Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Cái tôi trữ tình trong "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" của Nguyễn Tham Thiện Kế

Cái tôi trữ tình trong "Dặm ngàn
hương cốm Mẹ" của Nguyễn Tham Thiện Kế

Nguyễn Tham Thiện Kế là một trong số những nhà văn tài hoa tiêu biểu của đất tổ Phú Thọ. Tác giả luôn có ý thức đổi mới con chữ và tư duy để tạo nên một văn cách độc đáo. Ký của Nguyễn Tham Thiện Kế là dòng ý thức pha trộn nhiều cảm hứng cá nhân, biểu dương những vẻ đẹp hiện hữu, mải miết lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang bên bờ phôi pha. Tuỳ bút Dặm ngàn hương cốm Mẹ là bức tranh hội tụ đầy đủ màu sắc, hương vị, hơi thở của không gian văn hóa đất Tổ Phú Thọ và xứ kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Tác phẩm đã bộc lộ một cái tôi trữ tình chứa chan xúc cảm, chất chứa tâm tình của một người con nặng lòng với quê hương, đất nước. Đó là cái tôi đầy nhân văn, giúp tác giả bày tỏ những khát vọng nội tâm thầm kín trước những thăng trầm nhân tình, thế sự.
Cái tôi trữ tình trong Dặm ngàn hương cốm Mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế phản ánh hiện thực tâm trạng của chủ thể từ những trải nghiệm với người thật, việc thật, từ những điều nhìn thấy, nghe thấy. Cái tôi trữ tình ấy được nhận diện từ sự đan bện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó trước hết là cái tôi rất mực thiết tha trước vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Với Nguyễn Tham Thiện Kế, sông Lô, sông Thao không thuần túy chỉ là một dòng chảy địa lý, đó còn là dòng sông lịch sử, là chứng nhân những tháng năm dân tộc oằn mình trong đau thương chiến tranh. Mỗi giếng nước, con ngõ, bến sông… xuất hiện trong ký của Nguyễn Tham Thiện Kế đều gắn với một miền ký ức:
“Tôi có con sông thơ giữa rừng thường xanh nơi khẩn hoang ngạt ngàn hoa dại trắng dòng trong. Bờ cát mật viền cỏ, trái trám chua rụng điểm dấu chân nai. Thuyền bẹ hoa chuối rừng thắm đỏ xuôi đi giấc mơ con trẻ về thủ đô Tháp Rùa, que kem ngũ sắc…” [1, tr. 105]. Lắng sâu trong không gian chôn nhau cắt rốn ấy là tiếng mõ trâu khua lốc cốc “vang thì sáng sớm trẻ con nhớ vộc dậy mò cơm nguội đeo túi dệt vải bạt xanh lội suối cái đến trường” [1, tr.254], tiếng ve sầu núi kêu ong ong trong cái nắng gắt cuối hè, là bát chè cốm sen, là chén rượu cốm “lạnh tê, nuốt lưng chừng tới dạ mới bừng náo lên hương cốm từ tâm não” [1, tr.19], rượu tăm nếp cái hoa vàng, xôi nếp trộn cùi cọ bầu lâng lâng đầu lưỡi, bình cọ xào lòng gà, mẻ bánh khúc nóng rẫy mang “vị ngon hư thực bâng khuâng” [1, tr.110], day dứt “vị cơm cháy non gạo tám nấu nồi gang mấp mé bờ môi” [1, tr.176], là những câu hò, điệu Xoan, điệu Ghẹo mang chứa vẻ đẹp truyền thống văn hoá Việt ngàn năm.
Hình ảnh tươi đẹp của quê nhà, của những con người anh hùng trong chiến đấu và miệt mài trong lao động đã đi vào tập tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế như một lời minh định niềm tự hào về xứ sở. Giữa cuộc đời đầy gian truân và thăng trầm, người dân Phú Thọ vẫn rạng ngời vẻ đẹp cần cù, chịu thương, chịu khó. Đó là Mẹ, là Chị, là Bà, là Dì… – những người phụ nữ nghĩa tình bao dung, những người sẵn sàng thứ tha, sẵn sàng hi sinh hết thảy cho gia đình thân yêu.
Dặm ngàn hương cốm Mẹ – Tập tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế
Độc giả dễ dàng tìm thấy những điều rất đỗi gần gũi và thân thương như một phần hình bóng quê hương lam lũ mà thắm đượm nghĩa tình: đôi tay chai sần theo năm tháng của Mẹ, bóng lưng còng của Bà, cái xoa đầu ấm áp của Chị, mùi bồ kết hương nhu trên mái tóc Nội, mùi mồ hôi mặn mòi thấm đẫm lưng áo Dì… Chuyện đời của từng cá nhân dù nhỏ bé như mợ Bích, bà giáo Chi, lão Đông Chắt, ông già H’mông… cũng được Nguyễn Tham Thiện Kế kể lại một cách đầy xúc động. Đó là bức chân dung chữ về những con người hồn hậu, mộc mạc, chân chất, nghĩa tình.
