Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: Từ liên văn bản đến liên văn hóa để văn chương hướng tới chân trời tự do

Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương:
Từ liên văn bản đến liên văn hóa để
văn chương hướng tới chân trời tự do

Trong nền văn học Việt Nam đương đại, có không ít những nhà văn đã thành danh với việc sáng tác tiểu thuyết. Tuy nhiên để giữ được một đời văn dài, sung sức, có dấu ấn riêng trong lòng người đọc thì không nhiều tác giả làm được điều đó. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: vốn sống, vốn kiến thức, khả năng nắm bắt nội dung, kỹ thuật viết, tài năng của nhà văn cũng như cá tính sáng tạo. Trong số những tác giả nổi bật của nền văn học Việt Nam đương đại, có một cái tên không thể không kể đến, đó là nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhận định về Nguyễn Bình Phương, Phạm Xuân Thạch đã hết lời ca ngợi: “Nếu cần lựa chọn một hiện tượng tiêu biểu nhất của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, ưu tiên số một chắc chắn sẽ là những sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Là sản phẩm thành công nhất của trường viết văn Nguyễn Du, kiên định trong những ý tưởng nghệ thuật, các sáng tác của anh kết tụ nhiều vấn đề có ý nghĩa tiêu biểu cho tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ hậu chiến cả trên bình diện mỹ học lẫn kỹ thuật sáng tác và mô hình tiểu thuyết” . Tuy còn có những điểm chưa đồng tình với Phạm Xuân Thạch, nhưng tôi cho rằng nếu phải kể tên năm nhà văn có cá tính sáng tạo đặc sắc nhất của thời đương đại thì chắc chắn có tên của Nguyễn Bình Phương trong số năm nhà văn ấy.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những sáng tác của Nguyễn Bình Phương khá kỹ trên nhiều phương diện: từ góc độ cảm nhận, phê bình tác phẩm cho đến đánh giá vai trò, vị trí của Nguyễn Bình Phương trong nền văn học Việt Nam đương đại; từ soi chiếu tác phẩm của nhà văn dưới góc nhìn phân tâm học đến việc vận dụng lý thuyết hậu hiện đại; từ phân tích tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bằng lý thuyết của chủ nghĩa hiện sinh đến yếu tố kỳ ảo, từ việc khảo sát kỹ thuật viết tiểu thuyết của nhà văn cho đến việc đi sâu vào phương thức tự sự thể hiện trong tác phẩm… Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu về thế giới nghệ thuật, nhân vật, điểm nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người… trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Những người quan tâm nhiều đến tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là các nhà nghiên cứu như Thụy Khuê, Đoàn Cầm Thi, Phạm Xuân Thạch, Phùng Văn Khai… Ngoài ra những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương còn được đề cập đến trong một số luận văn cao học cũng như luận án tiến sĩ ngành Văn học.
Tuy nhiên với một đời văn dài, sung sức và còn đang sáng tác như tác giả Nguyễn Bình Phương thì có lẽ những nghiên cứu tiếp theo vẫn là cần thiết để có thể xác lập, định danh một phong cách sáng tạo có thể nói là độc đáo và nổi bật trong nền văn học Việt Nam đương đại.
Nhà phê bình Hà Thanh Vân
1. Liên văn bản như là một cách để Nguyễn Bình Phương hướng văn chương đến chân trời tự do
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng liên văn bản là một yếu tố gắn bó mật thiết với chủ nghĩa hậu hiện đại. Thuật ngữ “intertextuality” được Julia Kristeva định danh lần đầu tiên trong tiểu luận “Ngôn từ, đối thoại, tiểu thuyết” (Word, Dialogue and Novel) xuất bản năm 1967. Trong tiểu luận, Julia Kristeva cho rằng: “Bất kỳ văn bản nào cũng được cấu trúc như một bức khảm các trích dẫn, bất kỳ văn bản nào cũng là sự hấp thụ và biến đổi các văn bản khác” . Tuy nhiên ngược theo diễn trình lịch sử, thuật ngữ “liên văn bản” đã được các nhà ngữ văn Đức như Frédéric Gundolf (1881 – 1931), Ernst – Robert Curtius (1886 – 1956), Erich Auerbach (1892 – 1957), Léo Spitzer (1887 – 1960) sử dụng từ trước đó. Thuật ngữ trong tiếng Anh để chỉ trường phái này là philology, tiếng Pháp là philologie, tạm dịch là ngữ văn. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê (Pháp) dịch là bác ngữ và gọi đây là trường phái bác ngữ học Đức. Phùng Ngọc Kiên trong bài viết “Lịch sử văn học phương Tây qua cái nhìn của Erich Auerbach” (Tạp chí “Nghiên cứu Văn học” số 8-2005) cũng dịch thuật ngữ này là ngữ văn. Đi ngược về trước đó nữa, theo Thụy Khuê thì khái niệm “liên văn bản” đã được các nhà bác ngữ học Đức như Franz Bopp, Max Muller, August Schleicher,… dùng từ giữa thế kỉ XIX khi họ nghiên cứu ngữ pháp so sánh Ấn – Âu. Sau đó lý thuyết ngôn ngữ học cấu trúc của Ferdinand Saussure và chủ nghĩa hình thức Nga (Russian Formalism) cũng góp phần xác lập thêm tính chất của khái niệm “liên văn bản”. Sau khi tiểu luận “Ngôn từ, đối thoại, tiểu thuyết”  của Julia Kristeva ra đời, Roland Barthes trong tiểu luận “Cái chết của tác giả” (The Death of the Author) đưa ra quan điểm cho rằng bất kỳ văn bản nào cũng có thể mang tính đa chiều trong không gian, nơi mà có rất nhiều văn bản va đập, pha trộn vào nhau và khó tìm ra văn bản gốc. Lúc đó vai trò của tác giả hiểu theo nghĩa truyền thống sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là thuật ngữ “người viết hiện đại. Người viết lúc ấy chỉ cùng sinh thành và tồn tại với văn bản của mình viết, không vượt ra ngoài bản thân sự viết
Sau này quan điểm về liên văn bản còn được đề cập đến với những khía cạnh khác nhau ở Jacques Derrida, Michael Riffaterre, Michael Foucault, Gerald Genette, Harold Bloom…, nhưng nhìn chung lại, lý thuyết về liên văn bản kể từ khi ra đời cho đến nay đã không những được sử dụng để nghiên cứu những hiện tượng văn học hiện đại dưới góc nhìn của giải cấu trúc, hậu hiện đại, nữ quyền, hậu thực dân, tân lịch sử, mà còn có thể được vận dụng vào nghiên cứu những hiện tượng văn học quá khứ, từ Đông sang Tây.
