Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại

Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch
nguồn truyện ngắn dân tộc thiểu số
Việt Nam đương đại

Truyện ngắn Cao Duy Sơn đã góp thêm một cách nhìn, một lối viết, một giọng điệu và một cách cảm nhận mới, làm đa dạng thêm gia tài truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại. Với những thành tựu gặt hái được ở mảng truyện ngắn viết về đề tài này đã góp phần khẳng định được bản lĩnh, ý thức cũng như nhân cách của nhà văn họ Cao trong việc trân trọng, lưu giữ những giá trị nguồn cội của bản sắc văn hóa dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói chung…
1. Trong dòng chảy chung của văn học miền núi đương đại, Cao Duy Sơn là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc và đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc.
Nhà văn Cao Duy Sơn và tác phẩm
Tính từ năm 1984 khi Dưới chân núi Nục Vèn lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo, cây bút văn xuôi sung sức Cao Duy Sơn có thể tự hào về những thành công trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Ngót gần ba mươi năm, Cao Duy Sơn đã sáng tác được năm cuốn tiểu thuyết, đó là Người lang thang, 1992; Cực lạc, 1995; Hoa mận đỏ, 1999; Đàn trời, 2006; Chòm ba nhà, 2009, và hàng chục truyện ngắn khác được tuyển tập thành bốn tập truyện ngắn. Nếu so với các nhà văn (người Kinh lẫn người dân tộc) cùng thời viết về đề tài miền núi thì con số ấy không phải là nhiều nhưng cũng đủ để ghi nhận khả năng sáng tạo, sự đam mê, yêu nghề, đầy tâm huyết, đầy trăn trở trước thế sự nhân sinh của nhà văn Cao Duy Sơn.
2. Cao Duy Sơn là bút danh của nhà văn Nguyễn Cao Sơn. Anh sinh ra trong một gia đình cha là người Kinh, mẹ người Tày. Ngoài sự thừa hưởng hai dòng văn hóa của hai dân tộc Kinh – Tày, Cao Duy Sơn còn được dưỡng nuôi bởi nguồn mạch trầm tích văn hóa lịch sử lâu đời của vùng đất “dồi dào sức sống bền lâu”: Cô Sầu – vùng đất cổ thuộc huyện Trùng Khánh, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng. Cô Sâu là nơi in dấu tuổi thơ, gắn bó với những kỷ niệm buồn vui, ân nghĩa quanh đời, vì vậy địa danh này xuất hiện dày đặc trong tác phẩm của Cao Duy Sơn. Năm 1984, Cao Duy Sơn chính thức bước vào làng văn với đứa con đầu lòng là truyện ngắn Dưới chân núi Nục Vèn. Đến 1996, Cao Duy Sơn mới ra mắt tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu. Tập truyện ngắn này đã được Hội Nhà văn VN tặng thưởng năm 1997. Trên đà thành công đó, năm 2002 Cao Duy Sơn cho ra đời tập truyện ngắn Những đám mây hình người. Tập truyện được giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003. Năm 2007, Cao Duy Sơn tiếp tục trình làng tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối. Tập truyện gồm bảy truyện ngắn nhỏ, dày 190 trang được Cao Duy Sơn chọn lọc những tác phẩm sáng tác từ năm 2002 đến 2006. Ngay sau khi ra mắt độc giả, Ngôi nhà xưa bên suối đã gây sự chú ý đối với bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình. Phan Chinh An đánh giá rất chính xác khi cho rằng, tác giả của Ngôi nhà xưa bên suối đã làm “một cuộc hành hương tinh thần tìm về những vẻ đẹp xưa của núi Phja Phủ, của lũng Cô Sầu với ước mơ cháy bỏng, giới thiệu được vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học”[1]. Ngôi nhà xưa bên suối là tập truyện ngắn duy nhất xứng đáng được nhận liên tiếp hai giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 và Giải thưởng Văn học Asean của Hoàng Gia Thái Lan năm 2009. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận tinh thần trách nhiệm, trái tim nhân ái trong quá trình sáng tác, mà còn động viện, kích lệ để nhà văn họ Cao tiếp tục cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa. Trên đà những mùa giặt bội thu đó, Cao Duy Sơn tiếp tục ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Người chợ vào năm 2010. Tập truyện ngắn này vẫn tiếp tục nguồn mạch đề tài miền núi, nhưng lại có cách khám phá, thể hiện mới, có chiều sâu hơn, sắc cạnh hơn. Như vậy, từ khi khởi nghiệp cho đến nay, Cao Duy Sơn vẫn thủy chung “thâm canh” vùng đất Cô Sầu – Trùng Khánh. Mỗi tác phẩm của Cao Duy Sơn chính là một sự tìm tòi, khám phá, phát hiện mới, độc đáo về đời sống và con người nơi đây, giúp người đọc tiếp cận một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống này. Cao Duy Sơn rất xứng đáng được nhận “thương hiệu” là nhà văn chuyên viết về đề tài miền núi mà bạn đọc đã vinh danh.
