Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Lê Thành Nghị: "Đi xa nhớ về, khổ đau càng muốn về…"

Lê Thành Nghị: "Đi xa nhớ về,
khổ đau càng muốn về…"

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị tác giả của 5 tập thơ và các tập tiểu luận phê bình văn học chia sẻ: Hà Tĩnh quê ông đang những ngày chống lũ, nhiều cảnh đời, cảnh người khiến ông xem mà ứa nước mắt. Đó là một vùng đất đã đi vào thơ ca, nhạc họa, nhưng cũng là nơi hứng chịu những đợt thiên tai khủng khiếp.
Có lẽ bởi quá nhiều gian khổ, thiên tai, có lẽ bởi phải chống chọi trong những cơn hoạn nạn, nên đó cũng là mảnh đất đầy nhớ thương cho những người con xa xứ vọng về. Đó cũng là những ngày mà trong những trang thơ, trang văn của ông, quặn thắt những nỗi niềm mùa lũ, và những nhớ thương cứ day trở trong ký ức hiện về…
Nhà thơ Lê Thành Nghị
Kể về mảnh đất Hà Tĩnh quê mình, giọng ông lạc đi bởi nhìn cảnh những ngôi nhà chìm trong lũ, trái tim ông đau đớn. Dễ hiểu vì sao, lâu nay, Lê Thành Nghị vẫn viết đều đặn, cả thơ và phê bình tiểu luận. Thơ ông vẫn luôn đầy chất lãng mạn, trữ tình, đầy thiên nhiên, luôn có dòng sông, mặt hồ, luôn có hàng cây, bầu trời, ngọn gió… Nhưng nếu là sông thì đó là dòng sông chảy trôi phiền muộn, nếu là hồ thì đó là hồ lặng nắng mê man, nếu là hoa thì đó là hoa tím được bao nhiêu trước mãi mãi hoang tàn…
Một sự lắng trải qua những đắp đổi của thời gian, của tâm trạng, của sự thức ngộ. Nếu không có bão lũ, thiên tai, thì mảnh đất ấy đẹp ngút ngàn. Thiên nhiên trong thơ ông hiện lên thanh sạch, không phải là những gì nhìn thấy mà là những gì cảm nhận thấy. Đó là thiên nhiên đã lọc qua nhiều cung bậc của tâm hồn.
“Những rừng tràm bao la giữa lòng tôi/ Mùa đông cứ tắt dần trên lá đỏ/ Thung lũng chứa được bao nhiêu gió/ Rụng hết lá đi rừng tràm ơi!/ Mùa xuân về trong gương bạn tôi soi/ Một cặp mắt đen tròn, sâu thẳm/ Lòng hồi hộp rồi lòng yên tĩnh/ Lúm đồng tiền trên má con trai.” (Rừng tràm cuối mùa đông).
Lê Thành Nghị sinh tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Gia đình ông có truyền thống nho học từ xưa. Cụ nội, ông nội đều đỗ tú tài về mở lớp dạy học trong làng. Cha ông là một nhà giáo thường đi dạy học ở các địa phương trong tỉnh.
Ông từng theo cha xuống Thạch Kim, về Nghèn học, mỗi năm một nơi cho đến hết những năm cấp 1. Những năm học phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng, rồi cấp 3 Can Lộc, Lê Thành Nghị luôn là học sinh giỏi văn nhất các khóa học.
Ông đã từng đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 9 và lớp 10, đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm 1965, 1966. Ông tốt nghiệp xuất sắc khoa Ngữ văn, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội và sớm trở thành một cán bộ nghiên cứu Văn học của Viện Văn học. Đầu năm 1972, ông nhập ngũ.
Mấy năm phục vụ trong binh chủng Thông tin liên lạc, ông hoàn thành nhiệm vụ và lành lặn trở về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tại đây, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (năm 1981) rồi lại về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Lê Thành Nghị thừa nhận rằng, ông hết sức yêu mến nền văn học Nga, ông hết sức yêu mến thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, nhưng người khơi gợi trong ông tình yêu văn chương không ai khác chính là ông hoàng thơ tình, người đồng hương của ông – nhà thơ Xuân Diệu.
Ông kể lại: “Năm tôi học lớp 5 ở trường Cấp 2 Thụ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, nhà trường mời nhà thơ Xuân Diệu từ  Nghèn (Trảo Nha) về nói chuyện thơ với giáo viên, học sinh của trường. Tôi không nhớ Xuân Diệu đã nói gì về thơ, chỉ biết rằng, sau đó, mỗi buổi sáng đi bộ trên con đường quen thuộc đến trường, tôi nhận ra được nhiều điều mới mẻ, có khi chỉ là một bông hoa nhỏ xíu tim tím trong lùm cỏ, có khi là bầy sẻ đồng ríu rít bên vạt lúa chín, có khi là mùi bùn hăng ngái từ ao sen làng…
Sau buổi nói chuyện ấy, nhà trường phân công một tốp học trò 5 em lít nhít đi tiễn thi sĩ họ Ngô về Nghèn, trong đó có tôi. Hồi đó, thù lao mà nhà trường trả cho nhà thơ Xuân Diệu là mấy bị khoai lang mà tôi tin rằng, nếu không có mấy cậu học trò đi về cùng xách thì nhà thơ Xuân Diệu chắc sẽ đành “bỏ của chạy lấy người” mà thôi.
Cả một quãng thời gian đi bộ 8 cây số từ Cầu Trù lên Nghèn, dù nhà thơ Xuân Diệu đôi lúc có hỏi chúng tôi một vài điều gì đó rất qua loa nhưng ấn tượng về ông đối với tôi thực sự rất lớn, nó nuôi dưỡng cho tâm hồn tôi trong suốt những năm học phổ thông. Sau này, khi đã đi theo văn nghiệp, tôi có nhiều dịp gặp ông và nhắc lại,  Xuân Diệu ngúc ngắc cái đầu nói là… không bao giờ quên kỷ niệm ấy “.
Với tình yêu văn học từ rất sớm, với những kiến thức mà ông tích lũy được, lại được làm việc trong cùng một nhà với những Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc… không những học được những bài học về nghề mà còn là những bài học làm người.
Những bài viết về chân dung của họ như các bài viết về Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng… sau này của Lê Thành Nghị vừa chứa đựng sự hiểu biết kỹ lưỡng về những đóng góp văn chương cũng như nết ăn, nết ở, nết viết… của từng người.
Người đọc thích thú những bài viết này ở chỗ, Lê Thành Nghị quá trân trọng những đóng góp dù to, dù nhỏ của họ, lại hé mở cho người đọc thấy hình ảnh đậm nhạt của mình như một người trong cuộc. Một cách viết chân dung văn học rất ấn tượng, chỉ điểm qua những nét đặc trưng của tính cách rồi đi sâu phân tích những cái hay của tác phẩm của họ với những nhận xét thấu đáo, thuyết phục.
Lê Thành Nghị là người được đào tạo để làm công tác lý luận phê bình văn học. Nhiều năm ông đảm nhiệm công tác lý luận phê bình văn học của tạp chí VNQĐ, cũng như của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã viết ba tập sách về thể loại này: Văn học, sáng tạo và tiếp nhận (1995), Trước đèn thơ (2005), Còn lại sau ngôn từ (2014).
Ở mảng sách này, Lê Thành Nghị phát huy sở trường của mình là người sáng tác, vì vậy văn phê bình của ông được viết mềm mại, cảm nhận của ông rất tinh tế, nhận định của ông rất thuyết phục và đặc biệt là sự tôn trọng công việc của người sáng tạo.
Chẳng hạn những bài viết về Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu; Nguyễn Khoa Điềm; những bài viết về các cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thi (Ở xã Trung Nghĩa), của Nguyễn Khải (Gặp gỡ cuối năm), Nguyễn Trí Huân (Chim én bay), của Xuân Đức (Trở lại bến đò xưa lặng lẽ), của Văn Lê (Mùa hè giá buốt); các bài viết về Tagor, về Xuân Thiều, Dũng Hà, Hà Minh Đức, về thơ hôm nay… trong các tập sách vừa nêu trên đây của ông.
Lê Thành Nghị cũng được đánh giá là người cần mẫn, ông cần mẫn với công việc, với thi ca. Thực tế, gọi Lê Thành Nghị với chức danh nhà thơ e không đúng với vai trò của ông bây giờ, vì ông vừa viết phê bình văn học, vừa làm thơ, mà xem ra mặt nào ông cũng bỏ hết tâm trí của mình, mặt nào, thơ hay phê bình ông cũng có thành tựu, được đồng nghiệp ghi nhận.
Nhưng theo tôi, ông là nhà thơ đích thực thuộc về số không nhiều những nhà thơ đúng với nghĩa của từ này. Năm 2012 ông nhận được giải thưởng Nhà nước cũng với những đóng góp ở lĩnh vực thơ.
