Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nhà văn Mai Tiến Nghị: Lạc vào cõi người

Nhà văn Mai Tiến Nghị:
Lạc vào cõi người…

Có người trong làng văn tự xưng là “Người kể chuyện xứ Kinh Bắc”, kể ra cũng vui mặc dù chẳng ai công nhận cái danh xưng kia là có “chuẩn không cần chỉnh” hay không. Mai Tiến Nghị, như tôi biết, khiêm tốn hơn nhiều vì ông không “xưng” gì cả, trước ai cả. Nhưng tôi cứ nghĩ, ở xứ Sơn Nam, có một người kể chuyện rất có duyên là Mai Tiến Nghị. Con người nhà văn Mai Tiến Nghị thuần phác, khiêm cung, cầu thị…
Tiểu thuyết “Đông trùng hạ thảo” được nhà văn Mai Tiến Nghị viết trong vòng bảy tháng (5-12.2017). Trong khi tìm nhà xuất bản để in tác phẩm, ông trích xuất một trường đoạn viết thành truyện ngắn “Thi tuyển giáo viên” (đăng trên báo Văn Nghệ số 3095/2019). Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau khi đọc truyện ngắn này đã nhận xét: “Truyện ngắn “Thi tuyển giáo viên” của tác giả Mai Tiến Nghị đăng trên báo Văn Nghệ số 3095 đã làm tôi mất ngủ. (…). Không hiểu tác giả có biết loại đông trùng hạ thảo đang được sản xuất và đang bán rất đắt ở nước ta chỉ là Nhộng trùng thảo (Cordyceps  millitaris) hiện được bán rất rẻ ở Trung Quốc. Nó làm gì có chuyện đông là sâu, hạ là nấm như loài Đông trùng hạ thảo thật (Cordyceps sinensis)” (Giaoduc.net.vn, 27.6.2019).
Nhà văn Mai Tiến Nghị
Có chân trong Ban giám khảo Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2015-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, khi đọc bản thảo “Đông trùng hạ thảo”, tôi và không chỉ các thành viên trong nhóm, rộng hơn đều đánh giá tiểu thuyết của Mai Tiến Nghị xứng đáng vào Chung khảo. Riêng tôi dự đoán “nó” sẽ được giải cao – kết quả là giải Tư (đành lòng vậy cầm lòng vậy, vì sự công bằng cũng chỉ là tương đối).
Nhan đề tiểu thuyết “Đông trùng hạ thảo” rất gợi hứng người đọc ngày nay. Trước hết nó nói về sự/con biến hình trong tự nhiên, từ động vật sang thực vật như loài Cordyceps sinensis. Mượn hình ảnh của quy trình này trong tự nhiên, nhà tiểu thuyết đã đặc tả một chuỗi những tác nhân xã hội khiến con người tha hóa, biến thái, biến hình.
Trong quá trình đặc biệt này dưới áp lực của kinh thế thị trường, xã hội người được chia thành các “ô”: có loại biến thái (thoái hóa) đến tận cùng với phương châm sống “lợi ích là vĩnh viễn” (như Chủ tịch tỉnh Đỗ Sung, như “chân dài” Phương Loan); hoàn lương (sa sút đạo đức nhưng còn ít nhiều liêm sỉ nên cố gắng hoàn lương, như vợ chồng Giám đốc sở Hoàng Chuẩn); sống thanh bần lạc đạo để giữ thiên lương (như vợ chồng thầy giáo Trần Lương, vợ chồng nhà báo Văn Thành),…
Tất nhiên xã hội người thời nào cũng phức tạp, chồng chéo mâu thuẫn, nhiều giai tầng người đan cài, hoạt động sôi nổi đến mức náo động (đôi khi náo loạn), theo quy luật tương hỗ (vạn vật hấp dẫn). Những chuyện xảy ra ở một tỉnh lẻ, xa thủ đô, nhưng khúc xạ bộ mặt chung của thời đại quyền lực và kim tiền lên ngôi đầy sức cám dỗ chết người.
