Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Võ Hồng - Phẩm hạnh của văn chương

Võ Hồng - Phẩm hạnh
của văn chương

Trong giới viết văn có ba ông họ Võ/ Vũ người miền Trung cùng gửi gắm tác phẩm trên mặt báo này: Vũ Hạnh (tên thật là Nguyễn Đức Dũng) gốc Quảng Nam, Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Nhơn) gốc Bình Định và Võ Hồng gốc Phú Yên. Trong khi Vũ Hạnh là cây bút phản kháng có đẳng cấp, Võ Phiến là nhà văn tài năng có ý nguyện vun bồi cho chế độ, thì Võ Hồng đứng ở một vị trí trung hòa, không bị cột chặt vào một phe phái chính trị nào, tự tạo dựng cho mình một không gian của nhà văn hóa thuần thành…
Nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên – một ngôi làng trước chuyên làm đồ gốm, nằm bên bờ sông Phường Lụa trên đường từ cầu Lò Gốm dẫn đến nhà thờ Mằng Lăng và gành Đá Đĩa. Ngày sinh của ông theo giấy khai sinh là 05.5.1921, nhưng theo lời ông kể đúng là ngày 21.01.1923, tức ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất.[1]
Nhà văn Võ Hồng (1923 – 2013)
20 năm sau truyện ngắn đầu tay Mùa gặt (1939), in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn, tập truyện đầu tiên Hoài cố nhân (1959) của Võ Hồng được xuất bản. Từ ấy đến nay đã có gần 200 bài viết bàn về sự nghiệp và tác phẩm của ông. Hơn tám thập niên đi vào đời sống, văn chương Võ Hồng đã khắc họa chân dung tinh thần của tác giả như một nhà văn có vị trí vững chắc trên văn đàn nửa cuối thế kỷ XX. Nay là dịp thuận lợi để chúng ta đào sâu suy nghĩ tìm ra những phẩm chất văn chương đặc biệt ở Võ Hồng và góp phần làm một tổng kết về sự nghiệp của ông.
Thiết nghĩ, có nhiểu cách tiếp cận tác phẩm Võ Hồng và mỗi cách đều có ưu thế riêng và đem lại hiệu quả nhất định. Ở đây chúng tôi mạo muội soi chiếu sự nghiệp của ông từ ba góc độ như sau.
Võ Hồng giữa truyền thống và hiện đại
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định Võ Hồng là nhà văn thuộc khuynh hướng tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc. Điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng điều quan trọng là truyền thống mà Võ Hồng ngợi ca là truyền thống nào và truyền thồng đó có mâu thuẫn với hiện đại hay không, thậm chí có loại trừ tính hiện đại hay không? Sự quan tâm có phần nghiêng về truyền thống ấy có làm văn chương Võ Hồng lạc lõng trong thời đại ngày nay hay không?
Kể những câu chuyện về quê hương đất nước, Võ Hồng thường phả vào đó hơi thở của mạch sống cần lao và hương vị tình nghĩa nghìn năm của con người Việt Nam. Những trang văn viết về nông thôn của ông thấm đượm không khí văn hóa bình dân, quê kiểng. Tác giả và nhân vật của mình không xa lạ với đạo Nho, nhưng hiếm thấy trong tác phẩm Võ Hồng sự xiển dương truyền thống Khổng giáo, ngoài những câu chuyện về học chữ Nho và cách thi cử thời xưa qua hồi ức của một vài nhân vật.
Có lẽ truyền thống Phật giáo ảnh hưởng đến Võ Hồng nhiều hơn. Một mặt, nhân sinh quan Phật giáo chi phối đời sống những người dân quê miền Nam Trung bộ như một không khí văn hóa bao bọc xóm làng. Mặt khác, Võ Hồng là người có để tâm nghiên cứu đạo Phật và tiếp xúc thân tình với nhiều tu sĩ Phật giáo. Trong tùy bút Tiếng chuông triêu mộ, nhà văn kể về thời gian ông nhận dạy cho Viện Cao đẳng Phật học ở Nha Trang mỗi tuần một buổi vào chiều thứ sáu: “Mỗi tuần một lần như vậy, tôi được gần gũi với thiên nhiên và tâm hồn tôi được buông xả, nhẹ nhàng. Lắm lúc tôi quên mất hiện tại mà trở về hồi nào không hay, cái tâm trạng của một đứa nhỏ mười tuổi, mười hai tuổi, say mê màu xanh của lá, màu vàng của hoa và mùi thơm ngai ngái của nhựa cây. […] Tôi không là Phật tử. Tôi không biết tụng kinh, nhưng tôi lại xao xuyến dạt dào mỗi khi nghe tiếng kinh tiếng mõ. Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà cúi nhìn xuống thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình…”. Với giọng văn trầm ấm, những thiên truyện viết về ngôi chủa, về không gian sinh hoạt Phật sự hướng người đọc trở về với truyền thống tâm linh lâu đời của dân tộc, như một phần của đời sống tinh thần ở nông thôn Việt Nam.
Nhưng yếu tố truyền thống chủ yếu trong tác phẩm Võ Hồng có lẽ chính là những phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân quê. Hàng năm, bạn đọc miền Nam thường chờ đợi những truyện ngắn của ông đăng trên các số báo Xuân của tập san Văn, tạp chí Bách Khoa (Xuất hành năm mới, Ngày xuân êm đềm, Mùa xuân nghe tiếng chim…). Ở đó người đọc gặp gỡ những em bé, cụ già, thanh niên nam nữ đi chợ Tết, chuẩn bị lễ cúng đầu năm, đi tảo mộ để hiệp thông với người thân đã khuất. Những sinh hoạt đó diễn ra nhẹ nhàng, có phần trầm lắng, không rộn ràng, ồn ã như cách đón xuân của người thành thị, nhưng có một sức thu hút của điều thiêng liêng với tâm tình con người.
