Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Nhận thức lịch sử cần được khẳng định về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes

Nhận thức lịch sử cần được khẳng định
về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes

Alexandre de Rhodes đến Đại Việt truyền đạo giữa lúc cuộc nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong đang diễn ra. Với chúa Nguyễn, “Nhà chúa cần được họ tiếp tế đạn dược, súng ống để đương đầu với chúa Trịnh ngoài Bắc”; trong lúc đó “họ Trịnh cũng cần mua súng đạn của người Bồ”. Tuy vậy, song đứng về chủ quyền dân tộc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều thống nhất. Điều này là khẳng định, bởi chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã nhiều lần trục xuất Rhodes ra khỏi Đàng Ngoài và Đàng Trong vì những hoạt động truyền đạo của Rhodes đã gây phương hại đến an ninh nước Việt…
Linh mục Alexandre de Rhodes
Từng bước nhận thức về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes
Thời chúng tôi học tiểu học, trung học và sau đó là đại học(1), chữ quốc ngữ được xem như là do chính Rhodes sáng chế và đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong vấn đề nắm bắt tri thức loài người… Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt chính quyền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) đã thực hiện nhiều chính sách nhằm vinh danh Thiên Chúa giáo. Báo Đường sống (Sài Gòn, 26- 3-1956) viết: “Đã nhiều lần báo giới Pháp công kích Tổng thống Ngô Đình Diệm lập chính phủ độc tài ở Sài Gòn, lập chế độ độc tài Công giáo trị dựa vào triệu dân Bắc lánh nạn xuống Nam”. Khi trở thành giảng viên đại học (1976), được Trường đại học Sư phạm Huế cử ra Hà Nội (1980), chúng tôi bắt gặp nhiều tư liệu, trong đó có Mưu đồ chính trị của A-lếch-xăng đờ Rốt và vấn đề chữ quốc ngữ của Hoàng Văn Lân và Đặng Huy Vận. Qua đây, chúng tôi hiểu thêm về Rhodes. Năm 1988, Tòa thánh La Mã có quyết định phong Thánh cho 117 người tử đạo ở Việt Nam, vấn đề Thiên Chúa giáo lại sôi nổi hẳn lên. Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (ngày 11 và 12-3-1988), phần lớn là “cây đa, cây đề” tham gia như các giáo sư: Phạm Như Cương, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Công Bình… Có cả những linh mục tham gia viết bài và tham dự hội thảo như Phan Khắc Từ, Thiện Cẩm. Một số bài có đề cập ít nhiều liên quan đến Rhodes. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu thêm về công và tội của Rhodes đối với lịch sử – văn hóa dân tộc.
Rồi những năm 1995-1996, khi tu nghiệp tại Đại học Harvard (Mỹ), tôi đọc thêm một số tư liệu, như Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897) của Nguyễn Xuân Thọ, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914 của Cao Huy Thuần, Gia Tô thực dân sử liệu của Chu Văn Trình, Vietnam: Why did we go? The shocking story of the Catholic “Church’s” role in starting the Vietnam war của Avro Manhattan… Nhờ vậy, tôi càng hiểu thêm những “uẩn khúc” lịch sử về Rhodes.
Đầu tháng 10-2019, được tin thành phố Đà Nẵng lấy ý kiến về đặt và đổi tên đường, trong đó điểm đáng chú ý là thành phố dự kiến lấy tên hai linh mục Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina đặt tên cho hai tuyến đường ở Đà Nẵng trong số 137 tuyến đường; ngày 23-10-2019, chúng tôi cùng một số nhà nghiên cứu (có cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) gửi đến các cấp lãnh đạo và quản lý thành phố “Bản kiến nghị”, rằng không nên lấy tên hai giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina để đặt cho đường phố, trường học… ở Đà Nẵng với những lý do cụ thể. Ngày 19-11-2019, chính quyền Đà Nẵng có thư phản hồi với nội dung chủ yếu: “…Đối với hai linh mục [Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina] nói trên, do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã báo cáo UBND thành phố chưa đặt tên đường lần này”. Thư viết tiếp: “Sở Văn hóa và Thể thao kính phản hồi để Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Cung và các nhà nghiên cứu được biết và rất mong sẽ tiếp tục nhận sự quan tâm, đóng góp của các ông trong công tác đặt, đổi tên đường trong những năm tới”.
