Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Thức ăn tinh thần cho con người là bao nhiêu

Thức ăn tinh thần cho
con người là bao nhiêu?

Ấn tượng Mùa khát, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, Nxb Hội Nhà văn 2018
“Tự do và ái tình/Vì các ngươi ta sống/ Vì tình yêu lồng lộng/ Ta xin hiến đời ta/ Vì tự do muôn đời/ Ta hy sinh tình ái” (Tự do và ái tình – Petofi, Hungary)
1. Mùa khát và đề tài “nóng” của văn chương
Đề tài “nóng” của văn chương được hiểu là động chạm đến vấn đề nhạy cảm. Trong văn chương đương đại Việt đầy rẫy những tác phẩm “hot”: Những mảnh đời đen trắng (tiểu thuyết) của Nguyễn Quang Lập, Sóng lừng (tiểu thuyết) của Triệu Xuân, Người đưa đường thọt chân (tiểu thuyết) của Bùi Việt Sỹ, Bi kịch nhỏ (truyện ngắn) của Lê Minh Khuê, Nỗi buồn chiến tranh (tiểu thuyết) của Bảo Ninh, Hành quyết không pháp trường (tiểu thuyết) của Tôn Ái Nhân, Ổ rơm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến, Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết) của Bùi Ngọc Tấn, Sợi xích (tiểu thuyết) của Lê Kiều Như, Thời của thánh thần (tiểu thuyết) của Hoàng Minh Tường, Đi tìm nhân vật (tiểu thuyết) của Tạ Duy Anh, Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết) của Nguyễn Viện,… Gần đây trên trang mạng có đăng tải bài viết rất hay của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa – Tác phẩm bị cấm có phải là tác phẩm hay? Thường “nóng” thì có khi bị cấm, nhưng có khi cấm là một chiêu để bán sách. Đó là kẽ hở của cơ quan chức năng kiểm soát văn hóa, theo cách lý giải của tác giả này (chính ông năm 2015 đã dịch Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ra tiếng Trung Quốc).
Tôi không muốn đánh đồng Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến với những tác phẩm thuộc phạm trù “nhạy cảm” như vừa nêu trên. Tôi muốn nói về sự viết của nhà văn là quyết tâm “nhúng bút vào sự thật” (cách diễn đạt của nhà văn/ đạo diễn điện ảnh Nga tài năng V. Suc-sin). Tôi chỉ muốn so sánh Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến với Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Chúng có những nét tương đồng: Tác giả đều là nhà báo bị tù giam (tù oan), đều viết tiểu thuyết có yếu tố tự thuật, tác phẩm đều không “bắt mắt” với cơ quan chức năng quản lý văn hóa văn nghệ, nhưng được độc giả tìm đọc. Tôi còn nhớ ngày đó, phải bỏ tiền ra (tính gần 1 chỉ vàng) để mua bộ tiểu thuyết 2 tập của Bùi Ngọc Tấn ở chợ đen. Bây giờ thì các quầy sách ở phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) đầy rẫy, giá rẻ bất ngờ. Mùa khát ra mắt độc giả cũng không thật thuận buồm xuôi gió. Đã có mấy nhà xuất bản từ chối. Giả sử không có “lò” chống tham nhũng vừa qua cháy rừng rực thì còn lắm bắt bẻ, gây khó dễ cho đứa con tinh thần của Nguyễn Việt Chiến khi nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tôi nghĩ thế. Cũng chưa có tiền lệ trên trang web Vanvn.net lại có mục tin “Chính thức phát hành cuốn tiểu thuyết Mùa khát của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội”. Thậm chí tin còn đưa cụ thể “Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn ký quyết định số 1020/QĐPH- NXBHNV, phát hành xuất bản phẩm trong phạm vi toàn quốc” (Tin/ 2: 18 PM, 30-11-2018).
