Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

"Tình già" của Phan Khôi là Thơ mới

"Tình già" của Phan Khôi là Thơ mới?

(Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022)
Việt Nam đã có thơ mới sánh cùng với thơ mới của các nước Nhật Bản, Trung Hoa, Indonesia; khác nhau ở chỗ phong trào thơ mới dậy lên sớm hơn hoặc muộn hơn ba năm mà thôi. Còn các nước Thái Lan, Lào và Campuchia không có chuyện thơ mới bởi lẽ tình hình văn nghệ thiếu điều kiện phát triển.
Nhà thơ Phan Khôi (1887 – 1959)
Báo Phụ Nữ Tân Văn số 22 ra ngày 10.3.1932 đăng bài thơ Tình già của nhà nho tân tiến Phan Khôi (1887 – 1959). Khoảng hơn 8 tháng sau, tuần báo Phong Hóa đăng lại bài thơ dậy sóng ấy vào số báo Tết năm Quý Dậu, ngày 24.1.1933. Trước những chuyển biến của xã hội nước ta và nhất là tình hình văn nghệ tiến triển, bài Tình già được truyền tụng nhanh vì gây nên nhiều ấn tượng trong giới thanh niên trí thức thời bấy giờ.
I. Nguyên tác bài thơ và chú giải
TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa (1) một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ.
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
– Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là, không đặng.
Để đến nỗi, tình trước phục sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
– Hay! mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.
Mà tính việc thủy chung
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc,
Nếu chẳng quen hung (2) đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc (3) đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi (4)
Lời kết thể hiện sắc nét thần thái của đôi tình nhân, tình cũ nghĩa xưa làm sao quên “được”, nhưng mà lấy nhau thì không “đặng”. Đây là thơ hay, hay vì ý và âm điệu làm rung cảm lòng người. Hèn gì mà Xuân Diệu vượt rào thay chữ để viết thành câu thơ “Yêu, là chết ở trong lòng một ít” (5).
Năm 1941,Vũ Ngọc Phan có vội lắm không khi sớm đưa ra nhận định: “Phan Khôi là người khởi xướng thơ mới trước nhất” (6). Xem chừng vượt đèn đỏ, cầm còi chạy trước ô tô! Phải xem mặt mới bắt được hình dung.
II. Vài nét về tiểu sử Phan Khôi
Phan Khôi sinh năm Đinh Hợi, 1887, lớn hơn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu một tuổi. Ông mất năm 1960, thọ 73 tuổi trong cảnh ngộ khó khăn và ngặt nghèo. Có điều ai cũng cảm thương cho người tài danh với bút hiệu Chương Dân chết rồi mà mộ phần đã bị thất lạc nơi nào không hay biết.
Ông quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; đậu Tú tài khoa Bính Ngọ, 1906 tại trường thi Thừa Thiên, lúc 19 tuổi.
Trong quá trình làm báo, ông đã từng là Chủ bút báo Sông Hương từ cuối thập kỷ 30 đến đầu thập kỷ 40. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc; năm 1954 làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội.
Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông nội đã từng giữ chứng Án sát dưới triều vua Đồng Khánh. Quan Án Phan Nhu sinh hạ Phó bảng Phan Trân là thân phụ của cụ Tú Phan Khôi. Mẹ ông là con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu(7).
Đặc điểm của đời ông là sớm hưởng ứng tư tưởng canh tân, chuộng đổi mới theo chủ trương của phong trào Duy Tân. Năm 1908, Tú tài Phan Khôi trở thành bạn tù với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ra tù năm 1911, ông cắt tóc ngắn, mặc âu phục, không màng ra làm quan, tôi luyện văn chương quốc ngữ và lại chịu khó học chữ Pháp để rộng đường giao thiệp và sớm tiếp thu văn hóa Âu Tây.
Kể từ năm 1917 đến năm 1945, ông chính thức bước qua ngưỡng cửa làng văn, làng báo. Từ đó là bệ phóng cho nhà văn Phan Khôi nghiễm nhiên trở thành nhà nghiên cứu, phê bình văn và dịch thuật một cách đĩnh đạc. Thơ văn của ông mang đậm dấu ấn bản chất con người xứ Quảng lịch lãm trường đời. Ông chẳng mấy thích làm thi sĩ bởi lẽ ông chỉ làm thơ khi thật cảm hứng(8) và tư chất ông hơi khe khắt theo tinh thần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, ông thẩm định và phê bình thơ với phong thái nghiêm cẩn, thâm sâu. Với Phan Khôi thi sĩ phải vượt xa, nhất thiết loại bỏ làm thơ theo lối thợ thơ. Đó là điểm khác biệt rạch ròi giữa ông Tú Khôi với nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu(9).