3. Vẫn là vùng đất Cô Sầu – Trùng Khánh núi rừng trùng điệp, bạt ngàn xanh ngát, nhưng ở mỗi truyện ngắn Cao Duy Sơn lại có cách khai thác, làm mới nhân vật của mình ở những góc độ khác nhau, góp phần tạo nên dấu ấn riêng khác so với các nhà văn cùng viết về đề tài này. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn rất đa hệ, gồm nhiều loại người, có cả người già, thanh niên lẫn trẻ em, có cả phụ nữ lẫn người tật nguyền, có cả trí thức lẫn nông dân… Mỗi nhân vật là một “vũ trụ” riêng, có hoàn cảnh, tính cách, tâm hồn riêng, không ai giống ai, nhưng tựu chung, ở họ lại tỏa sáng nét đẹp của người vùng cao Việt Bắc rất gần gũi, chân chất, nhân hậu như những đóa lan rừng tỏa ngát hương thơm. Qua nhân vật bé Na, Cao Duy Sơn muốn gửi thông điệp đến với người đọc rằng chỉ có lòng nhân ái, sự bao dung mới xóa bỏ được hận thù, mới gần gũi nhau hơn, như thế cuộc sống mới có ý nghĩa hơn và đáng sống hơn.
Hạc (Ngôi nhà xưa bên suối) là một người thầy giáo rất mực nhân hậu, luôn giữ vẹn toàn chữ tâm đối với học sinh và mọi người trong cuộc sống, thế nhưng hạnh phúc, niềm vui lại không đến với thầy giáo Hạc. Mặc dù bị học trò hãm hại nhưng thầy giáo Hạc vẫn không hề oán trách, giận hờn mà âm thầm chịu đựng nỗi oan ức đó. Hình ảnh thầy giáo Hạc là một dấu lặng để người đọc soi mình, di dưỡng tâm hồn, khát khao vươn tới lẽ sống cao đẹp.
Thim (Người săn gấu) là một chàng trai miền sơn cưới giàu lòng nhân hậu, rất mực chung tình với người yêu. Thim đến với Thón bằng cả trái tim yêu thương thắm thiết, đã từng nguyện thề suốt đời sống bên nhau không xa rời. Nhưng tình yêu ấy đã nhanh chóng vỡ tan khi gia đình Phón không chấp thuận, vì gia đình Thim nghèo hèn, không cùng đẳng cấp. Thời gian trôi qua, mái tóc đã điểm bạc nhưng Thim vẫn không lúc nào nguôi kiếm tìm Phón dẫu chỉ là trong vô vọng. Hình ảnh ngôi nhà hiện ra trước mắt lão Thim ở cuối tác phẩm là một kiểu kết thúc truyện độc đáo. Với vẻ đẹp của những tâm hồn sáng trong, giàu nhân hậu ấy, bạn đọc như đang soi mình để rồi khát khao vươn tới một cuộc sống tươi đẹp, giàu nhân văn hơn, có ý nghĩa đích thực giữa cõi nhân gian bé tí này.
Cao Duy Sơn dành rất nhiều tâm huyết, sự yêu thương, sẻ chia đối với những nhân vật có số phận bi kịch. Chính sự bủa vây, bóc lột của bọn thống trị, của những hủ tục, tục lệ lạc hậu, của những định kiến xã hội nơi mảnh đất họ sinh ra và lớn lên đã cản trở, vùi dập bao số phận con người như Hoán (Thằng Hoán), Thim (Người săn gấu), Khuề (Âm vang vong hồn), Dồ (Hòn bi đá màu trắng), Líu (Góc trời Tây có mưa đá), Lu (Song sinh)… Như vậy, con người vùng cao trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn đầy “những gian truân số phận. Bất hạnh cứ như những giọt sương từng ngày giăng giăng qua cuộc đời họ. Những phận người sống nghèn nghẹn trong sự chờ đợi dai dẳng và vô vọng; tình yêu của họ sâu thăm thẳm nhưng lại mịt mùng, không lối thoát vì những tập tục cổ hủ, những luật lệ hà khắc ngàn đời; cuộc đời của họ cứ như một dòng sông trôi, chậm và bất tận. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau lăn dài; in dấu lên những cuộc đời đầy sóng gió trong miền yên tĩnh ngỡ là thanh bình giữa chốn núi rừng”[10].
