Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Thời tái chế, trải nghiệm cộng đồng

Thời tái chế,
trải nghiệm cộng đồng

Nếu vẽ ra một sơ đồ của trường ca này thì những cái có, không, hiện, ẩn, nhị nguyên và hư huyễn cứ xen kẽ nhau, đôi chỗ lẫn khuất hoặc cùng chứa trong nhau. Tôi nhìn vào đó, một sơ đồ ngập tràn những cảm thức, một sơ đồ nội tại của hành trình dân tộc, nó còn hơn cả sự phán xét đơn thuần, nó là sự phủ nhận trọn vẹn, sâu xa, tô đậm cái trống rỗng.
Trải nghiệm cộng đồng, trải nghiệm dân tộc. Nó đi qua cái xảy ra thực, xảy ra dị thường, thứ dị thường đã trở nên bình thường, “Thời tái chế” của nhà thơ Mai Văn Phấn lôi cuốn tôi, là một trường ca thích đáng được chờ đợi sau chừng ấy những gì khổ đau, mọi chuyện có vẻ hợp lễ nhưng lại ẩn chứa bệnh hoạn. Trường ca “Thời tái chế”, có thể định danh như vậy vì nó là hành trình nội tại của cộng đồng tôi đã sống trong đó, nhà thơ Mai Văn Phấn đã sống trong đó và bạn đọc cũng đã từng sống trong đó, chúng ta biết rõ hai tiếng “tái chế”. Sự nhận diện đau rát này như một bông hoa máu, bông hoa tim, bông hoa kinh hãi, bông hoa quằn quại nở bung, nở tung nở ngập hơi thở, nở tràn đầy và ngập ngụa ám ảnh.
Nhà thơ Mai Văn Phấn
“Tôi lớn lên trong lẫn lộn đúng sai, tỉnh táo và lú lẫn, tìm đường và lạc lối, u mê và khát vọng, hiện đại và tiểu nông, quảng đại và cò con, tổng thể và đơn chiếc, cao thượng và thấp hèn, văn minh và lạc hậu…” (Chương I)
Trường ca đã mở đầu như thế, tức là bắt đầu hành trình từ mô phỏng thực tại kết hợp với sự phê phán, nó đưa người đọc là tôi ra xa hiện thực hơn nữa, theo một hệ quy chiếu phức tạp, vừa là mã của phong cách vừa như  định hướng của một kiểu diễn ngôn qua toàn bộ lịch sử, ở đó cái được thể hiện trở thành cái thể hiện. Một kiểu hoán dụ đầy cực tính!
“Ký ức đã đến, chiếm lại không gian dĩ vãng…” , “máu từng chảy loang từng vũng giữa sân đình…” (Chương II), những câu như vậy chảy tràn trong “Thời tái chế” không theo logic truyện kể mà là diễn ngôn của truyện kể, nó gây sự cảm động mãnh liệt, tác giả khá thành công trong việc đẩy hiệu quả như thực này lên đến giới hạn của nó, nó không để cho giấc ngủ của người đọc trở thành dòng sông sâu lắng, nó khuấy động, nó đánh thức, nó gợi lại, nó chỉ ra nhưng hoàn toàn không nằm trong tình trạng hỗn loạn.
Chương III: “Sân khấu”. Sau chương I: “Điểm nhìn” và chương II: “Thẫm đỏ”, chương III chính là nguồn cơn tạo sự xúc động và cảm hứng để tôi viết bài viết nhỏ này. “Giấc mơ sân khấu trống rỗng”, một viễn cảnh của điều viện dẫn phía sau nhưng nó đã gói gọn, hàm chứa trong nó như một mã báo trước và liên quan tới nhiều liên văn bản. Tới đây, trong chương Sân khấu này, ta bắt gặp một mã không có thực tại, nó cũng không hẳn phê phán về cái gọi là ảo tưởng không tưởng, những điều cay đắng mà dân tộc, mà cộng đồng, mà từng cá nhân trải qua, nó rõ hơn và sâu hơn là một diễn ngôn thực tại, nó là một loại diễn ngôn rất chân thực, như tôi đã nói ở trên, tức là cái được thể hiện trở thành cái thể hiện.
Nếu xét về ngôn ngữ, cảnh 1 đã như một ám chỉ ở xã hội nào, ở cộng đồng nào, ở thói quen nào…  “Mỗi khán giả tự dựa vào kinh nghiệm bản thân để đoán biết nội dung vở diễn. Đây là một cuộc họp, đợt chỉnh huấn, buổi hội thảo, phổ biến nghị quyết, phân công nhiệm vụ, một vụ ăn chia, cuộc đấu tố, ngày đọc quyết định, nói chuyện thời sự, cuộc thanh trừng, chào đón đại biểu cấp trên, ca trực cấp cứu, cuộc bỏ phiếu kín…”  Những từ ngữ rỗng như sân khấu rỗng lại mở màn cho một vở kịch rỗng.