“Bản kiến nghị” cùng với “Thư phản hồi” đã gây ra dư luận xã hội sôi nổi. Ban đầu, những ý kiến không tán thành quan điểm chúng tôi chiếm đa số. Một khi đã vậy, những người thuận chiều, dĩ nhiên họ phải lên tiếng, không phải để bênh vực chúng tôi mà họ – nói như GS Phạm Như Cương: “Phải dũng cảm, bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật lịch sử”.
Để hiểu rõ về Rhodes, cần phải nhận thức về hai tổ chức mà Rhodes là thành viên tích cực. Đó là Dòng Tên (1535) và Hội Thừa sai Paris (1653). Rhodes sinh ngày 15-3-1591 tại Avignon, “thuộc dòng dõi giai cấp trung lưu ở tỉnh Aragon, Tây Ban Nha, di cư sang Avignon từ đầu thế kỷ 15, làm nghề buôn lụa. Tuy Avignon là đất của Tòa thánh, nhưng dân cư ở đó vẫn được coi là thuộc dân Pháp”. Năm 21 tuổi (1612), Rhodes gia nhập Dòng Tên do Ignatius Loyola, người Tây Ban Nha gốc Basque, sáng lập năm 1535 tại Paris. Theo linh mục Bùi Đức Sinh thì “Kể từ khi thành lập…, Dòng Tên luôn luôn hăng hái phục vụ Giáo hội như một đội quân cảm tử”; và để trở thành thừa sai Dòng Tên, vấn đề tối quan trọng là phải tuyên thệ trước sự chứng kiến của Bề trên:
“Con,…, giờ đây, trước sự hiện diện của Thiên Chúa toàn năng, của Ðức Mẹ Ðồng trinh Maria thiêng liêng… Cha Bề trên Tối cao của Hiệp hội Jesus do Thánh Ignatius Loyola sáng lập… xin tuyên bố và thề rằng, Đức Thánh Giáo hoàng là Phó nhiếp chính của đấng Ki-tô và là vị chủ chăn chân thật và duy nhất của Giáo hội Công giáo hoàn cầu… có quyền truất phế những vua chúa, quốc gia, chính quyền dị giáo… Do đó, với hết sức khả năng của con, con sẽ bảo vệ giáo lý về quyền hành của Đức Thánh cha chống lại mọi kẻ thoán vị… và những kẻ dị giáo chống lại Giáo hội Mẹ thiêng liêng ở La Mã. Nay con tuyên bố từ bỏ mọi sự trung thành đối với bất cứ ông vua, ông hoàng hay quốc gia nào theo Tin Lành hay chủ thuyết tự do, và không tuân lệnh bất cứ quan tòa hay viên chức chính phủ nào và những luật lệ của họ…
Con xin tuyên hứa thêm rằng, nếu có cơ hội, con sẽ gây ra và tham gia chiến tranh tàn nhẫn, bí mật hoặc công khai, chống mọi kẻ dị giáo… tận diệt chúng khỏi mặt địa cầu; và con sẽ không chừa một ai, bất kể tuổi tác, nam hay nữ hay tình trạng xã hội; và con sẽ treo cổ, thiêu sống, luộc sống, mổ bụng, siết cổ và chôn sống những kẻ dị giáo ô nhục đó, phanh bụng moi bào thai của vợ chúng, và quật đầu con sơ sinh của chúng vào tường, để tận diệt vĩnh viễn cái giống dân đáng ghét… Nếu những điều trên không thể làm công khai được, thì con sẽ bí mật dùng thuốc độc, dây thắt cổ, dao găm, đạn chì… bất kể hoàn cảnh sống của chúng như thế nào… Con được lệnh làm vậy từ những sứ giả của Giáo hoàng hoặc từ Đấng Bề trên Tối cao của Dòng Tên”.
