Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Thanh Thảo - Thơ ngoài thơ

Thanh Thảo - Thơ ngoài thơ

Lững thững tuổi già, Thanh Thảo chầm chậm kéo thơ ra ngoài thơ trong thi phẩm Hát giữa gió mưa (NXB Hội Nhà văn) vừa trình làng.
Tôi bắt đầu đọc thơ Thanh Thảo sau ngày thống nhất, thấy rõ ở anh một giọng điệu thơ chiến tranh nhưng khác hẳn nhiều nhà thơ thành danh trước anh, một giọng thơ cách tân, hiện đại, từ chối sự lớn lối, cao giọng mà thủ thỉ, chia sẻ nhỏ nhẹ, thành thực giãi bày. Ở thơ anh, cái bình thường bước lên ngôi vương: “Người ta đi tìm vàng/ còn anh/ anh tìm cát/ một hạt cát bình thường/ trong bình thường mặt đất”. Qua thơ anh, người ta nhận ra cái phi thường trong cái bình thường.
Với xác tín ấy, Thanh Thảo đã thăng hoa trong sáng tạo, tìm kiếm cho thơ những nơi trú ngụ bất ngờ, khiến người đọc luôn luôn đón đợi ở anh những phát hiện mới lạ trong hành trình thơ của mình. Hành trình dẫn tới việc kéo thơ ra ngoài thơ hôm nay.
Nhà thơ Thanh Thảo
Để nhận ra đóng góp này, tôi muốn bàn tới bài thơ Miền Trung. Trước Thanh Thảo đã lâu, người bạn đồng môn Tổng hợp văn của anh – Phạm Đình Ân đã có Đi dọc miền Trung khá hay từ thời chống Mỹ. Rồi những năm đầu đổi mới, Hoàng Trần Cương đã có chương Miền Trung nằm trong trường ca Trầm tích đầy ám ảnh và đã được chính Thanh Thảo ủng hộ thành tâm cho giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999. Người đọc hẳn không bao giờ quên câu thơ Hoàng Trần Cương: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa” – một câu thơ tuyệt cú. Ở đây, cảm hứng sử thi anh hùng ca hòa cùng cảm hứng trữ tình đã dựng tượng đài cho miền Trung một thời chiến tranh vang dội.
Còn Miền Trung của Thanh Thảo thì lại làm về cái nạn lũ lụt ngàn đời của eo đất này, cái nạn lũ lụt ngày càng khủng khiếp khi nạn phá rừng hoành hành nhiều năm qua. Phải yêu miền Trung đến cùng cực thì mới cảm thấy nấc nghẹn bởi kiếp nạn phá rừng đưa đến muôn nỗi tang thương khi mở đường cho lũ lụt tàn phá đời sống dân lành đến cùng cực. Cái nấc nghẹn hóa khô lạnh như cục cồn trong cái bếp đun sôi nồi lẩu ở các nhà hàng bây giờ. Nếu Hoàng Trần Cương viết:
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người.
Đấy đã là rất hay, đã là rất thơ. Nhưng ở tâm thế của Thanh Thảo trước nạn lũ năm 2020, anh đã không còn muốn làm thơ nữa, mà chỉ muốn rỉ rả với mọi người về sự thê thảm này đến mức không thể khóc nổi, mà nghẹn cười:
Bây giờ miền Trung đang lũ lụt
Nước dâng ngập mái nhà
Có đám cưới cả chú rể cô dâu
Dắt tay nhau chạy nước
Cười vui trong khổ cực
“Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”
Cái niềm tin kỳ lạ của con người.
Một cái hay trong thơ. Một cái hay ngoài thơ.
Đặc điểm miền Trung là đặc điểm núi và biển bên nhau độc đáo. Hoàng Trần Cương viết:
Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi Biển Đông giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Còn Thanh Thảo kể:
Nước mắt nào dài hơn nước mắt miền Trung
Nụ cười lại hiền thơm hoa mộc
Nơi tôi sinh biển trào tiếng nấc
Mà nắng vui đùa như trẻ thơ
Miền Trung tôi yêu đến dại khờ
Núi nhào xuống biển
Đột ngột bay lên thiếu đường băng cất cánh
Bay lên là giải pháp sau cùng
Kể mà không kể. Thơ ngoài thơ.
Tập thơ “Hát giữa gió mưa” của Thanh Thảo
Suốt cả thi phẩm Hát giữa gió mưa, Thanh Thảo đã bao lần gằn lên những nỗi niềm về thiên tai lũ lụt. Anh không thiết tha du dương gì nữa trước “mỗi cảnh đời đau miền Trung đều xót”. Những cảnh đời thơ không thể nói hết được. Phải ngoài thơ.
