Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Bùi Xuân Phái - Nghệ sĩ hoài cổ

Bùi Xuân Phái - Nghệ sĩ hoài cổ

Bùi Xuân Phái (1920-1988) là họa sĩ đỉnh cao về sơn dầu (và sân khấu chèo) của Việt Nam và cả thế giới. Ông tốt nghiệp khóa sau cùng (1941-1946) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…
Họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Bùi Xuân Phái chuyên vẽ phố cổ Hà Nội và các đề tài khác như: sân khấu chèo, chân dung, khỏa thân, phong cảnh, tĩnh vật. Ông tham gia kháng chiến, sau về Hà Nội ngụ tại số 87 Phố Thuốc Bắc. Bùi Xuân Phái từng giảng dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội (1956-1957). Tác phẩm: Hà Nội kháng chiến (1966), Phố cổ Hà Nội (1972), Xe bò trong phố cổ (1972), Phố vắng (1981),  Hóa trang sân khấu chèo (1968), Vợ chồng chèo (1967), Sân khấu chèo (1968), Hề  chèo (1982), Trước giờ biểu diễn (1984)…
Tác phẩm “Hồ Hoàn Kiếm” của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Tranh phố cổ nổi tiếng của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946, 1980; Giải thưởng Đồ họa Leipzig (Đức); Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm: 1969, 1981, 1983, 1984 và Huy chương: Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam năm 1997.
Bùi Xuân Phái sinh ra tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, ven đô Hà Nội – một làng quê nức tiếng cả nước với nghề vẽ tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Chính làng Kim Hoàng còn mang dấu ấn nghệ thuật một thời đã nuôi dưỡng tâm hồn đam mê hội họa của Bùi Xuân Phái từ thời thơ ấu.
Xuất thân trong một gia đình trung lưu ở phố Hàng Thiếc, sau chuyển về  sống luôn tại phố Hàng Bút nay gọi là phố Thuốc Bắc. Do vậy mà ông đã quen thuộc từng ngõ ngách, con đường của Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Thuở nhỏ, cậu bé Bùi Xuân Phái theo học trường Trí Tri ở phố Hàng Quạt, có năng khiếu về môn Văn và rất thích vẽ. Còn ở tuổi học trò, Bùi Xuân Phái đã được báo “Cậu ấm Cô chiêu đặt vẽ tranh vui thường kỳ”. Năm hai mươi mốt tuổi, Bùi Xuân Phái xin thi và đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học với những giáo sư họa sĩ uy tín: Iguimberty (1896-1971), Nam Sơn (1890-1973), Tô Ngọc Vân (1920-1954)…
Chàng sinh viên yêu nghệ thuật của làng Kim Hoàng bắt đầu vẽ phố, và đã có tác phẩm gởi đi dự triển lãm tại Tokyo ngay từ khi còn là một sinh viên mỹ thuật của trường Mỹ thuật Đông Dương. Yêu nghệ thuật dân tộc và cũng không thể dửng dưng trước cảnh đất nước bị ngoại bang giày xéo, vừa ra trường, Bùi Xuân Phái đã đem hết tâm huyết, tham gia hoạt động mỹ thuật, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp theo khả năng chuyên môn của mình. Trong một lần được gặp Bác Hồ, hoạ sĩ đã vẽ chân dung Chủ tịch nước và được Người tặng chữ ký. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, như các văn nghệ sĩ yêu nước khác, Bùi Xuân Phái lên chiến khu Việt Bắc, vẽ cho báo Sống Vui và Nhà Thông tin, phụ trách bởi nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002).