4. Dẫu một cái nhìn lướt qua, vắt tắt nhưng cũng thực sự rất cần thiết để chúng ta nhận diện những thành tựu kinh nghiệm vô cùng quý giá về kỹ thuật viết truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Các cây bút truyện ngắn như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Thái Thị Vàng Anh… trong khi đang trở mình để bứt phá, đi tìm một lối viết hiện đại, hậu hiện đại nhằm “chối bỏ” lối viết truyền thống, thì Cao Duy Sơn vẫn neo đậu nơi cái khung truyền thống ấy. Nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Cao Duy Sơn chính là sự xuất hiện phổ biến kiểu cốt truyện đơn tuyến. Kiểu truyện này được sắp xếp theo trình tự thời gian tự nhiên (biên niên). Mỗi cốt truyện thường chỉ có một nhân vật và một xung đột trung tâm, cùng hệ thống sự kiện của cốt truyện diễn biến theo quy luật nhân quả, được xoay quanh nhân vật và xung đột trung tâm đó. Những truyến ngắn như Song sinh, Thằng Hoán, Nơi đây không một bóng người, Cuộc báo thù cuối cùng, Mưa phố, Âm vang vong hồn, Dưới chân núi Nục Vèn, Hoa bay cuối trời, Ngôi nhà xưa bên suối, Người săn gấu, Hấp hối, Tượng trắng… được xây dựng theo kiểu như thế. Tuy nhiên, cốt truyện vẫn tuân thủ theo mô hình truyền thống nhưng đã có sự linh hoạt, không cứng nhắc. Sự linh hoạt ấy thể hiện trong việc Cao Duy Sơn biết làm mới trên cái nền cốt truyện truyền thống đó, biết thay đổi cấu trúc cốt truyện theo hướng lịch sử – tâm hồn, chứ không tuân theo cấu trúc lịch sử – sự kiện. Những sự kiện trình bày theo trình tự biên niên, dòng thời gian tuyến tính đều bị xáo trộn, phá vỡ, thay vào đó là những hồi ức, những giấc mơ, những huyền thoại xa xưa… Chính sự phá vở cấu trúc cốt truyện truyền thống giúp cho Cao Duy Sơn chuyển tải được bức tranh đời sống xã hội miền núi một cách đa chiều, đa diện và phong phú hơn; đồng thời đi sâu khám phá đời sống tâm lý đầy vi diệu, đa phân của người miền núi. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn vừa giàu sắc thái bản địa vừa thể hiện nét độc đáo, sáng tạo trong việc vận dụng ngôn ngữ Tiếng Việt. Chính sự phối kết hợp thuần thục, linh hoạt song ngữ Tày và Việt trong tác phẩm đã góp phần giúp người đọc hiểu sâu hơn về cuộc sống, về con người, về bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Để người đọc hiểu được ý nghĩa to lớn về phong tục Khai vài xuân trong đời sống tinh thần của dân tộc mình; đồng thời để duy trì, phát triển và giữ gìn vốn ngôn ngữ truyền thống của dân tộc, Cao Duy Sơn đã sử dụng song ngữ để miêu tả một cách chi tiết về tục khai vài xuân. Và để hiểu hết ý nghĩa nhân văn trong điệu hát khai vài xuân, nhà văn họ Cao đã chuyển tải điệu hát này bằng chính ngôn ngữ Tày chứ không phải bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Qua điệu hát khai vài xuân bằng tiếng Tày, người đọc dẫu không hiểu nghĩa của tiếng Tày nhưng vẫn cảm nhận được những lời cầu chúc ấy đều xuất phát từ trái tim giàu nhân ái của người dân nơi đây; đồng thời qua đó thể hiện được tấm lòng sâu nặng, gắn bó keo sơn với cuộc sống và con người miền núi Tây Bắc của Cao Duy Sơn. Trong giao tiếp, người miền núi Tây Bắc nói chung và người Tày nói riêng thường hay sử dụng những hình ảnh so sánh và liên tưởng. Kiểu diễn ngôn này rất phù hợp với lối sống, với cách cảm, cách nghĩ của họ. Họ thường mượn những hình ảnh thiên nhiên, rừng núi, suối khe… để nhằm hiển lộ cốt cách, lối sống, tâm hồn và tỏ bày tâm trạng, thân phận của mình. Miêu tả về ngoại hình của hai chị em sinh đôi Du và Sìu, Cao Duy Sơn đã sử dụng những hình ảnh so