Ông phê bình văn học một cách khách quan, không khoan nhượng, không nể vì sửa lưng bất cứ ai viết sai lệch. Cả độc giả lẫn người đời đều quý trọng vì ông ngồi đúng chỗ với cương vị như “Ngự sử trên văn đàn”(10).
Cụ Tú Khôi sống và viết có lập trường chính kiến rõ rệt. Ông đã từng viết:
Cũng đành nhắm mắt không ân hận,
Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình.
(Thăm Bộ đội)
Suốt một đời làm văn, làm báo, phê bình và nghiên cứu văn học, ông đã để lại bốn tác phẩm chính: Chương Dân thi thoại, Trở vỏ lửa ra(11), Việt ngữ nghiên cứu, Dịch Lỗ Tấn.
Nhận định về Phan Khôi, nhà nghiên cứu và phê bình Vũ Ngọc Phan phát hiện ra hai ưu điểm của ông qua bộ sách Nhà văn hiện đại, xuất bản năm 1942 như sau:
1. Văn ông có một giọng đặc biệt, dù trộn lẫn với văn ai cũng không thể lẫn được.
2. Phan Khôi mà đóng vai Ngự sử đoàn văn thì thật xứng đáng, vì không mấy người kiêm được điều kiện như ông.
III. Phong trào Thơ mới; thơ mới là gì?
Từ thơ cũ đến thơ mới thì tất yếu phải trải qua một quá trình phát triển. Sở dĩ ở phần sơ lược vể tiểu sử Phan Khôi ở phần II, chúng tôi đã lấy thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu để so sánh với nhà Nho tân tiến Phan Khôi. Học hành và khoa cử xưa đều có tiểu kỳ thi môn thi phụ. Nho sinh phải làm thơ, làm phú. Riêng về thơ thì gồm các thể loại như thơ cổ phong, thơ Đường luật, ca trù. So với Phan Khôi thì Nguyễn Khắc Hiếu rộng đường sáng tác các thể loại thi phú hơn. Hát nói, một loại hình của ca trù thì Tản Đà trội vượt hơn Phan Khôi vì thân phụ và thân mẫu của Nguyễn Khắc Hiếu đều là nghệ nhân và nghệ sĩ(12).
Ở tác phẩm Tuấn, Chàng trai nước Việt, chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX, Nguyễn Vỹ nói về Phong trào thơ mới của nước ta:
“Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong là tiền phong của phong trào thơ mới. Mới từ tinh thần đến thể thức. Mới từ tư tưởng đến cách diễn tả tư tưởng. Tất cả những gì rườm rà, luộm thuộm, cổ kính, theo ảnh hưởng văn chương Trung Hoa đều bị gạt bỏ dần dần và được thay thế bằng lối viết rõ rệt, có quy củ, có văn phạm của văn chương Pháp. Điều đó không ai phủ nhận được”(13).
Kể từ khi bài thơ Tình già xuất hiện trên văn đàn thì khắp ba miền Nam, Bắc, Trung dấy lên cao “Phong trào Thơ mới”. Có thể nói bài thơ ấy được ví von như thêm một giọt nước làm tràn ly mà thôi. Phong trào thơ mới trở nên sôi nổi trong thời gian bộc phát từ năm 1932 – 1936.
Thơ mới là gì? Các thi gia mỗi người giải thích theo mỗi cách khác nhau. Có thanh niên tân học yêu thơ mới, tìm hỏi thi sĩ Lưu Trọng Lư về cách thức và bí quyết sáng tác thơ mới. Nhà thơ đa tình và mơ mộng của đất Quảng Bình đã trả trời một cách thản nhiên rằng: “Cứ làm bừa đi, rồi thành ra thơ gì cũng được. Đừng giống như thơ cũ, bỏ niêm luật thơ cũ, tức là thơ mới”(14).