Kịch hay mơ? Mơ hay kịch? Dối trá hay là thực? Sự hoang tưởng không tưởng vừa mở màn đã dâng cao trào, nó làm cho người đọc là tôi phải rơi vào tình trạng nghi vấn liên tục, vô số giọng nói, vô số ý thức, vô số thực tại hiện lên, vang lên, tiếng động tạo chuyển động và chuyển động tạo tiếng động, từ đó sự rỗng không hình thành như một sự thật. Sự rỗng không từ diễn ngôn trở thành hiện thực.
Cảnh 2, “Chủ tọa mặt mày quan trọng, ăn mặc gần gũi, gọn gàng. Sau hiệu lệnh, mọi người lặng lẽ đi ra sân khấu, không ai chạm vào ai, tư thế nghiêm trang, mắt nhìn thẳng…”  Đọc tới đây tôi chợt nhớ một chi tiết bi hài của ai đó, một chuyện cười ra nước mắt của ai đó, “Thẳng hàng, thẳng! Ngắm trăng, ngắm!” Một kiểu nô lệ hình thức, cố tình trầm trọng để che giấu cơn ói mửa, cơn ngủ gục, cơn “soi gương và tỉa lông mày”, cơn la ó cho một vở diễn quá dỏm, quá dở, vụng về…
Tới cảnh 4 thì sân khấu chia đôi âm dương, người âm “nhìn sang trần gian bỗng toát mồ hôi”, “những dấu chân lầm lạc chồng chất lên nhau, bôi xoá, rồi tiếp tục lầm lạc. Rồi lại bôi xoá. Những cuộc cách mạng lật đổ áp bức, cường quyền. Một vài người làm cách mạng thành công đứng ra cai trị vương quốc quá lâu lại thành kẻ độc tài, tha hoá.”  Người đọc sẽ không gặp diễn tiến và tình tiết mà mình đang tò mò như với một sân khấu thông thường mà những điều diễn ngôn gợi lên sẽ được chính từng người đọc “xem” và khóc cười với chính mình, chính những gì mình đã trải qua, gia đình mình, gia tộc mình, làng xóm mình, dân tộc mình đã trải qua. Tự mỗi người sẽ sắp xếp thành tình tiết và thời gian trải nghiệm.
Trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn 2018, vừa được dịch xuất bản tiếng Thuỵ Điển, do NXB Tranan ấn hành tháng 8.2022, bìa sách được họa sĩ Christofer Fredriksson thiết kế.
Cảnh 5, “Vị khán giả bị kích động cũng đã ra về trên chính con đường anh ta vừa đi.” Chối cãi, cự tuyệt hay gì gì nữa thì chính mình cũng đã từng song hành, từng đồng tồn tại cùng với kẻ “tự thú lúc hành hung mình là kẻ mạnh nhất”. Một cảnh trên khấu chẳng về cái gì hết, nó là một vòng lẩn quẩn, bế tắc, loay hoay giữa hắn và mình, giữa mình và hắn, giữa tội phạm và đồng phạm, giữa tôi và chúng ta, giữa những người nhân danh xử “tử tù máu lạnh” và sự hụt hơi trong cố gắng rạch ròi giữa sân khấu và đời.
Chương IV: Lối rẽ. Ta hãy nghe một đoạn thoại:
“- Đã xa dần nanh vuốt của cái ác, em ơi đừng sợ!
- Có ai đuổi theo ta không?
- Mình đang đi trên con đường của máu đã chọn
-Con người sao quá nhiều sai lầm.
- Đám đông thường bị dẫn dắt bởi những kẻ tham lam, ác hiểm.
- Chúng nhân danh lý tưởng, dân tộc, nhân danh lẽ phải…”
Trường ca đến đây đã từ bỏ chức năng mô phỏng của nó, cái ý thức nhị nguyên thiện ác của con người cũng bị từ bỏ nốt, chỉ còn sự sợ hãi, sự chạy trốn. Những câu thoại đã tạo thành một hình ảnh ngụ ý…
Tôi thích con số 9 mang tính biểu tượng của 9 chương trong tác phẩm này, là một số đại lão dương kết thúc một chu kỳ và cũng là điểm khởi sinh cho một chu kỳ mới; nó phù hợp với đề tài, phù hợp với thông điệp và cả phù hợp với thời điểm xã hội hiện tại. (Điểm nhìn, Thẫm đỏ, Sân khấu, Lối rẽ, Đồ tể, Đối thoại, Mô hình, Giấc mơ, Kết nối, đó là tên của 9 chương thể hiện sự khép lại và bắt đầu chu kỳ mới). Cấu trúc tác phẩm trường ca này, theo quan điểm tiếp nhận của tôi, là một ý ngầm ẩn trong/dưới văn bản, được coi như một ngôn ngữ khác, kỳ thực tự nó là một lý giải, một lời nói.
Từ chương V trở về sau, thời gian trải nghiệm của cộng đồng được đề cập xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Cũng không hẳn là phép phân loại, nó là tiến trình động.