Bám vào lời tuyên thệ trên đây, trong hoạt động của mình, Dòng Tên đã gây nên những hận thù chất ngất đối với các quốc gia, dân tộc. Nhiều nhà tư tưởng lớn, như Voltaire, đã phải thốt lên rằng: “Phá được Dòng Tên, tức là phá được một tôn giáo ác ôn này”, đến cả Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (giữa thế kỷ 19) cũng khẳng định: “Tôi nhìn thấy một đám mây đen ở phía chân trời nước Mỹ, và đám mây đen ấy từ La Mã đang bay đến”.
Về Hội Thừa sai Paris (MEP), ra đời năm 1653, là hội “kế hội Dòng Tên để giảng dạy Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong, lại có quan hệ chính trị ở nước ta sau đó nữa”. Chính xác hơn, “lịch sử của hội này liên hệ mật thiết với lịch sử chiếm đóng thuộc địa của Pháp tại Việt Nam”. Cho đến giữa thế kỷ 17, Viễn Đông vẫn là đất bán thực dân và truyền giáo của Bồ Đào Nha với hai trung tâm là Goa và Ma Cao. Song thời điểm này, Bồ Đào Nha đã bước vào thời kỳ suy yếu, Pháp ở thế đang lên. Vì vậy, Dòng Tên ở Viễn Đông đã cử các thừa sai về Roma chọn người, xin Giáo hoàng phong giám mục rồi phái trở lại truyền giáo. Rhodes sau gần 30 năm hoạt động ở Viễn Đông, trong đó có 17 năm ở Việt Nam, được giao nhiệm vụ này. Rhodes, tuy là người Pháp, dù tuyên thệ trung thành với vua Bồ, nhưng vẫn gắn với quyền lợi Pháp; mặt khác, quyết định thay đổi sự trung thành của Rhodes, chính là sự suy yếu của Bồ và trỗi dậy của Pháp.
Mục đích của Hội Thừa sai Paris là đào tạo các thừa sai truyền đạo ở phương Đông, thông qua truyền đạo nhằm phát triển thế lực của nước Pháp ở đây, nơi mà Pháp chưa có thế lực kinh tế và chính trị gì đáng kể. Mục đích của hội được nhấn mạnh rõ trong bản điều trần của hội gửi Quốc hội Pháp năm 1790: “Hội Thừa sai là tổ chức duy nhất của các hội thầy tu gồm toàn người Pháp,… có sứ mạng đem ánh sáng của Đức Tin và ảnh hưởng của nước Pháp đến các nước phương Đông… Các giáo sĩ của hội không quên lợi ích của nước mình,… họ đã và sẽ mãi mãi có nhiệm vụ thông báo cho Nhà nước mọi phát triển và tin tức cần thiết mà họ đã đạt được bằng con đường hoạt động khoa học, văn học hoặc bằng con đường hoạt động thương mãi. Họ tạo điều kiện cho sự buôn bán của nước Pháp ở phương Đông và chính họ đã tổ chức ra Công ty Đông Ấn Độ đầu tiên… Các giáo sĩ của hội tin tưởng rằng Nhà nước sẽ có sự che chở đặc biệt đối với hội… Được như thế, toàn thể hội viên của hội sẽ có thêm nhiệt tình để phục vụ quốc gia và đồng bào mình với lòng hăng hái chưa bao giờ có”.
Lịch sử ra đời và tôn chỉ của Hội Thừa sai Paris như đã trình bày, cho thấy “Hội là một tổ chức tôn giáo mang tính quốc gia, vừa có nhiệm vụ truyền giáo vừa có nhiệm vụ giúp bành trướng thế lực thực dân của nước mình trong các địa bàn mà họ truyền giáo”.
