Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Wordsworth - Tiếng thơ miền cỏ hoa sông nước

Wordsworth - Tiếng thơ
miền cỏ hoa sông nước

“I wandered lonely as a cloud”
William Wordsworth (1770-1850) là nhà thơ trữ tình hàng đầu của văn học Anh. Ông được coi là người thơ khởi xướng cho phong trào lãng mạn trong nền văn học xứ sương mù từ cuối nửa sau thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 và được xếp ngồi cùng chiếu trên với các thi hào W. Shakespeare (1564-1616), John Milton (1608-1674). Sự nghiệp văn chương của W. Wodsworth gồm những thi phẩm thể hiện lòng yêu thiên nhiên dào dạt, tình cảm lạc quan về cuộc sống và tình yêu nhân loại nồng nàn.
Nhà thơ William Wordsworth
Tác phẩm tiêu biểu của Wordsworth là: Lyrical Ballads (Thơ trữ tình) – hai tập (1798 và 1800), với sự hợp tác của nhà thơ đồng điệu Samuel Taylor Coleridge (1772-1834); Poems (Thơ) – hai tập (1807); The Excursion (Cuộc dạo chơi- 1814), The Prelude (Khúc nhạc dạo- 1850)… nổi tiếng nhất là bài thơ “The daffodils” (hoa Thuỷ tiên), tổng cộng hơn nửa nghìn bài. W. Wordsworth được trao tặng bằng: Tiến sĩ danh dự (An Honorary Doctorate) của trường Đại học Durham và Tiến sĩ danh dự của trường Oxford và trở thành thi bá của nước Anh (Poet Laureate – 1843), vinh dự được vào hoàng gia Anh làm thơ trong những dịp có nghi lễ nhà nước.
Vào cuối thề kỷ 18, thị hiếu thưởng ngoạn văn chương nghệ thuật của phương Tây bắt đầu chuyển từ phong cách Cổ điển (Classicism) khô khan thiên về lý trí sang Tân cổ điển (Neo-classicism) có sự tỏa sáng của văn học lãng mạn (Romanticism) phóng khoáng hơn. Khuynh hướng mới này đề cao tình cảm, trí tưởng tượng và tính chủ quan của con người, tiệm cận dần đến tự do của cái tôi chủ thể sáng tạo và sự ca ngợi thiên nhiên trong tác phẩm của họ. Hai kiện tướng tiền phong đại diện cho trào lưu lãng mạn là nhà văn Pháp Jean Jacques Rousseau (1712-1778) và thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832). Tại vương quốc Anh, William Wordsworth cùng người bạn thơ đồng điệu Samel Taylor Coleridge cũng phả hồn thơ mình vào luồng gió mới văn học này bằng những tác phẩm điển hình nổi tiếng.
William Wordsworth sinh ra tại Cockermouth, Cumberland (Anh quốc) trong một gia đình quý tộc. Thân phụ Wordsworth – ông John là người đại diện luật pháp (Attorney) cho hầu tước James Lowther miền Lonsdale, nên thường phải đi công tác xa. Mẹ của Wordsworth ở nhà dạy vỡ lòng cho con trai rồi gởi đến các trường Tiểu học Cockermouth, Penrith là nơi dành cho những trẻ em các gia đình quý phái. Chính tại Penrith, Wordsworth đã gặp cô Mary sau này trở thành vợ của nhà thơ. Khi mẹ mất, cậu bé được cha gởi theo học trường Trung học Hawshead tại Lancashire (nay là Cumbria).
Say mê thi ca, ngay từ thuở bé, Wordworth vừa đi học vừa tập tành làm thơ. Đến năm 1787, bài “sonnet” (thơ – 14 câu) đăng trên tờ The European magazine (Tạp chí châu Âu) tạo nên dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời thơ của Wordsworth. Sau khi học Đại học Cambridge và đỗ bằng Cử nhân (Bachelor) năm 1790, Wordsworth  đi du lịch châu Âu, thăm núi Alpes hùng vĩ rồi tới nước Pháp, Thụy Sĩ và Ý. Tại Pháp, chàng yêu Annette Vallon và cô gái đã sinh cho Wordsworth một bé gái tên Caroline nhưng sau đó một mình chàng trở lại nước Anh. Thời gian sau đó, do cuộc tranh chấp giữa hai nước Anh-Pháp, chàng không liên lạc được với Annette và con gái Caroline.
