Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nhà văn Lê Lựu - Đại thụ không còn trổ lá

Nhà văn Lê Lựu
Đại thụ không còn trổ lá

Từ năm 1986, cùng với trào lưu đổi mới trong văn học Việt Nam, Lê Lựu là một trong những cây bút dẫn đầu và gây được tiếng vang đối với độc giả. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” khi ra đời đã làm chấn động làng văn. Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” vẫn là người lính, nhưng không phải là người lính đổ máu nơi chiến trường, cầm súng chiến đấu. Thay vào đó, người lính phải chiến đấu với chính bản thân mình trong một môi trường, hoàn cảnh có những bó buộc, nguyên tắc, lề thói của một thời với những quy định cứng nhắc, không quan tâm đến hạnh phúc của cá nhân.
Nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022)
Độc giả yêu văn chương vừa đón nhận một tin buồn: nhà văn Lê Lựu, một đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại vừa qua đời. Sinh thời, nhiều bài báo đã gọi ông với danh xưng không chỉ là nhà văn quân đội, mà còn là nhà văn nông dân bởi gốc rễ quê hương, bởi tính cách con người ông. Nhà văn Lê Lựu hơn thế nữa, còn là một cây đại thụ tỏa bóng mát ở đầu cổng làng phủ bóng lên văn học Việt Nam suốt mấy chục năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Cây đại thụ mọc lên từ đất làng
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942. Quê ông ở thôn Mẫn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. 17 tuổi ông gia nhập quân ngũ và trở thành phóng viên báo Quân khu Ba. Trong quãng thời gian chiến tranh, Lê Lựu có thời kỳ làm phóng viên mặt trận ở chiến trường Trường Sơn. Do nghề nghiệp, Lê Lựu đã có dịp đi nhiều nơi, đến với nhiều vùng đất khác nhau và cũng trải qua nhiều thăng trầm cuộc đời. Nhưng sau này, khi đã sống lâu dài ở Hà Nội, làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội với quân hàm đại tá, thành lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân thì Lê Lựu vẫn tự nhận ông là “một người nhà quê”, “một nhà văn nông dân”. “Nhà văn nông dân” không chỉ vì những tác phẩm hay nhất của nhà văn Lê Lựu là về đề tài nông thôn, mà còn thể hiện trong nếp sống, nếp sinh hoạt hàng ngày. Những ai từng gặp ông ngoài đời đều nhận xét ông là người mộc mạc, giản dị, dễ gần gũi, nhiều khi bỗ bã như một người nông dân đích thực chứ không phải là một nhà văn tên tuổi.
Cả cuộc đời Lê Lựu gắn bó với văn chương. Ông đã theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng Ban Văn xuôi rồi Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Song song với công việc biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Lê Lựu thử bắt đầu sáng tác và đến năm 1964 thì ông cho ra đời truyện ngắn đầu tay “Tết ở làng Mụa”. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông cũng tham gia giảng dạy ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Số lượng tác phẩm của ông lên đến hơn 40 đầu sách và nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Nổi bật nhất là Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1990) với tiểu thuyết “Thời xa vắng” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của nhà văn Lê Lựu là các tiểu thuyết “Thời xa vắng”, “Chuyện làng Cuội”, “Sóng ở đáy sông”… Tiểu thuyết “Thời xa vắng” được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2003, do Hồ Quang Minh làm đạo diễn và đoạt giải Cánh Diều Bạc (không có Cánh Diều Vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005. Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” được chuyển thể thành bộ phim truyền hình 10 tập do Hãng phim truyện Việt Nam cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội thực hiện, NSƯT Lê Đức Tiến làm đạo diễn, phát sóng lần đầu vào năm 2000. Bộ phim này đã tạo dựng nên tên tuổi của diễn viên Xuân Bắc và trở thành một hiện tượng phim truyền hình thời bấy giờ, thu hút sự chú ý của công chúng.
Quan niệm sáng tác của nhà văn Lê Lựu được ông đúc rút lại giản dị trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện “có gì viết nấy”. Dĩ nhiên “sự thật” ở đây chính là hiện thực cuộc sống được nhà văn quan sát, ghi nhận lại qua lăng kính của bản thân. Thậm chí trong thời gian bộ phim truyền hình “Sóng ở đáy sông” đang phát sóng, nhiều người vì xem phim đã tìm đọc tiểu thuyết gốc và đã có một vài người tự xưng là nguyên mẫu trong tiểu thuyết tìm đến tận nhà của Lê Lựu để đòi chia tiền nhuận bút. Quan niệm viết “bám vào sự thật” khiến cho đời văn của ông như một cây đại thụ xanh lá tốt tươi, nhờ bộ rễ bám chặt vào mảnh đất làng, mảnh đất của sự thật. Và bây giờ cây đại thụ ấy đã ngừng ra lá.