Trở về Hà Nội, họa sĩ vừa dạy tại trường Mỹ thuật Việt Nam vừa vẽ tranh để tham gia triển lãm. Khi phải thôi dạy ở trường mỹ thuật vì dính vào sự kiện chính trị “Nhân văn – Giai phẩm” (1955-1957), sau khi được “chỉnh huấn”, làm “kiểm điểm”, và đi lao động về, Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ phố cổ Hà Nội và tranh Hà Nội trong chiến đấu. Trong thời gian nhận vẽ cho Đoàn Hát Chèo Hà Nội, ông sáng tác thêm hàng loạt tranh mang đề tài sân khấu chèo vốn được họa sĩ quan tâm từ lâu, và những ký họa sinh động về các diễn viên hát chèo. Trong sự nghiệp mỹ thuật của mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sáng tác tranh theo nhiều chủng loại và đề tài, phản ánh trung thực và sinh động nhiều mặt cuộc sống của dân tộc. Những mảng tranh sơn dầu sáng tác về phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái là dòng tranh quan trọng nhất được tác giả nghiền ngẫm, bởi lẽ nơi đó đã hình thành từ một không gian tuổi thơ đầy kỷ niệm buồn vui với bao nỗi thăng trầm trong cuộc  đời nghệ sĩ. Thẩm định về tác phẩm của Bùi Xuân Phái, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có ý kiến: Trong tranh Bùi Xuân Phái, phố phường Hà Nội không đơn điệu, mà đa dạng về hình sắc, thay đổi, khác lạ theo thời gian và tâm tình người sáng tác. Hậu thế tôn vinh ông không chỉ là ông “Ông vua phố cổ”, Bùi Xuân Phái còn được coi là họa sĩ bậc thầy về vẽ chân dung, và vẽ xuất sắc về sân khấu chèo .
Ta thử nhìn kỹ lại tổng thể những họa phẩm vẽ phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Chắc hẵn người xem tranh không khó rút ra cảm nhận: ngoài nội dung đề tài trước hết như muốn gợi lên một sự nuối tiếc ngậm ngùi, một nỗi nhớ thương xa vắng những gì thân thiết trong đời, qua thời gian đã không còn hiện hữu. Những tác phẩm thuộc “Thế giới Phái” hay trên con đường mang tên “Phố Phái” của “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” như: “Phố Hàng Mắm” (sơn dầu, 1984), đến những tranh khác vẽ phố cổ của Bùi Xuân Phái: Phố Thuốc Bắc, Phố Hàng Bạc, Phố Hàng Bồ, Phố Hàng Tre, Phố Mã Mây… và tác phẩm “Phân xưởng nhuộm” (Bột màu, 1985) hay bất cứ một tác phẩm nào khác của họa sĩ vẽ về phố cổ, xét về mặt phong cách, ta nhận ra Bùi Xuân Phái thường sử dụng những nhát cọ mạnh tô đậm các cạnh đồ vật như cửa sổ, cột điện, cột nhà, mái nhà, vách tường khá gần gũi với phong cách của họa sĩ phong cảnh nổi tiếng Pháp Cézanne (1839-1906) thuộc trường phái Hậu Ấn tượng (Post-impressionism).
Xét về mặt kỹ thuật, xem tranh Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ, người ta có cảm tưởng họa sĩ không chú trọng đến các yếu tố cơ bản của hội họa như: điểm nhìn (point de vue) hay điểm tựa thấy và đường chân trời (ligne horizontale) còn gọi là đường tầm mắt theo truyền thống lý thuyết kinh điển của hội họa. Gọi là phố, cho nên nền tranh bị choán bởi chập chùng nhà cửa, san sát phố xá và cột điện nhiều hơn là cây cối, nhân vật. Bởi vậy, người xem mới nhìn vào, cảnh vật có vẻ tiêu điều trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, tứ đó dễ gợi cho họ cái cảm giác buồn man mác hay những bâng khuâng chạnh lòng! Có lẽ nhà họa sĩ muốn mượn tranh để nói lên tâm trạng mình như một quan niệm đã có từ lâu “ Cảnh vật chỉ là một trạng thái của tâm hồn” (Le paysage n’est qu’un état de l’âme): Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này hay “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sấu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
Phố hàng mắm.
