Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Thương lắm bến biên thùy

Thương lắm bến biên thùy

Với ta, biển xa. Xa lắm dù cách nhau chỉ hơn sáu mươi cây số ngàn. Bởi vậy nên lâu về dù rất nhớ. Nhưng gần đây cứ chừng vài năm ta lại cố thu xếp. Bởi với cảnh nhà ta là cả một sự chuẩn bị. Dọn dẹp cỏ hoang, bồi bổ vườn tược cây trái, sửa chữa chuồng trại và nhất thiết mấy con heo cỏ phải được giải phóng, để người duy nhất còn lại ở nhà đỡ phải vất vả. Về ở cũng chẳng được lâu la gì, chỉ độ hai ba ngày. Rồi đi.
Hình như đời người ai cũng có một vùng đất để mà nặng nợ ân tình. Để nhớ để thương, để hoài vọng thiết tha, để đăm đắm quay về dù đó không phải là nơi chôn nhau cắt rún.
Bờ bãi ta thương ở tận mép nước Biển Đông. Cả trên biển lẫn trên bộ đều ít người qua lại, vắng vẻ vô cùng. Bây giờ vẫn vắng. Cô liêu. Ngày xưa, khi ta dạy học ở đây còn vắng hơn. Nói cho đáng, chỉ duy nhất một lần vào đầu năm 2005 có đôi cá ông lụy cách nhau chỉ trong vòng một tuần lễ, là ở đây đông vui như mùa trẩy hội. Rất nhiều người đi biển, người tín ngưỡng cá ông ở các tỉnh duyên hải miền Nam lẫn Nam Trung bộ ngùn ngụt kéo về dù đường sá đò giang hồi đó còn gian nan lắm. Trẻ con nhiều đứa từng lúc phải bò khi qua cầu. Người ta biết tới địa danh Cồn Bửng nhiều hơn cũng nhờ vào dịp đó.
Nhà văn Từ Phạm Hồng Hiên ở Bến Tre
Ngày tuổi hai mươi với bầu nhiệt huyết cỏn hôi hổi nóng, ta hăm hở quảy ba lô về Thạnh Phong nhận nhiệm sở – Hồi đó Thạnh Phong rộng lớn; chưa tách ra thành Thạnh Phong, Thạnh Hải như bây giờ. Nhiệm sở – hai tiếng nghe sao thương lạ lùng. Ta thương vì nó tạm bợ nghèo nàn và thậm chí như chưa từng hiện hữu!
Bảy anh em ta sau suốt ngày ngồi đò dọc, được ông chủ đò chỉ cho cái hướng để tới trung tâm xã, nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng ngập mặn. Vào xế chiều, tới trung tâm xã, với trụ sở ủy ban chỉ là nếp nhà lá ba gian tạm bợ và vỏn vẹn hai anh du kích. Hai tiếng đồng hồ dư sức cho anh em ta có tạm chỗ để cơm nước, tắm táp và vòng quanh giây lát thăm hỏi dân tình, trong khi chờ ông trưởng ban giáo dục xã đến làm việc.
Mùa cuối năm màn đêm xuống nhanh, anh em ta quây quần bên quả đường được ghép bằng những thân cây chà là. Lặng lẽ nhìn nhau không nói, bởi hình như ai cũng nặng nỗi ưu tư vì câu chuyện mới vừa ban nãy được nghe người đàn bà kể lại. Bà kể lạnh lùng, thản nhiên như không hề có gì quan trọng đã xảy ra cho gia đình mình. Chính điều này khiến anh em ta lo sợ.
“Qua có ba đứa con, một đứa hi sinh năm sáu bảy, thằng kế đương làm giao bưu huyện, còn thằng út mới chết cách nay hai tháng… Do sốt rét đó mấy cô mấy cậu…”. Như vụt nhớ tới con, nói xong bà đứng dậy đi lại bàn thờ vói tay khêu ngọn đèn trứng vịt mà ta cứ tưởng nó đã tắt đâu tự hồi nào. Mầm lửa tí tẹo vụt sáng lên. Bà thắp cho con nén nhang.