Hình như về mặt này, tình cảm Võ Hồng có phần thiên vị về phía người nông dân hơn là người thị dân. Ông trân quý những lề thói xưa cũ, tuy không lên tiếng khuyến khích hay quảng bá. Ông chỉ miêu tả một hiện tượng, người đọc có thể không tán đồng, chỉ cần nhìn ngắm hiện tượng đó như một nét đặc biệt của đời sống. Chẳng hạn câu chuyện Năm Nhiều ưa thích cúng quảy, luôn thành kính chăm chút việc chăm lo ngày giỗ như là một ngày hội của tâm hồn mà anh không thể dứt bỏ (Thế giới của Năm Nhiều). Lễ cúng trường cũng nói lên một tập tục có ý nghĩa trong cách ứng xử của con người với học vấn và giáo dục thời trước, như lễ cúng ở gia đình trước khi cho con đến trường, đó là “thủ tục” khai tâm trước khi khai trí.
Nét truyền thống ở người nông dân mà Võ Hồng tỏ ra đồng cảm. sẻ chia và dùng ngòi bút bảo vệ rõ nhất là sự gắn bó với đất đai vĩnh cửu. Đọc Võ Hồng, có thể thấy những đức tính của người nông dân Việt Nam như cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó đều là hệ quả của một phẩm chất chủ đạo và đặc trưng nhất là “tình yêu đất”, như tên một truyện ngắn của ông. Tình yêu đất là tình cảm đã trở thành bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi. Người nông dân đấu tranh cho sự tồn tại của mình là đấu tranh cho quyền được yêu đất, và mọi chế độ chính trị muốn đại diện cho nông dân thì phải đáp ứng và bảo vệ cái quyền đó của họ. Bà Năm Xự quyết không bỏ làng không phải vì muốn gắn bó với một thế lực chính trị nào mà chẳng qua vì không muốn từ bỏ mảnh đất Tổ tiên để lại (Bên đập Đồng Cháy). Ham tiếc từng cục đất, lão Túc đã chết vì rắn hổ mang cắn ngay trên miếng đất Gò Đình (Tình yêu đất). Nhà văn muốn ghi giữ những truyền thống tốt đẹp làm nên phong hóa của làng quê, như người nông dân giữ gìn mảnh đất hương hỏa của mình.
Tuy nhiên, thời đại thổi những cơn “gió cuốn” vào đời sống và người nghệ sĩ không thể lãnh đạm trước thực tại cũng như không thể né tránh trước những câu hỏi nhân sinh của thời hiện đại. Thành ra cái truyền thống mà Võ Hồng tôn vinh không phải là truyền thống đóng khung, xơ cứng và chết dí trong khuôn khổ. Điều đó một phần vì tác giả là người được đào tạo, rèn luyện trong môi trường Tây học, phần khác vì chính hoạt động của ông luôn kết nối với đời sống xã hội đang chuyển động để những trang văn hấp thụ hơi thở của thời hiện đại.
Trong thế giới văn xuôi của Võ Hồng, bên cạnh những nhân vật ẩn náu trong truyền thống, đôi khi lý tưởng hóa cuộc sống nông thôn, hờn dỗi với đô thị, xuất hiện những nhân vật đối diện với thời thế một cách điềm tĩnh, có cái nhìn hiện đại trước những biến đổi, thăng trầm của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Từ những trang văn của ông hiện ra không chỉ khung cảnh làng quê với tiếng chim chèo bẻo hay con đường đầy phân trâu mà còn có bức tranh phố thị đang trăn trở tiếp thu lối sống tân tiến phương Tây. Nhà văn trân quý vẻ đẹp của những chiếc áo cánh may bằng vải thô nhuộm hột cau già, những giọt mồ hôi lăn trên đôi má rám nắng của người thôn nữ cũng như vẻ đẹp của cô gái thị thành duyên dáng đi qua phố xá với mùi hương dìu dịu của nước hoa tử linh lan. Nhà văn am hiểu các loại xe máy, ô tô, tủ lạnh chẳng kém các phương tiện làm nông như cái cày, cái bừa, cái nong, cái sàng, cái rựa. Tác phẩm ông đầy những chi tiết cho thấy tác giả tiếp nhận sâu sắc đời sống văn nghệ Âu Mỹ, từ âm nhạc cổ điển của Liszt đến tiểu thuyết hiện đại của Georghiu, tuy ông chưa bước chân ra khỏi đất nước một ngày nào.
Tính hiện đại của văn chương Võ Hồng thể hiện rõ nét qua cách nhìn và cách lý giải những chuyển biến của thời thế. Những tưởng nhà văn suốt ngày giam mình trong căn phòng, khoảnh sân sẽ thành người ngoại cuộc với xã hội. Trái lại, cảm quan nghệ sĩ giúp ngòi bút nhà văn thấu hiểu và nắm bắt những biến thái của đời sống. Tình trạng tham nhũng trong xã hội miền Nam làm biến chất những con người không đứng vững trước lằn ranh mong manh của sự tha hóa. Từ năm 1973, trong truyện ngắn Mong manh một thoáng, Võ Hồng đã tả một người phụ nữ đoan chính quyết từ bỏ mối tình sâu đậm với một viên chức chỉ vì chứng kiến anh ta lạnh lùng nhận lấy những đồng tiền xương máu của một bà cụ nghèo khó lo lót xin tha cho người con bị bắt oan. Câu chuyện có vẻ lý tưởng hóa, nhưng ngày nay đọc lại bỗng giật mình: xã hội bây giờ hình như đã quen sống với những viên chức như vậy và liệu còn bao nhiêu những người phụ nữ nhạy cảm như cô Bạch Huệ? Qua sự miêu tả của Võ Hồng (Những bí mật của anh Đỗ Cúc, Những nỗi khổ vụn vặt, Đụng độ), sự sa sút của giáo dục với nạn văn mẫu, xin điểm, học thêm, bạo lực trường thi không phải bây giờ mới có, nhưng thời trước hình như chưa thật phổ biến, nhất là chưa được xem như chuyện bình thường như bây giờ. Là nhà giáo, Võ Hồng nhạy cảm với cái xấu và dự báo sức tàn phá của nó nếu tiếng nói của lương tri xã hội không còn đủ sức kiềm chế.