Tìm hiểu quan niệm sáng tác của Nguyễn Bình Phương chúng ta sẽ thấy nhà văn có khá nhiều trăn trở về nghề viết. Nhà văn từng khẳng định: “Đôi khi với nhà văn, cấu trúc tác phẩm quan trọng lắm. Nhà văn cứ loay hoay với cấu trúc. Cấu trúc cũng là một dạng cách kể. Có dạng cấu trúc đi thẳng, có dạng đi vòng. Thế thì mới ra được từng người một. Tôi nghĩ tác phẩm của tôi nếu nhìn tổng thể cũng là sự loay hoay”. Rõ ràng với việc sáng tác văn chương, Nguyễn Bình Phương đã dành khá nhiều công sức đầu tư cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Có lẽ những công sức “loay hoay” của nhà văn đã có kết quả. Khi nhắc đến tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, có thể có người thích, có người không thích và rõ ràng tiểu thuyết của nhà văn khá kén người đọc, không dành cho số đông, nhưng độc giả đều ấn tượng trước những thủ pháp nghệ thuật của nhà văn, trong đó phải nói đến liên văn bản như là một cách để Nguyễn Bình Phương thể hiện quan niệm: “Văn chương bản thân nó là chân trời tự do thì ta cứ nương theo thế, đừng bó buộc nó”
Nguyễn Bình Phương là tạng nhà văn để cho chính sáng tác của mình nói thay cho những bài phỏng vấn, cũng là để nói thay cho những hoạt động quảng bá tác phẩm rầm rộ ngoài đời cũng như trên mạng Internet. Những tác phẩm của nhà văn có lẽ là sự minh họa tốt nhất cho quan niệm văn chương của chính anh và cũng là câu trả lời cho câu hỏi thường được đặt ra bất kỳ với một nhà văn nào: Nhà văn viết vì điều gì và viết như thế nào?
2. Liên văn bản với bóng dáng của văn học quá khứ trong những sáng tác của Nguyễn Bình Phương
Mô phỏng, trích dẫn, tương tác qua lại, pha trộn, xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại văn chương… như là một hình thức liên văn bản, dù là có chủ định hay không, là điều thường thấy ở một số nhà văn Việt Nam. Những người áp dụng thành công lối viết này có thể kể đến là Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú… Nguyễn Bình Phương dù là đặt ưu tiên hàng đầu là nội dung tác phẩm khi sáng tác và anh thừa nhận việc sáng tác dường như là bản năng, “việc viết đối với tôi giống như đi theo một lực hút bí ẩn không biết phía trước là gì. Tôi kệ bản năng dẫn dắt. Để nó trôi dạt, lênh đênh. Khi sửa chữa mới dùng lý trí và kỹ thuật can thiệp vào”  nhưng không thể phủ nhận rằng sức thu hút của tác phẩm Nguyễn Bình Phương có một phần quan trọng đến từ kỹ thuật viết. Có điều kỹ thuật viết của tác giả đã hòa quyện, gắn chặt với nội dung, tạo cảm giác cho người đọc rằng với Nguyễn Bình Phương thì nhất định phải viết như thế, không khác đi được.
Chính vì lẽ đó khi lướt qua những motif thường thấy trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, người đọc sẽ có những liên hệ trong tâm thức khi bắt gặp những motif quen thuộc của văn chương quá khứ, nhưng được Nguyễn Bình Phương tái tạo lại dưới những hình thức khác, trong hơi thở của văn chương đương đại. Đó là những motif về sự sinh nở thần kỳ, đứa trẻ mồ côi, sự hóa thân kỳ lạ, những giấc mơ mang tính chất điềm báo, tiên tri, sự ban thưởng và trừng phạt… Trong tác phẩm “Vào cõi”, nhân vật Vang có chửa với Diêm Vương. Trong tác phẩm “Những đứa trẻ chết già”, có cô gái chửa với đỉnh Rùng. Cũng trog tác phẩm “Những đứa trẻ chết già” có nhân vật bà giáo với ba lần đẻ ngược. Đẻ ngược thì là chuyện bình thường và bà giáo cũng không sinh ra cái bọc, cục máu… như trong truyện cổ dân gian, mà bà lại sinh ra những đứa trẻ mang khuôn mặt, cơ thể của người lớn và sau đó chết đi nhanh chóng. Nguyễn Bình Phương muốn nhắc cho độc giả rằng trong đời sống thường hằng của con người, có những con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và chết đi về thể xác, nhưng tâm hồn, nhận thức của họ vĩnh viễn là những đứa trẻ, có thể đó là một bi kịch của nhân sinh, nhưng cũng có thể đó là một niềm hạnh phúc.