Đêm đầu tiên đến đây, anh em ta được trưởng ban giáo dục xã Hai Thân dẫn về nhà riêng nghỉ. Trước khi rời trụ sở ủy ban, Hai Thân nói ở đây là Mặt Đập Cồn Chim, sắp tới sẽ do hai đồng chí phụ trách. Nhà thầy Bằng ở Cồn Điệp qua đây cũng tiện, tổ chức chọn thầy Bằng. Vậy có đồng chí nào tình nguyện ở lại đây với thầy Bằng không? Ta đưa tay lên ngay vì lúc còn ở khóa sư phạm cấp tốc ta thấy mình hợp với thầy Bằng. Chia tay bạn, ta theo thầy Bằng về nhà anh ở Cồn Điệp.
Trên đường dẫn các bạn còn lại về nhà, Hai Thân tiếp tục phân công, gởi Dũng và Đức tới Khâu Băng khi may mắn gặp mấy anh chiến sĩ biên phòng đang trên đường công tác từ Cồn Lợi trở về. Lại thêm một cuộc chia tay. Còn lại Ra, Lộc và một bạn nữa mà ta đã quên tên ngủ lại nhà Hai Thân đêm đó, để sáng hôm sau anh đưa cả ba sang Giồng Dài. Chuyện này tất nhiên sau đó mấy ngày ta được nghe các bạn kể lại.
Từ lọt lòng mẹ cho tới giờ đã quá năm mươi, ta chưa từng chứng kiến mùa đông nào giá lạnh khủng khiếp như mùa đông năm một chín bảy lăm. Cái đói chỉ mới vừa thập thò còn chưa rõ mặt, ông trời thử sức, rèn giữa sự chịu đựng của con người trước bằng cái rét chăng? Đầu hôm còn đỡ, từ nửa đêm về sáng như đang ở giữa kho nước đá. Chỉ mới hai mươi, hăm mấy mà ai cũng phải dùng khăn tắm quấn choàng hầu, đứa này nhìn đứa kia run lập cập cứ ngỡ như gặp lại ông ngoại mình.
Sau lần chia tay ấy, nhờ hội họp mỗi tháng anh em ta mới có dịp gặp lại nhau một lần sau mấy tiếng đồng hồ đi bộ. Tất cả đều phải cùng với dân vào rừng đốn cây đốn lá dựng trường lớp, có nơi còn phải dựng nhà ở cho chính mình. Vậy mà sao vẫn thấy dễ sống với mười ba ký gạo và hai mươi sáu đồng bạc lương. Nhìn mấy đứa trẻ chín mười tuổi chưa biết đọc biết viết, tóc tai vàng cháy, nực mùi khét nắng, mỗi sáng đứa trái bầu trái mướp, con cá mớ tép đem lại cho thầy dạy ta thấy ấm lòng và đôi lúc không kềm được cảm xúc. Là do từ nhỏ lớn lên ta chỉ sống ở đô thị, cảnh thiếu thốn đủ thứ tiện nghi, lầm lụi này ta chưa từng trải bao giờ.
Thật lòng với chính mình, bằng sự chuyên chú tận tình, ta không hề thấy hỗ thẹn trước tấm lòng và sự cưu mang ấy của những người dân chất phác quê mùa ở đây. Hai niên khóa liên tiếp, do thành tích tốt ta được điều chuyển tới… vùng trắng khác còn khó khăn hơn bội phần!
Rời Cồn Chim ta tới Cồn Rừng. Lại nhớ câu thơ của lớp đàn anh đi trước, ta nhẩm trong lòng rồi mạnh mẽ cất bước. “Ta len lỏi giữa Cồn Rừng Doi Đước…”. Cồn Rừng. Rừng cũng lại khiến ta thêm nhớ câu ca xưa ở đây … “Ngủ đi con có tiếng gió rừng ru hát. Để mẹ còn lên kế hoạch tấn công …”.
Doi là mảnh đất bồi ở ven sông xoãi ra, khác với vịnh đất lở lõm vào. Sông sâu bên lở bên bồi… “Con Bảy lanh con Bảy đưa đò. Lên doi xuống vịnh giọng hò con Bảy lanh”. Doi Đước là doi đất có nhiều cây đước mọc. Với sông nước này chắc chắn một trăm phần trăm là như vậy. Vậy thì có địa danh nào đó thực mang tên Voi Đước, Voi Lá không. Thôi, không bàn nữa hãy dành voi với cọp lại đó.
