Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Một loài chim viễn xứ

Một loài chim viễn xứ

Qua Thằng Hốp, Thôi mới biết chuyện con nhỏ Đen kéo dài chuyến đi về nước. Sướng hé – Sướng gì mày tao ơi tao nghi có việc gì đó không ổn rồi, sao nó không điện cho mình. Giọng Hốp nói, Thôi thấy cái thằng sao lạ tỏ ra quan tâm đến người.
Đen trở lại Mỹ vừa bước chân xuống phi trường, cũng Hốp mừng cuống quýt báo tin đến từng anh em. Anh em ở đây là đàn con lai. Trừ thằng May lai da trắng nên nước da sáng sủa tóc hoe vàng. May như lựa được chỗ để lai đẹp hơn mấy đứa còn lại. Đen, Hốp rồi Tăng do gen của cha, người da màu quá vượt trội nên da của ba đứa đen bóng như gốc tràm lục (tràm chìm trong đất lâu năm hóa thành than), tóc lại oăn ôm sát da đầu nhìn không biết là đã lai giống. Hốp tên thật là Hops. Thằng Tăng gốc dân maroc nên có tên Pháp là Content gọi theo âm việt là Cỏng Tăng rồi kêu tắt là Tăng. Thằng Mỹ được mẹ đặt tên Mỹ cho nó tiện hơn là tìm tên khác nhưng anh em theo gọi là May. Con Đen cũng vậy do đen đúa xấu xí người gọi nó là con mọi đen riết rồi thành tên. Riêng thằng Hốp là đứa may mắn. Ông Smith lính thủy đánh bộ trở lại Việt Nam tìm con nhưng Hốp đã sang Mỹ, cuối cùng hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ba đứa kia không biết gốc gác ở đâu đang nhờ các tổ chức thiện nguyện dò la nhiều năm.
Nhà văn Ngô Khắc Tài
Thỉnh thoảng đám lưu dân xa xứ có dịp gặp nhau đủ mặt, Thôi tới mừng Đen về cảm giác mình đáng đứng giữa những anh nước ngoài. Cả bọn vây quanh nhỏ Đen mang về nhiều món quê hương và kể những chuyện vui buồn của chuyến đi. Chuyện buồn kể trước. Trước khi kể Đen xin điếu thuốc. Trông Đen giống tay chơi nhưng không phải, cái kiểu nhả khói nhẹ nhàng lặng lẽ. Khói bay đi tàn tro để lại trên tàn thuốc cho thấy nó, rượu nữa là thứ để cho người giải buồn. Từ khi ly dị anh chồng cùng da đen. Ban đầu Đen cũng ngỡ mình tìm được hạnh phúc sau đó mới nhận ra dù có cùng màu da nhưng, anh chồng chính gốc Châu Phi bậm trợ sôi nổi hai bên văn hóa không tương đồng. Ở Việt Nam vợ chồng không phù hợp vẫn tiếp tục chịu đựng sống bên nhau không nghĩ tới sự nhân đạo. Văn hóa của Mỹ có quan niệm đạo dức khác không yêu nhau thì hai đứa buông ra, may cả hai chưa kịp có con. Đen tìm tới thuốc lá nhưng không mua mà hút chỉa gặp ai có xin một điếu nhờ khói mang đi những nỗi phiền muộn. Má của mình chết rồi… mừng cho bả thoát kiếp người. Mặt mũi Đen buồn so như buổi chợ chiều vãn người.
– Chắc lần này là lần cuối cùng, tao không về Việt nam nữa tụi bay ơi. Chơi với nhau, gọi nhau là bạn thì biết bạn đau chỗ nào mặc dù bạn lấp lửng không nói hết. Tất cả lặng yên, nghe điều gì đó buồn mà không biết buồn kia tên gì. Chỉ có Thôi hơi bị bộp chộp – sao lại không về. Xứ sở lúc nào có tiền thì về ai cấm – ông để cho thiên hạ nói được không. Hốp đang lặng lẽ chợt lên tiếng, lúc đó Thôi mới nghĩ mình hớ hênh. Trước hết. Bộ đám Việt kiều không tiền về nước bị người xem thường sao. Sao lại đem chuyện tiền bạc xen vô chỗ tình cảm ai cũng biết nó muôn vàn phức tạp, xen vô chỗ quê nhà với bao gương mặt người thân yêu. Hơn nữa Đen đâu phải đứa tay trắng về làng. Theo chỗ Thôi biết Đen tuy là cô mọi Đen bụng dạ lại chẳng hẹp hòi với ai. Mỗi lần về nước Đen chuẩn bị quà cáp, tiền nong đâu trước cả năm. Hóa ra chuyện buồn vui của người hôm nay có nguyên nhân từ ngày hôm qua… Thử hỏi quê của Đen, những đứa con lai hai dòng máu là ở đâu. Là nơi mình được sinh ra và lớn lên chăng. Lâu nay Thôi hồn nhiên không để ý, qua chuyện Đen mới sực nhớ ra, tỉnh lỵ Long Xuyên, (giờ đã lên thành phố) quê của Thôi mặc dù là tỉnh lẻ hắt hiu đêm đèn vàng thả bóng gầy lê xuống lòng đường người thưa thớt không đông như ngày nay, Thôi nhớ nó cũng đã quy tụ nhiều sắc