Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Sài Gòn qua ngòi bút nữ nhà văn Hoàng My

Sài Gòn qua ngòi bút
nữ nhà văn Hoàng My

Sài Gòn của mỗi người đều mang những ký ức riêng. Đó có thể là con đường quen, ngôi chùa thân thuộc với tiếng chuông ngân sớm chiều, màu áo lam hiền trong mỗi ngày rằm, mùng một. Đó có thể là hàng cây xanh thẳm trước sân trường, nơi cuối con đường dẫn về Thảo Cầm Viên…
Riêng với Hoàng My – nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM – người đã sở hữu nhiều hơn 5 tác phẩm truyện ngắn này, Sài Gòn hiện ra với những lát cắt nhẹ nhàng, dễ thương, bình dị mà sâu lắng đến lay động lòng người. Tất cả những câu chuyện ngắn, nhỏ và có sức gợi, làm người khác cảm được ấy đã được in trong tập Sài Gòn thương còn hổng hết – vừa ra mắt sáng 20-7 tại đường sách TP.HCM.
Nhà văn Hoàng My
Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, đồng nghiệp làm trong ngành viễn thông của Hoàng My đã đến dự và chia sẻ kỷ niệm/ ký ức của họ về Sài Gòn đã qua, Sài Gòn của hôm nay với những đổi thay. Nhiều người còn nhận xét về tâm hồn và trang viết của tác giả với nhiều tình cảm quý mến.
Như nhà báo Tố Phương – báo Phụ nữ TP.HCM chia sẻ, thì “My là một cây bút trẻ mà tôi đã làm việc, đã đọc mười năm. Mỗi khi cần bài nhanh, thời sự, Hoàng My là người tôi nghĩ đến đầu tiên, và nhanh chóng nhận được bài viết đầy xúc cảm với góc nhìn mới, tròn trịa”. Hay như nhà báo Trần Triều, Hoàng My là người dễ rung cảm với những cái nho nhỏ trong cuộc sống – điều anh chắt lọc rút ra từ những bài viết mà anh từng biên tập của Hoàng My đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM.
Còn nhà báo Bích Hạnh – phó ban Văn hóa nghệ thuật báo Thanh Niên thì cho rằng, Hoàng My viết khỏe, cảm nhận tinh tế, đầy nhân văn về những con người bình dân, giản dị ở thành phố này. Chị lấy một bài trong tác phẩm để chứng minh – đó là bài về anh bán xôi dưới chân tòa cao ốc: “Phải tinh tế lắm người viết mới có thể nhìn thấy tấm băng đen trên ngực áo anh chàng bán xôi, để nhận ra rằng, sau những mưu sinh xa xứ là những mất mát mà anh ấy trải qua âm thầm… Ít ai thấy được điều đó nếu không nhìn con người bằng trái tim nhân hậu”.
Nhà báo Bích Hạnh cũng là người viết đôi dòng cho cuốn sách, với những dòng thế này: “Sài Gòn của Hoàng My là những phận người, những cảnh đời dung dị nhưng neo đậu, ghim gút vào đôi mắt một phụ nữ bao dung, tha thiết. Em, người đàn bà viết văn, đảm đang vén khéo, cùng những đứa con mình, cùng ba mẹ mình, cùng nhân vật của mình cứ thế “Đau đớn và khao khát” để “Vội vàng thêm những lúc yêu người”…
Sách Sài Gòn thương còn hổng hết của Hoàng My
Còn theo tác giả, “đây là những câu chuyện thật nhỏ – không phải tất cả đều là chuyện đẹp, mà còn có những câu chuyện buồn – của một người phụ nữ tầm-thường như My đã quan sát, cảm nhận…”.
Sự thật là, cuốn sách không quá dày (chỉ 185 trang) nhưng chắc chắn sẽ đủ sâu sắc để bạn đọc yêu mến Sài Gòn tìm thấy mình trong đó, cũng như thấy những con người quen thuộc, thân thương mình gặp đâu đó giữa lòng phố mà quên không ghi lại – nay đọc để chiêm nghiêm qua chữ của nhà văn Hoàng My – rồi cùng cảm nhận, cùng thương những phận người, nhất là dân nhập cư đã sống, góp sức làm nên thành phố, và lại yêu thêm mảnh đất, địa danh, con người chốn này…
3/11/2019
Bình Minh
Nguồn: GNO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu...