Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình: Nhìn lại và bước tiếp

Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình:
Nhìn lại và bước tiếp

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình vừa tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027, trong hai ngày 16-17.9.2022, bầu ban lãnh đạo mới gồm 3 thành viên. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng, nhà thơ – nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh làm Chi hội phó và nhà thơ Đỗ Thành Đồng là Uỷ viên.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam về tham dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội; nhà thơ Phan Hoàng – Uỷ viên Ban Chấp hành, Giám đốc-Chủ biên Vanvn.vn; nhà thơ Lương Ngọc An – Uỷ viên Ban Chấp hành; nhà văn Bảo Ninh – Uỷ viên Hội đồng Văn xuôi. Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Hữu Phương nguyên Chi hội trưởng Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình về hoạt động sáng tạo của các nhà văn vùng đất này…
Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm ở Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lần thứ VI
Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình là một trong số ít những chi hội ra đời vào hàng sớm nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Chi hội tổ chức Đại hội lần thứ I vào tháng 6.1999. Khi mới thành lập, chi hội có 6 hội viên. Đến Đại hội lần thứ III (9.2007), chi hội có 10 hội viên (5 nhà văn, 5 nhà thơ). Tháng 7.2011, nhà thơ Hải Kỳ mất, chi hội còn 9 hội viên. Tháng 3.2013, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh mất, chi hội còn 8 hội viên. Trong nhiệm kỳ 2012-2017, Quảng Bình lần lượt kết nạp thêm nhà thơ Thái Hải và nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh, nâng tổng số hội viên của chi hội lên con số 10. Nhiệm kỳ 2017-2022, có thêm ba hội viên được kết nạp là nhà văn Nguyễn Hương Duyên, nhà thơ Đỗ Thành Đồng và nhà văn Nguyễn Thị Lê Na. Nhà văn Hoàng Bình trọng mất, chi hội còn 12 hội viên. Trong đó, độ tuổi trên dưới 75 là 3 hội viên, độ tuổi trên dưới 70 là 4 hội viên, độ tuổi trên 60 là 2 hội viên và độ tuổi dưới 50 là 3 hội viên.
Nhìn lại chặng đường đã qua
Các nhà văn trong chi hội sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Quảng Bình, nơi có bề dày lịch sử và văn hóa khá phong phú, chứa đựng những nét riêng biệt quý giá. Đó là dải đất hẹp, địa hình dốc, có núi và biển liền kề. Đó là miền đất gió Lào cát trắng, nắng lũ mưa ngàn. Đó là nơi vượng khí đất trời, hồn thiêng sông núi, con người gan góc trải bao thăng trầm của lịch sử. Đó là vùng địa hiểm, những chứng tích ngàn xưa còn đó, với biết bao địa danh chôn vùi xương máu của các thế hệ. Đó là khúc tráng ca bất tử trong lịch sử phát triển dân tộc.
5 năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, các hội viên trong chi hội vẫn giữ được nhịp độ sáng tác và công bố tác phẩm khá đều đặn. Nhiều hội viên tiếp tục đầu tư thời gian và công sức vào các thể loại dài hơi như tiểu thuyết, trường ca, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, chuyên luận… Cụ thể, đã có 3 tiểu thuyết được công bố và 2 tiểu thuyết sắp công bố. Có nhiều kịch bản sân khấu truyền thống và sân khấu thực cảnh được dàn dựng. Có 5 tập truyện ngắn và tản văn được công bố. Có 11 tập thơ và trường ca ra mắt bạn đọc. Có 4 tập phê bình tiểu luận, 1 chuyên luận được xuất bản. Và có 2 công trình mang tính tuyển tập ra đời. Ngoài ra, còn một khối lượng truyện ngắn, thơ, bút ký, ghi chép, tản văn, phê bình tiểu luận của các hội viên trong chi hội in rải rác, chưa có điều kiện in thành sách.