Theo cách viết của nhà tiểu thuyết thì xã hội đầy những thăng trầm, các giá trị bị đảo lộn, niềm tin bị lung lay. Nhưng nguyên nhân từ đâu? Nếu đơn giản chúng ta quy về đồng tiền, lợi ích vật chất đã làm con người nghiêng ngả, đôi khi như điên loạn trong mê cung, mê lộ. Nhưng bình tĩnh nhìn sâu vào cốt lõi của những vấn nạn xã hội thì đó là sự đứt gãy xuống cấp của văn hóa nặng về vật chất, tiêu dùng và giáo dục nặng về thành tích. Đó mới là chân tủy của tiểu thuyết Đông trùng hạ thảo khi bằng hình tượng nghệ thuật nói về cái “chân” và cái “giả” trong đời sống xã hội hiện nay.
Một nửa đàn ông là đàn bà
Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Muốn có “một câu chuyện bịa y như thật “(theo cách duy danh định nghĩa về tiểu thuyết – thể loại vốn được xem là “máy cái” của văn học), muốn dẫn dụ người đọc phải có nhân vật để găm vào trí nhớ của họ. “Đông trùng hạ thảo” có cốt truyện hay, tình tiết và chi tiết “bắt mắt”. Đã đành. Tôi hình dung, khi viết tác giả dồn sức cho trận đánh quyết định là các nhân vật.
Đặc điểm của các nhân vật tiểu thuyết “Đông trùng hạ thảo” là “một nửa đàn ông là đàn bà”. Nghĩa là, trong sơ đồ các nhân vật chính, tác giả sắp đặt, chuẩn bị một thứ “keo” để dính “hai nửa” của thế giới với nhau bằng những quan hệ đa chiều và phức tạp, vừa có tính xã hội, đạo đức vừa có tính tự nhiên, bản năng gốc. Đàn ông và đàn bà trong “Đông trùng hạ thảo” nếu có mối dây liên hệ vô hình hay hữu hình, thường bắt đầu từ bản năng gốc.
Đông trùng hạ thảo – tiểu thuyết Mai Tiến Nghị, NXB Phụ nữ, 2021.
Chẳng hạn, ông Chủ tịch tỉnh Đỗ Sung lần đầu gặp Thu Vân vợ Hoàng Chuẩn, thuộc cấp của mình trên bãi biển đã bị “sét đánh”. Tâm hồn nào đã biết nông sâu, nhưng thân thể (tòa thiên nhiên) thì trực quan sinh động vì Thu Vân là một phụ nữ, một đàn bà đang độ nảy nở nhan sắc. Vì thế mà ông Chủ tịch tỉnh đã phải sau cơn choáng váng bản năng “khom người chạy ào xuống nước”.
Thu Vân có chồng Hoàng Chuẩn nào có kém cạnh ai nhưng khi tiếp xúc với Đỗ Sung cũng bị choáng vì ông ấy “chả kém gì” dù hai người đàn ông này cách nhau cả chục tuổi. Khi Thu Vân “dính” Đỗ Sung thì trước hết cũng nhằm để thỏa mãn thể xác theo cảm giác mới lạ, ngoài luồng (có tính đực/cái). Sau này khi nghi ngờ vợ có quan hệ ngoài luồng, Hoàng Chuẩn đã bập vào Phương Loan, cô gái mới về cơ quan, thuộc loại “chân dài” và tính tình phóng túng, hoang đàng.
Sau khi Thu Vân bị tai nạn ôtô, bị cưa một bàn chân, trở nên không còn hấp dẫn như trước nữa thì Đỗ Sung lại chuyển hướng, “dính” với Phương Loan và có một con trai với cô ta. Thu Vân khi chưa bị lộ và chưa bị tai nạn đã nhiều lần tiếp xúc với bạn học phổ thông Trần Lương (nay là Hiệu trưởng trường phổ thông), cô chủ động gợi tình nhưng bạn học thì không phải không muốn nhưng ý tứ giữ gìn để xem đây là tình cảm anh em trong sáng bền lâu. Trần Lương, theo cách nói của giới trẻ bây giờ, là “động vật quý hiếm”.