Motif người hóa thân thành vật hay con vật là motif thường thấy trong truyện cổ dân gian. Sự hóa thân thành đá của nhân vật Thủy trong tiểu thuyết “Bả giời” vì mối tình loạn luân với Tượng, người anh trai cùng cha khác mẹ, khiến cho độc giả liên tưởng đến câu chuyện nàng Tô Thị hóa đá Vọng Phu. Chỉ khác là Thủy hóa đá trong nỗi đau tột cùng của Tượng bởi vì Tượng không thể rời bỏ Thủy, khác với nàng Tô Thị hóa đá trong nỗi niềm chờ đợi, ngóng trông. Khi một tấn bi kịch tình yêu ngang trái xảy ra, trái với tư duy quen thuộc của người đọc đương đại, cho rằng nhân vật sẽ từ bỏ, thì Nguyễn Bình Phương đã chọn motif người hóa vật như là một cách giải quyết bi kịch nhưng thật ra là sự nhấn mạnh, huyền ảo hóa bi kịch. Trong tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già” có nhân vật lão Hạng là người đàn ông tốt bụng nhưng có cuộc sống bất hạnh, lão yêu rừng, yêu cây cối. Sau cái chết tức tưởi của đứa con bị đánh chết giữa chợ, lão ngày càng trầm lặng và hay nhìn vào những hàng cây, để rồi khi chết đi, thân thể lão gắn chặt với thân cây xà cừ và lão hóa thân thành cây. Người đọc không khỏi nhớ đến câu thơ nổi tiếng, tương truyền là của Nguyễn Công Trứ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Tương phản với hình ảnh lão Hạng là lão Biền, một người thợ cắt tóc hay kể những câu chuyện tục tĩu, ăn cắp tiền. Khi lão chết, người lão mọc đầy lông lá. Có thể xem đây là sự mô phỏng lại những motif ở hiền gặp lành, ban thưởng, trừng phạt xuất hiện dày đặc trong các truyện cổ dân gian.
Giấc mơ là motif xuất hiện khá nhiều trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Pha trộn với vẻ vô thức theo phân tâm học của Sigmund Freud trong dáng vẻ hiện đại, nhưng giấc mơ cũng mang dáng dấp của những điềm báo, tiên tri thấy rõ trong nhiều truyện cổ dân gian của Việt Nam như “Sự tích cây huyết dụ”, “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại?”, “Người lấy ếch”, “Rắn báo oán”… Nhân vật Khẩn trong tiểu thuyết “Ngồi” liên tục có những giấc mơ mang tính điềm báo. Giấc mơ xuất hiện ở Hồ Núi Cốc là điềm báo trước về những rắc rối xảy ra với cảnh sát giao thông sau đó.
Cái chết của bà Nhung xảy ra sau giấc mơ về người đàn bà có khuôn mặt vàng ệch như xát nghệ. Trong tiểu thuyết “Mình và họ”, giấc mơ của Hiếu cũng chính là điềm báo về tương lai.
Một số nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được khắc họa như là sự giễu nhại nhưng cũng là sự đồng vọng của những nhân vật trong văn học quá khứ. Trong tác phẩm “Những đứa trẻ chết già” có nhân vật Phán. Trong bối cảnh một đám ma, nhân vật Phán này khiến người đọc nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng với nét mặt buồn rầu gợi nhắc đến nhân vật ông Phán. “Nhìn mặt Phán thất thần, mọi người đều cảm động, vì hiếm có trường hợp đứa cháu lại thương ông đến độ ấy” . Cũng trong tác phẩm “Những đứa trẻ chết già”, hình ảnh Trường hấp, một gã trai không có cha mẹ, họ hàng, gia đình dẫn một người đàn bà từ mạn Trại Cau về khiến cho người đọc như thấy lại hình bóng Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đám cưới của Trường hấp cũng là một đám cưới kiểu như Tràng, không lễ nghi, không tiệc tùng, không người thân, bạn bè và dân làng lại có dịp bàn ra tán vào về lai lịch của người đàn bà xa lạ. Trong tiểu thuyết “Bả giời”, cơn say rượu của Tượng gợi nhớ đến hình ảnh ngật ngưỡng say sưa của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Vẫn là hình ảnh cái chai quen thuộc “lẳng cái chai vào miệng cống. “Choang” – Tiếng vỡ xiết vào im lặng. Tượng lăn ra bờ cỏ và cười sằng sặc” .
Việc nối kết với văn học quá khứ theo một hình thức có thể nói là liên văn bản cũng là sự lạ hóa nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Tiểu thuyết của nhà văn như là một dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, thông qua những con người sống trong thời đương đại nhưng một mảnh tâm hồn cũng như nhận thức của họ luôn chìm đắm trong quá khứ. Họ tồn tại trong một cõi riêng của họ giữa cuộc đời trần thế nhiều tục lụy và chính họ cũng vẫn không dứt ra khỏi những tục lụy đó. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương vì thế như là những mảnh ghép không liền mạch giữa quá khứ và hiện tại, chúng níu kéo, pha trộn vào nhau bởi những ranh giới mơ hồ, bởi vì sự mờ nhòe ngữ nghĩa và vì thế tạo nên một cách viết riêng có ở Nguyễn Bình Phương.