Giữa Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến và Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn có một điểm giống nhau tuyệt đối: Công cuộc/con đường khổi ải (khổ nạn đích lịch trình) đi tìm “thức ăn tinh thần” cho con người. Đó chính là TỰ DO và ÁI TÌNH. Gần 10 năm trăn trở, vật vã, thể nghiệm, thăm dò để cuối cùng Mùa khát đến tay độc giả. Rất có thể đây là tác phẩm để đời của Nguyễn Việt Chiến, cũng như trong thơ ca ông đã định vị bằng Tổ quốc nhìn từ biển. Tôi thấy Nguyễn Việt Chiến như là một Hỏa Diệm Sơn. Lúc nào cũng sục sôi, phun trào, nóng rẫy, tỏa nhiệt lượng tối đa. Mới đây cafe cùng nhà thơ, thấy ông có vẻ hao gầy hơn so với trước. Cũng dễ hiểu, ông vừa qua một trận đánh chữ nghĩa vô hình, vô tiền khoáng hậu, vừa trải qua một bi kịch của chữ. Nhưng rồi ông lại cười hết cỡ, lại thấy lạc quan yêu đời, yêu người, yêu nghề. Riêng tôi thấy, Nguyễn Việt Chiến thực sự là một người đàn ông đa tình, đa đoan, đa sự, đa mang…
2. Mùa khát – khát vọng tự do và tình yêu
– Nhân vật là cốt tử của tiểu thuyết. Mùa khát nhiều nhân vật. Đặc điểm chung của các nhân vật, dù gốc gác nào, sắc tộc nào, đẳng cấp nào, trình độ nào, phái tính nào cũng đều là những con người mang nhiều tính người nhất. Đều chung khát vọng tự do và tình yêu, dĩ nhiên màu sắc cũng rất khác nhau, đa dạng như chính sự đa dạng sinh học của tự nhiên. Có thể nhà văn không chủ đích phân chia nhân vật ra thành các cặp chính – phụ, tích cực – tiêu cực, tốt – xấu, chính diện – phản diện như cách chia truyền thống. Ông chú ý đến cái gọi là “chất người trong con người”. Rất có thể ai đó lại ra giọng lập trường cho rằng tác giả chung chiêng, nghiêng về tính người (trước đây sẽ bị quy kết quan điểm chính trị). Nhiều độc giả thích thú khi ngay trang đầu nhà văn cho nhân vật Hậu Aka xuất hiện. Anh ta vốn cũng là một người tù. Lý do vào tù thì khỏi phải bàn vì vi phạm pháp luật. Nghĩa là dính vào vòng lao lý thì khổ và nhục là không tránh khỏi. Nhưng về một phương diện nào đó, anh ta là một con người thì phải có giá trị, ý nghĩa tồn tại của nó. Nếu lòng yêu nước không độc quyền thì cái tốt/cái đẹp/cái cao cả cũng không độc quyền. Nó không dành riêng cho giới tinh hoa, quý phái, trí thức (mà tìm đâu ra ở ta). Cuối cùng thì Hậu Aka là một người yêu tự do và say mê tình ái (dẫu cho cái cách thể hiện của anh ta với phụ nữ đôi khi hơi thái quá, hồn nhiên nhi nhiên, thậm chí lỗ mãng).
Tôi rất chú ý khi tác giả có vẻ nương nhẹ (chứ không phải cực tả hay hữu khuynh) ngòi bút khi xây dựng nhân vật trung úy biệt kích thuộc lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Nội. Đã qua cái thời khi viết về đối phương ta thường nhấn chìm họ xuống tầm thấp hơn ta về trí tuệ, nhân cách, tài năng và đặc biệt thành kiến cái phần thú tính trong con người họ. Như thế là vô tình ta rơi vào ý chí luận, định kiến luận, quy kết luận theo kiểu tư duy “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ” (Việt Phương – Cửa mở). Một sỹ quan biệt kích VNCH lại quen biết, yêu dấu (đến cuồng si) một nữ chiến sỹ quân Giải phóng (Thúy Liên) đến hết mình, tận hiến và tận hưởng (cuối đời anh ta đưa Thúy Liên sang Mỹ sống vợ chồng khi tuổi xế chiều). Anh ta cũng bị bắt làm tù binh, cũng trải qua trăm đắng nghìn cay của kẻ tù, nhưng anh ta lại có cơ hội lập công với quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ CHXHCNVN. Có nghĩa nhân vật này cũng được tác giả nhìn nhận và thể hiện như một cá thể đa nhân cách. Và nó cũng khát khao vô tận tự do và ái tình. Một bản ngã, một bản lĩnh đáng để chúng ta suy nghĩ về các phạm trù bạn – thù, đẹp – xấu, được – mất. Cặp nhân vật này khiến tôi nhớ tới hai nhân vật sỹ quan Bạch vệ (Ôtơrốc) và nữ chiến sỹ Hồng quân (Mariutka) trong tiểu thuyết lừng danh Người thứ 41 của nhà văn Nga B. Lavơrênhep. Trong hai trường hợp này, tôi nghĩ, nhà văn đứng về “phe nước mắt”/ “tự do và ái tình”.