sánh, liên tưởng rất phong phú: “Du và Sìu có bề ngoài giống như hai cái cày mới, cùng loại gỗ, kích cỡ kiểu dáng đều do một người khéo tay tạo nên”[5;tr.170]. So sánh sự thanh sạch của một cô gái trong Những đám mây hình người: “Bây giờ em thanh sạch như nước Bó Slao ấy, thảo nào bọn đàn ông cứ bám như vắt”. Nỗi buồn, sự đau đớn của Sinh khi không được lấy Ếm trong Chợ tình: “Buồn như con suối thu cạn nước”. Tiếng cười của cô gái bị điên trong Hấp hối: “Chuỗi cười vang lên sắc lạnh như vọng từ dưới đáy giếng, giọng cười khên khàn tóa ra như xé”. Người đàn bà góa trong cơn khát vọng hạnh phúc trong Góc trời Tây có cơn mưa đá: “Áp má vào lồng ngực vồng như hai quả đồi, nang nghe rõ trái tim Sín rộn nhịp trống hội”. Hạnh phúc mãn nguyện của Dình khi được Khơ tỏ tình yêu thương: “Nàng đã có người con trai ngỏ lời, như con chim đã có đôi, có suối có bóng núi làm bạn”[5;tr.95]. Cao Duy Sơn còn chu chuyển cả thành ngữ, tục ngữ của dân tộc mình vào trong tác phẩm. Cao Duy Sơn mượn những thành ngữ, tục ngữ để nói lên tâm tư, tình cảm, phẩm chất của các nhân vật. Tác giả vận dụng thành ngữ, tục ngữ để nói lên tình yêu chân thành, thủy chung, không quản ngại khó khăn, thử thách khi Dình và Khơ yêu nhau trong Hoa bay cuối trời: “Dình ơi! Em không ngại nhà anh phải đi qua sông lửa, không sợ leo đèo Khau Liêu làm nhạt muối mồ hôi, anh muốn được ngỏ lời yêu, nay mai được đón em về ở chung một nhà, sướng khổ có nhau” [6;tr.95].
5. Truyện ngắn Cao Duy Sơn đã góp thêm một cách nhìn, một lối viết, một giọng điệu và một cách cảm nhận mới, làm đa dạng thêm gia tài truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại. Với những thành tựu gặt hái được ở mảng truyện ngắn viết về đề tài này đã góp phần khẳng định được bản lĩnh, ý thức cũng như nhân cách của nhà văn họ Cao trong việc trân trọng, lưu giữ những giá trị nguồn cội của bản sắc văn hóa dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói chung. Những vấn đề Cao Duy Sơn đặt ra trong tác phẩm vì vậy không chỉ ở phạm vi của dân tộc mình, mà đó còn là những vấn đề mang tính phổ quát của toàn dân tộc Việt Nam và nhân loại. Tôi đồng tình với lời nhận định của Lê Văn Thảo khi cho rằng: “Cao Duy Sơn kể về cuộc sống của con người miền núi, nhưng tác phẩm đã vượt ra khỏi ranh giới địa phận người dân tộc mà đạt đến một ý nghĩa sâu xa hơn - nỗi đau chung vẫn hằn trong tâm thức con người” [10; Dẫn theo Tiểu Quên].
Chú thích:
1. Phan Chinh An (2009), “Đi tìm vẻ đẹp hoài niệm”, Nguồn: Vietnam.net.
2. Chu Thu Hằng (2008), “Cả đời tôi chỉ theo đuổi đề tài về người miền núi”, Nguồn: Báo Văn nghệ, (20/11).
3. Trần Hoàng Thiên Kim (2010), “Tôi đã được nhiều “lộc” từ quê hương”, Nguồn: Báo Văn nghệ, (122.112).
4. Cao Duy Sơn (1997), Những chuyện ở Lũng Cô sầu, Nxb Quân đội nhân dân.
5. Cao Duy Sơn (2008), Ngôi nhà xưa bên suối, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
6. Cao Duy Sơn (2008), Hoa bay cuối trời, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
7. Cao Duy Sơn (2010), Người chợ, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
8. Lâm Tiến (2002), Văn học và miền núi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
9. Lâm Tiến (2010), “Cách thể hiện con người, cuộc sống miền núi trong tác phẩm Cao Duy Sơn”, Tạp chí Cao Bằng.
10. Tiểu Quyên (2009), “Người đào “vàng văn chương” trên núi, (21/08), Nguồn: Baomoi.com.
11. Nguyệt Anh (2008), “Chất lượng khá hơn”, Nguồn: thethaovanhoa.vn.
22/10/2020
Bùi Như Hải
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...