Văn xuôi (bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ghi chép, tản văn, kịch bản văn học) của Quảng Bình xét về lịch sử, ra đời muộn hơn thơ, nhưng đã tỏ rõ thế mạnh đường trường và nội lực khá thâm sâu. Đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng của dân tộc tiếp tục được thể hiện bằng cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, khoa học, kiến giải sâu sắc và mới mẻ về mỗi bước đi của lịch sử, giúp người đọc có thêm những phát hiện, khám phá sâu sắc các vỉa tầng của chiến tranh, đồng thời khái quát về thân phận con người và sự sống động của thời cuộc sau chiến tranh.
Từ độ lùi nhất định đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đa số các tác phẩm đã tránh được lối mòn một chiều và khiên cưỡng thường gặp, làm sáng tỏ những góc khuất, những vẻ đẹp chìm ẩn, lên án sự giả dối thấp hèn, tôn vinh phẩm chất cao quý của con người trong những giai đoạn lịch sử vô cùng khắc nghiệt, từ đó, góp phần làm giàu thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Mảng đề tài hiện đại cũng được các nhà văn khai thác có chiều sâu và sắc nét, nhất là vấn nạn môi trường sinh thái với cuộc chiến bảo vệ rừng nóng bỏng…
Thơ (bao gồm trường ca) Quảng Bình vẫn tỏ rõ là một thế mạnh xưa nay. Các nhà thơ dù lớn tuổi vẫn không ngừng tìm tòi, cách tân nhằm có nhiều sản phẩm thơ mới lạ và ngời tươi sức sống. Âm hưởng chủ đạo thơ Quảng Bình trong 5 năm qua là sự tiếp tục mạch nguồn đổi mới, với yếu tố nội tâm đa chiều, đa phức, với độ mở và giao cảm với xã hội đa tầng.
Trường ca là thể loại nở rộ từ thời kháng chiến chống Pháp, chục năm nay, nó trở lại với hình thức mới và nội lực khá thâm hậu. Không còn là chất kể chuyện như xưa, trường ca ngày nay là âm hưởng trữ tình, thế sự. Ở đó, có sự luận giải về số phận con người và thời đại, về cuộc sống và cõi chết, về tình yêu và thân phận, về hiện thực và khát vọng. Tất cả được thể hiện bằng các ngòi bút khá trữ tình, nồng nàn…
Lý luận phê bình văn học ở Quảng Bình, mấy năm trước, đều làm bằng tay trái, khá rời rạc. Nghĩa là các nhà thơ, các nhà văn thấy cần phải trao đổi điểm này điểm kia về phong trào sáng tác một thể loại nào đó, một tác phẩm cụ thể nào đó thì viết ý kiến, cảm nghĩ của mình lên. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lý luận phê bình văn học tỉnh nhà đã bắt đầu có hình hài, có đường nét.
Các tác phẩm đoạt giải của đội ngũ nhà văn Quảng Bình
Đặc biệt trong 5 năm qua, xuất hiện nhà lý luận phê bình trẻ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ngành lý luận phê bình văn học tỉnh nhà như bước sang trang mới. Hiện đã có một số cây bút mới, nhiều hứa hẹn trên lĩnh vực này. Đây là một may mắn, bởi lý luận phê bình thường xuất hiện ở các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa, nơi gặp gỡ hội tụ của giới làm nghề văn chương, trong khi Quảng Bình là một tỉnh lẻ, vẫn từng bước xuất hiện vài gương mặt lý luận phê bình văn học, khiến cho văn học Quảng Bình như được cân bằng, được khích lệ…
Ở nhiệm kỳ này, chi hội cũng có một “mùa gặt” đáng trân trọng: Nhà văn Hữu Phương đoạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ” và có truyện ngắn “Gia đình của bố” được chọn trong 10 truyện ngắn hay nhất của Báo Văn Nghệ số xuân 2021, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na đoạt giải B (không có giải A) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà”, nhà thơ Đỗ Thành Đồng đoạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ “Đá”, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đoạt giải thưởng Nguyễn Đình Thi với tập thơ “Một mai gió chở tôi về”.