dân. Đám dân ngụ cư nói lên lịch sử của một vùng đất trải qua nhiều giai thoại thăng trầm. Đầu tiên là đám các chú ba Tàu phản Thanh phục Minh theo chân người Việt đến miền đất mới. Khi Thôi lớn lên thì đã thấy đám các chú hiện diện lâu đời ở theo mấy dãy phố buôn bán dọc bờ sông. Đám con nít hát ghẹo “các chú ba Tàu thằng nào cũng như thằng nấy”. Có đứa lại hát “lổ đít ba tàu…”. Tới đời thực dân Pháp xuất hiện mấy ông Ấn Độ lại kêu là Chà Và bán vải, cho vay, mấy ông Tây Đen, Ma rốc, Angiêri làm ở nhà máy đèn… Qua thời Mỹ các ông Mỹ trắng, Mỹ đen, Phi luật Tàn rồi Đại Hàn. Các ông lúc đi về xứ để lại đám con lai nhưng cũng có một số ở lại Việt Nam cùng vợ bà vợ Việt. Họ như tìm thấy Long Xuyên mảnh đất lành chim đậu, một nước Việt hiền hòa để dung thân trở thành quê hương thứ hai của mình. Nhưng chuyện này Thôi nhớ rất rõ. Mấy ông ba Tàu do cùng màu da vàng văn hóa phong tục dù sao cũng tương đồng, đám lai Tây Đen, Mỹ Đen da đen bóng, mặc dù ở quê hương mới không có nạn kỳ thị phân biệt chủng tộc nhưng vẫn có khoảng ngăn cách, xem đám lai da đen như một công dân loại hai. Và hình như người ở xóm ngoại ô  nghèo không vượt qua số phận nên tìm thấy niềm vui của mình nên người vui qua sự bất hạnh  của người khác. Thằng Rốc, con Rếch con của thiếm Lixi đi đến đâu cũng bị trẻ con, người lớn trêu chọc. Chính Thôi cũng tham dự vô trò ăn hiếp người, bắt chuột, bắt rắn liệng vô mình Rếch khiến con nhỏ sợ té đái ra quần. Thím Lixi như biết thân phận mình, ở xóm đàn bà sinh đẻ kêu thím tới chăm sóc, giặt đồ dơ cho bao nhiêu tiền cũng được không dám đòi hỏi. Có đám tiệc thím tới bổ củi, cắt cổ gà vịt, rửa chén được chủ nhà cho thức ăn mang về chớ không ngồi chung băn với ai. Dòng sông nước trôi, bèo rẽ theo lối bèo, lục bình kết thành đám lục bình nổi bềnh bồng.
Không phải tự nhiên hai anh em Rốc, Rếch tìm tới đám con lai ở xóm dưới xóm trên có gốc Ấn, gốc Mỹ, Campuchia đám cùng màu da kết thành một nhóm riêng chơi cùng nhau. Bao giờ ăn vụng hoặc không ăn cơm nhà lén vợ đi ăn phở nó rất ngon. Người lớn đã vậy nói chi đám con nít nghịch ngợm. Những buổi trưa hè đám con lai rủ nhau đi tắm sông, đi bắn chim, mò vô vườn của người thấy trái cây chín chủ chưa kịp hái chúng bẻ xuống chia nhau ăn. Buổi trưa hè đẹp như ca dao, bọn trẻ không nghĩ đó là hành vi trộm cắp mà chúng hái ăn chơi một hai trái có hết vườn cây đâu. Lẽ ra nó là kỉ niệm tuổi thơ nhớ mãi, người lớn thay vì rộng lượng bao dung lại nhìn tụi nó với con mắt thành kiến. Con lai con rơi chẳng đứa nào hiền lớn lên sẽ đi ăn cắp, ăn trộm quậy phá xóm làng. Nghĩ trong đầu thôi chẳng nói, đằng này hể trong xóm có mất gà, mất vịt họ quả quyết thủ phạm là mấy đứa con lai. Ngay cả Thôi lúc đó cũng có kiểu suy nghĩ đổ thừa người thế cô, không nghĩ tới thủ phạm chính là ông chồng hoặc con cái trong nhà ăn nhậu, cờ bạc hết tiền đi chà đồ nhôm, chôm đồ nhà. Đám thằng Hốp, Tăng, May rồi Đen ít khi nhắc chuyện cũ, dường như quen rồi những kỉ niệm tuổi thơ hơi bị buồn, muốn quên đi nhưng thỉnh thoảng Thôi vẫn nghe được, một đứa nhớ về quảng đời của mình, nghe mà bùi ngùi. Hình như với đám con lai ở đâu cũng vậy, ít có đứa nào may mắn, lớn lên như cây cỏ hoang dại mang nặng mặc cảm thân phận. Có chuyện Thôi mới thấy được mặc cảm ấy. Bấy lâu vẫn tưởng Đen còn gia đình bà mẹ già ở Việt Nam hóa ra đó chỉ là bà vú sau đó thành bà mẹ nuôi. Đen chỉ là đứa con rơi của một cô gái với anh lính Mỹ da màu vào giai đoạn Mỹ đổ bộ vào Việt Nam bao nhiêu đứa con lai ra đời giống trường hợp của Đen. Một số ít gặp được kẻ tử tế làm cha. Đa số đứa rơi vào trường hợp thằng cha trong túi có nhiều tiền đô la xanh, đô la đỏ. Tiền thay cho lương tâm, trách nhiệm nuôi con thuộc về  người mẹ. Ba của Đen thuộc loại thứ hai, đưa cho mẹ một