Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

"Mở mắt ngày đã trôi": Những đồng cảm gọi tên

"Mở mắt ngày đã trôi":
Những đồng cảm gọi tên

“Mở mắt ngày đã trôi” là tập truyện mới của nhà văn Hoàng Thanh Hương nằm trong đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thực hiện năm 2020. Tập truyện ngắn với dung lượng vừa phải của 17 câu chuyện được tác giả viết cho những người phụ nữ với giọng văn mượt mà sâu lắng, đầy chất tự sự.
Với chị Hoàng Thanh Hương, mảnh đất Tây Nguyên không phải là quê hương nơi chị sinh ra nhưng nó là nơi chị lớn lên và đem lòng yêu thương sâu nặng để rồi gắn bó ở mảnh đất nắng gió này 30 năm tròn. Không cần phải “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói, với chị, ngay cả khi chị lớn lên rồi sinh sống và làm việc tại chính mảnh đất Gia Lai chứ chả hề đi đâu xa mà mảnh đất này vẫn là cái nôi để nuôi dưỡng tâm hồn của chị, bồi đắp tâm hồn chị ngày càng sâu sắc.
Tập truyện “Mở mắt ngày đã trôi” của Hoàng Thanh Hương
Chị hiện đang làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, là một cán bộ công chức, nhà văn, người nghiên cứu văn hóa dân gian, người giảng dạy thỉnh giảng tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh… tôi thật nể vốn sống, sự trải nghiệm, tác phong làm việc và sức viết của chị. Trước đây, chị từng viết báo, làm thơ (3 tập thơ), 10 năm trở lại đây chị chỉ tập trung viết văn xuôi (3 tập truyện ngắn), viết bút kí rồi còn làm nghiên cứu văn hóa dân gian (1 cuốn về tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai) để có thể thỏa sức và tận tâm khắc họa vùng đất bazan đầy nắng gió, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, giàu bản sắc văn hóa tộc người Bahnar, Jrai… với nhiều dáng vẻ, đa dạng sắc vóc, nhiều chiều cảm nhận khác nhau, chị muốn thông qua những trang viết của mình gửi đến cho người đọc những thông điệp và muốn họ cảm nhận được vẻ đẹp, tình yêu, hơi thở của cảnh vật, của những con người hồn hậu nơi quê hương Gia Lai thân yêu – nơi chị yêu quý như máu thịt.
Nhà văn Hoàng Thanh Hương
Tập truyện với 17 câu chuyện được nhà văn chú ý khai thác về cuộc sống đời thường, về tình yêu và thân phận của những người phụ nữ rất gần gũi với độc giả. Tưởng chừng như các nhận vật ấy bước ra từ đời thực ở quanh ta, là một người đồng nghiệp bụng dạ hẹp hòi, nhiều tính thói xấu nơi công sở, một đồng nghiệp tốt bụng hiền lành, nhẫn nhịn chịu bao điều tiếng thị phi sau khi hôn nhân tan vỡ, một người chị hay một người hàng xóm nào đó tất bật với những lo toan tủn mủn của ngày, với những nỗi bất hạnh, những giấc mơ cỏn con bên lề cuộc hôn nhân và cả những so đo toan tính vụn vặt trong cuộc sống thường nhật, một kẻ nữ phản bội bạn bè vì háo danh và tham lam vật chất, những phụ nữ nghèo mơ đời tươi đẹp hơn từ những chịu thương chịu khó thường nhật… Tự thân các câu chuyện diễn biến, chuyển hóa và hình thành nên hồn cốt của nhân vật, không cần quá nhiều sự phân hóa, trúc trắc hay thủ pháp nghệ thuật, những câu chuyện của nhà văn Hoàng Thanh Hương tự cất lời một cách giản dị và gần gũi như cần phải thế, như đúng phải thế. Để rồi sau tất cả, những con người ấy, những nhân vật ấy tự ngộ ra cho mình con đường đi viên mãn hướng tới tính thiện lương trong tâm hồn và lối sống, khi ai cũng nhận ra một điều tha thứ và buông bỏ và hướng thiện là liều thuốc an lành bổ dưỡng cho cuộc sống thời 4.0 này.
Được biết tập truyện này của chị vinh dự nằm trong 1.500/2.500 công trình, nghiên cứu, tác phẩm được Hội VHNT các DTTS Việt Nam chắt lọc, tuyển chọn, biên tập và in thành sách. “Mở mắt ngày đã trôi” không quá nhiều triết lý, chỉ là sự chiêm nghiệm, sự chú tâm nhặt nhạnh của Hoàng Thanh Hương từ những câu chuyện rất đỗi đời thường trong cuộc sống để đến khi người đọc cầm trên tay, đắm mình vào những trang sách mới nhận ra có một phần nào đó thân quen của bản thân mình trong mỗi câu chuyện mà mình đang đọc để nhận thấy chính mình cũng đồng cảm với các nhân vật trong từng câu chuyện lúc nào không hay và cứ nhớ, cứ nghĩ, cứ thương, buồn, xót xa cùng họ và chợt ngộ ra cần phải biết yêu quý mọi người xung quanh đời mình hơn, trân trọng những gì đang có hơn và hướng thiện nhiều hơn vì cuộc đời trôi nhanh quá, vì mở mắt ngày đã trôi và trôi rồi…
12/8/2020
Lê Thị Kim Sơn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...