– Dĩ nhiên thức ăn tinh thần (tự do và ái tình) cho nhân vật nhà thơ/ nhà báo Vũ Văn mới được tác giả quan tâm hàng đầu, mới hút hết nhiệt tình và sức lực của ngòi bút khi chăm bẵm nhân vật chính (là bóng hình của chính mình, nên tiểu thuyết có tính chất tự thuật). Vũ Văn là một nhà báo dũng cảm, thông minh, chấp nhận dấn thân vào một “nghề nguy hiểm” (nhưng mà trong bối cảnh xã hội hiện nay thì nghề nào mà chẳng nguy hiểm, tỷ như nghề làm quan cũng dễ dính vào lao lý, tù đày, phạt tiền, khổ nhục!?). Đấu tranh cho sự thật, công lý nhưng thật trái khoáy, chính vì thế mà anh lại phải vào tù, ra tòa, sống cơ cực vì “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài” (nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại).
Nhân vật Vũ Văn được xây dưng theo phép “phi lý” (trong khi cái “có lý” lại bất lực, bị khuynh loát bởi cái phi lý). Không thể nói ở tù là một trường học thử thách bản lĩnh (bởi như thế thì nếu cần có bản lĩnh cần phải ở tù!?). Ở tù là do hoàn cảnh xô đẩy, là một tình huống xấu, bất khả kháng đối với nhà báo Vũ Văn. Nhưng cổ nhân dạy trong cái rủi có cái may, trong cái khó ló cái khôn. Khát vọng tự do được tiếp cận và nói lên sự thật với nhà báo Vũ Văn khi còn đương chức đã bị cắt ngang bởi một án oan. Những ngày tháng ở tù như là một thứ “đô-ping” kích thích anh “gắng sống đến bình minh” để trở về với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Chỉ khi ở tù, nhà báo Vũ Văn mới nhận ra một cách sâu sắc nhất tự do là “thức ăn tinh thần quý giá/ quan trọng nhất của con người” (mà không riêng gì Vũ Văn, tất cả chúng ta đều thấu hiểu/ thấu cảm như thế). Nhân vật nhà báo/ người tù Vũ Văn sắc nét, sinh sắc, bởi nó được tác giả rút ruột ra khi viết. Cổ nhân nói “nằm trong chăn biết chăn có rận” chính là thế. Nhà báo Vũ Văn là một trong nhiều của đội hình những người dũng cảm đấu tranh cho “tự do – công bằng – bác ái”. Anh có cái tiết tháo của kẻ sỹ, có cái mộng mơ của nghệ sỹ, có cái sắc bén của ngòi bút phò chính trừ tà, có một độ rung nhạy mãnh liệt của người đàn ông đa tình, có cái trách nhiệm cao của người chủ “gia đình bé mọn” (mà lại có đến số 2). Rất lâu rồi, trong văn chương/ tiểu thuyết Việt có một nhân vật nổi hình, nổi khối như thế, độc đáo như thế và cũng có hơi hướng “dị biệt” (grotesque) như thế.
3. Mùa khát và tính hấp dẫn của văn chương
– Thực và ảo bện kết: Nếu nhà văn viết thực quá thì rơi vào “nệ thực” (theo cái công thức truyền thống của chủ nghĩa hiện thực “phản ánh cuộc sống như hình thức vốn có của nó”). Mùa khát là cuộc giao duyên giữa ảo và thực, giữa hiện thực trần trụi và sự phiêu diêu của đời sống tâm linh (cảnh nhà báo/ nhà thơ Vũ Văn gặp Cụ Nguyễn Tiên Điền, rất đặc trưng). Tại sao hiện nay công chúng nghệ thuật thích xem phim ma, tại sao trẻ em thích đọc cổ tích thần kỳ, đọc Hary Portơ, tại sao nhiều người nghiện facebook (thế giới ảo)? Có thể vì thế giới thực làm con người bội thực thông tin, nên đôi khi họ cần giải thoát, phiêu du, phiêu lưu ký để có thêm thông tin thẩm mỹ mới/ lạ (kiểu Dế mèn phiêu lưu ký). Tất nhiên độ/ phần thựctrong Mùa khátvẫn chủ đạo, phần ảo chỉ như là gia vị, thêm vào, gây men, kích thích công chúng nghệ thuật “ăn ngon miệng”. Tôi nghĩ, nếu tác giả nghiêng về hay lạm dụng ảo thì có nghĩa là một cách né tránh, hoặc tự vệ có tính bản năng của nghề viết lách. Nhưng Nguyễn Việt Chiến, tôi thấy, vẫn hiên ngang. Nghĩa là vẫn đứng về/ bảo vệ/ tụng casự thật(văn hào Nga L.Tolstoy, tác giả kiệt tác Chiến tranh và hòa bình, đã viết “Nhân vật tôi yêu quý nhất chính là SỰ THẬT”).