ít đồng đô rồi về nước không trở qua mẹ của Đen ôm bụng bầu trông đợi mỏi mòn. Sinh Đen ra mẹ Đen xấu hổ nên tìm cho con một bà vú nuôi. Ban đầu mẹ Đen còn tiền của người lính để lại tới lui thăm con trả công cho bà vú sòng phẳng. Nhưng khi Đen được hai tuổi, mẹ Đen có chồng khác hay đã chết. Thời chiến tranh chuyện sống chết của một người không ai có thể lường được, nhất là sự mất tích của mấy cô gái lấy Mỹ giai đoạn ấy là chuyện bình thường nhưng Đen chưa bao giờ nghĩ mẹ mình chết dù mẹ đã bỏ con. Bà vú nghèo, ba đứa con còn nhỏ lại có thêm Đen đành phải đem Đen gởi vô viện mồ côi. Nhưng vì đã cho Đen bú móm nên mẹ đâm ra nhớ Đen chẳng khác gì con của mình. Và chỉ có tình mẫu tử mẹ từ xa vẫn nghe được tiếng con khóc, ngay cả khi con không khóc cũng vội vã chạy về cho bú móm nên gửi con được 3 ngày mẹ tất tả đến viện xin Đen về. Viện mồ côi thuộc tổ chức nhân đạo phi Chính phủ không phải là chỗ tùy tiện  để người mang con tới rồi lại bắt về, hơn nữa biết hoàn cảnh khó khăn của mẹ nên dùng dằng khuyên nên để Đen cho họ nuôi dưỡng. Bà vú trở nên quyết liệt, bắt đầu lúc này bà mới thật sự là mẹ của Đen – con của tui, tui bắt về. Không cần sự đồng ý của ai bà bồng Đen chạy vội vả ra cổng. Mấy bà phước bà  sơ ngơ ngác nhìn theo hai mẹ con… Đen lặng lẽ kéo hơi thuốc. Ráp nối những gì mình nghe Thôi thấy nó giống như đọc cuốn sách,  sự thật mà y như tưởng tượng. Gia đình hàng xóm ai cũng kêu mẹ đem cái cục than hầm đi cho rồi ngạc nhiên đưa mắt nhìn mẹ bồng cục than hầm về. Bà mẹ trở nên dữ dội đến bắt Đen về nhưng khi về đến nhà, tới xóm đôi tay trở nên yếu đuối như con gà mái xòe đôi cánh che chỡ con nhưng không đủ che. Ngay từ nhỏ Đen cảm nhận được mình là mục tiêu cho người trong xóm, đám trẻ con trêu ghẹo. Chơi với nhau phần hơn thuộc về đám trẻ, Đen chỉ nhận sự thua thiệt. Trở về nhà mấy anh chị không biết gì đến phải quấy hễ có chuyện lôi Đen ra đánh đập. Dường như Đen là cái gai trong mắt người nên thường bị những cái cú vô đầu, ngắt véo vô cớ. Hình như cuộc đời của người cũng bất hạnh nên tìm đến bất hạnh của người khác để xả giận sao đó Đen không dám khóc. Khóc người lại cho là con nhỏ lì ra đòn mạnh hơn. Mẹ rất thương Đen, có mẹ ở nhà mấy anh chị không ai dám đụng tới em nhưng khi mẹ gánh gánh tàu hủ đi bán kiếm sống trò chơi lại diễn ra nên mẹ không biết hết chuyện, Đen cũng không dám nói nỗi khổ ra. Rồi Đen cũng lớn lên. Anh em lớn lên bắt đầu làm ra tiền nhưng họ lo ăn xài, gánh nặng lại tiếp tục đè lên vai mẹ già. Trong khi 15 tuổi Đen đã biết ra chợ tìm việc xách nước, rửa chén ở mấy quán ăn, được bao nhiêu tiền công Đen mang về, vậy mà anh chị còn kêu Đen con nhỏ ăn bám, đồ trôi sông lạc chợ. Ngoài đường là cả thế giới phức tạp. Các quán ăn,  quán nhậu tập trung đủ hạng người ăn uống say sưa cười nói những điều chẳng tốt đẹp. Đứa con gái mới lớn, 15 tuổi tâm hồn trong trắng lại được nghe những lời thô bỉ, khiếm nhã. Đen ngồi rửa chén, họ thấy nhưng vẫn lớn tiếng như muốn nói cho Đen nghe – mấy đứa bây không biết, mấy đứa da đen đéo nên thuốc không đau lưng. Gã đàn ông lớn tuổi mất nết thêm một gã thanh niên mất dạy đưa tay chỉ Đen – Xì, con nhỏ này cho chơi không cũng không thèm – Tụi mày không biết, thuốc bổ đó. Cả bọn khoái trá cười hô hố. Đen ngơ ngác 15 tuổi chưa biết gì những lời thô lỗ đập vô đầu ám ảnh cho đến một ngày có kinh kỳ trăng là nguyệt mới cảm nhận. Mình là đứa con gái, là món đồ chơi. Rồi Đen đâm ra rụt rè, sợ sệt mọi người. May mắn. Đời tuy có nhiều kẻ xấu vẫn còn người tốt. Một ông khách là Thầy tu xuất cởi áo chùng đen trả lại cho nhà thờ đi lấy vợ vào quán tình cờ gặp Đen đọng lòng thương hại, ông hỏi han rồi đến nhà gặp mẹ giới thiệu tổ chức thiện nguyện của đạo Tin Lành đưa Đen về Mỹ theo diện con lai. Trong