Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

"Tấm lòng son" trong "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương

"Tấm lòng son" trong "Bánh
trôi nước" của Hồ Xuân Hương

“Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương nằm trong chuỗi những bài thơ mang nhiều tầng nghĩa, trong đó có ẩn dụ dục tính, táo bạo và khêu gợi. Những bài thơ đậm chất phong tình của bà thường đưa bạn đọc đi qua “cửa ải” ái tình, nhưng sau đó lại đến với rất nhiều ngã rẽ. 
“Tấm lòng son” – Tranh Nguyễn Tuấn Sơn
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt dưới đây cho thấy những hình ảnh hiện hữu sống động, thấm đậm màu sắc tính dục. Nhưng đến câu kết của bài thơ ta bắt gặp một hình ảnh khác, sáng trong và nhân hậu, một “tấm lòng son”. Sức lan tỏa của hình ảnh này mạnh mẽ, làm lu mờ toàn bộ những ẩn ức tính dục trong nội dung bài thơ. Đồng thời nó cũng gợi lên chân dung chân thực một nữ sĩ thông tuệ và đa đoan, tài năng gắn liền với những éo le, bất hạnh.
Bài thơ này có một số dị bản. Tôi lấy bản in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1 dùng cho bài viết nhỏ này.
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Đã có nhiều bài nghiên cứu, phân tích bài thơ “Bánh trôi nước”, kể cả những bài văn mẫu, dàn ý hay in trong sách giáo khoa và sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh phổ thông. Do vậy, tôi sẽ không bình giải dựa theo câu chữ, bố cục, xuất xứ của bài thơ mà chỉ thiên về những ẩn ức, cảm nhận trực giác mà tác phẩm mang lại.
Trong thơ chữ Nôm, Hồ Xuân Hương thường viết về những điều giản dị, về những con vật, hay vật dụng bé mọn nơi bà từng sống hoặc đã đi qua. “Bánh trôi nước” dĩ nhiên cũng nằm trong mạch thơ ấy, ẩn chứa nhiều thi vị, vang động dư âm thời đại đầy biến động của bà. Bài thơ cho thấy “bánh trôi nước”, một món ăn quen thuộc có từ thời Hồ Xuân Hương hoặc có thể trước nữa được truyền lại đến tận bây giờ, được nhiều người ưa thích, nhất là người Hà thành. Nhiều nơi ở nước ta cũng có các loại bánh tương tự, hoặc gần giống “bánh trôi nước”. Chẳng hạn miền Nam có “bánh ít trần” làm từ bột nếp và đậu xanh, nhân bánh mặn hoặc ngọt, hấp cách thủy.
Xin rẽ ngang câu chuyện. Tôi chợt nhớ những đêm se lạnh hơn ba mươi năm trước. Lũ sinh viên chúng tôi thường rủ nhau ra phố Hàng Cân, Hàng Giầy ở Hà Nội ăn bánh trôi nước, hoặc bánh trôi Tàu. Viên bánh tròn hoặc thuôn dài, vỏ ngoài mềm mướt nhưng trong lại dai dẻo. Ruột bánh có nhân đậu xanh, vừng đen, hoặc viên đường phèn nho nhỏ. Bánh được luộc trước rồi vớt ra ngoài cho khô vỏ. Nước trong nồi hòa đường hoa mai lọc bằng lòng trắng trứng trông tựa màu hổ phách. Nồi nước luộc bánh còn cho thêm gừng già đập dập, đun sôi mới thả bánh vào. Người bán hàng chờ chiếc bánh nào nổi lên mới múc ra bát và rắc thêm ít lạc rang giã vỡ. Chiếc bánh trôi mà Hồ Xuân Hương hóa thân vào trong đó có màu trắng, chắc là nhân đường phèn!
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Câu thơ gợi cho tôi nhớ tới nồi bánh trôi sôi nghi ngút khói ngày nào. Nhưng giờ đây, hình ảnh nữ sĩ họ Hồ xưng “em” đã hiện thân trong chiếc bánh trôi ấy. Hình tướng cũng như tính cách “rắn nát” của chiếc bánh trôi kia phụ thuộc vào bàn tay người nhào nặn ra nó. Theo bản khắc năm 1914, câu thơ đầu tiên có vài chữ thay đổi: “Thân em thời trắng phận em tròn”. Câu thơ này rõ nghĩa hơn, phân rõ khái niệm “thân” và “phận”, nhưng không gần gũi, dân dã bằng câu đã in trong sách giáo khoa: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Chữ “thân em” ở đây bao hàm nghĩa hình dáng, cốt cách và cả thể phách của nữ sĩ sáng trong, cao đẹp. Còn “phận em tròn” hay “lại vừa tròn” ám chỉ sự sắp đặt của định mệnh, của số phận mà bà đành phó mặc, cam chịu. Hình ảnh “phận em tròn” cũng là hình ảnh đặc trưng cho thân phận người phụ nữ Việt thời ấy và cả xa xưa nữa. Nhiều câu ca dao đã nói về thân phận bé nhỏ, hẩm hiu, trôi nổi, thậm chí rẻ rúng của người phụ nữ trong chế độ xưa:
– “Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”
– “Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày”
– “Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
– “Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”
Câu thơ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, trong bản in “Xuân Hương thi sao”[1] có ghi: ‘Mềm rắn nhờ tay quân tử vọc”. Chữ “vọc” nghe mạnh bạo nhưng có vẻ chưa đạt đến độ thanh nhã của những câu thơ phong tình mang phong cách Hồ Xuân Hương. Bà có nhiều câu thơ thấm đẫm tính dục, đọc thấy “choáng”, nhưng phía sau những hình ảnh gợi/ nhạy cảm ấy luôn là một tấm lòng ngay thẳng, chân thành của một thi sĩ tài năng, lênh đênh bạc mệnh. Hình dáng của “tay kẻ nặn” trong bài thơ dù chỉ thoáng qua, nhưng đó là “kẻ” đã tạo ra phông nền, hoàn cảnh xã hội thời nữ sĩ đã sống. Bạn đọc có thể hình dung “kẻ” ấy là một cá nhân có danh phận, hay một kẻ quyền thế ăn trên ngồi trốc, mũ cao áo dài, kẻ lừa đảo, dị hợm và cũng có thể một người đàn ông vô tình nào đó trong xã hội “trọng nam khinh nữ”. Và “kẻ” ấy cũng là đại diện cho thế lực nắm quyền bính thời bấy giờ.
Những hình ảnh đậm tính dân gian “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát”, “tay kẻ nặn” cho bạn đọc hình dung diện mạo xã hội thối nát, đảo điên thời bấy giờ. Đó là một xã hội dung chứa cái ác, những thói hư tật xấu, suy đồi, sự thoái hóa của con người, đồi bại về phẩm hạnh đạo đức, nhân phẩm.
Trên cái nền đen tối ấy, “tấm lòng son” của Hồ Xuân Hương hiện lên thật cao đẹp. Đó là vẻ đẹp của lòng bác ái và cao thượng: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Hình ảnh “tấm lòng son” hiện ra trong câu cuối đã đưa bài thơ sang bờ bến của nhân tính, lòng vị tha cao cả. Nó xóa nhòa mọi ấn tượng về tính dục trong “tay kẻ nặn” trước đó. Theo cảm nhận của tôi, giữa ba câu thơ đầu và câu thơ cuối cùng có một khoảng trống, đúng hơn là một ranh giới. Khi bạn đọc bước sang ranh giới bên này của nhân văn, đạo đức, của lòng ngay thẳng thì nhìn sang phía bên kia là miền đất của “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát”, “tay kẻ nặn”… Biểu tượng “tấm lòng son” của Hồ Xuân Hương đã làm cho những “tấn trò đời” phía bên kia ranh giới bị đẩy lùi, lu mờ trong tâm thức bạn đọc.
Hình ảnh “tấm lòng son” của Hồ Xuân Hương được đặt vào vị trí “đắc địa” trong bài “Bánh trôi nước”, trước hết khẳng định tài năng một nữ sĩ bậc nhất thi đàn từ trước tới nay. Bạn đọc có quyền đưa ra giả định, nếu “tấm lòng son” xuất hiện sớm hơn, nằm ở một trong ba câu thơ trước đó, dĩ nhiên hiệu quả của nó không mang lại ấn tượng mạnh như vậy. Hình ảnh độc đáo này còn cho thấy cốt lõi của nhân tính, vẻ đẹp tâm hồn và bản lĩnh sống, bản lĩnh sáng tạo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
M.N.P
 
[1] Theo cuốn sách Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Nxb Văn học, 2007) do GS.TS Kiều Thu Hoạch biên khảo, Xuân Hương thi sao phụ tạp sao là văn bản chép tay. Ngoài thơ Nôm, Hồ Xuân Hương còn chép thơ của các tác gia khác nên gọi là tạp sao. Không có tên người sao chép.
 
6/7/2020
Mai Ngọc Phát
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...