Những tháng năm cầm súng ghi dấu trong tác phẩm văn chương
Nhiều độc giả yêu mến văn chương thường chú ý đến vầng hào quang của những tác phẩm nổi tiếng như “Thời xa vắng”, “Chuyện làng Cuội”, “Sóng ở đáy sông… mà dường như không chú ý rằng nhà văn Lê Lựu khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng những tác phẩm viết về chiến tranh, mang đậm bóng dáng của người lính. Đó là những tác phẩm như “Người cầm súng” (truyện ngắn – 1970), “Phía mặt trời” (truyện ngắn – 1972), “Mở rừng” (tiểu thuyết – 1977), “Ở phía sau anh” (truyện – 1980), “Ranh giới” (tiểu thuyết -1977), “Căm pu chia – một câu hỏi lớn” (bút ký – 1979), “Đồng bằng chiến sĩ” (truyện – 1980), “Mặt trận của người lính” (truyện ngắn – 1986)… Người lính trong những tác phẩm của ông gây ấn tượng bằng sự khác biệt so với những hình ảnh người lính trong tác phẩm của các nhà văn khác. Với gốc gác nông dân và kinh nghiệm sống của chính  bản thân, ông miêu tả rõ nét tâm lý, tính nết có phần “thô vụng”, “quê mùa” của những người lính xuất thân từ nông thôn, chưa từng trải, ít học, cầm súng vào chiến trường với nhiều bỡ ngỡ, nhưng bom đạn chiến tranh vẫn không làm mất đi sự chân chất thuở ban đầu và lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng.
Từ năm 1986, cùng với trào lưu đổi mới trong văn học Việt Nam, Lê Lựu là một trong những cây bút dẫn đầu và gây được tiếng vang đối với độc giả. Tiểu thuyết “Thời xa vắng” khi ra đời đã làm chấn động làng văn. Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” vẫn là người lính, nhưng không phải là người lính đổ máu nơi chiến trường, cầm súng chiến đấu. Thay vào đó, người lính phải chiến đấu với chính bản thân mình trong một môi trường, hoàn cảnh có những bó buộc, nguyên tắc, lề thói của một thời với những quy định cứng nhắc, không quan tâm đến hạnh phúc của cá nhân. Nhân vật chính Giang Minh Sài đã để cuộc đời mình trôi đi trong bất hạnh, tự đánh mất mình, đánh mất tình yêu, hạnh phúc vì sự sợ hãi dư luận, thiếu bản lĩnh cá nhân và vì những trói buộc khiến anh ta không dám vẫy vùng. Lê Lựu từng thổ lộ rằng nhân vật Giang Minh Sài chính là hình ảnh của chính cuộc đời nhà văn, mang nhiều nét tự truyện của ông. Giang Minh Sài cũng là nhân vật thành công nhất của nhà văn Lê Lựu và có lẽ như vậy là đủ, bởi vì mỗi nhà văn cũng chỉ cần người đọc nhớ nhất một nhân vật của mình, đó chính là thành công lớn nhất của nhà văn. Có những nhà văn cả đời cầm bút nhưng không lưu lại trong tâm trí người đọc một hình bóng nhân vật nào cả. Còn Lê Lựu thì ông không chỉ làm được điều ấy với nhân vật Giang Minh Sài, mà ông còn có một đời văn dài lâu, với những tác phẩm đánh dấu sự lao động, sáng tạo cật lực trên trang viết, cần mẫn như người nông dân cày ruộng.
Người đi đầu trong trào lưu đổi mới văn học từ sau năm 1986
Tác phẩm “Thời xa vắng” ra đời năm 1986, nhưng Lê Lựu đã nung nấu đề tài và viết trước đó vài năm. Có thể thấy ông có cái nhìn tiên cảm về một thời văn chương đổi mới sắp đến và đã kịp thời có tác phẩm để góp mặt vào trào lưu đó. Chuyển đổi từ cách viết ca tụng, mang tính chất sử thi sang cái nhìn thế sự, đời tư, chuyển đổi từ việc xây dựng những hình tượng người lính anh hùng, dũng cảm sang xây dựng những người lính trong cuộc sống đời thường, với góc nhìn đời tư, với những bi kịch, mất mát trong cuộc sống bộn bề, đòi hỏi không chỉ là chuyển đổi về nghệ thuật viết văn, mà điều quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy sáng tác, quan niệm sáng tác. Lê Lựu đã có sự chuyển đổi thành công. Cho đến nay “Thời xa vắng” là tiểu thuyết được mọi người biết đến nhiều nhất và được dịch giả Nguyễn Bá Chung dịch ra tiếng Anh năm 1997 với cái tên “A time far past”. Thành công của tác phẩm đã góp phần giúp cho Lê Lựu được mời sang Mỹ giao lưu năm 1988, trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời sang Mỹ một cách chính thức từ sau năm 1975.