Trong những truyện ngắn nói trên, khi phản ánh những suy đồi của xã hội, Võ Hồng không cao giọng phê phán hay kết án ai, mà chỉ ôn tồn trình bày một thực trạng và cách ứng xử của người đời trước thực trạng đó. Ông giữ thái độ bình tĩnh: “Cuộc đời thường không tốt quá, cũng không xấu quá như ta tưởng”. Hình như cái thái độ có vẻ “chiết trung” này có thể là bài học về cách sống của thời hiện đại. Trong mọi biến thiên của thời cuộc, con người cố gắng giữ được sự bình an của tâm hồn: “Tâm an, thế giới an”. Trong truyện ngắn Rồi trái cây sẽ chín, tiếng còi tàu mỗi buổi tối gợi lên hình ảnh đoàn tụ của gia đình người lái tàu trong tưởng tượng của một cặp vợ chồng trẻ, đến một ngày kia phơi bày sự thật trần trụi về một gia đình xung đột, bất trắc, khiến đôi vợ chồng này đi đến quyết định dời nhà xa khỏi đường xe lửa để tránh ám ảnh của tiếng còi tàu mà giữ được cuộc sống thăng bằng và bình lặng.
Trong những ngày căng thẳng vì đại dịch Covid-19, đọc lại mấy truyện ngắn của Võ Hồng ta thấy văn chương ông từ nửa thế kỷ trước vẫn đồng hành với bạn đọc ngày nay. Với giọng văn hóm hỉnh, truyện Ảo giác màu xanh viết về tình cảnh “kiệm ước song hành” tác động đến đời sống của người công chức thời trước, loay hoay với đồng lương để duy trì sự tồn tại sao mà giống chúng ta ngày nay, khó khăn, vất vả nhưng rồi mọi sự đâu cũng vào đó trong một niềm hy vọng nhuốm màu ảo vọng. Trong truyện ngắn Hãy đến chậm hơn nữa, tác giả nói về một nhân vật chết trẻ vì mang bệnh nan y vào thời nhân loại chưa tìm ra thuốc chữa: “Anh đã hưởng được gì ở cuộc đời? Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mủa hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù u trong buổi chiều, những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa…, những niềm vui đó quá nhỏ so với nỗi khổ đè nặng của anh. Giá cứ thong thả, giá cứ đến chậm chậm một chút để kịp cho nhân loại dọn dẹp bớt những khổ não”. Câu văn đó làm ta nhớ đến hàng vạn nạn nhân xấu số của Covid-19 ở nước ta, đã tử vong vì mắc bệnh khi nhân loại chưa biết bao giờ mới có thể “dọn dẹp bớt những khổ não”.
Chất uy-mua của Võ Hồng luôn ẩn kín trong những trang văn một nụ cười thâm trầm mà lặng lẽ. Truyện ngắn Lá vẫn xanh là một dẫn chứng. Trong khi người cha bị ám ảnh bởi cái tin giả về ngày tận thế, lúc nào cũng lo nghĩ đến cái chết và tưởng rằng mọi người ai cũng đang chấn động như mình, thì mấy đứa con bình thản như không, chỉ bận tâm đến bài học, bài thi. Trong mùa dịch này, có bao nhiêu người mang tâm trạng của người cha trong truyện!
Nói đến mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong văn chương Võ Hồng mà chỉ bàn phương diện nội dung là một thiếu sót. Chúng tôi xin dành nói kỹ hơn điều này trong mục thứ ba ở cuối bài.
Võ Hồng giữa chính trị và văn hóa
Võ Hồng trải qua tuổi thanh niên giữa thập niên 40, 50 thế kỷ trước vào giai đoạn lịch sử Việt Nam có nhiều biến động: chiến tranh thế giới lan đến Đông Dương, Nhật đảo chính Pháp, đưa quân vào nước ta rồi bị thua trận; Pháp quay lại, cuộc kháng chiến bùng nổ, chi phối số phận của mọi người dân Việt, trong đó có tầng lớp trí thức.
Là người nhạy cảm và ưu thời mẫn thế, Võ Hồng đã xoay trở trong cơn cuồng phong của lịch sử, để góp phần khiêm tốn của mình vào cuộc cứu nguy cho đất nước và giữ được lương tri của người trí thức. Ngoài những văn bản có tính chất hồi ức như Thơm ngát hương cau, Những ngày Lương Văn Chánh, Tay cầm viên phấn, trong đó nhà văn kể lại sinh hoạt thời kháng chiến mà ông tham gia ở Phú Yên; trong nhiều tác phẩm có yếu tố tự truyện khác, xuất hiện những nhân vật mang dấu vết cuộc đời của tác giả, qua chặng đường đi học ở Hà Nội dở dang phải về quê, miễn cưỡng hợp tác với chính quyền Trần Trọng Kim, rồi theo tiếng gọi lương tâm, dấn thân vào hoạt động kháng chiến từ Đà Lạt đến Phú Yên.
Hội thảo Khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” ở Phú Yên, 4.2022.
Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay là hai cuốn tiểu thuyết giàu yếu tố chính trị – xã hội của Võ Hồng đều tập trung tái hiện những ngày gian khổ đương đầu với thế lực Nhật – Pháp từ 1945 đến 1954. Luân và Quỳ, hai nhân vật chính đi suốt hành trình đó, là hình tượng hư cấu từ chất liệu đời thực của tác giả và người bạn đời của mình. Họ đã gặp nhau, cảm thông và yêu thương nhau trong cảnh ngộ khó khăn, bối rối của kháng chiến và cùng đi với dân tộc một chặng đưởng bỏng lửa của lịch sử.
Rời bỏ vị trí của người trí thức đứng bên dòng lịch sử, họ đã chứng kiến những chuyện ấu trĩ trong giai đoạn đầu kháng chiến: chống giặc ngoại xâm thì nâng cao cảnh giác đến mức nghi ngờ người mũi cao là Việt gian; chống giặc đói thì áp dụng phương pháp trồng “khoai lang bồ” chỉ ra dây mà không ra củ; chống giặc dốt thì đóng cổng giăng dây đố chữ, thậm chí đóng chuồng nhốt người mù chữ như nhốt bò. Trong đời riêng họ từng phải đối phó với những thủ đoạn nhỏ nhen của Đạo, người tìm cách ngăn cản mối tình của họ, thậm chí đẩy Luân vào chỗ nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết để độc quyền chiếm hữu trái tim của Quỳ.
