Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Hoa bằng lăng tím

Hoa bằng lăng tím

Nắng nghiêng xế. Chiếc xe khách hăm bốn chỗ ngồi ì ạch bò lên con dốc phía tây. Gã tài xế trạc chừng bốn chục tuổi có gương mặt đăm chiêu đang tập trung trí lực, đánh vô lăng lệch trái, ngoặt phải, lách tránh những ổ gà lởm chởm trên mặt đường lộ. Từ phía sau, bà chủ xe khoác túi xách da màu nâu, bước lên giữa hai hàng ghế, cất tiếng nhắc nhở có khách đang chờ phía trước. Gã tài xế tỏ vẻ bực bội, miệng lẩm bẩm trách móc mụ chủ một điều gì đó.
Bên gốc cây Cầy trên đỉnh dốc, một người đàn ông đội mũ cối, quần áo bộ đội bạc màu, chân mang dép râu lấm lem bụi đất, tay phải ôm chặt chiếc ba lô cũ kỹ trước ngực, tay trái vẫy vẫy đón xe. Đang giữa mùa hè, bầu trời miền sơn cước cao, xanh đến lạ. Nắng tỏa sáng rực rỡ trên những tầng rừng xanh mênh mang. Đâu đó có tiếng nước suối rì rào lẫn tiếng chim rừng lảnh lót trong những tán lá.
Nhà văn Phan Thế Hữu Toàn
Xe chưa kịp dừng hẳn bên lề đường, gã phụ xế nhảy xuống từ bậc cửa phía sau, chạy đến bên gốc cây Cầy, cất tiếng hỏi:
– Đi đâu hả chú ?
– Tôi về Tuy Hòa. Bao nhiêu tiền? – Người đàn ông cẩn trọng dò hòi.
Nhìn thấy người khách có chút khác biệt, lạ thường. Ba lô không mang trên lưng, mà lại ôm chặt trước ngực, chừng như sợ đánh rơi. Gã phụ xe chợt nghĩ đến giới đi địu tìm trầm. Thừa biết từ giờ đến chiều tối không còn chuyến xe khách nào từ Tây Nguyên xuôi đồng bằng trên huyết mạch giao thông quốc lộ 25, gã phụ xế tranh thủ “moi” tiền :
–  Một trăm ngàn.
Ngạc nhiên trước giá tiền xe cao gấp đôi bình thường, người khách hỏi lại :
–  Sao đắt dữ vậy ? Chú em tưởng tôi buôn lậu à ?
– Tôi lạ gì dân tìm trầm đâu mà chú né tránh. Đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày, chú không đi thì ở lại với rừng. Nếu đi thì tự chịu trách nhiệm cái ba lô. Hồi này có nhiều nguồn tin những nhóm đi địu trúng đậm trầm kỳ lên tới năm, bảy tỷ, mấy ông kiểm lâm, cảnh sát kinh tế đang truy xét gắt gao.
Người khách miễn cưỡng bước lên xe tìm chỗ ngồi sau khi chủ động trả tiền thêm một ghế để đặt chiếc ba lô. Xe tiếp tục lăn bánh vài trăm mét, chị phụ nữ ngồi kế bên nói tiếng Bắc, khơi chuyện làm quen :
– Đây là đâu vậy anh ?
– Xã Krông Pa, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này cũng là địa bàn tiếp giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Ngừng một lát, người đàn ông chủ động giới thiệu:
– Tôi thứ Ba, tên Vĩnh. Còn chị ?
– Em là Nụ, nhà ở Hưng Yên. Hai tuần nay lên Chư Sê, giờ xuống Tuy Hòa thăm người bà con vài hôm nữa mới về. Lần đầu tiên đi qua tuyến đường này, nên em tìm hiểu để biết địa danh.
– Tôi thì khác. Đã có một thời gắn bó máu thịt với vùng đất này rồi. Nhiều kỷ niệm lắm. Vui có, buồn có. Chiến tranh thật khốc liệt, thật nghiệt ngã và thật…
Giọng Ba Vĩnh lắng xuống, bất chợt im lặng hồi lâu, rồi thở dài nghe buồn nẫu ruột.
Xe chạy chậm trên cung đường uốn lượn ven rừng đặc dụng Krông Trai. Tháng sáu, gió nam non thổi hiền lành, mát rượi. Nhìn những chùm hoa bằng lăng nở tím trên triền đồi ven lộ, Ba Vĩnh chợt thấy nao lòng. Ký ức chiến tranh đánh thức tâm trí người cựu binh năm xưa. Ký ức đó có mùi thuốc súng giữa những trận chiến khốc liệt lẫn trong khói lửa, âm thanh chát chúa của đạn bom. Có bát canh rau rừng ngọt lành giữa buổi trưa ở căn cứ. Có cơn sốt rét tái phát, hành hạ đồng đội trên đường hành quân giữa mùa lũ lụt. Có những giấc mơ đến ngày hòa bình, đẹp như buổi bình minh tinh khôi từ phía biển…
*  *  *
Ba Vĩnh sinh trưởng ở làng quê phía hữu ngạn hạ lưu sông Bình Bá đổ ra cửa biển Tiên Châu. Con sông gắn bó suốt quảng đời niên thiếu của ông với những trưa hè cùng đám bạn trong làng tung tăng bơi lội, những ngày thu dịu mát mải mê cào hến, rồi đêm đêm theo cha xách đèn măng xông đi soi tôm cua, lên xuồng giăng câu, thả lưới đánh bắt cá. Ở quê nhà thời ấy, Hai Kỳ là người bạn thân thiết nhất với Ba Vĩnh. Tuổi mười sáu, nhưng vóc dáng Hai Kỳ cao khỏe, vạm vỡ. Trầm tính, hiền lành, nhưng sống bản lĩnh và giàu nghĩa nhân. Trận lũ tháng mười năm nọ, nước từ thượng nguồn ập về lúc trời vừa sáng tỏ, cuộn chảy ầm ào, xô đập sạt lở bờ sông, cuốn sập gần chục căn nhà. Nghe tiếng kêu la hoảng loạn của những gia đình bị nạn, nhiều người đổ xô đến cứu giúp. Trong chớp mắt, Hai Kỳ nhảy xuống dòng nước chảy xiết, đục ngầu sủi bọt, vươn cánh tay rắn khỏe cứu cô con gái út ông Ba Thiện, dìu vô bờ trước sự cảm phục của nhiều người.
Hai Kỳ là đứa con duy nhất của vợ chồng Sáu Bửu – một ông giáo làng, bản tính khiêm tốn, kiệm lời, nhưng rất thương người. Ngày, ông đến lớp dạy chữ miễn phí cho bọn trẻ nhà nghèo. Đêm, ông ra sông chèo xuồng nan hành nghề chài lưới. Mớ cá kiếm được mỗi đêm không nhiều, nhưng dường như đời sống thường nhật của ông giáo làng không thể nào thiếu vắng con sông Bình Bá. Vậy mà, Sáu Bửu bất ngờ biến mất sau một đêm cuối tháng tư, khiến cả làng hoảng hốt, xôn xao. Giữa lúc người dân trong làng tất bật ra sông tìm kiếm, đám Cảnh sát từ trên quận ập về khám xét nhà ông giáo Bửu. Chúng lật tung mọi vật dụng lớn nhỏ trong nhà, ngoài vườn. Không tìm thấy gì, nhưng gã thiếu úy có hàm râu kẽm, gương mặt sẫm màu chì, quắc mắt, đe dọa vợ con Sáu Bửu :
– Thằng chồng mầy đội lốt giáo làng để theo Cộng sản. Nay mai bắt được, tao dẫn giải về đây treo ngược cành sộp, mổ bụng coi thử lá gan của nó to tới cỡ nào mà dám chống lại Quốc gia, tín cẩn Cộng sản.
