Anh Xuân sau khi tìm thấy nhà thơ đã hy sinh trong một trận càn của quân Mỹ tại vùng ven đô Sài Gòn. Tác giả “Ông cá hô” đã giúp gia đình nhà thơ tìm ra mộ bạn mình ở chiến trường xưa. Trường hợp không phải là cá biệt về sự hy sinh, và gởi thân xác tại nơi chiến trận khiến tôi trong một thoáng bồi hồi nhớ lại những câu thơ của Vương Hàn (687-735): “Túy ngọa sa trường, quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi” (Lương châu từ), dịch thơ: “Sa trường ai mỉa ta say/ Xưa nay chiến địa mấy ai được về”  – Tản Đà ( 1889-1939).
Nhật ký Lê Anh Xuân.
Tóm lại, qua tổng thể sự nghiệp cách mạng ngắn ngủi và nội dung tác phẩm thi ca của Lê Anh Xuân, ta có thể khẳng định anh là một hồn thơ chiến sĩ: tha thiết với những sáng tác thi ca cháy bỏng tình yêu đất nước và tấm lòng hăm hở muốn được có mặt ở thực tế chiến trường, trực diện đấu tranh với kẻ thù chung của dân tộc. Bày tỏ cảm xúc khi liên hệ đến Lê Anh Xuân, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tiết lộ: “Tôi khao khát được ra chiến trường vì đọc Trường ca Nguyễn Văn Trỗi của Lê Anh Xuân… Lê Anh Xuân xứng đáng là anh hùng trong thơ và cả trong đời”. Điển hình hơn cả, qua bài “Dáng đứng Việt Nam”, ta có thể nói nhà thơ Lê Anh Xuân đủ tư cách và điều kiện được coi là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tầm vóc đích thực và đúng nghĩa một con người mang dáng đứng Việt Nam.
Kiều Thanh
 
6/7/2020
Hoài Nam
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...