Bên cạnh những bức tranh “Phố Phái” với những đường viền đậm đặc và run rẩy, với gam màu nâu, xám, những đóm đỏ, cam bất chợt trong không gian nền cô liêu, im vắng, họa sĩ Bùi Xuân Phái còn có những bức vẽ phong cảnh thật đẹp, những cảnh hoạt động của con người về nhiều nơi khác nhau của tổ quốc: Mỏ than, Xúc than vào lò, Phân xưởng nhuộm, Hòa Bình, Cát Bà, Cảng Đà Nẵng, phố cổ Hội An… bức nào ông vẽ cũng giản dị, thông thoáng mà vẫn cuốn hút nhãn quan của người xem tranh. Có phải, cái vẽ trầm mặc, u hoài trong mảnh tranh “Phố Phái” đã bắt nguồn từ cuộc sống thăng trầm đầy chật vật của một nghệ sĩ tài hoa. Người ta nhớ lại là sau khi không còn được đứng lớp ở trường Mỹ thuật, đã có thời gian Bùi Xuân Phái sống bằng cách đi vẽ tranh minh họa và hí họa cho các báo với bút danh là: PiHa, ViVu, Ly. Dù vậy, trong đời sống thường nhật, Bùi Xuân Phái vẫn tỏ ra là người rất mực yêu hội họa và có tâm hồn rộng rãi, hay tặng tranh cho bạn bè hoặc người quen. Ông sử dụng đủ các phương tiện mỹ thuật để diễn đạt: sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than… trên giấy, gỗ, vải, cả đến giấy báo, bao thuốc lá, vỏ diêm quẹt… Vẽ xong, ông nhét vào khe tủ. Khi người thân, bè bạn đến chơi, họa sĩ vụt hứng lên lấy tranh ra cho xem và hỏi bạn: Thích không, cho đấy! Quán tính này có nét phảng phất Sơn Nam – tác giả “Hương rừng Cà Mau” – vốn không giàu nhưng tính rất hào phóng, gặp ai nghèo là hay cho tiền.
Người ta còn kể lại chuyện có lần, tại một quán cà phê ở Hà Nội, nhà họa sĩ tài danh cao hứng, dùng bút mực và cà phê đen, hăng say ký họa chân dung một người đẹp. Trong phút chốc, Bùi Xuân Phái vẽ được tất cả 30 bức tranh. Chàng họa sĩ hào phóng tặng hết cả những bức chân dung đó, riêng cô người mẫu ưu tiên được chọn trước 5 bức! Theo lời họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai của Bùi Xuân Phái – thì dù cuộc sống gia đình đạm bạc, ông chưa bao giờ thấy cha mình thể hiện máu mê tiền bạc. Và cái hình ảnh tệ nhất của người nghệ sĩ – theo Bùi Xuân Phái – là hình ảnh anh ta ngồi đếm tiền. Chính nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn nghệ sĩ đồng tâm thân thiết đã hiểu rõ hoàn cảnh bạn, tính tự trọng, cam chịu sống thanh đạm của Bùi Xuân Phái nên suốt mấy mươi năm, đều có quà tặng trong những lần đến thăm họa sĩ vào ngày Tết.
Tóm lại, họa sĩ Bùi Xuân Phái dù cuộc đời lận đận, khó khăn về vật chất và thăng trầm về công danh nhưng nghệ sĩ đã cống hiến một sự nghiệp nghệ thuật đang quý cho đất nước. Họa sĩ đã thể hiện lòng yêu cái đẹp và tình cảm nồng nhiệt đối với dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họa sĩ thực sự đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa có giá trị không nhỏ. Như những chiếc lăng kính trong sáng, tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ đã cho không chỉ giới mỹ thuật mà còn cho cả nhân dân thấy được tấm lòng của người làm nghệ thuật chân chính mang ý nghĩa về nguồn. Đó là tình yêu lý tưởng “chân – thiện – mỹ” trong nghệ thuật sắc màu, đường nét và cũng là hồn cốt của kẻ sĩ tài hoa đối với đất nước quê hương.
Tác phẩm của nhà danh họa Bùi Xuân Phái nổi trội nhất ở dòng tranh “Phố Phái”, ấn tượng một cách đặc thù về đề tài phố cổ Hà Nội, từ đó đã nói lên ở ông một tấm lòng hoài cổ, một niềm luyến tiếc khôn nguôi về những gì cao đẹp thân yêu xưa giờ đã phôi pha theo thời gian. Xem tranh Bùi Xuân Phái với cảnh phố xá, nhà cửa tiêu điều, cột đèn nghiêng vẹo trong không gian xám xịt u hoài, nhiều khách thưởng ngoạn không khỏi âm thầm, chạnh lòng liên tưởng đến những vần thơ thất ngôn Đường luật man mác của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương” vì cả hai nghệ sĩ đều có chung một tấm lòng cảm cưu mang mang. Dù có ý kiến thế nào, theo họa sĩ Vũ Giáng Hương (1930-2011), khi nói về họa sĩ, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật đã từng nhận định: “Danh họa Bùi Xuân Phái là người họa sĩ tài năng của thế kỷ 20”.
Đan Thanh
 
27/3/2020
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôi sao vô danh  Từ đấy tới nay non ba chục năm trời. Các nhân viên trên đoàn tàu đêm nay không ai biết ga Mả Phu Tàu. Có thể vì họ khô...