đám con lai da màu ở Mỹ, nhiều đứa vẫn chưa về lại Việt Nam thăm quê, mà có phải là quê không hay nhớ lại chỉ thấy buồn. Riêng Đen ngược lại, những gì buồn bã của mình giống như phân chuồng tưới cho cây tốt hơn phân vô cơ. Mọi người đối đãi mình không có thiện cảm thì hình ảnh tình thương bao la của mẹ nuôi lại nổi lên. Nhớ mãi những buổi cơm nghèo với con cá kho nhỏ, cái hột vịt dầm nước mắm. Hai mẹ con nhường qua nhường lại cuối cùng hai người chỉ ăn nước mắm, con cá, cái hột vịt vẫn còn. Đen trở về Việt Nam nhiều lần chỉ vì nhớ mẹ những điều êm đẹp như vậy. Lần thứ nhất về Việt Nam, việc làm đầu tiên là Đen xóa bỏ mặc cảm. Chuyện gì cũ bỏ qua hết, bằng cách mua tặng quà cho mọi người, ai nấy bở ngỡ nhận quà mặt mũi họ hơi bị sượng. Về lần thứ hai vui hơn vì quà cáp, tiền bạc có sức mạnh xóa hết những khoảng cách dị biệt nhất là Đen đem tiền về cất lại nhà cho gia đình. Làm cách nào Đen có tiền chẳng qua ở Mỹ tô phở giá 20, 25 đô la một tô nhớ tới tiền Việt Nam không dám ăn. Về nước Đen mới biết thiên hạ xếp Việt Cộng, Việt Kiều hai tay nhà giàu. Anh kia Đen không rành làm ăn thế nào để có tiền chớ anh Việt Kiều đa số giàu do tích tiểu thành đại, đến ăn sáng cũng không dám ăn. Nhưng tiền cũng mang đến sự tác hại, qua hai chuyến trở về người ở nhà ai cũng nghĩ con nhỏ Việt Kiều là cái mỏ vàng đen, than Cẩm Phả tội gì không khai thác và anh chị hè nhau, đem cái nhà đi cầm ngân hàng hàng trăm triệu rồi kêu Đen đi chuộc, không thì mất. Đen đâm ra hụt hẫng, chuyến về Việt Nam lần thứ ba lại thêm bất ngờ, mẹ của Đen buồn bã đâm ra bệnh nằm một chỗ như đợi Đen về để nắm tay con nhắm mắt qua đời. Người mẹ muốn nói điều gì đó. Mãi khi tang lễ xong xuôi Đen nhớ lại mới hiểu, mẹ muốn nói về chuyện ngôi nhà nhưng mẹ không nói được
– Tụi bây coi, tao có nên về nữa không
– Về chớ, vì mầy vẫn còn bà mẹ chồng.
– Chuyện của người ta, biết người ta nghĩ sao mà đi nói vậy.
Đen nói, thằng May chen vô, thằng Hốp cắt ngang. Thôi không hiểu gì hết. Con Đen đã li dị mẹ chồng nào ở đây. Thằng Hốp cắt ngang Thôi vụt nhớ. Trường hợp của thằng Hốp sinh đẻ ở tận đất mũi Cà Mau rừng đước mịt mùng không biết gì xã hội bên ngoài. Một Hoa Kiều chủ vựa tới lui thu mua cá tôm, ông có thân nhân ở nước ngoài nên rành đường đi nước bước. Ông chạy chọt làm giấy tờ kết hôn giả cho Hốp với con gái của mình, sau đó lo chạy cho cả hai sang Mỹ đường ai nấy đi. Hốp còn bà mẹ ở Cà Mau, thằng May nói mẹ chồng của Đen là muốn ám chỉ tới bà. Hóa ra lâu nay thằng Hốp để mắt tới cô bạn mình, nhỏ Đen biết không hay một lần đã qua đò trở nên thận trọng, giả bộ ngó lơ để dò bụng dạ. Hóa ra Thôi gần gũi đám con hai dòng máu lâu nay vẫn chưa hiểu biết. Tất cả vì mang nặng mặc cảm thân phận nên cuộc sống đám con lai có những hành vi đôi khi vượt ra ngoài khuôn khổ xã hội quy định như để bù trừ lại cho cái mặc cảm. Đấy là vẻ bề ngoài của người da màu thật ra đám thằng Hốp, con Đen rất kín đáo chú ý từng chi tiết đời thường, ngay cả tình cảm riêng, gặp dịp mới biểu lộ cả bọn họp nhau thành một đám lạc loài. Hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta lạc loài năm ba đứa – Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” dường như đúng cho trường hợp này. Quê mẹ là nơi sinh ra đàn con nhưng chối bỏ rồi người cũng chối bỏ nó ra đi. Cuối cùng quê của đám con lai ở đâu, là chỗ đang sống, chỗ đất mình đang sống chăng.  Quê ở đâu không biết nữa mà lại biết. Dân miền nam nhất là những ai hai dòng máu vẫn chưa quên câu chuyện cảm động. Trong đám linh lê dương của Pháp qua Việt Nam có thượng sĩ Boskasa nước Cộng Hòa Trung Phi tham gia. Đội quân của Boskasa đóng ở cầu Ghềnh (chiếc cầu vừa mới bị một chiếc sà lan đụng sập hết một nhịp) lấy vợ Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ sinh ra đứa con đặt tên là Martin. Cô đen đúa xấu xí bị mọi người ở cầu ghềnh trêu chọc đặt tên là con nhỏ Ba xí. Thượng sĩ Boskasa trở về nước đảo chính nhảy lên làm tổng thống. Năm 1972 tổng thống nước Cộng Hòa Trung Phi nhờ sứ quán Pháp, sứ quán Việt Nam tìm con mình. Chính quyền miền nam cho đây là dịp may để là quen với một anh nhà giàu, một đất nước có mỏ kim cương. Tìm không thấy nên đưa bừa một cô gái lai da đen giống hình của Ba xí lúc nhỏ thay thế (Người tham lam bất chấp danh dự uy tín), bộ muốn ai là con của Boskasa cũng được vì còn phải thử Jen. Có lẽ tổng thống Boskasa cũng biết… nhưng vẫn im lặng. Cảm động ở chỗ này và câu chuyện tiếp tục xúc động). Tin tức loan truyền ra khắp thế giới tình cờ cậu của cô Ba xí  đọc báo nghe radio sực nhớ tới mẹ con của người chị. Bà Nguyễn Thị Huệ và cô Ba xí đang sống cơ cực bị dân xóm Cầu Ghềnh bắt nạt nhưng họ vẫn giữ được mấy tấm hình của Boskasa và mảnh giấy khai sanh. Tờ báo trắng đen thuộc báo lá cải bán ế ẩm. Người cậu đem tất cả bằng chứng tìm đến gõ cửa tòa soạn. Chuyện của cô Ba xí làm báo Trắng đen trở nên nổi tiếng dẫn đầu cả miền nam bấy giờ với  tia ra kỷ lục 60 ngàn bản. Các hãng truyền thông quốc tế chẳng bỏ qua cơ hội mua lấy tin tức phát ra rồi nó đến tai Boskasa. Hai cô gái một giả một thiệt là hai kẻ có số may mắn gặp người cha có nước da đen bóng lại có bụng dạ nhân hậu nhận cả hai là con. Ngài Tổng Thống còn gởi cả hai vô  các trường danh giá học để lột xác trở thành quý bà quý cô sang trọng, sau đó tìm cho họ tấm chồng xứng đáng với địa vị. Có phải quê là danh từ trừu tượng hay qua trường hợp của Ba Xi lại thấy nó có thật, nhịp đập trái tim con người gửi về nơi đâu, cái gọi là quê xứ của người. Nơi đó người tìm thấy tình thương ấm áp, tìm thấy sự thông cảm của cộng đồng trong các mối quan hệ. Với thằng Hốp, thằng Cỏng Tăng, con Đen thì quê là đất dành cho mọi người chung sống và cho riêng cá nhân. Mỹ là đất nước giàu có, còn được gọi là Hiệp chủng Quốc quy tự nhiều sắc dân tìm đến định cư. Như vậy nước Mỹ có đủ điều kiện để cho những kẻ tha hương dừng bước chân phiên linh để nhận xứ sở Mỹ là quê hương. Nhưng mà phải tập làm quen. Ai chọn đất Mỹ để sống chắc hiểu, khoảng trời riêng đưa người đến chỗ tự do cá nhân, bên ngoài sôi nổi muốn làm gì tùy thích nhưng bên trong trái tim lại lạnh, phớt tỉnh như không biết người sống bên cạnh mình. Nếu ở bên nhà người ta hạnh phúc bao nhiêu người được gặp nhau mỗi ngày, hàng xóm chạy qua chạy lạ trò chuyện thân tình, buồn vui chia sẻ. Ở bên này, cuộc sống vật chất khiến người bận rộn kiếm tiền nên không có thời gian rảnh rỗi. Lại thêm văn hóa thói quen tạo ra tính cách dân Mỹ. Như là đèn nhà ai nấy sáng. Ở cùng khu phố mấy năm trời mà Thôi vẫn chưa biết hết các nhà lân cận là nghề nghiệp gì, nói chi đến chuyện nhà này qua nhà kia chuyện trò. Không biết thì hỏi thăm cho biết nhưng điều này với dân Mỹ là không được khiếm nhã, mất lịch sự. Cuộc sống riêng tư, tự do cá nhân phải được tôn trọng không cho phép ai tò mà. Vì vậy Mỹ là đất nước mặc dù dành cho mọi người, cho riêng cá nhân nhưng giữa hai bên như có khoảng cách khó vượt qua. Cùng sống chung dưới một mái nhà giữa hai vợ chồng, hai cha con lại là hai thế giới riêng sống song song bên nhau. Xã hội bên ngoài cũng vậy những cộng đồng người song song. Cuối cùng Mỹ là đất nước dành cho mọi người, tự do cá nhân dẫn người đén chỗ kết hợp sống thành nhóm, giàu nghèo với những khu phố cách biệt nhau. Hợp chủng quốc nhưng giữa người da trắng, người da đen, người có gốc gác Trung Hoa, Ấn, Phi, Mễ vẫn có những kì thị, định kiến mặc dù Mỹ không còn tệ nạn phân biệt chủng tộc. Ngay cả đám cư dân Việt vẫn có đám con lai như đám thằng Hốp, con Đen với góc trời riêng chơi với nhau.