– Chương hồi vẫn đắc dụng: Đôi khi sử dụng cái “cũ” (truyền thống) một cách thông minh, sáng tạo vẫn có hiệu quả nghệ thuật trong nghề viết văn. Mùa khát được cấu trúc theo phép chương hồi (tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như Tam quốc chí, Hồng Lâu mộng, Tây du ký, Thủy hử, Kim Bình Mai,…). Mùa khát gồm 20 chương/ khúc/ thiên có “lời rao” cốt truyện. Đây là cách thay đổi món ăn tinh thần khi độ này một số nhà văn ham chuộng hậu hiện đại, phân tâm học, cấu trúc học, sinh thái học, ký hiệu học… nên hay đưa món ăn Tây ép độc giả. Nguyễn Việt Chiến dọn lại một món truyền thống (kiểu Hoàng Lê nhất thống chí). Tôi đồ rằng nhiều người đọc thích món chương hồi này hơn món dòng ý thức.
-Tình huống nhiều xung đột/ giàu kịch tính: Mỗi chương/ hồi/thiên (tất cả là 20) trong Mùa khát đều như trên sân khấu với sự thống nhất cao độ về không gian -hành động- ngôn từ. Cả Mùa khát là một vở kịch lớn, mỗi chương/phần /thiên là một vở kịch nhỏ (tiểu thuyết như là kịch trong kịch). Riêng tôi thích nhất những hồi kịch trong đó có 2 vai Nguyễn Nội và Thúy Liên ( cảnh Nguyễn Nội gặp Thúy Liên trong trận huyết chiến, cảnh đoàn viên của hai người sau khi Nguyễn Nội thoát khỏi trại giam do một tình huống bất ngờ). TrongMùa khát tình huống chồng tình huống, xung đột chồng xung đột/ bi kịch chồng bi kịch (bi kịch chất đống, theo cách diễn đạt của Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận).
– Giọng kép (bi ai/thương cảm): Trong sáng tác văn chương, giọng điệu rất quan trong (thậm chí nó còn được xem là cốt lõi của phong cách). Tôi thấy run rẩy theo sự run rẩy của tác giả trên những con chữ từ đầu đến cuối sách. Bi ai và thương cảm, thương cảm và bi ai. Đó là hai trong một giọng điệu của Nguyễn Việt Chiến trong Mùa khát. Nhưng nên nhớ đó là giọng chính chủ, của chính một nhà văn/ nhà báo bị tù oan vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng đang như một quốc nạn, phá nát cơ đồ đất nước. Giọng ấy là giọng của bi kịch chữ. Giọng bi ai và thương cảm, tôi nghĩ, được chắt ra từ nước mắt, mồ hôi và thậm chí cả máu của nhà văn. Một người trước khi cầm bút đã cầm súng. Vì thế ngòi bút của ông như cây súng. Mỗi chữ được đánh đổi bằng cả tính mạng và danh dự. Nhà văn không rơi vào cảnh chưa đau đã kêu rên, chưa kịp buồn đã than vãn, chưa mất mát đã nuối tiếc. Bi ai và thương cảm nhưng vẫn rất điềm tĩnh, an nhiên, tự tại vì tin vào chính nghĩa và công lý.
4. Vĩ thanh
Nếu có tiếc là tiếc khi “tội nhân” chưa được vạch mặt chỉ tên. Ai (kẻ nào) đã gây ra ai oán/oan khuất cho người thường dân, ai/ kẻ nào đã gieo rắc niềm hoài nghi giữa người với người, ai/ kẻ nào đã phủi tay vô can, ai đã hèn nhát không dám bảo vệ công lý, và còn rất nhiều ai/ kẻ nào chưa bị lộ (!?). Điều này có lẽ nằm ngoài tầm tay tác giả hay là đã viết nhưng chưa kịp công bố, lại cũng chỉ vì lý do “nhạy cảm” (!?). Dĩ nhiên, không ai ngây thơ nghĩ rằng văn chương có thể can thiệp, thay đổi đời sống theo chiều hướng tốt đẹp. Cũng không ai ngây thơ tin rằng những ai/ kẻ nào gây nên hậu họa cho đồng loại sẽ đọc tác phẩm này và hối cải (nếu được thế thì xã hội đã về tới thời Nghiêu Thuấn). Nhưng vẫn cứ tiếc “nếu như”, “giá như”…Ai đó nói chí lý, vì hai chữ “giá như” đôi khi lịch sử còn có thể thay đổi huống hồ văn chương. Thôi thì, đành lòng vậy cầm lòng vậy. Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, như cổ nhân nói. Tỉnh trí ra thấy, Mùa khát có cả hoa, có cả nụ đấy chứ.
19/11/2019
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Có những nỗi buồn trong veo Nguyễn Nhật Ánh được mặc định là nhà văn viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn nên...