Tới lúc đó, bà Diệu mới biết chồng mình là đảng viên, cơ sở cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch. Nửa tháng trước cuộc bầu cử hội đồng xã, hàng loạt tờ truyền đơn rải từ chợ đến ngã ba đường, phản bác những ứng cử viên xôi thịt, bất tài vô dụng. Cho rằng ông giáo Bửu có vốn liếng chữ nghĩa đã góp sức tích cực trong vụ rải truyền đơn, tên Quận trưởng khét tiếng gian ác, ra lệnh đám Cảnh sát ập xuống vây bắt khẩn cấp. Chúng không thể ngờ rằng, Sáu Bửu nhanh chân hơn một bước. Nhận được chỉ đạo hỏa tốc từ huyện ủy, đêm hôm đó Sáu Bửu vứt tấm lưới bên mép sông, nhấn chìm xuồng nan, tạo dựng một vụ lật xuồng, mất tích, trước khi thoát ly lên căn cứ.
Cuối năm. Thông qua đường dây liên lạc bí mật từ căn cứ xuống cơ sở, ông Sáu Bửu hướng dẫn Hai Kỳ cùng Ba Vĩnh lên núi trong một đêm mưa gió. Đôi bạn nhập ngũ vào đại đội đặc công khi đang độ tuổi mười bảy. Những buổi huấn luyện quân sự, võ thuật, kỹ thuật đặc công mệt nhoài. Những cuộc hành quân luồn rừng, lội suối xuyên đêm hối hả. Những trận tập kích cứ điểm của địch trong ánh chớp đạn pháo ầm ì, sặc
mùi thuốc súng. Những đêm nằm bên nhau giữa rừng ngắm trăng non qua tán lá. Những bữa cơm chiều giữa mùa khô vắt kiệt dòng suối…Tất cả như sợi dây vô hình gắn kết tình bạn, tình đồng hương, đồng đội giữa Hai Kỳ và Ba Vĩnh càng thêm thân thiện như anh em ruột thịt.
Chiến tranh luôn đầy ắp nỗi đau và nước mắt. Hai Kỳ gặp cha ở căn cứ chưa tròn nửa năm thì ông Sáu Bửu hy sinh trong chuyến công tác xuống đồng bằng, vấp phải một ổ phục kích của địch. Hơn hai giờ chống trả quyết liệt trong trận đánh không cân sức, Sáu Bửu trúng đạn, trút hơi thở cuối cùng sau khi gượng sức chồm dậy tung quả lựu đạn hạ gục bốn tên lính nghĩa quân đang truy đuổi từ phía sau, tạo điều kiện cho hai đồng đội trẻ thoát khỏi vòng vây của địch.
Thời điểm đó, địch huy động lực lượng tăng cường nhiều cuộc càn quét ráo riết vùng nông thôn. Sớm tinh mơ, trực thăng đảo lượn tầm gần. Những gã sĩ quan, binh lính đội nón sắt, mặc áo giáp, ngồi lầm lì hai bên cửa hông, tay ôm súng AR15 nã đạn bừa bãi xuống những triền núi bên đồng lúa, những bụi cây ven sông và những khóm dứa dại trên doi cát, để hỗ trợ đám lính bộ binh lùng sục, dò tìm hầm bí mật. Nhiều vùng quê, trong đó có làng quê bên bờ sông Bình Bá trở nên tan hoang thành vùng trắng bởi bom cày đạn xới, nhưng bà Diệu – người mẹ của Hai Kỳ vẫn bám trụ, khắc khoải chờ tin chồng, con. Ở nơi đơn vị đóng quân trong khu rừng nguyên sinh trên huyện Miền Tây, Hai Kỳ cảm nhận trái tim mình luôn se thắt nỗi đau mất cha, day dứt nhớ thương người mẹ. Nhiều đêm lặng nghe tiếng thở dài của Hai Kỳ, lẫn tiếng sột soạt cựa mình trăn trở trên tấm liếp nứa trong lán trại, Ba Vĩnh xót lòng. Cũng từ đó, Hai Kỳ càng trầm tính, ít nói hơn trước. Dường như nỗi đau thương dồn nén, bùng cháy trong tâm thức của người lính trẻ, thắp sáng lên ý chí kiên cường, dũng mãnh, nên trận tập kích cứ điểm Hòn Ngang đánh tan tác Liên đội Bảo An của địch, Hai Kỳ được đồng đội nhận xét là trinh sát thiện chiến.
Sau trận đánh đó, đại đội đặc công được lệnh hành quân khẩn cấp lên Phước Tân, khi có nguồn tin địch mở chiến dịch đánh phá địa bàn này. Cuộc hành quân trong đêm mùa khô. Những bước chân người lính tất bật xuyên rừng, dự báo một ngày đại thắng đang đến gần. Khi dừng chân ở một ngả rẽ, Ba Vĩnh lấy bi đông trà xanh rót vào ca nhựa, đưa cho Hai Kỳ rồi cất tiếng dò hỏi, nửa đùa, nửa thật:
– Giữa chốn rừng thiêng, nếu như có một ông Tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích, ban cho mỗi người một điều ước, mầy sẽ ước điều gì ?
– Tao chỉ ước mong chiến tranh kết thúc, đất nước sớm hòa bình, thống nhất. Ba tao hy sinh rồi, khi nào gác tay súng, tao về quê chăm sóc má. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm…
Nói tới đó, giọng Hai Kỳ trở nên nghẹn ngào. Ước mơ thật hiền lành, thật bình dị. Thế nhưng nghiệt ngã của cuộc chiến tranh đầy rẫy đạn bom loạn lạc đã cướp mất ước mơ trong sáng và đẹp đẽ của Hai Kỳ.
Chuyện khởi đầu từ một ngày cuối tháng chín năm 1971.
Tỉnh ủy Phú Yên nhận được nguồn tin cơ sở mật báo, địch tung nhiều toán biệt kích dò tìm căn cứ chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ tư. Mũi trinh sát bốn người do Hai Kỳ chỉ huy cắt rừng xuống hướng đông nam nắm tình hình, trước khi điều binh chặn đánh.
Suốt ngày tuần tra, dò tìm từ một dấu giày, mẫu tàn thuốc đến những cành cây, cuống lá dập gãy, nhưng không phát hiện nghi vấn nào. Ánh ngày vừa tắt, mũi trinh sát rút về một gộp đá, mật phục. Không khí đêm rừng dịu ngọt. Trong tiếng nước suối róc rách chảy đều đều, có tiếng tắc kè đâu đó vọng lại từng tiết tấu, nghe rất rõ. Dưới ánh trăng non chênh chếch ảo mờ, Hai Kỳ ngồi trên tảng đá, tựa lưng gốc cây, thả hồn trôi về miền quê thời niên thiếu. Đêm càng sâu, sương xuống càng thêm lạnh, hương hoa bằng lăng thoảng đưa trong gió. Tiếng Hai Kỳ thì thầm, rất nhẹ :
– Mùa này rừng ngập tràn hoa bằng lăng tím. Màu tím ngan ngát yêu thương nhưng ẩn chứa nét buồn man mác. Sau ngày hòa bình, tao sẽ bứng một gốc bằng lăng rừng thiệt đẹp mang về nhà trồng, để nhớ những ngày tụi mình ở căn cứ…
Ba Vĩnh linh cảm đằng sau những lời tâm tình của mũi trưởng có một điều gì đó lạ thường lắm. Chưa bao giờ người bạn nối khố có những ý tưởng lãng mạn đến thế. Anh húc nhẹ cùi chỏ vào hông Hai Kỳ, giục :
– Thôi, tìm chỗ ngủ một chút để giữ sức khỏe, ngày mai, ngày kia còn chiến đấu nữa chớ mậy.
Trời trở gió. Có tiếng lá rừng cuốn bay xào xạc. Hai người bạn chui vào gộp đá, chợp mắt trong chốc lát, đã nghe tiếng gà gáy sáng. Mũi trinh sát tiếp tục rà soát ngày thứ hai trên diện rộng. Xế chiều, trong lúc vượt qua con suối, một chiến sĩ trẻ phát hiện tàn thuốc Ruby còn rất mới. Mũi trinh sát vừa triển khai đội hình phòng thủ phía sau những tảng đá, thì nhiều loạt đạn AR16  bắn chếch lên ngọn cây, xé toạc không gian yên ả một góc rừng. Bất chợt, tiếng một gã lính nào đó lải nhải kêu gọi qua chiếc loa pin cầm tay :
– Hỡi các chiến binh Việt Cộng. Các bạn đã bị bao vây tứ phía. Chỉ còn một lối thoát duy nhất là buông súng đầu hàng, trở về với chính nghĩa Quốc gia… Hỡi các chiến binh Việt Cộng. Chúng ta đều là anh em một nhà…
– Quân lừa bịp, mị dân. Chính nghĩa Quốc gia giả tạo. Bọn mầy rặt một đám tay sai, nợ máu, dám xưng hô bạn bè, anh em với tụi tao.
Vừa lẩm bẩm chửi đối phương, Hai Kỳ vừa hướng nòng súng tiểu liên AK47 về phía tiếng loa, định siết cò, nhưng ý thức tổ chức kỷ luật trong chiến đấu đã buộc người lính có bản lĩnh phải kiềm chế. Ba Vĩnh thì thào :
– Địa hình khu rừng này hết sức hiểm trở, tụi mình chủ động tiếp cận trước, không hiểu sao lại bị lộ…
Ba Vĩnh vừa dứt lời, những loạt đạn của địch bắn xối xả. Trong khoảnh rừng phía trước lấp ló bóng dáng hàng chục tên lính rằn ri, ôm súng dò dẫm từng bước. Bốn trinh sát đang tranh thủ siết chặt tay, nhìn nhau bằng ánh mắt ẩn chứa lời thề cảm tử thì tiếng loa của địch tiếp tục lải nhải kêu gọi đầu hàng. Đáp lại giọng điệu bịp bợm là một loạt đạn AK47, khiến ba tên trong toán biệt kích đi đầu đổ gục. Hoảng loạn, những tên lính còn lại vội vã dạt ra hai bên, nép mình sau gốc cây, nổ súng bắn xối xả. Hai Kỳ khoát tay ra hiệu cho đồng đội chuyển hướng, trong khi một gã sĩ quan của địch rướn gân cổ văng tục, gào thét qua máy truyền tin PRC25 kêu gọi tăng cường binh lính, mưu toan “bắt sống nhóm Việt Cộng”. Hai Kỳ xốc lại khẩu súng, điềm tĩnh ra lệnh :
–  Đã đến lúc phải bám trụ chiến đấu quyết liệt. Với số đạn mỗi người mang theo chỉ hai băng, cần phải có chiến thuật tinh tế, linh hoạt…Khi có điều kiện chỉ được phép rút về buôn Khăm, đánh lạc hướng địch, không để lộ mục tiêu căn cứ các cơ quan của tỉnh ở Phước Tân…
Mũi trưởng chưa dứt câu, binh lính địch đồng loạt nổ súng, vãi đạn tứ tung, trong lúc Hai Kỳ cùng đồng đội ẩn mình bên những tảng đá. Khi một toán lính địch tiến đến khoảng cách rất gần, Ba Vĩnh rút chốt quả lựu đạn, ném về phía trước. Sau tiếng nổ dội vang, nhiều tên lính gục ngã, tiếng kêu la thảm thương lẫn trong bụi đất tung lên mù mịt.
Ngày cuối thu, chiều xuống chậm. Hai Kỳ đang căng mắt quan sát địch qua khe đá, vắt óc tìm phương án rút quân, thì địch mở đợt tấn công mới. Dữ dội và ác liệt hơn. M79 dội ầm ào khiến những tảng đá vỡ toác. Mũi trinh sát đang luồn rừng, rút về hướng tây giữa làn mưa đạn của địch, thì Hai Kỳ ngã xuống thềm rừng khi bị trúng đạn từ phía sau. Trong chốc lát, anh cảm nhận đầu óc nặng trĩu. Ngước nhìn lên tán lá, cây rừng như đang chông chênh, nghiêng ngã, nhưng anh vẫn cố giữ vẻ điềm tĩnh, bảo :
– Tao ở lại chặn đánh địch, hỗ trợ anh em rút về hướng buôn Khăm.
– Không được. Tụi tao không thể bỏ mầy.