Năm năm sống đất Mỹ, sống chung khu phố nhưng Thôi trò chuyện với người hàng xóm như để xã giao, đi làm về chạm mặt chẳng lẽ không chào hỏi. Thôi vẫn chưa quen kiểu người đứng bên này rào nói chuyện vói qua người bên kia rào. Một lần gặp Thôi đang lui cui tưới sân nhổ cỏ, tưới rau nhất là đám khổ qua  đang ra bông lấm tấm vàng sắp kết trái. Thôi thú vị nhớ tới câu tục ngữ văn hóa Việt Nam– hoa đẹp nhờ dựa bờ rào, gái đẹp nhờ chồng. Ông bạn hàng xóm quan sát Thôi từ bên kia rào nói vói qua. Sân để trồng cỏ, trồng hoa. Người Việt này thực dụng trồng chơi lại vừa có ăn. Chưa kịp trả lời thì ông bạn quầy quả bước vô nhà làm Thôi tức ấm ách. Định trong bụng hôm nào gặp dịp Thôi sẽ nói cho ông bạn biết. Vườn rau của Thôi là những hột giống từ quê đem qua. Thảm thực vật của Mỹ phong phú nhờ người định cư các nước mang hột giống nước mình qua. Trồng chơi ra tưới nước cho đỡ nhớ nhà vừa có thứ để ăn, bán hoặc nó là món quà có ý nghĩa để tặng cho những ai tha hương. Giá một trái bầu 10 đô la. Một ký lô khổ qua 15 đô la so với tiền Việt Nam nó có giá trị chớ bộ hơn là để cái sân chỉ để trồng cỏ. Cho người Việt nam thực dụng nhưng dân Mỹ cũng sống thực dụng chẳng qua nó khác nhau ở chỗ biểu hiện thôi. Khi Thôi trở vô nhà vợ Thôi hỏi, ông có biết người ta nói gì không. Hóa ra vợ Thôi đã nghe hết. Tự nhiên hai người xảy ra một cuộc tranh cãi, vợ trách Thôi vô tư không hiểu những gì ông bạn nói cho thấy ông không ưa đám dân nhập cư. Hôm trước đám con lai kéo tới nhà của Thôi chơi cho biết nhà, ông bạn lãng giềng không thích mà không nói ra nên khéo nói xa gần. Có phải vậy không hay là đàn bà quá nhạy cảm. Thôi ngơ ngác nhớ lại rồi giật mình, hôm đám con lai đến nhà Thôi tình cờ bắt gặp ông bạn láng giềng nép sau cánh cửa sổ nhìn qua. Vậy là đúng rồi nhưng điều này có lạ lùng gì, xứ sở Mỹ nói theo kiểu dân miền Tây, thấy vậy là không phải vậy. Nó như dòng sông cuốn trôi mọi thứ để rồi bèo dạt theo lối bèo, lục bình kết thành giề lục bình. Các sắc dân kết hợp theo nhóm của mình tất nhiên không tránh khỏi, va chạm, khác biệt. Không ưa nhau. Người ta như quên người Mỹ da đen cống hiến cho Mỹ những tài năng về thể thao âm nhạc chẳng hạn để nền văn hóa nước Mỹ phong phú hơn.
– Ông sống phải biết nhập gia tùy tục – Bà đi dạy tôi. Thôi hiếm khi giận hôm ấy tự nhiên nổi sùng cắt ngang lời vợ. Hóa ra lâu nay vợ Thôi không thích dân da màu nhất là thấy Thôi giao du với đám thằng Hốp. Cô đứng về phía ông bạn láng giềng, không tiếp xúc đứng xa nhìn cũng có thành kiến phân biệt người ta. Thói quen hễ nói tới dân da đen, người Mễ, người Phi mọi  thói xấu đều dành cho họ. Trong khi dân da trắng vẫn có những kẻ sống vượt khuôn khổ luật lệ qui định. Chạy xe quá tốc độ, uống rượu lái xe, ăn mặc lố lăng, quấy rối tình dục, hút ma túy băng nhóm đâu phải chỉ có đám dân nhập cư da đen. Không ai giống mình đã đành nhưng để mình không giống ai phải coi lại. Nhìn người chỉ thấy mặt xấu không thấy mặt tốt họ như trường hợp của Thôi. Từ trong siêu thị bước ra ngó quanh định kiếm chiếc tắc xi. Một đứa da đen chắc là đã quan sát thấy mặt lơ ngơ của Thôi từ phía sau chen tới đụng vô mình Thôi. Gã xin lỗi, Thôi nói không có chi, bỗng dưng gã lại bỏ chạy. Sinh nghi rờ túi thấy mất cái bóp lẹ thiệt, Thôi kêu lên chạy đuổi theo. Phố đông người, hình như quá quen chuyện lộn xộn của đám nhập cư nên người đưa mắt nhìn chẳng ai giúp Thôi chặn bắt tên móc túi. Chợt bên kia đường một đứa da màu khác chạy  xẹt ra đuổi theo hướng đứa gian. Vậy hai đứa là đồng bọn. Chưa gì Thôi nghi oan. Lát sau đứa da đen trở lại cười nhẹ nhàng nhe hàm răng trắng nhỡn đưa cái bóp hỏi anh coi có mất gì không, mất gì là nó biết tay tôi – Bộ hai người có quen – Không – Sao không bắt nó lại mà cho nó đi – Nó cũng là đám nhập cư nghèo như mình. Thôi ngỡ ngàng đưa mắt nhìn rồi nhận ra… Thôi thấy chưa bao giờ vui hơn. Cái vui đi xa gặp được người quen, đứa đứng trước mặt đen như cục than hầm lại là dân việt. Đó là thằng Hốp. Nhiều lần cộng đồng Việt hội hè, những buổi xem ca nhạc Thúy Nga, Thôi vẫn thấy mấy người da đen đến dự ngồi riêng