Xa Cồn Chim, ta xa căn nhà lá nhỏ mình vừa dựng lên, ở chưa ấm hơi người. Xa mái trường và những đứa học trò cũ. Ta cũng tạm xa những bà con láng giềng mới vừa quen quanh đó. Và cả ông già Sáu, người bạn vong niên ở cạnh nhà vẫn thường hay đánh thức và rủ ta uống trà vào mỗi tờ mờ sáng. Nhớ hoài cái hôm trời lạnh như cắt da, lúc ta lò mò bước qua sau mấy tiếng gọi ơi ới của già, đã thấy già ngồi co ro bên bếp lửa được chụm bằng những cọng chà nhỏ đang nhảy múa và kêu lép bép. Do tuổi tác cùng cái lạnh đến điêu đứng, khiến già nói còn hơn rên. Hôm qua thấy thằng Tám thương nghiệp chở đồ về mừng muốn chết. Nhưng cuối cùng phải ba liệt sĩ mới được chế độ thầy giáo ơi. Tao chỉ có hai, còn có mình con Hoa đang ở Dân y, hổng lẽ tao đập đầu nó để được lãnh cái mền… Chớ lạnh quá chịu hết xiết rồi thầy giáo ơi!
Nói rồi gia run run khều mấy củ khoai đang nướng trong bếp ra, dùng đũa gắp lấy rồi thổi phù phù bỏ vô cái tô. Uống nước ăn khoai đi thầy. Có ý nhường già Sáu, ta chỉ ăn lấy lệ mấy vụn khoai nhỏ với vị ngọt thấm đê mê đầu lưỡi. Lòng lại nhủ thầm chẳng lẽ sắp đói tới rồi hay sao đây.
Tuần trước khoai tới lứa, Bằng và hai bà chị hè hụi chèo xuồng ra Cồn Lợi thu hoạch. Hồi đó đất rộng người thưa chứ không như sau này, Cồn Lợi chỉ có duy nhất một gia đình sinh sống nên ai muốn trồng trọt thêm gì cứ thoải mái ra khẩn hoang thỏa sức trồng. Vậy mà cả hai công khoai mấy chị em Bằng thu về chỉ được ba thúng! Thì ra mấy chú heo rừng đã phổng tay trên lén kéo về mở tiệc trước tự bao giờ rồi.
Ta “đánh” xong trận-Cồn-Rừng cũng với khí thế còn hôi hổi nóng của tuổi hai mươi. Có lẽ còn hay, còn đẹp hơn niên khóa ở Mặt Đập Cồn Chim, bởi kinh nghiệm được tích lũy từ năm trước và bởi ta còn phụ trách thêm lớp học bình dân ban đêm nữa. Trường ở đây, dù ta cũng chỉ dựng có một căn nhưng được rào dạo cẩn thận. Có vườn trường được thầy trò trồng rau xanh tươm tất. Có cả bồn hoa bao quanh cột cờ cao ngất để mỗi đầu và cuối tuần thầy trò cùng với bác Văn Cao theo “đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc …”. Chẳng phải ai bày biểu, mà do ta thấy có lợi cho việc giáo dục nên tự đặt ra mà làm vậy thôi.
Hè năm ấy, sau khi hoàn tất chiến dịch điều tra giáo dục trên toàn xã, anh em ta được rút về huyện tham gia công tác thủy lợi. Nhân chuyến công tác này và sau khi dự xong khóa chính trị hè ta vui mừng được biết phòng giáo dục sẽ rút ta về tăng cường cho nhân sự phòng vào đầu năm học mới. Do may mắn, tình cờ ta còn đọc được văn bản đề nghị của Trưởng phòng giáo dục gởi qua cho huyện ủy…
Gọi là may, nhưng liệu có phải vậy không khi vào đầu năm học mới ta lại nhận được quyết định điều ra vùng-trắng-ấp-Tám-Cồn-Bửng! Ôi, nếu giá như ta đừng được nhìn thấy cái văn bản đề nghị trên bàn văn của Trưởng phòng Lê Thiện. Giá như ta không phải ra Cồn Bửng điều tra giáo dục để biết rằng ở Cồn-An-Tiêm ấy chỉ có đúng ba chục nóc gia. Giá như… bầu nhiệt huyết trong ta đừng vơi đi.