Thơ mới là một danh từ khát quát nếu không muốn nói là mường tượng. Mơ hồ quá! Thơ cũ hay thơ cổ điển có khuôn mẫu ràng buộc theo từng thể loại cụ thể như Đường luật ngũ ngôn, thất ngôn; song thất lục bát, ca trù còn quen gọi là hát ả đào hoặc hát nói, hát cửa đình… là những thể tài phổ biến của ca trù mà hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huế đã phân định rạch ròi trong Việt Nam ca trù biên khảo(15).
Năm 1971, ông Nguyễn Thiên Thụ cho ra mắt bạn đọc Nghệ thuật hành văn, nguyên gốc là giáo trình giảng dạy về nghệ thuật viết văn được tu chỉnh lại được độc giả đồng tình đón nhận. Ông đã viết rõ về thơ mới như sau:
“Khi phong trào Âu hóa lan rộng đến nước ta, các thanh niên tân học muốn bắt chước thơ Pháp để tạo nên một sinh lực mới cho thi ca Việt Nam. Do đó, thơ mới ra đời.
Thơ mới tuy tự do, không hạn chế số câu, số chữ, không cần đối, niêm nhưng vẫn phải có vần có điệu”(16).
Sách ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 2 năm ấy. Tiếc thay, vào ngày 4.2.1971, nhà văn Nguyễn Vỹ qua đời vì tai nạn xe hơi ở tỉnh Long An. Có một mối đồng cảm về các giải thích để trả lời câu hỏi “Thơ mới là gì?” của ba nhà nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam tiếp nối nhau theo dòng chảy văn học nước nhà.
IV. Phan Khôi khẳng định bài Tình già không phải là thơ mới
Nối dòng, cả ba nhà nghiên cứu đều “đồng sàng đồng mộng”, tất cả đều thao thức về “hiện tượng thơ mới” ra đời và thơ mới là gì? Thể loại thơ ấy vì sao lại được mệnh danh là thơ mới. Nguyễn Vỹ đã tinh tế tìm gặp cho kỳ được bậc cha chú để hỏi cho ra chuyện, ra vấn đề khiến không những mình mà còn nhiều người đã ưu tư và trăn trở.
Sau nhiều lần hầu chuyện với cụ Tú Khôi, chủ bút báo Phụ Nữ Thời Đàm ở Hà Nội, Nguyễn Vỹ đã viết theo thể loại hồi ức (mémoir) để xếp đăng vào bộ sách dày ngót tới 978 trang khổ 14,5×20,5 phần thơ mới năm 1932 – 1934.
Một Phan Khôi với bút hiệu Tú Sơn; một Nguyễn Vỹ như đã gửi nguồn cơn tâm huyết qua nhân vật Tuấn khắc khoải vì vận nước đổi thay. Tuổi tác hai mẩu người có chí hướng cách biệt nhau vừa đúng một thế hệ. Tình cảm đồng châu xứ Quảng của hai nhà văn ở nơi đất khách Hà Nội vào những năm 1934 – 1935… lại trở nên ngày mỗi thân thiện và nồng thắm hơn khác nào như tình bác cháu, tình thầy trò trong nghề cầm bút. Suy cho cùng, duyên văn tự là cái duyên dun dủi tốt lành và chân thực.
Tình thân ấy đã triển nở, được Nguyễn Vỹ ghi lại như găm vào ký ức qua nhân vật Tuấn, chàng trai nước Việt bằng nhiều mẩu đối thoại hồn nhiên và trong sáng giữa hai thế hệ “bác – cháu”:
“Tuấn được gặp cụ hai ba lần ở Hà Nội, trong tòa báo Phụ Nữ Thời Đàm mà cụ làm chủ bút. Cụ có cho Tuấn xem bài thơ của cụ, gọi là “thơ mới”, toàn một giọng trào phúng. Một lần cụ bảo với Tuấn: “Người ta cứ đổ riệt cho tú Phan Khôi này là đề ra thơ mới. Thiệt là bá láp bá xăm. Tui có ưa làm thơ bao giờ đâu, thơ cũ không làm huống chi là thơ mới. Để trả lời những ánh nói bậy đó, tui tức mình làm bài thơ mới chơi, gọi là “thơ mới” mà chính là để ngạo thơ mới đó”(17).