Mệt lả vì vết thương ở lưng phổi ra nhiều máu, Hai Kỳ nói ngắt quãng trong hơi thở yếu ớt :
– Một người hy sinh để…để cứu ba người là…là cần thiết…Nếu tao không trở về… không trở về được nữa, đến ngày hòa bình… mầy xin lỗi má Diệu giúp tao…
Những toán lính địch hối hả lao lên. Hai Kỳ gượng sức chồm dậy ôm chặt khẩu súng, siết cò. Ba Vĩnh cùng hai trinh sát nép mình bên mấy gốc cây đại thụ gần đó, nã đạn. Cuộc chiến đấu không cân sức tiếp diễn quyết liệt, đến khi trời sụp tối Hai Kỳ trút hơi thở cuối cùng. Tiếng súng tạm lắng. Chừng như bóng đêm là lực cản cả hai phía và cũng là khoảng thời gian cần thiết để địch tăng cường thêm biệt kích. Ba Vĩnh lặng lẽ cõng xác Hai Kỳ, dò dẫm xuyên rừng trong bóng đêm. Gần sáng, anh cùng hai đồng đội tranh thủ chôn cất Hai Kỳ khi những toán lính địch đang mở cuộc truy kích phía sau. Bên dưới huyệt, ngoài cành hoa bằng lăng tím, Ba Vĩnh cẩn trọng đặt vào lòng bàn tay người đồng đội một kỷ vật tìm thấy trong chiếc ba lô. Đó là miếng nhôm do chính tay Hai Kỳ khắc tên và phiên hiệu đơn vị trong những ngày ở căn cứ. Nước mắt Ba Vĩnh tuôn trào, anh thì thầm trong tiếng nấc :
– Nghiệt ngã chiến tranh khiến cho mầy phải nằm lại nơi này. Khi nào hòa bình tao sẽ đưa mầy về quê. Tao hứa…tao hứa sẽ thay mầy chăm sóc má Diệu thật chu đáo…Tao hứa…
Có tiếng súng của địch rất gần, Ba Vĩnh cùng hai đồng đội phủ lá khô kín mộ Hai Kỳ, rồi rút nhanh lên hướng tây trong tâm trạng ngậm ngùi thương tiếc…
*  *  *
…Chiếc xe khách khựng lại sau cú đạp phanh vội vàng của gã tài xế khiến cho dòng ký ức chiến tranh trong tâm trí Ba Vĩnh bị ngắt quãng. Một vài hành khách đang ngon giấc cũng phải bật dậy. Phía trước là tổ công tác phối hợp giữa cảnh sát và kiểm lâm cơ động. Họ ra hiệu lệnh kiểm tra. Trong lúc gã tài xế xuất trình giấy tờ cho thiếu úy cảnh sát giao thông, hai cán bộ cảnh sát kinh tế, kiểm lâm bước lên xe. Một người trong số họ là thiếu tá Tuấn cất tiếng:
– Xin lỗi tất cả hành khách trên xe. Chúng tôi nhận được nguồn tin có người đang vận chuyển lâm đặc sản trái phép với số lượng lớn, nên tiến hành kiểm tra theo quy định pháp luật. Đề nghị mọi người hợp tác để chúng tôi thực thi nhiệm vụ.
Những ánh mắt nhìn nhau ẩn chứa sự hoài nghi. Dường như có kẻ nào đó đã dòm ngó, mách lẻo, nên tổ kiểm tra không cần dò xét nhiều người. Thiếu tá Tuấn chủ động đến cạnh Ba Vĩnh, cất tiếng :
– Anh mở ba lô cho chúng tôi kiểm tra.
– Các anh có lệnh khám xét của cơ quan thẩm quyền không ?
– Chúng tôi không khám xét, mà chỉ kiểm tra hành chính.
– Các anh nghi ngờ gì trong ba lô ?
Ba Vĩnh tỏ thái độ bực bội, trong khi thiếu tá Tuấn khẳng định :
– Trầm kỳ. Đây là loại lâm sản đặc biệt, pháp luật nghiêm cấm khai thác, tàng trữ và vận chuyển trái phép.
– Các anh nhầm rồi. Tôi cam đoan trong ba lô không có trầm kỳ.