Nhận thức lịch sử cần được khẳng định về Alexandre de Rhodes
Rhodes với vấn đề La tinh hóa tiếng Việt (chữ quốc ngữ):
Từ lâu nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ Rhodes không phải là người đầu tiên sáng chế chữ quốc ngữ.
Chính Rhodes thừa nhận: “Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Côsinh và Đông-kinh (Đàng Trong và Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giêsu rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspa de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt – Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ – Đào (tức là từ điển Bồ – Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn…”.
Khi đang viết bài này, chúng tôi nhận được tạp chí Xưa & Nay, số 516, tháng 2-2020, trong đó có bài: “Không có ‘ông tổ duy nhất’ của chữ quốc ngữ” của Nguyễn Thanh Quang và linh mục Gioan Võ Đình Đệ. Hai tác giả kết luận: “Đến nay vấn đề đã ngã ngũ rằng: Chữ quốc ngữ là một công trình tập thể, trong đó có cả người phương Tây và cả người Việt. Không thể có ‘ông tổ duy nhất’ của chữ quốc ngữ”. 
Chính Rhodes khẳng định mục đích La tinh hóa tiếng Việt: “Mục đích, theo như cha [tức Rhodes] viết, là để giúp các thừa sai tương lai của nước Việt muốn học tiếng nói của người dân và cũng là để giúp cho người Việt người học La ngữ để có thể tiếp xúc trực tiếp với đạo các thánh Tông đồ giảng và với Tòa thánh Roma”. Với bài viết như đã đề cập ở trên, Nguyễn Thanh Quang và linh mục Gioan Võ Đình Đệ khẳng định: “Vì nhu cầu truyền giáo, các vị thừa sai đã dùng mẫu tự gốc La tinh để ký âm tiếng Việt”.
Một số người lập luận sai trái cho rằng nhờ La tinh hóa tiếng Việt, đã đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong vấn đề nắm bắt tri thức loài người, phổ cập được giáo dục, rằng “nhờ chữ quốc ngữ mà ngày nay tình trạng dân trí của Việt Nam vượt trội hơn nhiều nước vùng Đông Á, nạn mù chữ được thanh toán, một phương tiện giải phóng tinh thần và truyền bá văn hóa vô địch trong vùng Đông Á”. Dù bằng cảm tính đi nữa, lập luận này không thể chấp nhận được. Một điều thấy rõ như ban ngày, đó là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, thậm chí như Singapore, Thái Lan… đâu có La tinh hóa mà các nước đó đã phát triển không thua kém các nước Âu Mỹ; một số nước đã trở thành “tứ long”, “ngũ long” của châu Á… Trong lúc một số quốc gia dù đã La tinh hóa vẫn chậm phát triển nếu không nói vẫn là nghèo đói, như Philippines, một số nước ở Trung Nam Mỹ, nhất là các nước châu Phi…
Trên thực tế, người Việt Nam đã tận dụng việc La tinh hóa tiếng Việt, biến thành lợi khí, trước hết là chuyển tải tư tưởng yêu nước và cách mạng nhằm đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, như trước đây ông cha chúng ta đã sử dụng chữ Hán để làm nên những áng văn thơ tuyệt vời… góp phần đẩy lùi ách thống trị của các đế chế phương Bắc, như bài Nam quốc sơn hà thời chống Tống thế kỷ 11:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Đặc biệt, sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước ở thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc” với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để giải quyết giặc dốt, Chính phủ Hồ Chí Minh mở mặt trận văn hóa với sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để rồi từ nông thôn đến thành thị, trẻ già trai gái đều tham gia bình dân học vụ. Đến khi thực dân Pháp tái chiếm nước ta (19-12-1946), nền tảng nhận thức xã hội Việt Nam đã thay đổi, góp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Chính sách bình dân học vụ là thắng lợi của toàn dân, trước hết là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua quyết định đưa chữ quốc ngữ đến với toàn dân.