Suốt thi phẩm, toàn những bài viết về những điều bình thường, nhỏ nhặt như Rau càng cua, Ổi, Quả mít, An táng hai con gián và đặc biệt là Một bữa ăn của người Việt. Việc người trẻ gắp thức ăn cho người già, rồi người già lại gắp miếng ăn ấy cho trẻ nhỏ, bản thân nó đã nói về cái đức “nhường cơm, sẻ áo” của người Việt Nam – cái đức lớn lao lại hóa thành điều nhỏ nhặt khiến ta không nhìn ra, nhưng người nước ngoài lại nhìn ra và khâm phục. Chúng ta đang đánh mất mình và cố biến mình thành người khác. Phải với “thơ ngoài thơ”, Thanh Thảo mới tìm thấy nghị lực cảnh tỉnh:
Chúng ta đừng tự hào những điều to tát
Hãy cúi đầu trước những điều nhỏ nhặt
Vì đó là Việt Nam
Một điển hình “thơ ngoài thơ” trong thi phẩm này là bài Thầy tôi. Người cha thân sinh trong mắt Thanh Thảo lớn đến mức không thể bất kính tuôn ra những lời ngợi ca véo von được, mà chỉ còn được quyền kể ra một cách chân thành về ông. Ông là nhà cách mạng Hồ Thiết, người cùng lao tù với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, người bạn thân thiết đồng hương Mộ Đức, Quảng Ngãi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông là một nhà cách mạng với lý tưởng mang hạnh phúc đến cho mọi người:
Một đời thầy vất vả
Chỉ mong gió nồm lên chia mát cho mọi người
Ai cũng có một cái bóng
Dù nhỏ nhoi khi đứng dưới mặt trời
Ai cũng có một tiếng nói
Như chim trên cành mỗi sớm mai trôi
Ông đã đánh đổi cho lý tưởng cháy bỏng ấy bằng sự hiến dâng trọn vẹn đời mình:
Bấy nhiêu đó đổi mười năm tù ngục
Bao nhiêu năm cơ cực giữa đời
Bấy nhiêu đó kèm theo bao uất ức
Gió thoảng mây bay lặng mỉm cười
Suốt trong thi phẩm toàn những bài “thơ ngoài thơ” như thế. Người đọc dễ dàng cảm thấu mà không cần phải cố gắng tìm tòi “ý tại ngôn ngoại” gì cả. Cái hay không dễ nhìn thấy đã được Thanh Thảo xới lật ra bằng lưỡi cày “thơ ngoài thơ”.
Tôi muốn khép lại bài viết nhỏ này bằng việc giãi bày về bài thơ “Những bức tường như số phận chúng ta” mà chính tôi là người khơi nguồn cho nó.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, Thanh Thảo đã được phân một căn buồng trong khu tập thể cao tầng ở Quy Nhơn. Căn buồng ấy cũng là nơi tá túc của tôi những khi vào Quy Nhơn chơi với Thanh Thảo. Khi chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh như xưa: Bình Định và Quảng Ngãi, Thanh Thảo rời căn buồng đó về nhận căn buồng mới ở thành phố Quảng Ngãi. Căn buồng ở Quy Nhơn chỉ còn trong ký ức. Mùa Hè 2019, tôi vào Quy Nhơn, tình cờ đến uống cà phê tại một quán nhỏ ngay đằng sau khu nhà Thanh Thảo ở khi xưa. Nhìn lên, thấy căn buồng cũ của Thanh Thảo đã lở lói, thấy buồn nhớ quá vãng tụ quần ngày nào kinh khủng. Tôi nhắn tin cho Thanh Thảo: “Nhìn tường nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ”. Không ngờ tin nhắn ấy lại khơi nguồn cho bài thơ Những bức tường như số phận chúng ta. Cuộc đời thế hệ chúng tôi đã đi qua bao bức tường như thế trong chiến tranh, để bây giờ đi đến bức tường cuối cùng là tuổi già. Và Thanh Thảo đã cảm thán:
Những bức tường bơ vơ
Tao thấy trước ga Vinh tháng Giêng năm bảy mốt
Ở Lộc Ninh tháng ba năm bảy tư
Ở Lạng Sơn tháng hai năm bảy bảy
Ở nơi nào không nhớ nữa
Những bức tường như số phận chúng ta
Những bức tường tuổi già
Nhìn ta trân trối
Bác Ba Hinh đã khuất
Thằng Tạo “lẫn” đi rồi.
Bác Ba Hinh là anh Trần Hinh – một đàn anh rất yêu quý của chúng tôi ở Quy Nhơn. Anh là kỹ sư cầu đường nhưng làm nhạc, làm thơ. Đã từng là đại biểu quốc hội. Anh mất vào năm 2019, sau nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo – mà chúng tôi hay gọi đùa là “Tạo lẫn” – mấy tháng. Một cảm thán được viết ra như không, như chẳng cố ý làm thơ, nhưng đọc lên là thấy kỷ niệm ùa về tràn ngập:
Nhớ hồi đó tao với mày mạnh mẽ bao nhiêu
Uống rượu gạo suốt đêm không biết mệt
Cứ lướt qua thời gian xe lao dốc
Tưng bừng rất dại khờ…
Cùng hành trình thơ đi tới ngày hôm nay, có lẽ sự hồn nhiên và chân thành đã dinh dưỡng trong thơ Thanh Thảo một nguồn năng lượng để kéo thơ ra ngoài thơ như thi phẩm này.
Tự tin vào từng trải, không câu nệ tu từ, không cần tạo tuyệt cú, chỉ đi tìm chất thơ ở những hiện thực ngỡ không thể có thơ, những hiện thực bình thường nhưng sau khi đọc xong, ta luôn cảm thấy rưng rưng. Thơ Thanh Thảo đã đạt đến độ đốn ngộ, thơ ngoài thơ.
14/6/2022
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: Báo Thể Thao và Văn Hóa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...