Cùng với đó, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình lần thứ VI (2016-2021), các nhà văn trong chi hội cũng đoạt được các giải thưởng quan trọng. Cụ thể, giải A được trao cho: Nhà văn Hữu Phương với tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ”, nhà văn Nguyễn Thế Tường với tập tản văn “Và, gió heo may…”, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na với tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà”; giải B được trao cho nhà thơ Hoàng Vũ Thuật với “Một mai gió chở tôi về”, nhà thơ Thái Hải với trường ca “Bông nắng cuối ngàn”, nhà văn Nguyễn Hương Duyên với tập truyện ngắn “Viết tặng anh từ căn bếp này”, nhà thơ Đỗ Thành Đồng với tập thơ “Đá”, nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh với tập “Phê bình văn học & ý thức cái Khác“; giải C được trao cho cố nhà văn Hoàng Bình Trọng với “Trường ca Hoàng đế Quang Trung”…
Tiếp bước hành trình
Đại hội lần thứ VI, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, nhiệm kỳ 2022-2027, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, VHNT trên vùng đất Quảng Bình. Chi hội tiếp tục nêu cao bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp sáng tạo văn chương, làm tốt vai trò nòng cốt và là lực lượng sáng tác chủ chốt của văn học Quảng Bình, cống hiến tài năng và nhiệt huyết, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần đắc lực xây dựng văn hóa và con người quê hương, đất nước. Các hội viên hòa mình trong thực tiễn cuộc sống, không ngừng bồi đắp vốn sống, vốn hiểu biết, tình cảm thẩm mỹ, đồng hành sáng tạo cùng những chuyển động to lớn của quê hương, đất nước.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình
Chi hội đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, công bố tác phẩm của hội viên, tập trung ưu tiên cho các đề cương tác phẩm có quy mô, có tầm vóc về văn hóa, lịch sử và chiến tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại vừa qua và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay trên quê hương, đất nước; chú trọng việc tổng kết một đời văn của các nhà văn lớn tuổi thông qua xuất bản tuyển tập cá nhân.
Không ngừng củng cố tổ chức chi hội vững mạnh, làm tốt vai trò cầu nối giữa Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với mỗi nhà văn cơ sở Quảng Bình, quan tâm đời sống các nhà văn hội viên; đồng thời, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ, các tác giả mới tài năng, giới thiệu kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam nhằm bổ sung lực lượng.
Văn học viết từ Quảng Bình đã và đang đồng hành với những bước đi của lịch sử, đắm mình trong những chuyển động to lớn của quê hương, đất nước, làm nên những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, góp phần hình thành phẩm chất nhân cách con người Việt Nam trên quê hương.
Tuy nhiên, vẫn còn đấy những câu hỏi xoáy vào các thế hệ nhà văn đương đại trong đó có nhà văn Quảng Bình: Làm sao nắm bắt và đồng hành cùng cái mới, lý giải được những cải biến sâu sắc, tinh vi từ gốc rễ của các mặt đời sống xã hội một cách biện chứng? Làm sao bộc lộ hết tâm huyết của nhà văn, lo âu, tìm kiếm, thể nghiệm cái mới, dũng cảm phanh phui, lên án cái ác, cái tha hóa; bộc lộ tận cùng năng lực sáng tạo, được thể hiện hết mình với trách nhiệm và đồng cảm với nhân dân, để được theo đuổi đến cùng những thao thức trong sáng tạo nghệ thuật của mình? Làm sao để văn học phản ánh hết đời sống, thân phận, tiếng nói hơi thở con người trên một vùng đất, vẫn thấm đẫm sinh khí cả nước, tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng được cộng đồng tiến bộ trên thế giới chia sẻ?
Đó là những vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn học trên vùng đất quê hương. Nó không chỉ đặt ra cho các nhà văn trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình mà còn cho cả lực lượng sáng tác văn học Quảng Bình và cả Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình.
Đó là một trách nhiệm nặng nề, trong khi các nhà văn chúng ta ngày một tuổi cao sức giảm. Tuy nhiên, với sự quan tâm sâu sắc của Thường trực Tỉnh ủy, sự giúp đỡ tận tình và hiệu quả của UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Hội VHNT tỉnh và các ban, ngành trong tỉnh, cùng với bản lĩnh, tài năng và nhiệt huyết của các hội viên trong chi hội, tin rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Và một mùa gặt mới, nhiều hứa hẹn đang chờ đón chúng ta phía trước. 
19/9/2022
Hữu Phương
Nguồn: Báo Quảng Bình 2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...