Tập thơ “Mưa trong thành phố” của Lê Thành Nghị
Ông là tác giả của 5 tập thơ trong đó có 2 tập từng được giải thưởng của Hội Nhà văn (Mưa trong thành phố và Mùa không gió), và mấy năm trước ông đem tặng bạn bè tập thơ đầy đặn Sông trôi không lời mà tôi tin ai đã đọc nó đều có thể đồng ý với tôi về nhận xét trên đây.
Năm nay, 2016, ông lại vừa in tập thơ Khoảng giữa những giọt sương, gồm 60 bài. Một tập thơ được viết trong khoảng thời gian sáu, bảy năm qua, đầy đặn chất trữ tình và nặng trĩu những suy tư về con người, về lẽ sống, về tình yêu… được nhiều đồng nghiệp tìm đọc.
Nhưng như một người trải đủ những vui buồn trong giới, có đủ những kinh nghiệm ứng xử nghề nghiệp với thành công và thất bại, ông tự tin từng bước một khẳng định mình trong sự nghiệp, không quá đề cao công việc của mình, xem đó cũng là một cái nghề bình thường như bao nghề khác, và dành hết đam mê cho nó.
Tuy nhiên, với bản tính của một người ít khi nói về mình, nói theo cách hiện đại là ông ít tự PR cho mình, ít đến chốn đông người, ít ngồi quán xá bia rượu, nên thành công đến với Lê Thành Nghị, vì vậy, cũng ít sự ồn ào.
Ông tự nhận mình là một người sống khá “tẻ”, theo nghĩa đen, vì ông không biết đánh cờ, không biết uống rượu, không biết hút thuốc, cũng chẳng có điều tiếng trong chuyện tình cảm. Nhưng không phải ông không đa cảm, vì nhà thơ nào mà chả xao lòng trước cái đẹp, nhưng dường như với Lê Thành Nghị, bao nhiêu nỗi niềm ông gửi hết vào thi ca, vào câu chữ.
Ông âm thầm tự làm lắng lại các xúc cảm để dồn nó lên ngòi bút, như một cách tự thắp lửa cho trái tim mình. Đến đây tôi hiểu vì sao ông viết “Sông mất một đời trôi đi dại dột/ Tôi mất một đời để quên một người”. Thế nghĩa là với ông không hề có những thứ tình cảm dễ dãi, thoáng qua.
Quên một người, có thể người đó là người trong mơ ước từ thuở trẻ, có thể là người đáng căm ghét đã gặp bất đắc dĩ trong đường đời. Nhưng quên để nhớ, quên một để nhớ tất cả. Có phải đó là điều ông muốn chuyển đến chúng ta, vì biết trong cuộc đời chúng ta, cũng từng hiện hữu ít nhất một người như vậy.
Lê Thành Nghị được coi là một trong những người vẹn tròn trong nhiều lĩnh vực. Với ông giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, mơ mộng đến đâu rồi cũng phải có một chốn đi về. Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng “con nhà lính” nên ông vẫn lập cho mình một “thời gian biểu” kín mít: lướt web, đọc sách, viết lách, tập thể thao…
Có công việc, họp hành, ông tự lái ô tô riêng để thử sức bền của tay chân, sắc bén của thị giác, tinh nhạy của tinh thần hòa cùng phố phường tấp nập. Nhưng rồi, ông bảo, dường như mọi bình yên của mình bị xáo trộn, bởi vì sau tất cả, vẫn còn có tuổi thơ, vẫn còn có một miền quê, một miền quê bão lũ thiên tai, những con người khổ sở chống lũ, chống hạn, chống những khắc nghiệt của thời tiết.
Ông ở giữa thủ đô nhưng vọng về trong ký ức những hoài niệm. Gia đình ông cũng tham gia làm từ thiện cho bà con vùng lũ để bớt chút nào những nhọc nhằn mà bà con đồng hương phải chịu đựng, như cách nói của nhạc sĩ An Thuyên trong bài hát “Hà Tĩnh mình thương”: “Đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về”.
Còn riêng ông, khi cơn lũ về là những ký ức lại hiện về đầy day trở, và tâm hồn nhà thơ không yên ổn, lại có một mơ ước thật giản dị, cho riêng mình, cho gia đình, cho quê hương: “Tôi đã bao lần ngồi trong nắng sớm/ Chẳng chờ đợi gì ngoài một giọng chim/ Tôi đã bao lần trên con đường vắng/ Chẳng chờ đợi gì ngoài khoảnh khắc lặng yên/ Tôi đã bao lần trôi trên suối tím/ Chẳng ước ao gì ngoài được trôi êm“…
24/10/2020
Trần Hoàng Thiên Kim
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...