Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Đọc lại "Một chiều ngược gió" của Bùi Sim Sim

Đọc lại "Một chiều ngược gió"
của Bùi Sim Sim

Nếu ví bài thơ “Một chiều ngược gió” như một cô gái thì không hẳn là có nhan sắc lộng lẫy, càng không đến mức “chim sa, cá lặn”. Nhưng không hiểu sao, mới chỉ tiếp xúc một lần, chưa giao tiếp nhiều, càng không thể tâm sự điều gì mà tôi có cảm giác đã rất thân quen, rất ấn tượng, khiến tôi nhớ mãi, luôn mong gặp lại.
Nhà thơ Bùi Sim Sim
 Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời
Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng
Anh đánh thức nỗi buồn, anh gợi khát khao xanh 
Mang bao điều em muốn nói cùng anh
Chợt sững lại trước cây mùa trút lá
Trái đất sẽ thế nào nếu màu xanh không còn nữa
Và sẽ thế nào nếu trong anh – không em?!
Em trở về im lặng của đêm
Chẳng còn nữa người đông và bụi đỏ
Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió
Riêng chiều nay – em biết, một mình em…
Từ khi lớn lên, có tình yêu với thơ, tôi từng có dịp đọc hàng ngàn bài thơ tình. Trên giá sách nhà tôi cũng có nhiều tập thơ, trong đó một tỉ lệ đáng kể là thơ tình. Cũng không ít bài hay. Nhưng thú thực là thường thì tôi chỉ đọc một lần, không có nhu cầu đọc lại. Không phải là sợ mất thời gian mà như là gặp một cô gái, nhiều cô cũng xinh đẹp nhưng chỉ nên gặp một lần. Gặp lại, tiếp xúc thêm, không cẩn thận sẽ phá hủy đi cái ấn tượng ít nhiều tốt đẹp ở lần gặp đầu tiên.
Bài thơ “Một chiều ngược gió” của nữ tác giả Bùi Sim Sim không nằm trong trường hợp trên. Nếu ví bài thơ này như một cô gái thì không hẳn là có nhan sắc lộng lẫy, càng không đến mức “chim sa, cá lặn”. Nhưng không hiểu sao, mới chỉ tiếp xúc một lần, chưa giao tiếp nhiều, càng không thể tâm sự điều gì mà tôi có cảm giác đã rất thân quen, rất ấn tượng, khiến tôi nhớ mãi, luôn mong gặp lại. Và gặp nhiều thì không chán, mỗi lần gặp, lại khám phá thêm ở cô nhiều điều bí mật, kỳ thú, như là vô tận. Mặc dù cô không nói nhiều. Như bài thơ chỉ có 4 khổ, cả thảy 16 câu. Thơ bây giờ như vậy cũng là ngắn.
Tác giả biểu hiện một thực trạng của nhiều kẻ đang yêu: Yêu hết mình, bất chấp, vượt lên mọi vất vả, khó khăn nhất để có được người yêu, tình yêu. Nhưng hạnh phúc cứ như một thứ gì xa xỉ, hư ảo, cứ xa lắc xa lơ ở tận đâu đâu mà ta không thể với tới. Ta cứ sống trong ảo vọng, hoang tưởng và tự huyễn hoặc rồi rốt cục chỉ là con số không. Tất cả đã tuột khỏi sự khát khao của ta.
Rõ ràng ta đang theo đuổi một tình yêu thánh thiện, vô tư, sáng trong, đích thực từ trái tim chứ đâu có nhuốm bụi của đời thường thực dụng. Nếu thực dụng thì không ai có thể lao vào, bất chấp quá nhiều khó khăn, trở ngại như con thiêu thân lao vào đèn để mà yêu lấy được. Rất nhiều từ “ngược” trong bài sao mà phiêu lưu đến tội nghiêp! Nhưng không phải cái tội nghiệp của kẻ yếu kém, thất bại mà của người có tâm thế tự tin, vâng, rất tự tin.
Có những cái “ngược” rất cụ thể, ai cũng có thể hình dung như “ngược đường”, “ngược nắng”, “ngược gió”, “ngược phố giờ tan tầm”… để “tìm anh”. Nói như vậy đã là rất hình tượng rồi – không phải ai cũng – nói được như thế. Nhưng “ngược lòng mình để tìm về nông nổi” thì thực sự hay và “Lãng du đi vô định cánh chim trời” thì rõ là một sự xuất thần. Đây chính là cái “đốm sáng Bêse” vậy. (Bêse – nhà thơ nổi tiếng người Đức – đã tìm ra một quy luật rất thú vị trong sáng tạo nghệ thuật. Ông cho rằng, những câu thơ, áng văn, nốt nhạc “thần” không dễ đến với người sáng tác bất cứ lúc nào dẫu có tài năng đến mấy, mà chỉ lóe lên ở phút xuất thần nào đó. Đó chính là “đốm sáng Bêse”).
