Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Thổ Hà "Gạo chợ nước sông"

Thổ Hà "Gạo chợ nước sông"

Men theo đê con sông Cầu, từ bến Như Nguyệt, qua Đông Xuyên, Yên Trung, Dũng Liệt, Tam Đa… qua đò, chúng tôi đến Thổ Hà. Phải mấy bận hỏi đường mới đến được ngôi làng trong… tương truyền.
Ấn tượng ban đầu là cổng làng mát quá; trẻ con, người lớn tụ tập đông vui. Cái nắng oi nồng lùi đâu đó sau những tán lá xum xuê. Thấp thoáng bóng dáng đình, chùa, miếu mạo… định rẽ vào ngay nhưng rồi quyết định tìm chỗ gửi xe để  “điền dã”. Thử xem làng cổ còn lại dấu vết nào qua bao thời gian thăng trầm và sự đô thị hóa đang ào ạt khắp nơi như vũ bão.
Không khó khăn để tìm một hàng nước ngay cạnh bến sông. Thật lạ lùng, làng ven sông nhưng không hề ngăn cách bởi đê điều hay bờ bãi; ngõ thông luôn với bến nước, và cứ cách một vài ngõ là thấy ngay mặt nước đang lờ lờ đỏ như cái ao bên cạnh nhà . Bến đò vắng vẻ, thi thoảng mới có người qua nhưng ngay cạnh bờ, lũ trẻ con của những gia đình thuyền chài nhảy tắm sông ùm ùm , nước bắn tung tóe. Nhà thuyền nhưng không phải là những chiếc thuyền nan chật chội bé tí mà mỗi lần đi ra vào phải khom lưng, thấp gối; những chiếc thuyền giờ đây đổ bê tông, nhà dựng cột hết sức vững chãi, trông yên tâm mà là lạ.
Ngay từ những bước chân đầu tiên đã ngạc nhiên và ám ảnh bởi rác.
Nhà giáo Nhất Mạt Hương
Rác rải khắp đường làng, ngõ xóm, bờ sông, gốc cây… Rác tràn cả vào sân đình – nơi người ta xếp giàn phơi bánh nem. Những con ngõ hun hút, chật chội dường như khó thở hơn với những thùng, xô rác vương vãi, những chú chó hồn nhiên đi lại.
Đến đây mới thấy không gian tự nhiên thu nhỏ lại, và thời gian dường như cũng ngưng đọng.
Người Thổ Hà chợ búa từ xưa, ruộng nương không có, chỉ chăm chỉ với nghề, với bột, với bánh, với rượu. Nhịp sống của làng dồn hết vào nửa ngày – từ sáng sớm đến trưa; buổi chiều mọi thứ ở trạng thái nghỉ ngơi. Chỉ lác đác những gia đình thu dọn giàn phơi, bóc bánh, cất mì; những mẻ rượu cuối được rót nốt để tắt bếp và quét dọn. Người người đổ xô tụ tập dưới bóng cây rợp mát rìa sông, những cây đa không biết hàng bao nhiêu tuổi thả xuống những cái rễ ngoằn ngoèo, sinh động. Cả một khu sân trước miếu rậm rạp như một khu rừng nhỏ, xua đi cái nóng bức của buổi trưa cuối hạ. Ngồi nghỉ chán, người ta thong thả rẽ vào những hàng quà bánh rải rác khắp làng. Thật lạ kỳ, một cái làng nhỏ bé như thế mà không thiếu thứ gì, như một khu phố ẩm thực được kéo về đây dù cung cách phục vụ còn dân dã.
Ra về, mua ít bánh cuốn nóng hổi. Cô bán hàng nhiệt tình giới thiệu, bánh cuốn tráng bằng thứ gạo ngon, vừa rẻo vừa thơm, hành khô phi cẩn thận với nước mắm đúng điệu;ăn một lần là nhớ mãi. Thấy người dân vừa hồn hậu vừa khéo léo, vừa có chút sắc sảo của người buôn bán lại có nét chân chất thôn quê.
Tiếc là cổng làng đã được xây lại, không còn thấy màu sắc cũ kĩ, cổ xưa nhưng dáng đứng trầm mặc và suy tư vẫn khiến những kẻ lần đầu đến- khi quay ra phải đôi lần ngoái lại.
Chiều chưa tắt nắng nhưng con đường về cách trở lại thấy chút e dè. Nước sông dâng lên sát bờ, đàn vịt tha thẩn bơi lội mặc tiếng động cơ của con đò chạy máy.
Có đôi chút chạnh lòng khi bao háo hức mong chờ về  một ngôi làng cổ như trong hình dung đã không còn thấy. Có chăng chỉ là những vết gạch nâu trầm trên tường, trên cổng của những ngôi nhà còn giữ lại, bóng dáng của tiểu sành, chum vại mang nét độc đáo có một không hai.
Có lẽ, chúng sẽ còn tồn tại đến thật lâu , thật lâu nữa. Hồn Thổ Hà lưu giữ trong đó, như một chứng tích bền bỉ, đượm màu.
Và tên làng cứ ám ảnh không nguôi với một nét riêng khó lẫn, một ngôi làng ít “thổ” nhiều “hà”, ngôi làng “gạo chợ nước sông”.
20/7/2020
Nhất Mạt Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vàng và máu

Vàng và máu Phần 1 Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách ...