Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Trăng sáng sân trường

Trăng sáng sân trường

Theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật trong những năm gần đây ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại Tây Đô, công chúng độc giả hẳn không xa lạ với nữ nhà văn My Lăng (1). Bút danh này do chị tự chọn, tâm đắc mượn từ tên một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan (2) nhưng My Lăng chủ yếu viết văn xuôi.
Nhà văn My Lăng và tác phẩm
Trong văn chương đông tây xưa nay, trăng thường được mô tả như một hình tượng nghệ thuật đẹp, tượng trưng cho một nội dung nên thơ trong sáng: Ngắm trăng (Hồ Chí Minh), Chơi giữa mùa trăng (Hàn Mặc Tử), Trăng (Xuân Diệu)… Riêng My Lăng đã có truyện ngắn Bóng trăng trắng ngà in trong tập truyện cùng tên, dành cho tuổi mới lớn do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Bóng trăng trắng ngà xây dựng trên bối cảnh sinh hoạt của tuổi thơ. Nội dung truyện xoay quanh các nhân vật trong gia đình và học đường: mẹ, con, cô giáo, học trò…
Tí là đứa bé bất hạnh. Cha mất sớm, Tí chỉ còn nương tựa vào mẹ. Hằng ngày, nó phải tranh thủ vừa đi học vừa bán vé số để giúp thêm gia đình. Một hôm có lẽ vì tất bật với công việc “kiếm cơm” hằng ngày của nó ở ngoài đường phố, trong quán xá, Tí đến lớp mà không thuộc bài. Khi bị cô giáo gọi tên, vì mặc cảm, Tí không dám nói thực với cô. Nó đứng như trời trồng trong lớp trước mặt các bạn. Cô giáo của Tí hiểu được hoàn cảnh nó, tỏ ra thông cảm chẳng trách rầy nó. Chỉ có đám bạn của Tí nhân cơ hội đó trêu nó là thằng cuội, ngụ ý cho Tí là một thằng bé quê mùa ngu ngơ… lẩn thẩn mà lại có vẻ không thành thật. Từ đó, độc địa hơn, bọn bạn gọi Tí là thằng cuội cáo già. Tí âm thầm chịu đựng mà không có một lời lẽ biện bạch nào trước lũ bạn quá tinh nghịch. Tí chỉ biết thương cô hiểu mình, thông cảm được hoàn cảnh mình. Có điều Tí băn khoăn là ở trường sợ cô giáo chủ nhiệm giận và về nhà lo lắng sợ má buồn, má giận nghỉ chơi với Tí. Vì trong thâm tâm, Tí nghĩ ra chỉ có những người đó – cùng con Khịt ở nhà, mới thực sự yêu thương nó. Dù ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã, Tí vẫn là một thằng bé giàu lòng nhân ái. Một lần trên đường khuya lạnh lẽo về nhà muộn, nhớ lời má dặn phải giúp người khi hoạn nạn, Tí đã không ngần ngại cởi chiếc áo khoác nó mặc trong mình, trùm vào ngực một ông cụ đang đói lạnh nằm co quắp giữa đường. Sau đó, nó còn tìm người, nhờ đưa ông cụ vào bệnh viện cấp cứu.
Hàng động cao đẹp của Tí dần dà được cô giáo dạy văn hiểu thêm, càng thương nó, vui vẻ tìm cách động viên nó học giỏi. Các bạn của Tí giờ cũng “ngộ” ra, thay đổi thái độ, thôi chọc ghẹo Tí mà nhìn lại nó như một người hiền. Tình cảm bạn bè, tinh thần nhân ái được chan hòa, tươi thắm và trong sáng lại như Bóng trăng trắng ngà.
Những điểm sáng làm nên giá trị của Bóng trăng trắng ngà là: tác giả My Lăng đã làm nổi bật được chủ đề câu chuyện giàu tính giáo dục và nhân văn. Đó là bản tính hồn nhiên, trong sáng và cao đẹp của tuổi thơ. Bên cạnh ưu điểm đó, người đọc có thể phán đoán về tính cách nhân vật trong truyện của tác giả. Truyện được xây dựng với tuyến nhân vật thuộc lứa tuổi 13-14 với không gian bắt đầu bùng nổ về thể chất và tình cảm. Ở hoàn cảnh hiện nay, các em thuộc lớp tuổi này đã khá sâu sắc và “hiểu biết”! Thế mà cả đám bạn trong lớp của Tí có vẻ như không có đứa nào hiểu hoàn cảnh Tí để thông cảm, chia sẻ… cùng người bạn đáng thương của chúng. Trong khi Tí lại là đứa trẻ bất hạnh, nghèo khó lại ít nói vì sống về nội tâm hay vì mặc cảm! Cả bọn bạn học nó trong lớp sao lại có vẻ ngây ngô – không phải ngây thơ, nếu không nói là vô cảm, đã tấn công, trêu ghẹo Tí tới tấp ngay từ đầu!… Tuy nhiên, về sau nhờ cô giáo, chúng nó cũng đã kịp nhận đường (3) biết ra được thái độ không nên có trước đây của mình, khiến cho ánh trăng tuổi thơ đã trở thành “Bóng trăng trắng ngà” thực sự của học đường. Ưu điểm của cây bút nữ My Lăng là chị sở hữu được một lối viết khá hồn nhiên, trôi chảy qua một chủ đề giáo dục, giàu tính nhân văn.
Tóm lại, Bóng trăng trắng ngà cũng chỉ mới là đứa con tinh thần đầu tiên của ngòi bút My Lăng còn khá trẻ nhưng rất “tài hoa” – tay bút tay cọ – đang sung sức bút cọ, nên chúng ta vẫn còn kỳ vọng nhiều ở My Lăng. Sau khi rời “bỏ cuộc chơi” (4), chắc chắn My Lăng sẽ có nhiều thời gian nghiền ngẫm kỹ lại những tác phẩm sau này của mình để vững bước đi lên trên con đường văn nghệ thênh thang phía trước.
04. 2020
                                                                   C.V
 
* Tác phẩm dành cho “Tuổi mới lớn” do Nhà xuất bản Kim Đồng (Hà Nội) ấn hành năm 2006.
(1) My Lăng: Tên thật là Nguyễn Trần Thùy Trang
Sinh ngày 08 – 04 – 1981 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, và xuất thân từ một gia đình nhà giáo. Chị hiện là giáo viên bộ môn Mỹ thuật, trường THCS Đoàn Thị Điểm TP. Cần Thơ. Hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ.
My Lăng có một số truyện ngắn được đăng trên tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương và cũng từng có tranh triển lãm. My Lăng được trao một số giải thưởng về truyện ngắn và tác phẩm mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL và Cần Thơ.
(2) Bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Yến Lan (1916-1998) là Bến My Lăng.
(3) Nhận đường: một tác phẩm lý luận của Nguyễn Đình Thi (1924-2003).
(4) Bỏ cuộc chơi: lấy chồng (từ dùng của nhà thơ Hàn Mặc Tử).
 
6/7/2020
Chàng Văn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...