Sau khi xuất bản hai tập thơ An evening walk (Cuộc đi dạo buổi chiều) và Descriptive Sketches (Phác họa) vào năm 1793, hai năm sau, Wordsworth nhận được 900 bảng Anh tiền thừa kế nên nhà thơ có điều kiện để yên tâm theo đuổi nghiệp thơ. Cũng trong năm này, Wordsworth gặp Samuel Taylor Coleridge và trở thành đôi bạn thơ cùng cho xuất bản thi tập Lyrical Ballads (Thơ trữ tình – 1798), tác phẩm ghi dấu mốc quan trọng trong trào lưu văn học lãng mạn Anh. Tính lãng tử, thích giang hồ đây đó để sáng tác chẳng khác nào Nguyễn Tuân (1910-1987), Nguyễn Bính (1918-1966), Quang Dũng (1921-1988),… sau này ở nước ta, Wordsworth lại ngao du sang Đức (1798) cùng Coleridge. Nơi miền đất lạ, chàng viết nhiều bài thơ xuất sắc thể hiện tấm lòng thiên nhiên tha thiết: The Prelude (Thơ mở đề), The Lucy poems (Những vần thơ Lucy). Sang năm sau, nhà thơ cùng em gái Dorothy trở lại quê nhà, thăm gia đình Mary rồi cư trú trong Khu vực Hồ nước (the Lake District). Nơi đây, Wordsworth, Coleridge cùng người bạn mới Robert Southey, tạo nên bộ tam sên: The Lake Poets (Những Nhà thơ Hồ nước). Thời điểm này, thơ chàng có hơi nhuốm màu sắc bi quan khi nói đến nỗi đau truyền kiếp của con người như: sự chết, sự chịu đựng trong gian khổ, cảnh chia xa và nỗi buồn. Năm 1802, khi tình hình chính trị giữa Pháp-Anh dịu bớt căng thẳng, Wordsworth trở qua Pháp thăm lại cố nhân Annette và con gái Caroline. Cũng trong năm này, sau khi nhận được 4.000 bảng Anh từ tiền nợ cũ trả lại cho gia đình, nhà thơ chính thức cưới Mary và ở với nàng được 5 người con. Từ năm 1807, Wordsworth lần lượt cho xuất bản các tập thơ: Thơ ca ngợi: Những thân tình của sự bất tử (Ode: Intimations of Immortality) và Cuộc dạo chơi (The Excursion). Wordsworth quan niệm rằng thi ca mô tả đời sống hằng ngày, nên sáng tác bằng ngôn ngữ bình thường để nhiều người có thể cảm nhận được và thi ca là kết tinh của xúc cảm hồi tưởng từ trong tĩnh lặng. Tư tưởng này khiến ta nhớ lại câu nói nổi tiếng của thi hào cùng thời người Đức J. W. Goethe: “Tài hoa thành tựu trong cô đơn và tĩnh lặng”.
Hành trình thâm nhập vào thế giới thơ của William Wordsworth, người đọc có thể nhận ra những nét chủ đạo nổi bật trong tư tưởng và nghệ thuật nhà thơ. Dù có viết một vở kịch duy nhất “The Borderers” (Dân Biên giới), trong lịch sử văn học Anh, Wordsworth vẫn là chân dung vĩ đại của một nhà thơ có tài mà tác phẩm đã được đưa vào từ chương trình giáo dục bản địa tới cả các Đại học các nước khác trên thế giới có học phần Ngôn ngữ và Văn hóa Anh. Trong nhiều năm trách nhiệm hướng dẫn Thực tập Biên dịch Ngoại ngữ cho sinh viên học tiếng Anh năm áp cuối tại Đại học Cần Thơ, tôi đều không quên cho các em thực tập dịch thuật phần văn học nước ngoài là những tác phẩm: thơ, truyện, kịch tiêu biểu, nổi tiếng của nền văn học Anh. Tôi cảm thấy rất thú vị vì công tác này đã khiến tôi thêm tin tưởng khi suốt đời đứng lớp dạy Văn và ngày ngày có thói quen không quên cầm bút hoặc không rời bàn phím laptop để hình thành tác phẩm. Tổng thể tác phẩm của William Wordsworth tập trung nhất ở thi ca đều nội dung trong sáng, lành mạnh, nghệ thuật điêu luyện, hài hòa ở thi pháp  từ ngữ, vần điệu của nhà thơ là động cơ đầu tiên khiến tôi lưu ý nhiều với các bạn sinh viên.
Nếu trong tập thơ: The Prelude (Thơ mở đề), tác giả muốn nói với ta “Tình yêu thiên nhiên dẫn đến tình yêu nhân loại” (the love of nature leads to the love of humanity); thì ở thi tập: Elegiac Stanzas suggested by a picture of Peele Castle (Những vần thơ u hoài từ một hình ảnh của lâu đài Peele) đã biểu lộ ra nỗi đau buồn sau khi em trai John của  nhà thơ Wordsworth mãi mãi ra đi… vì bị đắm tàu.
Nét đẹp trong tổng thể nội dung thi tứ và nghệ thuật bút pháp của Wordsworth hầu như nhất quán. Nhưng được nhắc đến nhiều và hoan nghênh nhất là các bài thơ: “The Daffodils ” (Hoa Thủy tiên), “Lines written in early spring” (Mấy vần thơ xuân), “My heart leaps up” (Xao xuyến) của Wordsworth.
Vốn tâm hồn phóng khoáng nhạy cảm như bao thi nhân khác, Wordsworth trước hết muốn nói lên tình cảm trìu mến, quyến luyến yêu thương thiên nhiên ngay từ khi còn trong tuổi ấu thơ: Mới hiện cầu vồng trên đỉnh cao/ Mà lòng nghe dậy nỗi xôn xao/ Giờ đây tôi đã ra khôn lớn/ Lòng vẫn như khi tóc chỏm đào (My heart leaps up when I behold/ A rainbow in the sky/ So was it when my life began/ So is it now I am a man/ So be it when I shall grow old)…// Và tôi mong năm tháng trong đời/ Quyến luyến cùng thiên nhiên máu thịt. (And could wish my days to be/ Bound each to each by natural piety – My heart leaps up).
Lòng yêu cỏ hoa non nước trong thiên nhiên còn man mác tỏa rộng và được thể hiện chi li bằng cảm xúc tinh tế và bút pháp tài hoa của tác giả ở bài thơ Hoa thủy tiên (The daffodils). Lang thang một mình trên bước đường lãng tử, nhà thơ vô tình bắt gặp những đóa hoa xinh mà như tình cờ được hội ngộ và tâm sự với giai nhân. Nhà thơ mô tả sắc hoa đẹp bên hồ nước bằng tất cả nỗi xao xuyến của con tim và sự rung động đích thực của một tâm hồn thi sĩ. Bức tranh Hoa thủy tiên minh họa bằng ngòi bút tài hoa của tác giả cũng đồng thời là chiếc lăng kính phản ánh trung thực được chân dung hồn cốt của nhà thơ: “Cô đơn như áng mây trôi/ Lang thang nghìn dặm núi đồi lãng du/ Vô tình bỗng gặp bên hồ/ Thủy tiên vàng đẹp thẩn thơ hồn ngây!/ Bên hồ nước, dưới tàn cây/ Tung tăng vẫy gọi heo may đón chào/ Miên trường tựa những ánh sao/ Ngân Hà lấp lánh dễ nao lòng người/ Hoa xinh diễm lệ màu tươi/ Ấp ôm môi biển rạng ngời trời xa/ Thoáng nhìn rực rỡ trăm hoa/ Lung linh vũ điệu phong ba nhịp nhàng/ Hương hoa ngát ý giao hoan/ Cõi thơ khôn cản thi nhân vui vầy/ Bên ta giữa tiệc mê say/ Hồn thơ bay bổng ngất ngây nỗi niềm/ Với ta nằm nghỉ đòi phen/ Nghe trong im vắng nỗi thèm khát khao/ Hoa xinh rực rỡ muôn màu/ Trong cô đơn thấy lòng xao xuyến lòng/ Tim ta ấm một trời hồng/ Bước vui vũ khúc Nghê Thường với em” (Hoa Thủy tiên – N.T dịch thơ) (1). Với thể thơ alexandrin (thơ mới), kết hợp giữa từ ngữ chọn lọc với vần gián cách xen lẫn vần liền, tạo nên âm hưởng đậm chất thơ, Hoa Thủy tiên là bài thơ trong đó sắc bén là hai câu mở đầu tuyệt bút mà người yêu thơ nước Anh ai cũng thuộc lòng: Cô đơn như áng mây trôi/ Lang thang nghìn dặm núi đồi lãng du (I wandered lonely as a cloud/That floats on high over vales and hills).
Bằng cảm nhận riêng, tôi có phần thích bài thơ ““Lines written in early spring” (Mấy vần thơ xuân) hơn. Bởi lẽ qua bài thơ này, ta thấy rõ được bên cạnh tình yêu thiên nhiên dạt dào của Wordsworth còn rực sáng lên lòng yêu con người cao đẹp và nỗi khát khao vô bờ để được sống: cuộc sống đời người vô cùng thanh cao và quý giá như một thiên đường, rất đáng sống với mọi người: “Làm gì hơn, ta mãi nghĩ băn khoăn/ Vì cuộc sống là thiên đàng bất tuyệt” (And I must think, do all I can/ That there was pleisure there….). Vẫn với vần gián cách, bài thơ 5 khổ (strophe) 20 câu đã cho ta những đoạn thơ, câu thơ thể hiện tinh thần lạc quan và lòng yêu đời đáng quý: “Tai lắng đọng muôn cung đàn tiếng hát/ Ta một mình lững thững dưới tàn cây/ Tâm tư thoáng dậy niềm vui bát ngát/ Man mát tình sầu lệ cảm thương lây/ Cảnh diễm lệ thiên nhiên xe dây thắm/ Hồn nhân sinh giục giã ở trong ta/ Lòng lâng lâng bao ngó ý mượt mà/ Ai đã tạo ra con người muôn vẻ/ Bên lùm rậm nụ tầm xuân vừa hé/ Bò lang thang hoang dại, nhánh lan rừng/ Và đây: Niềm tin – Lớp lớp hoa hồng/ Đang tận hưởng những luồng không khí mát/Chim chúc tụng quanh ta và múa hát/ Vạn lời hay muôn ý đẹp khôn lường/ Chút men tình cũng gợi nỗi vấn vương/ Và rung động như trùng dương hạnh phúc/ Mọng cành nẩy lộc xòe lan ngón quạt/ Đón gió lành dào dạt tự ngàn phương/ – Làm gì đây, ta mãi nghĩ băn khoăn/ Vì cuộc sống là thiên đàng bất tuyệt” (N.T dịch thơ).
Tóm lại, trên vũ trụ thi ca Anh quốc với những ngôi sao chói sáng rực rỡ như Shakespeare, Milton, Lord Byron (1788-1824), Wordsworth xứng đáng là một trong những nhà thơ tiền phong tiêu biểu cho trào lưu văn học lãng mạn nước Anh. Thơ Wordsworth là tiếng hát ca ngợi lòng yêu thiên nhiên nồng ấm, lòng yêu người sâu lắng và tinh thần lạc quan, yêu thương gắn bó thiết tha với cuộc sống quý giá duy nhất của đời người. Thơ William Wordsworth đầy ắp tính nhân văn, khiến ta nhớ đến những vần thơ thể hiện lòng yêu thiên nhiên nồng ấm, trong thơ của Mạc Thiên Tích (1718-1780) trong Hà Tiên thập vịnh, Đoàn Văn Cừ (1913-2014) trong Thôn ca… và Anh Thơ (1921-2005) trong Bức tranh quê và gần đây là của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) trong Cảnh rừng Việt Bắc. Những áng thơ William Wordsworth và các nhà thơ trên đây là biều tượng cho tình yêu cây cỏ xinh tươi, non sông hoa gấm của nước nhà, để mọi người yêu thương thêm đất nước và không quên bổn phận thiêng liêng gìn giữ, đấu tranh bảo vệ quê hương.
và (2) Xin các bạn đọc thêm hai bài thơ nguyên tác trên bằng tiếng Anh trong  Love poems (Thơ tình) Translated by Nguyen Thanh Van hoa Van nghe Publishing House  - 2013  HCM City.
11/3/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...