với nhau. Qua Hốp mới biết thêm cộng đồng Việt nhưng lại có mấy nhóm riêng trong số đó có nhóm con lai của thằng Hốp, Cỏng Tăng, May, con Đen. Đàn con lai hai dòng máu chẳng khác gì loài chim viễn xứ, bay đi bốn phương trời vẫn nhớ đường xưa lối cũ quay về. Trở về như Đen mang theo nổi buồn để bạn bè buồn lây nhưng rồi sống chẳng lẽ ôm vô lòng mãi cái buồn. Cả bọn trố mắt ra nhìn bánh bía sầu riêng, bọc mắm cá linh những món quà từ quê được Đen đem về. Hương vị quê nhà giống như vợ quen hơi chồng, mà hôi hay thơm, mùi sầu riêng chẳng hạn đứa thì ghiền, đứa nhìn thấy vội vả đưa tay lên bịt lỗ mũi. Tưởng đâu đi xa mùi thum thủm của mắm cá linh ấy phại lạt nào ngờ đến Mỹ trở thành đặc hửu, cái mùi không ai có như nồng nàn hơn. Cả bọn được Đen gọi tới để giương mắt nhìn. Mở chiếc va li to đùng Đen moi giữa đóng quần áo lấy ra bọc hột giống đủ loại, bánh bía sầu riêng, bọc mắm cá linh. Chẳng ai như Đen cũng không có cách nào khác dấu nó để đưa lên máy bay. Bọc mắm cho dù có gói thật kỹ vẫn bốc mùi tanh hôi nên lấy nó ra lập tức Đen đem quần áo bỏ vô máy giặt. Trở ra Đen vui vẻ tiếp tục câu chuyện. Miền Tây mỗi năm có mùa nước nổi là một mùa vui cuộc sống bừng dậy các nghề đóng xuồng, đan lưới lờ lợp được dịp làm ăn nhộn nhịp đón tôm cá về. Nhưng nhiều năm rồi nước không về khung cảnh ấy không còn  nên miền Tây buồn hiu. Cá Linh, tên Linh vì sự đúng hẹn lên theo mùa nước nổi trở nên hiếm hoi, nó trở thành đặc sản đúng nghĩa chỉ còn ở những ngôi chợ quê hẻo lánh. Tình cờ Đen đi Tân Châu nơi đầu nguồn sông Cửu Long chảy qua đất việt chơi, nghe nói biên giới giữa hai nước có nhiều casino. Bên này mình dư biết cái trò cờ bạc đỏ đen ở Las Vegas đó rồi. Chẳng ai nói gì Đen vội vả phân bua. Đi chơi cho biết xứ sở thay đổi thế nào. Hóa ra mấy casino là của Campuchia nhưng dân Việt Nam lao đầu vô để rồi biên giới tấp nập xe cộ chở dân đi cờ bạc. Có cả nông dân tưởng đâu dễ ăn cầm cố đất đai chơi để rồi trắng tay. Như không còn gì để tò mò Đen ra ngoài lang thang ngắm nhìn, biên giới nước nào cũng lạ mặc dù xe cộ lúc nào cũng đông nhưng không khí có gì đó hắt hiu, trời đầy gió mây. Tình cờ ngoài cửa sòng bạc Đen bắt gặp một chị bán bún cá Đen đứng lại quan sát. Đúng là bún cá được nấu đúng bài bản, có mùi ngải bún, thịt cá lóc rỉa xương, nêm với mắm cá linh thơm lừng. Hồi nhỏ Đen ghiền món này, cò tiền là Đen quất một hơi hai ba tô bún trừ cơm, Đen hỏi thăm chỗ bán mắn. Hóa ra nơi đầu nguồn sông nước, chợ chồm hổm ven đường hứng bụi xe qua lại có bán nhiều đặc sản rắn, rùa, chim, cá ngon vừa đánh bắt ở sông lên không phải cá nuôi tươi xanh và đủ các loại mắm. Mắm Bò hóc cho dân Miên, mắm lóc, linh cho dân Việt. Chuyến về xe máy lạnh đầy hành khách, dân đánh bạc thua nhìn sắc mặt như đưa đám là biết. Họ hết tiền như không để ý xung quanh, ngặt còn đám khách đi hành hương ăn chay do nhà Sư trẻ tuổi làm trưởng đoàn từ núi Tà Lơn về. Xe gắn máy lạnh xứt dầu gió, nhất là dầu nhị thiên đường cũng đủ làm cho người ngồi kế bên khó chịu nói gì cái mùi mắm hôi rình. Một người, hai người, rồi ba người quay đầu tìm kiếm xem nó xuất phát từ đâu rồi buông ra những lời khó chịu. Vậy cũng đi ăn chay Nhà sư cũng quay đầu lại nhìn bất ngờ  xen vô “hôi thiệt” như đổ dầu vô lửa đúng là sư hổ mang. Quay đầu về lại phía trước sư như nói chưa hết ý còn tiếp tục bằng cái giọng nửa đùa nửa thật “Nhưng mình cứ nghĩ đó là mùi tương thơm đi. Không nghe, không thấy gì hết chuyện gì rồi cũng qua”.
Ở đâu lại có kiểu suy nghĩ mùi mắm ra mùi tương, lại còn không thấy, không nghe. Hay là Việt Nam đã thay đổi trong đó có kiểu suy nghĩ  á ngộ vậy. Thiệt là lời của sư phụ giống như lời của ông Thầy giáo. Đen đang có bàn thua thấy rõ. Nhờ lời của sư phụ khách hành hương như đám học trò trở lại trật tự. Nhiều năm có nhiều tên vẫn chưa về nước nghe kể chuyện xúm nhau cười. Vậy mới là về nước biết đủ chuyện.
– Mình mua thịt ba rọi bằm nhuyễn với mắm trộn hột vịt đem chứng bỏ tiêu cho thật nhiều ăn cho đã thèm nè.
– Món này số một nhưng phải có canh bí rợ hầm với nước cốt dừa bồng con mới đúng bài bản cha ơi.