3. Những thể loại văn chương khác tồn tại song hành trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Tiểu thuyết là một thể loại văn chương đặc biệt bởi vì nó có thể dung chứa những thể loại khác, từ đó tham gia vào việc kiến tạo thêm nghĩa cho tác phẩm và cũng là một thủ pháp nghệ thuật tạo sự lạ hóa trong văn bản. Với liên văn bản, những sự dung chứa, nối kết các thể loại khác cũng là một sự khẳng định rằng vai trò của người viết ngày nay mang dáng dấp đồng sáng tạo và cũng là tái tạo.
Nguyễn Bình Phương từng khẳng định: “Nói một cách gan ruột thì tôi thích thơ hơn” bởi vì “với thơ, xét cho cùng, nhà thơ tự phân giải mình, tự mổ xẻ mình, tự phân tích mình. Còn văn xuôi, thì ngược lại, ông phân tích thiên hạ là chính. Thơ từ bên trong đi ra, trong khi văn xuôi từ ngoài đi vào” . Nguyễn Bình Phương nổi tiếng với tiểu thuyết nhưng ít ai biết rằng trước khi dấn thân vào lĩnh vực văn xuôi, Nguyễn Bình Phương đã thành danh với thơ. Chính tư chất của một nhà thơ đã khiến cho Nguyễn Bình Phương kiến tạo văn bản văn xuôi của mình với hai đặc điểm nổi bật: đưa ngôn ngữ thơ vào văn xuôi và đưa những bài thơ như là thành phần trong cấu trúc ngữ nghĩa của tiểu thuyết. Trong nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, xuất hiện những đơn vị câu tương ứng với một đơn vị đoạn và được viết bằng ngôn ngữ giàu chất biểu cảm của thơ ca. Tiểu thuyết “Vào cõi” với những đoạn đối thoại mang màu sắc bi thương, giằng xé, bộc lộ nội tâm đầy khốc liệt có thể xem là những câu thơ văn xuôi. “Thoạt kỳ thủy” là một tiểu thuyết có thể được định danh là “tiểu thuyết vô thức” nhưng cũng là một tiểu thuyết thấm đẫm chất thơ, trong đó mỗi nhân vật tự mờ hóa đi trong thế giới nội tâm của chính mình và cũng nhòe mờ đi lẫn vào vào thế giới xung quanh. “Trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ nở mãi, nở mãi giữa những đụm khói đặc quánh”.
Nguyễn Bình Phương cũng đã đưa không ít những bài thơ của chính mình vào trong các tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết “Bả giời” có hai bài thơ, đáng chú ý là bài thơ Tượng làm tặng Thủy. Trong tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già” có bốn lần Nguyễn Bình Phương dùng thơ để nối kết liên văn bản. Thậm chí có cả hiện tượng lồng ghép thơ trong truyện và truyện trong tiểu thuyết như tập truyện “Và cỏ” của nhà văn Phùng nằm trong tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”. Nhân vật bà điên trong truyện “Và cỏ” là tác giả của một bài hát đẹp có thể xem như là một bài thơ:
“Chạm vào cỏ trắng
Mình se sẽ hiện về
Trăng mách rằng có con chim nâu trong bông hoa nâu
Khuya nào cũng mải mê hót
Hót vào giấc mơ của trăng”
Những bài thơ của Nguyễn Bình Phương trong tiểu thuyết vừa góp phần kiến tạo thêm tính đa nghĩa cho văn bản, nhưng đồng thời chúng cũng là những thực thể độc lập, có thể tách rời khỏi văn bản tiểu thuyết để đứng một mình.
Nguyễn Bình Phương tuy sáng tác nhiều tiểu thuyết (đến nay là 10 tiểu thuyết) song nhà văn không phải là người sáng tác trường thiên tiểu thuyết. Trong 10 tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đã ra mắt độc giả thì tiểu thuyết “Người đi vắng” có độ dài nhất là 367 trang, và tiểu thuyết ngắn nhất là “Thoạt kỳ thủy” có độ dài 145 trang. Ngay tiểu thuyết mới ra mắt gần đây nhất là “Một ví dụ xoàng” chỉ có độ dài 206 trang. Nguyễn Bình Phương đã để cho truyện ngắn thâm nhập vào những tiểu thuyết của anh dưới những hình thức khá cụ thể. Đó là dung lượng không dài của tiểu thuyết, số lượng nhân vật không nhiều, chi tiết, tình tiết khá ít. Mặt khác tiểu thuyết của anh lại đi sâu vào miêu tả nội tâm nhân vật, tập trung miêu tả những bi kịch nhân sinh, những kiếp nạn cõi người và thông qua một nhân vật, một cuộc đời, biên độ được mở rộng ra với trường liên tưởng về nhiều cuộc đời khác. Cái không khí dồn nén, chất chứa mâu thuẫn với những kịch tính, cao trào, những nút thắt mở trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương rất gần với lối tư duy nghệ thuật của truyện ngắn.