Đây là chính sách “tương kế tựu kế” vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đúng như như GS Trần Chung Ngọc khẳng định việc La tinh hóa tiếng Việt chẳng qua là “gậy ông đập lưng ông” mà thôi: “Sự sáng tạo ra chữ quốc ngữ với những mục đích đen tối hiển nhiên không phải để giúp người Việt mở mang đầu óc mà để cải đạo và cắt đứt nền văn hóa tổ tiên của họ. Nhưng cha ông chúng ta đã dùng nó làm lợi khí để khai phóng dân tộc. Vậy chúng ta nên biết ơn ông cha chúng ta hay biết ơn kẻ tạo ra nó với những ý đồ đen tối?
Một tên giặc tới nhà chúng ta tạo ra một vũ khí để dễ bề quyến rũ con em nhẹ dạ theo chúng phản lại tổ tiên, chúng ta dùng ngay vũ khí đó để mở mang đầu óc của tất cả những người ở trong gia đình, nhờ đó mà gia đình chúng ta bảo vệ được truyền thống luân lý, đạo đức gia đình, bảo toàn gia tài của tổ tiên khỏi bị cướp đi. Vậy chúng ta nên nhớ ơn những người trong gia đình có sáng kiến dùng ngay vũ khí của địch để đánh địch, hoặc là chúng ta nhớ ơn kẻ đã mang vũ khí đến nhà chúng ta để cướp đi của cải, tài sản và gây bất hòa trong gia đình chúng ta? Tôi hy vọng vấn đề công và tội của Alexandre de Rhodes nay đã sáng tỏ”.
Điều khẳng định là việc La tinh hóa tiếng Việt của các linh mục Dòng Tên không vì lợi ích nhân dân Việt Nam mà vì công cuộc truyền Thiên Chúa giáo vào Việt Nam. Rhodes không phải là người đầu tiên và duy nhất La tinh hóa tiếng Việt. Chữ quốc ngữ là một công trình tập thể, trong đó có cả người phương Tây và cả người Việt.
Alexandre de Rhodes với văn hóa Việt Nam:
Rhodes viết cuốn Phép giảng tám ngày bằng tiếng Việt nhằm mục đích truyền Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, nhưng trong đó Rhodes đã dùng những ngôn từ mang tính miệt thị văn hóa Việt Nam, thóa mạ, chia rẽ dân tộc Việt Nam. Như chúng ta biết, ở Việt Nam, Tam giáo: Nho – Phật – Lão được xem như rường cột của chế độ phong kiến, nhưng trong mắt Rhodes: “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc”.
Cũng trong Phép giảng tám ngày, Rhodes viết: “Ông Khổng Tử ấy biết Đức Chúa cả, làm nên mọi sự, là cội rễ mọi sự thánh, mọi sự lành, hay là chẳng biết, ví bằng đã biết, mà làm thầy, thì phải dạy đầy tớ cho biết cùng, mà thờ thầy cho nên, song le ông Khổng chẳng có làm sự ấy, vì vậy chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ”.
Với Lão tử, theo Rhodes, “Giáo này thì thờ ma quỷ mà làm những phép giả…”.
Đối với Phật giáo, Rhodes gọi Đức Phật Thích Ca bằng “thằng” và “hay lừa dối”: “Như thể có chém cây nào đục cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cùng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo Bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ”. Chúng ta nghĩ thế nào khi Rhodes viết như thế, vì Phật giáo đã “đồng hành cùng dân tộc” ngay từ những ngày đầu du nhập, Phật Thích Ca được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một vĩ nhân văn hóa của nhân loại và hằng năm, Liên Hiệp Quốc đều tổ chức Đại lễ VESAK.