Đi cả buổi trời giữa bến biên thùy vắng ngắt, chỉ có gió rừng và sóng biển, bất ngờ gặp một người bật ra câu chào hỏi bằng tiếng mẹ đẻ, khiến ta nửa buồn nửa vui và không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi đủ điều. Hỏi mình, hỏi người rồi lại hỏi quá khứ cao xanh. Rằng Cao Chu Thần ơi, ngày xưa Người ở đâu. Có giống như ở đây không. Đêm nằm ta trăn trở hoài với văng vẳng bên tai lời thơ vẻ như bông đùa mà ai oán của một thời nào xa ngái… “Nhà trống ba gian một thấy một cô một chó cái. Học trò dăm đứa nửa người nửa ngợm nửa đười ươi …”.
Chẳng qua cũng chỉ vì buồn quá cho thân phận mà buông lời trách móc vậy thôi. Chớ thương lắm, bởi ở đâu lại chẳng nguyên vẹn con người dù ta có lọt vào giữa tận cùng nỗi cô đơn. Nhưng ở đây ta sẽ còn cô đơn hơn cả Người nữa. Người có biết chăng?  Không! Không lẽ chỉ độc mình ta sẽ chết ngắc giữa bãi bờ này…
Ta đã bỏ trường mà đi!
Hơn mười năm sau trở lại ta mới thấy quyết định của mình lúc đó có phần đúng. Té ra còn hơn cả ta. Bạn ta với cái lý lịch áng chừng chỉ hai điểm rưỡi đã thay thế ta tới đây. “Tới đây thì ở lại đây. Chừng nào bén rễ xanh cây hãy về”. Thương vợ chồng bạn quá đi thôi!
Buổi chiều đó vừa cơm rượu xong hai anh em chun vô mùng trốn muỗi, kể lể cho nhau đủ thứ chuyện xưa chuyện nay, hồi đó bây giờ. Bạn ta chân chất quá. Hay đã trở thành bác nông dân mất rồi, bởi thông tin gì cũng lạc hậu. Bóng dáng chàng sinh viên sư phạm Sài Gòn năng nổ lịch lãm năm nào bỗng đâu mất biệt!
Khuya. Có tiếng người gọi quán. Bạn ta thay vợ trở dậy thắp đèn. À, thì ra người ta đến mua sắm một ít vật dụng cần thiết để ra rừng ra bãi móc cua, hốt ba khía hoặc bắt sò bắt nghêu. Loay hoay một hồi với lời qua tiếng lại ta nghe bạn ta  tính… hai ký khoai, bốn cái hột vịt, một ký gạo, năm trăm mỡ, xị nước mắm, ba rê thuốc, nải chuối … tổng cộng sáu ngàn sáu trăm đồng. Xong, bạn ta tắt đèn chun vô, lại hỏi ta còn ngủ hay đã thức. Ta giả đò nằm im mà sống mũi cay sè.
Cho đến bây giờ nếu có thời đoạn nào lâu nhất để ta trở lại bến bờ này thì đó chính là lần vừa rồi. Từ đó trở về sau này như một lời hẹn, một lời thề cứ vài năm ta lại về đây. Về với bến biên thùy này.
Nhưng mỗi lần về ta chỉ thấy mình thêm mất mát, dù cuộc đời vẫn không ngớt đi lên. Lần trở lại Cồn Rừng, vừa nhận ra ta bác Tư gái vụt ôm chầm lấy rồi khóc mướt, bác Tư con mất rồi Hà ơi…
Đó là người bạn Vệ quốc quân duy nhất trong đời mà ta vinh dự được biết, thương yêu và hết mực kính trọng. Tuổi bác lớn hơn cha ta một ít. Ngày tới đây nhận nhiệm vụ, ta được bác đón về nhà ở chung với gia đình cho đỡ vất vả. Từ đó ta gắn bó sâu nặng với gia đình người Bí thư Chi bộ này. Bác nhìn, đối đãi, dạy dỗ ta bằng tấm lòng thực sự của một người cha đối với đứa con nhỏ dại khờ. Gần bác nỗi mặc cảm của người thanh niên tiểu tư sản thành thị, con em gia đình chế độ cũ trong ta lâu nay vụt biến mất. Ta bỗng thấy mình cao lớn vạm vỡ hẳn ra.