Em hết mình, em liều mình chấp nhận “ngược” bao thứ oái oăm, gian truân giữa “đời thường bon chen” để đến với anh, để được mê đắm. Cũng thật bõ công, không chút uổng phí bởi nếu đến với anh, em sẽ được “đánh thức nỗi buồn”, được “gợi khát khao xanh”. Hóa ra nếu không có anh, em trở nên vô cảm đến mức ngay cả nỗi buồn của em cũng ngủ lỳ trong quên lãng. Ở chiều ngược lại, cô gái đầy tự tin để đặt ra câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu trong anh không em?” (giống như trái đất không còn màu xanh). Câu hỏi đã đồng thời là câu trả lời, khẳng định. Nhưng rồi, sự thực vẫn là sự thưc. Em vẫn phải trở về với đêm, với một mình em… Tội nghiệp và thương quá!
Ở trên, tôi đã nói đến cái “đốm sáng Bêse”. Đốm sáng này trong bài còn xuất hiện một lần nữa. Đó chính là câu áp chót “Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió”. Phố bỗng buồn tênh thì nghe đâu đó cũng đã nhiều. “Tênh” gợi cảm giác trống vắng, chông chênh, tẻ lạnh nên nhiều người đã dùng.
Nhưng “bờ vai hút gió” thì tôi chưa nghe ở đâu mà mới chỉ là “bờ sông hút gió” hoặc “triền đê hút gió”. Hai tiếng “hút gió” quen thuộc thì rõ rồi, cũng dễ hình dung. Nhưng “bờ vai hút gió” là sao? Cái “bờ vai” kia có dài, rộng, có khoảng không gian trống nào đâu mà “hút gió”? Hóa ra mọi khi, lúc còn có anh, chúng ta đi bên nhau, ngồi bên nhau, em gục vào vai anh thì gió không thể lùa qua vai. Cảm giác ấm ấp, đủ đầy không thể gây cho em sự ớn lạnh như gió hút.
Nay “phố buồn tênh”, không có anh ở bên nữa thì hụt hẫng biết chừng nào. Nhưng cái lạnh lẽo, cô đơn ở đây sao mà đẹp, mà nên thơ! Chỉ hơi tiếc câu áp chót hay là thế mà câu kết lại có phần “thật thà”. Thơ cần nhiều hư ảo để cho người thưởng thức thả sức tưởng tượng, hình dung. Người càng giàu trí tưởng tượng sẽ càng thẩm thấu được nhiều vẻ đẹp của bài thơ. Thực ra, không cần nói rõ là “Riêng chiều nay – em biết, một mình em” người đọc cũng hiểu em đang ở trạng thái như thế nào rồi. Vậy nên tôi xin phép nữ thi sĩ để mạo muội thay câu cuối cùng của bài thơ rất hay này như sau:
Và đêm nay, em lại trở về em
Như vậy sẽ là :
Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió
Và đêm nay, em lại trở về em
Một chi tiết nữa: Bài thơ nói đến người con gái phải “ngược” rất nhiều để “tìm anh”: Ngược đường, ngược nắng, ngược gió, ngược phố giờ tan tầm, ngược lòng mình… Vậy tại sao tên bài chỉ là “Một chiều ngược gió”? Tôi mạn phép tác giả đặt lại “tít” bài thơ: “Chiều ngược”. Vâng. Chỉ hai chữ “Chiều ngược” như vậy là hàm chứa được mọi sự rắc rối, gian khó trong cái công cuộc đi “tìm anh” rồi. Mà lại ngắn gọn hơn. Như vậy, sẽ phải “hy sinh” một chút. Đó là: Tên của tác giả nghe thơ hơn, hay hơn. Nhưng không bao quát được cả bài bằng “Chiều ngược”. Nếu tên như của tác giả thì chỉ nên khai thác “ngược gió” thôi và khoét vào cái tứ này – cũng lắm thứ để nói.
Cũng xin thưa với độc giả, tôi có phổ bài thơ này thành bài hát mang “tít” như trên: “Chiều ngược”. Các bạn có thể nghe trên Youtube hoặc Website “Bài ca đi cùng năm tháng” do 3 ca sĩ cùng thể hiện: Thúy Đạt, Kim Khánh và Vô Thanh.
31/7/2022
Nguyễn Đình San
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...