Tư cách truyền giáo của linh mục Dòng Tên Rhodes như thế, làm sao chúng ta tôn vinh, đặt tên đường, tên trường được!
Alexandre de Rhodes với chủ quyền dân tộc trước chủ nghĩa thực dân Pháp:
Rhodes đến Đại Việt truyền đạo giữa lúc cuộc nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong đang diễn ra. Với chúa Nguyễn, “Nhà chúa cần được họ tiếp tế đạn dược, súng ống để đương đầu với chúa Trịnh ngoài Bắc”; trong lúc đó “họ Trịnh cũng cần mua súng đạn của người Bồ”. Tuy vậy, song đứng về chủ quyền dân tộc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều thống nhất. Điều này là khẳng định, bởi chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã nhiều lần trục xuất Rhodes ra khỏi Đàng Ngoài và Đàng Trong vì những hoạt động truyền đạo của Rhodes đã gây phương hại đến an ninh nước Việt.
Ngày 27-12-1624, Rhodes vào Đàng Trong. Đầu năm 1625, Rhodes cùng với Francisco de Pina(2) ở Quảng Nam và Thuận Hóa. Sử gia Phan Khoang cho biết những gì Rhodes đã viết về Đại Việt: “Sau 6 tháng học tập đã thạo tiếng Việt và dùng giảng đạo cho tín đồ được. Trong 7 năm ở Đàng Trong và ở Đàng Ngoài, ông [tức Rhodes] biết rõ phong tục, tính tình người Việt, thông thuộc sử ký, địa dư nước này, nên có nhiều sách nói về nước ta, sách này có nhiều tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn các sách, các bài ký thuật ra đời từ trước đến bây giờ”. Điều này cho thấy Rhodes nắm kỹ tình hình Đại Việt.
Tưởng rằng có thể chinh phục Đại Việt thông qua việc truyền đạo, nhưng Rhodes đã thất bại ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, không chỉ một lần mà hai ba bốn lần… Trong tình thế bế tắc đó, Giáo hoàng Roma triệu hồi Rhodes về châu Âu xin viện trợ, để tiếp tục công cuộc truyền giáo mới. Rhodes đến Roma năm 1649, đúng lúc Tòa thánh Vatican đang muốn tách công cuộc truyền giáo ở châu Á khỏi quyền lực của Hoàng đế Bồ Đào Nha. Rhodes trình bày trước hiệp hội truyền giáo Congregation Propaganda Fide kế hoạch thiết lập tại Việt Nam một giáo đoàn thoát khỏi quyền lực của Hoàng đế Bồ Đào Nha và được Giáo hoàng hân hoan chấp nhận.
Vốn là con người lắm gian manh, sau nhiều lần bị trục xuất rồi cố quay lại, thậm chí có lệnh trảm quyết, nhưng đổi lại là Rhodes đã thâu thập được tình hình Đàng Trong và Đàng Ngoài. Có thể xem đây là món hời cho chủ nghĩa thực dân Pháp, do đó khi trở về Pháp năm 1652, Rhodes đã đề nghị triều đình Louis XIV hãy cung cấp binh lính để nhằm giúp ông mở rộng nước Chúa, không những chỉ riêng Việt Nam mà toàn cõi phương Đông. Trong cuốn Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions, Paris, 1653), Rhodes viết: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết Ai làm ra chữ quốc ngữ? đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 31-1-1993, GS Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, về mặt lịch sử, qua lời đề nghị với triều đình Louis XIV cùng những thông tin về tình hình của kinh tế, chính trị Việt Nam, cho thấy Rhodes có tội lớn với dân tộc ta, vì như En Chine đã viết: “Đứng về mặt chính sách thuộc địa, thừa sai vẫn luôn luôn được xem như các người phù trợ cho văn hóa Tây phương, ‘lính canh dũng cảm’ giương cao ngọn cờ tổ quốc”. Có người cho rằng Pháp mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam từ ngày 1-9-1858 bằng việc đánh vào Đà Nẵng, như vậy là trên 200 năm, kể từ khi Rhodes có lời đề nghị, khiến Rhodes chẳng có tội gì trong việc Pháp xâm lược Việt Nam, như thế là không thấy “cái biện chứng của lịch sử”.
