Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Điển cố trong thơ Xuân Diệu trước năm 1945

Điển cố trong thơ
Xuân Diệu trước năm 1945

Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022
Xuân Diệu được Hoài Thanh nhận định “mới nhất trong các nhà Thơ Mới”. Thơ Xuân Diệu là một sự lạ hóa về mặt ngôn từ với những cách tân độc đáo mới lạ bởi những ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực của lối thơ Pháp. Tuy vậy, những quán tính của thơ cũ vẫn còn trong lối viết của ông. Điển tích điển cố là một trong những thủ pháp nghệ thuật được ông vận dụng sáng tạo và có chủ đích.
Nhà thơ Xuân Diệu
1. Nói đến thơ ca là nói đến những đặc trưng của tính hình tượng, đa nghĩa và hàm súc… Điều đó cho phép điển cố được dẫn dụng như một phương thức chủ đạo. Thơ Mới được xem là một trong những nhịp cầu của hai bến bờ thơ ca truyền thống và hiện đại. Bước sang quỹ đạo của thơ ca hiện đại, Thơ Mới không hề đoạn tuyệt với thơ cũ, những ảnh hưởng của âm hưởng thơ Đường, thi pháp văn học trung đại, đặc biệt nghệ thuật dụng điển vẫn song hành bên cạnh những bút pháp mới trong các sáng tác.
Xuân Diệu được biết đến là nhà thơ chịu những ảnh hưởng sâu sắc của lối viết phương Tây. Tuy nhiên, những đặc trưng của thơ ca trung đại, trong đó có điển cố vẫn được ông dẫn dụng trong các sáng tác của mình. Điển cố trong thơ ông không phải là một đồ cổ cũ kỹ lạc hậu trong đối tượng thẩm mỹ hay là sự vụng về, sùng cổ trong bút pháp. Ngược lại, bằng nghệ thuật sử dụng điển cố tài tình, Xuân Diệu đã góp phần chắp cánh cho Thơ mới tích cực hòa nhập với quỹ đạo tiếp nhận của công chúng đương thời.
Nửa đầu thế kỷ XX, khi nền Hán học suy vi, các nhà Thơ Mới nói chung, Xuân Diệu nói riêng ít nhiều chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ thơ Pháp. Tuy là một trí thức Tây học nhưng Xuân Diệu vẫn có những ảnh hưởng từ người cha của mình. Chữ Hán đã được ông học tập từ rất sớm. Nhà thơ yêu thích và thuộc nhiều bài thơ Đường, nhiều tác phẩm kinh điển của văn học trung đại nước ta. Đó là cơ sở để ông nắm vững về điển cố và dẫn dụng chúng một cách chủ động, linh hoạt vào trong các sáng tác của mình.
Như đã biết, thơ ca cổ điển phương Đông chuộng trầm tĩnh, chú trọng sự tương giao, tương hợp, nặng về biểu ý, biểu tình… Đó chính là cội nguồn của tư duy Thơ mới. Cho nên không hề mâu thuẫn khi trong các bài thơ của Thơ Mới, trong đó có tác phẩm của Xuân Diệu vừa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng lại vừa yêu chuộng việc sử dụng từ Hán Việt, thi liệu, dẫn dụng các điển cố là những biểu tượng của thơ ca truyền thống. Mượn phương tiện của phương Tây, truyền tải hồn vía của phương Đông là đặc trưng của Thơ mới nói chung và của thơ Xuân Diệu nói riêng.
Trình giữa làng Thơ Mới với một cái tôi đa phong cách, thơ Xuân Diệu trước năm 1945 vừa mang tính hiện đại lại vừa mang hơi hướng cổ điển. Trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió, một số bài thơ như Vội vàng, Vô biên, Huyền diệu, Đây mùa thu tới,… chịu ảnh hưởng rõ nét, có nhiều cách tân trong lối viết được học hỏi từ thơ Pháp bởi chúng thiên về thế giới trữ tình, tràn đầy cảm xúc với những thức cảm thời gian… Một số bài thơ khác như Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ, Nhị hồ, Mơ xưa… lại có hơi hướng cổ điển, mang tính chất hoài cổ, trang nhã, sâu sắc thâm trầm. Việc vận dụng những điển tích, điển cố vào nhóm bài này là hoàn toàn có chủ ý sáng tác. Dĩ nhiên, điển cố mang đến cho những bài thơ này nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo, quan trọng.
