Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Văn chương hướng đến tính thiện của Aimatov

Văn chương hướng đến
tính thiện của Aimatov

Là một trong những nhà văn được bạn đọc Việt Nam biết đến từ sớm, Chingiz Aimatov – “viên ngọc quý” của đất nước Kyrgyztan, đã từng quen thuộc với những Jamilia, Cây phong non trùm khăn đỏ, Sếu đầu mùa, Một ngày dài hơn thế kỷ… Mới đây tập sách gồm hai truyện vừa Con tàu trắng và Con chó khoang chạy ven bờ biển của ông đã được trở lại, là cơ hội mới giúp những độc giả biết đến gia tài đồ sộ của một trong những nhà văn Xô Viết nổi tiếng một thời.
Chingiz Aimatov – Viên ngọc văn chương của Kyrgyztan nói riêng và khối Liên Xô cũ nói chung.
Từng được chuyển ngữ nhiều thập kỷ trước bởi dịch giả Phạm Mạnh Hùng, hai truyện vừa này đã thể hiện được những đặc trưng rất chủ chốt trong văn chương của Aimatov, là vẻ đẹp thi tính đan quyện cùng những bi kịch con người. Cũng như gia tài đồ sộ trong các trước tác của mình, ta thấy vẻ đẹp của thiên nhiên với một cuộc sống hòa hợp, được viết trong sự kết hợp giữa huyền thoại dân gian, truyền thuyết dân tộc cũng như các vấn đề đậm tính thời sự.
Thiên nhiên hồn nhiên
Không hẳn vô tình mà hai truyện vừa của Aimatov đều lấy nhân vật là những đứa trẻ. Trong các truyện này, lực lượng con người – thiên nhiên vẫn đứng ở hai cực trị, có phần phản ứng và đối đầu với nhau. Tuy nhiên lại có khác biệt giữa những đứa trẻ, giữa những cư dân của một bộ tộc chung sống hài hòa cùng với vị thần tín ngưỡng; so với con người của thời đại mới, với vật chất, quan liêu và những giá trị đời sống tầm thường.
Nhân vật của hai truyện vừa đều là những cậu bé, với sự hồn nhiên, thơ ngây, và bắt đầu nhìn thấy một thế giới trưởng thành ít nhiều tàn bạo. Trong Con tàu trắng, nếu cậu bé mồ côi hòa vào thiên nhiên, đặt tên cho những mỏm đá theo những hình dạng mình quan sát thấy như “Lạc đà nằm”, “Xe tăng”… độc thoại với những đồ vật hay là nằm khóc trong bụi shiraldzin dưới tầng mây trời như nó biết rằng cậu buồn… thì ở truyện còn lại là một cậu bé ngư dân, người lần đầu đi săn và rồi sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm lương thực cho thị tộc mình.
Ngoài những cậu bé, thì những nhân vật lão thành cũng được Aimatov mô tả hiền lành như đất. Đó là người ông Momun với lòng nhiệt thành, nhanh nhảu và đầy tươi nguyên. Trong văn chương của Aimatov, con người đáng quý chỉ nằm ở hai thái cực, hoặc là trẻ thơ, hoặc là thuộc về một cộng đồng người sống hài hòa cùng với tự nhiên. Nếu ông Momun là người Bugu, thì người ông Organ, người cha Emrayin hay người chú Mylgun trong truyện Con chó khoang chạy ven bờ biển lại thuộc về tộc người khác, nhưng có điểm chung là họ vẫn sống lẫn vào tự nhiên, và không xâm phạm đến Thần tột bậc của thị tộc mình.
Bìa sách “Con tàu trắng” của Aitmatov.
Về phía ngược lại, những nhân vật đối nghịch như Orozkul lại không như thế. Y làm lâm nghiệp thuộc về nhà nước, nhưng ba hoa, quan liêu và thường đánh vợ bởi cảnh hiếm muộn. Những tuyến nhân vật thường được cho là “văn minh” hóa ra lại là nguồn cơn của những thử thách, bởi sự xâm phạm cũng như lạm dụng rất khó chấp nhận.
Thiên nhiên hòa vào trong những trang viết của Aimatov, để từ đó đất nước Kyrgyztan xinh đẹp hiện lên, với phong cảnh, núi non và những con người bản địa vô cùng thuần khiết. Đó có thể là hồ Issyk Kul với phong cảnh đẹp đến độ rợn người, với tuyết, băng, hươu, nai cùng người bản địa, người du canh, du cư sống cùng với nhau… Tuy thế cân bằng luôn được gìn giữ, bởi những con người thuần nguyên đôn hậu, hoạt bát, hòa vào tự nhiên và không bất kính với tổ tiên mình.