Càng đi xa, Nguyễn Tham Thiện Kế càng lắng sâu cảm xúc về sự-gắn-bó-nơi-chốn. Mỗi nét đất là dáng kỷ niệm tuổi ấu thơ, khi là góc hoa xoan vườn mẹ, khi là cánh đồng ngạt ngào hương đồng nội. Tuổi thơ cùng bánh nắm bỏng gạo thơm mật mía, kẹo vừng bùi bùi, bánh đa kê nồng ngậy, viên bi bảy màu rực rỡ, và cả hương vị Tết như cát chảy qua kẽ ngón tay. Hoài thương làn khói chiều quê “lòng vòng lây ngây” [1, tr.179], tác giả thấm thía sự trôi chảy biền biệt của tháng năm, thấm thía cái hữu hạn của đời người trước cái vô cùng của đất trời. Hồng Hạc vẫn căng mọng, thịt quả vẫn hồng hồng ngọt lịm, “chỉ có điều Hồng Hạc trồng ngoài Bạch Hạc thì không còn là Hồng Hạc nữa!” [1, tr.75]. Bánh khúc vẫn được rao bán những đêm đông nhưng “Chẳng có chiếc bánh khúc nào ngon bằng chiếc bánh Mẹ làm” [1, tr.116]. Dẫu có nếm trăm món ăn lạ miệng trong không gian sang trọng, cái tôi tác giả vẫn thèm khát vô bờ cảm giác được một lần ăn lại bát canh sắn nấu chua của mẹ, nhai “những hạt cốm thần thoại dẻo thơm cuống quýt lập bập giữ hàm răng ngon ngon mãi” [1, tr.17]. Những món ăn ấy mang hơi ấm của bàn tay Mẹ, mang “vị ngon cao thượng mà gần gũi quen thân” [1, tr.47], là thức ngon vật quý không gì sánh bằng. Nhưng quy luật thời gian hà khắc, có những vẻ đẹp khi đã rời xa thì chỉ còn có thể níu lại qua hồi ức.
Viết về Dặm ngàn hương cốm Mẹ, Đỗ Ngọc Thống so sánh: “Vũ Bằng ngày ấy xa dạt, sống trong nắng gió lồng lộng ngút ngàn phương Nam, bỗng da diết, bồn chồn Thương nhớ mười hai. Nhớ cánh hoa đào Hà Nội, nhớ cái rét Nàng Bân, nhớ cả tiết mưa phùn xứ Bắc… Nguyễn Tuân ngồi ở thủ đô Hen-xanh-ky lạnh buốt của Phần Lan mà nhớ về bát Phở bốc khói nghi ngút chốn Hà Thành. “Tha hương- nhớ quê” là lẽ phải, thường tình. Với Thiện Kế thì khác, anh nhớ thương quê ngay tại quê hương, “Tôi đang đứng ở bên hồ mà vẫn thương nhớ Hồ Tây” (Lời nguyện cầu cho Hồ Tây)… anh ngập vào triền miên những suy nghĩ mông lung: “Gái dinh đào giờ đây mặc váy, không gánh phù sa/ Các em lên phố làm công bán hàng (…) Căn nhà rêu, hương trầm, chay tịnh không cánh hoa/ Cả dinh đào trống rỗng, mặt vườn lỗ chỗ hố bứng cây như dấu đạn cối tung tóe màu đất mới/… Ngửa lòng tay Tôi nhìn/ Ở nơi xa lắm, Nàng có nhớ dinh đào nữa không” (Với hoa đào năm cũ)” [2]. Nếu chỉ là những rung cảm nhất thời, Nguyễn Tham Thiện Kế khó lòng viết lên được những trang văn xúc động nhường ấy.
Cái tôi trữ tình trong Dặm ngàn hương cốm Mẹ đồng thời là cái tôi thấy mình lạc dòng, bơ vơ giữa đô thị cùng niềm khắc khoải hoài tiếc những giá trị văn hóa gắn với không gian làng quê đang dần mai một. Ý thức sâu sắc về sự đổi thay của quê nhà trước xu hướng đô thị hóa, cái tôi tác giả trải bày niềm tiếc nuối trước những cảnh tượng bể dâu: đó là số phận giếng Nhâu bị vùi lấp bởi quy hoạch đường cao tốc, là sự thưa vắng và mất dần nhịp đò sang sông bởi sự xuất hiện những cây cầu. Bếp gas đã thay cho bếp củi, còn đâu màu lam khói rạ, Mẹ thấy “cả không khí giờ đây cũng nhạt nhèo” [1, tr.181]. Từ không gian trung châu nguồn cội đến vùng đất Hà thành ngàn năm văn hiến, tất cả đều trong chiều đổi thay. “Bờ bê-tông đã thay mép cỏ. Sen cũng gầy và bớt thắm, sâm cầm thưa bay lại. Sương mù mau tan, gà không muốn gáy cữ định ngày… Khỏa tay xuống nước hồ không ai dám rửa mặt, dẫu cho nước hồ ai đó đã định thay” [1, tr.128].