Ở chương V, trong 7 loại đồ tể mà tác giả điểm mặt, dù hữu hình hay vô hình, dù đằng đằng sát khí hay núp dưới chiếc mặt nạ hoa, dù đang còn ở thế giới này, đang ngồi bên mâm cơm gia đình với vẻ tự mãn hay đã qua thế giới bên kia, dù ngu muội mà trở thành đồ tể vô ý thức hay là người thực hiện ý đồ thâm độc đã được báo trước…, nhưng tất cả đều cùng thực hiện công việc huỷ diệt. Trong chương này, tôi đặc biệt có cảm xúc với “Đồ tể 6” và thực sự đồng cảm với tác giả.
“Những gã đồ tể của tư tưởng bắt chúng ta đi đường thẳng không bao giờ được rẽ. Nhưng thế giới tự nhiên với bao nhiêu biển hồ, núi non, ghềnh thác. Không thể tồn tại một con đường thẳng tắp bất tận chạy trên mặt đất. Sự tiến hóa của con người nhiều khi nằm ở những khúc cua, những nền văn minh được khởi sinh thường ở ngã rẽ. Những tên đồ tể đã biết và phục sẵn ở đó. Chúng nhanh chóng thủ tiêu những ai chúng coi là mờ ám, lầm lạc…”
Lạnh lùng. Trực diện. Tôi ít khi nào ảo tưởng về tính khách quan nhưng tính tự trị của đoạn văn bản trường ca này giúp tôi tin, ngôn ngữ không vòng vo ở đây đã phá hết các hàng lan can ngữ nghĩa không cần thiết khác.
Chương VI: Đối thoại được tác giả chuyển hẳn thành những luận đề, những luận đề quan trọng của một dân tộc là “Độc lập, tự do, hạnh phúc”, trong đó các đối tượng tiêu biểu đã tự cất lên tiếng nói của mình. Tôi cho rằng tác giả khá thâm sâu khi loại bỏ tư cách chủ quan của văn bản, như tôi đã hơn một lần đề cập là sự tự thể hiện. Họ nói. Những người đã chết nói. Những người lính ở hai chiến tuyến nói. Những người nông dân, thợ thuyền nói. Nhân dân nói. Sự thật lịch sử ấu trỉ, tranh sáng tranh tối một thời được phơi bày mà không phải chối cãi.
Chương “Mô hình” trong tập trường ca này là một chương ẩn ý sâu xa, quả thật hai tiếng “mô hình” đã đủ nói về một xã hội na ná với một xã hội nào đó. Điều gì đó thuộc về hồn cốt không thật. Ngôi nhà khuôn mẫu, vỏ trái cây khuôn mẫu, việc trồng cây khuôn mẫu, trật tự an toàn xã hội khuôn mẫu, cách phát ngôn khuôn mẫu… Có gì đó như là sự chuyển động thuần tuý mà tuyệt nhiên không phải là sự sống. Sự sống đã không được tôn trọng.
Nếu như máu là một ám ảnh lớn trong toàn bộ tác phẩm thì càng về cuối máu lại hàm chứa một nghĩa khác, dòng sông máu chảy trườn qua tác phẩm, ở “lưu vực” của cơn trải nghiệm khủng khiếp này, máu là biểu tượng của sự sống, của huyết thống, của giống nòi, là quyền uy linh thiêng, nó cần được trả lại, phục hồi lại, nhận lại như nó vốn như thế.
Nếu vẽ ra một sơ đồ của trường ca này thì những cái có, không, hiện, ẩn, nhị nguyên và hư huyễn cứ xen kẽ nhau, đôi chỗ lẫn khuất hoặc cùng chứa trong nhau. Tôi nhìn vào đó, một sơ đồ ngập tràn những cảm thức, một sơ đồ nội tại của hành trình dân tộc, nó còn hơn cả sự phán xét đơn thuần, nó là sự phủ nhận trọn vẹn, sâu xa, tô đậm cái trống rỗng.
Tôi không có ý định phân tích hay phê phán tác phẩm trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn, tôi chỉ viết những dòng cảm nhận và cũng là để trả lời một vài ý kiến cho rằng trường ca này cắt đứt với văn chương truyền thống. Thật ra cả phần hồn cốt, sắc thái lịch sử và cả hình thức thể hiện vượt lên, phá vỡ những quy định của tác phẩm, theo tôi, là rất dân tộc, rất truyền thống, đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại những khái niệm đã bị bóp méo một thời. Nếu có gì khác chăng thì chỉ là “cách tự lột xác kiêu hãnh đớn đau của con đại bàng… Dám nhìn thẳng vào mặt trời không chớp mắt, không sợ bị đốt mù”.  Nhà thơ Mai Văn Phấn vì thế mà trở thành tác giả ưu tiên đọc trước tiên của tôi trong những cây bút thơ đương đại Việt Nam.
Chú thích:
* Nhân đọc “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn – Nxb Hội Nhà văn, quý IV/ 2018.
25/8/2022
Nguyễn Hiệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...