Ba Vĩnh vừa lắc đầu, quả quyết, vừa móc ví da chìa ra hai tấm thẻ đảng viên, hội viên cựu chiến binh, nhưng thiếu tá Tuấn lắc đầu, nói :
– Đây là giấy tờ chứng minh vai trò, nhiệm vụ chính trị của cá nhân anh trong tổ chức đảng, tổ chức cựu chiến binh. Giấy tờ đó không thể chứng minh trong ba lô không có hàng cấm, hàng lậu.
Ba Vĩnh đứng phắt dậy, gương mặt nghiêm nghị :
– Các anh không được xúc phạm…Nên nhớ rằng, bao nhiêu ký trầm kỳ cũng không sánh nổi giá trị trong chiếc ba lô này.
Nhiều hành khách trố mắt ngạc nhiên. Có người cất tiếng hỏi :
– Trầm kỳ không sánh được ? Vậy thì trong ba lô có kim cương, đô la tính bằng ký?
Một người khác chen vào bằng thái độ gay gắt:
– Không cho kiểm tra thì cảnh sát mời xuống xe, để chúng tôi tiếp tục hành trình. Lẽ nào một hành khách gây khó hàng chục người mệt mỏi chờ đợi dây dưa.
Thiếu tá Tuấn vẫn kiên trì, lựa lời thuyết phục :
– Anh thấy đó. Chủ xe, hành khách đều không muốn bị phiền phức. Mọi công dân phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật. Anh là đảng viên, cựu chiến binh cần phải gương mẫu…
Đến nước đó Ba Vĩnh đành mở chiếc ba lô trước những ánh mắt tò mò của nhiều người khách. Không hề có trầm kỳ, kim cương hay đô la. Bên trong là một bọc ni lon màu xanh được gấp, buộc rất cẩn trọng, gọn gàng. Và khi mở ra, không riêng những cán bộ thi hành công vụ, mà hàng chục hành khách chứng kiến cuộc kiểm tra đều lặng người trước bộ hài cốt. Ba Vĩnh nói trong tâm trạng bồi hồi :
– Đây là hài cốt liệt sĩ Hai Kỳ – người bạn đồng hương, đồng đội của tôi. Anh ấy hy sinh anh dũng sau trận chiến đấu ở một cánh rừng phía tây. Dòng thời gian và những biến động thời tiết khiến cho nơi chôn cất Hai Kỳ năm xưa đổi khác quá nhiều. Hàng chục năm qua tôi đã nhiều lần trăn trở, tìm kiếm, đến nay mới gặp lại anh ấy…
Không ai bảo ai, mọi người cùng lặng lẽ dành một phút tưởng niệm liệt sĩ. Thiếu tá Tuấn xúc động bày tỏ :
– Chúng tôi thành thật xin lỗi anh. Thành kính xin lỗi vong linh liệt sĩ Hai Kỳ.
Xe lăn bánh tiếp tục hành trình về xuôi. Trong ánh hoàng hôn chập choạng đang nhường lại không gian cho bóng đêm, Ba Vĩnh cảm nhận trước mắt anh là má Diệu với mái tóc bạc trắng, vết thời gian xếp dày trên gương mặt hao gầy, đôi tay gầy guộc ôm ấp bọc ni lon màu xanh. Những giọt nước mắt tuôn chảy xuống bờ môi khô khát. Nước mắt người mẹ đón con trở về trong vòng tay ấm áp yêu thương. Nước mắt Bà mẹ Việt Nam anh hùng ẩn chứa nỗi đau chiến tranh và lấp lánh niềm tự hào.
Một cơn gió xao xác lùa qua ô cửa xe. Ba Vĩnh chợt nhớ những lời tâm tình của Hai Kỳ trong đêm trăng cuối cùng ở rừng. Anh tự nhủ với lòng mình, đưa Hai Kỳ về làm thủ tục cải táng ở nghĩa trang liệt sĩ xong, mình sẽ trở lại rừng bứng một cây bằng lăng tím thiệt đẹp, mang về xuôi trồng bên ngôi mộ của người bạn, người đồng đội thân thương.
28/5/2020
Phan Thế Hữu Toàn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyên Hồng - "Gorky của Việt Nam"

Nguyên Hồng - "Gorky của Việt Nam" Nguyên Hồng được ví như nhà văn của những người cùng khổ. Những tác phẩm của ông như “Bỉ vỏ”,...