Những tác phẩm tiếp theo của nhà văn Lê Lựu đều gây được sự chú ý của độc giả. Tác phẩm “Đại tá không biết đùa” (viết năm 1987, xuất bản 1989) viết về tấn bi kịch gia đình thời hậu chiến mà người đại tá can đảm năm xưa trên chiến trường nay phải đối mặt. Tác phẩm “Chuyện làng Cuội” tập trung vào chủ đề những tấn bi kịch ở nông thôn Việt Nam thông qua cuộc đời bà cụ Đất. Tác phẩm “Sóng ở đáy sông” (1994) đề cập đến những thăng trầm chìm nổi của một con người lăn lộn qua nhiều cảnh đời dưới đáy xã hội, dựa trên câu chuyện có thật của một người tử tù mà Lê Lựu đã từng gặp mặt ở trại tù Phi Liệt năm 1992. Ngay cả khi đã mang nhiều bệnh tật, ốm yếu, phải nằm liệt giường, nhưng từ năm 2010 đến 2013, Lê Lựu vẫn cố gắng sáng tác bằng cách đọc cho thư ký đánh máy và kịp cho xuất bản các tác phẩm “Thời loạn”, “Ở quê ngày ấy” và “Gã dở hơi”. Có thể nói nhà văn sáng tác với tinh thần của một người lính trên chiến trường, viết đến khi sức cùng lực kiệt.
Là nhà văn mang tư tưởng đổi mới, những tác phẩm của Lê Lựu phản ánh các vấn đề của xã hội Việt Nam xoay quanh lối tư duy lỗi thời, lạc hậu. Lối tư duy, nhận thức ấy không chỉ trói buộc con người, mà còn gây ra nhiều bi kịch trong cuộc sống của họ. Những tác phẩm của nhà văn cũng lên án sự tha hóa của con người và bày tỏ lòng cảm thông với những thân phận chìm nổi theo dòng đời, nên mang tính nhân văn sâu sắc.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá về nhà văn Lê Lựu: “Nếu Nguyễn Minh Châu được tấn phong là “người mở đường tinh anh” cho đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 thì Lê Lựu, tôi sẽ gọi ông là “người lính xung kích” trong trận đánh mở đường ngoạn mục đổi mới văn chương đương đại Việt Nam!”
Những hoạt động tiên phong trong văn giới
Ngoài công việc sáng tác, nhà văn Lê Lựu còn là một người rất nhanh nhạy với cái mới và thực tiễn đời sống xã hội. Năm 2002, ông thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân, giữ chức Giám đốc. Năm 2003, Lê Lựu trả lời phỏng vấn cho biết lý do khiến ông thực hiện công việc này: “Thành lập Trung tâm là ý tưởng của tôi. Bởi tôi nghĩ rằng phải có một đội ngũ văn nghệ để xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nhân, lực lượng nòng cốt xây dựng kinh tế đất nước. Tôi muốn giúp họ làm giàu không chỉ bằng tiền mà còn nhờ trí tuệ, tình cảm, văn hóa.” Sau này ông thành lập thêm Tạp chí Văn hóa doanh nhân và giữ chức Tổng Biên tập cho đến khi sức khỏe không còn cho phép.
Vượt lên trên những bất hạnh về đời sống cá nhân, vượt lên trên những bạo bệnh, năm 2014 nhà văn Lê Lựu đã lập ra Quỹ Văn học Lê Lựu từ tài sản riêng và từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức yêu mến ông. Đây là một quỹ phi lợi nhuận được thành lập với mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hoạt động văn học và văn hóa doanh nghiệp và trao tặng giải thưởng cho những cá nhân có tác phẩm xuất sắc viết về các đề tài doanh nhân, nông thôn và nông nghiệp thời kỳ đổi mới. Đây là tấm lòng của nhà văn đối với các đồng nghiệp thế hệ sau và cũng là di sản mà nhà văn để lại.
Tác phẩm cũng chính là cuộc đời
Nhà văn Lê Lựu có một phát biểu như một lời tổng kết cho sự nghiệp sáng tác của ông: “Qua văn chương, người ta muốn hiểu thời chúng ta đang sống là như thế nào? Người ta muốn nhận thức đúng thực chất các quan hệ xã hội con người đã sống một quãng đời lắm sôi động, nhiều biến cố vừa qua và bây giờ.” Có lẽ đây là lời tổng kết xác đáng nhất cho các tác phẩm của ông.
Nhà văn Lê Lựu giờ đã đi về “thời xa vắng”. Ở tuổi của ông cũng là độ tuổi xưa nay hiếm, do vậy, chúng ta không quá đột ngột trước sự ra đi của nhà văn. Dẫu ông đã “xa vắng”, nhưng những tác phẩm của ông, những di sản văn chương, văn hóa mà ông để lại cho đời vẫn không xa vắng chúng ta. Và như thế, cây đại thụ ấy không còn trổ lá, nhưng bóng dáng của nó vẫn tồn tại mãi trong lòng độc giả yêu văn chương.
18/11/2022
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...