Vượt lên trên tất cả những điều đó là sự gặp gỡ của lương tri người trí thức với lòng yêu nước dung dị và sự hy sinh vô bờ của đồng bào mình. Những người nghèo không quản gian nan, nguy hiểm xông ra tuyến đầu. Những người giàu đứt ruột mà chấp nhận đập phá nhà cửa theo chính sách tiêu thổ kháng chiến. Những người giáo viên tâm huyết dạy bình dân học vụ kiên trì đến lớp với phương tiện nghèo nàn, học trò chểnh mảng. Sự trong sáng đó hóa giải những nghi ngại, băn khoăn và mở ra lòng tin về một chính trị của lương tri.
Dấn thân vào hoạt động xã hội, nhân vật Luân phân vân trước chọn lựa giữa hai lĩnh vực: công tác tuyên truyền hay bình dân học vụ. Anh nhận thấy ở lĩnh vực thứ nhất, “những lời tuyên bố cứ phải cải chính liên tục. Sự thật hôm nay không chắc sẽ còn là sự thật ngày mai. Những tờ báo còn nằm trơ đó, trơ trẽn với những bài nhận định chỉ sáng suốt có một thời gian ngắn”. Đó là chính trị nhất thời, chính trị của từng giai đoạn. Kinh nghiệm và sự nhạy cảm hướng anh đến với chính trị lâu bền, chính trị của lương tri, chính trị của văn hóa. Ý nghĩ của Luân vào giữa những năm 1940 vẫn còn có ý nghĩa thời sự với ngày nay: “Dân mà dốt thì đừng mong có chế độ dân chủ thật sự, có công bằng, có tiến bộ. Mà chỉ là một bầy cừu ngoan ngoãn. Hy vọng mười năm sau, 15 năm sau, 20 năm sau, nhờ đọc được sách mà họ khai phóng được trí óc, hấp thụ được tư tưởng, mở rộng được nhãn giới”. Tư tưởng Phan Châu Trinh ắt hẳn đã được hấp thụ trong con người “quân tử cỡ nhỏ” đó.
Khi Luân nhậm chức Ty trưởng Ty Bình dân học vụ, tuy vẫn là công tác văn hóa – giáo dục, dù muốn dù không, anh cũng phải đương đầu với guồng máy quyền lực và ứng xử với quy luật của chính trị chứ không phải quy luật của văn hóa thuần túy. Hệ quả là anh bị điều qua làm hiệu trưởng một trường trung học, có lẽ là công việc phù hợp nhất với tính cách “không làm hại ai, tốt với mọi người, không dám tàn bạo, không dám làm điều ác”, như lời một người bạn nhận xét về anh.
Sở Phối hợp Nghệ thuật của Bộ Thông tin Việt Nam Cộng Hòa lúc đầu ngăn trở việc xuất bản tiểu thuyết Như cánh chim bay, nhưng rồi họ cũng tháo gỡ việc này vì nhận ra rằng đây không phải là tác phẩm “thiên Cộng” mà là “thiên kháng chiến”, cuộc kháng chiến “đả thực bài phong” mà họ không thể phủ nhận. Hơn nữa, vấn đề ám ảnh của tác phẩm này là sự trăn trở chọn lựa của con người trước vận mệnh dân tộc chứ không phải là chọn con đường chính trị quyền lực nào,
Cũng như nhân vật Luân, ngoài đời tác giả Võ Hồng cũng chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục từ năm 1946 và bền bỉ với vinh nhục của nghề giáo suốt ba giai đoạn lịch sử, cho đến ngày về hưu năm 1982. Kinh nghiệm và sự lịch lãm ít nhiều giúp ông có tâm thế điềm tĩnh và cách ứng xử linh hoạt trong xã hội miền Nam sau 1954, lúc mà văn hóa cũng không khỏi bị chính trị chi phối, tuy có phần tinh vi, tế nhị hơn, để giữ được sự yên ổn trong lãnh địa yêu thích của mình là văn chương.
Nhận lời tham gia Hội đồng Văn hóa Giáo dục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Võ Hồng luôn giữ tư thế của một nhà trí thức độc lập. Theo lời kể của Mang Viên Long, mỗi lần đi họp ở Sài Gòn, ông đều nói với mọi người là đi thăm con. Có thể cắt nghĩa điều này bằng tính khiêm tốn, không thích phô trương của ông. Có thể ông nhận ra rằng đây chẳng qua là một thiết chế tư vấn không có thực quyền, một thứ cây kiểng trang trí. Cũng có thể ông không muốn gợi lên sự đố kỵ của một ai đó vốn tự hào mình là người phục vụ hết lòng cho chế độ lại không được mời ngồi vào chỗ của một nhà văn ngợi ca kháng chiến và phê phán ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai như ông. Tinh thần Phật giáo giúp Võ Hồng hiểu rằng khi mình tạo điều kiện cho lòng đố kỵ của một người nào đó trỗi dậy thì chính mình cũng có lỗi.
Xuất bản ở miền Nam những năm 1957-1975, tạp chí Bách Khoa – lúc đầu có tên Bách Khoa Thời Đại – là tờ báo thu hút sự cộng tác của những cây bút thuộc các khuynh hướng chính trị, xã hội, nghệ thuật khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trong giới viết văn có ba ông họ Võ/ Vũ người miền Trung cùng gửi gắm tác phẩm trên mặt báo này: Vũ Hạnh (tên thật là Nguyễn Đức Dũng) gốc Quảng Nam, Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Nhơn) gốc Bình Định và Võ Hồng gốc Phú Yên. Trong khi Vũ Hạnh là cây bút phản kháng có đẳng cấp, Võ Phiến là nhà văn tài năng có ý nguyện vun bồi cho chế độ, thì Võ Hồng đứng ở một vị trí trung hòa, không bị cột chặt vào một phe phái chính trị nào, tự tạo dựng cho mình một không gian của nhà văn hóa thuần thành. Ông chỉ trích ảnh hưởng của lối sống suy đồi nhưng không cộng tác với những tờ báo khuynh tả, đối lập, cũng không cắt đứt sợi dây tinh thần liên lạc với những biến động xã hội.