2. Được biết đến là “ông hoàng thơ tình” với những mộng Đường thi, Tống thi và cung sự nuối tiếc một thời quá khứ vàng son là cơ sở để Xuân Diệu tìm về những con người tài sắc của một thời. Họ là những minh quân, tôi hiền, giai nhân tuyệt sắc, tức những hình mẫu lý tưởng trong quan niệm về con người của chủ nghĩa lãng mạn. Những điển nhân danh là nhân vật lịch sử như Lộng Ngọc, Tiêu Lang, Bao Tự, Ly Cơ, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi… không còn đơn thuần là những câu chuyện lịch sử về các giai thoại… mà hàm ẩn trong đó nhiều giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Cái hay của việc vận dụng những điển cố này là truyền tải một tư tưởng thẩm mỹ về khát khao tìm thấy con người lý tưởng ngay cả trong tiềm thức:
… Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang,
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời.
Vua Trần hậu chúa ngó trăng vàng,
Khúc Hậu đình hoa đương lên khơi.
[….] Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi,
Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng,
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.
(Nhị hồ)
Trước sự bất hòa với thực tại của chủ nghĩa lãng mạn, xuất phát từ cảm hứng hoài vãng, trong Mơ xưa, Xuân Diệu mượn chuyện Chiêu Dương, Hậu Đình, chuyện Hán Cao Tổ… để tìm đến lý tưởng, những điều phi thường vượt trên hiện thực tầm thường, tù túng:
Những Chiêu Dương, những Hậu Đình tráng lệ
Đẹp vì chưng xây với oán cung phi.
Cung nhà Tần trùng điệp mái lâm ly,
Hán Cao Tổ đốt chín ngày mới hết;
Tần cung nữ ba mươi trăm, chẳng biết
Gót sen vàng liễu yếu chạy về đâu?
Không chỉ những trang giai nhân tuyệt sắc mà những người nữ vô danh như “kỹ nữ”, một đề tài quen thuộc của thơ trung đại, cũng chính là cảm thức “đồng cảm tương liên” để nhà thơ tiếc nuối quá khứ, nghiền ngẫm về cái tôi bản thể giữa cuộc đời. Lời kỹ nữ, bài thơ mượn lại điển thi ca trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, là tiếng lòng của một phút thoáng qua giữa mối tình đầy tri kỷ và sâu đậm – “kỹ nữ” và du khách”
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước
(Lời kỹ nữ)
Cùng với điển nhân danh, các điển địa danh được dẫn dụng cũng làm sống lại không khí của một thời vang bóng. Hệ thống điển địa danh trong thơ Xuân Diệu trước 1945 có số lượng khá lớn, chủ yếu có nguồn gốc văn hóa Hán học, có tác dụng to lớn trong việc phục dựng không gian quá khứ là không gian đẹp đẽ, mỹ lệ, trang trọng, đối lập với không gian chật hẹp, tầm thường trong hiện tại. Ví như, trong Nguyệt cầm, một bến “Tầm Dương” mơ về với dư âm tiếng đàn vang vọng đã làm cho thiên nhiên âm nhạc và con người tương tư, hòa lẫn trong nhau. Nếu tiếng đàn của Bạch Cư Dị hiện lên với những cung bậc tâm trạng của người kỹ nữ bị ruồng bỏ, của người nghe đàn bị đày đọa thì tiếng đàn của Xuân Diệu như là gam màu chủ quan của cái tôi trực cảm can thiệp:
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời;
Đàn ghê như nước lạnh trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
3. Những điển tích nhân danh, địa danh dẫn ra trên đây là minh chứng cho phong cách mới lạ độc đáo của Xuân Diệu: kế thừa mạch nguồn thơ ca phương Đông, tiếp thu tinh hoa thơ phương Tây để vươn tới những giá trị mới mẻ, độc đáo. Dùng điển đã trở thành phương thức sáng tác đầy dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Nghệ thuật dụng điển đã chứng minh Xuân Diệu khước từ những khuôn sáo gò bó của thơ ca trung đại, nhanh chóng hòa vào quỹ đạo của thơ ca hiện đại. Với ngòi bút vừa phóng khoáng, bay bổng, lãng mạn lại vừa tài hoa, uyên bác, truyền tải cả hơi hướng Đông – Tây, Xuân Diệu đã mang tới cho phong trào Thơ Mới tiếng nói của thơ ca dân tộc giản dị mà sâu sắc. Và điều độc đáo ở chỗ, chính nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ Mới” lại là người chủ động vận dụng “cái cũ” nhất của thơ ca truyền thống là điển cố vào trong sáng tác của mình một cách hiệu quả. Đây là một trong những đặc điểm độc đáo trong phong cách thơ Xuân Diệu trước 1945 mà lâu nay chúng ta ít để ý.
13/11/2022
Nguyễn Công Trí
Nguồn: Báo Giáo Dục và Thời Đại
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...