Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Tài tử Chánh Tín: Diễn viên tầm cỡ, một biểu tượng của điện ảnh Việt

Tài tử Chánh Tín: Diễn viên tầm cỡ,
một biểu tượng của điện ảnh Việt

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vừa đột ngột qua đời tại nhà riêng rạng sáng 4-1. Ông là diễn viên nam một thời từng khiến khán giả say mê, đặc biệt là sau vai diễn trong phim ‘Ván bài lật ngửa’.
Nguyễn Thành Luân lái chiếc xe Peugeot đến một cánh rừng cao su, bước xuống xe, vóc dáng cao ráo lãng tử, gương mặt thanh thoát nhưng đậm chất đàn ông với hàng ria mép, đôi mắt cương nghị, khoác chiếc áo măng tô và chiếc mũ phớt rồi bước chậm rãi vào cánh rừng với những nét suy tư khó đoán. Những hình ảnh của đoạn intro đó trở thành một biểu tượng của điện ảnh Việt, xứng đáng được khắc ghi vào lịch sử của bộ môn nghệ thuật này.
Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Lê Hồng Lâm chia sẻ:
“Những hình ảnh trong đoạn intro được lặp lại qua 8 tập phim Ván bài lật ngửa (đến bây giờ vẫn là kỷ lục vô tiền khoáng hậu của điện ảnh VN) đóng đinh vào tâm trí của khán giả hình ảnh của một Nguyễn Chánh Tín/ Nguyễn Thành Luân khó quên, với những khán giả đã xem và mê say loạt phim này trong thập niên 80. Tôi là một trong số đó, dù lúc đó chỉ là một cậu bé con mê điện ảnh.
Có thể nói Nguyễn Chánh Tín sinh ra để đóng vai Nguyễn Thành Luân hay ngược lại, đây là nhân vật được “đo ni đóng giày” cho Nguyễn Chánh Tín. Nhà văn, biên kịch Trần Bạch Đằng, tác giả của bộ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm (ông lấy bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý) đã từng nhận xét rằng: “Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người”.
Quả là vậy, Nguyễn Chánh Tín không chỉ có một gương mặt điển trai, một khí chất quý ông lịch lãm hiếm có khó tìm trên màn ảnh Việt, mà ông còn chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất rất điềm tĩnh và tiết chế, cách nhả thoại khoan thai, từ tốn, ngay cả trong những tình thế cân não, ngàn cân treo sợi tóc hay kẻ thù bao vây tứ phía.
Trong cuộc đối đầu cân não với Ngô Đình Nhu ở tập phim cuối cùng (Vòng hoa trước mộ) khi biết thân thế của mình bị lộ, hai người đàn ông ở hai chiến tuyến vẫn cho thấy phong thái và khí chất đàn ông tuyệt vời của họ.
Ông Nhu nói, “Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi. Ngay phút này đây, tôi vẫn có thể xóa anh, nhưng tôi không làm việc đó. Tôi không muốn anh chịu chung số phận với chúng tôi. Anh nên ra đi trước khi quá muộn”.
Nguyễn Thành Luân từ tốn đáp lại, “Cám ơn anh. Điều lớn nhất đối với tôi là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi. Tôi hy vọng, tổng thống và anh gặp may mắn”. Sau đó, ông Nhu cho bảo vệ đưa Nguyễn Thành Luân ra khỏi đường hầm an toàn, còn ông ta ở lại để chờ một cái án tử sắp đến.
Trường đoạn này chỉ xuất hiện trong khoảng 5 phút của tập 8, với bối cảnh cuộc đảo chính Diệm – Nhu nổ ra, và nó cho thấy cách xây dựng tâm lý đặc sắc của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Lê Hoàng Hoa là một đạo diễn lớn và làm phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam trước 1975.
Cơn sốt và sức ảnh hưởng của bộ phim điệp báo dài 8 tập kéo dài trong suốt 6 năm (từ 1982-1987) với ước tính khoảng 10 triệu lượt người xem/tập (thời phim chiếu bãi và len đến tận hang cùng ngõ hẻm) đã khiến hình tượng của Nguyễn Chánh Tín, trong vai điệp viên tình báo Nguyễn Thành Luân trở nên gần gũi và thân thuộc với khán giả trong thập niên 80, 90.
Tôi đã từng dự định về VN phỏng vấn ông, nhưng cứ lần lữa mãi vì nghĩ dù sao lúc đó ông chỉ là một gương mặt mới so với nhiều tên tuổi lớn khác, giờ thì không kịp nữa rồi.
Trong tập phim Vòng hoa trước mộ, ở đoạn cuối, Nguyễn Thành Luân đã đặt vòng hoa trước mộ ông Ngô Đình Nhu và nói, “dù sao, tôi cũng đã mất đi một đối thủ tầm cỡ, chúc anh yên nghỉ”.
