Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Một sắc thái riêng của văn học Mỹ đương đại

Một sắc thái riêng
của văn học Mỹ đương đại

Lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1968 với tập thơ Firstborn, Louise Glück nhanh chóng được bạn đọc, giới phê bình đánh giá là một trong những nhà thơ quan trọng nhất trong văn học Mỹ đương đại. Trong sự nghiệp của mình, bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải Pulitzer năm 1993, Huân chương Nhân văn Quốc gia Mỹ năm 2015 và gần đây nhất là Nobel Văn học năm 2020.
Là một trong những nhà thơ hàng đầu của xứ Cờ hoa, tác phẩm của nữ nhà thơ Louise Glück thường đề cập đến các chủ đề thời thơ ấu, cuộc sống gia đình cùng những sáng tác dựa trên các câu chuyện thần thoại Hy Lạp và La Mã. Theo ý kiến đánh giá của Hội đồng xét giải Nobel Văn học, đặc trưng nổi bật trong các tác phẩm của bà là sự giản dị nhưng vẫn mang màu sắc vui tươi và sáng tạo tinh tế. Giọng thơ không thể nhầm lẫn của bà cùng với vẻ đẹp chân phương đã khiến cho sự tồn tại của những cá thể bỗng chứa đựng vẻ đẹp của cả vạn vật.
Nhà thơ Louise Glück đã nhiều lần nhận được các giải thưởng lớn.
Sinh năm 1943 tại thành phố New York và lớn lên ở Long Island, ngay từ nhỏ Louise Glück đã say mê đọc sách và làm thơ. Bà viết những câu thơ đầu tiên khi mới lên 5 tuổi và tham gia các hội thảo về thơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tài năng viết lách đã giúp bà tự nuôi sống bản thân trong những năm tháng học đại học. Những câu chuyện kể của bố mẹ về các vị thần và anh hùng Hy Lạp là nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác sau này của bà.
Trong tập thơ ra đời năm 2006 có tên Averno, bà đã sử dụng huyền thoại về nữ thần Persephone như một lăng kính để phản ánh về tình mẫu tử. Bà cũng thể hiện góc nhìn bênh vực phái đẹp. Bà kể bi kịch của nữ hoàng Dido – người bị anh hùng Aeneas phản bội, hay Eurydice – vợ của nhạc công Orpheus, người đã cố gắng đưa cô về dương gian từ địa ngục nhưng không thành. Những kẻ bị trừng phạt, ruồng bỏ hay phản bội trở thành cảm hứng xuyên suốt trong tác phẩm, biểu đạt tiếng nói của phụ nữ và tượng trưng cho nỗi đau.
Với cộng đồng nói tiếng Anh và độc giả Mỹ, Louise Glück là nhà thơ đương đại xuất chúng. Trả lời báo The Guardian, Fiona Sampson, nữ nhà thơ người Anh cho biết, bà đã đọc và nghiên cứu thơ của đồng nghiệp hơn 20 năm, chứng kiến sự thay đổi phong cách sáng tác của Louise Glück, từ những tác phẩm xoay quanh trải nghiệm cá nhân đến những bài thơ tầm vóc đậm triết lý nhân sinh. Fiona Sampson rất xúc động khi nghe tin Louise Glück đoạt giải Nobel Văn học.
Trong 12 tuyển tập thơ do Louise Glück sáng tác, “The Triumph of Achilles” là tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao. Tập thơ này cũng được Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel nhắc đến khi công bố giải thưởng năm 2020. Trong bài tuyên dương sự nghiệp thi ca của Louise Glück, ông Anders Olsson cũng nhắc đến tập thơ “Ararat” mà ông nhận xét là đã bắt gặp ở đó “những hình ảnh gần như thẳng thắn về mối quan hệ không suôn sẻ trong nhiều gia đình”.
Trong một bài viết đăng trên báo The New Yorker, nhà thơ, nhà phê bình Dan Chiasson đã nhấn mạnh rằng, Louise Glück là một nhà thơ lớn, người xứng đáng được giải thưởng. Những tác phẩm của bà luôn mang đến sự bất ngờ nhưng vẫn giữ được sự gần gũi. Sở dĩ thơ của bà thu hút được nhiều đối tượng độc giả là bởi nội dung đa dạng và ý nghĩa sâu xa. Người đọc có thể tìm thấy tình yêu, nỗi đau, sự hoài nghi trong thơ của nữ chủ nhân giải Nobel 2020.
Thậm chí, ngay cả những công việc tưởng chừng rất đỗi bình thường như trồng trọt, làm cỏ cũng xuất hiện nhưng được nhìn qua lăng kính vô cùng đặc biệt. Nhìn chung, thơ của Louise Glück khắc họa khía cạnh muôn mặt của đời sống nội tâm con người. Dù những màu sắc ảm đạm thường xuyên hiện hữu trong thơ của mình, Louise Glück vẫn nói về sự hồi sinh cũng như sức sống mãnh liệt. Nhiều nhà bình luận cho rằng, đó chính là điều nhân loại đang cần trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh vẫn đang đe dọa tính mạng con người.
“Khi bạn đọc những bài thơ của Louise Glück về nỗi buồn, bạn sẽ cảm thấy mình như được gột rửa và trút bỏ được sự đau buồn hơn là chán nản. Đó là một dòng thơ không chạy theo mốt, xu hướng hoặc quảng cáo, có phẩm chất và giá trị vượt thời gian”, nhà phê bình kiêm nhà văn Daniel Mendelsohn, biên tập viên của tờ The New York Review of Books nhận xét.
Theo đánh giá của giới phê bình, thành công mà nữ nhà thơ 78 tuổi gây dựng trong sự nghiệp sáng tác của mình được tạo nên từ chính những trải nghiệm cá nhân. Bà đã không né tránh mà nhìn trực diện vào nỗi đau, diễn đạt nó một cách “thẳng thắn, không khoan nhượng”. Điều này tạo nên một sắc thái riêng cho thơ bà.
2/1/2023
Quỳnh Dương
Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...