Ngày nghỉ dạy, đi công tác Cồn Lợi bác dắt ta theo cùng với anh du kích. Băng rừng, vượt sông… Bao nhiêu buồn vui, từng trải qua mấy mùa chinh chiến ta được bác lần giở lại cho xem. Năm 1964, như nhiều người dân ở đây vẫn hay nói là thằng địch nó dùng chiến thuật “bao đăng giở chà”, đang ở nơi trống trải quá nên bác không kịp thoát. Trực thăng chở về Khám Lá trên tỉnh, bác khai mình thuộc tổ chức Nông hội, chúng không tin cứ rờ vầng trán rộng của bác mà xuýt xoa, cái trán này có tệ gì mày cũng cỡ tỉnh ủy viên.
Ra đến Cồn Lợi, bác vào nhà làm việc với người cán bộ cơ sở, cũng là gia đình duy nhất ở đây mà không quên căn dặn anh du kích, ra biển chơi nhớ cho thầy giáo bắn vài viên cho biết. Chẳng vì bác đã bắt được cái thóp của ta, khi ta thành thật nới với bác rằng từ nhỏ tới giờ ta chưa một lần được cầm đến cây súng với vẻ thèm muốn.
Cái cảm giác lần đầu được nằm xuống, ôm cây súng rồi nheo mắt bóp cò ta không quên bao giờ. Hồi hộp lạ lùng. May mắn làm sao khi cả ba viên đạn đều chạm mục tiêu là trái dừa chuột khoét lớn chảng đang nằm khơi khơi bên bờ biển vắng. Anh du kích nhìn ta với vẻ thăm dò và hơi nghi ngại. Có gì đâu, bởi ta đã học cách bắn súng qua sách vở, qua các tác phẩm của Jack London rồi. Kể ra cũng hay.
Cũng từ lời bác gái kể lại. Đợt cải tạo công thương nghiệp, bác không đồng ý đưa con đò nhỏ và nhà máy xay xát lúa gạo cũng nhỏ của gia đình vào hợp tác. Cứ mỗi lần đi họp Đảng ủy trên xã về, từ bến Hồ Cỏ về tới đầu giồng ngã ba Cây Me, mấy đứa trẻ đều kêu rân lên ông nội ông ngoại làm nỗi buồn trong bác cũng được vơi đi phần nào. Những gia đình đa số đều nghèo ở ấp Cồn Rừng này hầu như ai cũng thọ ơn bác, kẻ nhiều người ít. Giá gì với tấm lòng bao dung, vị tha, rộng lượng và tha thiết với chuyện áo cơm của người dân ấy bác được sống ở thời này. Nhưng thôi, thời nào rồi cũng sẽ có anh hùng cho thời ấy. Ai cũng nghĩ vậy và cuộc đời đã chứng minh đúng như vậy.
“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn…”. Thôi, hỏi làm gì chuyện lên xuống chìm nổi giữa cuộc đời này. Rồi thì cũng như những đóa hoa mây đang bay trên đỉnh rừng kia thôi… Tuổi già sức yếu, bác thực sự buông xuôi và suy sụp hẳn sau cơn gia biến. Chuyến đò định mệnh do bác gái trông coi chở những người dân biển lén đi bán cua biển, lén đi bán heo giữa đêm đen đã vướng phải hàng đáy lật chìm chết mất sáu người. Sức làm sức chịu, khí chất tráng sĩ của người chiến sĩ Vệ quốc năm xưa trong bác hôm nào đến nay vẫn còn nguyên vẹn đó. Bán hết! Cái gì bán được cứ bán hết lo tang sự cho bà con… Và bà con xong rồi thì không lâu sau… tới lượt bác!
– Thỉnh thoảng bác trai vẫn nhắc con hoài đó Hà ơi! Tiếng bác gái hòa trong nước mắt.
Sự ra đi của ông già Sáu, của cha và đứa em út của Bằng, cũng khiến ta buồn nhưng đó chỉ là cái buồn nhẹ nhàng thoáng qua trước lẽ đời sinh tử, của thiên quy địa luật. Với bác Tư, ta có thêm chút gì đó xa xót ngậm ngùi cứ lướng vướng mãi trong lòng. Dai dẳng.