Hơn nữa, khá nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có hiện tượng mỗi một chương có thể xem là một truyện ngắn độc lập. Trong tiểu thuyết “Vào cõi”, Nguyễn Bình Phương chia thành 27 phần, được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến 27, trong đó mỗi phần có những nhân vật, sự việc tách rời, gần với cấu trúc của một truyện ngắn. Người đọc có cảm tưởng đây là những truyện ngắn liên hoàn được đặt cạnh nhau. Tiểu thuyết “Bả giời” có 20 chương, trong đó nhiều chương cũng có thể xem là những truyện ngắn độc lập, không liên quan gì đến nhau. Kết cấu này rất đặc trưng cho tính chất phân mảnh, lồng ghép, tái tạo thường thấy trong hệ hình tiểu thuyết hậu hiện đại. Người đọc có thể hình dung những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là những mảnh đời xô lệch, những số phận nhân vật ngẫu nhiên gặp gỡ, ngẫu nhiên chia lìa, nhưng lại cùng hội ngộ để lắp ghép lại thành bức chân dung cuộc sống đa màu sắc. Thậm chí có khi Nguyễn Bình Phương còn nhấn mạnh kỹ thuật truyện lồng trong truyện, văn bản lồng trong văn bản bằng một phương thức rất cụ thể. Trong tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”, Nguyễn Bình Phương đã lồng vào đó tác phẩm “Và cỏ” của nhân vật Phùng, được đưa vào phần Phụ chú tách biệt với chính cuốn tiểu thuyết. Nguyễn Bình Phương dẫn giải, đề từ như sau: “I. Tác phẩm của ông Phùng (Lưu ý: Ngoài những tác phẩm gửi dự thi đã được in, ông Phùng còn có 6 truyện chưa hề in nhưng rất tiếc là đã thất lạc hết. Truyện còn lại duy nhất này in nguyên theo bản nháp tìm được ở gầm phản của ông Phùng. Người cung cấp là cô Nhai)”. Nhìn thì có vẻ riêng biệt, tách rời, nhưng thật ra truyện ngắn “Và cỏ” là một phiên bản thu nhỏ của tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”, vẫn với chủ đề quen thuộc về mơ và điên, về những ám ảnh tinh thần của nhà văn khi sáng tác văn chương. “Và cỏ” vì vậy là sự nối dài và cũng là sự khẳng định lại một lần nữa chủ đề của tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”.
Sự xuất hiện song hành của nhiều mạch truyện trong các tiểu thuyết như “Vào cõi”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi”, “Mình và họ”, “Những đứa trẻ chết già” cũng là một sự thể nghiệm lồng ghép văn bản thành công. Kỹ thuật viết lồng ghép, chạy song song nhiều mạch truyện, có lúc đan xen, có lúc tách rời không chỉ là sự bổ sung về nội dung cho nhau, mà còn nhằm tạo ra sự tương phản, chất nghịch dị và tăng thêm tính đa nghĩa cho tác phẩm, khoác lên tác phẩm nhiều tầng nghĩa khác nhau mà người đọc phải tự mình cảm nhận, bóc tách.
Tính chất kịch bản trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đôi khi làm cho người đọc gợi nhớ đến tiểu thuyết của nhà văn nữ người Pháp Marguerite Duras. Cũng có những ý kiến cho rằng tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương gợi nhắc đến dòng tiểu thuyết Mới một thời lừng lẫy ở Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung. Thật ra mọi nhận định chỉ mang tính chủ quan, chỉ có sáng tác của nhà văn là sự thể hiện khách quan tư duy nghệ thuật. Nhiều trang tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương gợi cho người đọc nghĩ đến những đối thoại trong kịch, bởi lẽ nhà văn đã triệt tiêu mọi từ ngữ miêu tả khung cảnh, chi tiết, tình tiết, nhân vật… chỉ còn lại đối thoại thuần túy. Chẳng hạn như một đoạn đối thoại trong tiểu thuyết “Bả giời” mang đậm tính chất kịch:
“– Cấm đấy! Đừng tưởng bở.
– Cho người ta!
– Khối! Thế sang Linh Sơn, nhớ thật chứ?
– Thật. Nhớ suýt hóc mấy lần.
– Điêu toa, con trai là hay giở giọng lắm. Này người ta buồn… Đừng… còn cái khuy… Thế nhỡ bác Cử về?
– Chiều cơ!
– Nhẹ thôi… Tượng nói gì đi!
– Anh yêu em. – Nhắc lại lần nữa!
– Anh yêu em mãi mãi.
– Lần nữa!
– Chúng mình sẽ yêu nhau trọn đời…
– Tượng ơi!…”
Tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy” được mở đầu như một kịch bản phim với ba phần cụ thể: phần A – Tiểu sử, phần B – Chuyện và phần C – Phụ chú. Riêng phần A giới thiệu những thông tin cụ thể về 18 nhân vật sẽ xuất hiện ở phần B gồm: tên, chiều cao, cân nặng, ngoại hình… Thậm chí “Thoạt kỳ thủy” còn mang dáng dấp của bi kịch cổ điển Pháp với quy tắc “tam duy nhất”, dồn nén về không gian, khi mở đầu tiểu thuyết là hình ảnh con cú bị bắn rơi xuống sông lúc 11 giờ 15 phút và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa khi con cú cất cánh lên. Trong thời gian 45 phút đấy, số phận các nhân vật lần lượt diễn ra và có những nhân vật đã đi trọn cuộc đời của mình.
Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng có nhiều đoạn gợi nhắc đến kiểu viết nhật ký. Đó là những yếu tố không gian và thời gian vừa cụ thể vừa mơ hồ được nhắc đến trong các tiểu thuyết như “Thoạt kỳ thủy”, “Người đi vắng”, “Ngồi”, “Mình và họ”. Đó có thể là đêm 17 nhưng không rõ của năm nào, tháng nào. Cũng không rõ tháng khác hay tháng sau là tháng cụ thể nào… Hay ngày 31 của tháng 6 là điều không thể có nếu theo logic của đời sống. Đây là một phương thức để nhà văn chuyển đổi hay nối tiếp mạch truyện một cách linh hoạt, đồng thời lạ hóa cốt truyện nhằm đạt tới hiệu quả nghệ thuật. Cũng vì lý do đó mà Nguyễn Bình Phương còn đan xen những trang nhật ký của nhân vật vào trong cốt truyện. Chẳng hạn như trong tiểu thuyết “Mình và họ” có 45 lần xuất hiện những đoạn nhật ký của anh trai Hiếu ghi chép lại những gì đã xảy ra trong khi tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Sự xuất hiện của những trang nhật ký vừa làm tăng thêm tính hiện thực của tiểu thuyết, đồng thời cũng là sự chuyển đổi cả về nội dung lẫn ngôi kể chuyện cũng như góc nhìn của nhân vật, khiến cho tiểu thuyết mang tính chất đa thanh.
Với sự pha trộn nhiều thể loại vào tác phẩm tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương dễ dàng diễn tả được những điều mà anh muốn thể hiện trong sáng tác của mình. Thế mạnh của mỗi thể loại giúp nhà văn tiếp cận được cái hiện thực “phì đại”, mở rộng được những biên độ phản ánh cuộc sống, từ thực tại cho đến tâm linh, vô thức,  cũng như phản ánh được tâm hồn phức tạp của con người.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (thứ 3 từ phải sang) với đồng nghiệp trước khi tọa đàm về tiểu thuyết của ông ở Viện Văn học sáng ngày 18.7.2022.
4. Từ liên văn hóa đến liên ngành trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương
Thuật ngữ “liên văn hóa” trong tiểu thuyết thì không xa lạ với nhiều người, nhưng thuật ngữ “liên ngành” là cách dùng của riêng tôi khi tìm hiểu về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Tôi muốn mở rộng biên độ của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương theo một hướng dung hợp những loại hình văn hóa nghệ thuật cùng với những tri thức, kiến giải mang tính liên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tôi luôn cho rằng trong thế giới đương đại hôm nay, khi tiếp cận với một số tác phẩm văn học, người nghiên cứu không chỉ thuần túy áp dụng các lý thuyết nghiên cứu dành cho văn chương, mà cần mở rộng, tiếp thu và vận dụng ít nhiều những phương pháp nghiên cứu của những ngành khoa học khác.
Như vậy xuất phát từ nghiên cứu liên văn bản trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, có thể mở rộng sang liên văn hóa và liên ngành. Huyền thoại và cổ mẫu là những hướng đi xuất phát từ văn học, nhưng nên được nhìn nhận trong mối liên hệ với văn hóa. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương xuất hiện nhiều yếu tố huyền thoại, trong đó đan xen với những yếu tố hoang đường, kỳ ảo. Đó là những giấc mơ tiên tri, sự hóa thân, sự mất tích, những hồn ma xuất hiện với tư cách là nhân vật trong tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già”. Đó là bầu không khí bảng lảng, ma mị trong tiểu thuyết “Ngồi”. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng có sự xuất hiện của nhiều biểu tượng văn hóa, từ cổ xưa đến hiện đại. Hình ảnh “trăng” xuất hiện đậm đặc trong các tiểu thuyết “Bả giời”, “Vào cõi”, “Thoạt kỳ thủy”. Trăng ở tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy” xuất hiện tới 50 lần và trăng đen là 10 lần. Hình ảnh trăng trong tác phẩm “Thoạt kỳ thủy” gắn liền với trạng thái mơ và điên loạn, khiến cho người đọc nhớ đến hình ảnh trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Với tác phẩm gần đây nhất là “Một ví dụ xoàng” Nguyễn Bình Phương khai thác cổ mẫu “nước” với sức mạnh thanh lọc, tẩy rửa tất cả của nước. Trước đó thì cổ mẫu “lửa” được nhà văn khai thác trong các tác phẩm như “Bả giời”, “Thoạt kỳ thủy’, “Ngồi”, “Mình và họ” với hai ý nghĩa: hủy diệt và tái sinh. Sử dụng huyền thoại và biểu tượng văn hóa như là một thủ pháp không chỉ nhằm lạ hóa cốt truyện, như là một cách giải nghĩa hiện thực phức tạp của đời sống con người, mà Nguyễn Bình Phương có lẽ còn có ý thức chủ định để tạo ra một chất riêng đặc biệt, mà tôi tạm gọi là tính chất “dị văn” trong tiểu thuyết của anh.