Ngày hôm nay, những người yêu điện ảnh Việt cũng đang đặt một vòng hoa (dù là trong tâm tưởng) để tưởng nhớ về một nam diễn viên tầm cỡ, người trở thành một trong những biểu tượng của điện ảnh Việt mà chúng ta khó tìm thấy người thứ hai. Mong ông yên nghỉ, Nguyễn Chánh Tín”.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngay khi vừa nhận được tin Chánh Tín qua đời, đạo diễn Lê Thanh Sơn (Em chưa 18) cho biết anh buồn rơi nước mắt khi nghe tin.
“Đây là một tổn thất quá lớn đối với điện ảnh Việt Nam, Hãng phim Chánh Phương và những người anh em cùng con cháu của chú như anh Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn”, đạo diễn nói.
“Chú Chánh Tín vừa là huyền thoại một thời, vừa đồng hành cùng điện ảnh Việt Nam trong những chặng đường sau này. Từ một ngôi sao, chú sẵn sàng nhận những vai nhỏ để đeo đuổi với nghề. Sức cống hiến của chú rất bền bỉ và luôn tỏa sáng”.
Đạo diễn Em chưa 18 lưu giữ 2 điều đáng nhớ về nam diễn viên từng cộng tác với mình. Một là giọng nói của Nguyễn Chánh Tín. “Ông là diễn viên có đài từ xuất sắc: trầm ấm đặc biệt, vừa có lực, dày mà đa sắc thái tình cảm”, anh nói.
Ấn tượng thứ hai là cách Nguyễn Chánh Tín coi trọng ý kiến của người trẻ. Dù là “cây đa cây đề”, từng đứng đầu Hãng phim Chánh Phương, Nguyễn Chánh Tín rất biết lắng nghe ý kiến của lớp nhà làm phim sau này. Ông cũng đóng góp ý kiến của mình với tư cách một người từng trải, một người cha và cộng tác tốt với diễn viên thế hệ sau Kiều Minh Tuấn.
NSƯT, đạo diễn âm thanh Nguyễn Huy Căn đã rất bất ngờ khi hay tin Nguyễn Chánh Tín qua đời. Năm 1977, đạo diễn Nguyễn Huy Căn theo êkip Mối tình đầu do cố đạo diễn Hải Ninh dẫn đầu vào TP.HCM làm phim.
Vì chiến tranh, đất nước chia cắt nên các đạo diễn phía Bắc có rất ít kinh nghiệm về xã hội miền Nam. Trước khi đi cả êkip đã xem rất nhiều phim của các đạo diễn miền Nam để lấy thông tin.
Mối tình đầu kể về mối tình của chàng sinh viên Ba Duy (cố NSND Thế Anh) với cô gái Diễm Hương (NSND Như Quỳnh). Cuộc tình kết thúc khi Diễm Hương buộc phải lấy một tên cố vấn Mỹ để cứu cha.
Vì NSND Thế Anh nói tiếng Bắc nên cả đoàn phải tìm người nói tiếng Nam lồng tiếng. Đạo diễn Nguyễn Huy Căn cho biết các đồng nghiệp phía Nam đã giúp đỡ, tìm 4-5 người tới thử giọng, nhưng không ai đạt.
“Mọi người bảo chúng tôi khó tính, nhưng quả thực vai Ba Duy là một sinh viên miền Nam rất trẻ trung, có chất trí thức, mà những người tới thử giọng hoặc giọng dữ dằn quá, hoặc không ra được chất trí thức.
Khi người ta dẫn Chánh Tín đến giới thiệu anh này là một sinh viên miền Nam trước đây. Chánh Tín lúc đó rất trẻ, điển trai, từ giọng nói đến ngoại hình đều toát lên vẻ trí thức, vừa thử giọng chúng tôi đã biết đây đúng là người chúng tôi cần vì anh ấy thể hiện được chất sinh viên, cũng như sự bất cần đời của Ba Duy.
Lúc đó anh ấy còn trẻ lắm, mới vào nghề, chúng tôi từ miền Bắc vào lần đầu biết tới anh ấy. Chánh Tín là một trong những nam diễn viên hiếm hoi thời đó có vẻ ngoài rất điển trai, lại có chất trí thức”.
Nguyễn Chánh Tín qua đời vào sáng 4-1 ở tuổi 68. Trả lời Tuổi Trẻ Online sáng 4-1, con gái nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín cho biết cha cô qua đời đột ngột và không kịp nhắn nhủ điều gì với gia đình.
“Tình trạng sức khỏe của cha tôi những tháng gần đây khá tốt. Nhưng vài hôm nay, ông bị cảm và không ăn uống được gì nhiều”, con gái Nguyễn Chánh Tín cho biết, “Đêm hôm qua, ba bệnh nên khá yếu”.
Ca sĩ Bích Trâm, vợ của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, hiện sốc và ngơ ngác trước sự ra đi đột ngột của chồng.
Trước mắt, gia đình Nguyễn Chánh Tín đang đợi con trai ông từ Canada về nước để cùng tiến hành các thủ tục tang lễ. Tang lễ sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Lê Quý Đôn nhưng chưa xác định ngày giờ.
4/1/2020
Mi Ly - Ngọc Diệp
Nguồn: Tuổi Trẻ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...