Chất Quảng dân dã và tri thức mới hiển lộ rõ nét trong phong cách nói trào phúng của một cụ già ở độ tuổi tri thiên mệnh. Thật là sống sao nói vậy mà viết lại thành văn cũng vậy mà thôi. Nhân cách ấy nếu gọi cho đúng, riết cho chặt thì xứng là cốt chất chẳng thể nào lẫn lộn với ai được. Ngay cả cái bút hiệu “Tú Sơn” đã thể hiện một lối chơi chữ mang sắc màu thời đại: “Nửa ta nửa Tây”. Tú Sơn là biến trại của “tout seul” có nghĩa là “cô độc hoàn toàn”. Một ông Tú tài Hán học khác người đồng môn, đồng khoa đương thời vào năm 1908 mở đầu cho phong trào Duy Tân. Cụ Hà Ngại viết tác phẩm Khúc tiêu đồng, hồi ký của một vị quan triều Nguyễn, đã nhận định về một Phan Khôi như sau ở trang 89 – 90: “Tú tài Phan Khôi ngấm ngầm cổ động học mới nhiều các vị cách mạng tiền bối không thể kể ra cho hết…”.
Câu chuyện còn dài nữa giữa Phan Khôi có bút hiệu Chương Dân với Nguyễn Vỹ ẩn chứa hình ảnh Tuấn, chàng trai nước Việt không chỉ đơn thuần ngừng lại đó. Mà còn tiếp diễn một “xen”(19) hay là một “điệp khúc” lý thú. Mời độc giả, thính giả nghe kể tiếp:
“Tuấn có hỏi cụ Tú Phan Khôi:
– Người ta bảo rằng bài “Tình già” của bác đăng trong Phụ Nữ Tân Văn là thơ mới đấy.
Cụ Tú cười oang oang:
– Mới cái mốc xì! Bài “Tình già”, tui làm theo điệu thơ cổ phong của Tàu, chớ mới cái gì!”(20)
Nguyễn Vỹ thật có tài biết “điểm huyệt” đúng vào chỗ ngứa của bậc trưởng thượng đáng hàng cha chú mình để cố làm sao khui cho ra ẩn số mà đã hơn năm bày năm qua giới thanh niên tàn học, giới tài tử văn nhân và kể cả quần chúng đã đinh ninh một dạ một lòng là Bài thơ Tình già của Phan Khôi là thơ mới.
Thơ cổ phong của Trung Quốc thịnh hành trước đời nhà Đường, trước khi thơ Đường đi vào quy chuẩn với số câu, số chữ, vần điệu, niêm luật một cách mực thước đúng khuôn khổ. Nói một cách khác cho dễ hiểu thì thơ cổ phong na ná gần như thơ tự do vậy. Thành thử, chính tác giả Phan Khôi chỉ chấp nhận thơ của mình dậy sóng một thời là “thơ mới”, đóng khung vào giữa hai dấu ngoặc kép. Thì ra bài thơ Tình già của Phan Khôi chào đời ngày 10.3.1932 không phải là thơ mới.
Sự tình xem ra có oái oăm không? Giữa tác giả, tác phẩm và dư luận về bài thơ dậy sóng Tình già đã không cùng đi chung một con đường nhất thống. Điều này khiến cho sách báo, văn học sử và kể cả giáo trình văn học ở các cấp học đã hữu tình hoặc vô tình dẫn đường cho người học đi sai đường, lệch lối. Tất cả dồn ứ lại thành cái sai lớn sớm phủ lên những mái đầu xanh trong quá khứ vào những năm cuối thập kỷ 30, 40, 50 của thế kỷ trước, thế kỷ thứ hai mươi.
Chú thích:
(1) 24 năm xưa: Lúc ấy là năm 1908, Phan Khôi 21 tuổi, cái tuổi tình yêu dậy sóng. Tình của ông Tú Khôi lãng mạn có vừa đâu!
(2) Hung: “hung” là nhiều. Người miền Trung nói “cho chi nhiều, hung dữ rứa”. Yêu hung: yêu nhiều.
(3) Liếc: trai gái liếc nhau, nhìn bên này, nhìn bên kia một cách thầm kín. Liếc bên phải, liếc bên trái.
(4) Có đuôi: con còn nhỏ, níu đi theo mẹ như cái đuôi. Mắt có đuôi nheo, nhìn nhau lại có khi liếc mắt để tỏ tình quyến luyến, yêu  thương. Yêu nhau thì được mà lấy nhau lại không đặng. Nhìn mà lòng thầm thương.
(5) Nhà văn Roland Dorgeles, ở Paris sang du lịch Việt Nam viết được tác phẩm “Sur la route mandarine” (Trên đường cái quan). Ở  trang đầu có viết 5 chữ tiếng Pháp: “Partir, cest mourir un peu”. Đi, là chết trong lòng một ít.
(6) Nhà văn hiện đại, tập I, Vũ Ngọc Phan, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr 244.
(7) Khúc tiêu đồng, Hồi ký của một vị quan triều Nguyễn, Hà Ngại, Nxb. Trẻ, TP HCM, 2014, tr 21.
(8) Trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi viết rõ: “Sự học của một bậc thi sĩ tất nhiên phải đủ các tri thức phổ thông như mọi kẻ  khác đã đành, mà lại phải có cái học chuyên môn về nghề làm thi nữa” .
(9) Tản Đà là nhà thơ, trên thi đàn cây bút của ông sắc sảo về các thể loại như ca trù, thơ cũ, thơ mới, một nhà thơ diễn tả đúng  nhất tâm hồn Việt Nam như lời nhận định của Vũ Ngọc Phan.
(10) Báo Phụ Nữ Tân Văn, số 62 ra ngày 24/7/1930, Phan Khôi viết bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt” để công kích những người  có địa vị trong văn giới không kể chi đến dư luận. Năm 1931 trên báo này mở mục “Vai ngự sử trên đàn văn” để chỉ những sai lầm.
(11) “Trở vỏ lửa ra” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Phan Khôi. Vũ Ngọc Phan cho rằng Phan Khôi dùng ngòi bút nhà báo hơn là ngòi  bút của tiểu thuyết gia. Những câu, những chữ dùng là ngôn ngữ ở vùng Nam Trung bộ, làm giàu cho tiếng Việt.
(12) Việc so sánh này chỉ cốt ý làm rõ việc: thơ mới là biến thể của thơ cổ phong và hát nói. Theo Dương Quảng Hàm trong Việt  Nam Văn học sử yếu thì “lối thơ tám chữ của phong trào thơ mới thoát thai ở hát ả đào mà ra.
(13) TUẤN, Chàng Trai Nước Việt, Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX, Nguyễn Vỹ, Nxb. Văn học, TP HCM, 2006, tr 750. Nguyễn Vỹ  (1912 – 1971) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Đất Quảng Ngãi có đến 2 ông Nguyễn Vỹ: Nguyễn Vỹ nhà văn và Nguyễn Vỹ làm Thanh  tra học chánh trước 1975.
(14) TUẤN, Chàng Trai Nước Việt, Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX, sđd,tr.752
(15) Nhà văn hiện đại, tập II, Vũ Ngọc Phan, Nxb. Khoa học Xã hội, Tp HCM, 1989.
(16) Nghệ thuật hành văn, Nguyễn Thiên Thụ, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1971, tr 140.
(17) TUẤN, Chàng Trai Nước Việt, Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX, sđd, tr 742.
(18) Tout seul: người cô độc, Ông tú Khôi “cô độc” vì không giống ai về bản lĩnh sống và viết. Đại thi hào Tagore viết: “Personne ne  répond à ton appel/ Marche tout seul, marche tout seul.Nghĩa là: Nếu chẳng ai đáp lời bạn gọi/ Bước một mình, bạn hãy đi lên. Nhà Nho  tân tiến, nhà Nho chân chính có cách nói trào lộng sâu sắc, pha phách cái khôi hài (ironie) của Tây phương mà Platon đã chủ xướng.
(19) “Xen” là cảnh, hoạt cảnh. Biến trại từ tiếng Pháp.
(20) Xưa nay, người ta đã đăng đàn diễn thuyết về thơ mới tại Hà Nội, Sài Gòn và cả ở Cố đô Huế. Người nói Tây, người nói Đông. Câu hỏi bay vút tận trời, sao cụ Phan Khôi không lên tiếng sớm.
15/8/2014
Lê Quang Thái
Nguồn: Tạp chí Sông Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...