Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Đọc lại "Rừng Na uy" của Haruki Murakami

Đọc lại "Rừng Na uy" của
Haruki Murakami

Ở nước Nhật có một cuốn sách mà theo thống kê từ năm 2006, cứ 7 người Nhật thì có một người đọc và tác giả của nó suốt 20 năm nay đã trở thành một thần tượng văn hoá đại chúng. Cuốn sách đó là tiểu thuyết Rừng Na uy và tác giả đó là nhà văn Haruki Murakami. Một cuốn sách mà một khi bạn đã cầm nó lên và đọc thì khó lòng bỏ xuống. Bởi từ đầu đến cuối của cuốn tiểu thuyết đó là một câu chuyện tình yêu gây nên sự xúc động “đến ngạt thở”.
Cuốn tiểu thuyết này kể về những năm tháng là sinh viên đại học ở Tokyo của một chàng trai trẻ có tên là Toru Wantanabe. Cùng với thời gian dùi mài kinh sử ở trường đại học, Wantanabe đã đi hết tuổi thanh xuân của mình trong những mối tình với những người con gái trẻ, đẹp và đầy cá tính. Wantanabe cùng với những người bạn, người yêu của anh là một thế hệ những người trẻ của nước Nhật biết sống hết mình, yêu hết mình nhưng học tập và làm việc cũng hết mình. Nói cách khác là họ đã biết cách đốt cháy mình để tỏa sáng.
Tiểu thuyết “Rừng Na uy” của Haruki Murakami
Rừng Na uy là tên một ca khúc nổi tiếng của ban nhạc Beatles mà nhân vật chính Wantanabe rất thích nghe của một thời sinh viên sôi nổi – cái thời mà cuộc đời anh gắn bó với số phận những người mà anh yêu và yêu anh.
Người con gái đầu tiên mà Wantanabe yêu có tên là Naoko. Điều oái oăm ở chỗ là Naoko lại là người yêu của người bạn thân của anh tên là Kizuli. Cái mối tình tay ba cực kì thơ mộng nhưng lại rất rắc rối và tuyệt vọng ấy kết cục lại là một tấn bi kịch. Cả Naoka, cả Kizuki cuối cùng đều chết vì tự tử.
Và điều đáng kinh ngạc của cuốn sách là ngoài Naoka và Kizuki, còn có hai cái chết trẻ khác cũng bằng cách tự tử là chị của Naoka và của một cô gái khác nữa có tên là Hatsumi. Họ chết không phải vì thất tình, không phải vì bất lực và khủng hoảng tinh thần trước cuộc sống như mọi người vẫn nghĩ. Họ chết chỉ vì một lí do đơn giản là họ không sợ chết. Đối với họ cũng như trong quan niệm của số đông người Nhật, cái chết chỉ là một sự tiếp tục của cuộc sống. Bởi chết chưa phải là hết chuyện. Vì thế mà họ coi cái chết rất nhẹ nhàng. Cũng như họ đã sống vì rất yêu cuộc sống. Câu chuyện tình của Wantanabe trong Rừng Na uy do vậy mà nhuốm màu bi thương nhưng có một điều lạ là  không hề bi quan.
Ngược lại, sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống tràn ngập trong mỗi trang sách của Rừng Na uy. Và chính điều đó làm cho bạn xúc cảm, cuốn hút bạn vào với tác phẩm kỳ lạ này. Câu chuyện của Rừng Na uy vừa chân thật, giản dị nhưng cũng hết sức kỳ ảo.
Cứ như là tác giả đang đưa ta trở lại với những câu chuyện tình ma quái trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh THỜI Trung Quốc trung cổ vậy. Cái hay của Rừng Na uy còn ở chỗ tác giả đã dắt dẫn người đọc đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác trong một bối cảnh trần trụi của cuộc sống Nhật bản thời văn minh và hiện đại. Những chuyện tình đầy khêu gợi, những pha làm tình được miêu tả rất chi tiết và xảy ra liên tục trong tác phẩm. Nhưng Rừng Na uy không phải là một cuốn sách viết về tình dục; cũng không phải là một tiểu thuyết diễm tình lãng mạn. Rừng Na uy là một điển hình của tác phẩm văn học viết theo trường phái hiện thực chủ nghĩa. Câu chuyện của rừng Na uy dù viết ở cuối thế kỷ 20 nhưng mô hình  đời sống của nó vẫn rất mang tính thời sự ở thế kỷ 21 này. Vì thế mà sức sống của Rừng Na uy là bất diệt.
Hãy trở lại ca khúc Rừng Na uy của ban nhạc Beatles với những lời tình ca da diết: “Tôi từng có một cô gái, mà đúng hơn là cô gái ấy đã từng có tôi. Cô dẫn tôi vào phòng, thế có thích không. Và bảo tôi ngồi đâu cũng được, nhưng tôi thấy chẳng có chiếc ghế nào. Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình. Con chim ấy đã bay đi rồi”. Đó là những ca từ rất giản dị. Và Rừng Na uy cũng vậy, rất giản dị. Mà ở đời, cái gì càng giản dị thì càng vĩ đại; và ngược lại, càng vĩ đại, con người ta càng giản dị. Chỉ có những kẻ ít học hành thì mới làm ra vẻ quan trọng và vì thế, trông chúng càng kệch cỡm. Với cách hiểu ấy, Rừng Na uy thực sự là một tiểu thuyết kiệt xuất của nước Nhật thời hiện đại. Và ý‎ nghĩa lớn lao nhất của nó là sự cảnh tỉnh đối với bạn đọc trong một xã hội hiện đại. Nói cách khác, đọc Rừng Na uy, bạn sẽ tỉnh ra rất nhiều điều.
Nhà phê bình Hà Tùng Sơn
Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu và làm gì, một khi bạn đã cầm Rừng Na uy lên và lật ở một trang bất kỳ nào, chắc chắn bạn sẽ bị nó cuốn hút. Bởi đó là những trang sách kể về những mối tình tươi trẻ. Những hồi ức ngọt ngào cay đắng về thuở đầu đời, đặc biệt là đối với những ai đã từng có một thời sinh viên sôi nổi.
Tác giả Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Tokyo. Ông lấy vợ là bạn học cùng thời đại học. Hai người mở một câu lạc bộ nhạc jazz tại Tokyo có tên gọi là Peter Cat. Ông viết và cho xuất bản Rừng Na uy vào năm 1987. Thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang này đã đưa ông lên hàng những nhà văn lỗi lạc có nhiều người đọc nhất của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, Rừng Na uy của Murakami là một trong mười cuốn sách có ảnh hưởng nhất của thế kỷ thứ 20 và tác giả xứng đáng được xếp hạng là một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất thế giới.
10/9/2022
Hà Tùng Sơn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...