Lịch sử, dã sử, huyền sử cũng được Nguyễn Bình Phương chú tâm khai thác trong nhiều cuốn tiểu thuyết như “Người đi vắng”, “Mình và họ”. Không viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng lịch sử là cái đinh để Nguyễn Bình Phương treo tác phẩm của mình (mượn chữ của nhà văn Pháp Alexandre Dumas cha). Tiểu thuyết “Người đi vắng” kể về cuộc binh biến ở Thái Nguyên năm 1917 với những nhân vật như Đội Cấn và Lập Nham. Mượn cách kể của dã sử và huyền sử, Nguyễn Bình Phương không chỉ miêu tả những nhân vật dưới góc nhìn của nhân vật lịch sử, mà còn đặt họ trong những giằng xé nội tâm của con người đời thường. Tiểu thuyết “Mình và họ” khi ra mắt đã gây xôn xao dư luận một thời trong cách nhìn về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với cách kể của những người trong cuộc và ngoài cuộc, cùng với sự xuất hiện của những nhân vật lịch sử có thật như Chu Văn Tấn, cho dù Nguyễn Bình Phương khi trả lời phỏng vấn về tiểu thuyết này đã khẳng định điều chính yếu mà tác phẩm nói đến là số phận và nhận thức của con người xung quanh cuộc chiến chứ không phải chính bản thân cuộc chiến. Trong một số tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương cũng không ngần ngại khi nhại lại lối viết theo kiểu sử ký: “Người ta kể rằng: Ngày 23 tháng 8 giờ Dần ở Ghềnh Đá thuộc châu Thái Nguyên có thần xuất hiện để lại dấu chân to bằng cái thúng. Người ta kể rằng: Vẫn ngày 23 giờ Ngọ tại khu Võ Nhai một người đàn bà sinh ra cục thịt vuông có một con mắt mở trừng trừng. Nhưng sử không chép rằng ngày 23 tại châu Thái Nguyên một người đàn ông tự tử vì vợ ngoại tình với viên tri huyện. Đồn rằng viên tri huyện này to cao, sống mũi thẳng và lông mày rậm lượn từ từ về hai bên thái dương”  . Nguyễn Bình Phương sử dụng lối viết này nhằm làm tăng thêm giọng điệu đa thanh của tiểu thuyết và tạo ra bầu không khí mang màu sắc lịch sử vừa chân thực vừa huyền ảo trong tác phẩm của mình.
Bên cạnh yếu tố lịch sử, yếu tố địa lý cũng được Nguyễn Bình Phương chú trọng đưa vào tiểu thuyết của mình. Tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng như một câu ngạn ngữ phương Tây từng nói, nhưng đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, người đọc sẽ dễ dàng liên tưởng đến những tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Vùng đất Cao Mật, quê hương của Mạc Ngôn nhờ vào việc xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông, đã trở nên nổi tiếng thế giới. Tương tự như vậy, quê hương Thái Nguyên với vùng đất Linh Nham, Linh Sơn của Nguyễn Bình Phương
cứ xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của anh như là một ám ảnh và cũng là một ám dụ. Miền đất Đông Bắc với những dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao, người La Chí, người Lô Lô… được Nguyễn Bình Phương miêu tả với nhiều kiến thức về địa lý và nhân học, từ rừng núi, con sông, dòng suối đến tập tục văn hóa, cuộc sống thường ngày, tâm lý, tính cách dân tộc…
Triết học, đặc biệt là triết học hiện sinh với những khái niệm như “phi lý”, “tự do”, “dấn thân”, “vong thân”… phảng phất trong bóng dáng mỗi nhân vật của Nguyễn Bình Phương như Tuấn, Vang, Vọng, Tượng, Thủy, Phong, Sơn, Hiếu, Đại tá… Các nhân vật dằn vặt, quẩn quanh trong tấn bi kịch của chính bản thân, đôi khi nổi loạn, đôi khi phản kháng để mong vượt thoát khỏi chính mình.
Phân tâm học cũng là một yếu tố chi phối cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Bình Phương. Có những nhân vật thể hiện rõ bản năng tính dục như Hoàn và Cương trong “Người đi vắng”, là Khẩn trong “Ngồi”, là Hiếu trong “Mình và họ”… Có những nhân vật bị ám ảnh bởi những chấn thương tâm lý, tinh thần, thể xác từ thời thơ ấu hay do di chứng chiến tranh như Chung, Thắng trong “Người đi vắng”, Tính, Hưng trong “Thoạt kỳ thủy”, người thương binh trong “Ngồi”, anh của Hiếu trong “Mình và họ”,…
Tôn giáo và tín ngưỡng trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương đóng vai trò là sự cứu rỗi, chở che. Tác phẩm của nhà văn cho nhân vật thể hiện niềm tin vạn vật hữu linh, sùng bái tự nhiên, tin rằng thiên nhiên có linh hồn. Cũng trong tác phẩm của nhà văn, Phật giáo với thuyết nhân quả, nghiệp báo, Nho giáo với thuyết thiên mệnh là sự lý giải, là niềm an ủi, là nơi gửi gắm những hy vọng của con người sau những khổ nạn của đời sống. Phong tục tập quán của dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số cũng được Nguyễn Bình Phương khắc họa khá tỉ mỉ qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đám cưới hỏi, lễ tang ma… Có thể nói tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là sự tổng hòa của lối viết liên văn hóa, thể hiện một tri thức liên ngành sâu rộng.