Quan hệ giữa Vũ Hạnh và Võ Hồng không có gì đặc biệt, còn giữa Võ Phiến và Võ Hồng thì hơi nghịch lý. Võ Hồng không tiếc lời khen ngợi văn chương Võ Phiến, hoan nghênh sách giáo khoa đưa tác phẩm Võ Phiến vào chương trình trung học. Có lần ông còn ra đề bài cho học sinh phân tích, bình luận tác phẩm Võ Phiến rồi chọn những bài hay nhất gửi tặng tác giả. Võ Hồng nói: “Tôi có cảm tưởng ông Võ Phiến lúc nào cũng trăn trở, nghe ngóng, đuổi bắt những cảm xúc, cảm nghĩ tế vi, thoáng qua. Thiên nhiên, xã hội, con người, tất cả được nhìn qua mắt ông, bị phân chất”.[2]
Trái lại, Võ Phiến thì chê bai Võ Hồng, chê cả quan niệm văn học lẫn nghệ thuật viết văn: “Võ Hồng quả được an thân. Chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành. Nguyễn Tuân từng nói đến những con người vô thưởng vô phạt, rất lành, lành như vị hoài sơn trong thang thuốc bắc. Là người như ông Võ chăng? Cái lành thường là cái nhạt. Có phải vì vậy mà ít được chú ý?”[3]. Mượn lời người khác để chê một bạn văn cùng hoàn cảnh cầm bút với mình là “vô thưởng vô phạt”, có lẽ trong trường văn trận bút không phải chỉ một mình Võ Phiến.
Tuy nhiên, sau cuộc đời lặng lẽ, trầm mặc trong cảnh ngộ cô đơn trải qua hai chế độ, có lẽ cũng không dễ đoán định con người Võ Hồng có thật sự an thân, an nhàn hay không; không dễ cắt nghĩa tại sao ông chấp nhận dừng chân một chỗ, trụ lại trong tín ngưỡng nghệ thuật của mình, giam mình trong thế giới đó để “hoài cố nhân”.
Từ 1975 cho đến cuối đời, Võ Hồng tiếp tục im lặng ẩn mình trong thế giới của riêng ông, nhưng ông vẫn lắng nghe, hiểu biết thời thế, chứ không chôn mình trong dĩ vãng. Ông nhẫn nại (chữ ông hay dùng) đọc lại những văn bản cũ, cẩn trọng đến độ tỉ mỉ sửa chữa những lỗi kỹ thuật, khi bằng bút chì, khi bằng bút mực. Đồng thời ông vẫn nuôi cảm hứng sáng tác về những đề tài thông thuộc, nhất là về môi trường giáo dục. Có lần trả lời tạp chí Cánh Én, một tờ báo có khuynh hướng cấp tiến xuất bản ở Nha Trang trong thời đầu Đổi Mới, Võ Hồng phàn nàn: “Văn chương tròn trịa lý tưởng! Không dám có những suy nghĩ gai góc, không cho có những cảm xúc mới lạ, độc đáo… mà chỉ được cảm xúc thông thường, bình thường, tầm thường, bằng phẳng, công thức, gần như đã vạch sẵn. Văn chương được bào chế như những món ăn quá lành mạnh, bởi đã được sát trùng quá kỹ lưỡng. […] Mà xã hội đòi hỏi người cầm bút phải nhìn thấy những vấn đề, phát biểu những ý nghĩ, nêu lên những băn khoăn để người đọc cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ. Có vậy xã hội mới tiến lên được. Chớ nếu cứ tròn trịa như bánh xe thì xã hội cứ thế mà lăn tới an toàn, hà tất còn cần đến văn chương làm gì?”. Ông còn nói: “Hỏi: Văn chương có phản ảnh thực tại không thì chưa đủ. Phải hỏi thêm: Và phản ảnh thực tại mà có văn chương không? […]. Văn chương không phải là cái xe để chỉ chở tư tưởng chính trị, không phải chỉ được nuôi dưỡng bằng tư tưởng chính trị mà đủ”[4].
Vậy là người và văn Võ Hồng đâu có an thân và lạc thời, ông ẩn nhẫn mà không bàng quan với xã hội.
Võ Hồng giữa đạo đức và nghệ thuật
Ông Võ Bình Định trách ông Võ Phú Yên viết lách để răn đời không phải không có yếu tố hợp lý. Những lời rao giảng đạo đức trong văn chương thường gây dị ứng, thậm chí phản tác dụng. Võ Hồng có khi đưa ra những lời khuyên trực diện quá đậm làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên như hơi thở của cuộc đời. Trong một truyện ngắn cảm động như Đôi bạn vong niên, giá như tác giả lược bỏ gần ba trang kín những dòng chữ khuyên răn của ông cụ ghi trong sổ tay cô gái lên đường đi học xa thì nghệ thuật nhuần nhị hơn và bài học tình người sẽ được tiếp nhận thấm thía hơn. Phải chăng đó là sự méo mó nghề nghiệp của một nhà văn đã “sa lầy” vào nghề giáo suốt 30 năm?!
Thật ra Võ Hồng đâu có bao giờ phủ nhận rằng ông làm văn học cũng là làm giáo dục và ông đâu có đối lập nghệ thuật với đạo lý. Ngòi bút của ông không ngưng theo đuổi những câu chuyện mang lại sự “thanh lọc tâm hồn” cho độc giả thiếu nhi và ta chỉ có thể nhận ra giá trị của tác phẩm từ góc độ của tình thương yêu: Áo em cài hoa trắng, Trận đòn hòa giải, Vùng trời thơ ấu, Vẫy tay ngậm ngùi, Thương mái trường xưa. Thiết nghĩ, với tài năng hóa thân vào những nhân vật trẻ em của tác giả, những tác phẩm này vẫn có thể tìm được sự đồng cảm của bạn đọc thiếu nhi ngày nay.