Những lời đề nghị nổi lên kích thích con tì (tì vị) những tên xa quê lâu ngày. Cuối cùng có nhóm chọn lẩu mắm. Đất Mỹ lẩu việt chua ngọt, lẩu thái cay xé lưỡi, lẩu Tàu, lẩu Nhật, lẩu Hàn có mặt đủ hết nhưng chẳng thấy lẩu mắm bao giờ. Tại sao không nấu lẩu mắm một món ăn góp phần tạo ra tính cách tâm hồn dân Nam bộ. Nhưng hương vị quen thuộc dân dã ở xứ người coi bộ trở thành cầu kỳ. Nó phải nấu với cá lóc hay cá da trơn, cá basa để nguyên cả đầu và cái bụng béo mở. Mỹ có cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam qua nhưng bên này chỉ ăn hai miếng thịt phi lê, gà vịt cũng vậy, bao nhiêu bỏ làm thức ăn gia súc. Và lẩu mắm phải có cà tím nấm rơm với các loại rau dại đặc trưng như rau muống, bông súng, rau nhút, rau ngổ, rau dừa, rau mùi, đọt lang, mướp, mồng tơi, lá tầm ruột, bắp chuối, bông điên điển, soi nhái, cải bẹ xanh… Tính cho đủ gần hai chục loại rau ở Mỹ tìm đâu ra. Hơn nữa ăn mắm không thể uống bia, uống wisky vàng óng hôi mùi rệp mà phải uống rượu đế. Loại rượu nấu bằng gạo hoặc nếp trong vắt đám trai tráng miền Tây đặt cho cái tên là nước mắt quê hương. Nâng ly mời nhau giống y cải lương “uống đi mày uống cho thấm thía tình đất nước” và khi đưa rượu lên môi nhấp phải khà lên một tiếng vậy mới sướng đời Vân Tiên. Nước Mỹ qui tụ đủ sắc dận siêu thị bán không thiếu món gì. Nhưng có nhiều món như trà, cà phê lại không hợp khẩu vị dân Việt. Nhiều mặt hàng vẫn không thấy như các loại rau vừa kể  tuy nhiên bỏ công đi tìm vẫn có. Dân nhập cư mỗi lần về nước trở qua hay đem hột giống qua trồng. Thằng Tăng biết một nhà có trồng đám chuối hột. Thôi ngạc nhiên trong khi mình không biết gì nhiều đời sống cộng đồng thì mấy đứa này như thổ địa. Trang trại cách thị trấn vài chục cây số vậy mà thằng May vẫn phát hiện ra người có đào một cái ao trồng các loài thủy thảo như bông sen, bông súng, rau nhút, rau ngổ, rau dừa… phát hiện của Hốp mới thật đặc biệt. Một bà già gốc miền Bắc ở bên nước làm nghề nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Con cái rước qua Mỹ rồi chúng đi làm suốt ngày bỏ bà ở nhà một mình. Buồn không biết làm gì bà bày ra cái trò nấu rượu nuôi heo y như ở quê. Nước Mỹ hiện đại người Việt qua mang theo việc làm cổ lổ sỉ bất nhơn. Chắc là sau khi bà chết mang cái nghề xuống âm phủ con cái không đứa nào theo rồi. Buổi tiệc mắm mừng ngày Đen về dần thành hình. Phần Thôi sân vườn có trồng mấy cây cà tím, giàn khổ qua dựa bờ rào trái cũng đang vừa ăn, Thôi trồng như để nhìn vẫn chưa hái. Cái lẩu mắm chưa gì khơi dậy  cuộc sống cộng đồng người Việt nơi xứ người. Hóa ra niềm vui không phải ở cho nó vui mà là ở chỗ cơ hội anh em hiểu nhau hơn, tìm tới nhau. Cơ hội để cho đàn con đi xa, dù có đi đâu về đâu hình ảnh quê hương xứ sở vẫn luôn đi theo gặp dịp nó lại hiện ra.
Truyện này được viết theo lời kể của anh bạn ở Mỹ về. Anh đến thăm vừa phân bua chuyện mình đi Mỹ, bảy năm mà không điện về thăm ai. Lý do mãi lo làm kiếm tiền, trả tiền nhà, tiền xe mua trả góp. Mỹ là giấc mơ của nhiều người, nó có thực cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng ai qua đây hầu như ai cũng mắc nợ. Dễ kiếm việc làm cũng dễ mất việc làm, cái hay ở Mỹ thất nghiệp cũng được lĩnh trợ cấp, anh trải qua những tháng nằm nhà buồn tẻ làm việc nhà, nấu cơm cho vợ con, tự an ủi thôi đó cũng là công sức đóng góp cho gia đình. Tình cờ anh quen đám con lai và trở thành bạn bè. Những người bạn da đen này tận tình giúp đỡ anh tìm được công ăn việc làm mới còn giúp anh mua xe nữa. Hôm ăn lẩu mắm anh rủ vợ đi cùng. Nghe nói lẩu mắm đầy đủ rau cỏ mắt cô sáng lên nhưng không biết chồng dẫn mình đi đâu. Biết cô có thành kiến anh không nói để cô bất ngờ. Quả nhiên đến nơi vợ của Thôi như ngở ngàng. Lẩu mắm ngon thơm lừng có cả bắp chuối hột, rau dừa loại rau dại không biết tìm ở đâu ra. Có cả rượu đế nữa. Đây mới là điều  làm cho cô thích thú riêng Thôi đã sống với không khí này rồi. Có rượu vô những đứa con trai, con gái đen như cục than hầm. Đứa ca 6 câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu” xuống xề thật mùi. Đứa hát nhạc bolero những bài hát xưa tha thiết nao nao lòng. Thằng Cỏng Tăng chẳng thấy hát hò cũng trổi giọng nhưng là hát quan họ ngọt ngào. Hóa ra ba của Cỏng Tăng dân maroc lính lê dương đóng ở Bắc Ninh  rồi gặp mẹ của nó.
– Tụi nó Việt Nam còn hơn mình – Vợ anh kề tai thỏ thẻ
– Vậy đó. Hơn mình vì mình chưa gì học đòi theo người cuối cùng nhiều người được báo chí phỏng vấn trả lời không biết mình là Việt hay Mỹ nữa.
Ngược lại đám con lai nguồn cội mơ hồ, nên chỉ biết nơi mình sinh ra đi đâu cũng mang hình bóng quê nhà theo. Là người Việt sống xa tổ quốc nhưng người hướng nội, kẻ lại vọng ngoại qua đó nhận ra mình. Nói vậy đúng hơn em cho tụi nó Việt Nam hơn mình. Vậy mình là ai…
25/5/2020
Ngô Khắc Tài 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: M...