Có lẽ vì thế mà những nhân vật của Aimatov vẫn luôn hiền dịu và sống chan hòa. Tuy thế “cùng với hạnh phúc, sự bất hạnh luôn luôn rình mò, xen vào tâm hồn, vào đời ta, không ngừng theo đuổi ta. Sự bất hạnh từ ngàn đời nay vẫn bám riết lấy con người ta”, dẫn đến trong các truyện ngắn này, người đọc có thể thấy được một sự đối nghịch cũng như tội ác vẫn luôn hiện diện, dù là trong một nơi chốn yên bình của thiên nhiên, của gió San-Tash, của người du canh – du cư, của gia súc và cả những loài báo biển hay hươu Maran…
Truyền thuyết dân gian
Aimatov ngoài việc khắc họa thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, thì cũng rất chú ý trong việc sử dụng truyện cổ, truyền thuyết dân gian của các tộc người bản địa. Như ông đã từng chia sẻ, “Chủ đề thần thoại là nguồn chất liệu cực kì giàu có. Nhờ bà tôi mà các truyền thuyết, truyện cổ, trường ca dân gian đã tác động mạnh mẽ tới tôi ngay từ thời thơ ấu”. Để rồi giờ đây hòa quyện với những vấn đề thời đại, các câu truyện cổ như tấm nệm êm cho những hiện thực vơi bớt khắc nghiệt.
Những truyện đồng thoại không chỉ làm giàu thêm cho mạch truyện của các truyện vừa, mà nó còn mở ra cánh cửa khác, từ đó cho thấy phông nền văn hóa có phần đa dạng của những bộ tộc phía Bắc, cũng như là lời răn mà những cổ nhân truyền lại, trong khi con người với nhịp sống nhanh ngày càng quên đi những bài học đó.
Truyện cổ mở ra thế giới cổ điển, với thần tiên – ma quỷ hòa quyện độc đáo với những tội ác, biến đổi, bi kịch… làm thành thế giới song song, ảo ảo thật thật trong các sáng tác của Aimatov. Như thể trong Con tàu trắng, người đọc sẽ được giới thiệu đến với Bộ tộc Mẹ hươu sừng, là nguồn gốc của người Bugu cũng như những gì con người phản phúc đã làm với người mẹ ấy. Nó không chỉ cho thấy cách mà con người có thể trở nên tàn bạo, mà đâu đó còn mở ra hẳn con đường bi kịch, của những gì con người thuần nguyên không thể bảo vệ trước nhịp đập nhanh của cuộc sống này.
Với Con chó khoang chạy ven bờ biển, câu chuyện mờ ảo của Người Đàn Bà Cá, của những Kirin, Thần gió, sao trời và những hòn đảo huyền thoại… bám theo tín ngưỡng thị tộc, từ lâu trở thành tục lệ cũng như nền tảng của cuộc sống này. Với tác phẩm này, Aimatov cho thấy niềm tin cá nhân, cùng đó là bản sắc văn hóa lâu đời của những tộc người trong đất nước mình.
Tuy thế bi kịch trong các tác phẩm của ông được viết đậm đặc thi tính và rất tinh tế, không là nỗi đau về mặt thể xác nhưng đánh rất sâu vào trong tâm tính của mỗi con người. Hình tượng “con tàu trắng” hay “núi chó khoang” là những vật thể không rõ có hiện diện hay không, khi nó chỉ được thuật lại bởi những em nhỏ, nhưng chính là nơi neo đậu, là nơi lánh xa những đau đớn của cuộc sống, để chính ở đó bi kịch dịu lại và con người ta có thêm hi vọng vào đời sống này.
Sinh ra ở trong tự nhiên và rồi chết đi cũng ở nơi ấy, Aimatov đi suốt vòng tròn và rồi khép lại nỗi đau cũng bằng một phương cách ấy. Các nhân vật của ông tuy không hiện diện nhưng vẫn tồn tại ở quanh đâu đây, như các quan điểm về linh hồn, tinh thần cũng như tình thương hiện tồn mãi mãi. Ẩn dưới lớp băng của những nỗi đau cùng với bi kịch, Aimatov trìu mến gửi đến độc giả những tình thương yêu và cái chạm nhẹ của mẹ thiên nhiên, của đạo đức, tốt lành và những nguyên lý khi sống hài hòa trong cuộc đời này.
Bằng việc kết hợp được tính dân tộc và tính hiện đại, cũng như vận dụng nhuần nhuyễn truyền thuyết và huyền thoại dân gian với các vấn đề thời sự, Aimatov là một trong những nhà văn hàng đầu với lối viết tinh tế, giàu trữ tình và nhân văn hướng đến tính thiện. Những truyện ngắn như Con tàu trắng, Con chó khoan chạy ven bờ biển tuy đã ra đời rất lâu trước đây, nhưng sẽ luôn còn nguyên giá trị, trong việc giáo dục, phản chiếu cũng như thấy được chúng ta là ai, trong mối quan hệ với mẹ thiên nhiên và các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời.
22/11/2022
Linh Trang
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...