Lần trở về năm một chín chín tám với nhiệm vụ tạm thời của một phóng viên tạp chí V., may mắn ta vẫn còn kịp gặp lại chú Lê Công Cẩn, người chiến sĩ cuối cùng của đoàn-tàu-không-số đã xuất phát tại bến Hồ Cua năm nào. Nhờ đó ta đã thu thập được ít tư liệu quý và hoàn thành nhiệm vụ. Hai năm sau đó chú cũng vĩnh viễn trở về nằm lại nơi cái bến mình đã ra đi. Nhà nước đã xây đền tưởng niệm cho chú và đồng đội ngay trên phần đất nhà.
Bạn ta bấy giờ có người đã nghỉ dạy, có bạn chuyển ngành sang làm công tác chính quyền, công tác Đảng. Nhận được tờ giấy giới thiệu do cô nhân viên văn phòng chuyển đến, bạn ta vội vàng rời cuộc họp chạy ra gặp ta hỏi dồn. Trời ơi, là mày đây sao. Bây giờ mày làm công việc này à. Được bao lâu rồi. Sao không tin tức nhắn nhe gì hết vậy…Thôi ở uống trà chơi đi, chờ tao họp xong rồi cùng về.
Quá bốn mươi hết rồi, tóc đứa nào cũng đã lốm đốm bạc. Hết rượu đến trà, đến đêm khuya… Lại thắp đèn lên ngồi kể chuyện trăng tàn.
Bạn ta giờ giàu có lắm. Nhờ điều kiện gia đình, năng lực và nhân thân tốt, rời ngành bạn được chuyển từ huyện về quê nhà Thạnh Phong này với nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã. Gặp thời con tôm sú lên ngôi, bạn ta nói rằng không riêng gì nhà mình mà hầu như nhà nào cũng vậy, tới con nước xổ tôm người ta chỉ có biết ôm tiền lên huyện lên tỉnh mua vàng. Một cuộc đổi đời ngoạn mục! Ở Doi Đước bây giờ có người còn xây nhà bạc tỉ. Bạn ta nói.
Ai giàu cứ giàu nhưng người nghèo thì vẫn luôn tồn tại. Ở đâu lại chẳng vậy. Cũng là người cố cựu ở Thạnh Phong này nhưng gia đình anh Hai Thân, trưởng ban giáo dục xã năm nào, nghèo đến độ phải ly tán. Chị Hai và mấy đứa con đã vô Cà Mau lập nghiệp từ năm 1997. Quá sáu mươi rồi, giờ nằm chò co ở nhà làm lăng nhăng mấy công việc lặt vặt. Nghe đâu ngành giáo dục huyện sẽ xây tặng cho anh căn nhà tình nghĩa. Đáng lắm chớ. Tình nghĩa mà. Giờ ai đi nhắc lại chuyện đúng sai, ấu trĩ ấu trùng làm gì nữa. Chuyện qua rồi cho qua.
Anh họp và truyền đạt lại cho anh em ta chỉ với những gì anh nghe được thôi, chớ có phải do anh sáng tác ra đâu. Còn bọn tư bản có bị bánh xe lịch sử nghiền nát hay không, hay nó vẫn sẽ ngạo nghễ cười nhăn răng ra đó làm sao lúc đó với nhận thức hạn hẹp anh em ta hình dung ra cho được. Và ta cũng không làm sao biết được Liên Xô, lúc bấy giờ chỉ còn chút xíu nữa là tiến lên cộng sản chủ nghĩa, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Người dân Liên Xô hiện “chế độ” rất cao, một ký thịt bò và một nải chuối già cho một người mỗi ngày… Như tin tức thời sự cách nay mấy ngày cho thấy, Pháp đang thiếu rau xanh, trong khi Thụy Điển lại dư thịt cừu. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản đang rơi vào khủng hoảng và giãy chết… Nè các đồng chí, chúng ta trật tự bớt ồn ào, tập trung chút xíu nữa đi rồi nghỉ.
Giờ ta đang tập trung ngồi yên đây, để cho anh hớt tóc cạo râu với đủ chuyện mưa nắng mùa màng mà thấy thương ta, thương anh vô cùng. Tình thương thực sự của thằng em đối với người anh ruột thịt của mình.