Từ phải sang: Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, tác giả Lê Như Tùng, Thạc sĩ Trần Văn Long
Hà Nội chỉ còn lại chút dư quang hiu hắt của máy nghe nhạc quay tay, máy chụp ảnh trùm đầu, loa đồng thau loe miệng, chiếc đồng hồ cúc cu… Ngõ nhỏ thưa dần tiếng rao ngai ngái của những người bán dạo, mất dần mùi rau tầm khúc. Lối chơi đào của người Hà Nội ngày một bớt sành. Hà Nội còn đâu “những lầu son gác tía từng soi bóng Hồ Tây cùng húy kỵ của những triều vua” [1, tr.124], còn đâu “không gian văn hoá Hồ Tây gia phong nề nếp và điềm tĩnh” [1, tr. 127] đến độ người hàng xóm không tự tiện bước chân qua cổng rào nhà khác mà không hắng giọng hoặc thông báo trước. “Bến khách thương cầu vọng hương hoa” [1, tr.106], “bến chờ đợi, bến hò hẹn, bến gặp gỡ, bến chia ly” [1, tr.103] gắn với buồn vui xuôi ngược bao kiếp người dần dà chỉ còn trong ký ức. Những hình ảnh từng gắn bó đến thân thuộc rồi cũng hoá xa lạ. Viết về đời sống thực tại, Nguyễn Tham Thiện Kế không ngừng kết nối với vẻ đẹp của lớp ngày tháng cũ. Qua đó, nhà văn gửi gắm ước vọng neo giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Cũng từ khát vọng neo giữ vẻ đẹp truyền thống ấy, tập tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế đã đi từ những thường nhật của đời sống để nhìn đời sống ở bề sâu. Cái tôi trữ tình tác giả trầm mình vào đời sống, đau đáu nhớ tiếc trước nguy cơ phôi pha của ngôi nhà cổ, của giếng làng tuổi thơ ngọt lành kí ức, của bến nước gieo duyên, của làn Xoan, điệu Gheọ đằm thắm, rạo rực tình đất, tình người… Cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào, ngợi ca sang trầm tư, lắng đọng. Nguyễn Tham Thiện Kế khao khát được bộc bạch, được giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều về đời tư, thế sự. Đó là cái tôi tràn đầy khát vọng hướng về tuổi thơ và muốn níu giữ những giá trị thiêng liêng còn lại của những vẻ đẹp sắp trở thành hoài niệm.
Với trái tim nhạy cảm, giàu trắc ẩn, Nguyễn Tham Thiện Kế nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với cuộc sống và với mảnh đất quê hương. Hạnh phúc không phải là những điều to tát, xa vời mà có thể ở ngay trong những điều gần gũi, bình thường nhất của nhân tình thế thái. Thông qua cái tôi đầy hoài niệm, Nguyễn Tham Thiện Kế đã gọi dậy hồn dân tộc, khơi nguồn cái đẹp thiện lành, gióng hồi chuông khẩn thiết đánh thức tình yêu tha thiết dành cho quê hương và khát khao bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hoá tiềm ẩn trong cuộc sống đời thường.
Thế giới nghệ thuật kí  Nguyễn Tham Thiện Kế được thể hiện với vô vàn cảm xúc khác nhau: có tự hào, có xao xuyến, có tiếc nuối, có xót xa, có hoài thương… nhưng ở trạng thái nào đi nữa, người đọc vẫn cảm nhận được một tấm lòng tha thiết với quê hương. Cái tôi trữ tình trong Dặm ngàn hương cốm Mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế vừa mang tính truyền thống, vừa mang nét hiện đại. Đó là cái tôi vượt qua thực tại xô bồ để trở về với nguồn cội. Qua đó, người đọc thấy được tình cảm yêu mến thiết tha của nhà văn đối với quê hương, đất nước, con người.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tham Thiện Kế (2011), Dặm ngàn hương cốm Mẹ, Nhà xuất bản Phụ Nữ.
2. Đỗ Ngọc Thống (2011), Tản mạn về Dặm ngàn hương cốm mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế, https://baoxaydung.com.vn/.
3. Nhiều tác giả (2022), Giáo trình văn học tỉnh Phú Thọ, NXB ĐHQGHN.
17/8/2022
Lê Như Tùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...