Ai đã từng sống ở miền Nam những năm 1965 – 1975 mà nói đạo đức không có nguy cơ suy đồi là không thành thật. Chính Võ Phiến ghi nhận: “chiến tranh tạo ra tình trạng rối ren hỗn loạn ở nhiều nơi, tình trạng thuận lợi cho sự hoành hành nhũng lạm của các cấp hành chánh, quân sự: nào hối lộ, buôn lậu, nào lính ma, lính kiểng, chợ đen chợ đỏ v.v…”; “Nếp sống của đám quân nhân Mỹ xa nhà và dư dật, lại làm phát triển những tổ chức ăn chơi: phòng trà ca nhạc, đĩ điếm, gái nhảy…, làm lan tràn nạn hút xách, cao-bồi v.v…”.[5]
Nhưng điều quan trọng là xã hội và con người miền Nam, với sự trợ giúp của sức mạnh văn hóa, văn học, nghệ thuật, đã nhìn thẳng và đứng vững trước nguy cơ suy đồi đó.
Những thiên truyện hay có yếu tố xã hội của Võ Hồng thường là những truyện không phân biệt ranh giới giàu nghèo và không theo một hệ quy chiếu đạo đức cứng nhắc. Thoạt nhìn, truyện Dấu chân sa mạc tưởng như viết để phê phán cô Ba Hường và nói lên quy luật nhân quả ở đời. Thật ra tác giả chỉ miêu tả một cuộc đời, một số phận mà không nhằm kết án ai hay đả kích điều gì. Cô Ba Hường vừa là nạn nhân của hoàn cảnh, vừa là nạn nhân của chính số phận mình, số phận của một người giàu hưởng tài sản không phải do bàn tay mình làm ra. Cô đáng thương hơn là đáng trách. Đối chứng với số phận Ba Hường là cuộc đời anh Tộc trong Niềm tin chưa mất, một lương tri của người cần lao được số phận mỉm cười như đền bù cho những thua thiệt trong đời: “Tâm hồn Tộc như cái phòng rộng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm. Có thể nói cả những điều mình nghĩ nữa. Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy cuộc đời”.
Khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam thì ngòi bút Võ Hồng trở nên mất bình tĩnh. Ông trở lại lối viết phân biệt chính – tà và ngòi bút đôi khi trở nên cay nghiệt với cái xấu, cái ác. Nỗi bức xúc của ông tràn ra đến ba cuốn tiểu thuyết: Nhánh rong phiêu bạt, Gió cuốn, Thiên đường ở trên cao. Thúy, nhân vật chính của Nhánh rong phiêu bạt, là nạn nhân của cuộc chiến huynh đệ tương tàn, bị bom đạn cướp mất những người thân yêu, cửa nhà tan nát, lang thang trên đời và trở thành nạn nhân của môi trường xã hội khắc nghiệt. Người tốt bụng thì nghèo, không có điều kiện cứu giúp cô; người giàu thì chua ngoa, kiêu kỳ, đanh đá, tìm cách vắt kiệt sức lao động của cô. Như nhánh rong trên giòng nước lũ, Thúy đã giữ được thiên lương của một đứa bé có giáo dục và được hưởng quả phúc từ cha mẹ. Cuốn truyện dài này nhiều chỗ phóng đại về cái xấu của người đời, với một đoạn kết có hậu lộ rõ sự sắp đặt của bàn tay tác giả.
Gió cuốn tái hiện những thay đổi của xã hội miền Nam khi hứng chịu nếp sống Mỹ tràn đến. Một người chồng vì sức cảm dỗ của đồng tiền đã vô hình trung đẩy vợ vào vòng tay những viên chức Mỹ. Sự kháng cự của người đàn bà ngày một yếu ớt và trở nên buông xuôi trước cơn gió cuốn. Sáng tác trước 1975 nhưng đến 1978 mới được xuất bản, Thiên đường ở trên cao, qua số phận Thérèse Băng Trinh, là tiếng kêu cứu gần như tuyệt vọng trước sự tàn phá của ma túy đối với sự sống và tinh thần của thế hệ trẻ, mà hậu quả ngày càng thảm khốc cho đến bây giờ.
Khách quan mà nói, tiểu thuyết Võ Hồng, dù viết về hiện thực kháng chiến hay về hiện thực xã hội miền Nam đều có phần dàn trải, thiên về miêu tả sự kiện hơn là khắc họa tính cách. Hình như ngòi bút của ông không sở trường với những cốt truyện có mâu thuẫn, xung đột nặng nề. Khi thể hiện những tình huống gay cấn, văn Võ Hồng không còn giữ được vẻ mềm mại, uyển chuyển vốn có. Ông để cho hình ảnh của những đợt sóng triều xã hội che khuất những trạng thái diễn biến tâm lý con người vốn là điều mà ông thành công đặc biệt trong truyện ngắn. Ngòi bút ông linh hoạt và tỉ mỉ khi miêu tả bức tranh sinh hoạt và chi tiết đời sống, nhưng điều này cơ bản lại không tạo nên chất tiểu thuyết cho tác phẩm. Từ 1974, Đỗ Quý Toàn đã nhận xét, hơi khắt khe, về Như cánh chim bay: “Võ Hồng thành công với tư cách một người viết ký sự thời 45, nhiều đoạn ký sự ngắn, Nhưng viết tiểu thuyết thì ông đã không thành công”. Dù Võ Hồng không phải là là ngòi bút tiểu thuyết ký sự hay tiểu thuyết tư liệu như Nguyễn Vỹ trong Tuấn, chàng trai nước Việt, người đọc vẫn có thể đòi hỏi ở ông sự đằm chín hơn trong tác phẩm. Hình như ông cũng tự ý thức điều này, nên thường ghi thể loại là truyện dài, chứ không phải tiểu thuyết. Ông giải thích với Mang Viên Long: “Ông Đỗ Quý Toàn trên báo Đời có nêu những khuyết điểm của Như cánh chim bay, những khuyết điểm tôi công nhận bởi tôi đã biết trước. tôi đã ‘dọn mình’ trước. Tôi phải chịu ‘bó tay’ để bộ truyện của tôi được người đọc tin là ‘có thiệt’. Vì nó dính dáng tới nhiều những sự kiện lịch sử gần đây, mà các sự kiện đó đều bị hai bên nói mâu thuẫn nhau hết nên tôi phải giữ thái độ trung thực, mà muốn trung thực thì câu chuyện cũng đừng éo le thái quá, giả tạo thái quá. Đó, phải tự nguyện ‘bó tay’ là như vậy”.[6]
Quả là Võ Hồng có phần nào dễ dãi khi xác định tính cấu trúc của thể loại. Ông đã từng trích đoạn từ các truyện dài Hoa bươm bướm, Gió cuốn để đăng tạp chí với tư cách như một truyện ngắn, khiến người đọc có thể hụt hẫng. Truyện dài Nhánh rong phiêu bạt, tuy đã kết thúc ở ấn tượng “ở hiền gặp lành” cuối chương 14, tác giả còn viết thêm chương 15 để nói đến hậu vận tốt đẹp của nhân vật chính. Đáng tiếc, trong cả bốn lần xuất bản do NXB Lá Bối (1970), Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa (1979), NXB Đồng Nai (1997) và NXB Văn Học (2009) chương này đều bị đưa ra khỏi văn bản. In lại chương này có thể cho thấy phần nào quan niệm nhân sinh lẫn quan niệm nghệ thuật của Võ Hồng.
Khi nói đến phẩm hạnh của văn chương Võ Hồng, tất nhiên chúng tôi không chỉ muốn nói đến nhân cách của nhà văn hay giá trị giáo dục trong tác phẩm của ông dù điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm. Những phút chói sáng trong trang văn không tách rời với những phút chói sáng trong tâm hồn. Nói đến phẩm hạnh của văn chương là nói đến sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần soi chiếu vào văn bản như ánh sáng chiếu vào pha lê, là nói đến nghệ thuật của ký ức được truyền đạt qua ngôn từ và hình tượng. Nghệ thuật nói lên phẩm hạnh của nhà văn. Thậm chí, nghệ thuật cũng chính là phẩm hạnh, bởi đạo đức của nghề văn chủ yếu được tìm thấy trong chất lượng nghệ thuật và tài nghệ thuyết phục người đọc. Cần phải đọc hết không chỉ các tiểu thuyết mà tất cả truyện ngắn Võ Hồng mới nhận ra được phẩm hạnh văn chương của ông.
Trong bài viết đặc sắc “Đọc Võ Hồng: truyện tình của giới trung lưu”, in trên tập san Văn số đặc biệt về tác giả này, Cao Huy Khanh nhận xét “truyện tình Võ Hồng chính là một thứ nhạc êm dịu trong nỗ lực tiếp nối những khúc tình ca lãng mạn có điều độ của một thời văn chương đã qua”. Nhà phê bình giải thích: “Tình yêu của giới trung lưu, lãng mạn một cách có chừng mực, say đắm một cách có điều độ, niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau khổ được điều chỉnh cho ngang tầm mức trung bình làm sao vừa bằng với sức chịu đựng trong nếp tâm lý chung của người công chức, tất cả những điều đó dường như đều có thể tìm thấy trong tiểu thuyết của Võ Hồng, nhà văn của giới trung lưu”[7]. Có thể nói đó là một phát hiện của Cao Huy Khanh.
Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ, độc giả văn học nói chung ở Sài Gòn thời ấy, chứ không riêng gì độc giả của Võ Hồng, chủ yếu vẫn là giới trung lưu. Người thợ, người làm ruộng không đọc đã đành, mà giới thượng lưu e rằng cũng không mấy người yêu thích văn chương. Vậy mà văn học thời đó vẫn bày cho giới trung lưu rất nhiều món ăn tinh thần và được tiêu thụ, đâu riêng gì món “tình ca lãng mạn có điều độ”. Có “những tình nhân chậm chạp và quá sức hiền lành”, những “nhân vật nam nhưng lại tỏ ra ít có nam tính” của Võ Hồng thì cũng có những nhân vật nam mà nam tính bùng dậy trong những giây phút mãnh liệt và cuồng nhiệt của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường. Trong thời đại cách mạng giải phóng tính dục mà tả người tình nhân “chỉ có cái hôn đầu mũi vào má như hôn trẻ con” (Khoảng mát), “một cái chạm tay bên ngoài mà ấm nóng cả đời” (Lá vẫn xanh), ân hận về cái ý nghĩ cộc cằn rằng “người nữ ngon như một cái bánh” (Con suối mùa xuân) thì quả là đi lùi thời đại!
Trước khi viết văn bằng sự tưởng tượng, người ta viết văn bằng sự từng trải; tưởng tượng mà không qua từng trải thì dễ thành khiên cưỡng, sống sượng. Võ Hồng chấp nhận chịu tiếng là người không từng trải trong tình trường hơn là người viết văn sống sượng. Vả chăng, xét theo quan điểm phân tâm học, biết đâu lối viết “sạch sẽ” quá đáng đó lại không ẩn chứa những niềm khát khao ẩn ức tìm cách được thăng hoa.
Đi theo lối riêng, Võ Hồng lại là một người dân chủ trong cảm thụ nghệ thuật. Không những ông đề cao Võ Phiến, một phong cách văn chương rất khác biệt với ông, mà ông còn biểu dương Túy Hồng, người phụ nữ viết tiểu thuyết hiện sinh rất xa lạ với cá tính sáng tạo của ông: “Ngôn ngữ được cô sử dụng sống động như những sinh vật. Nhiều câu nói ‘thật’ đến nỗi, ‘sống’ đến nỗi mình có cảm tưởng như mình vừa nghe nhân vật thốt ra câu đó, âm thanh như còn vang lên đó, khiến mình đôi lúc bàng hoàng. Đọc cô Túy Hồng mình không có cảm tưởng phải chịu đựng một người đang làm văn chương, mà mình đang quằn quại xót xa, đang thổn thức theo tác giả”[8].
Có lẽ cũng nên cân nhắc khi nhận định rằng văn chương Võ Hồng là sự nối dài văn học lãng mạn thời kỷ 1930-1945, với hàm ý rằng nhà văn sáng tác ở những năm 1960 bằng tâm thế và kỹ thuật thời tiền chiến. Qua những phát biểu trực tiếp cũng như toát lên từ tình thế và hành động của nhân vật, không hề thấy ở Võ Hồng cái tâm thế của người làm cách mạng xã hội để thay cũ đổi mới như Tự Lực Văn đoàn. Ông cũng không có ý định làm cải cách văn chương. Ông in cuốn sách đầu tay gần như cùng lúc với nỗ lực phục hồi Tự Lực Văn đoàn, nhưng thất bại, của Nhất Linh. Không ai để lại cho ông một chỗ trống, bởi đơn giản những gì ông viết về kháng chiến và xã hội chưa ai trải nghiệm trước ông.