Ta không đến nỗi quá nghèo như anh Hai Thân. Nhưng cho đến lúc ấy ta cũng không có được cục đất chọi chim. Buồn lắm. Chớ còn bất tài, văn thô võ vụng như ta chỉ thừa hưởng từ ông bà cha mẹ để lại, liệu có đáng để nghinh cái mặt lên không. Mỗi lần tới chơi nhà bạn, thấy bạn chài con cá, hái mớ rau vườn đãi ta đạm bạc, ta thèm chết đi được. Nghe ta ngỏ ý muốn về kiếm thẻo đất ven rừng, dựng căn nhà hướng ra biển Đông lọc cọc với đời văn, bạn ta vui mừng ủng hộ. Nếu muốn vậy thì thu xếp nhanh lên, tao có thể giúp mày được. Chớ để lâu quá sợ khó, bởi biết tao có còn tiếp tục công việc này ở đây nữa hay không.
Nghe bạn nói mà mát lòng mát dạ. Nhưng do ham hố quá nên nói vậy, chớ ta biết tâm ta còn nhiều vọng động e khó thỏa đường tu. Mà cũng nên thôi. Cứ để cho mãi là ước mong chẳng nên về làm gì. Cứ cho nó xa vậy đi. Nhi nhiên.
Chiều muộn, biển buồn lắm – Hay ta buồn lắm? Cái buồn trọn vẹn tinh khôi ta không hề có ý dứt bỏ bao giờ. Cùng với lời tự tình của sóng biển xa xưa, biển ở đây không chút đô hội hoa đèn như nhiều vùng biển mà ta đã đi qua. Những con tàu lớn với những chuyến hải hành dài ngày dường như chưa bao giờ ngang qua đây. Phải chăng sự vắng vẻ của biển trước mặt và mịt mùng vô ngôn của những cánh rừng sau lưng kia đã góp phần viết nên huyền thoại.
Ngoài xa kia chỉ lưa thưa vài ánh đèn con nhấp nhô trên đầu sóng. Ở đó có con tàu nhỏ của Tùng đang lưới cua, mà theo lời chị nói hồi chiều là phải đến sáng mai Tùng mới trở về. Chị bảo ta nên nán lại vài ngày để gặp, thù tạc chơi với nó cho vui. Ta vẫn chưa quyết. Nhưng dù thế nào thì ngày ta xa Cồn Bửng lại cũng sắp đến rồi.
Lần gặp lại chị, sau hơn mười năm kể từ mùa hè ta ra đây ở tại gia đình chị mấy ngày để điều tra giáo dục, chị mới biết việc ta từ chối Cồn Bửng rồi bỏ lớp bỏ trò. Không lâu sau đó, chị lập gia đình và giờ đây anh vẫn đang còn nằm lại đâu đó trên đất bạn Campuchia.
Như tự hồi nào, Cồn-An-Tiêm này bây giờ vẫn trồng dưa. Chị trồng sáu công, ba mùa mỗi năm. Vợ chồng Tùng làm nghề biển. Chị em chung sống với nhau khá sung túc và cùng phụng dưỡng bà mẹ già nay đã quá tám mươi.
Mỗi lần về, vào buổi chiều ta vẫn hay theo chị ra giồng xem chị chăm sóc dưa, vẫn hay đứng cạnh cái nổng cát cao gần đó trò chuyện, ngắm biển và xem mặt trời lặn.
Đâu như hồi xưa, đất rẻ như cho. Ở đây bây giờ đông vui và dân tình cũng khá giả ra rồi. Phải chi năm đó anh có gan ra đại ngoài này. Bất ngờ chị thốt lên câu nói.
Chiều giáp tết, tiếng heo kêu eng éc trong xóm khiến kẻ “giang hồ vặt” như ta bỗng chạnh lòng nhớ nhà. Ngày xưa ta đã không có gan thì bây giờ lại càng thêm nhát. Hình như sau tiếng thở buồn, chị cũng đang cố ngăn lại lời muốn nói như ta.
Thôi mình về đi chị. Ta khom người ngắt vội cánh hoa muống biển dưới chân rồi thả tung cho bay về phía biển. Màu tím của hoa dại tan nhanh vào màu chiều của biển…
Biển xa. Xa lắm. Bởi với riêng ta nó đã hơn ba mươi năm rồi.
27/12/2020
Từ Phạm Hồng Hiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...