Nhưng nếu tác giả đi sâu quá vào “bản thể”, “bản năng gốc” của nhân vật mà lơ là tính xã hội – đạo đức của nó thì hệ quả sẽ là một tác phẩm giàu “sex” (best-seller, bán chạy). Rất may, tác giả đã điều chỉnh, điều hòa được hai mặt xã hội – tự nhiên của các nhân vật. Nếu không như thế thì tiểu thuyết chỉ còn lại chằn chặn những “mê cung tình ái”. Ở đây, tôi nhận thấy, Mai Tiến Nghị say mà tỉnh, tỉnh mà say khi viết.
Người kể chuyện xứ Sơn Nam
Có người trong làng văn tự xưng là “Người kể chuyện xứ Kinh Bắc”, kể ra cũng vui mặc dù chẳng ai công nhận cái danh xưng kia là có “chuẩn không cần chỉnh” hay không. Mai Tiến Nghị, như tôi biết, khiêm tốn hơn nhiều vì ông không “xưng” gì cả, trước ai cả. Nhưng tôi cứ nghĩ, ở xứ Sơn Nam, có một người kể chuyện rất có duyên là Mai Tiến Nghị. Con người nhà văn Mai Tiến Nghị thuần phác, khiêm cung, cầu thị. Tháng 10.2018, tôi có đi dự Trại viết của Tạp chí Văn nghệ quân đội ở Tuyên Quang, sống gần ông nhà văn này mới cảm thấy hết câu “văn là người”. Ngay cái email của ông cũng đầy chất dân dã: cuaran1954@gmail.com. Ông hay cười tếu táo, hóm hỉnh. Hút thuốc lá nhiều. Hăng say gõ máy.
Văn Mai Tiến Nghị trong “Đông trùng hạ thảo” có biệt sắc? Có thể nói ngắn gọn, đó là lối/cách kể chuyện giản dị, nương theo trình tự thời gian nên người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện. Tiểu thuyết được cấu trúc theo hai phần, gồm 16 chương (theo tỷ lệ 11/5). Phải công bằng khi nói rằng, phần một tác giả kể rành rẽ, hấp dẫn hơn phần hai. Có thể vì hết phần một, các nhân vật đã bộc lộ hết “chân tướng”, các tình huống đã qua cao trào đỉnh điểm, các xung đột đã được đẩy lên tận cùng và cách tháo gỡ những “quả bom nổ chậm” đã có kết quả, hiệu lực thực tế.
Sáng tác trong bối cảnh văn hóa đọc đang cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn nên tác giả có ý thức cải tiến lối viết, điều chỉnh câu văn cho phù hợp với khẩu vị của người đọc. Thời đại tốc độ và thông tin nên văn của Mai Tiến Nghị trong “Đông trùng hạ thảo” có tính “gia tốc thời đại”, hiển thị qua tính “nhịp điệu” nhanh, mạnh. Câu văn trong Đông trùng hạ thảo thường ngắn (rõ nhất trong những tình huống “một nửa đàn ông là đàn bà”, khi “con” và “người” giao tranh trong các “pha” giữa Đỗ Sung và Thu Vân; Hoàng Chuẩn và Phương Loan, Đỗ Sung và Phương Loan…).
Tôi đặc biệt chú ý đến không gian biển được miêu tả ở đoạn đầu chương 1 và đoạn kết tiểu thuyết. Vì sao là biển? Đó là thiên nhiên hùng vĩ, con người trước nó là vô cùng bé nhỏ. Một ẩn dụ nghệ thuật chăng? Rất có thể khi tác giả đặt cái hữu hạn kiếp người trước cái vô hạn của tự nhiên. Phải chăng con người đừng có ngạo nghễ, kiêu căng trước tự nhiên, đó là cái cảm giác thực của vợ chồng Hoàng Chuẩn sau những ngày phong ba bão táp, nay: “Trước mặt họ là biển lớn mênh mông”.
Chỉ có những người nào sống chân thành, trung thực với chính mình và người khác như Kim Duyên, con gái của thầy giáo Trần Lương thì mới có được sự vô tư trong sáng, nhẹ nhõm, an nhiên trong tâm hồn: “Tiếng Kim Duyên cười lảnh lót vang xa như những nốt nhạc véo von trên nền giọng bè trầm của biển”. Sống, làm người tốt như cha con Trần Lương – Kim Duyên thời nay khó lắm thay.
Hà Nội, 17/9/2021
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...