Ngay cả trong những “truyện tình thất tình” của Võ Hồng, nếu so với tác phẩm của Khái Hưng, Thạch Lam… sẽ thấy một khoảng cách nhất định. Cao Huy Khanh tinh tế khi nói lên cái tâm thế sáng tác của Võ Hồng: “hầu hết truyện của Võ Hồng đều được đặt trên một một căn bản hồi tưởng nòng cốt, đều có một nội dung hoài niệm minh nhiên. Chính trong cái kinh nghiệm hồi tưởng về chiến tranh đó chừng như người ta có thể đoán thấy được cái nét tâm lý cầu an của con người; mệt mỏi, chán chê, sợ sệt, kinh tởm, đó là nét tâm lý chung của những người vừa thoát chết qua một thời thế hỗn loạn cùng cực, của những kẻ được may mắn sống sót sau một cuộc chiến tàn khốc”[9]. Hẳn nhiên đó không phải là tâm thế của những nhà văn thời 1930 – 1945.
Vậy thì cuối cùng Võ Hồng vẫn là Võ Hồng. Không thể đặt ông vào cái khuôn loại hình lãng mạn hay hiện thực. Người ta không thể bắt ông Võ này phải giống ông Võ kia, cũng như không nên lấy cái đấu của ông Võ kia đong ông Võ này. Đó thực sự là sự đa dạng của văn học miền Nam. Võ Phiến có vẻ thú vị khi nói rằng có đến ba tuyển tập truyện ngắn miền Nam đã không chọn in tác phẩm của Võ Hồng. Thì đã sao, điều đó chỉ đáng tiếc cho các tuyển tập đó và cho độc giả hơn là cho Võ Hồng. Đâu phải vì đó mà có thể kết luận rằng Võ Hồng không có truyện hay. Cũng như bây giờ có những tuyển tập truyện ngắn Việt Nam sau 1954 mà không thấy tên Võ Phiến, thì ta đâu có thể nghĩ giản đơn rằng Võ Phiến không phải là nhà văn viết truyện đặc sắc.
Hơn nữa, chọn mỗi nhà văn một truyện ngắn hay là việc làm khó khăn và tế nhị, phụ thuộc vào thị hiếu thay đổi từng lúc của người tuyển chọn và sở thích của nhà xuất bản, độc giả, thị trường. Trong truyện ngắn của Võ Hồng nên chọn truyện nào cho một tuyển tập, điều đó không đơn giản. Trong một lá thư gửi người viết bài này năm 1986, Võ Hồng nói ông thích nhất truyện Nhẹ hơn cơn gió thoảng. Võ Phiến, năm 1999, chọn Trầm mặc cây rừng (Văn học miền Nam – Truyện, cuốn 3, NXB Văn Nghệ). Trần Hữu Tá, năm 2000, chọn hai truyện Nhẹ hơn cơn gió thoảng và Chuyến về Tuy Hòa (Về một chặng đường văn học, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh). Hội Văn Nghệ Phú Yên, năm 2004, chọn Tình yêu đất (Tuyển tập văn học Phú Yên thế kỷ XX, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật Phú Yên xuất bản). Trần Hoài Thư, năm 2009, chọn Mong manh một thoáng (Văn miền Nam, NXB Thư Ấn Quán). Người viết bài này, năm 1986, chọn Bên đập Đồng Cháy (Mùa xuân chim én bay về, NXB Cửu Long). Còn nếu bây giờ cho tôi chọn lại thì xin chọn truyện Đi con đường khác. Cũng một truyện tình thất tình, trong không gian và khoảnh khắc nhạy cảm chốn thiền môn, không éo le bi kịch nhưng đọng lại một nỗi buồn tê tái, mà tôi nghĩ không ai có thể viết ám ảnh được như Võ Hồng.
Tóm lại, trân quý truyền thống mà không bàng quan với hiện đại, không tách rời chính trị nhưng lấy văn hóa làm chọn lựa căn bản, coi trọng đạo đức nhưng vẫn giữ tư chất nghệ thuật: đó là thế đứng của Võ Hồng trong một giai đoạn phức tạp, bi tráng của lịch sử đất nước và lịch sử văn học dân tộc.
Chú thích:
[1] Xem Nguyễn Thị Thu Trang (2003): Võ Hồng – nhà văn và tác phẩm, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên, tr. 11. Theo bài Nguyễn Nam Anh phỏng vấn (1972): “Nhà văn Võ Hồng”, Tâp san Văn, Sài Gòn, số 209, ngày 01-9-1972, “Võ Hồng sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất (02-12-1922)”. Nếu âm lịch là 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất thì dương lịch là 21- 01-19 23.
[2] Võ Hồng (1971): “Tôi cảm tạ văn chương”, Tuần báo Tìm Hiểu, Sài Gòn, số 7 tháng 10 – 1971.
[3] Võ Phiến (1999): Văn học miền Nam – Truyện, cuốn 3, NXB Văn Nghệ, California, tr. 1718.
[4] Xem Tạp chí Cánh Én, Hội Văn Nghệ Phú Khánh, số tháng 11 – 1988.
[5] Võ Phiến (2000): Văn học miền Nam – Tổng quan, NXB Văn Nghệ, California, 258 – 259.
[6] Theo Mang Viên Long (1974): “Võ Hồng, những lần gặp gỡ”, Giai phẩm Văn, Sài Gòn, số đặc biệt Nhà văn Võ Hồng, ngày 14 – 2 – 1974, tr. 73.
[7] Cao Huy Khanh (1974): “Đọc Võ Hồng: truyện tình của giới trung lưu”, Giai phẩm Văn, Sài Gòn, số đặc biệt Nhà văn Võ Hồng, ngày 14 – 2 – 1974, tr. 31. 35.
[8] Võ Hồng (1971): “Tôi cảm tạ văn chương”, Bđd.
[9] Cao Huy Khanh (1974), Bđd, tr. 33.
Tp HCM, 10/2/2022
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, Viện Văn Học, Hà Nội, số 6, tháng 6/2022, tr. 21-32
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...