Nghiên cứu lịch sử chính là vì nhu cầu của cuộc sống hôm nay; mặt khác, chính tầm cao của ngày hôm nay, cho phép ta hiểu lại lịch sử một cách sâu sắc hơn… Chúng ta có thể khác nhau về thành phần xã hội, về niềm tin, tôn giáo… song chúng ta đều bình đẳng trước chân lý khách quan. Không ai có thể tự cho mình độc quyền nắm giữ chân lý. Hiểu như vậy, chúng tôi đi đến những nhận thức lịch sử cần được khẳng định về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes.
Một là, Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng chế chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là sản phẩm chung của thừa sai phương Tây và cả người Việt Nam. Mục đích của La tinh hóa tiếng Việt là để truyền Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, chứ không vì lợi cho người Việt Nam, đó là chưa kể về sau, thực dân Pháp âm mưu biến nó trở thành công cụ để thống trị Việt Nam. Người Việt Nam “tương kế tựu kế” biến chữ quốc ngữ thành lợi khí của mình. Vì vậy, chống việc vinh danh Rhodes không đồng nghĩa với chống chữ quốc ngữ.
Hai là, đối với văn hóa Việt Nam, qua Phép giảng tám ngày, Alexandre de Rhodes đả phá, bài xích Tam giáo của người Việt. Điều đáng chú ý là Rhodes đã dừng những ngôn từ hạ cấp đối truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Ngôn từ của Rhodes thật không phù hợp với vị thừa sai. Đây là một trong những lý do khiến chúng ta không đồng tình với việc vinh danh Rhodes.
Ba là, khách quan mà nhận rằng cuộc nội chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho các thừa sai Dòng Tên hoạt động ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Thế nhưng, ít nhất là từ năm 1617 đến năm 1645, các thừa sai Dòng Tên, trong đó Rhodes là người được đánh giá là xông xáo nhất, đã không thành công trong “cuộc chinh phục linh hồn các xứ An Nam”; trái lại, Rhodes đã nhiều lần bị chúa Trịnh và chúa Nguyễn trục xuất. Theo chúng tôi, lý do chủ yếu nhất biến Rhodes trở thành tội đồ của dân tộc, là việc Rhodes vận động triều đình Pháp để xin binh lính xâm lược Việt Nam. Điều đó khẳng định Rhodes được xem như kẻ gián điệp đầu tiên trong lịch sử xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Việc chưa thành nhưng chính Rhodes đã đặt nền tảng cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam về sau.
Chú thích:
(1) Từ tiểu học cho đến đại học, trước 30-4-1975, tôi đều học ở miền Nam Việt Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
(2) Tháng 12-1625, Francisco de Pina qua đời.
Tài liệu tham khảo: 
1. Đường sống (nhật báo), ngày 26-3-1956, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
2. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam: Các thừa sai Dòng Tên 1615-1665, NXB Hiện tại, Sài Gòn, 1959.
3. Bùi Kha, Alexandre de Rhodes và vấn đề chữ quốc ngữ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
4. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967.
5. Alexandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày (Bản chụp cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ), Roma, Ý, 1651.
5. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, NXB Chân lý, Sài Gòn, 1994.
6. Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), NXB Hồng Đức, TP.Hồ Chí Minh, 2016.
7. Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003.
8. Thư phản hồi số 3806/SVHTT-QLVH của Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố Đà Nẵng gửi Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Cung ngày 19-11-2019.
9. Tuần san Giác ngộ, số 498, ngày 15-8-2009.
10. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Ban Chính phủ, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội và Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
7/8/2020
Lê Cung
Nguồn: Hồn Việt
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...