Sự thử nghiệm đưa âm nhạc vào tiểu thuyết thấy rõ trong tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương. Không đề cập đến những bài hát được Nguyễn Bình Phương đưa vào tiểu thuyết dưới dạng lời, nếu khảo sát tiểu thuyết “Ngồi”, chúng ta có thể xem đây là một “tiểu thuyết âm thanh” với sự xuất hiện của những tràng tiếng mõ. Tiểu thuyết này có 49 phần thì tiếng mõ xuất hiện trong 28 phần. Có khi chỉ xuất hiện một tiếng mõ như ở phần 13 và 22, có khi lại xuất hiện thành một tràng dài đến 117 tiếng như ở phần 48. Âm thanh của tiếng mõ khi thì vang dội, dồn dập, khi thì khoan thai, chậm rãi, khoảng cách giữa các tiếng mõ không đều nhau. Người đọc dễ có cảm giác tiếng mõ là một bản nhạc đệm cho nội dung của tác phẩm, tạo ra một ấn tượng độc đáo và đây cũng là biểu hiện của tính chất “dị văn” trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Bên cạnh âm nhạc, những tri thức về hội họa cũng được Nguyễn Bình Phương nói đến mà rõ nét nhất là thông qua nhân vật họa sĩ Đặng Cử trong tiểu thuyết “Bả giời”. Nhân vật này đóng vai trò là một trong những nhân vật thể hiện phát ngôn của nhà văn về nghệ thuật và vai trò của người nghệ sĩ.
Từ thủ pháp liên văn bản đến cách viết mang màu sắc liên văn hóa, có thể gọi là lối viết “dị văn”, Nguyễn Bình Phương đã gặt hái được thành quả cụ thể là mở rộng biên độ phản ánh hiện thực về cuộc sống và con người một cách lạ hóa trong những tác phẩm của mình. Hơn thế nữa, nghệ thuật tự sự trong tác phẩm cũng được đa dạng hóa, từ ngôi kể chuyện đến giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu… khiến cho tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thật sự là những tác phẩm đa thanh.
Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Bình Phương đã ngầm cho thấy sự khẳng định về một phong cách sáng tác riêng: “Người ta có thể làm ra rất nhiều thứ mà sau đó những thứ ấy không thuộc về họ. Nhưng văn chương lại khác. Nhà văn viết ra chữ nào thì chữ ấy là của anh ta, chỉ của anh ta. Dù sau đó người ta đọc nó kiểu gì, khuấy đảo, nhào lên trộn xuống ra sao, hay tô son trát phấn, cũng vẫn không cướp được chữ của nhà văn” . Có lẽ vậy bởi vì Nguyễn Bình Phương là người có lối viết khó có thể lẫn vào với bất kỳ một nhà văn Việt Nam nào khác. Mà một đời văn, một đời sáng tác, có lẽ sự khẳng định và xác lập được một phong cách riêng, là điều mà mọi nhà văn đều hướng tới. Góp phần vào sự xác lập phong cách “dị văn” của Nguyễn Bình Phương, phải kể đến lối viết liên văn bản cùng với những tri thức liên văn hóa và liên ngành. Nếu xét từ phương diện đó, Nguyễn Bình Phương là người thành công. Đằng sau những thành công của Nguyễn Bình Phương, là một thái độ nghiêm túc với văn chương và tinh thần muốn để cho văn chương hướng đến chân trời tự do, trước hết là tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Xuân Thạch (2005). Tiểu thuyết Việt Nam đương đại – suy nghĩ từ những tác phẩm về chủ đề lịch sử. Truy cập ngày 12/07/2022 từ http://khoavanhoc. edu.vn/index.php/vh-vn/66-phm-xuan-thch.
2. Julia Kristeva (1986), “Word, Dialogue and Novel”, The Kristeva Reader, Toril Moi, (Ed 1986), New York: Columbia University Press, p.37.
3. Roland Barthes (1997), Image – Music – Text. Stephen Health (tran.s), Pontana Press, p.146.
4. Thu Hiền (2017), Nguyễn Bình Phương: “Nhà văn là người loay hoay đi tìm cách kê”’. https://zingnews.vn/nguyen-binh-phuong-nha-van-la-nguoi-loay-hoay-di-tim-cach-ke-post786398.html. Truy cập ngày 10/07/2022.
5. Văn nghệ trẻ (2005). Nguyễn Bình Phương: Văn học mênh mông như cuộc sống, https://tuoitre.vn/nguyen-binh-phuong-van-hoc-menh-mong-nhu-cuoc-song-108708.htm. Truy cập ngày 03/07/2022.
6. Hạnh Đỗ (2015), Nguyễn Bình Phương: U uất, sợ người nhưng trời nhiều mây trắng. https://tienphong.vn/nguyen-binh-phuong-u-uat-so-nguoi-nhung-troi-nhieu-may-trang-post759123.tpo. Truy cập ngày 10/07/2022.
7. Nguyễn Bình Phương (2013). Những đứa trẻ chết già, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.170.
8. Nguyễn Bình Phương (2004). Bả giời, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.90.
9. Thu Hiền (2017), Nguyễn Bình Phương: “Nhà văn là người loay hoay đi tìm cách kể”. https://zingnews.vn/nguyen-binh-phuong-nha-van-la-nguoi-loay-hoay-di-tim-cach-ke-post786398.html. Truy cập ngày 10/07/2022.
10. Nguyễn Bình Phương (2005). Thoạt kỳ thủy, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.35.
11. Nguyễn Bình Phương (2005). Thoạt kỳ thủy, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.209.
12. Nguyễn Bình Phương (2005). Thoạt kỳ thủy, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 140.
13. Nguyễn Bình Phương (2004). Bả giời, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 156.
14. Nguyễn Bình Phương (2013). Người đi vắng, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 184.
6/8/2022
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...